Saturday, September 19, 2009

MỘT BÀI VIẾT ĐÁNG CHÚ Ý TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ của UBND TP.HCM


Bình luận
Bờ Tây Sông Jordan và khu vực Biển Đông
VOH (The voice of HCM City People) UBND TP.HCM
Ngày 17/09/2009, 07:53 GMT+7
http://voh.com.vn/index.aspx?catid=24&id=21795
(VOH) - Tuần trước, bất chấp sự phản đối của Cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Israel Ehud Barack vừa phê chuẩn kế hoạch xây thêm 450 ngôi nhà mới ở khu vực chiếm đóng Bờ Tây sông Jordan.
Đây là dự án mới đầu tiên của Israel kể từ khi ông Benjamin Netanyahu lên làm thủ tướng Israel. Palestine đã cực lực phản đối hành động xâm lược này và tuyên bố sẽ không nối lại các cuộc đàm phán hòa bình cho đến khi nào Israel dừng các hoạt động chiếm đất xây nhà nói trên.

Từ năm 1948 tới tận năm 1967 vùng bờ Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Jordan. Gọi là sông, nhưng nhiều nơi, nó chỉ giống như một con rạch nhỏ, ở một vài khu vực, người ta có thể ném một hòn đá bên này bờ vượt quá bờ sông bên kia. Không rộng, nhưng đó lại là dòng sông nổi tiếng khắp thế giới, bởi nơi đây chính là nơi mà theo truyền thuyết, chúa Kitô đã đón nhận phép tẩy rửa của Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước.
Năm 1967, vùng bờ Tây sông này bị Israel chiếm sau Cuộc chiến sáu ngày, từ đó đến nay, nhiều công trình xây dựng mọc lên, và nhân dân Palestin chiếm 84% dân số của vùng đất này, trước sự bành trướng ngày càng lộ liễu đã không ngừng tranh đấu chống lại ách chiếm đóng của Israel.

Bất chấp sự phản đối từ đồng minh Mỹ, số lượng cư dân Do Thái tại những khu vực nhạy cảm này vẫn liên tục tăng lên. Nếu như vào năm 1980, những khu định cư này là nơi sinh sống của gần 62.000 người, thì đến năm 1990 con số này đã tăng lên thành 227.000 người. Còn các con số thống kê trong năm 2008 cho thấy, đã có gần 500 ngàn người Do Thái định cư tại Bờ Tây sông Jordan.

Thực chất việc chiếm đất không phải là một nhu cầu sống còn của người Israel. Hơn 6 triệu dân Israel không phải là một con số quá lớn để sinh sống trên những vùng đất đang càng ngày càng phình to lên so với những gì đã được phân định của quốc tế sau cuộc chiến 6 ngày. Chiếm đất, xây nhà trên lãnh thổ Palestin bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, Israel đang tiếp tục thể hiện tham vọng khuất phục nhân dân Palestin và bành trướng lãnh thổ của mình bất chấp sự phẩn nộ của tòan thế giới.

Cũng là sự kiện chiếm đất giành giật chủ quyền, liên tục mấy tuần gần đây, báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên công bố tuyên bố của Trung quốc về đường Lưỡi bò theo một bản đồ tự vẽ vào năm 1948 của CH Trung Hoa, kèm theo đó là một số họat động gây căng thẳng ở khu vực biển Đông như tăng cường các lực lượng vũ trang, tập trận ở khu vực đảo Hòang Sa, nơi Trung quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm ngày 19 tháng 4 năm 1974 . Các động thái đó làm tình hình khu vực vốn hòa bình hàng ngàn năm nay trở nên căng thẳng.

Cộng đồng thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, từ lâu đã cùng sử dụng trong hòa bình khu vực hàng hải biển Đông hết sức quan ngại về tinh hình nói trên, nhiều nước đã rục rịch tăng cường chạy đua vũ trang, phản đối những đòi hỏi phi lý của những người chủ trương muốn chiếm hơn 80% khu vực biển Đông làm ao nhà của mình.

Truy ngược lại các văn kiện lịch sử của các triều đại Trung Quốc phong kiến, các văn kiện chính thức của họ như Ðại Nguyên nhất thống chí năm1294, Ðại Minh nhất thống chí 1461, Ðại Thanh nhất thống chí 1842, trước năm 1909 đều khẳng định "cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam".

Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời đều vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ 17 của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Ðông Ấn Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ ràng là nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ bắc, rồi từ đó ngược lên phía bắc đến vĩ độ 42 độ.

Vùng nước nằm trong "đường lưỡi bò" chiếm 80% diện tích biển Ðông mà Trung Quốc cho là "vùng nước lịch sử" là không thể chấp nhận được. Lý do đơn giản là bởi vì nó chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như vậy và sẽ không chấp nhận một vùng biển có tầm quan trọng vào loại nhất, nhì thế giới lại nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một nước.

Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn về mặt kinh tế, những tiến bộ vượt bực trong khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong sứ mệnh chinh phục không gian trong thời gian gần đây cùng với những món nợ khổng lồ mà người Trung quốc sở hữu trong kho công trái nước Mỹ. Về mặt nào đó Trung Quốc đã rất thành công trong việc tự đổi mới mình thành một cường quốc về nhiều mặt. Nhưng trở thành nước mạnh là một chuyện, trở thành một cường quốc nhân văn, có hành vi hành xử xứng đáng với thành viên thường trực của Hội Đồng bảo an Liên Hiệp quốc lại là một chuyện khác.

Trở lại câu chuyện của Israel và Palestin, Israel có thể có một đạo quân thiện chiến, với kỹ thuật chiến đấu hòan hảo được hỗ trợ tối đa bởi kho vũ khí vô tận của cường quốc số 1 thế giới, họ có thể làm cỏ những nước láng giềng và đưa nước Palestin ở bờ Tây sông Jordan và dãy Gaza về thời kỳ đồ đá để thản nhiên chiếm đất và đồng hóa. Còn những người Palestin mà vũ khí duy nhất chỉ là những hòn đá nhặt lên từ đống đổ nát của bom đạn Israel những năm qua đã từng chứng minh rằng, vũ lực không dễ dầu gì quật ngã họ. Những người Palestin với ý tưởng hòa bình được ươm mầm từ cố tổng thống Yasser Arafat vẫn chiến đấu như những chiến binh thực thụ khi nhân phẩm bị xúc phạm và lòng tự trọng dân tộc bị chà đạp. Đó chính là bài học cho những kẻ mạnh, lúc nào cũng rắp tâm chiếm đất, giành biển của người khác, xa lạ với cung cách ứng xử của một nước lớn, một cường quốc văn minh ở thế kỷ 21. Thế mới biết, tiền bạc có thể có, nhưng để làm một nước văn minh, còn phải học nhiều, nhất là từ lịch sử.

Việt Nam, đứng cạnh người khổng lồ Trung Quốc, là một nước nhỏ. Nhưng hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ Lịch sử Việt Nam là lịch sử không biết khuất phục và chưa hề khiếp sợ trước bất kỳ thế lực nào. Lịch sử ấy là niềm tự hào, cũng là điểm tựa để mỗi người Việt Nam bất khuất ý chí giữ nước.
VK.

No comments: