Saturday, September 19, 2009

TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN TẠI HOÀNG SA


Tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa
Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày 19/09/2009 lúc 00:15:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4146

Tại sao Trung Quốc chọn thời điểm 1974 để đánh chiếm Hoàng Sa?
Trung Quốc (TQ) bắt đầu có tham vọng dành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (HS) của VN từ năm 1909. Tính ra đến tháng giêng 1974, lúc TQ xâm chiếm quần đảo này, đã là 65 năm. Trong 65 năm tranh chấp, thời gian tuy dài nhưng TQ không có (hay ít có) cơ hội cũng như khả năng quân sự để thỏa mãn tham vọng của mình.

Từ năm 1909 cho đến năm 1949, lúc Mao Trạch Đông vừa thống nhất được lục địa, là một chuổi thời gian – bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 19 - đất nước TQ chìm đắm trong nghèo đói và bị phân liệt do các đại cường, sau đó chịu đựng hậu quả của Thế Chiến thứ II, cuối cùng là tranh chấp quốc-cộng đẫm máu. Đây là một thời kỳ cực kỳ bi đát trong lịch sử của TQ.
Từ năm 1949, TQ lục địa trở thành một nước cộng sản, hoà bình chưa được bao lâu lại bước vào chiến tranh với khối tư bản qua cuộc chiến Tiên Tiên, chấm dứt năm 1953, chịu tổn thất lớn lao, hàng triệu chiến binh tử trận.

Năm 1954 có vài thuận lợi cho TQ: quân đội viễn chinh Pháp thất trận Điện Biên Phủ. Nhưng nội lực TQ chưa được củng cố, hải quân TQ còn rất thô sơ với vài chiến thuyền cận duyên, chưa chắc thắng hải quân Pháp hiện đại hơn nhiều lần với một cuộc hải chiến xa bờ. Do đó TQ (cùng với Pháp) chủ trương chia hai VN, như giải pháp Triều Tiên, để dễ bề khuynh đảo sau này.

Sau khi VN chia đôi, TQ tích cực giúp đỡ Miền Bắc. Đổi lại, lãnh đạo Miền Bắc công nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa (HS) và Trường Sa, ít nhất là hai lần, vào các năm 1956 và 1958. Như thế, trên danh nghĩa, CSVN đã nhượng cho TQ hai quần đảo HS&TS từ các năm đó. Cũng trong thời gian này, do ảnh hưởng chính sách “bước tiến nhảy vọt” của Mao, kinh tế TQ suy thoái mạnh. Có tài liệu sau này cho biết, đến năm 1960, TQ có đến hơn 37 triệu người chết do nạn đói (1958-1960). Mặt khác, Hoa Kỳ (HK) bắt đầu trực tiếp can thiệp vào VN, Hạm Đội 7 có mặt ở Biển Đông. Vùng biển chung quanh HS và TS được HK tuyên bố là “vùng chiến sự”. Mọi cơ hội cho TQ giành lại thực hữu HS và TS trong thời gian này xem ra là không có.

Sau khi TQ bắt tay được với HK vào đầu thập niên 1970, TQ hứa giúp HK rút khỏi vũng lầy VN, đổi lại Nhật Bản và HK giúp TQ hiện đại hoá công kỹ nghệ. Tháng giêng năm 1973 Hiệp Định Paris được ký kết. Mục đích hiệp định này là đưa VN trở lại tình trạng 1954 (theo Hiệp Định Genève). TQ và HK đều hài lòng với kết quả như thế. Nhưng lãnh đạo Miền Bắc không thỏa mãn, họ cương quyết thống nhất đất nước bằng vũ lực, bằng các phương tiện đến từ viện trợ của Liên Xô. Phía Miền Nam, cùng lúc, đồng minh HK đang chuẩn bị… tháo chạy.

(Quyết định “thống nhất bằng mọi giá” của lãnh đạo CSVN là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng trầm trọng giữa hai nước Việt-Trung sau này, đỉnh cao là cuộc chiến 1979).

Tháng giêng năm 1974 mở ra cho TQ một cơ hội bằng vàng để chiếm HS : HK ở giai đoạn rút lui, cho biết không can thiệp nếu TQ ra tay, trong lúc hai miền Nam, Bắc không rảnh tay do chiến sự tăng cao và Liên Xô chưa kịp có mặt.

Như thế, trước năm 1974, Biển Đông có hiện diện quân đội HK. Sau 1974 không lâu thì VN thống nhất, Biển Đông có mặt hạm đội của Liên Xô. Cả hai thế lực Mỹ-Xô đều vượt trội TQ, mọi manh động của TQ chắc chắn sẽ thất bại.
Năm 1974 vì thế là một năm rất thuận lợi cho TQ để chiếm HS.

Tuy nhiên, hành động xâm lăng của TQ thì vi phạm hiến chương của Liên Hiệp Quốc: không được chiếm đóng vùng lãnh thổ của nước khác bằng vũ lực. Mặt khác, HS lúc đó ở dưới sự quản lý của VNCH. Các tuyên bố của CS Miền Bắc đều không giá trị. Chủ quyền của TQ tại HS không được công nhận.

Tranh chấp HS đến nay như thế là đúng một thế kỷ. TQ đã chiếm HS của VN được 35 năm nhưng việc tranh chấp vẫn còn tiếp diễn. Người dân VN luôn sẵn sàng, bằng mọi cách, sẽ giành lại HS về tổ quốc của mình.

Nhà nước Hà Nội im lặng trước hành vi xâm chiếm Hoàng Sa (1974)
Không có một lý do nào có thể lý giải hay biện hộ cho thái độ vô trách nhiệm này. Việc im lặng của nhà nước CSVN được xem là mặc nhiên đồng ý (hay ủng hộ) hành động xâm lăng của TQ. Đây là một thái độ sai lầm và ngu xuẩn như nhiều sai lầm trong các lãnh vực khác, trải dài từ 1945 đến hôm nay của lãnh đạo CSVN.

Năm 1956, ông Ung Văn Khiêm, Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao, nhân tiếp phái đoàn ngoại giao TQ, có tuyên bố với Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam : chiếu theo tài liệu VN thì HS và TS thuộc về TQ. Tiếp đến, năm 1958, ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng nước VNDCCH, viết công hàm gián tiếp công nhận HS và TS là của TQ. Dĩ nhiên, việc im lặng vào tháng giêng năm 1974 của CSVN là bước tiếp nối đương nhiên của các hành động trước, hàm ý công nhận hành vi xâm luợc của TQ là hành vi “giải phóng”.

Đây là một điều tồi tệ, mà không chắc là đã chấm dứt. Ta thấy hôm nay, VN có nguy cơ mất trọn Biển Đông, không phải chỉ đối với TQ mà còn đối với Phi Luật Tân nữa. Xin đưa một thí dụ nhỏ:Hiện nay hai hồ sơ “thềm lục địa mở rộng” của VN, nộp lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa thuộc LHQ vào tháng năm năm 2009 vừa qua đã bị TQ và Phi Luật Tân phản đối.

Giả sử trường hợp hồ sơ VN bị bác, điều này rất có thể sẽ xảy ra, VN có bị thiệt hại hay không?
Câu trả lời là có thể có và cũng có thể không. Tất cả tùy thuộc vào lập trường của VN về hiệu lực các đảo HS và TS.

Nếu VN giữ quan điểm các đảo HS và TS có hiệu lực theo quy chế của “đảo” theo Luật Quốc Tế về Biển 1982, thì chưa chắc VN sẽ bị thiệt hại, kể cả khi hồ sơ “thềm lục địa mở rộng” bị bác bỏ.

Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier). “Bãi cát vàng” tức là Hoàng Sa
http://i33.photobucket.com/albums/d61/PDinh/HoangSa1.jpg

Nhưng nếu VN có quan điểm HS và TS là các đảo nhỏ, không có quy chế “đảo” theo luật Biển 1982, VN có thể sẽ mất hoàn toàn vùng thềm lục địa phía ngoài 200 hải lý. Hiện nay không ít các giới chức (và một số học giả) VN có chủ trương này.

TQ có đến 100 năm để dàn dựng âm mưu. Mỗi nước cờ họ đi đều cao siêu, muốn đối phó cần phải suy nghĩ sâu xa. Sự lựa chọn quy chế của các đảo thuộc HS và TS là một lựa chọn chiến lược.

Phía Phi (và Mã Lai), từ đầu thập niên 1990, hai nước này đã «đầu tư» vào một số học giả quốc tế để nghiên cứu về HS và TS. Kết quả nghiên cứu: các đảo thuộc HS và TS không có quy chế đảo. (Quy chế đảo định nghĩa theo điều 122 của luật Biển 1982, theo đó một đảo có thể có hải phận 12 hải lý, vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý…). Dĩ nhiên, kết quả này đã biết trước, đó là ý muốn của các nước tài trợ cuộc nghiên cứu. Các nước Phi và Mã Lai, e ngại HS và TS là của VN, nếu có hiệu lực thì sẽ lấn sang vùng biển của quốc gia họ.

Kết quả nghiên cứu nói trên được phổ biến rộng rãi, đặc biệt trong giới học giả VN. Một số viên chức nhà nước CSVN đã lấy chủ trương này làm lập trường trong các thảo luận về biển với TQ, điển hình trong vịnh Bắc Việt (đã làm cho VN bị thiệt hại 11.000km²). Khuynh hướng này có nguy cơ làm «nền» cho đàm phán phân định vùng biển ở cửa vịnh Bắc Việt đang xảy ra, tức vùng chung quanh quần đảo HS, mà ta thấy thể hiện qua các bài báo, bài phỏng vấn đăng trên báo trong nước và các cơ quan truyền thông hải ngoại.
Trong khi đó, trên thực tế, Phi có chủ trương hoàn toàn trái ngược : các đảo TS của Phi (chiếm được của VN) có quy chế đảo (theo luật SB 2699 vừa mới ban hành hôm tháng hai năm 2009).

Như thế, với đạo luật SB 2699, tiếp đến là công hàm phản đối hồ sơ “thềm lục địa mở rộng” của VN, rõ ràng Phi Luật Tân đã “đâm sau lưng” VN một nhát lút cán.

Nên biết, nếu VN tuyên bố các đảo thuộc HS và TS không có quy chế đảo, thì vĩnh viễn VN không thể thay đổi ý kiến trở lại được. Nếu hồ sơ “thềm lục địa mở rộng” của VN bị bác, VN sẽ bị mất vĩnh viễn vùng lục địa ngoài 200 hải lý. Trong khi đó VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh chủ quyền của mình tại HS và TS.

VN như thế là đã sụp bẫy Phi Luật Tân (không phải mới chỉ 1 lần). Hy vọng bài này là tiếng chuông cảnh tĩnh những người có thẩm quyền ở VN. Cần phải có đối sách thích ứng và kịp thời, nếu không thiệt hại của VN sẽ rất lớn.

Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh vẫn tiếp diễn
Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh rất lớn. Mục tiêu chiến lược của TQ được nhận diện :
1/ đưa TQ lên hàng nước lớn
2/ giành lại ảnh hưởng của TQ ở các chư hầu cũ.

Muốn đưa TQ lên hàng nước lớn, TQ trước hết phải giàu, sau đó phải mạnh. Để làm giàu, TQ phải sở hữu nhiều nguồn tài nguyên. Ngoài nhân lực sẵn có, TQ còn cần các nguồn nguyên liệu dầu khí, quặng mỏ… để phục vụ cho bộ máy kinh tế.

Biển Đông như thế có vai trò cực kỳ quan trọng đối với TQ. Về kinh tế chiến lược, nó có thể thỏa mãn nhu cầu dầu khí (và một số tài nguyên khác) cho TQ. Về địa lý chiến lược, TQ phải làm chủ biển Đông thì mới có thể “hùng phong đại quốc”, mới có thể đặt lại lại thế lực ở các chư hầu cũ.

Dĩ nhiên, việc chiếm HS của VN chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch chiếm trọn Biển Đông, giành tất cả tài nguyên ở đây cho TQ. Hành động ngang ngược của TQ hiện nay ở tại Biển Đông, như các hành vi bắn giết, bắt bớ, đòi tiền chuộc… có thể quy vào tội hải tặc hoặc thái độ gây hấn, muốn chiến tranh. Hải tặc hay chiến tranh bởi vì các hành động của TQ xảy ra trong vùng biển của VN. Nhưng TQ hiện nay có lý do phản biện, vùng biển mà ngư dân VN đánh cá đã thuộc về TQ, do hậu quả của công hàm ông Đồng (hay các hứa hẹn khác). Mặt khác, hải quân VN còn quá yếu, không đủ khả năng bảo vệ đất nước và người dân.

Về vấn đề bô-xít, có lẽ đây là do ý muốn của nhà nước CSVN hơn là tham vọng bành trướng của TQ. Do khủng hoảng kinh tế, cán cân mậu dịch nghiêng quá lớn về phía TQ, trong lúc các mỏ dầu khí đang khai thác ngoài khơi Vũng Tàu đang cạn dần, mọi ngành xuất khẩu đều ngưng trệ. VN lâm vào cảnh vô phương thanh toán nợ nần với TQ. Hậu quả do đó phải cho TQ khai thác bô-xít trên tây Nguyên để trừ nợ, dầu biết rằng việc này đe doạ nghiêm trọng an ninh quốc gia.

Vì thế, Biển Đông hay bô-xít, tất cả các việc gây thiệt hại lâu dài hay đe doạ thường trực an ninh quốc gia VN, đều do từ nguyên nhân “con người”. Khi người lãnh đạo bất tài, thiếu tầm nhìn, không có lòng yêu nước (đôi khi đã bị kẻ địch mua chuộc), không có tình thuơng dân… chắc chắn những quyết định của họ chỉ nhằm cho lợi ích cá nhân hay phe phái mà không nhằm lợi ích của đất nước và dân tộc.

Bao giờ ta lại là ta?
Lịch sử thế giới cần phải chia ra làm nhiều thời kỳ, nhưng chỉ nói ở đây rất sơ lược. Thời kỳ đầu, ta đã thấy có nhiều dân tộc xuất chúng, nhiều nền văn minh rực rỡ, nhưng sau đó suy tàn, đôi lúc bị mất hẵn, chỉ còn sót lại vài dấu vết. Có thời kỳ quan niệm « quốc gia » rất mờ nhạt, chỉ có lãnh địa của các lãnh chúa mà lãnh địa thường xuyên đổi chủ. Thời kỳ cận đại (và hiện đại), các cường quốc Tây Âu đua nhau đi chinh phục thuộc địa. Lãnh thổ đế quốc Anh nhiều đến nỗi mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc này. Nhưng sau đó, tất cả các nước thuộc địa đều được trả (hay giành lại) độc lập. Điểm cần nhấn mạnh là hầu hết biên giới của các nước Châu Á, Châu Phi…, thuộc địa cũ của các đại cường, chỉ được xác định một cách rõ rệt (theo quy ước) ở vào thời kỳ này. Nhưng các đường biên giới này được phân định một cách độc đoán giữa các cường quốc với nhau. Hậu quả làm nhiều dân tộc lớn (như Palestine, Kurd…) lại không có « quốc gia », hoặc nhiều bộ tộc, bộ lạc bị chia làm hai, hoặc hai, ba bộ tộc thù nghịch lại sống chung trong một quốc gia (như Burundi, Ouganda…). Vì thế chiến tranh diệt chủng không thể tránh khỏi. Nhiều sắc dân cố gắng tranh đấu để có một quốc gia (như Palestine) trong khi nhiều sắc dân khác lại bị truy diệt, nạn nhân của việc « thanh lọc » chủng tộc (như các nước Châu Phi hiện nay). Do đó, sẽ có nhiều trường hợp đường biên giới thay đổi (hiện nay và trong tương lai), tức một lãnh thổ sẽ phải nhượng quyền, một quốc gia mới thành hình cho một dân tộc được nhìn nhận, đa phần là do nguyên nhân từ việc phân định biên giới một cách cẩu thả của các đế quốc thuộc địa cũ. Ta cũng thấy trường hợp Liên Xô, sau khi sụp đổ thì có nhiều «lãnh thổ» bị tách ra, tuyên bố độc lập, nhiều quốc gia mới được vẽ thêm vào bản đồ thế giới.

Xin nói về trường hợp các quần đảo HS và TS của VN. Đây là một tranh chấp về lãnh thổ có động lực đến từ tham vọng của một nước nhắm vào một vùng đất có tầm giá trị cao (về kinh tế hay chiến lươc) của một nước khác. HS và TS trước sau không hề có dân cư sinh sống, như thế không phải là một tranh chấp đất đai đến từ yếu tố « dân tộc » (nhưng hai quần đảo này đã được tổ tiên VN khai thác thường xuyên, đã tuyên bố chủ quyền từ lâu).

Vấn đề tranh chấp HS và TS có thể giải quyết được bằng nhiều cách, nhưng theo tôi, cách công bằng nhất vẫn là cách tốt nhất.
Cách công bằng đó sẽ thể hiện qua một trọng tài quốc tế. Nếu nghiên cứu kỹ vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải hiện nay thì ta thấy vấn đề tranh chấp về biển là hoàn toàn mới. Luật về Biển đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh trong khi toà án Quốc Tế về Biển vẫn chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó tranh chấp HS và TS đã kéo dài hằng trăm năm nay. Tôi nghĩ VN không nên nóng vội. Nóng vội sẽ lọt vào bẫy của TQ (và các nước khác).

Nhiều học giả VN có kinh nghiệm thì đều chủ trương về một toà án quốc tế cho HS.
Đây là phương án công bằng, có lợi cho mọi quốc gia (không chỉ cho VN), vì sau khi giải quyết sẽ đem lại hoà bình và thiện chí cộng tác giữa các nước. Nhưng điều lo ngại là các hứa hẹn trong quá khứ của Đảng CSVN về biển Đông với TQ, như công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng là một thí dụ, đến nay vẫn có một số hiệu lực nhất định. Như thế, để chuẩn bị cho phương án giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài quốc tế, phía VN phải tìm cách vô hiệu hoá nội dung các hứa hẹn này. Đây không phải là việc khó khăn, nhưng không phải là chủ đề để nói ở đây.

Trương Nhân Tuấn
© Thông Luận 2009



No comments: