Thursday, September 17, 2009

VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ và CON SÔNG MEKONG


Viện Ðại Học Cần Thơ và con sông Mekong
Ngô Thế Vinh
Wednesday, September 02, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100662&z=201
Gửi viện Ðại Học Cần Thơ và Nhóm Bạn Cửu Long
‘A posse ad esse - Từ khả năng tới hiện thực’

LTS:
Trong năm 2000, nhà văn Ngô Thế Vinh đã gửi đến chúng ta một tác phẩm đồ sộ “Cửu Long Cạn Dòng Biển Ðông Dậy Sóng,” với những tài liệu liên quan tới sự suy thoái hệ sinh thái của con sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long, một khi chuỗi 14 con đập khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc hoàn tất. Lời báo động của ông và Nhóm Bạn Cửu Long được hưởng ứng rộng rãi trong tập thể Việt Nam hải ngoại. Năm 2001, sau khi quan sát khúc sông Mekong trên Thượng Lào trở về, cuốn sách được tái bản với những chi tiết cập nhật được bổ sung. Sau đó, nhà văn Ngô Thế Vinh lại trở lại với khúc sông Mekong băng qua những Cánh Ðồng Chết trên xứ Chùa Tháp. Những gì ông ghi nhận được nơi các quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam cho thấy rõ một điều: cho dù các nước hạ nguồn có phản ứng ra sao đi chăng nữa thì chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam trên thượng nguồn sông Mekong vẫn cứ được Trung Cộng tiến hành, bất kể hậu quả ra sao đối với hàng trăm triệu cư dân sông trong lưu vực - dĩ nhiên trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn. Phải làm gì, là câu trả lời của bài viết dưới đây khi ông đề nghị thiết lập một Phân Khoa Sông Mekong tại viện Ðại Học Cần Thơ, với nguồn chất xám là các chuyên viên và ban tham vấn của Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission). Ðó sẽ là một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu về con sông Mekong, không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà cho cả 7 quốc gia trong lưu vực, nhằm đào tạo những chuyên viên có trình độ sẵn sàng đương đầu với những vấn nạn của hủy hoại môi sinh và khai thác phát triển trong toàn lưu vực con sông Mekong.
------------------------------------------------

Làm gì giữa hai cực đoan
Từ 1995, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại đã liên tục đăng những bài viết có tính cách báo động về các kế hoạch khai thác sông Mekong đưa tới cạn kiệt nguồn tài nguyên và hủy hoại hệ sinh thái toàn lưu vực - trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Ðiển hình là kế hoạch xây chuỗi 14 con đập thủy điện bậc thềm khổng lồ Vân Nam trên dòng chính sông Mekong của Trung Quốc càng khiến mọi người thêm lo ngại. Từ đó nảy sinh ra hai phản ứng hoàn toàn trái ngược:
-Thái độ cam chịu, biết thế đấy nhưng nghĩ rằng chẳng thể làm được gì trước sức mạnh và thái độ ngang ngạnh của Trung Quốc.
-Phản ứng giận dữ và nghĩ rằng một cuộc “chiến tranh vì nước” với Trung Quốc để sống còn là không thể nào tránh dù rằng đó là một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức.
-Giữa hai cực đoan ấy, liệu chúng ta có thể tìm ra một giải pháp dung hợp bằng cái nhìn thực tiễn, còn nước còn tát - nghĩa là nhìn nửa phần đầy của ly nước thay vì nửa vơi.
-Bài viết này phản ánh cách nhìn dung hợp thứ ba - làm thế nào để “giới hạn và giảm thiểu tổn thất/control damage” và đó cũng là quan điểm của người viết khi bàn về chức năng của viện Ðại Học Cần Thơ.

14 con đập Vân Nam và Tennessee Valley Authority

Trước hết để có một ý niệm về tầm vóc của chuỗi đập Vân Nam, ta hãy so sánh với một công trình vĩ đại khác của Mỹ: Tennessee Valley Authority/TVA.
Số đập Vân Nam là 14 trong khi TVA chỉ có 9; độ dốc/elevation differential của chuỗi đập Vân Nam là 1,500 mét - 12 lần cao hơn chuỗi đập TVA; tổng công suất chuỗi đập Vân Nam gấp 13 lần tổng số công suất 9 con đập TVA. Như vậy đối chiếu với chuỗi đập bậc thềm Vân Nam thì đại công trình Tennessee Valley Authority nổi tiếng bấy lâu của Mỹ nay đã trở thành một bóng mờ. [1]
Tuy là một công trình lớn lao như thế nhưng như từ bao giờ Trung Quốc luôn luôn giấu kín nhẹm các kế hoạch chiến lược khai thác sông Mekong của họ.
Tiến Sĩ Hiroshi Hori - một chuyên gia uy tín quốc tế và lâu năm của Ủy Ban Sông Mekong khi viết tới chương sách về dự án phát triển đập nơi lưu vực trên sông Mekong (Upper Mekong Basin) đã phải thú nhận, “Trong suốt một thời gian dài, đã không có cách nào biết được tình hình phát triển nơi lưu vực trên sông Mekong - For a long time, there was no way of knowing the development situation in the upper Mekong basin” cho dù bản thân ông đã phải đích thân tới Vân Nam để khảo sát thực địa năm 1994 (đập thủy điện đầu tiên Manwan 1,500 MW hoàn tất năm 1993, nghĩa là trước đó một năm). Như vậy thì chúng ta cũng chẳng ngạc nhiên khi phải nghe Lê Quang Minh nguyên dân biểu Quốc Hội, phó viện trưởng viện Ðại Học Cần Thơ đồng bằng sông Cửu Long than thở, “Thật khó để có được thông tin từ phía Trung Quốc. Ðiều ấy khiến chúng tôi thật sự lo ngại.” [3]
Thụ động, lo ngại - rồi sao nữa? Không lẽ cứ tiếp tục ngồi than thở thì Bắc Kinh sẽ thấy ái ngại mà cung cấp cho mọi thông tin mà chúng ta đang cần.
Cũng có đấy chứ, một số thông tin đến từ phía Trung Quốc, nhưng đó chỉ là những liều thuốc ngủ, “những dữ kiện màu hồng có tính cách giai thoại - annecdotal.”
Ðiển hình là mới đây Bộ Ðiện Lực Trung Quốc/Ministry of Electric Power đã cùng một lúc cung cấp một số tài liệu made in China cho mấy nước hạ nguồn về hiệu quả tích cực của các con đập Vân Nam đối với toàn lưu vực sông Mekong không ngoài mục đích trấn an; họ còn gửi tới các quốc gia kỹ nghệ phát triển trong đó có Nhật Bản để mong tìm thêm nguồn tài trợ cho các dự án lớn lao của họ. [1]
Theo Bộ Ðiện Lực Trung Quốc thì:
-Năm 1995 tổng công suất của cả nước là 150x106 kW trong đó chỉ có 25% là thủy điện, phần còn lại nhiệt điện từ than đá và từ lò nguyên tử. Dự trù nhu cầu điện sang năm 2000 sẽ tăng gấp đôi trong khi tiềm năng Thủy Ðiện TQ (400x106 kW) mới chỉ được khai thác chưa tới 10%.
Và khi mà những con đập Vân Nam được coi như yếu tố tạo sức bật cho các bước canh tân nhảy vọt của Trung Quốc thì theo Dai Qing nhà hoạt động môi sinh nổi tiếng cũng là tác giả cuốn sách “The River Dragon Has Come” đã có nhận định là “Trung Quốc sẽ không có một thay đổi nào trong kế hoạch khai thác sông Mekong của họ cho dù ảnh hưởng tác hại ra sao đối với các quốc gia dưới nguồn.” Bắc Kinh đã hành xử như chính mình sở hữu toàn 4,500 km chiều dài con sông Mekong - vốn là một con sông quốc tế.

Từ Ủy Ban tới Ủy Hội Sông Mekong
Từ thời Ủy Ban Sông Mekong/Mekong River Committee (1957) - tiền thân của Ủy Hội Sông Mekong (1995), đã có một hệ thống khí tượng thủy văn (hydrometeorological network) hoạt động nơi lưu vực dưới sông Mekong. Ban đầu chủ yếu chỉ để theo dõi lưu lượng dòng chảy (river flow) và mực nước cao thấp (water level), sau đó những dữ kiện bằng số ấy được thu thập chuyển về trụ sở văn phòng thường trực của ủy ban để phân tích nhằm đưa ra những biện pháp phòng tránh hay giảm thiểu những tác hại về lũ lụt hay hạn hán cho bốn nước hạ lưu.
Nhưng trước viễn tượng hình thành trên khúc sông thượng nguồn chuỗi 14 con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam với kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, trút đổ các chất phế thải kỹ nghệ xuống sông thì rõ ràng hệ thống theo dõi ban đầu này là rất thiếu sót.
Chính vì thế mà Hiroshi Hori đã đề nghị với Ủy Hội Sông Mekong phải cải thiện và nâng cấp hệ thống khí tượng thủy văn sao cho có khả năng theo dõi không chỉ về lượng mà cả về phẩm chất nước của mỗi khúc sông trong toàn lưu vực - quan trọng nhất là “những yếu tố biến động về phẩm chất nước” đổ xuống từ khúc sông thượng nguồn. [1]
Chức năng của trung tâm theo dõi mới này là mỗi khi phát hiện được những “thông số hay dữ kiện bất thường” thì phải thông báo ngay cho các quốc gia trong lưu vực với yêu cầu xác định nguyên nhân. Giả thiết nguyên nhân tìm thấy là do hậu quả sinh hoạt của các khu kỹ nghệ trên thượng nguồn thì quốc gia liên hệ phải có trách nhiệm tìm ngay biện pháp ngăn chặn. Bằng không thì cơ quan chức năng cao nhất của Ủy Hội Sông Mekong và cả những chánh phủ trong lưu vực phải có phản ứng tích cực và kịp thời tìm ra những phương cách giải quyết bằng con đường chánh trị ngoại giao và cả công pháp quốc tế.
Khi mà các dự án đập lớn nơi lưu vực dưới sông Mekong (như dự án đập Pa Mong, Sambor...) đã trở thành quá xa vời do chống đối của các tổ chức bảo vệ môi sinh và của cả chính cư dân trong lưu vực - khiến các nguồn tài trợ bị ngưng lại chưa biết tới bao giờ, trong khi nơi lưu vực trên thì Bắc Kinh đang hối hả thực hiện cho bằng được dự án 14 con đập của họ - thì rõ ràng ẩn số của phương trình sông Mekong vẫn là nước lớn Trung Quốc.

Kế hoạch phát triển cho toàn lưu vực
Trong văn bản thỏa thuận giữa Thái Lan-Lào-Cam Bốt và Việt Nam khi hình thành Ủy Hội Sông Mekong (1995), cả bốn nước đều đồng ý hình thành một kế hoạch phát triển chung cho lưu vực dưới sông Mekong. Một kế hoạch như vậy cho dù đạt được tự nó đã là một thiếu sót; bởi vì không thể tách rời việc phát triển sông Mekong ra hai khu vực: lưu vực trên và lưu vực dưới. Cần phải có một kế hoạch phát triển cho toàn lưu vực bao gồm cả Trung Quốc và Miến Ðiện càng sớm càng tốt.

Trong cuộc khảo sát kéo dài hai năm (1996 tới 1998) của JICA/Japan International Cooperation Agency (mà Hirhosho Hori là trưởng nhóm) đã đưa ra những đề xuất nhằm hướng tới sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ sinh cảnh môi trường cho toàn lưu vực với những lưu ý như sau:
-Viện trợ cho các nước kém phát triển phải dựa trên sự tôn trọng không chỉ với quốc gia ấy mà cả với các cộng đồng dân cư trong lưu vực với động lực là thăng tiến cho chính họ. Cần nhấn mạnh là mối quan tâm không chỉ thu gọn trong những hậu quả về vật chất mà phải kể tới các khía cạnh tâm lý và văn hóa xã hội đối với cư dân địa phương.
-Trợ giúp phát triển với quan tâm ưu tiên tới những khía cạnh về sinh cảnh môi trường của khu vực. Luôn luôn đặt trong tâm vào việc bảo tồn môi trường thiên nhiên bao gồm cả việc bảo vệ tính đa dạng của hệ sinh thái/biodiversity. Các dự án đập thủy điện lớn phải được duyệt xét với tất cả sự nhạy cảm căn cứ trên nhu cầu thiết thực của các cộng đồng cư dân trong khu vực. [1]

Khi mà lưu vực sông Mekong đang trải qua những những đổi thay và biến động mau chóng, thì bất cứ dự án ban đầu nào (có từ 20 năm trước từ thời Ủy Ban Sông Mekong) cũng cần phải những cải đổi để thích nghi với điều kiện hoàn cảnh mới.
Các cơ quan tài trợ kế hoạch phát triển sông Mekong (như Ngân Hàng Phát Triển Á Châu/ADB, Ngân Hàng Thế Giới/WB, Cơ Quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc/UNDP) cần có một cái nhìn toàn cảnh như vậy khi trợ cấp cho từng dự án thủy điện trên sông Mekong: bởi vì không phải chỉ có khai thác nguồn thủy điện từ con sông mà còn cả mối quan tâm tới các vấn đề thủy lợi, nông lâm/agriforestry, ngư nghiệp và giao thông; cũng không thể không quan tâm tới ảnh hưởng trên sinh cảnh môi trường trong chiến lược phát triển bền vững sông Mekong: có nghĩa là khai thác nhưng vẫn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và không gây những xáo trộn xã hội đối với cư dân sông trong lưu vực. Mà điều đó thì hiện nay chưa có được khi Trung Quốc và Miến Ðiện là hai quốc gia thượng nguồn vẫn chọn vị thế đứng ngoài.

Thành lập nhóm chuyên viên tham vấn
Các kế hoạch phát triển sông Mekong thường bị chi phối do sự cạnh tranh giữa các đại công ty ngoại quốc đấu thầu xây đập - dĩ nhiên vì lợi nhuận họ rất ít quan tâm tới vấn đề an toàn môi trường và sự an sinh của cư dân sống hai bên bờ con sông Mekong. Trong khi đó thì các chánh phủ liên hệ hoặc vì nhu cầu phát triển và quyền lợi trước mắt hoặc vì thiếu trình độ chuyên môn nên đã dễ dàng thông qua các kế hoạch mà không đưa ra được những phê phán và tu chính lẽ ra phải có.
Ðể giải quyết tình trạng thiếu trình độ chuyên môn ngay trong Ủy Hội Sông Mekong và các chánh phủ liên hệ, Tiến Sĩ Hiroshi Hori đã đưa ra đề nghị cấp thiết thành lập Nhóm Chuyên Viên Tham Vấn Quốc Tế/International Advisory Group of Experts có trình độ cao và có kinh nghiệm về phát triển lưu vực các con sông thuộc nhiều lãnh vực kể cả các chuyên gia về phẩm chất nước. [1]
Họ cũng phải quen thuộc và nhạy cảm với những “vấn đề kinh tế xã hội môi sinh” của cư dân trong lưu vực ngõ hầu có thể đưa ra những nhận định vô tư và khách quan. Họ sẽ là một cơ quan tư vấn độc lập làm việc bên cạnh Ủy Hội Sông Mekong để giải đáp những vấn đề khúc mắc khó khăn liên quan tới từng dự án phát triển sông Mekong. Ðể hoàn tất nhiệm vụ ấy, dĩ nhiên họ phải có đủ thời gian và phương tiện để khảo sát các dữ kiện trên mỗi đồ án trước khi đưa ra những nhận xét và ý kiến phê phán để gửi qua văn phòng thường trực của Ủy Hội Sông Mekong để làm cơ sở quyết định. Những biên bản đề xuất này sẽ không bị tô hồng hay cắt xén cho dù trái với ý muốn của các đại công ty tư bản hay chánh phủ liên hệ.

Ðại Học Cần Thơ, ngọn hải đăng Miền Tây
Ðược thành lập từ 1966 nơi trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, số sinh viên hiện nay lên tới 16,000 với khoảng 5,000 sinh viên cử nhân và cao học tốt nghiệp mỗi năm. [6] Sĩ số sinh viên tiếp tục gia tăng thêm 2,000 mỗi năm - tới năm 2010 tổng số sinh viên Ðại Học Cần Thơ sẽ là hơn 30,000. Với 8 phân khoa: Nông Nghiệp, Sư Phạm, Khoa Học, Quản Trị Kinh Doanh, Công Nghệ, Công Nghệ Thông Tin, Y Nha Dược, Luật. Bên cạnh đó còn có 7 viện và trung tâm nghiên cứu: Nghiên Cứu và Phát Triển Hệ Thống Canh Tác, Công Nghệ Sinh Học, Khoa Học Thủy Sản, Nghiên Cứu Ðất Phèn, Kỹ Thuật Môi Trường và Năng Lượng Mới (Research Center for Environmental Engineering & Renewal Energy), Thông Tin Khoa Học và Công Nghệ, Trung Tâm Ngoại Ngữ.
Phải có ban giảng huấn, các thư viện và hệ thống phòng thí nghiệm lớn ra sao để có thể dàn trải ra cho ngần ấy phân khoa và các viện nghiên cứu đa dạng như thế.
Ðiểm mạnh của Ðại Học Cần Thơ từ trước 1975 và còn tiếp tục tới nay là phân khoa Nông Nghiệp: đã thành công trong nghiên cứu và đưa vào sử dụng các giống lúa Thần Nông mới với khả năng tăng sản và tăng vụ - mà nông dân ÐBSCL đã đặt tên cho là lúa Honda khiến Việt Nam trở thành quốc gia xuất cảng gạo lớn thứ hai chỉ có sau Thái Lan.

Cách đây 32 năm, trong bài diễn văn “xuất trường” của viện Ðại Học Cần Thơ, Giáo Sư Ðỗ Bá Khê đã có một cái nhìn rất xa về vai trò của viện Ðại Học này với tương lai vùng đồng bằng châu thổ:
“Ngày nay (19 Tháng Mười Hai, 1970) trong thời đại khoa học kỹ thuật, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang trông chờ nơi ánh sáng soi đường của viện Ðại Học Cần Thơ và ước mơ một chân trời mới, tô điểm bằng những cành lúa vàng nặng trĩu, những mảnh vườn hoa quả oằn cây, dân cư thơ thới, một cộng đồng trù phú trong một xã hội công bằng.”

Ðã 35 năm kể từ ngày thành lập, nhưng tầm vóc và chất lượng của viện Ðại Học Tây Ðô này vẫn còn khiêm tốn ngay cả so sánh với các đại học trong khu vực Ðông Nam Á như Mã lai, Singapore, Thái Lan. Ðó vẫn là một viện đại học nghèo về phương tiện phòng thí nghiệm, thư viện và cả thiếu thốn về ban giảng huấn nhưng đồng thời lại rất giàu về nguồn chất xám của đông đảo lớp sinh viên thông minh hiếu học và trong đó không thiếu những thành phần ưu tú. Ðám sinh viên ấy trông chờ và lẽ ra phải xứng đáng được hưởng một nền giáo dục đại học vươn tới tầm mức của thời đại. Bởi vì phẩm chất của lớp sinh viên tốt nghiệp ấy sẽ là chất xúc tác (catalyst) cho các bước phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, trong bài diễn văn kỷ niệm 35 năm thành lập Ðại Học Cần Thơ 1966-2001, Viện Trưởng Trần Thượng Tuấn, tuy là với ngôn từ mới của “kinh tế thị trường và toàn cầu hóa” nhưng nội dung cũng chỉ là những điều mà Giáo Sư Ðỗ Bá Khê đã nói ra cách đây 32 năm:
“...Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế tri thức đòi hỏi Ðại Học Cần Thơ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, năng động sáng tạo hơn nữa, cũng như tăng cường hơn nữa việc học tập kinh nghiệm tốt ở các trường đại học trong nước và ngoài nước nhằm mục tiêu sớm rút ngắn khoảng cách với các trường tiên tiến trong khu vực - để làm tròn chức năng của một trường đại học, một trung tâm khoa học kỹ thuật của đồng bằng sông Cửu Long.” [6]

Nhưng chừng nào mà viện Ðại Học Cần Thơ nói riêng và hệ thống đại học Việt Nam nói chung chưa có được một nền tự trị đại học, còn chọn đi theo con đường “hồng hơn chuyên” thì hình ảnh ngọn hải đăng chỉ đường cho vùng đồng bằng châu thổ sẽ vẫn chỉ là thứ ánh sáng cuối đường hầm. Một cộng đồng trù phú trong một xã hội công bằng, vẫn chỉ là những mơ ước trong những hoàn cảnh thật nghiệt ngã của một đất nước thống nhất nhưng lại càng ngày càng phân hóa: được tiếng là sống trên vựa lúa và cá nhưng mức sống của đa số cư dân còn nghèo khó: tỉ lệ thất nghiệp và thất học cao có lẽ chỉ hơn so với các sắc dân thiểu số Tây Nguyên.

Ðược mệnh danh là trung tâm khoa học kỹ thuật của đồng bằng sông Cửu Long, Ðại Học Cần Thơ đã và đang làm gì để đương đầu với những khai thác hủy hoại con sông Mekong do hình thành chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam mà Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn sẽ phải lãnh đủ mọi hậu quả?
Viện Ðại Học Cần Thơ - do vị trí địa dư đặc biệt của mình, sẽ phải là một tiền đồn, một cơ quan đầu não, một trung tâm nghiên cứu thu thập dữ kiện, khảo sát và theo dõi mọi thay đổi biến động của con sông Mekong về lưu lượng dòng chảy, phẩm chất nước, nguồn cá... nói chung là toàn hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất mong manh của toàn lưu vực sông Mekong - trong đó có đồng bằng sông Cửu Long một vựa lúa nuôi sống cả nước, để kịp thời có phản ứng và tìm ra giải pháp để giới hạn tổn thất.
Nếu không làm gì, chờ đến khi mà con sông Cửu Long cạn dòng và cả vùng đồng bằng châu thổ bị dìm trong biển mặn thì Ðại Học Cần Thơ lúc đó chỉ còn là hình ảnh của con tàu mắc cạn trên biển Mặn Aral của Trung Á.

Theo dõi khiếm khuyết và bổ sung

Cho dù không có phương cách nào có thể ngăn Trung Quốc không tiến hành kế hoạch điện khí hóa vĩ đại của họ nhưng ở một chừng mực nào đó thì “những khiếm khuyết và thiếu an toàn trong mỗi dự án xây đập của Trung Quốc phải được biết tới, để theo dõi và bổ sung.”
Hiển nhiên không thể thụ động ngồi chờ nguồn thông tin do Trung Quốc tùy tiện cung cấp mà vì lý do sống còn, chúng ta phải hết sức chủ động đi tìm kiếm những gì mà chúng ta cần biết - đó là những dữ kiện khách quan. Ðiều ấy đòi hỏi cho một chiến lược bảo vệ môi sinh với tầm nhìn xa, với một đội ngũ chuyên viên không chỉ có trình độ mà còn có lòng thiết tha với công việc chuyên môn của họ.
Ðại Học Cần Thơ với phân khoa Sông Mekong sẽ là một “think tank” một trung tâm nghiên cứu giảng dạy và là nguồn cung cấp chất xám.

Một phân khoa Sông Mekong có thể khai triển từ những ý niệm đã có ban đầu với danh xưng trung tâm nghiên cứu kỹ thuật môi trường.
-Xây dựng một thư viện chuyên ngành với tất cả sách vở tài liệu trước hết là liên quan tới con sông Mekong.
-Ban giảng huấn ngoài thành phần cơ hữu của nhà trường, sẽ bao gồm các chuyên gia của Ủy Hội Sông Mekong, nhóm chuyên viên tham vấn quốc tế bên cạnh Ủy Hội Sông Mekong. Họ sẽ được mời như những giáo sư thỉnh giảng/Visiting Professor, cho phân khoa Sông Mekong. Tài liệu giảng của họ sẽ là nguồn thông tin vô cùng quý giá do từ những đúc kết qua thực tiễn.
-Chọn lọc tuyển sinh từ thành phần ưu tú biết ngoại ngữ, nhằm hướng tới đào tạo các kỹ sư môi sinh (trình độ MS/Master of Science) ngoài phần lý thuyết họ sẽ được tiếp cận với thực tế bằng những chuyến du khảo - fieldtrips qua các trọng điểm của con sông Mekong, qua các con đập, và không thể thiếu một thời gian thực tập “on-the-job training” tại các cơ sở của Ủy Hội Sông Mekong. Họ sẽ ra trường với một tiểu luận tốt nghiệp về những đề tài khác nhau liên quan tới hệ sinh thái của con sông Mekong.
-Về phương diện chánh quyền, cần thiết lập ngay một mạng lưới “Tùy viên môi sinh” (Ðã có những tùy viên quân sự, tùy viên văn hóa trong mỗi tòa đại sứ, tại sao không thể có tùy viên môi sinh?) đặc trách sông Mekong trong các tòa đại sứ và sứ quán tại các quốc gia trong lưu vực: như tòa lãnh sự Việt Nam ở Côn Minh Vân Nam, bốn tòa đại sứ Việt Nam ở Miến Ðiện, Thái Lan, Lào và Cam Bốt. Họ sẽ là tai mắt, là những trạm quan sát sống cho phân khoa Sông Mekong và Bộ Bảo Vệ Môi Trường.

Trước 1975, nếu Thái Lan đã có viện Y Khoa Nhiệt Ðới Ðông Nam Á, tại sao không thể nghĩ tới một phân khoa Sông Mekong tại viện Ðại Học Cần Thơ cho 6 quốc gia trong lưu vực: thành phần sinh viên không phải chỉ có Việt Nam mà có thể cả những sinh viên đến từ Thái Lan, Lào và Cam Bốt và cả từ Trung Quốc, Miến Ðiện.

Nếu Ðại Học Cần Thơ còn nghèo thì việc cấp học bổng cho các sinh viên đến từ các quốc gia trong lưu vực sẽ đến từ cấp nhà nước. Phải xem đây như một kế hoạch đầu tư dài hạn và rất ý nghĩa cho “Một tinh thần sông Mekong/The Mekong Spirit” trong toàn bộ các kế hoạch hợp tác và phát triển vùng.
Với trình độ kiến thức và tinh thần liên đới của đám sinh viên đa quốc gia này sẽ là nguồn chất xám bổ sung cho Ủy Hội Sông Mekong, cho các chính phủ địa phương đang bị thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Lớp chuyên viên trẻ đầy năng động này cũng sẽ là mẫu số chung nối kết mở đường cho các bước hợp tác phát triển bền vững của 6 quốc gia trong toàn lưu vực sông Mekong.
Dĩ nhiên có một cái giá phải trả để bảo vệ con Sông Mekong và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với tâm niệm rằng “nói tới nguy cơ là còn thời gian, trong khi tiêu vong là mất đi vĩnh viễn.”

-----------------------

Tham khảo:

1/ Hiroshi Hori. The Mekong: Environment and Development. United Nations University Press, Tokyo 2000.
2/ Patrick McCully. Silenced Rivers: The Ecology and Politics of Large Dams. International Rivers Network. Zed Book Ltd, London 1996.
3/ Shawn W. Crispin, Margot Cohen, Bertil Lintner. The Mekong Choke Point. Far Eastern Economic Review, Oct 12, 2000.
4/ Milton Osborne. The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future. Atlantic Monthly Press, New York 2000.
5/ Ðỗ Bá Khê. Ðại Học Cần Thơ, Ngọn Hải Ðăng Miền Tây. Ðặc San Tiền Giang - Hậu Giang 2000.
6/ Trần Thượng Tuấn. Kỷ Niệm 35 Thành Lập Ðại Học Cần Thơ 1966 - 2001.
http://www.ctu.edu.vn
7/ Ngô Thế Vinh. Từ Ủy Ban Tới Ủy Hội Sông Mekong: Trước Những Thách Ðố và Triển Vọng. http://www.mekongriver.org



No comments: