Wednesday, September 23, 2009

TIẾN VỀ THỦ ĐÔ . . . LÀM GÌ ?


Tiến về Thủ đô... làm gì?
Hồ Bất Khuất
Đăng ngày: 01:33 23-09-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho/article?mid=1381

Có nhất thiết phải “tiến về Thủ đô”?!
Trong những năm gần đây, gần như có “phong trào” lãnh đạo các tỉnh được điều động về trung ương khá nhiều. Đây là một hiện tượng bình thường, thậm chí là tốt nếu những người ở địa phương ra đảm nhiệm những chức vụ quan trọng ở trung ương và hoàn thành xuất sắc; hoặc có những chức vụ mà chỉ có con người đó mới làm tốt được. Nhưng thực tế có vẻ không phải như vậy.

Chỉ riêng tỉnh Nghệ An, trong mấy năm gần đây đã có tới cả chục người rời xứ Nghệ, ra “tiếp quản Thủ đô”. Đó là các ông Hồ Xuân Hùng, Lê Doãn Hợp, Nguyễn Thế Trung, Hoàng Xuân Lương, Nguyễn Hồng Trường... (Ông Trương Đình Tuyển, ông Thành không tính vì họ được trung ương điều về, rồi lại quay ra, cũng như ông Trần Bình Minh sắp tới sẽ trở về Hà Nội). Thật ra, có nhiều đồng hương ở Thủ đô cũng thích, nhưng trong tôi chờn chợn cái thông tin:
“Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ xây dựng hơn 200 nhà công vụ tại Hà Nội và TP HCM để bố trí cho lãnh đạo, cán bộ trung ương chưa có nhà ở.”

Trong bài báo này còn lý giải nhà công vụ được quản lý như thế nào, tại sao lại cần v.v... Nhưng tôi nhẩm tính cứ cái đà cán bộ địa phương đổ về Thủ đô như hiện nay thì sau dăm chục năm nữa, Thủ đô (dù đã nhập Hà Tây vào rồi) phải nhập thêm Phú Thọ, Hưng Yên vào mới có đất để xây nhà công vụ.
Có thực là cán bộ các cấp, các ngành ở trung ương không kham nổi công việc, buộc phải điều cán bộ ở địa phương về không?

Thử xem xét cán bộ ở Nghệ An (nhiều tỉnh cũng có hiện tượng tương tự, nhưng ở đây tôi chỉ chọn Nghệ An để phân tích cho nó tập trung) ra trung ương xem nào! Ông Lê Doãn Hợp là Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, ra làm Phó Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa trung ương (nay là Ban Tuyên giáo), rồi sau đó làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, nay làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chẳng nhẽ trong lĩnh vực này, những người có thâm niên, có kiến thức, có nhà cửa vợ con ở Hà Nội không thể đảm nhận được nên phải điều ông Hợp ra? Ông Hợp làm Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, nhưng phát biểu về những nguyên lý thông tin trong xã hội dân chủ hiện đại thì... trật khấc (ông bảo báo chí phải đi đúng “hành lang” ông vạch ra). Nói như vậy là ông cung cấp thêm cơ sở để người nước ngoài khẳng định là ở Việt Nam không có tự do báo chí. Ông Hợp ra Hà Nội ở nhà công vụ, vậy nhà của ông ở Vinh thì thế nào? Có trở thành nhà công vụ cấp tỉnh không?

Tôi còn nhớ khi Bí thư tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (lúc đó chưa tách tỉnh) Trương Kiện cũng được điều ra Hà Nội, báo chí và dư luận làm ầm lên về chuyện nhà cửa của ông. Tôi phải “khăn gói quả mướp” vào Vinh nhìn tận mắt xem cái nhà của ông thế nào. Chẳng có gì ghê gớm: một ngôi nhà ngói 5 gian mà bây giờ người ta gọi là nhà cấp 4 (có một anh nhà giàu cũng vào xem và troe môi nói: “Chỉ nậy hơn cái chuồng bò nhà tau một chút”).
Xin nói thêm là ông Kiện ra giữ chức Thứ trưởng, khi về hưu lại quay về Vinh – không biết ông có nhà công vụ ở Hà Nội hay không? Có thì đã trả chưa? Chỉ biết hiện nay con trai của ông mua cho một căn hộ hiện đại trên đường Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội, nếu ông thích thì ra ở.

Trở lại chuyện điều động cán bộ của Nghệ An: Mới đây nhất cả Bí thư Nguyễn Thế Trung lẫn Phó Bí thư thường trực Hoàng Xuân Lương đều rời Nghệ An ra Hà Nội nhận công tác mới gần như cùng một lúc. Tôi thấy hơi lạ: Chẳng nhẽ lãnh đạo quê ta giỏi như vậy (tôi và nhiều người khác quan niệm có giỏi mới được điều ra trung ương) mà tỉnh ta vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng?! Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Có người còn nói: “Chẳng hiểu sao người gây mất đoàn kết lại được điều ra lãnh đạo ở một cơ quan có chức năng chính là đoàn kết nhân dân?!”.

Tôi không rành lắm công việc ở các cơ quan của Đảng và Chính phủ nên không dám bình luận gì nhiều. Nhưng tôi cứ băn khoăn tự hỏi: “Cán bộ địa phương có nhất thiết phải “tiến về Thủ đô” như vậy không? Bởi điều động cán bộ cao cấp lại phải kèm theo nhà công vụ. Mà nhà cửa, đất đai ở Thủ đô vốn không dư dả gì, người (kể cả người giỏi) lại càng không thiếu”.

Tôi là một cử tri, khi nào được tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội sẽ hỏi những câu này. Còn bây giờ chỉ ghi vào đây cho đỡ quên.
-------------------------------------

Nhà báo, nhà văn Hồ Bất Khuất, người đã có thâm niên 25 năm làm báo, đã luôn trăn trở và gửi gắm tâm sự về nghề và quan niệm về những giá trị cần đạt được của một nhà báo. Ông nói, để trở thành nhà báo đích thực, người đó trước tiên phải là người trung thực, muốn thế anh buộc phải có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực và tất nhiên không thể thiếu lòng dũng cảm. Ông từng học văn ở Nga nhưng 10 năm sau tốt nghiệp lại làm luận án tiến sĩ báo chí tại ĐH Tổng hợp Lomoloxop, Nga. Với tiểu thuyết đầu tay Làng và phố, ông còn chứng tỏ là một nhà văn sắc xảo nữa. Như có lần ông bày tỏ, tôi chọn văn chương để giãi bày những quan điểm và tâm sự của mình về cuộc sống mà nghề báo chưa nói hết được. Nhận định về thiên chức nhà văn nhà báo, ông mong mỏi: tôi cũng có nhiều hy vọng về những cây bút chân chính vẫn đang ngày đêm “cày xới” cuộc sống và dám bảo vệ công lý...
Hiện Hồ Bất Khuất là trưởng ban thư ký Tạp chí Gia đình & Trẻ em. Bài viết ngắn dưới đây là một trong những bài khá thẳng thắn của ông trước những bất cập của công tác thuyên chuyển, đề bạt cán bộ nói riêng và lối tư duy hạn hẹp ở tầm vĩ mô trong công tác quản lý xã hội ở nước ta nói chung.

(Canarien)
http://vn.myblog.yahoo.com/duyanhle76


No comments: