Saturday, September 19, 2009

NHÌN LẠI VỤ BẮT GIỮ 3 BLOGGERS VIỆT NAM


Nhìn lại vụ bắt giữ 3 bloggers Việt Nam
Trung Điền
Cập nhật ngày: 18/09/2009
http://viettan.org/spip.php?article8945
Ngày 27 tháng 8, công an Hà Nội đã khám nhà và bắt giữ ông Bùi Thanh Hiếu sinh năm 1974, chủ nhân trang Blog Người Buôn Gió. Ngày hôm sau, 28 tháng 8, công an Hà Nội cũng đã bắt giữ cô Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, phóng viên chuyên trang của trang báo điện tử TuanVietnam và VietnamNet. Trong khi đó, 17 công an tại thành phố Nha Trang đã bao vây nhà và áp giải bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, sinh năm 1978, chủ nhân trang Blog Mẹ Nấm, lên trụ sở công thành phố vào lúc nửa đêm ngày 28 tháng 8. Cả ba ngưòi này đều bị công an cáo buộc là “lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm đến quyền lợi của nhà nước”. Sau này, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam còn tròng thêm cho ba người nói trên một tội nữa là “xâm hại an ninh quốc gia”.

Ông Bùi Thanh Hiếu và bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như là hai Bloggers đã có những bài viết phê phán về vấn đề khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, tố cáo Trung Quốc xâm chiếm Hoàng sa - Trường sa. Riêng ông Bùi Thanh Hiếu còn có những bài viết về cuộc đấu tranh cùa giáo dân Công giáo tại Tam Tòa. Trong khi đó, bà Quỳnh Như đã cho đăng nhiều bức hình do chính bà mặc chiếc áo thun màu xanh lá non có ghi những hàng chữ Stop Bauxite tại Tây Nguyên và kêu gọi tranh đấu bảo vệ Hoàng sa – Trường sa. Nữ ký giả Phạm Đoan Trang dưới bút hiệu Đoan Trang đã viết rất nhiều bài phóng sự về vấn đề Biển Đông, về sự nguy hại trong việc khai thác Bauxite đăng trên hai diễn đàn điện tử TuanVietnam.net và Vietnam.Net có số người vào đọc đứng đầu các trang điện tử tại Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là những bài phóng sự mà cô đã ghi lại những phát biểu vô trách nhiệm của một số quan chức Cộng sản Việt Nam tại những cuộc thảo luận ở Quốc hội hay tại buổi họp báo trên hai trang điện tử nói trên làm cho Hà Nội rất khó chịu.

Khi bắt giữ ba người nói trên, công an Hà Nội đã cố tạo một ấn tượng trong dư luận rằng các Bloggers Bùi Thanh Hiếu, Quỳnh Như và Đoan Trang ở trong một chiến dịch chống Bắc Kinh qua việc in và phổ biến áo thun Stop Bauxite và giúp các ngư dân bị tàu của Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh cá trên vùng biển của Việt Nam. Bộ máy công an còn tung ra hỏa mù rằng một số Bloggers đang có những hoạt động “xâm hại an ninh quốc gia”. Trong thực tế, việc công an bắt giữ các Bloggers hôm cuối tháng 8 không nhằm vào lý do an ninh mà cũng không để ngăn chận kế hoạch phổ biến áo thun chống Trung Quốc trong làng Blogger.

Công an Cộng sản Việt Nam bắt giữ các Bloggers vừa rồi có hai chủ đích:

Thứ nhất là bộ công an đã làm theo chỉ thị của Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam do ông Tô Huy Rứa cầm đầu, nhằm trấn áp một số Bloggers có những bài viết chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ trong thời gian qua, để vừa dằn mặt phong trào chống Trung Quốc hiện nay đang lan tỏa trong nội bộ đảng, vừa chuẩn bị cho bước trấn áp mới đối với phong trào chống Bauxite tại Tây nguyên mà đích nhắm sẽ là nhóm Bauxite Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Trong thời gian qua, phải nói là bộ máy công an và bộ máy tuyên giáo của Cộng sản Việt Nam rất cay cú với những bài viết tấn công vào sự hèn kém của lãnh đạo Hà Nội trước những ứng xử bá quyền của Bắc Kinh. Nương theo việc Bắc Kinh bắt giữ khoảng 6 Bloggers Trung Quốc có những phát biểu chống chế độ trong tháng 8 vừa qua, Hà Nội đã, một mặt, mở đợt trấn áp một số Bloggers Việt Nam như một bước thí nghiệm kế hoạch “khóa miệng” đối với những phản biện của xã hội, mặt khác đã tung ra Quyết Định 97 do Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành bắt đầu từ ngày 15 tháng 9, 2009 để bịt miệng cả nước.

Thứ hai là
làm hài lòng Bắc Kinh qua việc trấn áp một số Bloggers chống khai thác Bauxite, kể cả việc cho phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tuyên bố khẳng định quyết tâm khai thác Bauxite tại Tây nguyên cho Bắc Kinh an lòng hầu qua đó vận động Bắc Kinh ủng hộ Hà Nội được đăng cai tổ chức Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) Đông Á vào tháng 6 năm 2010. Tất cả những chủ đích này đều được Hà Nội dàn dựng trong chuyến đi sang Trung Quốc dự Hội Nghị WEF tại thành phố Đại Liên từ ngày 10 đến 12 tháng 9 vừa qua của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Trên trang điện tử chính phủ, Cộng sản Việt Nam đã cho loan tải chuyến đi dự Hội nghị WEF của Hoàng Trung Hải và việc Cộng sản Việt Nam được đăng cai tổ chức hội nghị WEF lớn hơn cả bản tin Nông Đức Mạnh viếng thăm Tân Tây Lan.

Trong hai chủ đích nói trên, Cộng sản Việt Nam chỉ đạt được chủ đích số 2, khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc dành nhiều thì giờ tiếp đón và thảo luận với phái đoàn do Hoàng Trung Hải dẫn đầu so với những phái đoàn các quốc gia khác. Bí thư Thành ủy Đại Liên còn dành một đại sảnh để cho phái đoàn Hoàng Trung Hải dùng làm nơi quảng cáo với các phái đoàn khác về việc sẽ đăng cai tổ chức WEF tại Hà Nội vào tháng 6 năm 2010. Đây cũng là điều dễ hiểu vì Trung Quốc đang tìm mọi cách lôi kéo lãnh đạo Hà Nội vào trong quỹ đạo của Bắc Kinh; và đối với giới lãnh đạo Hà Nội, Bắc Kinh hiện vẫn là chỗ dựa an toàn nhất cho họ nếu có những biến động lớn xảy ra tại Việt Nam.

Sự kiện công an Cộng sản Việt Nam phải thả Blogger Bùi Thanh Hiếu và Phóng viên Đoan Trang vào tối ngày 5 tháng 9, một ngày trước khi ông Nông Đức Mạnh lên đường đi Úc, cho thấy là Hà Nội rất sợ áp lực của dư luận. Ngay sau khi 3 Bloggers bị bắt, hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế đều loan tải và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối và cho rẳng việc Hà Nội bắt giữ các Bloggers Việt Nam là “hành vi đàn áp quyền tự do thông tin trên mạng Internet”. Đặc biệt là 16 dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã lên tiếng chính thức bảo trợ Nghị Quyết HR 672 do nữ dân biểu liên bang Loretta Sanchez soạn thảo. Nghị quyết này nhằm đòi hỏi Cộng sản Việt Nam phải trả tự do những Blogger đang bị giam giữ trái phép và tôn trọng quyền tự do Internet của mọi công dân Việt Nam.

Trước những áp lực của dư luận, Cộng sản Việt Nam đã phải thả Blogger sau cùng trong đợt bắt ngày 28 tháng 8 vừa qua là bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (Blogger Mẹ Nấm) vào chiều ngày 12 tháng 9. Trước khi trả tự do, công an đã buộc chồng và mẹ bà phải ký giấy bảo đảm bà Quỳnh Như chấm dứt trang Blog Mẹ Nấm và không viết bài về Bauxite hay Biển Đông. Cộng sản Việt Nam đã dùng áp lực gia đình để buộc bà Quỳnh Như ngưng trang Blog Mẹ Nấm; nhưng chắc chắn là họ đã không thể nào ngăn chận lòng phản kháng của Mẹ Nấm trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi. Điển hình là Blogger Người Buôn Gió vẫn tiếp tục lên tiếng trên Blog của mình dù đã bị công an hăm dọa sau khi trả tự do cho anh vào chiều ngày 5 tháng 9.

Nhìn lại diễn tiến bắt giữ và trả tự do cho 3 Blogger Người Buôn Gió, Đoan Trang và Mẹ Nấm cho thấy là Cộng sản Việt Nam đã núp sau cái gọi là “an ninh quốc gia” để che đậy một thủ đoạn rất hèn là làm hài lòng Bắc Kinh bằng mọi cách để tìm chỗ dựa an toàn cho chính chế độ. Tuy nhiên, những thủ đoạn hèn hạ này đã bị dư luận lật tẩy với những phê phán gay gắt của dư luận thế giới qua vụ bắt giữ 3 Bloggers vừa qua. Với những kết quả này cho thấy là chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch vận động tự do Internet tại Việt Nam mà cụ thể là cùng nhau vận động dư luận chính giới Hoa Kỳ ủng hộ Nghị Quyết 672 do nữ dân biểu Loretta Sanchez đệ nạp để sớm được thông qua.
Trung Điền

Ngày 15/9/2009


No comments: