Wednesday, September 16, 2009

TRUNG QUỐC VI PHẠM CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ


TRUNG QUỐC VI PHẠM CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ!
Đinh Kim Phúc
Năm 1949, Trung Quốc cho công bố một bản đồ, trong đó lãnh hải của Trung Quốc bao gồm tất cả các đảo Đài Loan, quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Pescadores (Bành Hồ), Pratas (Đông Sa), Macclesfield Bank (Trung Sa), Paracel (Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Spratley (Nam Sa, tức Trường Sa của Việt Nam). Đường xác-định lãnh hải chỉ cách bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei khoảng 50 đến 100 km.
Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Hoàng Sa và chiếm quần đảo này từ tay chính quyền Sài Gòn.
Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc cho tàu đổ bộ vào chiếm 6 rạng đá nhỏ vùng rạng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).
Tháng 2 năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui định rõ các đảo và quần đảo nói trên thuộc Trung Quốc. Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Đài Loan ra luật lãnh hải có nội dung tương tự. Nói thêm là trong vụ đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại bãi Chữ Thập, Trung Quốc đã được quân đội Đài Loan đóng tại đảo Ba Bình giúp đỡ về vật chất như nước uống. Trung Quốc đã cho xây tại đây một căn cứ quân sự có dạng tương tự như một chiến hạm. Năm 1992, Trung Quốc đánh chiếm thêm một vị trí của Việt Nam trên Trường Sa là đảo D’Eldad Reef (đá En Đát), nâng tổng số đảo chiếm đóng là 9. Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc cho xây công sự trên vùng bãi đá Vành Khăn (Mischief), giống như công sự xây trên đá Chữ Thập.
Vào giữa năm 2007, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam gần quần đảo Trường Sa, giết chết một ngư dân và làm bị thương 6 người khác, trong khi đó hãng dầu khí BP của Anh đã tạm ngưng hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn khí gas ngoài khơi Việt Nam trị giá 2 tỉ USD sau lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Trung quốc. Kế đến cuối năm 2007, Trung Quốc cũng đã phản đối công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đang thăm dò 2 lô 127 và 128 ngoài khơi vùng biển Khánh Hòa dẫn đến công ty này phải tạm ngưng tìm kiếm dầu mặc dù đã bỏ ra 100 triệu USD. Đặc biệt, Trung Quốc lại tổ chức diễn tập quân sự để củng cố cho yêu sách lãnh thổ của mình xung quanh quần đảo Trường Sa vào tháng 11 năm 2007.
Đỉnh điểm của những động thái mới của Trung Quốc là quyết định của Quốc Vụ viện Trung Quốc vào ngày 2 tháng 12 năm 2007 cho thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi là Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác, dù chỉ có tính tượng trưng nhưng đây là một hành động khiêu khích đặc biệt. Khi các sinh viên Việt Nam tụ tập bên ngoài Sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 12 năm 2007 để biểu tình phản đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp tại Biển Đông, nó đã đưa ra một tín hiệu mới về sự phản kháng của VN đối với phương Bắc.
Và Bắc Kinh đã phản ứng bằng hành động cụ thể; thay vì hạ giọng về vụ việc, Tần Cương, phát ngôn viên bộ ngoại giao đã trách cứ: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Nam Trung Hoa”. Tiếng phản đối nổi lên từ hai phía vì Biển Đông lưu giữ một trong những điểm gây chú ý của khu vực. Điều mà hầu hết nhà quan sát không nhận ra là trong vài năm gần đây, những nỗ lực hợp tác trong khu vực nhằm ve vãn để Bắc Kinh có lập trường rõ ràng hơn đã bị thất bại bởi âm mưu bá quyền của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Việt Nam gần đây trong vấn đề biển Đông đã cho thấy mối quan hệ Việt-Trung sắp bước vào một giai đoạn khó khăn khác do sự hoài nghi từ lâu của người Việt Nam về “sự phát triển hòa bình” của Trung Quốc.

Vậy Trung Quốc vi phạm điều gì của các điều luật quốc tế?

Như chúng ta đã biết trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII, theo pháp lý quốc tế (theo kiểu Phương Tây) lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất này một cách thật sự, liên tục, hòa bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời điểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888.
Sau đó Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý quốc tế mà các thành viên ký kết bao gồm các nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei đều phải tôn trọng.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 80% diện tích ở biển Đông trong nhiều thập niên trước đây cũng như Trung Quốc đã có một loạt hành vi gây hấn có tính toán đối với Việt Nam, thực hiện bằng vũ lực kết hợp với mưu mẹo và theo một quá trình kéo dài nhiều thập niên. Cuối năm 2007, khi đơn phương quyết định đặt hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc hệ thống hành chính của mình, Trung Quốc đã đi xa hơn cuộc tranh chấp trên biển vì đã có hành động xâm lăng Việt Nam. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa không còn là một vụ lấn chiếm hải đảo riêng lẻ nữa mà là một hành động xâm chiếm vùng biển, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bất chấp hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Dưới góc độ luật quốc tế, hành vi sáp nhập trong vụ Tam Sa chính là loại trọng tội đã được gọi tên là xâm lược (aggression), theo định nghĩa từ giữa thập niên 1970 của Liên Hiệp Quốc.
Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng ngay sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Quốc tế Công pháp đã cấm mỗi quốc gia thành viên không được xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác. Khi có những sự vi phạm luật quốc tế, hòa bình và an ninh thế giới, chỉ Hội đồng Bảo An mới có thẩm quyền thẩm định và đưa ra các biện pháp chế tài. Các quốc gia không được tự ý hành động ngoài những điều luật quốc tế cho phép.

Điều 2(4) của Hiến Chương LHQ quy định:
“Tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc hay dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hiệp Quốc.”
Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc trao trả nền độc lập cho các nước và các đân tộc thuộc địa đã viết: “Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hòa bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”.
Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.
“Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.


Điều này được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tái xác định trong Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24.10.1970 khi đưa ra “Tuyên ngôn các Nguyên tắc quốc tế về sự liên đới và hợp tác anh em giữa các quốc gia theo tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Nguyên tắc đó như sau:
“Không một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất cứ lý do gì, vào các việc quốc nội hay quốc ngoại của bất cứ quốc gia nào khác. Do đó, sự can thiệp bằng võ khí hay tất cả những hình thức can thiệp khác, hay những âm mưu đe dọa chống lại nhân vật của quốc gia hay chống lại các yếu tố về chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó, là vi phạm luật quốc tế.”
Nghị quyết số 3314-XXXIX (Resolution 3314 – XXIX) ngày 14.12.1974 đã định nghĩa tội xăm lăng (aggression) như sau:
“Xâm lăng là việc một quốc gia dùng quân lực chống lại chủ quyến, sự toàn vẹn lãnh thổ, hay sự độc lập chính trị của một quốc gia khác, hay bằng bất cứ cách nào khác không phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, như được nêu ra trong định nghĩa này.

Chương VII của Hiến Chương LHQ dành cho Hội Đồng Bảo An quyền áp dụng các biện pháp chề tài đối với các quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, phương hại đến hòa bình và an ninh của thế giới.
Điều 39: “Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.
Điều 41: “Hội đồng Bảo an có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện các nghị quyết của Hội đồng, và có thể yêu cầu các thành viên Liên Hợp Quốc áp dụng những biện pháp ấy. Các biện pháp này có thể là cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện thông tin khác, kể cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao”.
Điều 42: “Nếu Hội đồng Bảo an nhận thấy những biện pháp nói ở Điều 41 là không thích hợp, hoặc tỏ ra không thích hợp, hoặc đã mất hiệu lực, thì Hội đồng Bảo an có thẩm quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân mà Hội đồng xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa, và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng của hải, lục, không quân của thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện”.

Kết luận:
Những quan hệ mà Bắc Kinh duy trì với một loạt nhà nước như Myanmar, Sudan, Angola và Zimbabue hiện nay và Việt Nam trước đây là những bài học chúng ta không bao giờ được quên..
Phản ứng của Trung Quốc vào ngày 7 và 9 tháng 5 năm 2009 về việc Việt Nam nộp hồ sơ lãnh hải cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf-CLCS) là một cái tát nảy lửa vào mặt những ai còn mê ngủ bởi lời ru của cái gọi là tình đồng chí xã hội chủ nghĩa.

Đinh Kim Phúc
14-9-2009
(Bản có sửa chữa, bổ sung so với bài đăng trên Vanchuongviet)

No comments: