Wednesday, January 19, 2011

ĐẠI HỘI ĐẢNG và ÔNG THỢ GIÀY (truyện phiếm của Caubay)

(Cậu Bảy tái xuất Ba Đình (VI)
Caubay − Truyện phiếm
19-01-2011 

Mới xem tưởng khỉ làm hề
Xỏ đôi giày cũ lết lê diễn tuồng
Thật ra là bọn con buôn
Mị dân bán nước qua truông "nhà Hồ"!
Hồi thứ 106
Họp đại hội, cả bọn đo ni
Thi bán giày, cả lũ bị đòn


Từ khi về Ba Đình, Cậu Bảy vẫn ngụ một chỗ là nhà sàn của Bác Hồ. Hằng ngày Cậu Bảy dậy sớm ra lan can múa vài đường quyền để tập thể dục cho có lệ, gọi là nêu tấm gương ăn ở hợp vệ sinh cho đám phục vụ. Sau đó uống cà phê, làm vài điếu Phillip Morris, đọc báo, dùng điểm tâm xong rồi thả bộ quanh vườn hoa. Kể cũng đáng goi là nhàn hạ.

Nhà sàn kiến trúc tuy đơn sơ nhưng tiện nghi, có đủ phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, và cả phòng đọc sách trông ra hồ cá rất hữu tình. Gian giữa, nơi trang nghiêm nhất, có cái tủ đứng bằng gỗ lim cũ kỹ, được dùng như cái bàn thờ, trên đó thay vì chân dung của ông bà Nguyễn Sinh Sắc thì lại chưng 2 tấm hình của Marx và Lenin. Kế các tấm hình ấy có một cái hộp bằng sắt như cái rương nhỏ, đã hoen rỉ, được khóa lại cẩn thận. Mạnh Đức nhiều lần tới thăm và lần nào cũng lại gần bàn thờ lâm râm khấn nguyện trông rất thành khẩn, khi ra về lại cẩn thận dặn dò Cậu Bảy chớ nên mở cái hộp ấy. Úp úp mở mở cứ như căn phòng bí mật của con yêu trong một chuyện cổ tích. Cậu Bảy bản tính cũng tò mò, nghe dặn dò lại càng thắc mắc hơn nữa, nhưng vốn thường tự cho mình là bậc quân tử nên ráng dằn lòng mà chẳng thèm tìm cách bẻ khóa. Tuy vậy cũng có vài lần cầm lòng không đặng, Cậu Bảy lén nâng thử, thấy nhẹ bèn lắc lắc thì nghe xục xịch bên trong.

Độ hơn tháng trở lại đây Mạnh Đức thường xuyên tới thăm Cậu Bảy, hỏi han qua loa vài câu xã giao rồi lấy cái hộp ấy mang đi, đến chiều lại mang về trả lại chỗ cũ, mặt mày lại chẳng khi nào được vui. Hành động khác lạ, có phần mờ ám của Mạnh Đức trông rất khả nghi. Rồi một hôm trước khi đại hội Đảng khai mạc vài ngày, Cậu Bảy hỏi khéo Mạnh Đức rằng:
- Tôi với ông Bí cũng là chỗ thâm giao bấy nay, tưởng cũng rõ gan ruột của nhau. Vậy nếu tôi ở đây có điều chi bất tiện thì xin ông Bí cứ cho biết để tôi dọn ra cho sớm.

Mạnh Đức vội thưa:
- Thầy ôi! Tôi tuy ít học về đạo đức làm người nhưng cũng hiểu đặng đạo tôn sư, lẽ nào lại dám vô lễ. Không biết ở đây có đứa nào chễnh mãng, chẳng hầu hạ Thầy cho đúng mức hay sao mà Thầy bất bình nói ra lời ấy?

Cậu Bảy lắc đầu:
- Không! Các cô chú ở đây đều phục vụ chu đáo lắm. Việc tôi áy náy là do độ rày hình như ông Bí có điều gì muốn giấu tôi thì phải?

Mạnh Đức nghe qua đoán hiểu cớ sự, bèn cúi đầu thưa:
- Việc ấy thật ra tôi chưa kịp trình, chẳng qua là chuyện nội bộ, mới đầu tưởng cũng dễ giải quyết như các lần trước nên không dám phiền đến Thầy, chẳng ngờ kỳ này lại lôi thôi quá.

- Ông Bí à, tôi về nước kỳ này là nhằm giúp ông Bí một tay trong lúc khó khăn. Chuyện đôi ta coi bộ cũng chẳng còn bao lâu nữa, vậy ngọt đắng gì cũng nên san sẻ cùng nhau cho đặng vẹn tình.

- Xin đa tạ Thầy, vậy thì tôi xin thưa ngay.

Nói xong Mạnh Đức lấy chìa khóa mở cái hộp sắt, lấy ra một cái bị vải, lôi trong ấy ra một đôi giày, hai tay trịnh trọng đặt lên bàn rồi nói:
- Đây là linh vật của Đảng tôi…

Cậu Bảy thấy đó là một đôi giày tây cũ bằng da đã há mõm, đế mòn gần hết, chưa kịp hỏi thêm thì Mạnh Đức tiếp:
- Đây là đôi giày mà đồng chí Stalin vĩ đại đã tặng cho phụ thân tôi từ ngày lưu lạc bên Nga. Nó đã đưa người lặn lội khắp nơi từ dạo ấy.

- Nhưng nó đã cũ mèm rồi thì vất đi chứ để làm gì cho dơ nhà, dơ cửa.

Mạnh Đức vội ôm lấy đôi giày vào lòng như sợ nó bay mất, đưa lên mũi hít hít vài cái rồi nói:
- Thầy ôi! Nhờ nó mà phụ thân tôi đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tế cho thấy rằng nơi nào có in dấu giày này, nơi đó rất nhiều người sớm được lên... thiên đàng.
- Nhưng nay nó đã hỏng rồi thì cũng chẳng nên tiếc. Bất quá thì cất vào trong kho như một kỷ vật, chớ nên tôn thờ như vật báu mà thiên hạ chê cười.
- Người mình thường nói "có kiêng có lành." Đôi giày này có linh hay không tôi cũng chẳng rõ, chỉ biết rằng trước khi qua đời, phụ thân tôi đã để lại một lời nguyền về nó.
- Lời nguyền ấy ra sao?
- Là hễ ai muốn kế vị người thì phải mang cho vừa đôi giày đó. Phụ thân tôi dạy rằng chỉ người nào mang vừa vặn thì mới thiệt là học trò xuất sắc của người. Người ấy mới đích thị là truyền nhân.
- Thì ra thế! Nhưng việc gì hổm rày tôi thấy ông Bí lại chẳng vui?
- Số là như vầy. Mấy hôm nay chúng tôi đang lo việc sắp xếp nhân sự cho kỳ đại hội sắp tới. Kỳ này rất phức tạp vì có nhiều kẻ tranh nhau, đứa nào cũng cho mình mang vừa khít đôi giày ấy cả.

Cậu Bảy liếc nhìn đôi giày một lúc rồi hỏi Mạnh Đức:
- Mấy năm nay ông Bí mang đôi giày ấy có êm không?
- Tuy là đồ gia bảo nhưng tôi chả thích. Để trên bàn thờ hù tụi nó chơi thôi.
- Kỳ này tụi nó tranh nhau ra sao?
- Như chó tranh xương. Mỗi lần đứa này thử giầy, đứa kia đứng ngoài gầm gừ chê bai, chỉ chỏ gièm pha, cứ như cái chợ cá, chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào cả. Bây giờ tôi định nhờ Thầy làm trọng tài cho cuộc "đo ni" này. Tôi nhắm hễ thầy phán thì chẳng đứa nào dám cãi.

Đến đây thiết tưởng cũng nên nhắc sơ ý nguyện bình sinh của Cậu Bảy là tìm cách khai trí bọn đầu sỏ Ba Đình, ước mong thay đổi cái chế độ mục ruỗng hiện tại. Ở đây đã mấy tháng, lòng cũng đà nhớ vợ con, nhưng nghĩ rằng kỳ đại hội Đảng sắp tới đây là dịp tốt để góp ý cho chúng, nên nấn ná chờ. Thế nhưng càng tiếp cận với các đối tượng, Cậu Bảy càng thấy rằng cái hy vọng đó rất hão huyền. Cái ngu, cái tham, cái ác, cái hèn của bọn đảng viên cộng sản, đặc biệt là bọn đầu sỏ Ba Đình đã đến hồi hết thuốc chữa. Trong cái "Trung ương" ấy đứa nào cũng tiến sĩ, cử nhân, mà thật ra dốt đặc. Toàn cá mè một lứa, chả có đứa nào có tư cách, khả năng gì coi cho được ngoài tài nói láo và lừa đảo. Trước hiện trạng đó, Cậu Bảy cho rằng nếu nhận lời thì chẳng khác gì bươi đống phân trâu mà mong tìm ngọc quí, dính vào việc ấy là rước cái khó vào thân, chi bằng để Mạnh Đức chọn cho khỏe. Nghĩ thế nên bảo Mạnh Đức:
- Theo ông Bí thì đứa nào mang vừa nhất?
- Chẳng có đứa nào sất. Mà thật ra cũng chẳng có đứa nào thật tâm muốn mang đôi giày trần ai ấy. Toàn bọn cám!
- Cám là thế nào?
- Thầy có nhớ chuyện cổ tích Tấm Cám không? Bọn đó đứa nào cũng muốn đẻo gót cho vừa giày như con Cám cả nên nhặng xị cả lên.
- Thế mà tôi cứ tưởng ông Bí nói cám heo, bầy nhầy hổ lốn...

Mạnh Đức thở dài:
- Thầy nghĩ vậy cũng chẳng sai. Vậy Thầy đồng ý giúp cho tôi chứ?
- Tôi chưa từng làm nghề sửa giày nên chẳng dám nhận lời...

Manh Đức năn nỉ:
- Nay nước đã tới chân, nếu Thầy từ chối thời tôi biết trong cậy vào ai?

Cậu Bảy thấy Mạnh Đức tha thiết như vậy lại sinh lòng trắc ẩn:
- Bấy nay ông Bí đãi tôi rất trọng, tấm thịnh tình đó tôi cũng mong có ngày báo đáp. Vậy xin ông Bí cho tôi vài hôm suy nghĩ.

Mạnh Đức cả mừng, xuống bếp pha trà bưng lên hầu rồi từ giã.

Tuy nhận lời với MạnhĐức, Cậu Bảy vẫn không tìm ra kế gì cho hay, lòng rất lấy làm phiền muộn. Một hôm Cậu Bảy thơ thẩn bước vào thư phòng, nơi "bác" vẫn thường ngồi làm việc. Phòng đọc sách này không lớn lắm, trong đó có vài tác phẩm mà hồi còn ở trong nước Cậu Bảy thường thấy dưới đáy các gánh xôi như Lenin toàn tập, Mao tuyển, Hồ Chí Minh toàn tập...Ngoài ra còn có các tác phẩm của Trần Dân Tiên, Thương Lan, Trần Lực, XYZ... Cậu Bảy lấy xuống vài cuốn liếc sơ qua, thấy quá nhàm nên để lại chỗ cũ. Đang buồn bực, bất chợt Cậu Bảy thấy một cuốn sách vơi tựa đề hơi lạ; đó là cuốn "Nghệ thuật hóa trang" của ký giả Trần Dân Tiên. Cậu Bảy lật xem, càng đọc càng hấp dẫn vì tác giả đã trình bày cặn kẽ nghệ thuật hóa trang, từ sự thay đổi dung mạo, thanh âm, cho đến những tiểu xảo đánh lừa người khác trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt nơi cuối sách có phần thực hành, chỉ cách chế tạo mặt nạ, trong đó cái bịch nylon chứa một cái mặt nạ mẫu đã cũ. Cậu Bảy lấy ra ướm thử , lại soi gương thì thấy quen quen, hồi lâu mới nhận ra đó là một nhà cách mạng rất đáng kính. Đang ngắm nghía cái mặt nạ thì sực nhớ tới Mạnh Đức, Cậu Bảy bỗng nghĩ ra một kế hay.

Chiều hôm ấy Cậu Bảy thu xếp hành trang lặng lẽ rời khỏi nhà sàn, không quên đem theo cuốn sách dạy hóa trang. Hôm sau Mạnh Đức đến không thấy Cậu Bảy, chỉ thấy trên bàn có mảnh giấy nhỏ với lời nhắn:
Tôi có việc cần kíp phải về Mỹ mà chẳng kịp từ giã, xin ông Bí thứ lỗi. Việc sửa giày đôi giày cũ đó cho hợp thời trang là một điều vạn nan, hẳn phải cần anh thợ giày cho giỏi, tôi nhắm chẳng đảm đương nổi việc ấy, vậy xin ông Bí tìm người khác.

Kính bái.

Đôi giày cũ . Nguồn: OntheNet

Mạnh Đức đọc xong mẫu tin rụng rời tay chân, vừa buồn vừa giận ông thầy bạc tình. Ngày đại hội Đảng đến gần kề mà vẫn chưa "nhứt trí" được kẻ kế vị nên Mạnh Đức lo lắm, bèn triệu tập phiên họp Trung ương bất thường kỳ thứ 15 để giải quyết, mà cũng chẳng xong. Thế rồi đại hội Đảng cũng đành khai mạc trong cảnh rối như tơ vò, sân khấu đã kéo màn thì diễn viên đành phải diễn. Cả bọn cứ thay nhau đăng đàn đọc diễn văn, báo cáo, dự thảo...nghe xôm tụ lắm.

Vào những ngày cuối tuần giữa kỳ đại hội Đảng, trong khi khắp Hà Nội tràn ngập cờ xí và khẩu hiệu thì tại phố Hàng Giày thì có phần đặc biệt hơn. Đó là ngoài các băng-rôn đỏ choét chào mừng đại biểu và ca ngợi thành tích đạt được như mọi nơi, còn có băng quảng cáo một tiệm sửa giày mới khai trương. Trên bảng hiệu vắn tắt đề:
Khai Trí
Chuyên sửa giày đủ loại

Đồng thời với việc khai trương tiệm giày này, khắp thủ đô những ngày qua ở đâu người ta cũng nghe lũ trẻ đánh giày vừa đi vừa ca:
Hỡi anh mặt mo
Chân to giày nhỏ
Hỡi chị đít đỏ
Chân nhỏ giày to
Chẳng hợp số đo
Đôi giày quá cũ
Xin mời cả lũ
Khai Trí tới nhanh
Khít chị vừa anh
Sướng như có bác!
Bài đồng dao này chẳng mấy chốc đến tai Mạnh Đức. Như người chết đuối bắt được phao, Mạnh Đức ra lịnh đình chỉ đại hội một buổi chiều để dẫn các "ứng viên" gồm Tham Giàu, Ba Dũng và Tư Sang đến tiệm Khai Trí để đo ni.

Ông chủ tiệm giày đang lúi húi đánh bóng các đôi giày cũ nơi cửa tiệm thì thấy khách bước vào. Ông kéo thêm mấy cái ghế đẩu mời khách ngồi rồi hỏi:
- Quí khách cần chi?

Mạnh Đức thay mặt cả bọn, lôi đôi giày há mõm đưa cho ông thợ rồi nói:
- Anh em chúng tôi có đôi giày cũ quí lắm do một ông bác để lại, đứa nào cũng muốn mang mà chẳng vừa chân. Chúng tôi chẳng biết để cho ai nên tới đây nhờ ông coi thử.

Ông chủ tiệm giày móc túi lấy đôi kính gọng vàng đeo hơi trễ xuống cánh mũi, cầm đôi giày lật qua lật lại một hồi rồi ngước lên, đôi mắt hí nhướng nhướng nhìn phía bên trên gọng kính, quan sát cả bọn một cách soi mói thêm hồi nữa rồi nói:
- Đôi giày này tốt lắm, đi rất êm, ít gây tiếng động. Nó là loại giày chế riêng cho mấy tay chuyên làm mật thám vào đầu thế kỷ trước bên Âu châu. Nhưng bây giờ nó đã lỗi thời, tôi nhắm bề ngoài các ông coi bộ cũng có tiền, chẳng nghèo túng chi, cớ sao lại tranh nhau món đồ phế thải này?

Mạnh Đức bảo:
- Nó tuy cũ nhưng là vật linh, dẫu ông bà cha mẹ chúng tôi trên bàn thờ cũng chả dám sánh.
- Nói thế thì đây là báu vật, thôi để tôi ráng giúp các ông một phen.

Cả bọn nghe nói cả mừng, lại quen thói cũ giành nhau hối lộ cho ông thợ giày. Tham Giàu lên tiếng trước:
- Nếu ngài sửa vừa chân tôi, việc đầu tiên là tôi sẽ dẫn ngài đi Trung Quốc chơi.

Ba Dũng tiếp:
- Trung Quốc dơ bỏ mẹ, Mỹ mới sướng. Nếu sửa vừa chân tui, tui nói con gái dới lại thằng rể tui bao ông đi Mỹ.

Tư Sang cướp lời:
- Ông mà tin cha nội "yêu sự thật ghét giả dối" đó thì có ngày bán lúa giống. Sửa cho tui, tui hứa ông muốn đi đâu cũng được ráo trọi.

Cả bọn lại nhao nhao lên, anh này tìm cách nói xấu anh kia, loạn như cái chợ. Ông thợ giày bèn lên tiếng:
- Việc sửa giày đối với tôi dễ ợt! Cái khó là không biết chọn ai vì các ông cùng mè một lứa. Thôi tôi ra một cuộc thi, hễ ai thắng thì tôi sửa cho vừa người đó.

Cả bọn nghe nói đến việc học hành thi cử thì tái mặt, đồng thanh nói:
- Chúng tôi tuy đều có bằng cấp nhưng chưa từng đi thi, vậy xin ông ra đề dễ dễ.
- Tôi đâu có phí thì giờ hỏi chữ mấy ông. Bây giờ các ông đem đôi giày này ra phố giả bộ rao bán. Hễ ai tìm được nhiều người mua thì người đó thắng.

Cả bọn nghe nói cả mừng, đều khen là giải pháp công bình, bèn hí hửng lấy đôi giày ra chợ. Độ vài giờ sau cả bọn trở lại, mặt mày sưng vù, bầm tím. Ông thợ giày bèn hỏi:
- Ai là kẻ thắng cuộc?

Mạnh Đức đổ quạu:
- Đéo có thằng nào thắng cả. Còn bị ăn đòn suýt chết!
- Sao lạ thế? Các ông thử kể tôi nghe xem nào.

Tham Giàu vừa đưa tay xoa xoa cục u trên trán vừa kể:
- Tôi rao muốn hụt hơi, đem cả triết học Marxist ra quảng cáo mà chẳng có ma nào thèm ngó. Cuối cùng thấy một đám công nhân mới tan ca, tôi xông tới gạ bán thì lãnh nguyên mấy cái cán búa vô đầu.

Ba Dũng mếu máo tiếp:
- Còn tui điện qua tận bên Đức nhờ một công ty rác rao hàng mà cũng chẳng ai thèm mua, may thấy một anh nông dân đi chân đất đang lang thang trên phố, có lẽ đang đi khiếu kiện, nghĩ bụng anh ta cần giày, bèn tiếp cận, chẳng ngờ lãnh cái cán cuốc muốn trẹo xương sống.

Tư Sang lấy tay xoa mặt rồi đưa lên mũi ngửi, vừa cười vừa kể:
- Tui có phần may mắn hơn các đồng chí đây. Chờ mãi chẳng thấy ai hỏi, thấy gã ăn mày đang lết giữa chợ, tính tới cho gã lót đít, chẳng ngờ bị lão phun cả bãi đờm vô mặt.

Ông thợ giày nghe cả bọn kể ôm bụng cười ngặt nghẻo, đến độ rớt cái mặt nạ mà hổng hay. Cả bọn trông thấy hoảng hồn đồng loạt rú lên. Mạnh Đức nhận ra thầy mình, vội vòng tay thưa:
- Ủa! Thầy đó a? Sao Thầy giỏi hóa trang thế! Tôi cứ tưởng thầy về Mỹ rồi, ngờ đâu ở lại chơi ác chúng tôi.

Ông thợ giày đó chính là Cậu Bảy, sau khi rớt mặt nạ bèn làm nghiêm thị uy, kêu cả bọn lại giảng:
- Trước hết tôi xin lỗi vì làm các chú lãnh đòn. Nhưng dụng kế như vầy là việc bất đắc dĩ. Bởi vì trí óc của các chú hơi bị chậm thành ra ăn đòn như thế mới mong nhớ dai. Bây giờ các chú nghe tôi giảng đây. Khi tôi được ông "đương Bí" đây nhờ cậy chọn người "sắp Bí", tôi đã hỏi thì được biết cả đảng của các chú có 3 cái ngu.

Cái ngu thứ nhất là vẫn một mực bắt toàn dân xỏ đôi giày phế thải từ thế kỷ trước. Đó là việc bám lấy chủ nghĩa Mác Lê.
Cái ngu thứ hai là cứ đòi học tập tư tưởng của một kẻ tay sai của ngoại bang, mà không thấy rằng y đã đem cái thuyết ngoại lai về làm tan nát quê hương trong cả thế kỷ qua. Cho đến giờ này các chú vẫn đòi theo dấu chân của y thì cơ đồ nước ta nguy mất.
Cái ngu thứ ba là bám lấy cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mang một đôi giày há mõm mà đòi đi ký hợp đồng làm ăn với bọn tư bản thì xấu hổ lắm, chỉ tổ cho chúng cười.
Cuối cùng tôi hy vọng việc bán giày đã làm cho các chú sáng mắt ra. Bây giờ thế gian này không có ai tin vào con đường "bác đi" đầy bi đát ấy cả. Ngay đến ăn mày cũng chê thì đủ biết.

Mạnh Đức, vì sắp về hưu nên trí óc bỗng dưng đâm ra sáng suốt, rất mau hiểu, bèn thưa:
- Tạ ơn Thầy đã khai trí. Chúng tôi thật ra cũng chả biết 3 điều "cương lĩnh" đó là thứ chó đái gì, nhưng mấy ông nội bên Tàu dạy sao thì làm vậy cho khỏi sinh chuyện. Thôi xin Thầy bớt tào lao cho tôi nhờ tí. Việc đang cấp bách là chọn người thế cho tôi, xin thầy chỉ định phứt đi cho lẹ.

Cậu Bảy nói:
- Nếu cái gì cũng theo ý thằng Tàu thì các chú đây ai mần cũng được, tôi đề nghị cứ việc bốc thăm trúng ai nấy làm. Tôi không.. care!

Cả bọn nghe nói tơi bốc thăm thì nhớ tới việc chia thịt tiêu chuẩn năm nào, tuy chẳng công bình nhưng phước ai nấy hưởng, cho là giải pháp tối ưu, bèn cùng hô nhất trí rồi đứng dậy từ giã. Ra tới cửa Tham Giàu đi chậm một chút rồi ghé tai Cậu Bảy thưa:
- Nếu may tôi bốc trúng chức Tổng bí thư thì xin nguyện thế anh Cả Tày theo Cậu làm đệ tử.

Tham Giàu có bốc trúng thăm hay không và Cậu Bảy có bằng lòng làm bí sư cho va hay không, việc ấy chỉ có ai xem hồi sau mới biết.

(Còn tiếp)

© DCVOnline

Xem Hồi thứ 101

Xem Hồi thứ 102

Xem Hồi thứ 103

Xem Hồi thứ 104

Xem Hồi thứ 105

.
.
.

No comments: