Wednesday, September 30, 2009

GUINEA : CHIẾN TRANH, NGHÈO ĐÓI, ĐỘC TÀI, BAUXITE


Guinea: chiến tranh, nghèo đói, độc tài và bauxite
elique Chrisafis,
guardian.co.uk, ngày 29/09/2009
http://www.guardian.co.uk/world/2009/sep/29/france-guinea-colonial-relationship
Hành động lên án của Pháp trước các sự kiện đẫm máu tại thuộc địa cũ Guinea đã phản ánh mối quan hệ bất thường giữa Pháp với quốc gia Châu Phi khoáng sản phong phú này.

Guinea tuyên bố độc lập vào năm 1958. Lịch sử sau khi giành độc lập được đặc trưng bởi chế độ độc tài quân sự, đàn áp, nghèo đói và tình trạng bất ổn không dứt do chiến tranh biên giới triền miên với Liberia, Sierra Leone và Bờ Biển Ngà vào những năm 1990 và đầu thập niên 2000. Mặc dù có nguồn khoáng sản phong phú, Guinea vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Sylvain Touati, chuyên gia điều phối Chương trình Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp phát biểu: “Trong số tất cả các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi, Guinea là quốc gia cứng rắn nhất trong việc cắt đứt các quan hệ với chủ thuộc địa cũ. Sau khi giành độc lập, Guinea đã đi theo con đường chủ nghĩa Mác, gần gũi với Nga và Trung Quốc hơn Pháp.”

Trái với các quan hệ đặc biệt giữa Pháp với các nước láng giềng trong khu vực là Senegal, Bờ Biển Ngà hoặc Gabon, Guinea đã chối từ mối quan hệ đặc biệt “chịu ảnh hưởng của Pháp” với các quyền lực cũ ở Paris. Pháp không có căn cứ quân sự tại Guinea. Các nhà đầu tư Paris bị cám dỗ bởi trữ lượng khoáng sản lớn ở Guinea, song Pháp chỉ là một trong nhiều quốc gia thiết tha ký kết các thoả thuận. Chẳng hạn năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã đồng ý tài trợ một đập thủy điện trị giá 1 tỉ USD tại Guinea để đổi lấy quyền khai thác bauxite.

Tuy nhiên trong nhiều tháng qua, Paris và Cộng Đồng Âu Châu đang giám sát hoạt động chuẩn bị bầu cử tại Guinea dự kiến vào năm tới. Họ đóng vai trò quan trọng trong tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình bỏ phiếu ngõ hầu đảm bảo cuộc bầu cử sẽ đánh dấu một bước chuyển đổi sang nền dân chủ. Đầu tháng này, Dadis Camara đã gửi phái đoàn đến gặp các quan chức Bộ Ngoại giao tại Paris để đề nghị rằng ông sẽ có chân trong cuộc bầu cử. Chính phủ Pháp và Ngoại trưởng Bernard Kouchner đáp ứng lại một cách lạnh lùng. Bernard Kouchner đã gọi một cuộc họp vào ngày mai tại Brussels nhằm thảo luận biện pháp mà Cộng Đồng Âu Châu cần phản ứng trước tình trạng bạo lực.

Paris còn quan ngại về những tác động của tình hình bất ổn tại Guinea lên khu vực các quốc gia nói tiếng Pháp ở Tây Phi. “Nếu Guinea có vấn đề, nếu Guinea có chiến tranh, tình trạng bất ổn có thể lây lan sang các nước láng giềng đồng thời gây mất ổn định cho toàn khu vực,” Touati phát biểu.

Liên Minh Châu Phi đã đưa ra thời hạn chót là giữa tháng Mười để Camara xác nhận rằng ông sẽ không có chân trong cuộc bầu cử, bằng không sẽ có nguy cơ bị trừng phạt. Song trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo ủy ban hành chính này bày tỏ thái độ chống lại áp lực từ bên ngoài nhằm yêu cầu ông phải từ bỏ quyền lực, đồng thời còn công khai thách thức khi phải đối mặt với áp lực nước ngoài.

A. C.
BVN dịch

00:07 ngày Thứ Năm, 01/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/11594.html

-----------------------------

TIN LIÊN QUAN :


Guinea sẽ điều tra vụ giết hại người biểu tình (VOA)

Quân đội Guinea giết chết ít nhất 150 người biểu tình (VOA)



BIỆN LUẬN kiểu ĐÀO DUY QUÁT


Biện hộ kiểu Đào Duy Quát
Hà Phan
00:13 ngày Thứ Năm, 01/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/11596.html
Sau nhiều ngày im hơi lặng tiếng thì sáng nay 30/9, nhiều tờ báo trong nước cũng đã đăng tin Ban Tuyên giáo Trung ương kỷ luật khiển trách Tổng biên tập báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Đào Duy Quát về vụ đăng bản tin
“Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”. Dù chưa “sòng phẳng” lắm nhưng động thái này cũng cho thấy dư luận (nhất là phản ứng của công dân mạng) đã được “đếm xỉa”. Tuy nhiên lời biện hộ của ông Quát trên báo Tuổi trẻ đăng kèm tin kỷ luật thì thật là khôi hài…

Ông Quát nói đây là một tai nạn nghề nghiệp và lỗi chính thuộc về “cậu đánh máy” đã quên thêm vào chữ “ngang ngược” đã được biên tập viên viết bên ngoài lề để thành “Phó tư lệnh ngang ngược tuyên bố”!?
Ngoài ra không thấy ông Quát nói về lỗi nào khác hay trách nhiệm cụ thể của cá nhân mình. Quá ngạc nhiên tôi tìm đọc lại bản tin này đăng trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam dù đã được gỡ bỏ nhưng rất nhiều trang web khác đã chụp lại nguyên bản. Trong bản tin ghi rõ “Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh” chứ hoàn toàn không có câu “Phó Tư lệnh tuyên bố” như ông Quát biện hộ. Là một người sống bằng nghề viết lách, tôi chưa từng thấy ai dùng chữ “ngang ngược” trong câu văn “Phó Tư lệnh ngang ngược nhấn mạnh”. (Hay ông Quát và biên tập viên của ông chỉ thạo câu văn Trung Quốc mà chưa biết viết câu văn Việt Nam?) Hơn nữa khi dịch thuật, tác giả chỉ dịch thoát ý cho bài hay hơn chứ chẳng mấy ai thêm từ kiểu này. Còn nếu xét thấy vi phạm các quy định, ảnh hưởng đến an ninh quốc qua hay thuần phong mỹ tục thì chỉ trích đoạn rồi viết thành một bài khác, bác bỏ hoặc phê phán chứ rất hiếm ai lại làm chuyện “bê nguyên con” như bản tin trên đã làm. Diễn giải dài dòng như vậy để thấy cách đỗ lỗi cho nhân viên và biện hộ cho sai phạm của ông Quát khó chấp nhận được. Câu chuyện này lại thêm một minh chứng cho thói “công vơ vào, tội đổ cho người khác” của nhiều quan chức Việt Nam.

Ngay cả khi ai đó chấp nhận chỉ sai vì thiếu chữ “ngang ngược” thì cũng không khó tìm ra bản tin đã lặp đi lặp lại từ Trường Sa và Hoàng Sa, hai quần đảo máu thịt của Việt Nam nhưng theo tinh thần của bản tin thì đang thuộc Trung Quốc. Cách dịch và cho đăng bản tin trên không chỉ khiến người Việt yêu nước giận dữ, công phẫn mà còn có cớ để cho những “người lạ” hả hê vì đã có một cơ quan báo chí chính thống “lỡ đánh máy” công nhận việc mất chủ quyền. Đọc đi đọc lại bản tin, nếu không có óc tưởng tượng phong phú và tinh thần cảnh giác cao như ông Quát thì không tài nào tìm ra trong đó cái tinh thần “cảnh báo một hoạt động, một mưu mô…” như lời biện hộ của ông Quát. Tôi tin rằng khi đọc lại bản tin này, đại đa số đều nhận ra nội dung bản tin chỉ diễn tả lại những hoạt động của Hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà bản tin mặc nhiên thừa nhận là của Trung Quốc). Ông Quát đã bị khiển trách nhưng cách biện hộ cho sai phạm của ông rất dễ làm người đọc nghĩ rằng rồi sẽ còn những “cậu đánh máy” lại “quên mấy chữ biên tập” hay “quên hỏi lại” để làm “hình nhân thế mạng” cho những sai sót nhục quốc thể tương tự. Lẽ ra là một người luôn dạy dỗ người khác về tư tưởng này, ý chí nọ hay tinh thần kia thì ông Quát nên can đảm và dũng cảm hơn. Chứ còn cái trò đổ lỗi cho cấp dưới và gán cho từ “tai nạn nghề nghiệp” thì rất khó nghe “lọt lỗ tai” vì trò ấy nhiều quan chức đã diễn đi diễn lại, xưa quá rồi, với lại cũng chỉ lòe được những người không thích “trung ngôn nghịch nhĩ”.
HP
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

---------------------------------------------

“Tai nạn” nghề nghiệp? (bauxite Vietnam)

Khiển trách Tổng biên tập báo Điện tử Đảng Cộng Sản VN (bauxite vietnam)

Vụ tuyên bố chủ quyền biển giùm TQ, Ban TGTƯ khiến trách BBT CPV và TBT Đào Duy Quát! (Blog Bút Lông)

Khiển trách Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản VN (tuoi tre)



DÂN TỘC THÍCH ĐÙA


Dân tộc thích đùa
Hai Đậu
00:15 ngày Thứ Năm, 01/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/11599.html
Vâng, đó là Dân tộc Việt Nam! Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa vốn luôn chống chọi với thú dữ, thiên tai, kẻ thù xâm lược. Nên họ luôn phải tìm đến những chuyện đùa để thư giãn và quên đi những vất vả trong cuộc sống hàng ngày. Và tinh thần đó mãi lưu truyền đến ngày hôm nay. Tôi xin được kể ra vài ba câu chuyện đùa “cười ra nước mắt” để hầu quý độc giả.

Câu chuyện thứ nhất: Lãnh đạo phải có bằng Tiến sĩ hay phải đẽo chân cho vừa giày! Quả là nói như đùa! Vì cả ba ông: Tổng Bí thư Đảng, ông Chủ Tịch nước và ông Thủ tướng, không ông nào có bằng Tiến sĩ cả. Nói như ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc thì khác nào “tát” vào mặt ba ông lớn trên đây. Ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc quả là “lớn mật” khi nói câu này! Sự “bất cập” trong lời nói của ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc đã được bà con bình luận nhiều rồi. Nay xin miễn bàn thêm.

Câu chuyện thứ hai: Vụ án trọng điểm. Vâng, vụ PCI là một vụ án “trọng điểm”. Trọng điểm ở đây là số tiền rất trọng nhưng điểm thì rất nhỏ. Nên khi bắt đầu thì kêu rất to nhưng đến khi xử thì rất nhỏ! Đây không những là vụ tham nhũng gây bất bình trong người dân vì mượn tiền mà đi làm bậy. Nó còn có ý nghĩa thứ hai là làm nhục quốc thể Việt Nam. Một tội bị xử chém vào thời xưa. Do đó, ông Chủ tịch nước tuyên bố “Xử lý nghiêm khắc”. Vậy mà khi xử án ông Sĩ, có nhiều kẻ lớn mật dám gởi “công văn” tới “tha thiết” đề nghị giảm án cho ông Sĩ! Cần gì điều tra, cứ “tóm” gọn những ai “tha thiết” xin giảm tội cho ông Sĩ là xong ổ tham nhũng ngay chứ gì! Còn ông Thủ tướng thì “Biết tới đâu làm tới đó”! Vâng, sau cả năm điều tra, công tố đã “biết” ông Sĩ chỉ “cầm nhầm” 52 triệu đồng qua vụ “thuê nhà” chứ không phải “tham ô, lại quả” như lời khai của các quan chức PCI. Xin chúc mừng ông Sĩ nhé. Phen này ông kiện ngược thì PCI và Chính phủ Nhật Bản phải đền bù danh dự cho ông cả triệu đô chứ ít gì.

Câu chuyện thứ ba: Nhân thân tốt. Là Đảng viên, ai không có “nhân thân tốt”? Không tốt về tư cách, cũng tốt về lòng thành. Không tốt về lòng thành cũng tốt về họ hàng dây mơ rễ má. Không tốt về tốt về họ hàng dây mơ rễ má cũng tốt về quan hệ với cấp trên cấp dưới. Không tốt về quan hệ với cấp trên cấp dưới cũng tốt về nói năng kín kẽ “có tính đảng”… Qua vụ ông Sĩ, luật pháp Việt Nam đã khẳng định không nên tham nhũng nếu “nhân thân” chưa tốt! Mà ai là nhân thân tốt? Thì là Đảng viên! Vâng, tham nhũng là quốc nạn. Nhưng Luật pháp khuyến khích Đảng viên tham nhũng. Khi bị phát hiện thì sẽ được cái áo giáp “nhân thân tốt” che chở!

Câu chuyện thứ tư: Lương cán bộ thì không nhiều. Nhưng tài sản lại rất to! Vì sao? Vì tham nhũng ư? Xin thưa không phải. Mà vì do “làm kinh tế tốt”! Đảng khuyến khích Đảng viên làm kinh tế. Do đó, dù bận 8 tiếng cho công việc nhà nước, nhưng Đảng viên vẫn có thể làm giàu một cách độc đáo! Điều đáng buồn là Đảng viên chỉ lo làm giàu cho bản thân. Còn đất nước thì nghèo mạt rệp!

Câu chuyện thứ năm: Gây bất lợi cho Quốc gia chỉ đáng giá 30 triệu đồng (còn chưa tới 2000 đô la)! Ông Đào Duy Quát là phó tướng của ông Tô Huy Rứa. Cặp bài trùng chuyên đi “rao giảng đạo đức yêu nước (Tàu?)”! Ấy vậy mà ông Quát lại chỉ bị phạt 30 triệu đồng khi trang mạng của Đảng CSVN in tin “nhầm” khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Tổ quốc Tàu! Thêm một tin nữa là Bộ 4T sẽ xử phạt 30 triệu đồng nếu in hình bản đồ Việt Nam mà thiếu Hoàng Sa và Trường Sa! Vâng, lãnh hải và đảo của Tổ quốc chỉ đáng giá 30 triệu đồng! Một cái giá quá bèo.

Câu chuyện thứ sáu: Là nhà khoa học mà tham gia viện nghiên cứu tư nhân thì mất quyền công dân. Trong thư của ông Hà Hùng Cường trả lời Tiến Sĩ Nguyễn Quang A có nói rằng:
“Điều 69 Hiến pháp quy định như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định 97 không trái với Hiến pháp bởi vì Quyết định này chỉ ràng buộc trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, không ràng buộc trách nhiệm của cá nhân – công dân nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc công bố nghiên cứu của mình về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nhà khoa học có quyền công bố công khai [*] kết quả nghiên cứu của mình với tư cách cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.”
Vậy khi ba nhà khoa học tham gia một viện nghiên cứu nào đó thì họ tự nhiên mất đi quyền công dân! Và như vậy họ không có quyền chung một tiếng nói! Cũng cần nói thêm rằng Quyết định 97 sẽ khiến cho các nhà khoa học trổ sức tài ba hơn. Vì các công trình khoa học cần nhiều nhà khoa học tham gia. Nay như vậy không hợp với Pháp luật. Do đó, một nhà khoa học phải làm công việc của nhiều người. Một bước tiến vĩ đại cho các nhà khoa học Việt Nam.

Câu chuyện thứ bảy: Sống và làm việc theo Pháp luật – trừ Thủ tướng. Việc ông Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ủy quyền cho hai người dưới quyền khuyên ông Cù Huy Hà Vũ rút đơn kiện đã mặc nhiên thừa nhận Thủ tướng là người sống trên Pháp luật! Thủ tướng là một địa vị cao quý trong xã hội. Nhưng ông Thủ tướng cũng là một người trần mắt thịt với đủ cả tham, sân, si… Ấy vậy mà công dân không được phép kiện ông ta khi ông ta làm sai, tức Luật pháp đã trao cho ông Thủ tướng đặc quyền làm bậy! Vâng, chúng ta từ nay nên thay đổi khẩu hiệu cũ và thay vào bằng khẩu hiệu mới:
Sống và làm việc theo Hiến pháp – Pháp Luật – trừ Thủ Tướng!


HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.


Chú thích của Bauxite Việt Nam:

[*] Cuối bài Mở ra… để khép lại, Bauxite Việt Nam có một chú thích phê phán cách dùng tiếng Việt kỳ quái ở điều 2, Quyết định 97: Có công bố… bí mật không, mà viết “công bố công khai”? Thủ tướng nên có một trợ lý rành tiếng Việt, chứ nếu không, những văn bản trùng ngôn kiểu này khiến Thủ tướng khó ăn khó nói với chính công dân của mình. Nay qua trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mới biết được cái người không rành tiếng Việt ấy, chính là đương kim Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Than ôi!


Về VIỆT NAM với TRUNG QUỐC


Phỏng vấn Dương Danh Dy về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Mặc Lâm

RFA, 30-9-09
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày hôm nay, 1 tháng 10 năm 2009 ăn mừng 60 năm với những thành tựu mà nước này đã phấn đấu đạt được qua nhiều thời kỳ. Trong sáu mươi năm đó, sự thành công hay thất bại nào của Trung Quốc cũng đều được Việt Nam chú ý học hỏi và lắm khi đi quá xa đến nỗi không nhận ra được ảnh hưởng sâu đậm của phương Bắc đối với nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc. Biên tập viên Mặc Lâm của RFA có cuộc nói chuyện với ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, người có khá nhiều nghiên cứu về Trung Quốc để tìm hiểu thêm những vấn đề giữa hai nước trong sáu mươi năm qua.

Mặc Lâm:
Có một thời miền Bắc đã xem Trung Quốc như một kinh nghiệm thực tiễn cần noi theo và người dân tin rằng cái gì Trung Quốc đưa ra cũng đúng và tốt cả. Xin ông khái quát hoàn cảnh xã hội vào những ngày đầu tiên khi làn sóng học tập Trung Quốc dấy lên..
Dương Danh Dy: Đúng là có môt thời số đông người ở miền Bắc do những điều kiện hạn hẹp về thông tin, hạn hẹp về tiếp xúc với thế giới chỉ thấy Trung Quốc là nước ở gần, cùng chung cảnh ngộ với mình. Sau khi giành được thắng lợi họ xây dựng thành công họ có những kinh nghiệm này nọ cho nên không ít những người Việt Nam gửi gấm lòng tin vào đó và cũng cho Trung Quốc là một điển hình để mình có thể noi theo được. Nhưng sau một số những thất bại cụ thể của Trung Quốc trong phong trào “nhảy vọt lớn”, trong phong trào “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”, phong trào “công xã nhân dân” trong “toàn dân làm gang thép”…thì đã khiến rất nhiều người Việt Nam tỉnh ngộ. Người ta thấy rằng những chuyện học tập của ông bạn này phải cảnh giác.

Mặc Lâm: Trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa xảy ra thì giới lãnh đạo Việt Nam có những phản ứng như thế nào? Họ có rút được bài học gì qua biến cố này hay không?
Dương Danh Dy: Tôi phải nói cho nó rõ, một số người lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam thời bấy giờ ngay từ đầu đã thấy cái gọi là “Cách mạng văn hóa” thực chất là cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ ban lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc chứ không phải cách mạng gì hết. Tất cả các mỹ từ họ dùng chung quanh việc ấy đều che giấu một sự thật. Chúng ta biết sau những thất bại lớn về phong trào đối nội, về những phong trào vừa nói thì chủ tịch Mao Trạch Đông hầu như bị cô lập và phải lui về thứ hai. Ông ta rút lui không ứng cử chủ tịch nước nữa mà làm chủ tịch đảng, chuyên làm công tác lý luận của đảng. Trước tình trạng mất quyền lực như vậy Mao Trạch Đông phải tìm cách phát động một cuộc đấu tranh để giành lại quyền lực. Việt Nam không có chuyện đấu tranh quyền lực tranh giành nội bộ cho nên ngay từ đầu ban lãnh đạo cao nhất của đảng không nghĩ đến chuyện học tập Trung Quốc để làm cách mạng Văn hóa. Tuy vậy cũng có một vài vị mà tôi không dấu gì bạn tức là có Ủy viên Bộ chính trị, có Ủy viên trung ương đảng, có Ủy viên dự khuyết trung ương đảng, tức là các cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng vẫn cho là cuộc cách mạng ấy là hay mà chúng ta phải học tập. Tất nhiên hoàn cảnh Việt Nam không có chuyện đấu tranh giành quyền lực gay gắt như ở Trung Quốc cho nên nếu ai có ý định đó thì bị phản đối ngay lập tức.

Mặc Lâm: Thế nhưng “Vụ án xét lại chống Đảng” thì sao? Nó xảy ra vào giai đoạn này và liệu có dính líu gì tới bài học Trung Quốc hay không thưa ông?
Dương Danh Dy: Cái đó thật ra cũng có chuyện tranh giành nội bộ nhưng ta dàn xếp khéo cho nên nó không bộc lộ ra mà chỉ giới hạn ở một số ít người thôi. Tôi có thể nói vậy vì đảng nào cũng có đấu tranh nội bộ hết nhưng có điều vấn đề chưa đi đến mức gay gắt thế thôi. Bảo Việt Nam không có là ý tôi muốn nói không có lớn và sống chết như của Trung Quốc

Mặc Lâm: Xem ra hiện nay vẫn còn một số nhân vật lãnh đạo vẫn giữ ý kiến cho là nên nhường nhịn hơn là căng thẳng với họ, ông nhận xét ra sao về những thái độ như vậy?
Dương Danh Dy: Tôi cũng xin nói thật với bạn tôi và nhiều anh em có tâm huyết trao đổi với nhau và dần dần chúng tôi mới ngộ ra thì chẳng qua là ở bên cạnh một nước lớn thì thời nào cũng thế thôi. Cũng có một số ít người chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tức là đường lối của họ hay, chủ trương chính sách họ đúng, họ mạnh họ ghê gớm lắm thì tốt nhất là chúng ta nên thần phục…Để khắc phục tình trạng này thì chúng ta phải nêu cao ý chí dân tộc độc lập tự chủ tự cường. Ý chí không sợ gì hết trên cơ sở độc lập tự chủ chung sống với các nước láng giềng

Mặc Lâm: Trong cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm…rồi cuộc chiến tranh biên giới cũng rất kiên cường ...Vậy sao trong thời bình như bây giờ lại có quá nhiều người chỉ nghe nói đến hai chữ Trung Quốc lại tỏ vẻ sợ hãi một cách khó hiểu như vậy?
Dương Danh Dy: Tôi có một suy nghĩ riêng như thế này, trong thời chống Mỹ, tôi lấy một thí dụ thôi. Lúc đó chúng tôi chỉ có một nửa ở miền Bắc, trước mặt là 50 vạn quân Mỹ và hơn một triệu quân đối phương. Chỗ dựa của chúng tôi là Liên Xô và Trung Quốc thì họ lại mâu thuẩn đánh nhau ở biên giới. Thế nhưng lúc đó triệu người như một, vì mục đích giải phóng dân tộc thống nhất đất nước nên không sợ gì cả. Bây giờ hơn 80 triệu dân, đất nước giang sơn thu về một mối…nói chung còn điều này điều nọ nhưng mà đều muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh dân chủ tự do và hạnh phúc. Lại được đông đảo Việt kiều bên ngoài ủng hộ. Lại được các nước trên thế giới ủng hộ chúng ta, vào Liên hiệp quốc vào WTO... thế thì tôi nghĩ chẳng có gì phải sợ. Trung Quốc đúng là hiện nay họ rất lớn mạnh nhưng họ cũng có những giới hạn của họ. Giới hạn trong nước với những vấn đề nội bộ gay gắt chứ không phải đơn giản…rồi còn dư luận quốc tế và thế giới nữa. Trong xu hướng toàn cầu hóa thế giới hội nhập này không phải anh muốn làm gì cũng được nếu anh không giương được ngọn cờ chính nghĩa. Cho nên tôi nghĩ rằng đối với Trung Quốc chúng ta tôn trọng nhưng chúng ta cũng nói với Trung Quốc rằng hãy để cho chúng tôi yên, để chúng tôi tự làm theo con đường của chúng tôi

Mặc Lâm: Là một cán bộ ngoại giao làm việc tại Trung Quốc từ đầu những năm 62, ít nhiều gì ông cũng biết cá tính cũng như các thói quen phản ứng chính trị của nước này. Theo ông thì biện pháp nào ông cho là tốt nhất trong hoàn cảnh khá khó khăn hiện nay? Nhất là vấn đề biển đảo?
Dương Danh Dy: Theo tôi vấn đề biển đảo là nếu Trung Quốc và Việt Nam cứ khăng khăng là của mình thì sẽ không giải quyết được gì cả. Trung Quốc có dùng quân sự không? Tôi không loại trừ khả năng đó. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin hóa như hiện nay. Trong lúc thế giới phụ thuộc nhau thì việc này không dễ làm. Chúng ta không muốn chuyện đó. Chúng ta muốn giải quyết bằng cách thương lượng, hòa bình như ý muốn của nhiều người Trung Quốc vẫn thường nói

Mặc Lâm: Đối với giới lãnh đạo hiện nay ông mong muốn gì ở họ nhất thưa ông?
Dương Danh Dy: Tôi vẫn tâm nguyện là mong làm sao tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, mong sao những cán bộ đối ngoại Việt Nam có được trí tuệ, có được bản lĩnh có được nghệ thuật chung sống với Trung Quốc thì tôi tin là chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông
------------------------------------

Trung Quốc 'bao giờ cũng đúng'? - Dương Danh Dy (BBC)

"Những điều cấm kỵ trong ký ức của người dân Trung Quốc" (RFI)

Trung Quốc 60 năm qua (tuoi tre)

Mô hình Trung Quốc và quan hệ với Việt Nam (VNN)

Trung Quốc tiến về đâu? (BBC)

Đời sống ở một công xã từ thời Mao (BBC)



PHẢI PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG MỚI MONG SÁNH VAI VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC


Muốn sánh vai cường quốc, phải phát triển kinh tế thị trường
Lê Kiên

22-09-2009 23:14:29 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=271023
(PL)- Mô hình kinh tế thị trường hiện đại dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa bốn yếu tố: thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự – hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhằm góp thêm ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh 1991, hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn” đã được tổ chức bởi Hội đồng lý luận trung ương và Trường đại học Kinh tế quốc dân vào ngày 22-9. Cuộc hội thảo được dày công chuẩn bị trong nhiều tháng qua đã thu hút tới gần 80 tham luận của các chính khách, học giả hàng đầu.

Mắt xích chủ yếu: Nhà nước pháp quyền + chế độ dân chủ
Đồng trưởng ban tổ chức hội thảo – GS-TS Nguyễn Văn Nam khẳng định: Các tham luận đều đạt được sự đồng thuận rất cao là “Dân tộc Việt Nam muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài phát triển kinh tế thị trường. Bởi vậy, mô hình kinh tế tổng quát mà Đảng ta xác định với vế đầu là “kinh tế thị trường” hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Tuy nhiên, khi gắn vế sau vào, tức yếu tố XHCN thì phát sinh nhiều quan điểm khác nhau”.
Đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Lê Cao Đoàn phân tích: Điều nhấn mạnh ở đây là việc đổi mới kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập nền kinh tế vào tiến trình phát triển hiện đại của nền kinh tế toàn cầu lúc đầu không phải xuất phát từ hệ tư tưởng mà chịu sự thúc ép và quy định của quy luật tăng sức sản xuất, tăng hiệu quả trong phát triển kinh tế. Khi hệ kinh tế Xô viết bất lực trong việc giải quyết các quy luật kinh tế trên thì chính quy luật thép của kinh tế đó giúp người ta vượt qua được vấn đề hệ tư tưởng để đổi mới và phát triển.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – GS-TS Trần Ngọc Hiên cho rằng: Sự phát triển của nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ trở thành mắt xích chủ yếu giữa kinh tế thị trường với thể chế chính trị. Về mặt chính trị, sự phát triển kinh tế thị trường trở thành bước ngoặt kết thúc các chế độ chuyên chế và hình thành chế độ dân chủ. “Không thể coi là đã hình thành nền kinh tế thị trường khi nhà nước chưa ra khỏi tình trạng quan liêu, tham nhũng phổ biến. Không thể coi là đã có nhà nước pháp quyền khi trong xã hội còn thiếu dân chủ và tính tự phát của người dân còn phổ biến” – GS Hiên nói.

Cần làm rõ khái niệm “định hướng XHCN”

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – GS Nguyễn Đức Bình ủng hộ khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” nhưng không ủng hộ cách gọi đó là “mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ”. Lý do, theo GS Bình thì trước hết công thức này quá chung chung, trừu tượng. Kinh tế thị trường có thể hiểu được, chỉ cần ra đường là thấy nhưng định hướng XHCN chẳng thấy đâu. Hơn nữa, quá độ lên XHCN còn bao nhiêu yếu tố cơ bản khác chứ không chỉ là kinh tế thị trường. GS Bình cũng nhấn mạnh: “Kinh tế thị trường tự bản thân nó không mang thuộc tính định hướng XHCN. Trái lại, thuộc tính tự nhiên của nó là tiến lên chủ nghĩa tư bản”.
Không nghĩ như GS Bình, GS-TSKH Lê Du Phong (Đại học Kinh tế quốc dân) nói: Cuối thế kỷ XX, kinh tế thị trường chuyển sang mô hình mới là kinh tế thị trường hiện đại. Đây là mô hình dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa bốn yếu tố: thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự – hội nhập quốc tế sâu rộng. Mục tiêu chung mà nền kinh tế hiện đại hướng đến là sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc, sự giàu có của người dân và sự bình đẳng giữa con người. GS Phong cho rằng: Vì khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN khó giải thích rõ ràng nên nó làm cho chúng ta không triệt để trong đổi mới tư duy kinh tế. Từ đó, cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức, quản lý nền kinh tế chúng ta đưa ra không rõ ràng, dứt khoát và minh bạch.

Phát triển bền vững cần có nền kinh tế tri thức
GS Lê Du Phong đề xuất mô hình “Nền kinh tế thị trường hiện đại nhằm đảm bảo dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. PGS Lê Cao Đoàn đồng tình: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh là những giá trị nội tại của tiến trình phát triển toàn cầu, đã và đang được thực hiện trong thực tiễn phát triển”.
Bổ sung cho các ý kiến trên, GS Hiên nói thêm, định hướng kinh tế thị trường phải gắn với xác định mô hình kinh tế theo xu hướng thời đại: định hướng phát triển bền vững, tức là “tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” như đã nêu trong văn kiện (của Đảng – PV). Xu hướng này nảy sinh trên cơ sở sự ra đời và lớn mạnh của kinh tế tri thức. Vì vậy, muốn đi theo định hướng phát triển bền vững nền kinh tế, tất yếu phải sớm xây dựng nền kinh tế tri thức. Cả hai mặt đó đồng thời phát triển sẽ làm cho mục tiêu chính trị ngày càng hiện thực và mới có sức hấp dẫn.
Theo phân tích của GS Hiên, mô hình công nghiệp hóa dựa vào khai thác tài nguyên và nguồn lao động rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài và dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế đã để lại hậu quả nặng nề về mặt xã hội và môi trường. Đây là mô hình đã lỗi thời, không phù hợp yêu cầu xây dựng nền móng của chế độ mới cũng như xu thế thời đại.
“Từ góc nhìn vận động của lịch sử, có thể nhận thấy bản chất kinh tế thị trường nhất định đi đến một xã hội tương lai. đó là xã hội mang bản chất nhân văn, xã hội của sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân mỗi người, xã hội phát triển trong quan hệ hài hòa giữa con người với con người và con người với tự nhiên sau một quá trình lịch sử đầy máu và nước mắt” – GS Trần Ngọc Hiên nhấn mạnh.
L. K.

CHUẨN MỰC NÀO CHO CUỘC CÁCH MẠNG MỚI ?


Chuẩn mực nào cho cách mạng mới?
Tôn Vân Anh
30/09/2009 1:25 chiều
http://www.talawas.org/?p=10912

Hôm trước, vừa được đọc phản hồi của anh Đào Hiếu, tôi vừa ngó kênh truyền hình đang chiếu phim tài liệu về sự nghiệp hề Charlie – Chaplin, được xem một vài đoạn phim ông chọc dùi Hitler. Thật đáng khâm phục! Một mẫu hình trí thức lý tưởng: vừa biết nói sự thật, vừa bao dung vô bờ bến để có đủ năng lượng ôm hết cuộc sống vào lòng với tất thảy bộn bề ngổn ngang của nó mà vẫn không bỏ rơi những con người tầm thường của xã hội. Chaplin thậm chí còn đặt những người yếu ớt nhất vào trọng tâm mọi câu chuyện, đối trọng với độc tài để nói về phẩm giá con người thanh tao mức nào trước những hèn hạ, về sự thật tinh vi thế nào trước đối trọng với ác ôn.

Tôi muốn không đồng ý với
anh Đào Hiếu rằng “Chị buôn bán ngoài chợ, phu xe xích-lô, công chức. Họ đều nhìn thấy vấn đề hết” là vẫn „chưa đủ cho cách mạng”.
Tôi muốn phân tích rằng những suy nghĩ của anh Đào Hiếu có thể xuất phát từ một vài khiếm sót trong khái niệm của anh về độc tài và thường dân mà hậu quả là thái độ của anh với hai nhóm người đó. Kiểu phát ngôn bi quan theo kiểu „nhìn đâu cũng thấy cản trở” là cách nhìn không sát thực và không thích hợp với trí thức.
Tiếp theo, tôi muốn những người như anh Đào Hiếu thử tìm nguồn gốc của các vấn đề ở hệ thống đàn áp của an ninh cộng sản, thay cho việc chút hết oán hờn, tội lỗi vào đám dân thường vốn đã là nạn nhân yếu thế nhất của độc tài.

Những thổn thức không đến nỗi thiếu cơ sở của tôi vẻn vẹn chỉ có vậy, nhưng trí tưởng tượng của người mà tôi tranh luận lại với tới tận cái rung đùi không có của đồng hương ở tận bên Mỹ và Âu châu, để từ đó bồi bổ cho nhận định về sự dã man của những người không sống ở Việt Nam, đồng thời đẩy cuộc tranh luận vào ngõ hẻm: ai là người có thẩm quyền bình phẩm và người ở nước ngoài có được nói chuyện của người trong nước hay không.

Riêng việc đề cập vấn đề „ai là người được quyền bình phẩm” đã thể hiện một tư duy võ đoán, trông chờ vào sự tự ti của người đối thoại, điều thật không thích hợp với một trí thức danh tiếng, nhất là khi đề tài tranh luận là những phát ngôn bi đát xa sự thật, về đề tài chính trị liên quan tới mọi người Việt Nam.
Từ trước tới nay, có vẻ vì nhẫn nhịn, dân Việt hải ngoại không tỏ ý đối phó với những phát biểu khó nghe như: người ở Việt Nam mới khổ, mới có quyền đầu hàng, mới có quyền kêu ca, mới có quyền trách cứ… để kết luận: chỉ có người trong nước mới có quyền bình phẩm những điều hay dở của mình.

Ngoài ra, tôi cũng không đồng ý với một số các luận điểm mà anh Đào Hiếu dùng để củng cố cho ý kiến về vai trò (thấp kém) của người hải ngoại trong đối thoại với người trong nước.
„Chiến trường không cân sức” không chỉ tồn tại duy nhất tại Việt Nam. Với tư cách là dân nhập cư, không phải bằng một cái phẩy tay người Việt tha hương bảo vệ được quyền lợi của mình trên đất người, không chỉ cần một hai cuộc biểu tình để chính phủ các nước để tâm tới chiến trường tại Việt Nam. „Trả giá bằng sinh mạng” ư? Là điều người Việt ở nước ngoài đã trải qua chứ không chỉ bị „dọa”. Bỏ mạng trên đường tìm tự do, trong trại cải tạo, trong nhà tù cộng sản đã từ lâu là phần ý niệm không thể tách rời của cộng đồng người Việt di cư. Ý niệm đau thương của người Việt ở nước ngoài còn rõ rệt hơn trong nước và cũng nhờ có người Việt ở nước ngoài, một phần lịch sử của Việt Nam còn sống sót! Chính những người Việt ở nước ngoài mới là những nhân chứng có thể trả lời thế nào là đối diện với cái chết, thế nào là cái giá của tự do! Nếu có bình phẩm, không phải họ không có thẩm quyền.

Tôi đồng tình với ý của một nhà báo thuộc loại sắc sảo nhất nhì của một tờ báo lớn tại Ba Lan nói với tôi về người Việt hải ngoại. Anh cho rằng những người này không thể hòa đồng với cộng sản bởi cộng sản đã cướp đi của họ cái khó thể hoàn lại. Đó là Tổ quốc.

Ở đâu có cộng sản, ở đó là mất mát. Người Việt trong nước mới ở giai đoạn còn tin chưa mất Tổ quốc. Khiêm nhường một chút với người từng trải có lẽ cũng không thừa!

Không còn Tổ quốc có nghĩa là Tổ quốc Việt Nam sẽ phải được làm mới từ đầu, từ những cơ bản nhất, bằng các phương pháp lành mạnh nhất. Có nghĩa là Việt Nam đang đón chờ một cuộc cách mạng chưa từng có. Những đổ máu ồ ạt trong cuộc chiến „chống Mỹ cứu nước” cùng cuộc „cách mạng 3 mặt giáp công” lót ván cho cộng sản là những kinh nghiệm tốt hơn đừng lặp lại, giống như đừng để xuất hiện ông Hồ thứ hai vốn được kẻ thù của Dương Thu Hương tin là „không đái, không ỉa, không làm tình”.

Có nghĩa là cách mạng ở Việt Nam phải được dựa trên các giá trị đích thực không di không dịch bất kể quan niệm, thời gian, lịch sử, tôn giáo, điều mà người Việt Nam vẫn gìn giữ được, thể hiện qua việc đề cao giá trị gia đình, học vấn, đức tin, khuyếch trương không gian ngôn luận độc lập… Cụ thể, người Việt đang thực hiện các giá trị đó một cách công khai hơn bao giờ hết: những cuộc biểu tình của công nhân trên cả nước, của trăm ngàn người Công giáo, của không biết bao nhiêu người làm ruộng, của bao nhiêu blogger…

Người trí thức thấy cô đơn thất vọng, mãi mà vẫn „chưa đủ”, có thể do không theo kịp người dân, không làm tròn bổn phận xã hội của mình, chứ không phải bởi người dân „ít đọc” với „ít thể hiện bức xúc”.

Nạn nhân cộng sản nên được cảm thông không có nghĩa là hễ cứ bước ra khỏi đồn công an là cần được phong thánh cho nạn nhân, bất kể anh ta nói hay hay nói dở. Đồn công an cũng không phải là nơi xí xóa mọi sai phạm của các chiến sĩ dân chủ, nhất là khi người gánh chịu hậu quả các sai phạm đó là thường dân chứ không ai khác.

Muốn cách mạng dân chủ thành công, chúng ta phải nỗ lực tuân thủ các nguyên tắc cơ bản nhất, chung nhất cho mọi nền dân chủ. Nếu chưa từng thử, ta nên học tập, ví dụ như từ Đông Âu, Ba Lan hay Thái, Đài Loan, Hàn Quốc… Có thể bắt đầu từ bài học thế nào là đối thoại công bằng.

Chỉ đối thoại công bằng thôi mà cũng không biết thì đừng trách gì người dân không gửi gắm tin tưởng để xả thân cho mấy ông trí thức nổi tiếng hễ cứ vào đồn công an là lung lay quan điểm, bắt tội thường dân với đóng cửa blog. Đừng đòi hỏi các tổ chức bên ngoài Việt Nam phải sát cánh hơn nữa với đội ngũ „cấp tiến”, „xuất thân từ trong lòng cộng sản Việt Nam” một khi chính mình còn lấn cấn.

Nói chung, nên đặt câu hỏi về vị thế của mình trong cuộc đấu tranh để xem có thật sự người dân bàng quan hay đơn giản không coi trí thức là nơi gửi gắm lòng tin? Có thật sự đội ngũ dân chủ Việt Nam không được nước ngoài ủng hộ, hay đơn giản là không biết tận dụng hoặc chưa xứng đáng với những ủng hộ đó?
Để có thể đối thoại công bằng và trả lời câu hỏi khó về mình, phải bỏ qua sự e dè tự ti của chính mình để có thể khách quan và để không phải trông cậy vào sự tự ti của người khác.

25 tháng 9 năm 2009, Warszawa, Ba Lan
© 2009 Tôn Vân An
© 2009 talawas blog


Những bài liên quan trên talawas :
Tôn Vân Anh – Ý kiến về công an, Đào Hiếu và thường dân (22/09/2009
Đào Hiếu – Cách mạng không phải của riêng ai: Trả lời Tôn Vân Anh (22/09/2009)


THƯ GỬI CÁC CHIẾN SĨ QUÂN ĐỘI, CÔNG AN VN


THƯ GỞI CÁC CHIẾN SĨ QUÂN ĐỘI, CÔNG AN VN
Hương Trà cùng nhóm bạn trẻ

Việt Nam, ngày 30/09/2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090930_02.htm

Ai phải trả lời?

Khi đặt tay trên bàn phím để đánh những dòng chữ này gởi đến quý vị, chúng tôi nghĩ rằng giữa quý vị và chúng tôi cũng đều là người Việt Nam, cùng chung dòng máu, cùng chung Tổ quốc, cùng thừa hưởng những gia sản mà tiền nhân xưa đã hy sinh xương máu để lại. Lời di chúc của vì vua anh minh Trần Nhân Tôn và hào khí hội nghị Diên Hồng sẽ vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của mỗi người dân Việt, trong đó chắc chắn vẫn có quý vị và chúng tôi. Chúng tôi vẫn khẳng định rằng: lực lượng quân đội, công an luôn luôn là thành trì bảo vệ đất nước và cuộc sống yên lành cho người dân. Để làm tròn nghĩa vụ cao cả này thì quân đội và công an chỉ được quyền trung thành với Tổ quốc, với đất nước, với nhân dân. Trong khi đó một nhóm người lãnh đạo ĐCSVN cũng có khi đúng và cũng có khi sai. Do đó nếu quý vị lúc nào cũng tuyệt đối trung thành với mệnh lệnh của họ thì quý vị đã mang trọng tội đối với Tổ quốc và nhân dân.

Như quý vị cũng đều biết, hiện nay hầu hết các nước văn minh trên thế giới đều là những nước có nền kinh tế thị trường theo chế độ dân chủ đa nguyên. Liên Xô trước đây là thành trì của chủ nghĩa Cộng sản, là đất nước được gọi là văn minh và giàu mạnh nhất của phe XHCN, nhưng cuối cùng rồi cũng phải cùng với các nước cộng sản Đông Âu trở về với con đường dân chủ đa nguyên. Hiện nay cũng có những con người CS trước đây của các nước này vẫn được nhân dân tín nhiệm vào các chức vụ cao trong guồng máy lãnh đạo. Lịch sử thế giới cũng chứng minh được rằng: đã có hàng trăm triệu người khắp nơi trên thế giới bị thanh trừng, thủ tiêu bí mật, khi ĐCS lên nắm chính quyền. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ, bằng chứng là những cuộc đấu tố của phong trào cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm ở miền Bắc đã lấy đi sinh mạng của trên 150.000 người dân vô tội. Mặc dù sau cuộc đấu tố đẫm máu này chủ tịch Hồ chí Minh có nhận lỗi trước toàn dân, nhưng làm sao xóa mờ hết những nỗi đau trong lòng dân tộc và các chứng tích lịch sử sau này.

Chúng tôi tin rằng với thực tế này cũng đã được các bậc lão thành trong hàng ngũ ĐCSVN chứng kiến và sẽ không bao giờ phủ nhận. Tuy nhiên, như quý vị cũng thấy Liên sô và các nước Đông Âu đã không có một cuộc đổ máu hay trả thù nào cả khi ĐCS không còn độc tôn quyền hành lãnh đạo nữa. Nếu sau này khi đất nước VN trở về con đường dân chủ đa nguyên, thì chắc chắn cũng sẽ không bao giờ có đổ máu. Quá khứ là những việc đã qua, còn tương lai là những gì cao đẹp nhất cho cả cộng đồng dân tộc không phân biệt thành phần đảng phái, tất cả sẽ cùng nhau xây dựng quê hương sau một thời gian dài đau khổ.

Có bất công không khi cùng là công dân trong một nước mà anh có toàn quyền lãnh đạo đất nước, có toàn quyền thành lập đảng phái, có toàn quyền ra báo chí, có toàn quyền sử dụng cả hệ thống phát thanh truyền hình để phô trương và tuyên truyền cho các đường lối và chính sách của đảng anh mà tôi thì lại không có quyền đó? Có bất công không khi anh lại có quyền dùng tiền đóng thuế của toàn dân trong đó có tiền của tôi để phục vụ riêng quyền lợi cho đảng của anh mà tôi không có quyền phản đối?. Có bất công không khi điều 69 Hiến Pháp của anh cho tôi có mọi quyền về tự do: ngôn luận, tín ngưỡng, lập hội, bày tỏ chính kiến, bầu cử và ứng cử, nhưng thực tế thì anh lại đưa ra Bộ Luật Hình Sự với điều 88 để ràng buộc và bắt bớ những ai dám nói lên chính kiến của mình về những sai trái của đảng anh, còn bầu cử thì tôi chỉ được quyền bầu trong danh sách mà đảng của anh đã chọn sẵn.

Có bất công không khi một mặt anh chủ trương nhà nước pháp quyền nghĩa là không ai có quyền đứng trên luật pháp, nhưng thực tế thì anh lại có quyền âm thầm ký kết để nhường đất, nhường biển, nhường tất cả những tài nguyên khoáng sản tối quan trọng của đất nước cho ngoại bang Trung Quốc, một kẻ thù truyền kiếp của dân tộc VN điển hình như: công hàm của thủ tướng Phạm văn Đồng ngày 14/9/1958 dâng Hoàng Sa - Trường Sa, hiệp định dâng Ải nam quan, 3/4 thác Bản giốc, bãi Tục Lãm và trên 700km2 vùng biên giới năm 1999, hiệp ước dâng trên 10.000km2 đường biển thuộc vịnh Bắc bộ năm 2000; Quyết Định 167/ 2007 của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng gọi là đại dự án, là chủ trương lớn của đảng để cho kẻ thù TQ toàn quyền khai thác bauxite Tây Nguyên bất chấp sự can ngăn hợp tình hợp lý của các tướng lãnh như: đại tướng Võ nguyên Giáp, trung tướng Đồng sĩ Nguyên, thiếu tướng Nguyễn trọng Vĩnh, thiếu tướng CA Lê văn Cương, cùng các kiến nghị của các hội cựu chiến binh, các nhà cách mạng lão thành và gần 3000 nhà trí thức khoa học trong và ngoài nước. Chắc chắn các tướng lãnh, các nhà cách mạng lão thành của đảng không phải là thành phần phản động hay bị các thế lực nước ngoài xúi giục. Chắc chắn các nhà trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã ký tên vào bảng kiến nghị để phản đối đại dự án khai thác Bôxit Tây Nguyên cũng không phải là những thành phần theo ngoại bang để phá hoại đất nước.

Chúng tôi tin chắc rằng, quý vị cũng vẫn biết các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa là những trí thức ưu tú của đất nước, họ có đầy đủ điều kiện để sống cuộc đời vương giả như quý vị nếu họ chấp nhận con đường của ĐCSVN, bỏ mặc cho toàn dân luôn bị thiệt thòi trong cuộc sống, bỏ mặc cho đất nước luôn phủ đầy màu đen trước họa xâm lăng của TQ. Họ chỉ muốn ĐCSVN phải thay đổi tư duy để phù hợp với nền văn minh của thề giới, đường lối đấu tranh của họ là thực hiện sự công bằng, dân chủ trong việc điều hành đất nước để thu hút tối đa nguồn nhân lực và nhân tài phục vụ quê hương. Chưa bao giờ họ chủ trương loại bỏ ĐCSVN trong lòng dân tộc, bởi vì trong số họ hoặc gia đình của họ cũng vẫn xuất thân từ ĐCSVN, đường lối đấu tranh của họ rất phù hợp với bảng tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp quốc và các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị mà chính quyền VN đã tham gia và cam kết kết thi hành, đồng thời cũng phù hợp với điều 69 HPVN.Chúng tôi mong rằng, quý vị hãy bình tĩnh để mà nhận định cho chính việc làm của mình, để sau này khỏi bị lịch sử lên án, vì sống trên đời ai cũng mong muốn có công bằng và sự thật. Những hành động trù dập, bắt bớ, ép cung và dùng mọi hình thức khác để khống chế và cô lập từ tinh thần lẫn vật chất của quý vị đối với các thành phần bất đồng chính kiến, đây là những hành động bất thiện, chắc chắn sẽ nhận lấy một hậu quả không tốt sau này.

- Tại sao trong khi luật pháp quy định:
một người chỉ được xem là có tội sau khi được tòa án kết tội trong một phiên tòa công khai, công bằng và có đầy đủ quyền luật sư biện hộ, nhưng trong thời gian qua, số người bị bắt chưa ra tòa mà báo chí và các cơ quan truyền thanh, truyền hình lại độc quyền bêu xấu người ta hàng ngày trước công luận?
- Tại sao đảng lãnh đạo vẫn thường xác nhận là HS-TS là của VN, nhưng không dám đưa vấn đề TQ chiếm HS-TS ra trước LHQ cũng như thưa ra tòa án quốc tế? Sự phản đối TQ chiếm HS-TS bằng lời nói suông trên các phương tiện truyền thông của chính quyền VN có phải là hành động chiếu lệ để xoa dịu lòng yêu nước của nhân dân không?. Tại sao CA lại đàn áp sinh viên, những người dân biểu tình phản đối hành động xâm lăng của TQ?
- Tại sao CA lại bắt bớ những người mặc áo có hàng chữ Hoàng Sa-Trường Sa là của VN? Báo điện tử tuổi trẻ kể từ ngày 08/09/2009 có loạt bài Hoàng sa-tường trình từ 35 năm sau, kể lại tâm sự của một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là chuẩn úy Nguyễn Văn Đức người đã một thời trấn giữ HS và hạ sĩ quan thượng sĩ Lữ Công Bảy người đã trực tiếp chiến đấu trong trận hải chiến chống TQ để bảo vệ Hoàng Sa. Nhưng trong lời nói đầu tờ báo chỉ dám dùng 2 chữ nước ngoài chiếm đóng HS chớ không dám nói thẳng là TQ, chỉ có lời nói của ông Đức và ông Bảy là dám nói TQ ngang nhiên dùng vũ lực chiếm HS. Xin cám ơn báo điện tử Tuổi Trẻ đã dám nói lên sự thật về HS, cũng như trước đây trong loạt bài “vàng đổi chủ” đăng từ ngày 25/4 đến 2/5/2006, báo cũng tường thuật đầy đủ về cuộc bàn giao 16 tấn vàng và các tài sản khác của kho bạc VNCH cho Ủy ban Quân quản Cách mạng tại Sàigon. Tuy nhiên, mới có 2 kỳ thì lại cáo lỗi xin ngưng chờ thời gian thích hợp sẽ đăng tiếp. Rất may, trang web Bauxitevietnam.info tiếp tục cuộc hành trình dở dang này của báo Tuoitreonline và thời gian thích hợp cũng đã đến, ngày 14/9/2009 báo lại tiếp tục tường trình trận quyết chiến Hoàng sa giữa hải quân VNCH với hải quân TQ qua lời kể của thượng sĩ Lữ Công Bảy, người đã trực tiếp quyết chiến với quân xâm lược TQ của 35 năm về trước, nhưng đã bỏ một đoạn vì cho là nhạy cảm. Hy vọng sau loạt bài này tinh thần ái quốc của người dân VN hôm nay nói chung sẽ được nâng cao và lương tâm của các chiến sĩ Quân đội NDVN cũng được thức tỉnh. Chắc chắn cuộc quyết tử bảo vệ HS của chiến sĩ hải quân VNCH với kẻ thù TQ sẽ mãi mãi là tấm gương sáng chói hào hùng của dân tộc. Ngược lại, chắc chắn công hàm dâng HS-TS cho TQ của thủ tướng Phạm văn Đồng và các hiệp ước mất đất, mất biển sau này của các nhà lãnh đạo ĐCSVN cũng sẽ mãi mãi là bức tranh đen tối nhất trong lịch sử, là nỗi căm hờn nhất của dân tộc.
- Tại sao đảng lại để cho TQ khai thác Bauxite Tây Nguyên, trong khi vì sự tai hại của chất bùn đỏ từ việc khai thác này khiến TQ phải đóng cửa hàng trăm nhà máy trên đất nước của họ và chuyển qua đất nước VN? Chắc quý vị cũng biết vấn đề này đã được chính các nhà khoa học đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ và các tướng lãnh trong đảng phản đối. Ngay trong kỳ họp QH tháng 5/2009 vừa qua các đại biểu: Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng và một số đại biểu khác đã công khai phản ảnh có tình có lý, nhưng vì sự độc quyền lãnh đạo,bất chấp dư luận của 15 con người trong Bộ Chính trị mà vấn đề khai thác Bauxite vẫn ngang nhiên tiến hành. Chúng tôi rất bất bình và quá ngạc nhiên khi sự phản đối đang trở thành một phong trào rầm rộ trong hàng tướng lãnh, trong giới trí thức ưu tú nhất của VN vẫn còn đang tiếp tục, thế mà ông phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lại nói rằng:cho đến lúc này, dư luận trong và ngoài nước kể cả những người khó tính, còn ai nói đến vấn đề khai thác bôxit Tây Nguyên nữa. Điều đó cho thấy, khai thác Bôxit ở TN là đúng đắn và gặp nhiều thuận lợi. Thật bất hạnh cho dân tộc VN khi có những con người lãnh đạo như thế. Chúng tôi xin những ai có tinh thần dân tộc hãy xem đoạn phim nói về sự độc hại của bùn đỏ từ việc khai thác Bôxit ở TQ trên trang Web bauxitevietnam thì sẽ rõ.
- Tại sao đất nước là sở hữu của toàn dân mà chính quyền lại không dám công khai các hiệp ước, hiệp định về ranh giới mà VN đã ký kết với TQ cho nhân dân được biết? Việc làm này của chính quyền VN có vi phạm nặng nề về quyền tự quyết của nhân dân không?. Chúng tôi rất bất bình về lời giải thích của ông thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng khi ông khẳng định rằng không có vấn đề VN mất đất, vì hiệp định ranh giới năm 1999 rất phù hợp với hiệp định mà Pháp đã ký với nhà Thanh TQ. Do đó, Ải nam quan và ¾ thác Bản Giốc vùng đất du lịch nổi tiếng nhất của VN là của TQ. Nhưng chúng ta thử nhìn lại cuốn sách “Bị vong lục” xuất bản tháng 5/1979 mà VN đã công bố trên thế giới để tố cáo TQ xâm lăng VN, hãm hiếp đàn bà con gái VN, tàn sát dân chúng trong các vùng mà TQ đi qua của các tỉnh Cao bằng, Lạng sơn…., trong đó có Ải Nam quan và toàn bộ thác Bản Giốc mà hiệp ước ký giữa nhà Thanh TQ với Pháp đã quy định là của VN, hội nghị San Francisco năm 1951 cũng xác nhận như thế.
- Tại sao các linh mục của giáo xứ Thái Hà và LS Lê Trần Luật chưa bị bắt, vẫn còn tự do ngoài xã hội mà các báo chí điển hình là báo đại đoàn kết lại có bài vu khống, chửi bới là họ làm chính trị, âm mưu lật đổ chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, hành động này của báo chí đi theo lề phải của đảng có vi phạm luật pháp không?
- Tại sao lại có chuyện tung hoành quá mức của tổng cục 2 của đảng khiến cho đại tướng Võ nguyên Giáp phải viết lá thư thứ 4 gởi BCT yêu cầu đưa TC2 về quyền hạn cũ?
- Tại sao những vụ tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước như vụ sập cầu Cần thơ, vụ PCI khiến cho nước Nhật phải ngưng viện trợ một thời gian, vụ PMU18 cho đến nay vẫn chìm vào quên lãng? Việc đưa ra tòa 2 con chốt thí Bùi tiến Dũng ( vụ PMU18 ), Huỳnh ngọc Sĩ ( vụ PCI ) với tội danh không đúng chỉ làm trò hề mà thôi bởi vì, mọi người đều biết với sự tham nhũng có tầm mức rộng lớn như thế thì làm sao chỉ vọn vẹn có 2 người.
- Tại sao đảng bắt buộc sinh viên, học sinh và nhân dân phải tin rằng chủ tịch Hồ chí Minh là độc thân không có vợ, trong khi thực tế thì không phải vậy? Các nhà tài ba lỗi lạc trên thế giới vẫn có gia đình, vợ con đàng hoàng và uy danh của họ vẫn sáng ngời theo thời gian. Hiện nay ở hải ngoại đã xuất hiện cuốn phim tài liệu “ sự thật về chủ tịch HCM”, mà ở trong nước cũng đang chuyền tay nhau rộng rãi. Nếu cuốn phim này không đúng sự thật thì tại sao VN với tư cách là thành viên của LHQ lại không đưa những người làm phim ra xét xử tại ủy ban Unesco LHQ và tòa án quốc tế La Haye?
- Hiện nay chính quyền đang phát động phong trào học tập và làm theo di chúc của chủ tịch HCM. Nhưng trong bản di chúc, ý muốn của chủ tịch HCM là thiêu xác của ông và tro cốt thì rải trên 3 miền đất nước, chớ đâu phải xây đền ướp xác như hiện nay để hàng năm phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng tiền đóng thuể của nhân dân. Thử hỏi sau 40 năm bảo quản, số tiền khổng lồ này sẽ cứu đói được bao nhiêu người, xây dựng được bao nhiêu công trình phúc lợi cho nhân dân? Quý vị nghĩ sao về lời nói của chủ tịch HCM: tiền nhân ta có công dựng nước, bác cháu ta phải cố công giữ nước?
- Tại sao các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược TQ năm 1979 và 1984 tại Lão sơn, hàng năm không được làm lễ tôn vinh như các chiến sĩ chết thời chống Mỹ tại miến Nam?.
- Tại sao lúc nào Đảng CSVN cũng hết lòng trung thành với “16 chữ vàng” và “4 tốt” đối với TQ, còn TQ đối với VN ra sao chúng tôi nghĩ mọi người đã biết rồi?
- Thêm một chuyện khó tin mà có thật khi từ ngày 4/9/2009 vừa qua trên trang web của báo điện tử ĐCSVN lại đăng nguyên xi bản tin trên mạng của TQ về vấn đề mà hải quân TQ tập dượt ở biển đông, khẳng định chủ quyền của TQ trên 2 quần đảo HS và TS của VN mà không có một lời bình luận nào phản lại, bản tin được giữ nguyên 4 ngày cho đến khi các cư dân mạng trong và ngoài nước biết và phản đối rầm rộ thì mới gỡ xuống, đây là hành động phản quốc rõ ràng, nhưng ông Đào duy Quát TBT của báo chỉ bị phạt tiền 30 triệu cho cái tội phản quốc này của ông. Cũng như trước đây vào tháng 5/2009, người ta cũng phát hiện trang Web vietnamchina hợp tác thương mại giữa Bộ công thương VN với TQ, nhưng tên miền của VN ….gov.vn lại để cho TQ làm chủ và đăng những bài đả kích VN, cổ vũ cho việc TQ chiếm HS-TS là không tranh cãi khiến cho làn sóng phản đối cũng kéo dài rất lâu VN mới xin TQ gỡ xuống, còn Website của tòa đại sứ VN tại Bắc kinh TQ thì trang chủ lại lưu giữ hình của Mao trạch Đông, tin tức bài vở thì luôn luôn quảng bá cho đất nước TQ.
- Tại sao thủ tướng Dũng lại ra quyết định 97 chặt đứt mọi tiếng nói và phản biện công khai của các nhà trí thức và khoa học khiến cho hội nghiên cứu khoa học và phát triển IDS do GSTS Hoàng Tụy làm chủ tịch phải ra quyết định tự giải thể?
- Tại sao tòa án tối cao trong khi làm việc với LS Cù Huy Hà Vũ ngày 23/9/2009 về đơn của LS kiện thủ tướng Nguyễn tấn Dũng trong vấn để khai thác Bôxit Tây nguyên, có yêu cầu LS nhận lại đơn khiếu kiện vì luật pháp VN không có điều nào xử thủ tướng cả?. Dĩ nhiên LS Hà Vũ vẫn có những lý luận sắc bén để các thẩm phán tòa án tối cao phải cúi mặt và câm mồm, chắc chắn trong thời gian tới LS sẽ có kế sách riêng bắt buộc chánh án tối cao Trương Hòa Bình phải có văn bản trả lời cho rõ ràng. Điều chúng tôi muốn nói là trong khi các nước văn minh trên thế giới chuyện tòa án xử tù các nhà lãnh đạo là chuyện thường. Quan điểm của tòa án tối cao như vậy đã mặc nhiên chấp nhận thủ tướng, chủ tịch nước nước, TBT đảng và cuối cùng là 15 nhân vật tối cao trong BCT là những người sống trên luật pháp. Vì thế cho nên trong thời gian qua, những việc làm hại nước hại dân của họ vẫn ngang nhiên tự tại không có thế lực nào kiềm hãm họ được, bởi vì dưới tay họ đã có lực lượng quân đội, công an tuyệt đối trung thành theo mệnh lệnh của họ.

Rõ ràng 15 nhân vật trong BCT ĐCSVN đã thực sự tuân phục và đi đêm với TQ để được sự hậu thuẫn của TQ cho quyền hành suốt đời. Chúng tôi nghĩ rằng: 15 con người trong BCT không thể nào thắng nổi cộng đồng dân tộc nếu không có sự tiếp tay và một mực trung thành của lực lượng quân đội, công an. Chỉ có thể chế dân chủ đa nguyên để cho mọi thành phần trong xã hội cùng chung nhau đoàn kết, cùng chung nhau đóng góp nhân tài, nhân lực cho hào khí Diên Hồng của thế kỷ 21 này thì VN mới hy vọng thoát khỏi ách nô lệ một lần nữa đối với bọn người hán TQ.

Đa đảng là con đường duy nhất để cho đất nước tiến lên theo kịp đà văn minh của thế giới. Dưới chế độ dân chủ đa nguyên thì các đảng phái đại diện cho những thành phần trong xã hội có quyền đưa ra những kế sách riêng, quyền quyết định cuối cùng là của toàn dân trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, đảng phái nào không được toàn dân ủng hộ thì sẽ trở thành đối lập với đảng cầm quyền để kiểm soát sự điều hành của chính quyền, sẵn sàng cùng với nhân dân đấu tranh những sai trái và bất công trong xã hội, đảng cầm quyền bắt buộc phải làm tốt và tròn trách nhiệm của mình trước toàn dân nếu không muốn nhân dân bất tín nhiệm, đối lập chớ không phải là kẻ thù. Đặc biệt, các đảng phái không có quyền thành lập quân đội riêng, không có quyền dùng tiền đóng thuế của nhân dân để phục vụ quyền lợi riêng của đảng mình, chỉ có những người phục vụ trong hệ thống chính quyền được sự tín nhiệm của toàn dân mới được lãnh lương từ tiền đóng thuế của nhân dân mà thôi. Quân đội là của đất nước, của toàn dân không được quyền ủng hộ bất cứ một đảng phái nào hết dù đó là đảng cầm quyền. Mặc dù thể chế đa đảng đôi khi cũng có nhiều xáo trộn, đó là điều tất yếu trong một xã hội có nhiều thành phần đối lập, đó là do hoàn cảnh và điều kiện riêng của tùng quốc gia. Nhưng cuối cùng thì cái gì đúng, phù hợp với sự phát triển và ý muốn của đại đa số nhân dân thì sẽ thắng và tiếp tục tồn tại. Thử nhìn lại trên thế giới coi còn bao niêu nước theo CNCS?

Chúng tôi muốn nói với quý vị rằng: Nếu sau này không còn sự độc quyền của đảng CS trên đất nước nữa, thì quý vị cũng vẫn là những chiến sĩ của đất nước và nhân dân. Hôm nay quý vị có được những quyền lợi từ đảng ban cho, nhưng có chắc là con cháu của quý vị sau này có được như thế không?. Khi VN trở thành một tỉnh hay một vùng tự trị của TQ rồi thì tương lai của dân tộc, của thân nhân, gia đình và ngay cả quý vị nữa sẽ ra sao? Cho dù lúc đó quý vị vẫn tiếp tục hưởng những quyền lợi như bây giờ, nhưng quý vị đâu có sống mãi để hưởng, để bao bọc cho thân nhân của mình.

Chúng tôi xin ghi lại đây lời nói của Trung tướng Đặng Quốc Bảo 81 tuổi đã về hưu và đã từng giữ các chức vụ cao trong đảng như UVTW đảng, hiệu trưởng trường đại học Kỷ thuật quân sự thời chiến, Bí thư thứ I đoàn TNCSHCM, thứ trưởng bộ ĐH và TH chuyên nghiệp, trưởng ban khoa giáo TW đảng).Trước cuộc họp dự thảo để chuẩn bị cho đại hội 10 ông công khai lên tiếng: “báo cáo chính trị được dự thảo không ngang tầm, đảng đang lâm vào khủng hoảng về tư duy, về lý luận, thiếu tầm nhìn chiến lược”, và trong bức thư gởi lãnh đạo đảng ông cảnh báo: “đạo đức suy đồi, tham nhũng bất trị lan tràn vì lãnh đạo không thực sự quyết chiến với nó. Nó sẽ phá đảng từ bên trong vì làm mất lòng tin của quần chúng, không ai phá hay lật đổ, chính kẻ biến chất trong đảng tự phá, tự lật đổ cái đảng này”, còn đối với TQ thì ông nhấn mạnh “ chưa ai xảo trá, nham hiểm bằng TQ. Ngày nay TQ giàu, mạnh, tham là một hiểm họa”.

Các nhà lãnh đạo đảng hiện nay, họ quá giàu và người nào cũng có con đi du học ở các nước dân chủ đa nguyên, tiền bạc của họ đều chuyển ra ngoại quốc cho con họ hoặc gởi vào các ngân hàng nặc danh của các nước ngoài, nhất là ngân hàng Thụy sĩ. Nếu sống ở VN không được thì họ vẫn vinh thân phì da ở nước ngoài, chớ quý vị là những người trực tiếp thi hành những mệnh lệnh của họ, trực tiếp chịu trách nhiệm trước nhân dân và Tổ quốc sẽ không bao giờ có được cái diễm phúc đó đâu. Chúng tôi rất mong quý vị sẽ trực diện với lương tâm để suy nghĩ về việc làm của mình bởi vì, quý vị trực tiếp gieo nhân thì sẽ trực tiếp nhận lãnh hậu quả sau này.

Thân chào!

Việt Nam, ngày 30/09/2009
Hương Trà cùng nhóm bạn trẻ

(Email: huongtra13@gmail.com)


TỰ DO NGÔN LUẬN số 84/1-10-2009 (KHỐI 8406)

Cơn bão nào tàn phá Đất nước ?
Xã Luận
bán nguyệt san
Tự Do Ngôn Luận số 84 (01-10-2009)

Xin mời bấm vào đây để xem BNS Tự do Ngôn luận số 84


Một trận bão kinh hoàng (bão số 9, tên quốc tế là Ketsana) vừa tàn phá miền Trung Việt Nam, từ Hà Tĩnh đến Kon Tum, đặc biệt trong ngày 29-9-2009. Với cơn gió tăng nhanh từ cấp 8 lên cấp 14, theo ước tính sơ khởi, nó đã làm 38 người chết và mất tích (riêng Thừa Thiên-Huế có 66 người ở trên rừng chưa xác định được tình trạng); hơn 100 ngàn căn nhà tốc mái hay bị sập; ít nhất 90 tàu thuyền bị chìm; 370.000 dân đã được sơ tán; thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Theo nhận định chung, trận bão Ketsana này còn nguy hiểm hơn trận bão Xangsane (bão số 6 năm 2006) (Theo báo Tuoitre Online). Người Việt từ trong ra tới ngoài nước, ai ai cũng đau lòng xót dạ !
Như thường lệ, trên các phương tiện truyền thông do CSVN quản lý, ngoài hình ảnh các người dân lâm nạn, ta còn thấy hình ảnh người của nhà nước đủ hạng đang «tất bật giúp đỡ» đồng bào (hiếm thấy hình ảnh người của tôn giáo hay của tổ chức thiện nguyện tư), nghe được các lãnh đạo nhà nước đưa ra những chỉ thị, bày tỏ niềm cảm thông, hứa hẹn sự cứu giúp, kêu gọi những tấm lòng hỗ trợ. Rất đao to búa lớn ! Rất thắm nghĩa đậm tình ! Và cũng như thường lệ trong cái xã hội CS mà bộ máy cai trị đa phần gồm những kẻ tham lam, tàn ác, gian dối, coi rẻ con người này, rồi đây cũng sẽ có cảnh bố thí lấy có, phát quà trình diễn, nhận ít ký nhiều, ưu tiên cho đảng viên cán bộ, dùng tiền cứu trợ vào những việc khác hay vào túi lãnh đạo nhỏ to. Cứ chờ xem !
Toàn bộ bức tranh bi hài về những cơn bão lụt tại VN như vừa thấy nhắc nhớ tới một cơn bão lụt khác vốn là đặc trưng của chế độ Cộng sản và cũng rất bi hài : cơn bão lụt xuất hiện với vô vàn trận kể từ ngày Hồ Chí Minh cùng đồ đệ đem đảng, chủ nghĩa và chế độ CS phủ trùm đất Việt. Chỉ xin điểm những trận mới xảy ra gần đây :

a- Trận bão giáo dục : Trong thư gởi thầy cô và học sinh nhân ngày khai trường niên học 2009-2010, Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết khoe khoang : «Năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã… đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng. Ngày càng nhiều địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở. Năm qua cũng đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và học tập… Chất lượng và hiệu quả giáo dục có tiến bộ, đặc biệt là về giáo dục đạo đức, pháp luật, giáo dục lý tưởng, ý chí, hoài bão để xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học, cấp học đều tăng lên. Phần lớn các địa phương đều có thêm trường khang trang, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; điều kiện dạy và học của thầy và trò từng bước được cải thiện». Nhưng cũng trong cùng thời gian, Bản báo cáo tựa đề «Giáo dục đại học cao đẳng VN: Khủng hoảng và đối phó» do Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc ĐH Harvard, thực hiện đã đưa ra những nhận định hết sức thê thảm và những con số kinh hoàng về nền giáo dục VN : “VN không có một trường đại học nào được công nhận là có giá trị; không một trường VN nào có tên trong bất cứ danh sách nào liệt kê các trường đại học hàng đầu ở châu Á.” Chỉ trong một năm (2006), Nam Hàn có 102,633 bằng sáng chế, Trung Quốc 26.292, thì VN chỉ là một con số không! Về các bài viết xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế năm 2007, đang khi Nam Hàn có 5.060, Singapore : 3.598… thì VN được 96. Thế mà sau đó một năm, ngày 27-09-2008, lại có khởi động dự án «Xây dựng công viên Văn Miếu đương đại» tại tỉnh Hòa Bình «nhằm lưu giữ một cách đầy đủ, có hệ thống và khoa học những di sản của các nhà khoa học, các vị tiến sĩ đương đại». Ngoài «sáng kiến tuyệt vời này», ngành giáo dục mới đây còn có hai thành tích đáng nể : đó là «Kế hoạch trồng người để mua trinh » do thầy Sầm Đức Xương, hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) thực hiện và bị phát giác hôm 07-09-2009. Thành tích mới nhất là việc thầy Trần Văn Lộc hiệu trưởng trường Tiểu học Lăng Cô, Thừa Thiên, được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, huyện, thị trấn, cướp ngôi trường của giáo xứ Loan Lý ngày 14-09-2009.

2- Trận bão xã hội : Ngày 6-8-2008, Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN đã ra Nghị quyết số 27-NQ/Tw về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó có những câu : «Những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và văn nghệ, chính sách đối với người VN ở nước ngoài... để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức». Phấn khởi trước Nghị quyết này, Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS, thành lập tháng 9-2007, như cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập đầu tiên ở VN), đã quyết tâm theo đuổi phương châm «Nghiên cứu-Phản biện-Phát triển». Đùng một cái, ngày 24-07-2009 vừa qua, Thủ tướng CS đã ban hành Quyết định 97 (hiệu lực kể từ 15-09), xác định những lĩnh vực mà tư nhân được tham gia thành lập các tổ chức khoa học công nghệ, đồng thời ghi rõ «Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải gởi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ». Đây là việc ngang nhiên bịt miệng giới trí thức nói riêng và mọi ai trong xã hội nói chung dám lên tiếng phê bình chủ trương chính sách của đảng CS. Với cõi lòng đầy cay đắng, ngày 14-09-2009, toàn thể 16 thành viên của Viện (đa phần là công thần chế độ) đã ra Tuyên bố lên án văn bản phi pháp, độc đoán này, rồi quyết định «tự giải thể để biểu thị thái độ» đồng thời hứa sẽ «giữ quyền sử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của pháp luật» !

3- Trận bão tôn giáo : Trong nhiều tháng qua, giáo dân Công giáo đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi để đòi lại tài sản của đạo. Nhà cầm quyền, một mặt ra rả tôn trọng tự do tôn giáo (cụ thể trong «Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ» trước LHQ ngày 08-05 rồi hôm 24-09 mới rồi), mặt khác tìm cách cướp thêm, đoạt hẳn tài sản của các Giáo hội. Gần đây là vụ toàn bộ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên, huyện Phú Lộc và thị trấn Lăng Cô huy động một lực lượng hùng hậu đè bẹp hơn 700 giáo dân giáo xứ Lăng Cô hòng cướp đoạt vĩnh viễn ngôi trường kiêm nhà sinh hoạt của họ hôm 13+14-09-2009. Đến ngày (18-09-2009), Nguyễn Tấn Dũng lại tuyên bố tại Budapest, Hungari, những lời lẽ lếu láo, ngu xuẩn và xấc xược rằng : «VN bảo đảm mọi người VN tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, có tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng. Việc tài sản đất đai của các tôn giáo ở VN phải thực hiện đúng theo hiến pháp và pháp luật của VN. Ở VN tôi xin nói rõ với các bạn là không có tài sản của Vatican ở VN. Trên lãnh thổ VN chỉ có đất đai của đất nước VN, của dân tộc VN, của nhà nước VN. Không có bất cứ một tài sản nào của tôn giáo ở nước ngoài của Vatican là ở VN. Những cái đòi hỏi cái gọi là tài sản của Vatican là một đòi hỏi vô lý và không phù hợp với hiến pháp và pháp luật của VN». Ngày 27-09, lại vụ tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng : khoảng 150 tên “côn đồ”, trước sự chứng kiến, hỗ trợ của công an, đã xông vào phá các nơi ở của gần 400 tăng sĩ và tăng sinh của tu viện này, quăng kinh kệ đồ đạc của họ ra ngoài trời mưa tầm tã, lôi kéo xua đuổi họ, cưỡng ép họ lên xe để trục xuất. Trong quá trình ấy đã có những tu sĩ bị đánh đập dã man, một số người ngất xỉu phải đi cấp cứu. Sau đó, số tăng sĩ tăng sinh này được tạm tá túc tại một ngôi chùa bên ngoài thị xã là chùa Phước Huệ, nhưng rồi có lẽ họ cũng phải ra đi.


4- Trận bão pháp luật: Sau đợt khủng bố bắt thêm 7 chiến sĩ nhân quyền trong ba tháng 5, 6 và 7-2009, nhà cầm quyền CSVN lại bày ra một trò lăng nhục hết sức thô bỉ (bị công luận gay gắt phê bình và vạch trần) là cho chiếu cảnh các nhà đối kháng như luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, và cựu Trung Tá Trần Anh Kim “đọc lời nhận tội” trên truyền hình vào tối hôm 19-8-2009. Đến cuối tháng 8, một loạt các bloggers có những bài viết và hành động chống Trung Quốc đều bị khám xét nhà, tịch thu phương tiện, thẩm vấn, giam giữ một thời gian và bị cấm tiếp tục viết blog tranh đấu. Đến hôm 24-09, nhà cầm quyền lại định bày trò xử án 8 chiến sĩ dân chủ Khối 8406 bị bắt giữ từ ngày 10-9-2008 trong ba tòa (một ở Hải Phòng, hai ở Hà Nội). Thế nhưng, gặp lúc phái đoàn của Nguyễn Minh Triết đang đến Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ và phái đoàn của Việt Nam đang ở Geneva, Thụy Sỹ để nghe Hội đồng Nhân quyền LHQ phán quyết về bản Báo cáo nhân quyền đầy dối trá của Việt Nam, nên phiên xử đành phải hoãn lại.

Mặt khác, tổng biên tập báo điện tử của đảng (Đào Duy Quát) dù có đăng bài mang tính phò địch, phản quốc, vẫn chỉ bị “khiển trách” và phạt vạ 30 triệu, còn Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông-Tây, dù đã đòi Nhật hối lộ 820.000 đôla, hôm 25-09 vẫn chỉ bị Tòa án Nhân dân kết án 3 năm tù với tội danh khác: biển thủ tiền thuê văn phòng trị giá 80,000 đô. Đang khi đó, 3 nông dân ở Lâm Đồng vì nhậu say, “cướp” hai con vịt trị giá 175.000 đồng lại bị tòa tuyên án tổng cộng 13 năm tù hôm 10-08-2009 (Báo Pháp luật 11-08-2009).

Những sự kiện tiêu biểu vừa trình bày trên đây trong các lãnh vực giáo dục, xã hội, tôn giáo, luật pháp… (chưa kể nhiều mặt khác) đã gây nên những tai hại vô vàn cho cuộc sống nhân dân, cho lương tâm con người, cho bầu khí xã hội, cho giá trị đạo đức, cho tiền đồ dân tộc, cho tương lai đất nước. Đó mới thật là những trận bão ghê gớm về mặt tinh thần mà hậu quả không thể nào khắc phục nếu chế độ CS không bị tiêu diệt ! Đảng CSVN có thấy chăng điều đó ?

BAN BIÊN TẬP

http://www.tdngonluan.com/




ĐẢNG VIÊN ĐẢNG VÌ DÂN BỊ BẮT GIAM LẦN THỨ 3


Ông Phùng Quang Quyền bị bắt giam lần thứ 3
THÔNG CÁO BÁO CHÍ CỦA ĐẢNG VÌ DÂN
Ngày 30.09.2009
http://dangvidan.org/activities/17-tb/1121-tb22.html

THÔNG CÁO BÁO CHÍ CỦA ĐẢNG VÌ DÂN
Ông Phùng Quang Quyền bị bắt giam lần thứ 3
Thông báo số 22 — Ngày 30.09.2009

Houston (TX) — Sau khi phối kiểm một số nguồn tin từ Việt Nam, VPLL Đảng Vì Dân trân trọng thông báo cùng đồng bào, các cơ quan truyền thông, báo chí và quý tổ chức đấu tranh được rõ:
Ông Phùng Quang Quyền đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bắt giam lần thứ 3 vào ngày 30/8/2009.

Theo một nguồn tin riêng từ Sài-gòn cho biết:
“Ông Phùng Quang Quyền hiện bị giam ở Trại Tạm Giam B-34 (thuộc Bộ Công An) ở số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, Quận 1; và sức khỏe đang ở trong tình trạng đáng quan ngại.”

Cho đến nay, cơ quan an ninh Cộng sản Việt Nam chưa công bố lý do bắt giữ ông và không phổ biến các thông tin liên hệ đến nội vụ.'

Vì lý do trên, VPLL Đảng Vì Dân nay kính thông báo sơ khởi trường hợp vi phạm nhân quyền này, và sẽ tiếp tục tường trình chi tiết nội vụ một khi việc bắt giam được công khai hóa.
Chúng tôi kính mong quý cơ quan nhân quyền, các tổ chức đấu tranh và đồng bào có quan tâm, ủng hộ cho công cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do, công bằng xã hội và quyền lợi của dân nghèo, sẽ cùng theo dõi và liên tục lên tiếng bênh vực cho ông.
Được biết, ông Phùng Quang Quyền là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1956, cư trú tại Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Kể từ năm 2005, ông đã cộng tác tích cực với chương trình Tiếng Dân Kêu của Đảng Vì Dân và tương trợ nhiều gia đình nạn nhân bị cưỡng chiếm đất đai. Vào ngày 19/11/2006 ông bị nhà cầm quyền bắt giam điều tra trong một thời gian dài, do sự liên hệ với hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân nghèo. Ông bị bắt lại lần thứ 2 vào ngày 20/11/2007. Ngày 10/12/2007, Tòa án tỉnh Đồng Nai đã tuyên án ông 18 tháng tù, với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Trong phiên toà này, ông đã tự lên tiếng tuyên nhận là thành viên của Đảng Vì Dân. Ông bị giam giữ 424 ngày trước khi được phóng thích vào ngày 17/01/2009, với lệnh quản chế 6 tháng.
Tuy nhiên, kể từ ngày được tạm tha cho đến khi bị bắt lại vào ngày 30/8/2009, ông luôn bị cơ quan an ninh tỉnh Lâm Đồng theo dõi, triệu tập và gây khó khăn mọi mặt.

Nhân đây, chúng tôi chân thành kêu gọi quý đồng bào, các đoàn thể đấu tranh, tổ chức nhân quyền và cơ quan truyền thông, báo chí hãy tiếp tục ủng hộ tinh thần cho gia đình ký giả Trương Minh Đức - người chiến sĩ nhân quyền đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án 5 năm tù giam vào ngày 28/3/2008 vừa qua, vì các nỗ lực và thái độ đấu tranh quyết liệt của ông. Ký giả Trương Minh Đức hiện bị giam cầm ở trại tù Xuân Lộc, thuộc tỉnh Đồng Nai.

Ngày 30 tháng 09 năm 2009
VPLL Đảng Vì Dân



QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG KHAI


QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG KHAI
Tạ Phong Tần
Công Lý và Sự Thật’s Blog
29/09/2009
http://conglysuthat.blogspot.com/2009/09/quyen-uoc-xet-xu-cong-khai.html#comments
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Quyền bình đẳng là quyền được đối xử như nhau (giống nhau, ngang bằng nhau) về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục,... không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó, trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật.

Bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc thể hiện sự bình đẳng về các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân trước Nhà nước, pháp luật và Toà án, là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Nguyên tắc này được ghi nhận ở điều 52 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và gia đình.
Bình đẳng trước pháp luật còn là quyền được xét xử công khai, công bằng và đúng pháp luật. Tội danh truy tố bị cáo, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ phải thuyết phục được đa số đồng tình và ủng hộ, nói nôm na là "tâm phục khẩu phục".

"Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.". (Điều 18 BLTTHS)

"Mọi người" tức là không hạn chế một ai đã thành niên đến tham dự xem xét xử, bất kể người tham dự có liên quan hay không liên quan đến vụ án, có giấy triệu tập của Tòa án hay không có. Nếu có giấy triệu tập, bạn phải bắt buộc đến phiên tòa vì đó là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, bạn tham gia trực tiếp vào diễn biến phiên tòa với tư cách người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ (dân sự) liên quan, người phiên dịch, người giám định, người giám hộ, người đại diện theo ủy quyền, người bào chữa. Nếu không có giấy triệu tập, giấy mời, bạn tham dự với tư cách cử tọa, quan sát.

Về khoản "trừ trường hợp do Bộ luật này quy định" thì BLTTHS giới hạn không được mang trẻ em vào phòng xử, trừ phi do yêu cầu của Hội đồng xét xử. Nếu ai đó vào phòng xử mà gây ồn áo, náo động thì HĐXX có quyền ơời ra ngoài, yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính hay bắt giữ, xử lý hình sự (tùy trường hợp cụ thể); nhưng không được quyền hạn chế người tham gia vì lý do "Nghi làm ồn".

Khác với xét xử công khai, xử kín là người tham dự phiên tòa chỉ giới hạn ở một số người có giấy triệu tập được vào phòng xử, cử tọa không được vào, cũng không truyền hình ảnh diễn biến phần thủ tục, xét hỏi, tranh luận ra ngoài.

Những trường hợp cần giữ gìn thuần phong mỹ tục thường là xét xử các vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi.... và việc xử kín này thường theo yêu cầu của phía người bị hại; nếu bị hại không yêu cầu thì Tòa vẫn xét xử công khai, chớ không phải vụ nào liên quan đến tình dục thì đều xử kín.

"trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước" thì xử kín. Bí mật nhà nước là gì? Cụm từ này rất quen thuộc trên các báo, nhưng người dân ít ai hiểu rõ khái niệm của nó, mà người ta chỉ hiểu một cách chung chung cái gì thuộc Nhà nước thì... đều bí mật. Cách hiểu này không đúng và hạn chế quyền công dân.

Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000) định nghĩa:
"Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Như vậy, những thứ gì của Nhà nước quản lý đã kể ở trên mà Nhà nước không công bố, chưa công bố, nếu tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước (phải đảm bảo đủ 2 điều kiện về hành vi và hậu quả) thì mới được coi là bí mật Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không công bố, chưa công bố nhưng nếu tiết lộ mà không gây nguy hại gì cho Nhà nước thì cũng không được coi là "bí mật Nhà nước".

Bí mật Nhà nước được phân chia làm 3 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Phạm vi của tuyệt mật và tối mật được quy định tại Điều 5, Điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

"Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định" (Điều 7), "Việc lập, quyết định, thay đổi độ mật và giải mật đối với từng bí mật nhà nước phải được tiến hành theo thẩm quyền và thủ tục quy định tại Pháp lệnh này" (Điều 9). Danh mục này được lập, trình phê duyệt mỗi năm, chỉ những mục nào có tên trong Quyết định được phê duyệt mới được coi là bí mật Nhà nước; chớ không phải cứ tùy tiện đóng con dấu "mật" đỏ đỏ, vuông vuông vào rồi bảo nó là "mật" thì nó là "mật" thật. Hoặc khôi hài hơn là hành vi phát ngôn vô tội vạ "mật từ miệng" mà chả có mảnh giấy lộn lưng. Cái loại "mật từ miệng" này cũng là "mật" nhưng không phải là "bí mật Nhà nước" mà là "lớn mật", dám ngang nhiên cho mình cái quyền ngồi trên pháp luật, tự đặt ra pháp luật để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường thấy cơ quan tố tụng viện dẫn lý do "bí mật" để cản trở cử tọa vào tham dự các phiên xét xử, nhất là khi bị cáo bị truy tố các tội thuộc chương xâm phạm An ninh quốc gia.Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Pháp lệnh bí mật Nhà nước, căn cứ vào nội dung quy định tại 14 Điều luật ở chương này (từ Điều 78 đến Điều 91 BLHS) thì chúng ta thấy rằng chỉ duy nhất điểm c khoản 1 Điều 80 (Tội gián điệp) là dính dáng đến bí mật thuộc Nhà nước quản lý: "Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; các nội dung Điều luật còn lại thì mô tả hành vi phạm tội đều là do bị cáo tự mình làm ra, chớ không liên quan gì đến bí mật Nhà nước.

"Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm." (Điều 27 BLHS). Bộ luật TTHS nhấn mạnh tính giáo dục và phòng ngừa, vì vậy, trong thực tế cơ quan tố tụng thường tổ chức những phiên xử lưu động ngoài trời để tạo điều kiện rộng rãi, thoáng đãng cho cử tọa tham gia càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đáng lẽ phải công khai để người dân biết hành vi phạm tội cụ thể thế nào mà phòng tránh thì luôn bị lạm dụng để cản trở người tham dự. Tạm chưa bàn đến bản án có xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, nhưng trong trường hợp này, hình phạt dường như được dùng để trả thù, để trừng trị, để thỏa mãn, chớ không có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Điều 10 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự quy định: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.". Đồng thời, phải "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo" (Điều 11).

Một trong những biện pháp nhằm bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật, hạn chế sự lạm dụng quyền lực, áp đặt chủ quan, chứng cứ sơ sài, buộc tội hàm hồ, bào chữa bâng quơ, tuyên án bỏ túi... là nguyên tắc xét xử công khai. Nếu bị cáo may mắn được tại ngoại từ trước thì bị cáo còn có cơ hội để kêu gào về những sai phạm của cơ quan tố tụng, còn bị cáo đang bị tạm giam thì đương nhiên không có cơ hội kêu cầu công lý, nhất là những trường hợp án bỏ túi được "xét xử theo chỉ đạo", có kháng cáo thì cũng chỉ "lưu hành nội bộ", trong vòng "bí mật" mà thôi, án xử đúng hay sai, đầy đủ hay thiếu sót không ai hay biết.

Điều 3 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định rõ: "Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật Nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch Nhà nước.".

Trong thực tế, để che giấu hành vi cản trở người dân, báo chí tham dự phiên tòa, có nơi người ta không cho cử tọa vào phòng xử mà đặt màn hình truyền trực tiếp ra ngoài, nhưng điều lạ là mỗi khi HĐXX, Công tố nói thì âm thanh rất rõ, còn khi bị cáo, nhân chứng hay luật sư nói thì âm thanh cứ khẹc khẹc suốt từ đầu đến cuối làm bên ngoài chả ai nghe thấy gì. Hoặc người ta đem nhét các bị cáo vào cái phòng con con tít trên cao không phải là trụ sở Tòa án, rồi lấy lý do "phòng chật", "cơ quan nhà nước không phận sự cấm vào"... để cản trở cử tọa vào tham dự phiên tòa.

Như vậy, xét xử công khai không những là biện pháp để cho người dân, dư luận xã hội, báo chí tham gia kiểm tra, giám sát tính đúng đắn của hoạt động tố tụng, để giáo dục, phòng ngừa tội phạm; mà còn là quyền lợi hợp pháp của công dân.

Để bảo vệ quyền được xét xử công khai, khi xét thấy hành vi bị cáo buộc phạm tội của bạn không liên quan gì đến bí mật Nhà nước, mà trong phiên xử bạn không trông thấy người nhà, bạn bè quen thuộc, cơ quan báo chí... có mặt trong phòng xử, thì bạn có quyền từ chối xét xử, từ chối trả lời mọi câu hỏi. Đừng vội tin vào luận điệu là "không ai đến" của bất cứ ai. Hãy nhớ rằng chỉ có hạng súc sinh mới không đến, còn người thân, bạn bè tốt của bạn không thể không đến, mà một khi họ vắng mặt tất có lý do mờ ám.

Bạn đừng sợ việc từ chối này sẽ làm bản án cho bạn thêm nặng nề, xin thưa với bạn rằng: Khi việc xét xử có nhiều khuất tất và phải dấm dúi, giấu giếm dư luận thì khả năng một bản án "không giống ai" được duyệt trước nằm sẳn trong túi vị Chủ tọa Hội đồng xét xử từ lâu, bạn có "ngoan ngoãn" hay từ chối xét xử cũng thế thôi.



BỐN TRĂM HẠT GIỐNG BỒ ĐỀ


Bốn trăm hạt giống Bồ Ðề
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, September 29, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101999&z=7
Quế Ðường Lê Quý Ðôn (1726-1784) là một nhà Nho, một học giả đại danh trong lịch sử Việt Nam. Trong cuốn Kiến Văn Tiểu Lục (bài tựa viết năm Cảnh Hưng 38, tức 1777) có một chương “Thiền Dật” nói về đạo Phật ở nước ta. Trong đoạn mở đầu chương này, Lê Quý Ðôn đã phải dùng nhiều lời biện minh cho những đóng góp của Phật Giáo. Ðiều đó chứng tỏ trong thế kỷ 18 và trước đó đã nhiều nhà Nho bày tỏ ý kiến chống đối đạo Phật. Ðể chứng tỏ đạo Phật có vai trò tích cực, Lê Quý Ðôn đã chứng minh rằng trong giáo lý của Ðức Thích Ca có đủ cả đạo hiếu, đạo trung; và ngược lại chính Khổng Tử cũng khuyên răn người quân tử phải trừ bỏ ba tật xấu Tham, Sân, Si không khác gì Phật Ðà (trong thiên “Quý Thị”, sách Luận Ngữ).

Chúng ta kính trọng ý kiến của phu tử Quế Ðường. Nhưng với con mắt của những kẻ hậu sinh đã được tiếp xúc với nhiều trào lưu tư tưởng và kinh nghiệm sống khác, phải nhìn nhận rằng Phật Giáo còn đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống của loài người chứ không phải chỉ có vai trò hỗ trợ cho Nho Giáo, là học thuyết chính thức được chế độ quân chủ tập quyền công nhận. Hiện nay người Tây phương cũng đi tìm học và tu tập theo Phật Giáo chính vì họ tìm thấy trong đó những cách nghĩ và sống mang lại an lạc cho con người và cho xã hội. Ðạo Phật cống hiến những phương pháp Sống An Lạc, nói theo lối ngày nay, là sống hạnh phúc đích thực. Bao nhiêu người Việt Nam đang tu tập theo cách chỉ dẫn của các Thiền Sư Thích Thanh Từ và Thích Nhất Hạnh, họ đang đem bản thân và cuộc đời của mình chứng minh ai cũng có thể đạt tới hạnh phúc chân thực đó. Và mọi người nên tìm cách rèn luyện cho mình sống được như vậy. Nhất là những người muốn lo việc chính trị hay kinh doanh, có ảnh hưởng lớn lao trên những người khác. Vì một người không sống bình an, hạnh phúc với chính mình thì sẽ không thể tạo nên an vui cho người khác được.

Sáng hôm qua tôi gặp một người bạn trẻ tuổi đang chủ trương một công ty đầu tư lớn ở Huntington Beach, California. Trong câu chuyện thân tình tôi có khuyên anh nên tìm dự một khoá tu tập thiền quán, như các thầy người Thái Lan, Tây Tạng, Ấn Ðộ hoặc Tích Lan đang dậy ở khắp nơi trong nước Mỹ. Thị trường lên xuống do lòng tham và sự sợ hãi thúc đẩy. Nếu mình tập làm chủ được lòng Tham và nỗi Sợ thì có thể tránh được nhiều lầm lẫn, sẽ dễ thành công hơn. Tôi nghĩ các bạn trẻ khác ở Việt Nam, đang kinh doanh, đang đi học hay hoạt động trong những lãnh vực khác cũng nên tu tập để sống như vậy. Chính họ sẽ tìm được hạnh phúc đích thực và có thể trở thành hữu ích cho đất nước hơn.

Một hình ảnh làm nhiều người ngạc nhiên và phát lòng kính trọng là các thiền sinh ở Tu Viện Bát Nhã sống trong cảnh đe doạ và đàn áp của công an tỉnh Lâm Ðồng với thái độ thong dong và dũng cảm. Họ chứng tỏ đã làm chủ được sân si và không hề sợ hãi. Gần bốn trăm người sống dưới áp lực của căm thù và bạo động nhưng không bị lay chuyển. Họ sống trong những xóm mang tên Bếp Lửa Hồng, Mây Ðầu Non, Rừng Phương Bối, vân vân. Trong những video được truyền bá trên các mạng lưới chúng ta có thể vào coi, những tăng ni phần lớn ở lớp tuổi 20 hoặc trẻ hơn xuất hiện như những hình ảnh trang nghiêm, hiền hoà, giữ đúng cung cách “đi, đứng, nằm ngồi” mà các thiền sư Liễu Quán, Bách Trượng, Quy Sơn đã vẽ ra từ hàng ngàn năm trước, gọi là “uy nghi” của người xuất gia. Trong lúc video chiếu cảnh công an và những người được thuê đến đập phá các ngôi nhà trong tu viện, phá đến cả pho tượng bà mẹ cầm tay dắt hai con, một pho tượng vô tội, thì từ trong tự viện vẫn vang lên ngân nga tiếng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Những người tu hành trẻ tuổi này cho thấy họ không sợ, không giận, không tham, ung dung, thanh thản, theo đúng một danh hiệu khác của Bồ Tát Quan Âm là Quán Tự Tại.

Ðó là những cây bồ đề nhỏ đang mọc lên ở nước Việt Nam. Họ là những tấm gương sống động cho tuổi trẻ nước ta nhìn vào, tìm hiểu, và noi theo. Phật Giáo có thể đóng góp cho tuổi trẻ nước Việt Nam rất nhiều, để tự xây dựng mình và giúp cho đất nước. Dù họ theo bất cứ tôn giáo nào hay không có tôn giáo, mỗi thanh niên Việt Nam cũng nên đi tìm cho mình một cách sống có ý nghĩa, xây dựng một lý tưởng cho cuộc đời của họ. Hãy sống như những tăng ni đã tu tập ở Bát Nhã, mà bây giờ đang lâm cảnh “lưu vong” ngay trên đất nước của mình. Họ muốn tu hành nhưng không được phép tu, mặc dù không ai nói một lời, làm một việc nào chống lại chính quyền và cái đảng độc tài tham nhũng đang cai trị. Khi được các nhật báo và đài phát thanh ở nước ngoài phỏng vấn, tất cả những vị thiền sinh còn có dịp lên tiếng đều cho biết họ không hề nhận được một chỉ thị nào của thầy của họ ở nước ngoài. Ðảng và chính quyền Cộng Sản không thể nào vu cáo cho họ là đã bị “những thế lực phản động ở ngoài” xúi giục, như họ đã ghép cho các ông Nguyễn Văn Ðài, Lê Công Ðịnh, hoặc cô Lê Thị Công Nhân.

Nhiều Phật tử ở Việt Nam lên tiếng: “Hãy cứu lấy gần 400 cây bồ đề nhỏ này!” Nhiều vị tôn đức trong nước đã can đảm đứng ra bênh vực và sẵn sàng đùm bọc các tăng ni trẻ đó. Hoà Thượng Thích Toàn Ðức, trong ban lãnh đạo Phật Giáo Lâm Ðồng, đã dũng cảm khi tuyên bố các tăng ni Bát Nhã không có tội nào đối với đạo Phật, không làm hại gì cho đất nước, cho nên phải được phép tiếp tục tu tập. Thượng Toạ Thái Thuận, chùa Phước Huệ là người đã bị công an đánh khi ông tới thăm các thiền sinh Bát Nhã trước đây, nay đã đưa tay đón nhận các thiền sinh này. Ngôi chùa Phước Huệ nhỏ nằm kế bên một nhà thờ Thiên Chúa Giáo trong thị xã Bảo Lộc, không biết đến lúc nào công an sẽ tấn công chùa, các thiền sinh có thể chạy qua xin trú ẩn trong ngôi nhà của Chúa Giê Su! Hoà Thượng Pháp Chiếu đã tuyên bố từ chức và lên tiếng ủng hộ hành động của Thượng Toạ Thái Thuận. Một vị hoà thượng ở vùng Thủ Ðức, Sài Gòn, Thầy Minh Nghĩa cũng sẵn sàng tiếp nhận tất cả các tăng ni nếu không bị ngăn cản.

Nhưng công an đã ngăn cấm tất cả. Một viên công an đã nói thẳng với vị thầy của anh ta rằng đây là lệnh của trung ương chứ không phải là quyết định của địa phương. Ðảng Cộng Sản Việt Nam không cho phép những hạt giống bồ đề được mọc lên, không cho phép những cây bồ đề nhỏ được lớn lên.

Nhưng trong nước Việt Nam còn nhiều người đang muốn tưới tẩm cho những hạt giống bồ đề được sống mãi trong lòng dân tộc. Ðồng bào đã tự động tiếp tế cơm ăn, áo mặc cho các thiền sinh Bát Nhã. Nhiều người đã tiếp tế cả các phương tiện truyền thông, từ máy chụp hình tới những điện thoại di động để các tăng ni có thể liên lạc được với nhau và với bên ngoài. Những thiền sinh trẻ nhất, những em 14, 15 tuổi đã được các anh, các chị khuyến khích về với gia đình nhưng còn những người khác vẫn tiếp tục giữ chí nguyện xuất gia không sợ hãi.

Thái độ của các tăng ni thể hiện từ bi và trí tuệ, sẽ khuyến khích tín tâm nơi người Phật tử Việt Nam và cả những người trẻ tuổi sống trong truyền thống tôn giáo khác. Ðây là một tin mừng. Khi nào còn những thanh thiếu niên Việt Nam biết sống có lý tưởng, vững tin ở lý tưởng của mình, không tham lam, không giận dữ, không sợ hãi; lúc đó chúng ta còn tin tưởng ở tương lai đất nước. Không phải chỉ có Phật Thích Ca dậy loài người sống như thế, Ðức Thánh Khổng, Chúa Giê Su cũng dậy loài người như vậy. Những người sống hết mình với đạo lý của tôn giáo mình được cha mẹ ông bà truyền thụ thì có thể giúp cải hoá xã hội chung quanh. Ðó là niềm hy vọng mà các tôn giáo đang cống hiến cho dân tộc ta.

Lê Quý Ðôn kể một câu chuyện cảm động vào cuối chương “Thiền Dật” trong Kiến Văn Tiểu Lục. Ông cho biết vào niên hiệu Vĩnh Hoà, cuối thế kỷ 17, ở chùa Lâm Ðộng, thuộc huyện Ðông Triều có một thiền sư hiệu là Như Ðức. Lê Quý Ðôn mô tả ngài là người “giới luật tinh nghiêm, xa gần đều kính mến”. Mỗi khi lên kinh đô đi qua cửa nhà ai thì già trẻ lớn bé đều vui mừng nói, “Thầy của chúng ta đã tới”.

Mỗi năm sư ông Như Ðức làm giỗ Tổ Ðiều Ngự, tức Vua Trần Nhân Tông là tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, năm nào cũng thấy có một đàn khỉ từ trên núi xuống cửa chùa, như đến dự lễ giỗ. Sau lễ giỗ, thầy Như Ðức mang một mâm oản và xôi ra đặt xuống đất trước cửa chùa, và nói: “Ða tạ chúng sinh đã nhớ ngày giỗ sư tổ mà đến đây...” Lê Quý Ðôn kể rằng những con khỉ, con vượn “kéo đến mỗi con cầm lấy một miếng oản rồi bước đi mà không hề tranh giành nhau gì cả. Năm nào cũng vậy”. Ðức độ của nhà sư đã cảm hoá được cả những loài thú vật.

Chúng ta hy vọng rằng những hạt giống bồ đề mọc lên từ Tu Viện Bát Nhã cũng sẽ cảm hoá được những loài khỉ và vượn thời nay.

---------------------------------------------

Tăng sinh và tu sĩ Tu viện Bát Nhã tạm trú tại Chùa Phước Huệ (RFA 2009-09-30)