ĐẠI HỘI TDTT TOÀN QUỐC 2010: VÊNH VÁO THÀNH TÍCH ẢO Tạ Phong Tần
13/01/2011
http://taphongtan.wordpress.com/2011/01/13/3027/ Việt Nam đang tổ chức đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2010, các vận động viên ra sức tranh tài với nhau nhộn nhịp, nóng bỏng. Đây là mục tiêu đúng, là môi trường sàng lọc để tuyển chọn những nhân tố mới, tài năng mới cho thể thao nước nhà ra tranh tài với thế giới, nhưng đã bị các nhà quản lý, lãnh đạo ngành thể thao làm mất đi ý nghĩa vì chạy theo những con số đẹp, màu huy chương đẹp.
Nếu đọc báo, người ta tưởng chừng như vài năm tới Việt Nam sẽ vô địch môn bơi lội thế giới khi vận động viên (VĐV) dự đại hội kỳ này phá quá nhiều kỷ lục quốc gia lẫn kỷ lục khu vực. Người hâm mộ chợt nhớ thời gian qua, khi tranh tài với các quốc gia khác, bơi lội chưa bao giờ là môn thể thao thế mạnh của Việt Nam.
Các tờ báo lớn trong nước giật những cái tít kêu đến giật mình. Nào là: "
Các kình ngư tạo "mưa" kỷ lục" (Thanh Niên 26/12/2010), "Tiểu kình ngư dậy sóng đường đua xanh" (Thanh Niên ngày 28/12/2010). Dân Trí (27/12/2010), Vietnamnet (28/12/2010), Người Lao Động (27/12/2010), Lao Động (28/12/2010) đồng giật những cái tít "Môn bơi tiếp tục bùng "nổ" thành tích", "13 kỷ lục được thiết lập ở môn Bơi", "13 lượt kỷ lục ở môn bơi", "Mưa kỷ lục ở đường đua xanh". Là người hâm mộ, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ khi báo Việt Nam "nổ banh nhà lồng" với những danh hiệu tự phong rổn rảng, vênh váo với thành tích ảo. Điểm lại thành tích được liệt kê trên các báo, người đọc sẽ thấy:
"Ngày khởi tranh môn bơi (hồ 50m) tại bể bơi thể thao thành tích cao TP Đà Nẵng đã chứng kiến cơn mưa kỷ lục của các kình ngư. Có đến 7 kỷ lục QG, 8 kỷ lục đại hội bị phá trong số 9 nội dung thi đấu.
Ở nội dung 100m nam tự do chứng kiến màn rượt đuổi xô đổ kỷ lục của ba chàng trai: Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng, thành tích 50"92), Phạm Thành Nguyên (Long An, thành tích 51"90), Nguyễn Thanh Hải (Quân đội, thành tích 52"63). Kỷ lục cũ nội dung này là 52"74 do Hoàng Quý Phước thiết lập. Quý Phước cùng đồng đội còn phá kỷ lục ở nội dung 4x100m nam tự do với thành tích 3’29"82 (kỷ lục cũ 3’38"96).
Các kỷ lục đáng chú ý khác: 50m ếch nam: Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng, thành tích 28"39, kỷ lục cũ 28"92), 50m ếch nữ: Phạm Thị Huệ (Quảng Bình, thành tích 32"46, kỷ lục cũ 33"32), 200m ngửa nữ: Dương Thị Thơm (Quảng Ninh, thành tích 2’21"22, kỷ lục cũ 2’22"35), 200m ngửa nam: Nguyễn Ngọc Quang Bảo (TP.HCM, thành tích 2’06"82, kỷ lục cũ 2’07"15), 200m hỗn hợp nữ: Nguyễn Thị Kim Tuyến (TP.HCM, thành tích 2’22"53, kỷ lục cũ 2’24"68)… TP.HCM tạm dẫn đầu bảng tổng sắp sau ngày thi đấu đầu tiên với 3 HCV, Đà Nẵng xếp nhì với 2 HCV".
"Ngày thi đấu thứ hai môn bơi tiếp tục chứng kiến cơn mưa kỷ lục khi có đến 7 kỷ lục quốc gia (KLQG) trong số 8 nội dung thi đấu. Đáng nói là, những người làm nên thành tích này đều là những kình ngư còn rất trẻ của làng bơi lội Việt Nam.
Trong ngày thi đấu sung sức, tay bơi 16 tuổi Nguyễn Thị Kim Tuyến (TP.HCM) liên tiếp phá 2 KLQG ở nội dung 50m bướm nữ (thành tích 28"51, kỷ lục cũ 28"69) và 400m tự do nữ (thành tích 4’24"39, kỷ lục cũ 4’27"18). Không chịu thua kém đồng đội cùng trang lứa, tay bơi Trần Tâm Nguyện cũng mang về 2 KLQG ở nội dung 100m tự do (thành tích 59"09, kỷ lục cũ 59"39) và 400m tự do nữ (thành tích 4’26"29, kỷ lục cũ 4’27"18). Niềm tự hào của bơi lội Đà Nẵng, kình ngư 17 tuổi Hoàng Quý Phước tiếp tục tỏa sáng khi phá KLQG nội dung 50m bướm và phá kỷ lục đại hội ở nội dung 100m ếch nam. TP.HCM vẫn duy trì hạng nhất sau 2 ngày thi đấu với 6 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ; Đà Nẵng xếp nhì với 5 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ".
Lý giải nguyên nhân "mưa kỷ lục" này, Tuổi Trẻ cho biết "Đồ bơi công nghệ cao đã tạo ra cơn mưa kỷ lục ở môn bơi lội trong ngày thi đấu đầu tiên tại Đại hội TDTT toàn quốc ở Đà Nẵng. Chỉ với chín nội dung nhưng đã có 14 kỷ lục quốc gia (KLQG) và kỷ lục đại hội (KLĐH) bị phá… Chỉ duy nhất nội dung 4x200m tự do nữ chung kết là không có kỷ lục, còn lại tất cả nội dung trong ngày thi đấu đầu tiên đều bị phá kỷ lục", "Hầu hết VĐV đội tuyển bơi lội quốc gia đến VĐV ở các địa phương, các đoàn đều mặc bộ đồ bơi công nghệ cao dài quá đầu gối. Đây là lý do chính khiến cơn mưa kỷ lục xuất hiện".
"Duy nhất tay bơi Đỗ Huy Long (Hà Nội) nguyên là thành viên đội tuyển đã không sử dụng đồ bơi công nghệ cao. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà ở nội dung sở trường 200m ngửa, Huy Long đã lần đầu tiên bị VĐV Nguyễn Ngọc Quang Bảo (TP.HCM) mặc đồ bơi công nghệ cao vượt mặt và giành HCV với thành tích 2 phút 06 giây 82".
Hoàng Quý Phước - tay bơi duy nhất giành huy chương tại SEA Games 25 mà không có sự hỗ trợ của đồ bơi công nghệ cao. Ảnh: Tuổi Trẻ
Giá một bộ đồ bơi công nghệ cao không rẻ, "một chiếc quần bơi công nghệ cao trung bình 450 USD và trọn bộ quần liền áo của VĐV 1.000 USD". Báo Tuổi Trẻ cũng khẳng định tiền trang bị bộ đồ bơi công nghệ cao cho VĐV là tiền nhà nước, tức tiền ngân sách, và cũng phải hiểu là tiền thuế của người dân. "Hiệp hội Thể thao dưới nước VN (VASA) không tuân thủ lệnh cấm của FINA đã đẩy các địa phương vào cuộc đua thành tích ảo tốn tiền nhà nước", "rất nhiều VĐV khác đều sử dụng bộ đồ bơi công nghệ cao và phá kỷ lục với những thành tích rất ấn tượng".
Trả lời câu hỏi "Ông có thể cho biết chi phí tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2010?" của báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Vĩnh Giang – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, về công tác tổ chức Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2010 nói: "Không thể tính toán được số tiền mà mỗi đại hội TDTT toàn quốc tiêu tốn. Chẳng hạn Đại hội TDTT 2010 tại Đà Nẵng đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để xây dựng nhà thi đấu thể thao. Đó là chưa kể cơ sở vật chất của các địa phương đầu tư tập luyện cho VĐV. Vì vậy, không thể có con số chính xác về chi phí tổ chức đại hội".
Không nói rõ ra nhưng qua câu trả lời của ông Hoàng Vĩnh Giang và giá bộ đồ bơi công nghệ cao, người dân cũng có thể hiểu rằng số tiền ngân sách (mồ hôi nước mắt dân Việt Nam trong thời bão giá) chi cho đại hội TDTT 2010 lần này không hề nhỏ chút nào.
ông Đinh Việt Hùng, tổng thư ký VASA, cho rằng vì FINA chỉ cấm mặc đồ bơi công nghệ cao ở những giải quốc tế nên các giải trong nước vẫn có thể cho sử dụng. Ông Hùng cho biết có thể sau đại hội này ban tổ chức mới đưa vấn đề này ra xem xét và có thể sẽ không cho VĐV sử dụng đồ bơi công nghệ cao!
"Từ ngày 1/1/2010, Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) đã áp dụng lệnh cấm đối với đồ bơi công nghệ cao tại các giải đấu do FINA tổ chức". Tại Asiad vừa qua, lệnh cấm này cũng được thực hiện triệt để. Vậy VĐV Việt Nam "phá kỷ lục" nhờ vào những bộ đồ bơi công nghệ cao (vi phạm lệnh cấm) thì môn bơi lội Việt Nam phỏng có ích gì? Hay các quan chức thể thao Việt Nam lấy làm thỏa mãn, hài lòng khi VĐV Việt Nam liên tiếp lập "thành tích" trong "ao nhà" để họ có cái ghi vào bảng thành tích cuối năm của cá nhân họ mới là mục đích trên hết, mặc cho thể thao Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt sau lưng thiên hạ, mặc cho người dân tự đối phó với nước ngập, đường xấu, cầu gãy…. đe dọa tính mạng người dân mà nhà nước lại… thiếu kinh phí sửa chữa? Tự thỏa mãn với những thành tích ảo như thế chẳng khác nào đang phá hoại đất nước này.
Tạ Phong Tần.
.
.
No comments:
Post a Comment