Saturday, January 8, 2011

ĐẠI SỨ MICHAEL MICHALAK TỔNG KẾT MỘT NHIỆM KỲ (Người Việt)

Tiffany Lê/Người Việt
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt
Friday, January 07, 2011

Ðối thoại nhân quyền tiến bộ nhưng còn ‘nhiều dị biệt’

Ngày 20 tháng 1 sắp tới đánh dấu ngày cuối cùng nhiệm kỳ Ðại Sứ Michael W. Michalak tại Việt Nam. Ông nhận nhiệm sở này năm 2007 qua sự bổ nhiệm của TT George W. Bush, và sắp tới đây Tân Ðại Sứ David Shear sẽ đến Hà Nội thay thế ông.

Qua điện thoại từ Hà Nội, Ðại Sứ Michalak nói chuyện với phóng viên Tiffany Lê báo Người Việt về nhiệm kỳ của ông.
Tiffany Lê (NV): Hôm nào là ngày cuối của ông trong chức vụ đại sứ ở Việt Nam?
ÐS Michalak: Còn phải chờ giấy tờ chính thức. Con rùa hành chánh bò chậm lắm. Hy vọng tôi sẽ ra đi vào hôm 20 Tây.

NV: Ông thấy nhiệm kỳ của ông như thế nào?
ÐS Michalak: Tôi ở chức vụ này được 3 năm rưỡi nay. Nói chung thì hoàn toàn tuyệt vời. Quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn bao giờ. Theo tôi thì chắc chắn chúng ta đang đi đúng hướng.
Chúng ta có được hai cuộc viếng thăm của Ngoại Trưởng Hillary Clinton, một của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, và của vô số nam nữ dân biểu Hoa Kỳ. Sự thể là chúng ta đạt được tiến bộ ở nhiều lãnh vực khác nhau.

NV: Khi mới sang Việt Nam vào năm 2007, ba ưu tiên của ông là giáo dục, nhân quyền và ngoại thương. Chúng ta đạt được những mục tiêu nào?
ÐS Michalak: Dĩ nhiên giáo dục là thành tựu mà tôi cảm thấy tự hào nhất. Ở điểm này tôi cố đạt được gấp đôi số sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, cuối cùng chúng ta có được gấp ba lần. Hiện nay tổng số du học sinh là hơn 15,000.
Chúng ta đã thành công rất nhiều với chương trình Fulbright. Chúng ta đã bành trướng được chương trình này. Chúng ta tổ chức được cho những người từng tham gia chương trình này họp lại với nhau nói chuyện kinh doanh, trao đổi thông tin về việc làm, nói chuyện kinh doanh và các vấn đề khác nhau. Tôi rất lấy làm hãnh diện về phương cách chúng ta đã đi tới được trong vấn đề giáo dục.
Về quan hệ kinh tế và trao đổi mậu dịch, chúng ta đã nâng sự trao đổi song phương lên một mức mới, gần $16 tỉ hồi năm ngoái và năm nay, con số vẫn tiếp tục tăng cao, có lẽ phá kỷ lục.
Chúng ta có được thành công lớn với Microsoft, với Boeing, cùng một số công ty khác nữa.
Chúng ta đang làm việc với chính quyền sở tại để có được qui định cụ thể đối với sự hợp tác giữa lãnh vực công và lãnh vực tư nhân.
Theo tôi mối quan hệ này đang đi đúng hướng để có thể mở rộng thêm.
Về nhân quyền, theo tôi trong khi hai bên đang có sự khác biệt rất lớn ở điểm này, điều chúng ta đã thực hiện được là nâng mức đối thoại lên một bậc cao hơn. Hiện nay hai bên chúng ta có thể nói chuyện cởi mở và thành thật về nhiều vấn đề. Chúng ta nói chuyện với chính phủ về một số chương trình của họ. Gần đây chúng ta mới ký kết một thỏa thuận để cùng làm việc về việc thi hành Qui Ước Liên Hiệp Quốc Chống Lại Sự Tra Tấn. Chúng ta đang làm việc với họ để có được sự giúp đỡ về kỹ thuật đối với vấn đề đất đai, giúp họ tìm ra một phương cách tốt đẹp để giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai, bằng đường lối minh bạch có thể chấp nhận được. Chúng ta nói chuyện với họ về việc tái duyệt thường kỳ về tình trạng nhân quyền. Dù rằng tiến bộ chỉ có tính cách rời rạc nhưng nói chung ở lãnh vực này chúng ta có đạt được tiến bộ.

NV: Giữa Hoa Kỳ với Việt Nam có quan điểm khác biệt về nhân quyền, dân chủ, tự do tư tưởng, vân vân. Vậy thì hai nước đồng thuận được với nhau những gì?
ÐS Michalak: Chúng ta tin rằng xóa đói giảm nghèo là điều tốt, tự do tôn giáo là điều tốt. Chúng ta tin rằng dân chúng cần được tự do chọn lựa nơi họ thích làm việc, người họ muốn cưới, nơi họ muốn đi học. Càng ngày hai bên càng thu hẹp quan điểm khác biệt về việc tham gia của dân chúng trong tiến trình của chính phủ, phê bình công khai và những điều đại loại như thế. Xã hội dân sự tiến chậm nhưng có tiến. Hiệp hội American Bar Association mới đây được phép làm việc ở Việt Nam, hiện họ đang làm việc với Bộ Tư Pháp.
Theo cá nhân tôi, một trong những điều lớn lao nhất chúng ta thỏa thuận được là chúng ta vẫn tiếp tục đàm phán về vấn đề này, và cần phải đàm phán theo tinh thần cởi mở và thành thật.
Lấy ví dụ, tôi được tiếp xúc với Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết trong rất nhiều dịp và trong mỗi dịp như thế chúng tôi đều bàn thảo vấn đề nhân quyền. Một điều thích thú là tôi không phải là người nêu vấn đề này ra mà chính ông ta. Tôi nghĩ ông ta có thiện chí bàn đến vấn đề này dù rằng chúng ta vẫn còn nhiều chưa hài lòng. Chúng tôi đều tin nơi sự đàm phán và vẫn tiếp tục nói chuyện để thu hẹp lại mối dị biệt của đôi bên.

NV: Ông nghĩ sao về việc nhà ngoại giao Mỹ Christian Marchant bị hành hung, và sự kiện này có hậu quả gì đến Việt Nam về lâu về dài?
ÐS Michalak: Như chúng tôi đã nói, ở Washington và ở Việt Nam, chúng tôi xem vấn đề này là hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi đã lên tiếng phản đối ở cả hai nơi (Hà Nội và Washington), vấn đề này đang được đem ra bàn cãi tích cực với Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đang nghiêm túc xem xét và điều tra về vấn đề này. Chúng ta đang chờ xem cuộc điều tra đi đến đâu. Nói theo lãnh vực bang giao, theo tôi, chúng ta có một quan hệ rộng rãi và sinh động, đủ mạnh để khắc phục được sự kiện này.

NV: Thử thách lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông là gì?
ÐS Michalak: (Cười) Thật tình mà nói, tôi vừa mới đặt tay ký hơn 200 giấy khen cho những người làm việc trong đoàn ngoại giao tại đây. Tay tôi giờ đang tê cứng đây! (Cười)
Tôi cho là, thực tế mà nói, đó là cố làm sao để giữ cho tất cả mọi yếu tố về bang giao đang nổ bùng trong đầu tôi, đồng thời cố cân bằng các ưu tiên mà chúng ta đang có. Cố cân bằng ngân sách, duy trì đủ nhân viên cần thiết, và bảo đảm là tôi có thể tương tác với chính quyền Việt Nam theo một cách có thể đẩy mạnh tới trước trên một bình diện rộng lớn.
Một trong những thử thách lớn là bộ máy hành chánh lề mề chậm chạp của Việt Nam. Nhiều công ty của chúng ta có nhiều dự án quan trọng mà Việt Nam hết sức cần đến, như xây thêm trường, hạ tầng cơ sở, hoặc làm sao để có đủ máy bay, vân vân. Nhưng họ phải mất nhiều, rất nhiều thời gian mới đi tới được quyết định. Thật là hết sức bực mình vì chúng tôi không thể nào tiến nhanh hơn được.

NV: Ông có lời khuyên gì đối với tân đại sứ?
ÐS Michalak: Ðây là những điều tôi sẽ nói với ông David bạn thân tôi. Tôi sẽ khuyến khích ông ấy nên tiếp tục nỗ lực hơn trong lãnh vực giáo dục. Ðó là vấn đề quan trọng duy nhất có thể giúp đỡ cho Việt Nam. Dĩ nhiên là cũng nên tiếp tục với ba ưu tiên tôi đã đề cập đến, nhưng chắc chắn ông ấy cũng có ưu tiên riêng của mình. Ngoại Trưởng Clinton có bàn về sự lớn mạnh sinh động và to lớn trong bang giao của chúng ta. Chắc chắn là ông tân đại sứ sẽ nghe chỉ thị của bà, nghe những điều mà bà muốn thực hiện. Tiếp tục xây dựng niềm tin và tín nhiệm giữa hai nước. Tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ bắt đầu làm sạch Tác Nhân Da Cam vào giữa năm nay. Và tất cả những vấn đề ấy theo tôi là hết sức quan trọng. Tôi bảo đảm là ông ấy cũng xem trọng các vấn đề ấy.

NV: Ông đánh giá sự đàm phán về nhân quyền từ lúc ông mới đảm nhận chức vụ cho đến nay như thế nào? So sánh cho tới bây giờ có khác biệt nào chăng?
ÐS Michalak: Việc nói chuyện về nhân quyền đi dần từ chỗ hai bên nghi ngờ lẫn nhau như “Thực sự mấy người này muốn gì đây?” Sang đến điều mà tôi tin, là chính quyền Việt Nam có thể hiểu rằng, chúng ta muốn thấy Việt Nam có một chính quyền thịnh vượng, hùng mạnh. Chúng ta chẳng có một nghị trình bí ẩn nào. Theo tôi, khi họ nhận thức được điều đó, họ sẽ sẵn sàng nói chuyện cởi mở hơn và chân thật hơn về nhiều vấn đề, đồng thời hiểu được người Việt từ đâu đến, và hiểu luôn chúng ta từ đâu đến. Theo tôi, phát triển được sự tôn kính lẫn nhau đó có thể giúp chúng ta làm việc gần gũi hơn về các vấn đề của chính quyền như chống tham nhũng, vấn đề quyền làm chủ đất đai.

NV: Món ăn Việt Nam nào ông thích nhất?
ÐS Michalak: Bún chả và chả cá.

NV: Ông thích uống cà phê sữa đá hay sinh tố?
ÐS Michalak: Cà phê sữa đá.

NV: Ông thích trái cây nhiệt đới nào?
ÐS Michalak: Xoài. Tôi mê xoài. (Cười.) Hầu như trái cây nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tôi cũng thích hết. Trái cây ở đấy theo tôi là ngon nhất thế giới.

NV: Bao giờ thì ông sẽ ghé thăm chúng tôi?
ÐS Michalak: Ồ tôi thích lắm chứ. Nhiệm sở sắp tới của tôi sẽ là ở Seattle, bấy giờ chắc chắn tôi sẽ tìm xuống Califonia để thăm bạn bè ở Quận Cam và ở khắp tiểu bang.


Michael W. Michalak là một viên chức ngoại giao chuyên nghiệp, nhậm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 10 tháng 8 năm 2007. Trước đó, Ðại Sứ Michalak đại diện Hoa Kỳ tại APEC.
Trong hơn 30 năm làm việc tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Michalak phục vụ tại Tokyo, Sydney, Islamabad (Pakistan), Bắc Kinh, cũng như tại thủ đô Washington. Ông từng được tuyên thưởng vì sự can đảm trong thời gian khủng hoảng khi Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Islamabad bị khủng bố tấn công.
Ông Michalak sinh tại Detroit, Michigan, tốt nghiệp cử nhân Vật Lý tại đại học Oakland University (Rochester, Michigan) và bằng thạc sĩ Vật Lý tại đại học American Catholic University (Washington, D.C.). Ngoài ra, ông có bằng thạc sĩ Quản Lý công trường John F. Kennedy School of Government tại Ðại Học Harvard.
Ông Michalak có gia đình và ba con gái.
.
.
.

No comments: