Friday, September 4, 2009
NHÀ BÁO VIẾT VỀ BÁO
Nhà báo viết về báo
Hiếu Minh
VietCatholic News (03 Sep 2009 09:43)
http://vietcatholic.net/News/Html/70819.htm
Chưa bao giờ người ta thấy một số báo chí lề phải gần đây kết án một cách nặng nề các linh mục DCCT phạm vào những tội “tày đình” như “công khai kêu gọi lật đổ chính quyền”,… Đó là các báo “Hà Nội Mới”, “Đại đoàn kết”, “Quân đội nhân dân”,… Người ta có cảm tưởng như chính quyền cộng sản Việt Nam đang dọn đường dư luận để bắt các linh mục DCCT tại Việt Nam. Việc này làm lộ rõ vai trò công cụ của báo chí Việt Nam: làm nô bộc cho đảng chứ không phải báo chí của nhân dân!
Những tờ báo kể trên bất chấp pháp luật và Luật tố tụng, đã hàm hồ vu khống và kết án các linh mục DCCT, qua mặt cả tòa án. Tôi tự hỏi: chức năng của báo chí là gì? Giới hạn của báo chí tới đâu khi đưa tin cho công chúng? Bỗng nhiên tôi tình cờ đọc được nhiều bài viết rất hay về báo chí do chính các nhà báo tên tuổi chấp bút. Tôi xin đơn củ một bài trong số đó.
Trong quyển “Nhà báo viết về nghề báo” (NXB Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn – 2009), ở trang 58 nhà báo Trần Hữu Quang có bài “Khi báo chí bị kiện”. Tôi rất tâm đắc bài này và xin tóm lược để chia sẻ với quý độc giả xa gần.
1. Báo chí không phải là tòa án
- Hiến pháp năm 1992, điều 72 viết: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” . Bộ luật Tố tụng hình sự, điều 10 cũng nói y như vậy.
- Nguyên tắc suy đoán vô tội: bị can hay bị cáo “không buộc phải chứng minh là mình vô tội” . Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng (Bộ luật Tố tụng hình sự, điều 11).
- Báo chí không có quyền vượt qua những nguyên tắc trên. Luật Báo chí cũng phải tuân theo Hiến pháp và Pháp luật.
- Đạo đức báo chí phải tôn trọng nhân phẩm và danh dự của con người. Nhà báo không được quyền nhân danh bất kỳ cái gì để “đánh” người này hay kết án người khác khi tòa chưa tuyên án.
2. Báo chí phải thượng tôn pháp luật
- Nghị định 31 (26/6/2001) nói về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin; Nghị định 51 (2002) quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí.
- Phải cải chính khi thông tin sai sự thật hoặc xúc phạm tới công dân. Nếu không cải chính sẽ bị phạt. - Công dân có thể kiện báo chí, vì báo chí không có quyền bất khả xâm phạm (muốn nói gì thì nói mà không bị ai chế tài).
- Quyền của nhà báo sở dĩ được chế định là nhằm phục vụ cho quyền của công dân, chứ không phải ngược lại.
- Báo chí không phải là một cơ quan quyền lực hay cơ quan quản lý nhà nước, càng không phải là một tòa án; báo chí chỉ là một cơ quan ngôn luận (Luật Báo chí, điều 1).
- Nhà báo chỉ là một người đưa tin, là “thằng mõ” và là thư ký của xã hội.
- Nhiều nhà báo thường mắc vào một ngộ nhận nguy hiểm là hễ cứ thấy ai bị bắt hay bị khởi tố là coi như người đó đương nhiên có tội, mà quên đi nguyên tắc suy đoán vô tội mà Hiến pháp đã xác lập.
Đó là tóm tắt những gì mà nhà báo Việt Nam viết về nghề báo chí. Phần nhận định về tình hình thực tế của báo chí hiện nay xin dành cho quý độc giả.
Hiếu Minh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment