Saturday, September 12, 2009

SAI PHẠM của BÁO ĐIỆN TỬ ĐCSVN CÓ PHẢI DO LỖI KỸ THUẬT ?

NHỮNG SAI PHẠM CỦA BÁO ĐIỆN TỬ ĐCSVN CÓ DO LỖI KỸ THUẬT ?
Phạm Viết Đào
Đăng ngày: 11:04 12-09-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1285
Điều làm cho dư luận lo lắng và khó hiểu về sự cố Báo điện tử ĐCSVN đăng tin của phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc; tin này đã được Báo điện tử ĐCSVN đưa lên báo từ ngày 4/9/2009, tôi đã phát hiện ra việc đưa tin sai này nên đã thông tin trên blog cá nhân vào lúc 15 giờ 3 phút ngày 8/9/2009, cách đây đúng 4 ngày?
Cho đến nay tôi chưa thấy chính thức có lời cải chính, cáo lỗi chính thức nào từ phía Báo điện tử ĐCSVN theo quy định tại Điều 9 của Luật Báo chí: giải thích lý do vì sao có việc đưa tin làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia này ?

Tôi có đọc qua mạng đưa tin về một cuộc hỏi chuyện qua điện thoại của blog Hoa Phạm hỏi một người, không xưng danh không biết có phải là người phát ngôn chính và là phát ngôn chính thức của Báo điện tử ĐCSVN hay không giải thích: lỗi này là do lý do kỹ thuật, có thế thôi ?!
Đây là thông tin chưa được kiểm chứng, do vậy nên chúng tôi không dám coi là ý kiến giải thích chính thức của phía Bộ biên tập Báo điện tử ĐCSVN về sự cố hy hữu này trong làng báo Việt Nam.

Là người chơi Blog, tôi khó tin một tờ Báo điện tử lớn và quan trọng như Báo điện tử ĐCSVN do lỗi kỹ thuật, nên đã post lên một bài đưa những thông tin cực kỳ nguy hại đối với an ninh quốc gia.
Là người chơi blog, nên hàng ngày nếu không có gì quá bận đột xuất, tôi và nhiều blog khác đều phải làm cái việc mở blog ra kiểm tra xem có bị comment post lên những ý kiến thiếu trách nhiệm nào đó có thể ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của mình không?
Tất cả những ai choi blog đều nơm nớp một nỗi lo đó. Có những blog mỗi khi đi công tác đến những nơi không có internet thường vẫn treo bảng thông báo mình vắng mặt trong một số ngày không kiểm soát được blog cá nhân; coi như bằng chứng chứng minh mình ngoại phạm báo với các cơ quan chức năng.

Đối với Báo điện tử ĐCSVN là một cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, hoạt động bằng nguồn ngân sách chắc chắn việc kiểm tra và giám sát kỹ thuật không thủ công như các tay chơi blog.
Bất cứ một tờ báo điện tử hay một trang tin điện tử nào cũng đều có bộ phận quản trị mạng. Bộ phận này chịu trách nhiệm kiểm soát và trực tiếp đưa bài lên mạng, kịp thời khắc phục các sự cố kỹ thuật và kiểm soát chống sự thâm nhập của hacker tấn công?

Việc nhiều trang tin điện tử thậm chí của cả chính phủ một số nước đã từng bị hacker tấn công là chuyện đã từng xảy ra do đó đây là việc mà không tờ báo điện tử nào dám lơ là.
Trong trường hợp như bản tin của mà Báo điện tử ĐCSVN đưa nếu do hacker đưa lên thì chắc Báo này đã thanh minh rồi. Nhưng nếu giả dụ bản tin này là do một hacker Trung Hoa chơi xấu cài vào thì sao lại nằm ỳ ra trên báo từ ngày 4/9 cho tới ngày 8/9 khi được tôi phát hiện mới bị xóa?

Xin mở ngoặc một thông tin nhỏ: Khi tôi đọc được tin này, sau vài phút suy nghĩ tôi quyết định chuyển lên blog cá nhân. Do trình độ kỹ thuật cá nhân của tôi và do mạng chỗ tôi đưa bài chập chờn nên phải mất 5 phút mới hoàn chỉnh được ý kiến; lúc đầu do tôi hơi “bán tín bán nghi” nên chỉ có ý định kính chuyển đến Bộ Biên tập Báo điện tử ĐCSVN đề nghị xem xét và giải thích tin này?
Khi tôi đưa lên mạng xong, đọc kiểm tra lại một lần nữa, tôi cảm thấy chưa thật yên tâm, liệu đây có phải là tin tặc hay do mình không thạo kỹ thuật nên vào nhầm trang? Tôi trở lại địa chỉ cũ mà tôi vừa truy cập thì không còn thấy bài, trang đã bị xóa, mặc dù măngsec vẫn còn nguyên Báo điện tử ĐCSVN. Tôi hơi hoang mang đang định hạ ý kiến của mình xuống vì nghĩ mình nhầm...
Song tôi chợt nảy ra sáng kiến vào Google tìm kiếm xem có lưu tin này không? Lần thứ nhất gõ tên bài, không tìm được bài; lần thứ 2 tôi copy một đoạn trong tin thì may quá, bài vẫn còn được google lưu, tôi lập tức copy lại để phòng thân, thủ thế ?

Tôi thở phào coi như trình độ vi tính của mình chưa đến nỗi tậm tịt lắm. Độ 30 phút sau, tôi vào mạng Trannhuong.com thì thấy nhà văn Trần Nhương “tiếp sức” cho ý kiến của tôi và chiều hôm 8/9 tôi nhận được nhiều điện thọa bạn bè hỏi về sự cố này.
Tôi kể lại chuyện này để thấy, nếu là sự cố kỹ thuật thì chỉ cần trong 5 phút Báo Điện tử ĐCSVN kịp thời phong tỏa tin này ngay. Để tin này sống 4 ngày trên báo thì không thể coi là do hacker đưa vào và đấy cho hacker chịu trách nhiệm?
Nếu Tổng Biên tập cho rằng: việc đưa tin này lên là do lỗi kỹ thuật ngoài tầm kiểm soát của người chịu trách nhiệm chính là không có cơ sở kỹ thuật lẫn pháp lý. Nói như vậy là nói bừa, là dốt kỹ thuật nói với kẻ dốt kỹ thuật nghe hoặc quá siêu kỹ thuật lừa những kẻ giả vờ dốt...
Điều tôi rất lấy làm băn khoăn là: chúng ta có cả một hệ thống cơ quan chức năng kiếm soát và giám sát an ninh mạng của Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với hàng triệu đảng viên, với hàng trăm ban ngành của Đảng hàng ngày chẳng nhẽ họ không đọc Báo điện tử ĐCSVN? Chả nhẽ đọc họ lại không phát hiện ra cái tin tai hại này để cho nó lan tỏa những 4 ngày trời ra khắp thế giới ?

Đối với báo in: khi báo đã in ra, phát hành rồi thì việc thu hồi lại là việc giống như hót lại bát nước đã đổ ra. Đối với báo điện tử không thể giải thích như thế được, bởi vì khắc phục một tin sai chỉ cần 30 giây là xong? Tôi là người đã chứng kiến việc vô hiệu hóa tin này trên Báo điện tử ĐCSVN chỉ trong vòng 5 phút, sau khi ý kiến của tôi đưa đưa lên blog cá nhân?
Còn nếu tại Báo điện tử ĐCSVN có tác phong và lề lối làm việc: biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viêc tự ý đưa bài lên mà Tổng Biên tập không biết, không kiểm soát được; bài đưa lên rồi, biên tập viên, phóng viên, quản trị mạng và Tổng Biên tập cũng không ngó ngàng lại xem: tin bài đó như thế nào, có hồi âm gì không, có sót chữ, dấu chấm dấu phẩy nào không ?
Nếu Báo Điện tử ĐCSVN làm việc theo lối đó thì cần phải học tác phong làm việc, quản lý cẩn trọng khi đưa bài lên mạng của các tay chơi blog? Đã có mấy blog bị tù vì viết lách trên mạng rồi còn gì?

Điều cuối cũng chúng tôi muốn chuyển đến Bộ Biên tập Báo điện tử ĐCSVN nhờ xác minh và xác nhận người trả lời phỏng vấn Blog Hoa Phạm có phải là người của Báo điện tử ĐCSVN không? Việc trả lời này có được thừa ủy quyền của Tổng Biên tập và theo sự chỉ đạo của Tổng Biên tập không?
Nếu đúng đó là ý kiến từ phía Bộ biên tập thì đây là ý kiến vừa vô trách nhiệm về ý tứ, vừa xấc xược về thái độ, giọng điệu trong khi giao tiếp; cả lời giải thích và thái độ đều không xứng đáng là phát ngôn đại diện cho một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản.
Nghe giọng điệu trả lời qua điện thoại, người nghe thấy rất rõ giọng điệu theo kiểu sừng sộ, trấn áp, át giọng người khác của kẻ bề trên, của người có quyền thế đối với những kẻ thấp cổ bé họng hoặc đang đến để cầu cạnh hay xin xỏ một điều gì đó ?
Nếu là đây là trường hợp một báo khác, một blog nào đó lỡ đưa nhưng tin như vậy thì sau khi chuyện loang ra: không những mất ăn, mất ngủ, giật mình thon thót khi nghe điện thoại hoặc nghe tiếng gõ cửa.
Mọi giao tiếp đảm bảo sẽ nhũn ra như con chi chi, bởi chắc chắn đang bị cái cảm giác sắp bị cơ quan an ninh sờ gáy? Riêng đối với người trả lời phỏng vấn qua qua điện thoại thì thấy nói năng rất hung hăng, chẳng thấy lo sợ gì cả đối với sai phạm tày đình này?
Hay vị này có trong tay cái “lệnh bài miễn chết” được vua ban ngày xưa cho nên có sai nữa cũng không sao cho nên mới nói năng hung hăng làm vậy. Nói năng thì át giọng người ta kể cả lúc nói sai, nói bậy? Ngày xưa vua thường ban phát cho một số đại thần có công lập quốc cái “lệnh bài miễn chết” để thưởng công cho họ; không ít trường hợp vua đã phải ra chỉ dụ thu lệnh bài này về, bởi các đại thần quá đáng, khi được miễn tội chết cho thì họ hay làm bậy dẫn tới nguy cơ làm sự sụp đổ cả ngai vàng, triều đại...
Nên nhớ trong Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo, có một điều quy định cho một người duy nhất được miễn trừ trách nhiệm một số hành vi: đó là Chủ tịch nước.
Điều 50 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”; Điều thứ 51 quy định: “Mỗi khi truy tố Chủ tịch, Phó chủ tịch hay một nhân viên Nội các về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử...”
Như vậy, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên, theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Chủ tịch nước nếu phạm tội phản quốc thì cũng bị xét xử, nghiêm trị. Chính vì lẽ đó trong buổi lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên diễn đàn đã tuốt gươm ra khi đọc lời thề và tuyên bố: kẻ nào phạm tội phản quốc thì phải trông vào thanh gươm truyền quốc này ?
Không biết ông Tổng Biên tập Báo điện tử ĐCSVN có trong tay “ lệnh bài miễn chết “ nào không ? Mong ông sớm thông tin để bà con cư dân mạng đỡ mất thời gian và mệt người vì chuyện quốc gia, đại sự này?!
P.V.Đ

------------------------------------------------

Ứng xử trước sai lầm
Nguyễn Vĩnh-TimesQT
Đăng ngày: 17:59 10-09-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=573
(NvtimesQT) - Hôm nay, ngày 10/9, đến lúc này gần sát với thời điểm ngày hôm qua post bài/thư ngỏ lên (trải qua đã 24 giờ), tôi nghĩ cũng nên có mấy dòng tiếp theo. Đó là nỗi ưu tư trước một thực trạng - người ta thì kêu gọi góp ý, nhưng góp xong rồi cũng bỏ đấy. Thôi thì người ta bỏ qua trong im lặng, thì tôi lại chuyện trò tiếp với bạn đọc của mình. Để không phụ lòng các bạn, trong một ngày-đêm, tới gần 1.500 lượt bạn vào đọc cái blog nhỏ bé của tôi (và chừng 2.086 lượt trên Web của nhà văn trannhuong.com - tính đến lúc này - 18g ngày 10/9). Xin tri ân các bạn.
Khi viết Thư ngỏ ngày 9/9/2009 (đăng trên Website của nhà văn trannhuong.com và trên Blog của tôi), gửi ông Tổng biên tập báo điện tử của Đảng, tôi cũng chẳng chờ đợi ở ông Đào Duy Quát sự hồi âm nhanh đâu (kể ra một tờ báo tầm cỡ như thế, lại là báo điện tử, thì phải thật nhanh - nếu không nói cố là phải “nhanh nhất” mới đúng).
Thế, tôi viết mà không đợi hồi âm, vậy tôi viết thư để làm gì? Lạ thật đấy nhỉ. Nhưng buồn thay, nó lại xảy ra hầu như thường xuyên ở nước ta. Cái chuyện phản ứng rất chậm chạp của những cơ quan, đơn vị công quyền trước những góp ý và thắc mắc của người dân - đại loại như lá thư của tôi - là một thực tế có thể kể mãi cũng không hết... Lại có những lá thư ngỏ, tác giả là những người nổi danh nổi tiếng khắp nước, gửi tới các địa chỉ rất cụ thể, ta thấy mấy khi có sự trả lời trước sau trọn vẹn. Đa phần còn rơi vào im lặng nữa. Nên tôi cũng chẳng thất vọng quá mà làm gì với lá thư không/chưa hồi âm này.
Tuy nhiên cứ ngẫm nghĩ, cho là tôi góp ý và yêu cầu gì đó chưa đúng, thì người được nhắc đến cũng cần một lời, gọi là lên tiếng, là báo tin lại là đã “tới tai” mình, chẳng hạn. Bản thân người đó là quan chức cấp cao, do bận rộn, thì bộ máy giúp việc phải được quy định làm điều đó. Gọi tạm là phản hồi, là sẵn sàng cho một kênh đối thoại... Không vậy thì hóa ra lời người dân góp, sẽ như mấy viên đất ném xuống ao bèo hay sao? Thế thì không những đáng buồn mà còn là điềm hiểm nguy báo cho bộ máy đó.
Hằng ngày chúng ta đều nghe các cấp trong bộ máy nói “phê và tự phê” là cần thiết, quan trọng nhường này nhường kia, trong khi đi vào thực tế thực tiễn, lại thấy điều ngược lại. Cho nên những phản hồi của nhiều bạn đọc mạng internet về lá thư ngỏ của tôi là hoàn toàn hiểu được. Tức là người ta cũng chẳng trông chờ gì đâu, không tin tưởng gì đâu ở sự hồi đáp tích cực từ phía người và cơ quan sai sót đã nêu.
Tình trạng đã đến nước này chính là một báo động đỏ cho cả bộ máy, cho các cơ chế mà ta lập ra. Có thể chăng, chứng bệnh tự kiêu, tự mãn, luôn cho mình là đúng đã trở thành nan y, căn bệnh không chữa được mất rồi.
Con người chúng ta, trong giao tiếp, trong mọi việc làm và quyết định, có thể mắc phải sai lầm. Nhưng nếu cái sai lầm đưa tin này là ngớ ngẩn tức cười, thì ông Đào Duy Quát lại càng phải gánh trách nhiệm nặng hơn. Bởi ai cũng biết, cả một thời gian dài, và đến nay nữa, ông thường xuất hiện ở những nơi chốn được coi là top của công tác tư tưởng, tuyên giáo, khoa giáo - nghĩa là ông được giao tiếp nhiều với giới có học vấn và giới sáng tạo. Thậm chí nhiều lúc ông còn giảng giải, khẳng định điều này điều khác tại những nơi đó. Tôi nhớ mấy công trình lớn, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các cuốn sách về biển-đảo, về biên giới đất liền của nước ta, đều có tên ông trong ban chỉ đạo. Trên báo của mình, ai cũng biết, ông ký tên với chức danh PGS-TS. Ký như thế là đúng, thì càng phải làm cho trọn vẹn cái danh hiệu đúp ấy. Thế mà đến công việc của chính mình, ở chức danh tổng biên tập này, ông lại để một sai sót quá lớn và quá tai hại đến như thế trên mặt báo của ông.
Sai lầm thì đã rõ ràng và còn đấy cả. Cuộc sống tiếp diễn, người ta cũng có thể lại mắc sai lầm khác. Song vấn đề là có dám nhận mình sai lầm hay không? Để biết ra lẽ phải, để sửa chữa. Vậy cái nút không phải là vấn đề có sai lầm hay không mà là phép ứng xử đúng đắn với sai lầm, trước sai lầm. Trong vụ việc này thì rõ ràng ông Đào Duy Quát, người có trách nhiệm chính ở báo điện tử của Đảng, không những đã phạm sai lầm nghiêm trọng (cho đưa tin có hại với đất nước trên báo của mình), mà còn rất yếu trong cách ứng xử trước sai lầm.
Nguyễn Vĩnh

No comments: