Monday, September 7, 2009
ÔN GIA BẢO trả lời phỏng vấn của FAREED ZAKARIA (Đài CNN)
Lẽ đương nhiên, khi đọc biên bản lời các chính khách trả lời báo chí, ta chỉ nên đọc giữa các dòng chữ. Định lý này áp dụng cho tất cả các chính khách, tuy rằng đọc các chính khách thông minh thì có khi biết là họ bịp mình, nhưng vẫn thú vị, coi như một trò thể dục trí não. Những câu trả lời của Ôn Gia Bảo trong bài phỏng vấn của nhà báo Zakaria là cái mẫu về sự né tránh trả lời đúng vào câu hỏi. Lời "khen" của Zakaria rằng "Ôn Gia Bảo trả lời thẳng thắn đến kinh ngạc" dẫu là lời khen thật thì cũng là lời khen đối với một hạng người miệng lưỡi chính khách cực giỏi. Còn về phía Ôn Gia Bảo, hãy lấy ba câu hỏi hóc búa nhất ra mà soi [về vụ tàn sát ở Thiên An Môn, về kiểm soát Internet, về bầu cử tự do] thì sẽ thấy ông ta trả lời "thẳng thắn đến kinh ngạc" tới đâu. Zakaria có nói rằng Ôn Gia Bảo rất được lòng dân, ông ta được nhân dân cho tên hiệu là "Ôn lão thái". Ta cũng cần nhớ lại rằng Đặng Tiểu Bình cũng rất được lòng dân, và cũng có nickname là "Lão Tiểu". Nhưng chính Lão Tiểu không chỉ là tác giả của "sự kiện Thiên An Môn" mà Ôn Gia Bảo phải né tránh khi nhắc tới, mà còn là tác giả của vụ xua quân vượt biên giới sang "dạy cho Việt Nam một bài học", và khi bị thua phải rút về thì vẫn tìm cách để lại những cơ sở lấn chiếm lâu dài. Chúng tôi nghĩ, Bauxite Việt Nam cho đăng bản dịch này hoàn toàn không có ý định làm bạn đọc mất cảnh giác. Xin thưởng thức một trò chơi trí tuệ. Vậy thôi.
Phạm Toàn
06:34 ngày Thứ Hai, 07/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/7635.html
Ôn Gia Bảo trả lời phỏng vấn của Fareed Zakaria (CNN)
Ngày 23 tháng 8 năm 2009, lúc 13 giờ ET
FAREED ZAKARIA: Xin chào mừng các bạn đến với GPS (the Global Public Square – Quảng trường Toàn cầu), với các khán giả của chúng tôi ở Hoa Kỳ và khắp thế giới. Tôi là Fareed Zakaria.
Hôm nay để đáp lại thịnh tình của quí khán giả, tôi muốn giới thiệu lại với các bạn một bài phỏng vấn mà tôi nghĩ là nó nằm trong số những cuộc phỏng vấn quan trọng nhất tôi từng thực hiện.
Ôn Gia Bảo là một trong những người quan trọng nhất trên trái đất. Ông là Thủ tướng nước Trung Hoa. Và tôi đã nói chuyện với ông vào mùa thu năm trước.
Đó là cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên của ông trong vòng năm năm nay, và từ đó ông đã không nhận lời một cuộc nào khác. Thực ra, ông rất hiếm khi nói với bất kỳ nhà báo Mỹ nào, vì thế đó là một cơ hội rất ít khi có được.
Cuộc phỏng vấn này đã được đề cử giải Emmy, một cái giải mà ở GPS đây chúng tôi rất lấy làm tự hào.
Lát nữa đây tôi sẽ nói sơ lược về điều bộc lộ lạ thường nhất của ông (Ôn Gia Bảo – ND), nhưng trước tiên hãy nói một chút về bối cảnh của cuộc phỏng vấn.
Sự thăng tiến về quyền lực của nước Trung Hoa có lẽ là khuynh hướng quan trọng duy nhất của thời chúng ta đang sống. Nó đang làm thay đổi thế giới, thế mà chúng ta lại biết quá ít về đất nước này và những người cầm quyền của đất nước ấy. Họ kiểm soát xứ sở rộng lớn này, 1, 3 tỷ dân, nhưng họ cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của các bạn.
Cho đến nay người Trung Hoa là những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Họ sở hữu lượng quốc trái Mỹ trị giá nhiều tỷ đô la. Và họ ngày càng mua nhiều tài sản trên mọi lục địa khi ảnh hưởng kinh tế của họ tăng tiến.
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ mất lòng tin vào nước Mỹ? Nếu họ sử dụng ảnh hưởng kinh tế của họ ở các nước khác nhau?
Điều thứ nhất các bạn nên biết về Ôn Gia Bảo là ông ta khác hẳn những nhà lãnh đạo Trung Hoa khác của thời hiện đại. Ở Trung Hoa, người dân cho ông một biệt danh – “Ôn lão đại gia/ Ôn lão thái” (ND chưa biết chính xác nickname mà người Trung Hoa dùng gọi Ôn Thủ tướng của họ là gì, đành suy theo nghĩa của từ “Grandpa Wen” trong bản tiếng Anh mà tạm đặt một trong hai tên như thế).
Sau trận động đất tàn khốc năm ngoái ở Tứ Xuyên, ông đã lập tức bay đến vùng bị tàn phá, đi thăm dân chúng để an ủi họ, gặp gỡ trực tiếp những cá nhân. Ông đã ứng xử giống một chính khách Mỹ hơn là một cán bộ Đảng của Trung Hoa.
Tất nhiên ông là một chính khách lanh lợi bên trong hàng ngũ rối mù của cái đảng của chính ông.
Tôi đã hỏi ông về một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong đời ông – thời Thiên An Môn. Đó là một câu hỏi có thể gây tranh cãi. Tôi đã nghe tiếng những quan chức Trung Hoa khác trong phòng hớt hải. Người thông dịch phát hoảng.
Chúng tôi im lặng có đến một phút. Nhưng rồi ông trả lời với sự thẳng thắn đến kinh ngạc.
Và các bạn cũng hãy nghe cẩn thận những gì ông nói về nền dân chủ Trung Hoa. Đó là tâm điểm của cuộc phỏng vấn. Ôn Gia Bảo nói rõ ràng rằng đất nước ông đang chuyển động hướng về cái ngày nó sẽ tương tự một nền dân chủ kiểu phương Tây theo một cách nào đó.
Ông biểu đạt một niềm tin giản dị nhưng mạnh mẽ rằng Chính phủ nên trả lời người dân, và ông thừa nhận rằng ông có thể nhìn thấy lúc Trung Hoa có chế độ bầu cử lưỡng đảng. Ông cũng nói Trung Hoa cần có một nền tư pháp độc lập.
Tất cả là những điều có thể hết sức gây tranh cãi đối với phát ngôn của một nhà lãnh đạo Trung Hoa. Thậm chí ông còn biểu đạt niềm hy vọng rằng truyền thông sẽ cung cấp sự giám sát cho các quyền tự do của người Trung Hoa.
Ông cũng trả lời một số câu hỏi then chốt. Ông tin tưởng đến đâu vào hệ thống tài chính Mỹ? Những kế hoạch của ông cho Tây Tạng là gì?
Dù sao thì đây là toàn văn bài phỏng vấn của tôi với Ôn Gia Bảo.
(BẮT ĐẦU VIDEO)
ÔN GIA BẢO, THỦ TƯỚNG TRUNG HOA (tiếng người thông dịch): Trước khi bắt đầu, tôi muốn ông biết rằng tôi sẽ sử dụng những từ ngữ từ tận đáy lòng để trả lời các câu hỏi của ông, nghĩa là tôi sẽ nói sự thật trước mọi câu hỏi của ông.
ZAKARIA: Tôi trông đợi vào cơ may cho cuộc đối thoại này. Và tôi xin bắt đầu bằng việc cảm ơn ông cho tôi cơ hội và vinh dự đó.
Điều đầu tiên tôi phải hỏi ông là điều tôi cho rằng nhiều người nghĩ đến. Ông nghĩ sao về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với Hoa Kỳ? Và liệu nó có khiến ông nghĩ rằng hình mẫu Mỹ có nhiều sai sót mà bây giờ chúng ta mới nhận ra?
ÔN (tiếng người thông dịch): Cuộc khủng hoảng đã xảy ra ở Hoa Kỳ có thể có một tác động ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Tuy nhiên, đối mặt với một khủng hoảng như thế, chúng ta cũng phải nhận thức rằng thế giới ngày nay khác với thế giới mà mọi người đã từng sống trong những năm 1930.
Vì vậy lần này, chúng ta cần nắm tay nhau cùng đối phó với khủng hoảng. Nếu hệ thống tài chính và kinh tế ở Hoa Kỳ mắc sai lầm, thì tác động của điều ấy sẽ thấy được không chỉ riêng ở nước này, mà cả ở Trung Hoa, châu Á và rộng khắp thế giới.
Tôi đã lưu ý ông về những chính sách và biện pháp mà Chính phủ Mỹ áp dụng để ngăn chặn không cho một khủng hoảng biệt lập trở thành khủng hoảng có hệ thống. Và tôi hy vọng những biện pháp và bước đi ấy sẽ có hiệu lực.
ZAKARIA: Ông có nghĩ rằng các ông có thể tiếp tục tăng trưởng nếu Hoa Kỳ đi tới một bước đại suy thoái?
ÔN (tiếng người thông dịch): Một sự suy thoái có thể xảy ra của nước Mỹ chắc chắn sẽ tác động tới kinh tế Trung Hoa. Chúng ta biết rằng 10 năm trước đây, lượng trao đổi mậu dịch Trung- Mỹ chỉ ở mức 102,6 tỷ USD, trong khi bây giờ con số vọt lên đến 302 tỷ USD – thể hiện sự gia tăng đến 1,5 lần.
Một sự sụt giảm sức cầu của Mỹ chắc chắn sẽ tác động đến xuất khẩu của Trung Hoa.
Và nền tài chính Mỹ kết nối chặt chẽ với nền tài chính Trung Hoa. Nếu có gì đó chệch choạc trong khu vực tài chính Mỹ, chúng tôi sẽ lo ngại cho sự an toàn và an ninh của đồng vốn Trung Hoa.
Chính vì thế mà ngay từ đầu, tôi đã nói rõ ràng rằng những vấn đề tài chính của đất nước này không chỉ liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ, mà cả lợi ích của Trung Hoa và thế giới rộng lớn.
ZAKARIA: Chúng ta còn tương thuộc ở một mặt khác. Trung Hoa là chủ sở hữu quốc trái Mỹ lớn nhất. Theo một cách tính, các ông nắm giữ gần 1000 tỷ USD của nó.
Điều này khiến cho người Mỹ – một số người – bất an. Liệu ông có thể trấn an họ rằng Trung Hoa sẽ không sử dụng tình thế ấy như một vũ khí dưới hình thức nào đó?
ÔN (tiếng người thông dịch): Như tôi đã nói, chúng tôi tin tưởng rằng nền kinh tế thực tế của Mỹ vẫn có cơ sở vững chắc, đặc biệt trong những ngành công nghiệp kỹ thuật cao và những ngành công nghiệp cơ bản.
Giờ đây có điều gì đó đã sai lầm trong nền kinh tế ảo. Nhưng nếu vấn đề được xử lý đúng đắn, thì vẫn có khả năng bình ổn nền kinh tế của đất nước này.
Chính phủ Trung Hoa rất hy vọng rằng phía Mỹ sẽ có khả năng bình ổn nền kinh tế và tài chính của mình nhanh nhất trong khả năng cho phép. Và chúng tôi cũng hy vọng nhìn thấy sự phát triển bền vững ở Hoa Kỳ, vì điều ấy sẽ lợi cho Trung Hoa.
Tất nhiên, chúng tôi quan tâm đến sự an toàn và an ninh cho số tiền của Trung Hoa ở đây. Nhưng tôi tin rằng Hoa Kỳ là nước đáng tin, và đặc biệt trong những lúc khó khăn như thế này, Trung Hoa đã chìa tay ra với Hoa Kỳ.
Và thực sự chúng tôi tin rằng một bàn tay trợ giúp như thế sẽ giúp bình ổn tất cả nền kinh tài toàn cầu, và ngăn chặn sự đại loạn xảy ra trong hệ thống kinh tài toàn cầu. Giờ đây tôi tin rằng hợp tác là tất cả.
ZAKARIA: Thưa Ôn Thủ tướng, đất nước ông đã tăng trưởng, như ông đã chỉ ra, 9,5% trong suốt 30 năm, một tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất đối với bất kỳ một đất nước nào trong lịch sử. Nếu mọi người đến gặp ông và hỏi ông: hình mẫu thành công Trung Hoa với tư cách một nước đang phát triển là gì, ông sẽ nói sao? Chìa khóa thành công của các ông là gì? Hình mẫu là cái gì?
ÔN (tiếng người thông dịch): Bằng cách thực hiện cải cách và mở cửa, chúng tôi đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất ở Trung Hoa.
Chúng tôi có một tư tưởng quan trọng: chủ nghĩa xã hội cũng có thể thực hành kinh tế thị trường.
ZAKARIA: Mọi người nghĩ rằng đó là một mâu thuẫn. Các ông có nền kinh tế thị trường một khi thị trường phân phối các nguồn lực. Trong chủ nghĩa xã hội thì tất cả được lên kế hoạch từ trung ương. Làm sao các ông khiến cả hai thứ hoạt động hiệu quả?
ÔN (tiếng người thông dịch): Công thức đầy đủ của chính sách kinh tế của chúng tôi là phát huy hết vai trò cơ bản của các lực lượng thị trường trong việc phân phối các nguồn lực dưới sự hướng dẫn kinh tế vĩ mô và sự điều chỉnh của chính phủ.
Chúng tôi có một kinh nghiệm quan trọng rút ra từ 30 năm qua, là phải bảo đảm cả hai, bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình, được hoạt động đầy đủ trong việc điều chỉnh các lực lượng thị trường.
Nếu ông quen với những tác phẩm kinh điển của Adam Smith, thì ông biết rằng có hai tác phẩm nổi tiếng của tác giả này. Một là “Sự giàu có của các Quốc gia”. Tác phẩm kia là cuốn sách về đạo đức và đạo đức học.
Cuốn “Sự giàu có của các Quốc gia” bàn nhiều hơn về bàn tay vô hình, đó là những lực lượng thị trường. Và cuốn kia bàn về công bằng và công lý. Trong cuốn này tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy vai trò điều chỉnh của chính phủ để phân phối công bằng của cải trong nhân dân.
Nếu trong một đất nước mà phần lớn của cải tập trung vào tay một thiểu số, thì đất nước ấy khó mà có được sự hài hòa và ổn định.
Cách tiếp cận ấy cũng được áp dụng cho nền kinh tế Mỹ hiện nay. Để xử lý những vấn đề kinh tế tài chính hiện nay của đất nước này, chúng ta cần áp dụng không chỉ bàn tay hữu hình mà cả bàn tay vô hình nữa.
(NGƯNG CHO QUẢNG CÁO)
ZAKARIA: Liệu tôi có thể hỏi ông về vai trò của Trung Hoa theo nghĩa rộng?
Nhiều người nhìn Trung Hoa như một siêu cường đã thành. Và họ băn khoăn vì sao nước này không chủ động nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề về mặt chính trị, như là vấn đề Darfur, hay vấn đề Iran với tham vọng hạt nhân của nước ấy?
Có hy vọng rằng Trung Hoa sẽ đóng vai trò một người giữ tiền cược – theo cách nói của Robert Zoellick khi ông này là Thứ trưởng Ngoại giao của Mỹ – và rằng Trung Hoa sẽ chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị trên thế giới mà cho đến nay nước này chưa chủ động.
Ông sẽ phản hồi ra sao về điều ấy?
ÔN (tiếng người thông dịch): Để trả lời câu hỏi này, tôi cần sửa lại vài yếu tố trong câu hỏi. Trước nhất, Trung Hoa không phải là một siêu cường.
Mặc dù Trung Hoa có số dân 1,3 tỷ, và mặc dù trong những năm gần đây Trung Hoa đã có được sự phát triển kinh tế xã hội khá nhanh kể từ khi cải cách mở cửa, Trung Hoa vẫn còn có vấn đề phát triển không cân đối giữa các vùng khác nhau và giữa thành thị với nông thôn. Trung Hoa vẫn còn là một nước đang phát triển.
Để xử lý những vấn đề của chính mình, chúng tôi cần phải làm rất nhiều. Trung Hoa không phải là một siêu cường.
Chính vì thế chúng tôi cần tập trung vào sự phát triển của bản thân mình và vào những cố gắng để cải thiện đời sống của nhân dân mình.
ZAKARIA: Nhưng chắc chắn Chính phủ Trung Hoa có thể gây áp lực với Chính phủ Sudan hay Chính phủ Iran, hay Chính phủ Miến Điện để họ bớt đi sự đàn áp. Các ông có những quan hệ với cả ba chính phủ ấy.
ÔN (tiếng người thông dịch): Điều này đưa tôi đến câu hỏi thứ hai của ông.
Thực sự trong cộng đồng quốc tế, Trung Hoa là một nước ủng hộ công lý. Chúng tôi không bao giờ mua bán các nguyên tắc của mình.
Hãy lấy vấn đề Darfur mà ông vừa đưa ra làm thí dụ. Trung Hoa đã luôn chủ trương rằng chúng ta cần áp dụng một cách tiếp cận hai mặt để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Darfur.
Trung Hoa nằm trong số nước đầu tiên gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Darfur. Trung Hoa cũng là nước đầu tiên trợ giúp cho Sudan. Và chúng tôi cũng luôn cố gắng lôi kéo các nhà lãnh đạo Sudan, thử tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này nhanh nhất trong khả năng cho phép.
ZAKARIA: Ông có nghĩ rằng sẽ nguy hiểm cho thế giới nếu như Iran có được vũ khí hạt nhân? Và ông nghĩ thế giới nên làm gì để tìm cách chặn đứng khả năng ấy?
ÔN (tiếng người thông dịch): Chúng tôi không ủng hộ một nước Iran hạt nhân hóa. Chúng tôi tin rằng Iran có quyền phát triển việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình. Nhưng những nỗ lực ấy cần được đặt trong sự bảo an của IAEA, và Iran không nên phát triển vũ khí hạt nhân. Đối với vấn đề hạt nhân của Iran, lập trường của Trung Hoa rất dứt khoát.
Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng chúng ta có thể sử dụng những cuộc đàm phán hòa bình để đạt được ục đích, hơn là dựa vào việc cố tình sử dụng vũ lực hay răn đe bằng vũ lực.
Cũng giống như xử lý mối quan hệ giữa hai cá nhân vậy. Nếu một cá nhân tìm cách dồn người kia vào thế bí, hậu quả sẽ là phản tác dụng. Việc ấy sẽ không giúp gì cho giải quyết vấn đề. Mục đích của chúng ta là giải quyết vấn đề chứ không làm cho sự căng thẳng leo thang.
Và tôi cũng có một câu hỏi dành cho ông. Ông có nghĩ rằng những cố gắng của Trung Hoa trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và lập trường mà chúng tôi giữ về vấn đề này đã thực sự giúp cho tình hình Bán đảo Triều Tiên chuyển động tốt lên từng ngày hay không?
Và tất nhiên, tôi biết rằng còn phải có thời gian để nhìn thấy một giải pháp thấu đáo và đầy đủ cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, và trên cơ sở đó giúp thiết lập sự an ninh và ổn định ở Bắc Á. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là hình mẫu mà chúng tôi đã áp dụng và những nỗ lực mà chúng tôi đã có, đã chứng tỏ là đúng hướng.
ZAKARIA: Vì ông đã cho tôi vinh dự khi hỏi tôi câu hỏi này, tôi xin thưa với ông, thưa Thủ tướng, rằng những nỗ lực của Trung Hoa ở Bắc Triều Tiên đã được đánh giá cao ở Hoa Kỳ và khắp thế giới. Và tất nhiên điều ấy khiến cho mọi người mong ước Trung Hoa sẽ chủ động trong những địa hạt khác với cùng cung cách hiệu quả như ở Bắc Triều Tiên, vì chúng ta thấy rằng nó đem lại những kết quả.
ÔN (tiếng người thông dịch): Chúng tôi đã thu được nhiều kinh nghiệm và học được những bài học từ những năm thương thảo liên quan đến các cuộc hội đàm sáu bên. Và tiến bộ đạt được trong những cuộc hội đàm sáu bên cũng liên quan nhiều đến sự hợp tác chặt chẽ giữa sáu bên.
(NGƯNG CHO QUẢNG CÁO)
ZAKARIA: Tôi xin tranh thủ nhã ý của ông để hỏi một câu mà nhiều người trên khắp thế giới băn khoăn.
Có một bức ảnh nổi tiếng chụp ông cùng với Triệu Tử Dương ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông đã rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm của mình trong việc xử lý vấn đề ấy vào năm 1989?
ÔN (tiếng người thông dịch): Tôi tin rằng, trong khi tiến lên phía trước với những cải cách kinh tế, chúng tôi cũng cần thúc đẩy những cải cách chính trị. Vì sự phát triển của chúng tôi là toàn diện về bản chất, sự cải cách của chúng tôi cũng cần toàn diện.
Tôi nghĩ cái lõi của câu hỏi ông đưa ra là về sự phát triển nền dân chủ ở Trung Hoa. Tôi tin rằng, khi đề cập đến sự phát triển nền dân chủ ở Trung Hoa, chúng ta nên nói về sự tiến bộ phải thực hiện trong lãnh vực này.
Một là, chúng tôi cần cải tiến từng bước hệ thống bầu cử dân chủ, sao cho quyền lực nhà nước sẽ thực sự thuộc về nhân dân, và được sử dụng để phục vụ nhân dân.
Hai là, chúng tôi cần cải tiến hệ thống pháp lý, điều hành đất nước theo luật pháp và củng cố đất nước dưới sự thống trị của pháp luật. Và chúng tôi cần xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập và công chính.
Ba là, chính phủ cần được đặt dưới sự giám sát của nhân dân, và nếu như ông yêu cầu, thì hãy yêu cầu chúng tôi tăng cường sự minh bạch trong các công việc của Chính phủ. Và đặc biệt, Chính phủ cũng cần thiết phải chấp nhận bị giám sát bởi các phương tiện truyền thông và những đảng khác.
ZAKARIA: Khi tôi đến Bắc Kinh và ở trong khách sạn, tôi gõ từ “Tiananmen Square” (Quảng trường Thiên An Môn) trên máy tính của mình, thì tôi bị tường lửa, cái mà một số người gọi là “Vạn lý Trường thành Trung Hoa”. Liệu ta có thể sống trong một xã hội tiên tiến, nếu ta không có tự do thông tin, tự do tìm kiếm thông tin trên Internet chăng?
ÔN (tiếng người thông dịch): Trung Hoa có tên 200 triệu người sử dụng Internet. Và sự tự do Internet ở Trung Hoa được nhiều người, ngay cả ở phương Tây, thừa nhận.
Tuy nhiên, để giữ gìn an ninh quốc gia, giống như nhiều nước trên thế giới, Trung Hoa cũng áp đặt một số hạn chế thích hợp. Và việc đó là phục vụ cho an toàn, cho sự an toàn toàn diện của đất nước và cho tự do của đa số dân chúng.
Tôi có thể nói với ông rằng trên Internet ở Trung Hoa, ông có thể truy cập vào nhiều bài hoàn toàn mang tính phê phán Chính phủ.
ZAKARIA: Những trang mạng nào ông ưa chuộng nhất?
ÔN (tiếng người thông dịch): Tôi đã lướt nhiều trang mạng Internet.
ZAKARIA: Liệu tôi có thể hỏi ông về một loạt những cuộc hội đàm khác có khả năng xảy ra?
Đạt lai Lạt ma đã nói, giờ đây có vẻ như ông ta sẽ chấp nhận sự thống trị của Trung Hoa ở Tây Tạng, ông ta chấp nhận hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Tây Tạng. Và điều ông ta đòi hỏi là sự tự trị về văn hóa và một mức độ nhất định tự trị về chính trị.
Những cuộc hội đàm giữa người Tạng và chính quyền Trung Hoa dường như kẹt cứng ở tầm thấp.
Vì sao ông, với quyền lực và những kỹ năng thương thảo đã có, không tự mình đảm nhiệm vấn đề, và ông hoặc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không thương thảo trực tiếp với Đạt lai Lạt ma để giải quyết vấn đề ấy một lần cho xong, vì lợi ích của nhân dân Trung Hoa và tất nhiên cũng của nhân dân Tây Tạng, họ cũng sống trong nước Trung Hoa mà?
ÔN (tiếng người thông dịch): Ở nhiều nơi trên khắp thế giới, Đạt lai Lạt ma vẫn cứ rao giảng về ý tưởng của cái gọi là “tự trị” trong vùng đại Tây Tạng. Và thực tình, cái gọi là tự trị mà ông ta theo đuổi thực ra là sử dụng tôn giáo để can thiệp vào chính trị. Và họ muốn tách cái gọi là “vùng Đại Tây Tạng” khỏi đất mẹ.
Và nhiều người ở Hoa Kỳ không hề biết cái gọi là vùng Đại Tây Tạng lớn như thế nào đâu. Cái gọi là vùng Đại Tây Tạng mà Đạt lai Lạt ma rao truyền, thực ra bao gồm Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thanh Hải và Cam Túc – tất cả là năm tỉnh. Và vùng đất mà cái gọi là vùng Đại Tây Tạng ấy bao gồm chiếm đến ¼ lãnh thổ Trung Hoa.
Trong nhiều thập kỷ, chính sách của chúng tôi đối với Đạt lai Lạt ma vẫn không thay đổi. Đó là, chừng nào Đạt lai Lạt ma có ý nguyện thừa nhận rằng Tây Tạng là một phần không thể nhượng lại của lãnh thổ Trung Hoa, chừng nào Đạt lai Lạt ma từ bỏ những hoạt động phân liệt của ông ta, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc và hội đàm với ông ấy hoặc những người đại diện của ông ấy. Giờ đây, sự chân thành là chìa khóa để đi đến những kết quả hội đàm.
ZAKARIA: Ông muốn thấy hành động gì từ Đạt lai Lạt ma có thể chứng tỏ sự chân thành?
ÔN (tiếng người thông dịch): Thực ra tôi đã nói dứt khoát rằng, khi chúng tôi quan sát bất kỳ người nào, trong đó có Đạt lai Lạt ma, chúng tôi không chỉ xem, chúng tôi không chỉ quan sát ông ta nói gì, mà còn xem ông ta làm gì.
Sự chân thành của ông ta có thể biểu hiện bằng cách từ bỏ những hoạt động phân liệt. Nhưng đến lúc ấy, mọi việc phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình.
(NGƯNG CHO QUẢNG CÁO)
ZAKARIA: Ông đã nói rằng ông đọc các tác phẩm của Marcus Aurelius đến 100 lần. Marcus Aurelius là một triết gia Khắc kỷ nổi tiếng.
Tôi đọc thấy ông ấy nói rằng người ta không nên co mình trong cái tôi và trong bất kỳ sự đeo đuổi nào tự tư tự lợi, mà nên sống nhiều hơn cho toàn thể cộng đồng.
Khi tôi đến Trung Hoa những ngày này, tôi sửng sốt vì chủ nghĩa cá nhân ở đây sao mà mạnh thế, sao mà chủ nghĩa tiêu thụ ở đây ghê gớm thế. Ông có thử gửi một tín hiệu đến nhân dân Trung Hoa để họ bớt nghĩ về chính mình và nghĩ nhiều hơn về cộng đồng chăng?
ÔN (tiếng người thông dịch): Đúng thế. Tôi đã đọc cuốn Trầm tư của Marcus Aurelius Antonio trong nhiều dịp. Và tôi có ấn tượng rất sâu về những từ ngữ ông ấy viết trong cuốn sách, nói về chuyện: đâu là những con người vĩ đại của một thời? Họ đều đã mất, chỉ để lại một câu chuyện, hay thậm chí chỉ có một nửa câu chuyện.
Tôi rất trọng giá trị của đạo đức. Và tôi rất tin rằng các doanh nhân, các nhà kinh tế và chính khách đều nên chú ý nhiều hơn đến đạo đức và đạo đức học.
Trong tâm trí tôi, tiêu chuẩn cao nhất để đo đạo đức học và đạo đức là công lý.
Đúng là trong quá trình phát triển kinh tế Trung Hoa, một số công ty đã thực sự theo đuổi lợi nhuận của mình với cái giá là đạo đức. Và chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép những việc như thế xảy ra.
Chúng tôi sẽ không cho phép tăng trưởng kinh tế với cái giá là sự thất đức, bởi vì một cách tiếp cận như thế đơn giản là không bền vững. Chính vì thế mà chúng tôi ủng hộ đạo đức học của tập đoàn, nghề nghiệp và xã hội.
ZAKARIA: Ông đã nhiều lần nói về những cuộc bầu cử. Ông có nghĩ rằng đến 25 năm sau sẽ có những cuộc bầu cử quốc gia trong đó có sự cạnh tranh, có lẽ là sẽ có hai đảng chạy đua để có những vị trí như của các ông?
ÔN (tiếng người thông dịch): Tôi khó mà tiên đoán điều gì xảy ra vào 25 năm sau. Nói như thế nhưng tôi có niềm tin rằng nền dân chủ của Trung Hoa sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Trong thời gian từ 20 đến 30 năm, toàn thể xã hội Trung Hoa sẽ dân chủ và công bằng hơn, và hệ thống pháp lý ở Trung Hoa sẽ được cải tiến nhiều hơn. Chủ nghĩa xã hội, như chúng ta thấy đấy, sẽ trưởng thành và cải tiến hơn lên.
ZAKARIA: Tôi lấy làm vui sướng được cảm ơn ông, thưa Ngài Thủ tướng. Tôi chắc rằng mọi người đang lo chúng ta hơi quá giờ. Và tôi cảm ơn ông trước vì nhã ý và sự thẳng thắn của ông.
Hoàng Hưng dịch
LND: Cuộc phỏng vấn này của CNN với Thủ tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo đã diễn ra cách đây một năm, nhưng ngoài bài lược thuật ngắn trên BBC vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhìn chung chưa được biết đến nó nhiều hơn. Theo tôi biết thì mãi đến bây giờ, người phỏng vấn là nhà báo nổi tiếng thế giới Fareed Zakaria mới công bố toàn văn bài phỏng vấn bằng tiếng Anh trên mạng. Nhận thấy nó vẫn có thể giúp chúng ta hiểu thêm về đường lối chính trị cơ bản của cường quốc áp sát đất nước mình, tôi xin dịch và gửi đến những ai quan tâm qua trang mạng Bauxite Việt Nam.
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Nguồn tin gốc: http://transcripts.cnn.com/TRANSCRIPTS/0908/23/fzgps.01.html
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment