Wednesday, September 9, 2009
THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG NỮ CÔNG NHÂN VIỆT NAM
Đằng sau ánh đèn khu công nghiệp
Bài 1:
Thân phận nữ công nhân sau ánh đèn khu công nghiệp
Cập nhật lúc 08:58, Thứ Ba, 08/09/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/laodong/2009/09/867395/
LTS: Mất 3 ngày để chuẩn bị vài ba bộ hồ sơ xin việc, phóng viên VietNamNet đã "nhập vai" làm nữ công nhân tại Công ty điện tử Year 2000 (Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP.HCM) và Công ty thực phẩm Đại Phát (Khu công nghiệp Sóng Thần). Hơn 10 ngày làm công nhân, cùng ăn cơm với nước lã hoà rau, cùng tăng ca đến 18h mỗi ngày, chúng tôi đã góp nhặt được nhiều câu chuyện của những nữ công nhân "ế chồng vì mải tăng ca", phần nào phản ánh một góc cuộc sống của công nhân ngoại tỉnh ôm giấc mộng mưu sinh tại các khu công nghiệp lớn.
Tăng ca “mù mịt” ngày lẫn đêm
9h30 phút tối, cánh cổng các công ty ở KCN Sóng Thần mở, hàng trăm lượt công nhân dắt xe ra về kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi.
N.T.Phương, công nhân Công ty Thực phẩm ở KCN Sóng Thần dắt chiếc xe đạp cũ của mình ra cổng trở về nhà, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Tăng ca với Phương và những người bạn trong công ty đã trở thành “chuyện thường ở huyện”, đến nỗi ngày nào được về sớm, cô cảm thấy mình “thiếu thiếu, là lạ”…
Căn phòng trọ với 4 bức tường lạnh lẽo, vô hồn, đập vào mắt là mấy dòng chữ viết nguệch ngoạc “đời công nhân buồn”, “chán”, “đời…”, “nhớ…” khắp phòng bởi những người ở trọ trước. Ổ bánh mì khô khốc công ty phát lúc tăng ca nằm trên tay rơi xuống hững hờ. Phương nhắm mắt ngủ nhưng chưa quên lời chị tổ trưởng: “Mai làm ca 6h sáng nha em. Hàng đợt này về nhiều quá nên tụi em tan ca lúc 10 đêm đấy”.
Bữa ăn vội lấy sức để... tăng ca của công nhân trước cổng công ty. Ảnh: Thái Phương
http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200909/original/images1853496_15.jpg
Cô thủ thỉ: “Cuộc sống của em cũng giống hàng ngàn công nhân ở các KCN, KCX mà thôi. Đã chấp nhận rời xa gia đình để mưu sinh thì phải “cày”. Biết tăng ca nhiều là không tốt nhưng không thế thì lương chỉ đủ trả tiền nhà, tiền ăn cho mình còn đâu phụ đỡ gia đình nữa".
Nhiều người không chịu nổi tăng ca quá nhiều đành phải xin nghỉ đi tìm công ty khác. T.T.Xuân, 19 tuổi, quê Quảng Ngãi, công nhân công ty thực phẩm Đ.P vừa nộp đơn xin nghỉ việc với lý do… sợ làm thêm giờ.
Xuân cho biết, thông thường, công nhân các công ty chỉ làm 40 tiếng - 60 tiếng tăng ca/tháng, cao lắm là 80 tiếng đồng hồ. Thế nhưng công ty Xuân thường phải “mù mịt” tăng ca từ 100 tiếng - 120 tiếng/tháng. Ngày nào hàng gấp phải làm tới 23h đêm…
Cơm khô, cá khô, nước lã hòa với rau...
Với những công nhân bắt đầu “chập chững”, bữa cơm đầu chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên. Mỗi người được 1 khay cơm phát từ nhà ăn với đầy đủ tên gọi chung 3 món: cơm, canh, đồ ăn mặn nhưng nguội ngắt, èo uột. Canh “vừa ngụp vừa lặn không tìm được chút cái”, cơm nở bung bét chẳng cảm nhận mùi vị gì khi ăn... Rốt cuộc cơm vào bụng rồi mà chả thấy no.
Nói về cơm công nhân, P.T.Huyền, công nhân công ty giày D.H, KCN Sóng Thần 2, Bình Dương kể với vẻ ngán ngẩm: Món cá thì họ chọn loại cá biển rẻ nhất ngoài chợ kho với nước tương hay nước mắm, tanh ngòm. Ăn xong rửa tay 3 ngày vẫn còn mùi tanh “vương vấn” theo... Thịt heo kho với “măng thúi” nhiều người chưa một lần đụng đũa vì trông nó… “ghê ghê”!
“Đến khi công ty cho ăn toàn cơm với cá khô. Cơm khô, cá khô, nước lã hòa với rau làm canh… chừng ấy cái “khô” sao công nhân nuốt nổi. Thế là tụi mình bảo nhau đình công bữa trưa lúc 11h30. Cứ tưởng đình công nhà ăn sẽ sợ mà đổi món, ai ngờ ca sau công nhân vào ăn lúc 12h30 vẫn là… cá khô” - Huyền bức xúc.
Tranh thủ thời gian ít ỏi buổi trưa, công nhân ngả lưng bất cứ chỗ nào có thể. Ảnh chụp bằng điện thoại tại một công ty KCX Linh Trung 1. Ảnh: Thái Phương
http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200909/original/images1853490_3.jpg
Tăng ca là vậy nhưng bữa cơm cũng èo uột nói chi đến tiền công cán. Không ít lần công nhân ở các KCN, KCX đình công bởi công ty ép tăng ca, lương thấp, chế độ đãi ngộ quá kém, đến bữa cơm công nhân mà còn không nuốt nổi! Thế nhưng sau những lời hứa hẹn “sẽ thay đổi” của ban giám đốc, công nhân lại tiếp tục làm việc chờ thay đổi để rồi hàng loạt vụ ngất xỉu vì làm quá sức nhưng ăn không đủ chất dinh dưỡng…
K.T.Loan, công nhân may A.S, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai cho rằng, phần cơm trưa giá 9.000 đồng nhưng thực tế, nếu tính ra, mỗi suất ăn của công nhân chỉ được khoảng 5.000 - 6.000 đồng.
Xỉu trong giờ làm và nỗi ám ảnh các "sếp trưởng"
Cả xưởng chế biến thực phẩm một công ty KCN Sóng Thần, Bình Dương đang giờ làm việc, những đôi tay thoăn thoắt nặn hết chiếc bánh này tới chiếc khác. Tiếng máy chạy rầm ầm ù cả tai, công nhân mới vào thường bị ám ảnh bởi tiếng máy vẫn còn như e e bên tai ngay cả trong giấc ngủ. Mùi dầu mỡ từ những chảo dầu sôi sùng sục chiên bánh sộc vào mũi công nhân…
“C. mày sao thế này? Trời ơi! Con C. nó xỉu rồi…”. Cả chuyền quay sang nhìn cô công nhân cao chưa tới 1m50 gục xuống nền nhà, mặt xanh lét như tàu lá…
Xỉu trong giờ làm không còn chuyện lạ với công nhân nữ các KCN, KCX khi ai nấy đều phải làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, áp lực công việc. "Đã làm công nhân thì phải chấp nhận điều này!", N.T.Thảo, công nhân công ty Y., KCX Linh Trung nói.
Không chỉ công nhân ăn lương sản phẩm phải chạy “tẹt ga” để đảm bảo năng suất, công nhân ăn theo thời gian cũng khổ sở không kém vì đồng lương cố định nhưng phải chạy hiệu suất, sản lượng…, nhất là chịu áp lực tinh thần từ những các “sếp trưởng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy làm theo thời gian nhưng nhiều công ty áp dụng mức tính hiệu suất, lượng sản phẩm làm ra theo giờ, ngày. Nếu đạt mức công ty đề ra, công nhân được nhận lương đúng như quy định. Ngược lại, việc trừ lương, giảm lương được thực hiện nghiêm ngặt nghĩa là đồng lương “theo thông báo” đã bị vơi đi phần nào...
Ám ảnh nhất phải kể là áp lực tinh thần do những người “trưởng” mang đến. Chuyền trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng được xem là cánh tay số một chuyên đi giám sát, dò xét, la hét công nhân làm việc để tăng năng suất, hiệu quả công việc (theo nghĩa thông thường).
N.T.Loan, công nhân công ty may A.S, KCN Biên Hòa 2 bộc bạch không ít lần chị đã bật khóc giữa công ty vì bị sếp la. “Không chửi nhưng họ nói nặng nhẹ, bóng gió đủ kiểu thậm chí còn giọng mỉa mai. Đang làm mệt mà bị sếp chửi là y như có búa tạ đè lên đầu, cảm giác mệt mỏi và khó chịu kinh khủng”.
Nhiều công nhân chưa làm đủ hiệu suất phải tranh thủ giờ ăn cơm, giờ nghỉ trưa hì hục sửa hàng đến khi chuông reo hết giờ vẫn làm cố. Đến khi ngủ vẫn nghe sếp văng vẳng bên tai: “Cả ngày mới làm được chừng đó hàng, không cố cuối tháng sẽ bị trừ tiền; chuyện đâu mà nhiều chuyện thế, tôi ghi sổ trừ điểm hết bây giờ…” - Loan bức xúc.
Thái Phương
Bài 2:
Khi đời sống tinh thần nhạt như... bát canh công nhân
Cập nhật lúc 06:56, Thứ Tư, 09/09/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/laodong/2009/09/867553/
Làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, có tiền dành dụm mua được cái áo cũng không có dịp diện vì khi rảnh rỗi, phần lớn công nhân nữ chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. Người thì ngủ vùi để lấy sức làm tiếp, kẻ tụ tập tán gẫu. Nơi họ ở, chiếc tivi không có để xem, muốn ra đường thì lại ngại bởi chiếc xe đạp đã quá cọc cạch... Đời sống tinh thần của nữ công nhân được ví chẳng khác gì "bát canh nước lã" họ vẫn được công ty cho ăn hàng ngày.
Nhớ cái tivi ở nhà
Nhiều công nhân vô TP.HCM làm công nhân làm cả năm trời mà chỉ quanh quẩn nhà trọ, công ty, cùng lắm là ra tới... chợ. Những lúc họ quyết tâm đi chơi cho biết đây biết đó thì nhìn lại chỉ có mỗi cái xe đạp cũ đã long sòng sọc.
Mỗi buổi chiều, hàng trăm ngàn công nhân ùa ra khỏi công ty, lâu lâu mới gặp chiếc xe máy, còn lại toàn xe đạp và người đi bộ. "Với công nhân nghèo, xe máy vẫn còn là thứ xa xỉ", Hoa bảo.
“Đôi lúc cũng muốn đi chơi đây đó cho biết, nhưng toàn người đi xe đạp, thậm chí đi bộ vì nhà trọ gần công ty. Vậy là nghĩ tới nghĩ lui, ở nhà cho xong!” - H.T.Hoa, công nhân KCN Amata, Đồng Nai bộc bạch.
Đảo mắt quanh phòng trọ của Hoa, vật đáng giá nhất là chiếc tivi. “Phải đập một cái thật mạnh mới lên!” - Hoa cười cười hướng dẫn.
Thế nhưng, nhiều khi đập mãi tivi cũng không lên hình được, cả phòng Hoa đành phải qua phòng cuối dãy nhà trọ của một đôi vợ chồng mới cưới xem nhờ.
“Người ta mới cưới, sang coi nhờ tivi hoài cũng kỳ. Cả phòng lại kéo nhau về nhà ngồi chơi không chờ đến giờ đi ngủ. Những lúc đó, lại nhớ cái tivi ở nhà” - Hiền, bạn cùng phòng Hoa kể với giọng buồn.
Loanh quanh rồi lại… về phòng
Làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, đời sống tinh thần của công nhân cũng rất bó hẹp. Nhiều công nhân vào miền Nam làm cả 2 năm trời nhưng chưa một lần đi xa khỏi dãy phòng trọ, không biết khu du lịch, khu vui chơi giải trí nào bởi cả năm ra ngoài 1 lần thì về quê. Không có tivi thì trò giải trí duy nhất của họ là tán gẫu với bạn cùng phòng, cùng dãy nhà trọ hoặc… ngủ vùi.
9h tối chủ nhật, P.T.Thiệp, công nhân KCX Linh Trung 1, TP.HCM nằm một mình trong phòng, không ti vi, sách báo… Cô bảo, cứ nằm vậy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, khi nào buồn ngủ thì ngủ.
Không phải mình Thiệp, hầu hết những buổi tối (không tăng ca) của công nhân các KCN, KCX chỉ là đi vòng vòng quanh dãy phòng trọ, ngồi phòng này tám vài câu, chỗ kia hỏi thăm vài chuyện rồi về phòng, hết ngày.
Đồng lương vốn ít ỏi, lại luôn tâm niệm phải dành tiền gởi về nhà khiến hầu hết công nhân ăn uống rất đạm bạc. Nhìn họ đi chợ, xách bọc này bọc kia nhiều đùm đề nhưng bên trong toàn dưa leo, rau củ, khoai lang…
Thậm chí, cơm nguội luôn là món ăn sáng vừa tiện vừa lợi của công nhân. Thiệp giải thích, tối chịu khó đổ gạo nhiều một chút, nấu đồ ăn dư ra, sáng ăn cơm nguội cho nhanh. Muốn đổi món thì chiên cơm lên, ngon chán lại chắc bụng…
"Cuộc sống công nhân tẻ nhạt vậy thôi" - Hoa tâm sự. Thế nên, không ít lần để “thay đổi không khí”, đám bạn trong phòng Hoa nghĩ ra đủ cách “biến tấu” nỗi khổ của mình. Chẳng hạn, cơm với rau chán thì nghĩ rau mình đang ăn là đùi gà, thịt heo, cá bống kho tiêu… “Muốn ăn món gì thì nghĩ tới món đó, sẽ ngon hơn mà vẫn no bụng”, cô bạn cười.
"Còn nếu ngủ dưới đất nền nhà thấp, ẩm ướt đau lưng quá, áp dụng giải pháp “giấc mơ đẹp”. Nghĩa là mỗi lần ngủ cứ mơ mình đang nằm trong chăn ấm, nệm êm với giường chiếu đầy đủ. Đêm nào cũng mơ như thế thì sẽ giúp mình ngủ rất ngon đúng không?, Mai, bạn Hoa lém lỉnh đùa.
Nỗ lực... mơ
Cuộc sống cơ cực đời công nhân đem lại cho họ bao nỗi đắng cay, tủi phiền nhưng công nhân nữ không chỉ mơ về những "bữa ăn tưởng tượng".
Mới học hết lớp 9, Nguyễn Lê Hoàng Trang, quê Quảng Ngãi (hiện là công nhân may công ty W.C, KCN Amata, Đồng Nai) không thể tiếp tục việc học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tìm hướng đi cho mình, Trang khăn gói vào TP.HCM tìm việc làm, kiếm tiền gởi về quê. 15 tuổi, chưa đủ tuổi lao động xin vào công ty, Trang đành nhận bất cứ vệc gì người khác thuê “miễn là lương thiện và có tiền”. Từ phụ bán bánh bao, bán chè, phụ bán cửa hàng cho đến làm may gia công tại các cơ sở tư nhân… Cô bạn không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu công việc “phụ” những ngày mới vào.
“Số tiền lớn đầu tiên mình kiếm được là 700.000 đồng, đưa về cho ngoại và 2 đứa em hết… 600.000 đồng!” - Trang thật thà. “Cũng may phụ bán hàng nên mình được ăn ở miễn phí, lại không tiêu xài gì nên dư được chừng đó”.
Vật lộn ở đất Sài Gòn để mưu sinh hơn 2 năm nhưng chưa khi nào Trang ngừng ước mơ được đi học. Đủ tuổi lao động, Trang xin làm công nhân để tiếp tục theo đuổi việc học. Cô quả quyết, không thể thoát nghèo nếu thất học, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình quyết đi làm để kiếm tiền trang trải cho việc học.
Vậy là lại bắt đầu hành trình mới, ngày làm công nhân, tối đi học bổ túc, hàng tháng vẫn gởi tiền về quê đều đặn trong khoản lương công nhân còi cọc.
Mỗi lần công ty bắt tăng ca, Trang hết năn nỉ chị chuyền trưởng rồi lại quay sang cứng rắn “chị cứ chửi em rồi cho em về đi học!”. Nhiều lúc bị áp lực công việc, bài vở, Trang bật khóc ngay tại công ty nhưng “chỉ dám tìm chỗ nào đó khóc to một mình chứ không dám cho ai thấy”.
Không có hoàn cảnh đặc biệt như Trang nhưng nhiều công nhân nữ ở các KCN, KCX cũng đang miệt mài vừa học vừa làm với ước mơ thoát khỏi cảnh… đời công nhân.
“Một năm trời sống đời công nhân khiến mình hiểu ra sự thiệt thòi, thua thiệt vì không có bằng cấp và bắt đầu… tiếc thời gian chơi bời vừa qua. Đôi lúc làm mệt, tăng ca triền miên rồi lại bị… mình muốn khóc nhưng đành kìm lại” - Nguyễn Thị Thủy, 21 tuổi, quê Thái Bình, công nhân KCX Linh Trung 1 bộc bạch.
Nhiều người tâm sự. chính cuộc sống công nhân cực khổ khiến họ nhận ra “chỉ học mới có cơ hội đổi đời, thoát nghèo”. Và nếu phải chọn bỏ học hay bỏ làm, ai cũng khẳng định: Bỏ làm thì không thể vì tiền đâu để sống, còn bỏ học lại càng không được vì học là con đường duy nhất để vươn lên. Thế nên chọn cả hai.
Thái Phương
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment