Saturday, September 12, 2009

KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ TẠI TRUNG QUỐC (5)


Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Ổn định như núi lửa đang sôi [5]
Tác giả: Hà Thanh-liên 何 清 涟
Nguyễn Ước dịch

Đăng ngày 26.08.09
http://danchimviet.com/articles/1410/1/Kinh-nghim-toan-tr-ti-Trung-Quc-n-nh-nh-nui-la-ang-soi-5/Page1.html
Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) có thể kéo dài thêm bao lâu? Liệu Trung Quốc có thể sụp đổ thành phân liệt hoặc thậm chí nội chiến? Ðó là những câu hỏi thách thức không dễ trả lời, và suốt mấy năm vừa qua, tôi đã nhiều lần bị đặt cả hai câu đó, tại Trung Quốc cũng như tại hải ngoại. Trong khi thật khó tiên liệu tương lai của Trung Quốc một cách chính xác thì một sự dự đoán tạm thời nào đó về những thay đổi có tính cấu trúc là điều khả dĩ.
Trung Quốc là nước độc đảng trong đó quyền lợi của chính quyền và của ÐCSTQ không thể tách rời nhau. Suốt những năm vừa qua, câu trả lời độc nhất mà Ðảng có trong cuộc truy lùng nhằm duy trì trật tự dân sự là, “nhổ tận gốc trốc tận rễ mọi nhân tố có tiềm năng gây bất ổn”. Ðảng đã và đang cần cù hoạt động để tạo một hiện thực trong đó không lực lượng có tổ chức nào có khả năng thay thế sự cai trị của cộng sản. Theo quan điểm của ÐCSTQ, cái chết của Ðảng chỉ mang một ý nghĩa độc nhất, đó là cái chết của chính Trung Quốc.
Hai hệ quả tưởng như hợp lô-gic là, chúng ta phải chịu đựng sự kiện ÐCSTQ sử dụng “cải cách” như một kỹ xảo để ngăn chặn bất ổn và sụp đổ, và chúng ta phải chấp nhận công thức “nền kinh tế thị trường cộng với nền cai trị toàn trị” của ÐCSTQ.
Sự xây dựng kịch bản ấy thuận lợi cực kỳ cho mục tiêu của Ðảng là ổn định tư thế của nó trong cộng đồng quốc tế, đổi lại, cộng đồng ấy chấp nhận và thực hiện một chính sách nhân nhượng vô nguyên tắc đối với Trung Quốc. ÐCSTQ rất hài lòng vì những lời kêu gọi Trung Quốc cải thiện thành tích nhân quyền và hoạt động để ngày càng dân chủ hơn đang từ từ yếu dần, hơn bao giờ hết. Từ năm 2000, cộng đồng quốc tế có phản ứng lập lờ đối với sự kém cỏi và chông chênh của Giang Trạch Dân vì họ hy vọng rằng sự chuyển giao quyền lực cho các lãnh tụ Ðảng thuộc thế hệ sắp tới sẽ nuôi lớn các nhân tố “lành mạnh” ở bên trong ÐCSTQ và đẩy mạnh sự ổn định.
Lối tiếp cận ấy quá đặt trọng tâm trên sức mạnh độc quyền của Ðảng, không để ý tới các thành tố tạo nên sự ổn định thật sự. Các thành tố ấy bao gồm những giới hạn việc bóc lột môi trường và sinh thái cũng như sự lập thành các giá trị luân lý đạo đức, có thể dùng làm những điểm chuẩn cho xã hội như một tổng thể. Nếu hệ sinh thái thực vật và môi trường trong đó chúng hiện hữu, là nền tảng vật lý cho sự sống còn của một quốc gia và nhân dân của nó thì đạo đức và những bài giảng về đạo đức cũng làm điều tương tự trên cấp độ tinh thần. Xã hội nào cũng cần một “sinh thái đạo đức” lành mạnh để giữ vững nó theo những cách không chính thức nhưng có thật, không bị nắm bắt bởi tiêu điểm rất đơn thuầntrong luật pháp thành văn và các định chế chính thức.

Một môi trường đang khủng hoảng
Trung Quốc ngày nay bị đe dọa ghê gớm bởi sự ô nhiễm trầm trọng, thậm chí đe dọa tới mạng sống con người. Từ ngày Ðảng cầm quyền, môi trường của Trung Quốc bị tước đoạt bừa bãi; dù những cuộc cải cách kinh tế có thành tựu được gì đi nữa, rõ ràng chúng đã làm tăng tốc độ bóc lột ấy. Sử dụng tràn lan phân bón hóa học làm đất canh tác ngày càng bớt màu mỡ trong khi độ nhiễm mặn và thoái hóa đất đai nói chung làm giảm chất lượng của đất tại các khu vực rộng lớn của đất nước. Ngày nay, hoang mạc phủ 38% tổng thể đất đai của Trung Quốc, như là hậu quả của việc sử dụng đất một cách hư hoại, và hiệu suất của đất canh tác đã căng hết mức giới hạn của nó, đưa tới một tình trạng tồi tệ tiềm ẩn tai họa. Tài nguyên quặng mỏ giàu có của Trung Quốc bị tiêu phí ở mức cao chưa từng thấy (trung bình cao gấp bốn lần tính bình quân theo đầu người mà người ta thấy tại các nước đã phát triển kiểu mẫu), trong khi đầu ra sản phẩm thật sự thì còm cỏi so với đầu vào do quặng mỏ cung cấp— một dấu hiệu phung phí lớn lao không thể chối cãi. Nếu chúng ta lấy khái niệm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) “xanh” [1] để tính những phí tổn sinh thái và môi trường kết hợp với thái độ theo đuổi phát triển kinh tế của Trung Quốc thì con số bình quân trong suốt 23 năm vừa qua (1980-2002) có giá trị tiêu cực.
Nhìn theo viễn ảnh đạo đức cũng thế, Trung Quốc đang ở trong tình trạng nghèo đạo đức. Công chức viên chức lương thiện là biệt lệ, tham nhũng là luật lệ. Tại những lãnh vực quan hệ tới kinh tế, có thể đo lường sự suy sụp ấy bằng sự kiện chỉ 60% các hợp đồng ở Trung Quốc được tôn trọng và sự thiếu tín nhiệm khác thường đã và đang leo thang trong hoạt động kinh tế nói chung.
Có thể truy nguyên nguồn gốc của tình trạng suy thoái luân lý đạo đức ấy nơi bản chân chính quyền. Dù nó chế biến những bản thống kê bịa đặt hoặc chế tạo ra hàng đống “báo cáo tin tức” vẽ vời, nhà nước Trung Quốc một khi cố ý loan truyền thông tin sai lạc thì không một ai có thể sánh nổi với nó. Các viên chức chính quyền trở thành các nhà chuyên nghiệp “phát biểu chính thức”: được dạy dỗ để có thái độ nhã nhặn, ăn nói êm ái đúng với đòi hỏi của một cơ quan công cộng, họ sử dụng các kỹ năng ấy nhân danh sự cổ động tinh ma cho những điều dối trá. Trước khi bị kết án vì những cáo buộc tham nhũng và tắc trách, các quan chức cao cấp, thí dụ Xương Khả Gia, cựu phó chủ tịch quốc hội, và Trần Hy Ðồng, thị trưởng Bắc Kinh, người nào cũng là tác giả một bộ tuyển tập các bài diễn văn bàn về “chính quyền trong sạch”. Những bài thuyết giảng ca ngợi tính liêm khiết công cộng và cá nhân ấy không cho thấy dấu vết chênh lệch nào giữa lời nói ngoan đạo của họ với thói quen của họ như nhận hối lộ, nuôi tình nhân, lui tới với kỹ nữ, áp bức thường dân, và nói chung, bất chấp pháp luật lẫn công luận. Với những kiểu mẫu từng đóng vai trò chủ chốt như thế, liệu người ta có ngạc nhiên chút nào về tác phong tội phạm đang gia tăng một cách báo động?
Ở bất cứ xử sở nào, đạo đức xã hội và ý nghĩa luân lý khái quát đều quan trọng hơn luật pháp thành văn khi nó đạt tới mức làm xã hội gắn bó với nhau trên căn bản hằng ngày. Ðạo đức xã hội cung cấp cho người dân những tiêu chuẩn căn bản về đúng và sai, điều chỉnh hạnh kiểm của họ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, các ý tưởng về đúng và sai bị mờ khuất trong hỗn độn và hoang mang. Thí dụ, đối với các nhà kinh tế hãnh tiến, chuyện thời thượng của họ là thừa nhận tham nhũng và bao che nó. Kết quả là càng ngày càng trở thành trường hợp kỳ cục tới độ chỉ có sức mạnh thô bạo của ÐCSTQ mới có thể làm cho xã hội Trung Quốc gắn bó với nhau.
Trong các năm vừa qua, nhà nước đảng trị củng cố những phương tiện muôn hình muôn vẻ của nó trong công tác kiểm soát xã hội tới độ phải sử dụng bạo lực chính trị và đầy rẫy công an mật. Các sức mạnh ấy bóp nghẹt từ trong trứng nước bất cứ nhóm nào có tiềm năng phát triển thành một thực thể có tổ chức, và bằng cách đó, đảng bảo đảm rằng nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục bị cầm cố trong cảnh huống thường trực cách ly nhau — giống những hạt cát nằm trên tờ giấy — và không cách gì triển khai được sự đề kháng có tổ chức. Ðồng thời, chính quyền chấp nhận và thực hiện những phương pháp chẳng vẻ vang để kiểm soát tác phong của quan chức như các chiến dịch “chống tham nhũng”, ít liên quan tới việc diệt trừ tham nhũngmà chỉ tạo vừa đủ một số trường hợp điển hình để nhắc nhở các viên chức rằng nếu họ muốn sống sót thì cách tốt vẫn là làm chiếc răng cưa hữu dụng trong bộ máy khổng lồ của nhà nước đảng trị, đừng nói gì tới chuyện phất lên giàu có.

Những ứng dụng mới của ý thức hệ
Nhưng điều quan trọng hơn cả là chính quyền thực hiện đúng lúc một sách lược ý thức hệ mới; việc nhà nước tập trung kiểm soát đời sống công cộng và tạo được sự liên minh giữa giới tinh hoa kinh tế và trí thức. Thi hành chiến lược ý thức mới ấy và củng cố công tác kiểm soát lãnh vực công cộng, chính quyền Giang Trạch Dân khắc nghiệt hơn và hữu hiệu hơn nhiều so với chính quyền Ðặng Tiểu Bình. Chính quyền thực hiện trọn vẹn ý đồ của Giang Trạch Dân nhằm “nhổ tận gốc trốc tận rễ mọi nhân tố có tiềm năng gây bất ổn”, và không một tổ chức nào thật sự là quần chúng độc lập hoặc phi chính phủ có khả năng xuất hiện trong môi trường trấn áp như thế. Trong khi đó, xét theo vài cấp độ tinh tế, so với sự trấn áp chính trị thẳng thừng kiểu bạo lực chuyên chính vốn là đặïc thù của kỷ nguyên họ Mao, thì lối tiếp cận của họ Giang âm ỉ hơn nhưng hữu hiệu hơn vì nó tính toán làm sao để thực hiện luồn lách bên dưới tầm quan sát bén nhạy của quốc tế đang theo dõi và sẵn sàng lên án.
Chiến lược càng cua của ÐCSTQ là bêu xấu và lăng mạ nền dân chủ phương Tây, đồng thời thực hiệt tốt công tác ép thật chặt sự kiểm soát của Ðảng lên khắp đời sống công cộng ở Trung Quốc. Trong các trường tiểu, trung và đại học sự gia tăng cường độ giảng dạy ý thức hệ nhồi nhét vào đầu óc của tuổi trẻ Trung Quốc vô số điều dối trá và huyền hoặc chính trị. Sự việc ấy có thể góp phần giải thích tại sao trong khi vẫn ngưỡng mộ Hoa Kỳ mà vì những nguồn tin không chính thức, nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc vẫn chứa chấp dai dẳng trong lòng những cảm xúc thù nghịch phát sinh một cách ý thức hệ đối với Hoa Kỳ và những gì nó tiêu biểu.
Nhà nước đảng trị hành xử gần như độc quyền hầu hết các phương tiện truyền thông và xử lý chúng cao tay ấn hơn so với cách xử lý trong thời thô lỗ của chủ tịch Mao. Các ký giả bị liên tục nhắc nhở, bằng những lối nói dứt khoát, rằng ai đang trả lương cho họ. Ngay bản thân các phóng viên cũng thừa nhận họ là “cái loa của Ðảng,” như thế kết quả của thực tế đó là trong giới tinh hoa trí thức, những phần tử nào còn ấp ủ lương tâm thì không có phương tiện đáng tin cậy nào để có thể trình bày trung thực ý kiến của mình. Từ năm 1999, chính phủ dùng các chuyên gia điện toán từng được huấn luyện cấp đại học để làm “công an Internet”. Nó cũng đề ra các qui định để thuần hóa “con ngựa hoang” Mạng lưới Toàn cầu (World Wide Web).
Từ sau vụ Thiên An Môn, giới trí thức đối mặt một môi trường mới đầy hoang mang. Suốt thập niên 1990, nhà nước đảng trị thực tế đã tìm cách mua chuộc giới trí thức với các danh dự hàn lâm, đẳng cấp và lương bổng để đưa họ vào hàng ngũ những kẻ ủng hộ nguyên trạng (status-quo). Ngược lại, một số ít trí thức không để bị mua chuộc thì bị đánh đổ: không người nào có thể xuất bản công trình nghiên cứu quan trọng về bất cứ đề tài nào theo con đường chính thức, và các nhà nghiên cứu khó tính ấy có thể dễ nhận ra là mình bị sa thải, dù lúc nào cũng với lý do mà trên danh nghĩa là “không liên quan gì tới chính trị”.
Ngày nay, các trí thức có ảnh hưởng là đối tượng giám sát và xoi mói của công an mật, và thông thường, việc cưỡng bách di dân ra nước ngoài là thuộc phần các chiến dịch sách nhiễu tổng quát do Ðảng đề ra. Việc áp dụng sách lược cương nhu này — “cương” vì nó cấu thành trấn áp, “nhu” vì nó không đi tới mức bỏ tù thật sự hoặc tra tấn thể xác — đã có hiệu quả làm trung hòa giới trí thức ưu tú như một lực lượng phê bình độc lập của Trung Quốc. Ngày nay, hầu hết các học giả Trung Quốc đều muốn thích ứng các nghiên cứu của mình để xoa dịu chế độ, giữ thái độ thờ ơ hoặc chiếu lệ đối với các vấn đề xã hội và chính trị nhạy cảm.
Cho tới thập niên 1990 vừa qua, chính phủ Trung Quốc vẫn bướng bỉnh đeo bám khái niệm rằng nó đại diện giai cấp lao động — thậm chí khi các viên chức đã lập những quan hệ riêng tư thân mật và có lợi nhuận với giới tinh hoa kinh tế mới phất. Giữa họ, giới tinh hoa kinh tế và các thủ trưởng của nhà nước đảng trị, lúc này kiểm soát 85% tổng số tài sản của Trung Quốc và lập thành lớp siêu phú gia (super-rich) của Trung Quốc. Dưới ánh sáng của hiện thực đó, nhà nước-ÐCSTQ chỉ còn giải pháp duy nhất là đưa ra sự điều chỉnh có tính chiến lược giữa các giai cấp trung thành với nó, và như thế khẩu hiệu “Tam Ðại biểu - Ba Ðại diện” của Giang Trạch Dân được tung ra; nó cho hai giới tinh hoa kinh tế và chính trị một không gian rộng rãi hơn để liên kết và bành trướng. Lời kêu gọi của họ Giang “cho phép các nhà từ bản tư nhân gia nhập Ðảng”, chỉ là mưu chước tưởng thưởng cho giới tinh hoa kinh tế một cột trụ trong hệ thống và một tiếng nói chính trị hợp pháp.
Rõ ràng ảo tưởng nghiêm trọng nhất mà giới trí thức Trung Quốc đã giữ suốt thập niên 1980 là giai cấp trung lưu sung mãn sẽ đòi hỏi quyền dân chủ. Thập niên kế đó dập tắt vĩnh viễn “giấc mộng ngày” đó. Các chiến thuật chính trị của Ðảng bao gồm việc cho phép giới tinh hoa kinh tế cùng với các nhóm trí thức thích đáng và dễ bảo được đòi quyền ở trong hệ thống và chia sẻ một số quyền lực của Ðảng — nhưng còn cách rất xa sự tạo ra một sinh hoạt chính trị dân chủ mới mẻ.
Ðể đối phó với những lo âu và rối loạn trong hàng ngũ người nghèo và người bị tước đoạt, chính phủ phải dựa vào việc trấn áp bằng bạo lực càng ngày càng tăng. Dập tắt những cuộc phản kháng ở qui mô nhỏ đã trở thành công tác thông lệ của các viên chức địa phương, những kẻ lúc này giàu kinh nghiệm đối phó với các sự cố như thế. Nói chung, họ thiên về lối tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy”: các “quần chúng phản kháng” (thường là nông dân hoặc công nhân thất nghiệp) nhận “củ cà rốt” nhỏ, có thể đáng giá một hai tháng trợ cấp đời sống với điều kiện thôi xuống đường. Ngược lai, những kẻ “lãnh đạo phản kháng” thì lãnh “cây gậy”. Gần như không có ngoại lệ, chính quyền nghiêm khắc trừng trị bất cứ “kẻ gây rối loạn an ninh trật tự công cộng” nào — công nhân, nông dân hoặc ngược lại — bất cứ ai mà nó có thể đặt cánh tay “không chút dịu dàng” lên trên. Ở mức tối thiểu, Ðảng ra sức bẻ gãy tinh thần của họ và lấy đi nhân cách của họ, nhưng sẽ không ngần ngại giết họ nếu thấy cần thiết. Thông thường, việc ấy đủ để làm những kẻ có tiềm năng lãnh đạo run sợ, không dám trở thành con dê tế thần khi những kẻ sát nhân cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thường ra dấu hiệu rằng đã đến lúc chính quyền hết còn chịu đựng nổi cuộc phản kháng tập thể.
Vẫn còn có những cuộc phản kháng yếu ớt — ngay cả nổi loạn — để đáp trả các liên minh đầy uy lực và có tính khống chế ngày càng tăng được thành lập giữa các giới tinh hoa của đất nước. Nhưng giới chức cầm quyền đã có kinh nghiệm, không để chúng lan rộng và việc đè nén sự bất ổn khiến cho đôi khi, phải phong tỏa hoàn toàn một thành phố hay một khu vực. Do đó, những cuộc phản kháng chỉ có tính địa phương và rời rạc; từ sau vụ Thiên An Môn, không có vụ nào đạt tới mức đặt vấn đề thay đổi trong nghị trình xã hội như một tổng thể. Trong chừng mực quan tâm của nhà nước đảng trị, các khái niệm nhiều khía cạnh và rộng lớn của “nhân quyền” có thể bị giảm thiểu một cách an toàn thành quyền sinh sống mà thôi. Cách diễn đạt chật hẹp ấy về quyền con người đã hạ nhân dân Trung Quốc xuống đẳng cấp loài vật ăn máng, nhưng bao lâu họ còn dễ bảo thì bấy lâu nhà nước đảng trị còn bất cần.

Những chọn lựa cho tương lai
Nói chung, cộng đồng quốc tế chọn quan điểm lạc quan và hão huyền về tương lai của Trung Quốc. Quan điểm này chú mục vào hai kỳ vọng mà cả hai vừa sai lầm vừa đồng cảm chẳng kém gì nhau. Kỳ vọng thứ nhất là việc cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ khích lệ dân chủ hóa. Kỳ vọng thứ hai là những tiến bộ kỹ thuật sẽ phá vỡ các “bức tường lửa” mà Trung Quốc đang áp đặt và sẽ cởi mở xã hội Trung Quốc, không còn kiểm duyệt tin tức và thông tin. Về kỳ vọng thứ nhất, tôi chỉ có thể vạch ra rằng WTO là một tổ chức điều chỉnh kinh tế quốc tế nên chúng ta không thể kỳ vọng hoặc hy vọng rằng nó sẽ làm biến đổi hệ thống chính trị của một nước. Còn về kỳ vọng thứ hai thì Bắc Kinh hiện nay đang làm tiêu hao nó bằng dự án trị giá nhiều tỉ đô la “Lá chắn Vàng – Golden Shield” mà mục đích là dùng kỹ thuật máy điện toán để mở ra và siết chặt gọng kìm của nhà nước lên trên xã hội. Các công ty đa quốc gia, các tín hiệu đô-la nhảy múa trước mắt họ, đang háo hức dự phần vào màn kịch cá biệt này. Nhưng bản thân giới tinh hoa của Trung Quốc thấy tương lai như thế nào? Xã hội Trung Quốc hiện nay giống một hỏa diệm sơn sắp tới hồi phun lửa. Hầu như mọi người Trung Quốc đều cảm giác sức nóng của ngọn lửa trong lòng đất nhưng có lẽ không ai cảm giác cho bằng giới tinh hoa của Trung Quốc, những kẻ hiểu ngầm với nhau rằng chọn lựa tốt nhất của họ là duy trì nguyên trạng bằng trấn áp chính trị và hoạt động tình báo quốc nội. Trong thực tế, điều ấy có nghĩa là phải dùng sức mạnh đàn áp tập thể tất cả những ai “phá rối trật tự xã hội” ngay khi họ bộc phát. Suốt hơn thập niên qua, từ sau vụ Thiên An Môn, tuyến phòng ngự số một của nhà nước đảng là chống lại sự rối loạn phát xuất từ bên dưới.
Bên trong liên minh của các giới tinh hoa, giới thư lại cảm nhận về sự khủng hoảng ấy nhạy bén hơn giới trí thức. Vào đầu thập niên 1990, tẩu tán tư bản lên qui mô lớn khi các đạo quân quan chức chuyển tài sản phi nghĩa mới kiếm được của họ tới các ngân hàng ở bên ngoài Trung Quốc, thường là tới các nước họ đang có thân nhân sống nhàn hạ. Trong khi đó, các nước châu Âu cùng Hoa Kỳ, Canada, Australia ra sức thu hút sinh viên Trung Quốc ra hải ngoại để góp phần phát triển kinh tế nội địa của mình. Các trường cao đẳng và đại học tại những nước đó nhận thấy giới sinh viên Trung Quốc có nhu cầu cực lớn được đi du học: qua một số thẩm định, Trung Quốc bỏ ra mỗi năm hơn 4 tỉ Mỹ kim tài trợ cho việc du học trong đó ưu tiên số một dành cho thanh niên. Ðây là dấu hiệu cho thấy giới tinh hoa đang kỳ vọng họ sẽ kiểm soát được tương lai: qua những sắp xếp mà họ dàn dựng cho con cái, họ đang bỏ phiếu bằng ngoại tệ mạnh.
Như tôi đã cố gắng trình bày, thật sai lầm khi nghĩ rằng có một nhóm quyền lực nào đó bên trong hàng ngũ thượng đỉnh của Ðảng Cộng sản sắp gỡ cho Trung Quốc thoát ra các khủng hoảng đang vây bủa nó. Các nhà phân tích vốn tranh cãi việc ÐCSTQ có thể xói mòn tương lai của đất nước thì đang chấp nhận và thực hiện điều mà tôi gọi là lý thuyết “lính chữa cháy.” Họ giả định rằng chế độ của ÐCSTQ giống với lính chữa cháy rừng nhiều hiệu năng, được trang bị bằng những thiết bị mới nhất, không khác gì một “hệ thống phòng ngừa hỏa hoạn”, gồm sự kiểm soát triệt để truyền thông và công luận, đàn áp chính trị cao độ, các đội ngũ công an chống nổi loạn và toàn bộ guồng máy an ninh quốc gia hiến thân hết mình, chống đỡ cho trật tự hiện nay để mọi sự đâu vào đó. Nhưng tại Trung Quốc, nguy cơ hỏa hoạn không đơn giản xảy ra một cách ngẫu nhiên tại các khu vực có củi khô, mà đó là những ngọn lửa ngầm, đang cháy âm ỉ ngay bên dưới bề mặt, ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào, một khi đã phun lên thì diễn ra rất ác liệt, vượt ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí các thiết bị chữa cháy kỹ thuật tiên tiến nhất cũng có những giới hạn của chúng khi đương đầu với các nguy cơ như thế.
Ngày ấy sẽ tới khi ÐCSTQ không còn đè nén nổi những ngọn lửa đó. Một khi nền cai trị lâu năm của ÐCSTQ bị thiêu rụi trong đám cháy lớn đó thì sự tăng trưởng về dân số chưa từng có tại Trung Quốc, sự phá hoại bừa bãi môi trường và sinh thái, và sự sụp đổ gần như toàn bộ nền luân lý xã hội, mới chỉ là một trong các nhân tố làm cho công tác tái thiết đã lớn lao lại còn khó khăn hơn.

---------------------------------------

Hà Thanh-liên (何 清 涟 – Qinglian He), cựu biên tập viên lâu năm của Thiên Tân Pháp luật Nhật báo tại Trung Quốc, hiện là khách nghiên cứu của phân khoa chính trị, kinh tế và triết Trường Cao đẳng Staten Island thuộc Ðại học Thành phố New York. Bà là tác giả trên ba cuốn sách viết bằng Hoa ngữ, trong đó có cuốn bán rất chạy, nhan đề Pitfalls of China (Những cạm bẫy của Trung Quốc), ấn bản cập nhật hóa từ bản đã được xuất bản ở Nhật Bản năm 2002.Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online

--------------------------------------------------

[1]Kirk. Hamilton, “Green Adjusments to GDP, Resources Policy 20 (1994) – Những điều chỉnh xanh cho GDP, Tạp chí Chính sách Tài nguyên số 20” (1994): 155-68.


Xem thêm www.ias.edu/publications/details.cfm/articleID/51, UN University Institute of Advanced Studies.


No comments: