Saturday, September 19, 2009

PHỎNG VẤN GS LÊ XUÂN KHOA về cái gọi là "HỘI NGHỊ VIỆT KIỀU 2009"


Phỏng vấn Giáo sư Lê Xuân Khoa về “Hội nghị Việt Kiều 2009”
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Friday, September 18, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101450&z=196
Theo tin tức loan tải trên Internet, tháng 11 sắp tới, nhà nước Hà Nội sẽ tổ chức một có tên “Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài.” Một viên chức ngành ngoại giao của Hà Nội, hiện làm việc tại Hoa Thịnh Ðốn, đã xác nhận tin này nhưng nói thêm rằng chi tiết chưa được biết rõ.
Tin về hội nghị này được đón nhận ra sao, Người Việt đã thỉnh ý Giáo sư Lê Xuân Khoa trong bài phỏng vấn sau đây do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.
Giáo sư Lê Xuân Khoa, trước năm 1975, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Ðại học Sài Gòn; sau năm 1975, ông là Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á và là giáo sư Ðại học Johns Hopkins tại Washington DC. Từ khi về hưu, ông dùng thời giờ nghiên cứu, viết sách và viết báo.


Giáo sư Lê Xuân Khoa (trái) và cựu Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Funseth, người đã ký với Hà Nội thỏa hiệp H.O năm 1989.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/101450-medium_Le%20Xuan%20Khoa%20va%20Robert%20Funseth.JPG

ÐQAThái: Thưa giáo sư, theo tài liệu của nhà nước cộng sản Việt Nam, thì cuộc hội nghị kéo dài 6 ngày tại Hà Nội vào tháng 11 sắp tới, sẽ có 4 cuộc thảo luận chuyên đề: thứ nhất là “Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đoàn kết thành đạt và hướng về quê hương đất nước”; thứ hai là “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài”; thứ ba là “Trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp trấn hưng đất nước”; và thứ tư là “Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước”. Xin nghe ý kiến của giáo sư về 4 vấn đề này?
Giáo sư Lê Xuân Khoa: Tôi thấy lần này nhà nước Hà Nội tổ chức rầm rộ cuộc hội nghị với cả ngàn người tham dự. Theo tôi, nếu trong một tình trạng quan hệ bình thường đã có sẵn rồi giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước, thì tất cả 4 cái chuyên đề nêu trên rất thích hợp. Nhưng vấn đề là, cho tới nay, sau hơn 30 năm kể từ ngày 30 tháng Tư 75, chưa hề có quan hệ bình thường giữa người Việt hải ngoại và nhà cầm quyền tại Hà Nội. Như vậy, cái hội nghị tháng 11 này, chỉ có tính cách một chiều chứ không đáp ứng nhu cầu hai chiều. Cho nên, tôi nhìn hội nghị này là một hành động của nhà cầm quyền Hà Nội chỉ muốn xen lấn vào sinh hoạt nội bộ của cộng đồng người Việt hải ngoại mà thôi. Bởi vì cho tới nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn hoạt động một cách độc lập và thậm chí chống lại nhà cầm quyền ở trong nước. Tôi cho rằng hành động can thiệp của Hà Nội có chủ đích chính trị nhằm chỉ đạo và biến cộng đồng người Việt hải ngoại thành một công cụ phục vụ cho đảng và nhà nước cộng sản. Dĩ nhiên, mục đích đó của Hà Nội sẽ gặp phản ứng không thuận lợi của người Việt hải ngoại.

ÐQAThái: Trong 4 cuộc hội thảo chuyên đề nói trên, giáo sư quan tâm đến chủ đề nào nhất ạ?
Giáo sư Lê Xuân Khoa: Tôi quan tâm nhất đến hai chủ đề liên quan đến trí thức và doanh nhân hải ngoại.
Khi nêu lên hai thành phần này, nhà nước Hà Nội mong có sự đóng góp chất xám, nghĩa là của nhân tài hải ngoại và sự đóng góp của giới kinh doanh, nôm na là sự đóng góp tiền bạc.
Tôi vẫn thấy trí thức hải ngoại mong có cơ hội đóng góp cho đất nước, vì ai cũng muốn đất nước mình phát triển và có một vị thế vững mạnh trong vùng và trên thế giới, chứ không ai muốn đất nước mình tụt hậu. Thế nhưng cho tới bây giờ, tất cả những nỗ lực đóng góp của người hải ngoại không được sự đáp ứng đúng mức của nhà cầm quyền trong nước. Vì nhà nước Hà Nội đưa ra mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”; nhưng khi trí thức muốn đóng góp để thực hiện các mục tiêu đó thì tài năng của họ không được thi thố, thì họ đóng góp làm gì nữa. Nhà nước không những nói mà không làm, mà còn làm ngược lại điều họ nói. Thành ra, có thể nói những người trí thức nặng lòng với đất nước đã rất dè dặt, dù đã có một số người thử tỏ thiện chí, nhưng giờ đây thì họ tỏ sự bất mãn rất rõ ràng.
Về sự đóng góp của doanh nhân, thì nhiều người cũng muốn về nước làm ăn tranh đua với các doanh nghiệp ngoại quốc. Dĩ nhiên, ngoài việc làm giàu thì cũng mong góp tài nghệ của mình như khả năng quản trị, kỹ thuật .v.v . để góp phần làm đất nước tiến lên. Nhưng cho tới bây giờ, tôi quan sát thấy những người Việt hải ngoại, nếu có về nước làm ăn, thì họ cũng chỉ giới hạn trong phạm vi làm ăn kinh doanh mà thôi; chứ họ đã nhìn thấy không thể có cơ hội đóng góp tài năng của mình cho mục tiêu chung của đất nước.

ÐQAThái: Giáo sư có biết những thành phần nào tại hải ngoại đã được mời về dự hội nghị?
Giáo sư Lê Xuân Khoa: Bản tin của nhà nước Hà Nội cho biết hội nghị sẽ mời một ngàn người tham dự với danh nghĩa đây là đại hội lần thứ nhất của người Việt trên toàn thế giới. Thực ra vào năm 2000, họ đã làm một hội nghị tương tự nhưng tầm vóc nhỏ hơn. Hội nghị năm 2000 đó chẳng đi đến kết quả nào, cũng chỉ là sự gặp gỡ để nói những chuyện lý thuyết, nói xong rồi vỗ tay mà không thực hiện gì cả.
Ðầu năm 2004, có một số trí thức tiến bộ tại Việt Nam đã thúc đẩy và được nhà nước đồng ý cho họ tổ chức một “Diễn Ðàn Trí Thức” để mời anh em trí thức ở hải ngoại về nhằm thảo luận những vấn đề của đất nước. Lúc bấy giờ, giấy mời đã được gửi đi, nhưng sau đó chỉ hai ba tuần, nhà nước lại ra lệnh hoãn, với lý do nêu ra là có nhiều vấn đề quan trọng cần phải giải quyết. Chúng ta thấy rõ là một hội nghị cần tổ chức để bàn về mọi vấn đề quan trọng của đất nước thì lại không được tiến hành, nên bây giờ nhà nước Hà Nội muốn tổ chức một hội nghị thì đây rõ ràng là một bước thụt lùi lớn.

ÐQAThái: Lúc nãy giáo sư nói hội nghị do Hà Nội tổ chức là một sự xen lấn vào sinh hoạt của người Việt hải ngoại; không lẽ những người Việt từ ngoài về dự hội nghị không nhìn thấy ý đồ đó hay sao, thưa giáo sư?
Giáo sư Lê Xuân Khoa: Dĩ nhiên, nếu có người nhận lời về tham dự, thì hoặc họ không nhìn thấy ý đồ đó của Hà Nội, hoặc nhìn thấy nhưng đồng ý đi chung với nhà cầm quyền, tức là về phe với Hà Nội. Nghĩa là họ đã chọn một đường đi khác với đường đi của cộng đồng người Việt hải ngoại.

ÐQAThái: Nhà cầm quyền Hà Nội vẫn nói rằng họ muốn bình thường hóa mối quan hệ với người Việt hải ngoại, xin nghe ý kiến giáo sư về vấn đề này?
Giáo sư Lê Xuân Khoa: Không thể có mối quan hệ bình thường được, khi mà nhà cầm quyền vẫn tiếp tục con đường một chiều, nghĩa là chỉ coi cộng đồng hải ngoại là một công cụ và muốn mọi người về để phục vụ chế độ, thì chúng ta không thể chấp nhận.

ÐQAThái: Có điều gì chúng tôi chưa kịp hỏi giáo sư liên quan đến hội nghị này?
Giáo sư Lê Xuân Khoa: Tôi thấy những vấn đề to lớn của đất nước, như việc Trung Quốc khai thác bauxite tại Cao nguyên, vấn đề Biển Ðông, vấn đề chủ quyền của đất nước trước hiểm họa Trung Quốc, không được nêu lên trong hội nghị vào tháng 11 sắp tới, mà chỉ nói tới sự đóng góp chất xám, đóng góp tiền bạc của người Việt hải ngoại, thì rõ ràng, hội nghị này thật vô duyên và đứng bên lề thời cuộc mất rồi.
Tôi muốn nói thêm, nếu có người từ ngoài về tham dự hội nghị thì chúng ta nói chuyện với ai. Vì những người trí thức chân chính, có tư cách ở trong nước, bây giờ đều đứng ngoài, chắc chắn họ sẽ không tham dự, và nhà nước cũng không mời những vị này. Những trí thức này rất bất bình và chống đối nhà cầm quyền, điển hình qua vụ kiến nghị bauxite và gần đây nhất là việc tự giải thể Viện IDS.

ÐQAThái: Cám ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

---------------------------

TTXVN
Hội nghị Việt kiều toàn thế giới lần đầu tiên
http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105039/ns090525102353

Theo thông báo số 1 của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Hội nghị "Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất" sẽ diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 19 đến 24/11/2009.
Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, theo chương trình hành động năm 2009.

Theo thông báo này, chủ đề của Hội nghị là "Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước."
Hội nghị sẽ có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Ngoại giao; các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng hơn 1.000 đại biểu kiều bào trên khắp thế giới.
Hội nghị là diễn đàn hết sức quan trọng, phát huy trí tuệ, chất xám của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội nghị tượng trưng cho tinh thần hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kính mời đại diện đông đảo kiều bào ta tại các nước về dự Hội nghị. Liên quan đến nội dung chương trình, Ủy ban sẽ liên tục có những thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
Vietnamplus.vn
Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao


No comments: