Wednesday, September 16, 2009
NỖI LÒNG TRÍ THỨC MÙA VU LAN
NỖI LÒNG TRÍ THỨC MÙA VU LAN
Vũ Ngọc Tiến
Mùa Vu Lan tháng 7 năm Kỷ Sửu này xao động trong tôi bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì đất nước đổi mới nên sinh họat tâm linh trong cộng đồng được khôi phục và coi trọng. Tôi đã cùng đạo diễn Mai Hiếu và nhóm làm phim VTV2 hào hứng ghi lại hình ảnh tưng bừng lễ hội ngày Vu Lan báo hiếu ở nhiều đền, chùa và Thiền viện: Chùa Yên Phú (Thanh Trì), chùa Sùng Phúc (Gia Lâm), Thiền viện Tây Thiên (Tam Đảo), đền Lê (Bất Bạt)… Mới hay khi con người ta tâm đã hướng Phật sẽ trở nên vô ngã, có sức mạnh và niềm hoan lạc vô bờ.
Dân gian có câu ca dao: “Tháng 6 buôn nhãn bán trăm- Tháng 7 ngày rằm xá tội vong nhân”. Kinh Lăng Nghiêm có đọan: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương nhớ con”. Hàng năm, cứ vào rằm tháng 7, người Việt ta lại đi lễ chùa cầu nguyện cho người đã khuất được siêu thoát, đặc biệt cầu cho mẹ được sống đời với ta.
Theo sách nhà Phật, Vu Lan xuất xứ từ tích truyện tôn giả Mục Kiến Liên- một đệ tử của đức Phật sau khi đắc đạo, đã dùng phép thần thông tìm mẹ trong các nẻo luân hồi. Vu Lan theo thuyết nhà Phật là “giải thoát đảo huyên” tức là giải cứu các linh hồn thoát vòng trầm luân bể khổ. Ở một góc nhìn khác, Vu Lan là sự kết hợp từ bi với trí tuệ, tu và học. Chính vì vậy, Vu Lan không chỉ là ngày dành riêng cho việc cầu siêu chư hương linh, cúng Phật mà còn là ngày xá tội vong nhân. Từ tích truyện đó trong kinh sách nhà Phật, người Việt ta từ bao đời nay coi lễ Vu Lan là ngày cầu cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân nhân xa gần. Trong lễ Vu Lan, hình ảnh người mẹ luôn đặt ở vị trí trung tâm của lễ nghi thờ cúng. Nghi thức này thể hiện tình cảm mỗi người tôn vinh mẹ, mừng mẹ khi tại thế, xót xa khi mẹ đã khuất núi. Ca từ Trịnh Công Sơn có câu bất hủ: “Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ. Tạ ơn chim chiều hát cho cha”. Đây là nét đẹp văn hóa đậm chất phương Đông của người Việt Nam, có tính giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ trong gia tộc. Quy luật giao thoa giữa các nền văn hóa trong dòng chảy chung của văn minh nhân loại đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Song cũng vì thế chúng ta lại càng cần thiết phải nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc mình.
Mở rộng biên độ chữ hiếu trong ngày Vu Lan hiếu với dân với nước và lòng biết ơn các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước, giữ nước, mở cõi vào Nam để nước Việt ta có biển rộng, sông dài, đường biên trên đất liền hay trên biển điệp trùng, phong phú như hôm nay… Và vì thế, những tiếng nói cất lên từ con tim, khối óc người trí thức về chủ quyền Việt Nam trên biển Đông hay sự quan ngại về thất thoát tài nguyên, suy giảm môi trường, ảnh hưởng an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên, trong Dự án Bauxit chính là cách báo hiếu thiết thực với tổ tiên nòi giống Lạc Việt.
Vậy mà mùa Vu Lan này tôi liên tiếp nghe tin buồn về các Blogger, về sự sai phạm đến mức phi lý của một Website cộm cán và giờ đây càng buồn hơn vì phải nghe tin viện IDS tự giải tán! Tôi đã gửi ngay lá thư chia sẻ với thầy Hoàng Tụy (chủ tịch HĐKH), anh Quang A, chị Chi Lan (Chánh- phó GĐ) và hơn 10 thành viên sáng lập của IDS. Song dường như lá thư ngắn ngủi ấy chưa thỏa nỗi lòng của một người hâm mộ, tham gia thường xuyên các họat động của viện. Thầy Tụy ơi! Anh Quang A, chị Chi Lan ơi! Nhớ hôm thứ sáu tuần trước (11/9/2009), kết thúc buổi báo cáo của anh Phan Đình Diệu, anh Quang A còn nói với tôi: “Thứ sáu tuần này (18/9/2009), dù không đúng lịch sinh họat, nhưng chúng ta vẫn sẽ tổ chức nghe một báo cáo tuyệt hay nữa, mời các bạn tham dự đông đủ.” Thế rồi sáng 15/9/2009, IDS tuyên bố tự giải tán vì những vướng mắc trong quyết định 97/QĐ-TTg không thể tháo gỡ!
IDS là mô hìnhThink Tank hiếm hoi của nước mình. Sau 2 năm họat động đã nhận được lòng tin yêu, hâm mộ của trí thức trong và ngoài nước. Think Tank tiếng Anh nghĩa là “Bể tư duy”. Nhiều quốc gia trên thế giới hưng vượng nhờ khai thác cái “Bể tư duy” ấy mà điều chỉnh chính sách vĩ mô. Ngay ở Trung Quốc cũng có gần 2.000 Think Tank các loại. Ở ta chỉ 1 Think Tank IDS mà khiến nhiều vị lo sợ thế sao?! Với loài người văn minh, chỉ những kẻ yếu bóng vía, ngu hèn mới sợ “Bể tư duy” trong xã hội dân sự.
Tôi vốn có ý định sau ngày 18/9 này sẽ đăng ký với chi Chi Lan trình bày một báo cáo “Những vấn đề cấp thiết tại các mỏ than dưới góc nhìn Địa vật lý môi trường”, để mọi người cùng bàn thảo trên diễn đàn IDS. Trong báo cáo này, tôi sẽ trình bày quy luật ô nhiễm và suy giảm dòng chảy sông Diễn Vọng, cung cấp nguồn nước sinh họat cho 2 triệu cư dân Quảng Ninh, đặc biệt là khúc sông ở Bắc Mông Dương; tình trạng bênh bụi phổi của công nhân và cư dân trong vùng khai thác lên tới 70%... Đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm phóng xạ ở 100 lò gạch (từ Tam Kỳ đến Đà Nẵng) do dùng than Nông Sơn có chứa hàm lượng nhỏ U238, nhưng gần đây TKV đã vô trách nhiệm, để cho than tặc khai thác bừa bãi vỉa than Thùng Giữa (hay Sườn Giữa) chứa nhiều U238 nhất khu mỏ Nông Sơn. Liều lượng mRem/người/ngày đo được ở các lò gạch này vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Từ năm 9/1996, trong bài “Lời cảnh báo của tự nhiên” trên báo Văn Nghệ tôi đã cảnh báo vấn đề này và kiến nghị TKV nên xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Nông Sơn để tiện thu gom tro than thu hồi U238, nhưng lời kiến nghị ấy vẫn rơi vào im lặng 13 năm có lẻ!
Ngoài ra, gần đây rộ lên làn sóng phản biện Dự án khai thác bể than nâu ở vùng trũng sông Hồng nên tôi cũng ấp ủ những điều muốn nói tại diễn đàn IDS. Từ nửa cuối những năm 80 thế kỷ trước, tôi là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Liên kết bức tranh sóng phản xạ nhiều lần trong Địa chấn thăm dò dầu khí với các lố khoan sâu 600- 1.200 mét để sơ bộ đánh giá tiềm năng than nâu đồng bằng sông Hồng”. Dù bây giờ bỏ nghề Địa vật lý đi viết văn, làm báo, tôi vẫn còn đủ cứ liệu để quan ngại quy luật sụt lún nền đất và suy giảm tầng chứa nước sinh họat khi khai thác than ở khu vực nhậy cảm, đông dân nhất cả nước này…
Có bao nhiêu điều tâm huyết, tôi dự định làm việc báo hiếu tổ tiên, đất nước, quê hương trong mùa Vu Lan năm Kỷ Sửu này đều phải cậy nhờ diễn đàn IDS, bởi đó là nơi trí thức nước nhà gửi gắm niềm tin yêu, hy vọng. Giờ tôi biết tính sao? Ở xứ mình làm việc báo hiếu tổ tiên, đất nước cũng khó khăn, trắc trở vậy du?
Ô hô! Tôi lại thêm một lần mạn phép thày Hoàng Ngọc Hiến, nhắc câu thầy vẫn thường buông lửng: “Cái nước mình nó vậy” cho vơi bớt nỗi niềm người trí thức mùa Vu Lan!...
Hà Nội ngày 16/9/2009
VNT
http://www.viet-studies.info/VNTien/VNTien_NoiLongTriThuc.htm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment