Tuesday, September 22, 2009

TRUNG QUỐC GÂY ÁP LỰC VĂN HOÁ và CHÍNH TRỊ BÊN NGOÀI LÃNH THỔ


Trung Quốc gây áp lực văn hóa và chính trị bên ngoài lãnh thổ
Alison Klayman
22/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-22-voa41.cfm
Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh nhằm kiểm soát hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Chính quyền Bắc Kinh dấn thân vào cả những vấn đề ở bên ngoài lãnh thổ của mình, từ việc tìm cách kiểm duyệt các sự kiện văn hóa tới các phong trào quốc tế của các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc. Thông tín viên Alison Klayman tường thuật từ Bắc Kinh.

Liên tiếp trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thúc ép các chính phủ và tổ chức văn hóa quốc tế cấm các chuyến thăm của những nhân vật Bắc Kinh không ưa thích. Phần đông những người đó chỉ trích chính phủ Trung Quốc, vốn đang cố gắng hết sức nhằm tìm cách kiểm soát những gì cộng đồng quốc tế có thể nghe về nước mình.

Giới hữu trách hải quan ở Nam Triều Tiên tuần trước đã ngăn cản một nhà hoạt động Uighur nhập cảnh vào nước này để tham dự một cuộc hội thảo về dân chủ. Ông Dolkun Isa là Tổng thư ký của Liên đoàn Uighur Thế giới, và là một công dân Đức. Ông cũng nằm trong danh sách truy nã của Trung Quốc kể từ năm 2003.

Isa cho biết ông bị giữ tại sân bay ở Seoul trong vòng 57 giờ đồng hồ và không được giải thích lý do vì sao.
Ông kể lại: 'Dĩ nhiên là giới hữu trách Nam Triều Tiên chưa bao giờ nói trực tiếp và cởi mở với tôi, rằng ‘Vì áp lực của Trung Quốc, mà chúng tôi phải bắt ông, và không cho ông nhập cảnh vào Nam Triều Tiên’. Họ không bao giờ nói với tôi điều đó. Nhưng đó thực sự chính là lý do'.
Chỉ sau khi các tổ chức nhân quyền cùng với các đại sứ quán Đức và Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực ông Isa, giới hữu trách đã đưa ông lên máy bay trở lại Đức hôm 18/9.

Trung Quốc coi ông Isa là một kẻ khủng bố liên quan tới một tổ chức đòi ly khai ở Tân Cương, nơi những người Hồi giáo Uighur đã từ lâu phàn nàn về chuyện bị chính quyền Bắc Kinh phân biệt đối xử.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói hôm thứ Ba rằng ông Isa là lãnh đạo hàng đầu của Tổ chức Tự do Đông Turkestan. Bà Khương nói rằng riêng về việc ông Isa, chính phủ Trung Quốc không liên hệ với các giới chức Nam Triều Tiên.

Trung Quốc nói rằng trường hợp ông Isa là liên quan tới khủng bố và an ninh. Bắc Kinh đã tìm cách gây ảnh hưởng về một vấn đề văn hóa trong một vụ việc liên quan tới Đức. Trung Quốc là nước khách mời danh dự tháng Mười này tại Hội chợ Sách Frankfurt thường niên, được coi là lớn nhất trên thế giới.

Phái đoàn Trung Quốc gần đây đã đe dọa sẽ tẩy chay sự kiện này khi các nhà tổ chức mời hai nhà văn bất đồng chính kiến tới tham dự một cuộc hội thảo trước khi hội chợ sách diễn ra. Đại sứ Trung Quốc ở Đức gọi lời mời đó là ‘không thể chấp nhận được’.
Các nhà tổ chức hội chợ sách sau đó đã phải loại nhà hoạt động môi trường Đái Tình và nhà thơ Bạch Linh khỏi danh sách khách mời. Nhưng hai người này vẫn tới, khiến phái đoàn Trung Quốc đã rời cuộc hội thảo.
Mai Triệu Vinh, cựu đại sứ Trung Quốc ở Đức, nói rằng các đại biểu ‘không phải tới để nghe giáo huấn về dân chủ’.

Trung Quốc có những hành động tương tự trong quá khứ. Nước này đã rút các bộ phim tham gia một liên hoan ở Australia khi các nhà tổ chức cho trình chiếu một bộ phim tài liệu về nhà hoạt động dân chủ người Uighur, Rebiya Kadeer, hồi tháng Bảy.
Các nhà tổ chức một liên hoan phim vào tháng tới ở Đài Loan cũng phải nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc, với tuyên bố sẽ không trình chiếu bộ phim. Thay vào đó, bộ phim sẽ được trình chiếu trong tuần này tại Cục Lưu trữ Phim ảnh của chính phủ ở thành phố Cao Hùng.

Eric Abrahamsen là một cố vấn cho tổ chức tập hợp phái đoàn Trung Quốc tới hội chợ sách ở Đức. Ông Abrrahamsen nói rằng trong khi Trung Quốc quen với việc kiểm soát các cuộc thảo luận công khai trong lãnh thổ nước này, các giới chức chính phủ lại thậm chí còn nhạy cảm hơn về chuyện đưa các các tác phẩm văn hóa Trung Quốc tới khán giả nước ngoài.
Ông nhận xét: 'Về những điều không được công bố hay thảo luận ở bên trong lãnh thổ Trung Quốc, họ cũng thường né tránh không trao đổi ở ngoài Trung Quốc vì điều đó được cho là gây khó xử và dễ bị hiểu sai. Đại loại như vậy'.

Ông Abrrahamsen nói rằng một số các tác giả tới Frankfurt viết về các đề tài nhạy cảm liên quan tới lịch sử và xã hội Trung Quốc. Nhưng ông nghĩ rằng các tác phẩm đó sẽ được ‘nói giảm, nói tránh đi’ để đưa tới một phiên bản lành mạnh hơn về nền văn học Trung Quốc. Ông cũng nói rằng phái đoàn Trung Quốc cũng thường phải cẩn trọng để không đề cập về bất kỳ điều gì có liên quan tới Cách mạng Văn hóa, vốn gây ra sự xáo động chính trị bốn thập kỷ trước, trong các tài liệu trưng bày ở Frankfurt.

Trung Quốc nỗ lực hơn bất kỳ một chính phủ nào khi họ trở thành quốc gia danh dự tại Frankfurt. Hơn hai nghìn nhà xuất bản, nghệ sĩ, nhà báo và nhà văn sẽ tham gia, và chính phủ đã đầu tư 15 triệu đôla tại sự kiện này.

Nhưng Trung Quốc có lẽ cũng vẫn sẽ không hài lòng về một số người tham gia. Bà Kadeer, nhà hoạt động Uighur cũng như phái viên của lãnh tụ tinh thần lưu vong Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng sẽ tham gia.


No comments: