Lê Quốc Quân
Saturday, January 08, 2011
Chỉ mấy hôm nữa 1,400 đảng viên của ĐCS sẽ họp và thông qua đường lối cai trị 87 triệu dân Việt Nam . Gần 1 năm lao xao đấu đá, trước giờ G mọi việc bỗng lặng như giữa mắt bão. Có một số phèng la quảng cáo nhưng chỉ là cách Đảng tiêu tiền dân còn dân chúng thì không có diễn đàn mà chỉ “xôn xao” vỉa hè hoặc quán bia.
Mọi việc dường như đã xong xuôi và đại hội chỉ được coi là hình thức. Tuy vậy những lăn tăn phe cánh và lương tâm với lịch sử vẫn động lòng. Nên, một tác nhân nhỏ cũng có thể làm lệch cán cân và dẫn đến những thay đổi bất ngờ.
Hai hệ điều hành trong một cỗ máy
Một số ủy viên BCT đang ý thức được rằng mình bị kẹt cứng trong một cỗ máy độc tài với một nhóm “gene” nhỏ đang lão hóa. Họ cũng biết rằng sự cân bằng nhỏ nhoi hôm nay có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Mâm, bát sẽ vỡ, Tiệc (party) sẽ tàn. Họ biết sau lưng là thực tiễn câu thúc, trước mắt là sóng to gió cả và đâu đó là thì thầm của lương tâm. Nhưng họ đang bị “đảng” cầm tù.
Qúa trình làm thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng đã đưa chính phủ lên một tầm cao mới, thách thức trực tiếp với cơ chế của Đảng. Những mâu thuẫn giữa “Bên Đảng” và “Bên Chính phủ” đã ngày càng trở nên gay gắt. Đây là hai hệ điều hành chạy trong cùng một cỗ máy. Xung đột này chắc chắn dẫn tới sự tự hủy vì nó được cài đặt ngay chính trong chương trình, mang tính loại trừ và không thể sửa lỗi.
Vụ Vinashin là biểu hiện cao nhất một sự “xung đột” giữa hai hệ điều hành. Khi đảng mạnh (8/15) thành viên BCT ra quyết định kiểm điểm chính phủ. Thế nhưng đương nhiên 6 ủy viên BCT đang là thành viên của chính phủ.
Khi bị tấn công, chính phủ đã cùng nhau phòng thủ. Hùng – Dũng trước đây như nước với lửa giờ trở nên cùng một chiến tuyến. Với sự am hiểu thực tiễn và trình độ vượt trội so với “bên đảng” các thành viên chính phủ, cũng là Uỷ viên BCT, đã phản công và “phe Đảng” đã thực sự lúng túng. Trưởng ban kiểm tra TƯ Nguyễn Văn Chi và Trưởng ban Tuyên giáo Tô Huy Rứa chợt thấy rằng đảng chỉ đạo “chung chung” mà thiếu thực tế nên đã có dấu hiệu sửa mình. Không ít người ở địa chỉ “số 1 Hùng Vương” có vẻ đang quay sang ủng hộ “số 1 Hoàng Hoa Thám” .
Vì vậy với cách thức lấy Vinashin làm đòn tấn công đẩy ông Dũng sang làm Chủ tịch nước, thậm chí về vườn như dự kiến ở Hội Nghị TƯ 13 đã thất bại. Không dừng ở đó, Chính phủ có quyền yêu cầu BCT phải tự kiểm điểm vì đã ra một “kết luận” làm cho tình hình thêm mâu thuẫn.
Vụ VINASHIN vì vậy sẽ chìm xuồng và còn nhiều “Vinashin khác nữa” nữa sẽ vĩnh viễn không bị bóc mẽ. Đó là cái đau đớn đến xé ruột của người nộp thuế hôm nay và mai sau !
Các kịch bản về những người lãnh đạo cao nhất :
Tác giả của kịch bản thứ nhất là tay “trai bản xuống phố”. Dù tiếng Việt chưa sõi nhưng nắm quyền lực cao nhất đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới. “Ngài” đang nỗ lực truyền ngôi cho một vị tiến sỹ chuyên ngành“bảo vệ đảng”.
Sau hội nghị TƯ 14, Nguyễn Phú Trọng, với kỹ năng sử dụng ngôn ngữ “thành thần” tiếp tục đánh tráo khái niệm và kéo dài thêm sự sống của cái đuôi “XHCN”, gần như chắc chắn là Tổng bí thư. Chủ tịch nước là Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị là Chủ tịch Quốc hội còn Nguyễn Tấn Dũng vẫn là Thủ tướng. Nhưng như thế thì bên Đảng mạnh quá cho nên chắc sẽ có sự cân bằng hơn bằng cách đưa phó thủ tướng Họ Nguyễn Sinh, quê Nam Đàn sang thay ông Nghị. Đó có vẻ là một giải pháp cân bằng.
Nhưng sự “xí phần” ( thằng này của tao ) một cách quá đáng của mấy tay Tàu Khựa có vẻ đang bị phản tác dụng. Việt Nam là một nước thích “tự lực” trong nhờ vả. Các mối quan hệ quốc tế đa phương, đặc biệt với Mỹ, đang cuộn lên và không ai lừa được thực tiễn sinh động. Điều này dẫn đến kịch bản thứ hai là Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm Tổng bí thư, Nguyễn Sinh Hùng giữ chức Thủ Tướng. Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ngồi yên chỗ cũ. Còn Trương Tấn Sang – Thường Trực Ban bí thư – sẽ thay ông Nguyễn Minh Triết làm chủ tịch nước.
Liệu có kịch bản thứ ba khi đa số của 1,400 người dự họp tuân theo những nguyên tắc 2 nhiệm kỳ trước là: “Không bầu vào Uỷ viên TƯ những người đã 60 tuổi và BCT những người đã quá tuổi 65 – trừ những trường hợp đặc biệt”. Khi đó ít nhất 9 người của BCT phải ra đi và chỉ còn 6 “chú Trâu” đều sinh năm Kỷ sửu (Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh, Trương Tấn Sang, , Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải) phải cùng nhau “sống mái” với 4 vị trí quan trọng nhất.
Đây sẽ là một kịch bản bất ngờ và thú vị vì kinh tế thị trường đang mỉm cười với Thủ tướng và 2 Bộ trưởng. Ngược lại, “Thường trực ban bí thư” cùng hai bí thư thành ủy Hà Nội và Sài Gòn đang cố gắng tố giác “mặt trái” của nó.
Đó chính là sự cân bằng hoàn hảo nhưng mong manh với một làn ranh đầy cảm tính. Những người ủng hộ thì cho rằng “Anh Trọng là trường hợp đặc biệt” phe phản đối thì nói “chỉ có như cụ Hồ mới là trường hợp đặc biệt”. Vì hiểu vậy mà ở Đại hội X cả dàn Vũ Khoan, Nguyễn Văn An… đều quyết định ra đi.
Cái khó của kịch bản này là “trường hợp đặc biệt” giờ đây không phải là tài năng, mà là vì sự đan chéo quyền lực giữa các bên. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo đã bắt đầu tư lâu và các phe phái phải tính từng người, cân nhắc từng khuôn mặt. Hai nhân vật già nhất là Phạm Gia Khiêm và Nguyễn Phú Trọng có thể vẫn tiếp tục như đại diện cho 2 bên về “tính đặc biệt” dù đều đã bước qua tuổi 67 vào năm 2011.
Một kịch bản thứ 4 không dự phóng là Nguyễn Tấn Dũng tung chưởng độc, tiếp tục giữ quyền kiểm soát và chơi sát ván, Ông sẽ xô hàng loạt trở ngại của mình về cho BCT của Đảng, lạnh lùng đạp ngã kẻ ngáng chân và nắm luôn cả hai vị trí TBT và Chủ tịch nước. Kiên định theo Mỹ phát triển mô hình Trung Quốc tại Việt Nam . Đó là một nước cờ đu dây táo bạo hợp với lịch sử nước Việt đầy phiêu du. Hàng loạt Uỷ viên BCT mới sẽ xuất hiện. Phương án này chưa có kịch bản nhưng trong các phương án xấu thì về dài hạn, đây có lẽ là kịch bản ít xấu nhất cho dân tộc. Muốn có kịch bản này thì các vị UVTU phải thực sự có bản lĩnh và quyết tâm “chơi” một cú cho thỏa chí bình sinh.
Cỗ máy được thiết kế để người già leo núi ?
Khi nước Mỹ có Tổng Thống ở tuổi 44, Nước Anh có Thủ tướng tuổi 43 thì Việt Nam lại đang loay hoay rụng cả tóc để lựa chọn giữa những nhân vật sinh vào thập niên 1940.
Tại sao gần 90 triệu dân chúng ta lại tiếp tục nhìn thấy những khuôn mặt đầy nếp nhăn xưa cũ đó vật vã leo núi trong một thế giới đang trẻ hóa từng ngày ? Đó là vì cơ chế của Đảng Cộng sản. Từ một đảng viên trong chi bộ, dù có tài thánh thì cũng sẽ phải vượt qua biết bao nhiêu tầng nấc, bao nhiêu âm mưu, thủ đoạn và được cơ cấu thì mới có cơ hội vào BCT. Khi đó con người bắt đầu “thuộc” một hệ điều hành. Muốn tồn tại họ chỉ biết “thả bóng” loanh quanh, vo tròn mình lại và kết thúc ở cấp lãnh đạo tối cao bằng một: nhóm rất nhỏ, rất già.
Thực tế thì một số ủy viên BCT đã muốn nghỉ nhưng không được. Không một ai được quyền viết đơn từ chức và nhường ghế lại cho người trẻ khi đảng đang muốn họ làm. Cỗ máy Đảng CS đã được thiết kế để “ ì ạch chạy” một cách đầy mâu thuẫn cho đến già. Càng về già thì các hệ điều hành càng mâu thuẫn, ốc vít sẽ lung lay và sẽ tự gục. Khi viết đến đây tôi chợt nhớ tới những vị lãnh tụ Liên Xô già nua, lẩm cẩm vào ngay trước thời kỳ tan rã. Liệu nó có báo hiệu điều gì không ?.
Luật sư. Lê Quốc Quân
.
.
.
No comments:
Post a Comment