Monday, September 7, 2009

TRANH CHẤP TRUNG - ẤN tại BIÊN GIỚI TÂY TẠNG


Tranh Chấp Trung-Ấn tại biên giới Tây Tạng
Bài viết do Edward Wong

Với sự hợp tác nghiên cứu của Xiyun Yang ở Bắc Kinh
http://www.nytimes.com/2009/09/04/world/asia/04chinaindia.html?pagewanted=1&_r=1&ref=global-home

TD chuyển ngữ
http://www.doi-thoai.com/baimoi0909_072.html

Loạt Bài Uneasy Engagement (Những Giao Tiếp Phiền Toái) của Nhật Báo New York Times khảo sát các khó khăn của Trung Hoa trên con đường trở thành một cường quốc trên chính trường quốc tế..
Bài số hai đăng ngày mùng 3 tháng 9, 2009


Tin từ thành phố Tawang, Ấn Độ -- Trên khắp thế giới có lẽ đây là một khu vực Phật giáo bị quân sự hóa nhiều nhất.
Nằm cheo leo trên cao độ hơn 10 ngàn bộ (hơn ba ngàn mét) mạn phía đông của dãy Hi Mã Lạp Sơn đầy băng đá, thành phố Tawang chẳng những là nơi có một trong những tu viện thiêng liêng nhất của người Tây Tạng mà còn là một khu tập trung lực lượng quân sự lớn nhất của Ấn Độ. Những đoàn xe vận tải của quân lực Ấn lũ lượt tải các khẩu đại pháo vượt qua con đường núi nhấp nhổm những vết lún của xe tải nặng. Binh sĩ tập trận trong bãi tập lầy lội trong bùn. Trong vùng quê, cứ mỗi cây số lại có một đồn lính với chòi canh nhô lên sau hàng cuộn dây kẽm gai.
Lý do của tất cả sự sôi nổi và nỗi lo âu của chính phủ Ấn có thể được giải thích qua mốc vị trí nằm ở phía bắc thành phố Tawang: biên giới Trung Hoa, 23 dặm (gần 35 cây số); Lhasa, thủ đô Tây Tạng, 316 dặm (gần 500 cây số); và Bắc Kinh, 2676 dặm (gần 3800 cây số).
Viên sĩ quan Madan Singh ngồi uống trà với dăm binh sĩ bên cạnh con đường phủ đầy sương mù giải thích, “Quân Tàu đang tiến tới biên giới ở cửa ải Bumla. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải tới đây.”
Mặc dù thế giới bên ngoài ít ai biết đến nhưng Tawang là cái ngòi thuốc nổ lớn nhất giữa hai nước đông dân nhất thế giới. Trong cuộc tranh chấp rất vi tế về biên giới thì Tawang là một điểm Trung Hoa chú ý nhất bắt nguồn từ ý muốn đạt chủ quyền trên tất cả phần lãnh thổ của nước Tây Tạng cổ.
Trong mấy tháng gần đây, cả hai nước đều leo thang để giữ chủ quyền trên dẻo đất khô cằn này. Trung Hoa tìm cách chận Ngân Hàng Phát Triển Á Châu không cho Ấn vay 2,9 tỉ Mỹ Kim vào dự án xây dựng hệ thống dẫn nước với lý do là dự án này là dành cho tiểu bang Anurachal Pradesh trong đó có thành phố Tawang. Đây là lần đầu tiên mà Trung Hoa tìm cách chiếm ưu thế về việc tranh chấp đất đai qua việc xen lấn vào quyết định của một cơ sở đa quốc gia. Lập tức Thống Đốc tiểu bang Anurachal Pradesh tuyên bố sẽ tăng quân và phi cơ chiến đấu cho vùng này.
Tình trạng khẩn trương càng ngày càng tăng làm cho mối liên lạc giữa hai đại cường ở châu Á trở nên gay cấn khiến cho một cấp chỉ huy quân sự của Ấn Độ phải tuyên bố rằng “Trung Hoa nay đã trở thành mối đe đọa lớn nhất của Ấn Độ thay vì Pakistan.”
Sự phát triển kinh tế có thể sẽ mang hai nước lại gần nhau hơn. Năm ngoái hai nước mua bán khoảng 52 tỉ Mỹ Kim sản phẩm, tăng hơn năm 2007 tới 37%. Nhưng các nhà doanh thương thì nói rằng viện lý do căng thẳng ở biên giới chính quyền đã xen vào các việc giao tiếp thương mại làm cho các công ty Ấn Hoa nản chí không còn hăng hái muốn đầu tư vào công ty của nước kia.
Ông Ravi Bhoothalingam, cựu giám đốc của Oberoi Group, một tổ hợp các khách sạn đắt tiền và bây giờ là thành viên của Học Viện Nghiên Cứu về Trung Hoa ở Tân Delhi phát biểu rằng: “Chính quyền bắt đầu bỏ nhiều thì giờ bươi móc cẩn thận các thưong vụ và như vậy làm chậm trễ và nhiều giấy xin phép bị bác bỏ. Và điều đó như vậy không có lợi gì cho việc buôn bán giữa hai nước.”
Nguyên nhân sâu xa của cuộc tranh chấp là việc Trung Hoa đòi chủ quyền lãnh thổ của mình trên toàn thể lãnh thổ của Tây Tạng, vốn là nguồn gốc lâu đời của các cuộc xung đột giữa Trung Hoa và các nước lân cận. Trung Hoa khăng khăng cho rằng phần đất đó vốn thuộc về Tây Tạng cho nên giờ phải thuộc về Trung Hoa.
Tawang là một khu rừng rậm với rất nhiều đền thờ Phật giáo rải rác khắp nơi và những dãy đồi dốc thẳm cắt thành những bực thềm làm nơi trồng trọt vốn là xứ sở của giống dân Monpa. Người Monpa theo đạo Phật Tây Tạng, ngôn ngữ giống như tiếng Tây Tạng và đã có thời phải nộp cống cho triều đình Tây Tạng ở Lhasa. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Sáu sinh ra ở đây vào thế kỷ thứ 17. Trung Hoa chiếm đóng Tawang trong một thời gian ngắn trong cuộc chiến tranh với Ấn Độ giành Tawang và các vùng đất khác dọc theo ranh giới dài hơn 3800 cây số vào năm 1962.
Trong cuộc chiến này, hơn 3100 binh sĩ Ấn và hơn 700 lính Trung Hoa tử thương cùng với hàng ngàn người bị thương. Những đài kỷ niệm chỉ rõ việc xâm lăng của Trung Hoa là những nơi thu hút được rất nhiều du khách Ấn Độ.
Ông Ma Jiali, một học giả Ấn Độ tại Học Viện Trung Hoa về Giao Dịch Quốc Tế Hiện Đại tại Bắc Kinh, một nhóm nghiên cứu được chính phủ yểm trợ tuyên bố: “Nguyên cả vùng biên giới là vùng tranh chấp. Vấn đề này chưa bao giờ được giải quyết ổn thỏa và là một chướng ngại lớn cho bang giao Hoa-Ấn.”
Trên một vài phương diện Tawang trở nên một chiến trường giữa Trung Hoa và đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đã vào Ấn qua ngả thung lũng này năm 1959 và sống lưu vong ở Ấn Độ từ đó tới nay. Từ Dharamsala, một thị trấn xa xôi trên một triền đồi ở Ấn, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn có uy quyền sâu rộng trải đến Tawang. Ngài bổ nhiệm chức Viện Trưởng của tu viện lớn trong vùng cũng như tài trợ các cơ sở trong toàn vùng. Năm ngoái, Ngài lần đầu tiên chính thức tuyên bố rằng Tawang đích thực là nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, tăng cường cho việc xác nhận chủ quyền của Ấn tại đây đồng thời gây nhiều phẫn nộ cho phía Trung Hoa.
Truyền thống văn hóa cổ truyền Tây Tạng ăn sâu trong dân chúng Tawang. Vào một ngày tháng sáu, tu viện tổ chức lễ hội tôn giáo thì có đến hàng trăm người ở khu lân cận cũng kéo tới tham dự. Dân làng chen chúc tranh lấn nhau để được các vị trưởng lão Lạt Ma làm phép lành khi các vị này mặc áo đỏ, thổi tù và, tụng kinh và vung vẩy lò trầm hương trong sân chùa.
Tại tu viện là trung tâm tu học Tây Tạng, các vị sư biểu lộ căm phẫn với việc Trung Hoa đô hộ Tây Tạng.
Gombu Tsering, 70 tuổi là vị sư cả trách nhiệm viện bảo tàng của tu viện nói: “Tôi căm hận chính phủ Trung Hoa. Tây Tạng không bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Lhasa đâu có bao giờ thuộc Trung Quốc đâu.”
Một số ít cho rằng Trung Hoa sẽ thôn tính Tawang bằng vũ lực, nhưng giải pháp quân sự cũng rất nguy hiểm. Quân đội Ấn tính ra trong năm vừa rồi đã có tới 270 vụ vi phạm lãnh thổ và gần 2300 vụ quân đội Trung Hoa “tuần tiễu khiêu khích” theo lời ông Brahma Chellaney, giáo sư về nghiên cứu chiến thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu về Chính Sách, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Tân Delhi. Ông Chellaney cũng cố vấn cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thuộc chính phủ Ấn.
Trong một điện thư gần đây ông viết: “Bây giờ thì biên giới Hoa Ấn trở nên nóng bỏng hơn vấn đề đường ranh Ấn-Pakistan rồi.”
Nghị Viên Nabam Rebia thuộc Quốc Hội Ấn đã tường trình trong một phiên họp Quốc Hội về chuyện hai năm trước đây, lính Trung Hoa đã đập đổ một tượng Phật mà người Ấn đã dựng lên gần Tawang ở Bumla, cửa ải qua lại giữa hai nước.
Hiệp ước 1914 giữa nhà cầm quyền Tây Tạng và chính phủ Anh lúc đó đang cai trị Ấn Độ thiết lập đường ranh McMahon đặt Tawang vào phía nam của đường này và trong lãnh thổ Ấn đương thời. Chính phủ Trung Hoa không công nhận hiệp ước được thỏa thuận trong Hội Nghị Simla đó.
Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong, Đạo Sư Samdhong cho rằng, “chúng tôi công nhận sự kiện này vì chúng tôi đã thoả thuận như vậy. Nếu Trung Hoa bây giờ đồng ý với hiệp ước đó, thì vô hình chung đó lại là một công nhậnchủ quyền của Tây Tạng lúc bấy giờ.”
Trung Hoa càng ngày càng tỏ ra thù nghịch với đức Đạt Lai Lạt Ma sau vụ nổi dậy ở Tây Tạng năm 2008. Năm nay họ nhắm mũi dùi ngoại giao vào Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp Tawang. Vào tháng ba, Trung Hoa đề nghị Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, một tổ chức đa quốc gia có trụ sở tại Manila, mà Trung Hoa nằm trong ban giám đốc, không cho Ấn vay 2,9 tỉ Mỹ Kim vì 60 triệu được dành cho dự án kiểm soát nước lụt tại tiểu bang Arunachal Pradesh. Tuy nhiên dầu Trung Hoa cực lực phản đối, việc vay mượn cũng được chấp thuận vào tháng 6.
Qin Gang, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Hoa trong một thông báo tuyên bố rằng: “Trung Hoa bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ việc cho vay này và sự kiện này sẽ không có thể làm thay đổi được sự hiện hữu của cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Hoa và Ấn Độ, cũng như thay đổi quan điểm của Trung Hoa về các các cuộc tranh chấp đó.”
Vào tháng năm, Tư Lệnh Không Quân Ấn, Đại Tướng Không Quân Fali Horni, bây giờ đã hưu trí, chia sẻ với một nhật báo lớn là “Trung Hoa nay đã trở thành một đe dọa lớn hơn Pakistan.”
Một viên chức cao cấp khác, J.J. Singh, Thống Đốc tiểu bang Arunachal Pradesh, và cũng là một cựu tư lệnh Bộ Binh Ấn, một tháng sau đó cũng tuyên bố rằng quân đội Ấn đang mang thêm hai sư đoàn, khoảng từ 50 đến 60 ngàn binh sĩ, tăng cường vùng biên giới. Bốn chiến đấu cơ phản lực Sukhoi cũng được tăng cường cho căn cứ không quân trong vùng.
Từ năm 2005 lúc Thủ Tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo thăm viếng Ấn độ đã có tới 13 lần thương thuyết giữa hai bên về vấn đề này. Một hội đàm mới tháng vừa rồi cũng không đưa tới một kết quả gì.
Ông M. Taylor Fravel, chuyên viên hàng đầu về các vấn đề ranh giới với Trung Hoa và cũng là một giáo sư phụ giảng về khoa học chính trị tại viện đại học Massachusetts Institute of Technology cho rằng: “Vấn đề ranh giới Hoa-Ấn chắc chắn sẽ là vấn đề biên giới được thương thuyết lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại. Việc này chứng tỏ cuộc tranh chấp này khó khăn đến chừng nào.”

Binh sĩ Ấn thăm viếng tu viện Phật Giáo ở Tawang, Ấn Độ vào tháng 6, 2009. Quân đội Ấn tăng viện lớn lao cho vùng biên giới này. Xin coi thêm nhiều hình ảnh ở
http://www.nytimes.com/packages/html/world/20090901-china-india-slide-show/index.html

TD chuyển ngữ

No comments: