Friday, September 4, 2009
ĐỌC "BỨC TƯỜNG BERLIN" của HUY ĐỨC
Đọc “Bức tường Berlin” của Huy Đức
Trương Thái Du
04/09/2009 10:04 sáng
http://www.talawas.org/?p=9719
Bàng bạc trong bài viết “Bức tường Berlin” là nỗi niềm độc lập tự do. Nó không khác mấy nội hàm ở khẩu hiệu “Không có gì quí hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh. Song, nếu Hồ Chí Minh đào sâu nỗi niềm độc lập – tự do trong Tuyên ngôn Độc lập của mình thì rất tiếc, nhà báo Huy Đức lại sử dụng “độc lập, tự do” như một cái cớ khập khiễng để nhẩy múa trên những sử liệu một chiều.
Lịch sử nào? Lịch sử của “Bức tường Berlin” mà Huy Đức trưng ra là thứ lịch sử theo nhãn quan phương Tây. Để hiểu “nhãn quan phương Tây” khách quan thế nào, chúng ta đã có 80 năm nô lệ được khoác vào mỹ từ “khai hóa”. Hoặc gần đây hơn, vào ngày 25.1.2006, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết 1481 kết án mấy chục năm chủ nghĩa cộng sản kinh viện và giáo điều, toàn trị. Khoan hãy nói đến nội dung Nghị quyết 1481, về mặt hình thức, phương Tây chưa có thứ gì tương tự cho hàng ngàn năm Trung cổ man rợ dưới ách nhà thờ La Mã, cả trăm năm diệt chủng ở châu Mỹ, châu Phi và một phần châu Á. Chỉ điều đó thôi, đã thấy “nhãn quan phương Tây” chưa chắc không mang tính thù hằn và phục vụ mục đích chính trị trước mắt.
Có một câu nói cũng của Tagore, ít lòe loẹt hơn slogan tôi thấy trong blog Osin[1], đại ý là phải dung nạp được những giá trị vĩ đại của nền văn minh phương Tây, mới có thể đứng vững trước sự đê hèn cùng cực luôn mặc định trong nó. Dân tộc Việt Nam là dân tộc đầu tiên của nhân loại đã đoạt được giải “Nobel vệ quốc” vào năm 1972, nhưng phương Tây lại đặt tên phần thưởng cao quí ấy một cách hài hước là “Hòa bình”, nên người đại diện của họ là Lê Đức Thọ đã phải ngẩng cao đầu bên những hố bom còn nóng hổi để từ chối. Đây là cạm bẫy của ngôn ngữ, sự lệch pha giữa hai nền văn minh hay là thủ đoạn chính trị? Thật khó lý giải.
Vì khoác lên “bức tường ô nhục” nỗi niềm tự do và độc lập dưới nhãn quan của kẻ chiến thắng cuối cùng, tác giả Huy Đức đã vô tình bỏ sót một lý do sụp đổ lớn lao của nó là ý chí thống nhất của người Đức, dân tộc Đức. Khát khao tự do? Đúng nhưng chưa đủ. Người Đức còn có khát khao thống nhất. Khi một nền văn hóa này muốn thôn tính nền văn hóa kia người ta gọi là xâm lăng, song, khi hai nửa của một nền văn hóa bị ngoại bang chia rẽ muốn tái hợp thì phải gọi nó bằng một từ kép đầy nước mắt và quá đỗi gần gũi với người Việt Nam, đó là thống nhất. Nỗi niềm thống nhất vẫn luôn là vấn đề thời sự của truyền thông toàn cầu dưới tên Hàn Quốc – Triều Tiên. Nó bị bỏ sót trong trường hợp nhà báo kỳ cựu Huy Đức là một ngạc nhiên lớn của tác giả bài này.
Thống nhất là đoàn kết, là tập hợp sức mạnh nội tại, là mục đích tối thượng của đa nguyên tư tưởng. Khi một tư tưởng “lạ” và đầy phiến diện được quần chúng tung hô, tôi thấy đáng lo ngại hơn là vui mừng. Bản thân “xét lại” luôn có hai mặt trái phải điều hòa, chỉ sử dụng mặt trái của “xét lại” (ở đây là quan điểm một phía về bức tường Berlin), e rằng tác giả bài báo “Bức tường Berlin” thích đánh đổ hơn là xây dựng, thích a dua nhai lại với thiện chí (nhưng áp đặt, cực đoan) của Tây phương[2] hơn là cân nhắc, suy xét và áp dụng chúng đúng nơi, đúng chỗ.
Cái nồng nhiệt thiếu lý tính với những giá trị bề nổi của phương Tây trong bài “Bức tường Berlin” của Huy Đức, thật ra không mới. Xưa kia, Việt Phương đã từng cay đắng chỉ ra sự ngây thơ chết người của tư duy xã hội bắc Việt một thời: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ / Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”.
Hình ảnh những bó hoa tươi trong các “nghĩa trang dân lập” mà Huy Đức sử dụng rất xúc động, nhưng quả tình nó không thể phản ánh đầy đủ sự phức tạp của Thế chiến thứ Hai, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành Bức tường Berlin. Quân Đồng minh với vai trò cốt cán của Mỹ đã tính toán “xương máu” rất kỹ trước khi quyết định “nhường bước” cho Hồng quân thọc sâu vào hang ổ cuối cùng của chủ nghĩa phát xít. Tư duy “con buôn” trên sinh mệnh những người cùng chiến hào nhưng khác ý thức hệ chưa được xem xét cẩn trọng. Có những viên gạch trong Bức tường Berlin hằn sâu dấu ấn nghi kỵ, thiếu tin tưởng với một đối tác “láu cá” giảm thiểu “dây máu” nhưng tích cực “chia phần”.
Không có gì ấu trĩ hơn khi đơn giản hóa, lành mạnh hóa và có phần thánh hóa con người chính trị của văn minh Tây phương. “Bức tường Berlin” của Huy Đức đã tuột sâu vào vũng lầy nhị nguyên tốt – xấu phân minh tách bạch, thiếu biện chứng và hời hợt. Là một người đọc lý tính, tôi mong chờ ở Huy Đức những bài báo sâu sắc, hơn là chuỗi cảm nghĩ nông cạn của một du khách cưỡi ngựa xem hoa trong viện bảo tàng. “Bức tường Berlin” và những nhược điểm của nó rất dễ trở thành “ổ gà” cho những cái đầu nóng hổi cảm tính và dễ bị thiên kiến lôi kéo.
Cuối cùng, tôi thấy mình hoàn toàn đồng cảm với câu kết của Huy Đức: “Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do”. Tuy nhiên độc lập tự do, hay nói rộng hơn nữa là dân chủ và nhân quyền, suy cho cùng, luôn là một hành trình gian khó và dài lâu. Nó luôn bắt đầu bằng văn hóa và kết thúc trên mặt trận văn hóa, chứ không thể lập tức nảy mầm sau khi khói súng vừa tan (hãy xem trường hợp Iraq chẳng hạn). Và hơn hết, nó là một quá trình tự thân đắt giá, những yếu tố và bài học ngoại lai nếu có, chỉ nên coi là tham khảo có giới hạn và chọn lọc. Thật nguy hiểm khi xem đấy là hình mẫu để học đòi, rồi cố sức “trèo tường” và “đập tường”. Bức tường Berlin xây bằng gạch đá và dây thép gai đã biến mất chỉ sau một đêm, nhưng những gì ngăn cách và hủy hoại mối quan hệ giữa người và người cùng một chủng tộc, mười lăm năm sau vẫn chưa dễ vượt qua. Washington Post gọi đấy là “the wall in the mind”, bức tường trong não bộ[3].
Ảo tín vào những điều không tưởng của một người lính xuất thân từ nông dân luôn dễ hiểu hơn ảo tín của một nhà báo chính trị xã hội già dặn nơi phồn hoa. Tôi rất hy vọng sẽ được trao đổi thêm với tác giả Huy Đức dưới hình thức blog, để nhận ra những thiên kiến đáng trách và sự hãn hữu của đầu óc mình.
Sài Gòn 2
31.8.2009
© 2009 Trương Thái Du
© 2009 talawas blog
-------------------------------
[1] Slogan trên blog Osin: Cái cây tìm sự cô đơn ở trên cao / Ngọn cỏ tìm sự đông đảo ở dưới đất. (Tagore)
[2] Ý của nhân vật Ka, trong tiểu thuyết Tuyết của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, Nobel 2006.
[3] http://www.washingtonpost.com/ac2/wp-dyn/A18734-2004Apr16?language=printer
Phản hồi
Lê Diễn Đức nói:
04/09/2009 lúc 5:30 chiều
Nguyên nhân bức tường Berlin sụp đổ xuất phát từ các chuỗi sự kiện lịch sử, mà trước hết là các cuộc tranh đấu quả cảm, liên tục chống lại chính quyền độc tài cộng sản, đòi tự do trong hơn 40 năm của nhân dân các nước cựu cộng sản Trung-Đông Âu, đặc biệt tại Hungary, Tiệp Khắc, Đông Đức (cộng sản cũ) và Ba Lan. Bức tường Berlin sụp đổ vào này 9/11/1989 là hệ quả tiếp theo của sự sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan với cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong khối cộng sản vào ngày 4/06/1989.
Một yếu tố quan trọng khác là chính sách của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh và sự thay đổi của Liên Xô dưới thời Gorbachev.
Trong cuộc tranh đấu đòi tự do, riêng ở Ba Lan đã có hàng trăm người bị chết, hàng chục ngàn người bị tù đày, hàng trăm ngàn người phải bỏ nước ra đi. Tại Đông Đức cộng sản đã có tới 4 triệu người viết đơn lên công an xin đi ra khỏi nước vĩnh viễn. Arnold Vaatz, thành viên tổ chức đối lập thời cộng sản Neues Forum, hiện là dân biểu Quốc hội Đức thuộc Đảng CDU, gọi hiện tượng này là “sự đói khát tự do”. Hơn 1300 người Đức bỏ xác vì vượt tường sang Tây Đức là để đi tìm tự do chứ không phải hy sinh để thống nhất nước Đức.
Những điều tôi viết trên đây đã được người ta nói đến rất nhiều nhân dịp kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ vào năm 2009 này.
Cho nên ông Trương Thái Du, ngồi thu… ở góc nào đó ca bài “thống nhất đất nước”, xét về tổng thể không sai cho lắm, nhưng nó chỉ nằm trong khát vọng lớn lao hơn nhiều – là tự do.
Em Xinh nói:
04/09/2009 lúc 3:45 chiều
Anh Thái Du tụng kinh thống nhất hơi bị dẻo, nhưng hơi bị… sớm. Anh phải chờ Trung Quốc thống nhất với Đài Loan rồi hẵng áp dụng nhé. So sánh thống nhất nhà mình với thống nhất của các bạn Đức thì buồn cười lắm. Các bạn Đông Đức là tự nguyện thay đổi chế độ, gút bai Đảng Cộng Sản yêu quý ngàn năm chia tay một ngày, xong xuôi rồi thì các bạn ấy xin gia nhập vào các bạn Tây Đức, thế là xong chuyện đẫm máu và nước mắt nhé. Nhà mình thì các bạn Sài Gòn chưa thấy chèo thuyền qua sông Bến Hải đệ đơn xin gia nhập hòa bình với các bạn Hà Nội gì cả, mà vừa thấy các bạn Hà Nội cưỡi xe tăng vào là các bạn Sài Gòn đã chạy tóe khói, chạy tút cả vào bụng cá ở Biển Đông.
Em là em cứ tóm gọn thế này cho anh Thái Du có công thức thủ trong tay nải nhé: Nhà mình thì thống nhất đã, tự do sau, chưa có tự do cũng được, cơm chưa ăn gạo còn đó lo gì. Các bạn Đức thì tự do trước, thống nhất sau, có thực mới vực được đạo hỉ. Ai sướng hơn ai thì anh Thái Du biết rồi mà.
LBS nói:
04/09/2009 lúc 2:38 chiều
“Ảo tín vào những điều không tưởng của một người lính xuất thân từ nông dân luôn dễ hiểu hơn ảo tín của một nhà báo chính trị xã hội già dặn nơi phồn hoa. Tôi rất hy vọng sẽ được trao đổi thêm với tác giả Huy Đức dưới hình thức blog, để nhận ra những thiên kiến đáng trách và sự hãn hữu của đầu óc mình.” (Trích TTD)
Hai người chỉ có thế trao đổi ý kiến một cách bình đẳng khi đang ở tư thế bình đẳng. Huy Đức đang ở trong tình thế hiểm nghèo: việc ông bị cho nghỉ việc ở báo SGTT là một lời cảnh cáo, nếu ông không khéo trong việc sử dụng ngòi bút thì có thể bị “bắt giam khẩn cấp” như một số blogger hiện nay. Trong khi đó, ông Trương Thái Du đang ở trong một tư thế có lợi, bởi vì chủ trương “xin” dân chủ, nhân quyền bằng con đường văn hóa cũng như quan điểm bài bác dân chủ, nhân quyền “kiểu phương Tây” và ca ngợi dân chủ, nhân quyền “kiểu phương Đông” của ông đang lọt mắt xanh của các nhà lãnh đạo ngành tuyên giáo và an ninh văn hóa của nước ta. Điều đó có nghĩa là trên vũ đài, một anh bị bịt miệng, trói tay, còn anh kia thì tha hồ vẫy vùng; đánh võ kiểu này thì Huy Đức thua là cái chắc. Vì vậy, theo thiển ý, ông Huy Đức không cần ra tay làm gì. Cứ để ông Trương Thái Du tha hồ múa may một mình, tự nhiên mọi khán giả đều thấy rõ ai mới là người “đáng trách”?
Nhân tiện, cũng xin ông Trương Thái Du giải thích giùm: ông dùng chữ “hãn hữu” có nghĩa là gì? Theo tôi biết, hãn hữu là “ít có” (rare), sự hãn hữu là sự hiếm có (rarity). Ông muốn chứng minh “sự hãn hữu của đầu óc ông Huy Đức”? Nói cách khác ông muốn tranh luận để chứng minh rằng đầu óc ông Huy Đức là cực kỳ hiếm có?
Voland nói:
04/09/2009 lúc 1:49 chiều
1) Ông Trương Thái Du đã ngụy biện khi cho rằng nhãn quan phương Tây là nhãn quan của kẻ cướp phục vụ cho mục đích chính trị trước mắt. Chính ông đang xét lại lịch sử trộn lẫn những yếu tố mang tính nhất thời vào những giá trị cốt lõi để rạch mặt ăn vạ, bỏ qua những mưu đồ nhất thời của chính trị, những giá trị tư tưởng về tự do của phương Tây là thành quả văn minh nhân loại và sẽ tiếp tục được phát triển, buộc tội việc người ta sử dụng nó để mưu lợi rồi đi đến phủ nhận luôn nó là logic của ông.
2)Tầm nhìn của ông không vượt lên được những sự kiện và âm mưu, nên khi Osin cố gắng trả lại sự kiện lịch sử đúng vị trí của nó thì ông lại cho rằng người ta đang cố gắng phán xét đúng sai, tất nhiên là không theo cách ông mong muốn do đó ông phải lên tiếng. Ông đang lặp lại sai cái sai lầm lấy tư tưởng hiện tại ra để phán xét quá khứ.
3)Chính vì logic của ông khập khiễng nên ông mới bám vào đoạn kết của Osin để tô vẽ làm ra vẻ ông cũng là một người ủng hộ tự do, mà không thấy rằng cả bài của Osin là một dấu hỏi lịch sử, tại sao đấu tranh cho tự do lại dẫn đến sự chia cắt và mất tự do, nếu tiếp tục như vậy đấu tranh cho tự do có còn ý nghĩa? Điều đó cao hơn sự kiện, đó là trăn trở về quy luật xã hội. Quy luật xã hội được thể hiện dưới hoạt động của con người, nhưng nằm ngoài ý thức của con người, đó chính là mệnh đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
P nói:
04/09/2009 lúc 11:23 sáng
Bác TTD,
Suy nghĩ của bác về ý chí thống nhất của người Đức mà bác Huy Đức đã không đề cập tới khiến tôi có một vài thắc mắc nhỏ sau, mong bác bỏ chút thời gian giải đáp:
1. Trong suốt thời gian bức tường Berlin tồn tại, có bao nhiêu người từ Tây Đức đã liều chết đập tường, trèo tường, để vượt biên sang Đông Đức vậy bác?
2. Hoặc nếu họ không làm vậy thì họ đã làm những gì khác để thúc đẩy cho tiến trình thống nhất đó?
3. Và tại sao họ không làm điều gì tương xứng [ít nhất] với 1374 người Đông Đức đã [liều] chết vì tìm cách vượt qua bức tường Berlin?
4. Trong trường hợp họ không làm gì cả, hoặc làm những điều ở #2, thì có thể kết luận gì về sự khác nhau giữa ý chí thống nhất của người Đức bên Tây và người Đức bên Đông?
Xin cám ơn bác trước.
phivu56 nói:
04/09/2009 lúc 11:22 sáng
Tôi hoàn toàn đồng ý vói ông Trương Thái Du là nước Đức đã thống nhất và phá bức tường Berlin 15 năm rồi nhưng vẫn chưa vượt qua được “bức tường não bộ”. Thế còn Việt Nam của chúng ta thì thế nào? Đã “thống nhất” hơn 34 năm rồi nhưng “bức tường não bộ” hình như vẫn còn tồn tại. Bạn không tin? Hãy đi từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Mũi Cà Mau, hỏi từng người dân (dĩ nhiên là phải trong lúc họ phấn chấn và không sợ sệt “nhà cầm quyền”, bạn sẽ thấy được “bức tường lòng” (xin lỗi Bác Tưởng Năng Tiến, tui mượn tạm từ của bác) của người dân miền Nam. Chúc bạn vui nhiều trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu (báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như tiền nhân đã dày công xây dựng non sông gấm vóc Việt Nam).
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment