Tuesday, September 15, 2009

"VẾT CHÂN DÃ TRÀNG" và ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


Vết Chân Dã Tràng và Đảng CSVN
Nguyễn Thanh Văn
Cập nhật ngày: 5/09/2009
http://viettan.org/spip.php?article8887
Trong mấy năm gần đây thỉnh thoảng người ta lại nghe lệnh thu hồi tác phẩm này, cuốn sách nọ, mặc dù những tác phẩm này đang được lưu hành. Nghĩa là đã qua khâu kiểm duyệt như Rồng Đá của Vũ Ngọc Tiến, Lê Mai; như cuốn “Hoàng Sa và Trường Sa” của Nguyễn Quang Thắng; như cuốn “Quá trình xác lập chủ quyền của Viêt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’’ của Nguyễn Nhã…

Dưới chế độ độc tài CS hiện nay tại Việt Nam, muốn phát hành một cuốn sách, một tác phẩm không phải là chuyện dễ dàng, vì phải qua khâu kiểm duyệt của quan chức đảng. Có những tác phẩm bị chết ngay từ trong trứng nước. Nhưng đôi khi cũng có những tác phẩm được lọt lưới lúc đầu, sau đó quan chức trung ương đảng phát hiện điểm không vừa ý, nhưng đã lỡ cho phép phát hành và vì sĩ diện, nên đã đùn đẩy cho cấp tỉnh làm công việc tịch thu, mà trường hợp mới đây nhất là tác phẩm Trịnh Công Sơn – vết chân dã tràng của tác giả Ban Mai, tức thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy thuộc trường đại học Quy Nhơn.
Tác phẩm Trịnh Công Sơn – vết chân dã tràng đã được Cục xuất bản thuộc ban Văn hóa tư tưởng cho phép xuất bản vào tháng 6.2008. Tuy nhiên vào ngày 11.08.2009, bất ngờ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn thư thu hồi tác phẩm này với 2 lý do là đã vi phạm luật xuất bản, và một phần nội dung cuốn sách bị đảng coi là “xuyên tạc sự thật lịch sử chiến tranh VN, và xúc phạm những trí thức, nhạc sĩ khác”…
Cái gọi là vi phạm luật xuất bản chỉ là sự gán ghép tính hành chánh một cách gượng ép để làm lý cớ, mà nhiều người đã vạch trần tính vô pháp luật của nó, hầu pha loãng chuyện trung ương không hài lòng một số sự thật được ghi lại trong tác phẩm.

Dù chiến tranh đã kết thúc gần 35 năm, và đã thay đổi nhiều thế hệ lãnh đạo, nhưng não trạng của lãnh đạo đảng hôm nay vẫn không thay đổi chút nào. Vẫn đầy ắp định kiến và không chấp nhận sự thật, sự thật về những gì mà đảng làm trong quá khứ; nhất là sự thật về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Dù là bài thơ, một đoạn văn hay một tác phẩm văn chương nghệ thuật đầy tính nhân bản; dù là một tác phẩm được viết trong thời điểm hiện nay và tác giả có là đảng viên, nhưng nếu có hơi hướm đụng chạm đến định kiến của đảng, hoặc những sự thật mà đảng muốn dấu diếm, thì cũng làm cho lãnh đạo đảng khó chịu.
Tác phẩm Trịnh Công Sơn - Vết Chân Dã Tràng của tác giả Ban Mai là một điển hình.

Khi đề cập đến chiến tranh Việt Nam, trong chương 4 của tác phẩm, tác giả Ban Mai đã viết về tính nhân bản của người lính VNCH như sau:
…“Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu như người dân miền Nam nào cũng sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:


Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”...
(Chiến tranh Việt Nam và tôi - Nguyễn Bắc Sơn)

“’Những đứa xăm mình’, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì... phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng. “Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế“.
“Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng”.
(Nhật ký Đặng Thùy Trâm).

Trong khi đó, ở chiến tuyến khác, trong bài Nghinh Địch Hành Hà Thúc Sinh viết:

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
mà ăn uống cho say

Ta cũng người như chú
cũng nhỏ bé trong đời
có núi sông trong bụng
mà bất lực hôm nay
...

Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào.

“Một người lính Cộng hòa nói với một bộ đội miền Bắc như nói với anh em, và quả thật họ là anh em cùng giống ‘da vàng mũi tẹt’ mà ra. Ta đối với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không còn gì khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ cao đẹp: vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích.”

Nhắc đến tính nhân bản của người lính VNCH đã là điều làm cho đảng khó chịu. Đảng càng khó chịu hơn khi tác phẩm có đoạn:
“Cũng như bao người trí thức miền Nam khác, Trịnh Công Sơn đau đớn nhận ra điều ấy, những thảm cảnh mất mát mà ông thấy trong trái tim của ông.”
Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

(Hát trên những xác người – 1968)
Vì như vậy là nhắc đến tội ác của đảng tại Huế vào năm 1968, cho dù đó là lời nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh.

Ngày 19.08.2009 vưa qua, Trung úy quân đội Hoa Kỳ William Laws Calley, người đã ra lệnh tàn sát một số thường dân tại Mỹ Lai, Quảng Ngãi vào năm 1968, đã tỏ ý ân hận và ngỏ lời xin lỗi các nạn nhân. Riêng đảng thì chưa một lần ăn năn vì hành động thảm sát gần 5.000 đồng bào vô tội cùng dòng máu với mình tại Huế. Đảng còn nợ người dân Huế câu xin lỗi.

Trong phần kết của chương 4, khi phân tích nhạc phẩm “Gia Tài Của Mẹ” của nhạc sĩ họ Trịnh, tác giả đã viết:
... Sự xuất hiện của hai chữ lai căng trong ca từ mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Lai căng tức là từ bỏ con người văn hóa dân tộc của mình để biến thành một người khác. Lai căng là phụ thuộc ngoại bang từ bên này hay bên kia, bằng cách này hay cách khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội tình dân tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, mưu cầu quyền lợi, hãm hại đồng bào mình.[23] Lời mẹ dặn con chớ quên màu da vàng, dặn con giữ gìn màu da vàng chính là một cách phản kháng tâm thức nô lệ, một hình thức chống lại những khuynh hướng lai căng đang đe dọa...
...Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua và thân phận các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Và chúng ta hãy tự hỏi: thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?


Đoạn văn trên đây là một tấm kiếng phản ánh bản chất của đảng khiến đảng xấu hổ, đồng thời cũng là câu hỏi thách thức đối với đảng hiện nay.

Quả thật đảng CSVN có quá nhiều điều đáng xấu hổ, kể cả những thứ mà đảng đề cao là công trạng.
Cái gọi là công trạng “chống Mỹ cứu nước” mà nay trở thành “lạy Mỹ cứu đảng”, thực chất chỉ là đem xương máu của hàng triệu con dân Việt thực hiện cuộc chiến tranh ủy nhiệm của cộng sản quốc tế.
Cái gọi là “Tình đồng chí anh em thắm thiết, môi hở răng lạnh” mà nay trở thành “anh em đểu giả, răng cắn môi bật máu”, thực chất chỉ là cướp đất lấn biển và bắt thờ lạy 16 chữ vàng.
Cái gọi là “tìm đường cứu nước” thực chất chỉ là “cõng rắn cắn gà nhà”, áp đặt chủ thuyết ngoại lai làm khổ dân tộc.

Đảng đã và đang "ăn mày quá khứ nặng nề" nên rất sợ những ai dám soi rọi ánh sáng vào lịch sử và làm tan biến đi lớp mây mù do hệ thống bưng bít thông tin và độc quyền truyền thông tạo dựng trong bao nhiêu năm qua.
Đem sự thật ra trước ánh sáng công luận bằng nhiều cách, là một trong những điều cần thiết và quan trọng trong đấu tranh bất bạo động để tháo gỡ quyền lực độc tài của đảng CSVN hôm nay, đồng thời là một việc làm góp phần dân chủ hóa đất nước.

-------------------------------------------

Trịnh công Sơn- Vết chân dã tràng tác giả Ban Mai



No comments: