Saturday, September 12, 2009

KINH NGHIỆM TOÀN TRỊ TẠI TRUNG QUỐC (3)


Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc: Sự bất bình đẳng mới [3]
Tác giả: Trần An 陳安
Nguyễn Ước dịch

Đăng ngày 24-8-2009
http://danchimviet.com/articles/1404/1/Kinh-nghim-toan-tr-ti-Trung-Quc-S-bt-binh-ng-mi-3/Page1.html
Tại Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản gây ra sự phân tầng xã hội đầy ý nghĩa và xung khắc giai cấp đang gia tăng. Liệu sự kiện ấy có đẩy xứ sở ấy tới một chế độ dân chủ kiểu phương Tây, ít ra trong một tương lai gần? Câu trả lời của tôi là không. Lý do độc nhất và quan trọng là, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và sinh hoạt chính trị có tính giai cấp tại Trung Quốc trông không có vẻ tạo ra một sức ép xã hội thân dân chủ mãnh liệt hoặc hình thành một kiểu mẫu liên minh giai cấp ủng hộ dân chủ hóa.
Nhiều sinh viên môn chuyển tiếp dân chủ đã phân loại chúng theo hai mô hình rộng rãi. Cái thứ nhất tôi sẽ gọi là mô hình cấu trúc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các điều kiện kinh tế xã hội rộng rãi, làm thuận lợi cho sự dân chủ hóa, hoặc ít nhất làm chuyển đổi hẳn một chủ nghĩa toàn trị đã phát triển đầy đủ. Cái được liệt kê thứ hai là kiểu mẫu chuyển tiếp trên căn bản “thỏa ước” hoặc “thương lượng”, đặt trọng tâm vào những chọn lựa có tính chiến lược và những tương tác của giới tinh hoa chính trị trong việc gây ra “sự đoạn tuyệt với toàn trị” và “sự mở màn dân chủ.” Kiểu mẫu thứ hai này không loại trừ các sức ép có tính cấu trúc nhằm thay đổi để có dân chủ, và đang được ưa chuộng nhất trong giới nghiên cứu về các cuộc chuyển tiếp theo “đợt sóng thứ ba” kể từ năm 1974. Thế nhưng kiểu mẫu này dường như khó có thể áp dụng tại Trung Quốc. Trong hầu hết các cuộc chuyển tiếp do thương lượng thì ở đó đã có sẵn truyền thống xã hội dân sự và đối lập chính trị có tổ chức khiến có thể làm cho giới tinh hoa (các lãnh tụ đương nhiệm hoặc các lãnh tụ đối lập) chơi trò mặc cả. Nhưng điểm khởi hành của Trung Quốc là từ một chế độ toàn trị, do đó, nếu có xảy ra thì không xảy ra trong một bối cảnh như vậy. Thế cho nên để nắm bắt những quĩ đạo khả hữu của sự chuyển tiếp tại Trung Quốc, chúng ta phải quay lại kiểu mẫu thứ nhất, cái có tính cấu trúc.
Kiểu mẫu ấy đi vào nhiều biến thể mà ở đây chúng ta chưa cần dừng lại để liệt kê đầy đủ. Chỉ cần nói rằng cái ý nghĩa quan trọng nhất trong việc áp dụng nó tại Trung Quốc, theo quan điểm của tôi, là cái mà tôi gọi là kiểu mẫu cổ điển có tính cấu trúc (classical structural model). Ðược rút tỉa chủ yếu từ kinh nghiệm lịch sử của châu Âu, biến thể này có thể rọi ánh sáng lên các câu hỏi quyết định về tương lai của Trung Quốc: Chính xác thì cái gì sẽ là đầu tàu cho sự dân chủ hóa tại một xứ sở vốn không có lịch sử, truyền thống hoặc văn hóa dân chủ? Mấy chục năm giải phóng kinh tế và những thay đổi có tính hệ quả trong cấu trúc của xã hội Trung Quốc vừa qua đã khiến kinh nghiệm châu AÂu trở thành thích đáng hơn bao giờ hết.
Kết quả cuối cùng thì rõ ràng: đời sống chính trị của Trung Quốc đang diễn ra trong một bối cảnh chính trị mới mẻ đối với Trung Quốc nhưng cũng quen thuộc đối với một số không ít các trường hợp lịch sử trước đó, và do đó, cần phải tiên đoán một cách công bằng và tích cực, ít nhất về những nét đại cương với điều kiện là những vấn đề thiết yếu của cái kiểu mẫu cấu trúc cổ điển đó được duyệt xét một cách trí tuệ dưới ánh sáng của tình huống tạo nên trường hợp Trung Quốc — và quả thật, với hết thảy các trường hợp “mới đây” — tách biệt hẳn các trường hợp “lịch sử” trước kia.
Thế thì cái gì phân chia các nhà dân chủ “mới đây” và các nhà dân chủ “lịch sử”? Cho tới khoảng nửa thế kỷ trước, phong trào hướng tới dân chủ là một quá trình tăng trưởng lâu dài mà có thể truy tầm nguồn gốc của nó nơi truyền thống của chủ nghĩa đa nguyên chính trị. Quá trình hướng tới dân chủ tự do xảy ra chống lại một bối cảnh chính trị rộng lớn trong đó rõ ràng là mọi bộ phận cấu thành dân chủ, thí dụ sự phân quyền, cai trị theo hiến pháp, quyền tối thượng và độc lập của quốc hội, đã được định chế dần dần. Dân chủ trở nên đầy đủ hơn khi quyền bỏ phiếu được mở rộng hơn bao giờ hết cho các tầng lớp nhân dân trên qui mô lớn hơn.
Trong hầu hết các trường hợp đương đại — gồm Trung Quốc — các chế độ trước đó đều là chế độ chuyên quyền, thiếu một cái gì đó hơn là cái vẻ bên ngoài của các cơ chế dân chủ tối thiểu, và gần như loại khỏi chính quyền mọi giai cấp xã hội. Tuy thế, cả trong trường hợp đó, dân chủ - bao gồm phổ thông đầu phiếu - được đề ra cho đúng với nguyên tắc dù bị coi rẽ trong thực hành. Thế thì sự dân chủ hóa chân chính - nếu nó xảy ra - sẽ xảy ra theo cái mà Ruth Brins Collier gọi là “một chương hồi cải cách độc nhất trong cuốn truyện dài thay đổi chế độ sâu rộng”, trong đó hết thảy các nhóm xã hội đều có quyền bầu cử và ứng cử. [1]
Từ cái đó, phát sinh những ứng dụng nào? Phần vì các chế độ toàn trị đương đại không thể chứng minh bằng nền tảng ý thức hệ nên chúng bị ám ảnh bởi vấn đề chính thống. Tại Trung Quốc nơi ý thức hệ Mác-xít không còn bám riết con tim và khối óc và nơi mà nền kinh tế đang càng ngày càng hội nhập cộng đồng quốc tế trong đó tự do và dân chủ chiếm ưu thế, nền tảng đạo đức và ý thức hệ của sự cai trị xuất phát từ Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) bị xói mòn đáng kể. Tuy thế, đối với người Trung Quốc, ngoại trừ sự dan díu đầy lãng mạn phù phiếm và ngắn ngủi với chế độ đại nghị vào lúc mới bắt đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa toàn trị bao giờ cũng là cách thế “bình thường” trong đời sống chính trị của họ. Do đó, trong bối cảnh Trung Quốc, chủ nghĩa toàn trị không cần được chứng minh bằng các thuật ngữ thuần túy chính trị. “Tính chính thống” của nó có thể được giải thích thỏa đáng theo Max Weber “chính quyền của ‘muôn thuở hôm qua’...của những tập tục được làm cho có vẻ hợp pháp qua sự công nhận từ đời nảo đời nao không mường tượng nổi và sự định hướng làm thành tập quán tuân thủ.” [2] Các chế độ toàn trị khác có thể phải dựa, tới một cấp độ biến thiên nào đó, vào sự hợp tác và giúp đỡ của những người hoạt động trong khu vực tư nhân để sống còn. Tại Trung Quốc, quan hệ đó thì đảo ngược, bất chấp tầm quan trọng kinh tế và ảnh hưởng chính trị của khu vực tư đang gia tăng.
Mặc dù các nhóm học giả và nhà nghiên cứu phương Tây đều đồng ý với nhau về sự nới rộng các tự do cá nhân và chủ nghĩa đa nguyên kinh tế xã hội tại Trung Quốc, khả năng khống chế xã hội Trung Quốc của Ðảng và nhà nước cộng sản không bị xói mòn đáng kể. Cho tới nay, chế độ của ÐCSTQ nới lỏng sự kiểm soát toàn xã hội hoặc buông bỏ phần nào cái sức mạnh có tính định chế của nó không phải do bởi sức ép ở trong nước hoặc quốc tế nhưng nói chung do bởi nghị trình của đảng và nhà nước, một nghị trình có phần nào — nhưng chỉ phần nào thôi — bị chế ngự bởi các yêu cầu của nền kinh tế thị trường đang bắt đầu nảy nở.
Làm thế nào công cuộc dân chủ hóa có thể phát sinh dưới một nhà nước toàn trị và gần như tối thượng như thế? Ðộng lực cơ bản hoặc sức mạnh thúc đẩy dân chủ hóa sẽ phát xuất từ đâu? Và làm thế nào nó có đủ sức mạnh? Vì một số lý do, sức ép từ hải ngoại có vẻ như không đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch Trung Quốc tới dân chủ. Ngược lại, dân chủ hóa đòi hỏi sức ép cực độ từ bên trong, một sức ép mà chỉ các nhóm xã hội có sức mạnh mới có thể đảm đương nổi. Nhưng liệu có phát sinh được sức ép đó không? Ðặc biệt nó tùy thuộc vào vấn đề chủ chốt và sau cùng mà kiểu mẫu cấu trúc cổ điển trình bày sức mạnh giải thích được của nó.

Phân tầng xã hội và những xung khắc giai cấp
Tại cốt lõi của kiểu mẫu này là quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa. Tư bản chủ nghĩa đưa tới sự phân chia và cân bằng hỗ tương các sức mạnh kinh tế và chính trị. Nó cũng tạo ra sự phân tầng xã hội và sự đa dạng hóa các quyền lợi giai cấp, chuyển thể nhà nước thành đấu trường ở đó những xung khắc quyền lợi được giải quyết bằng đấu tranh. Vì những lý do này và những lý do nọ, chủ nghĩa tư bản có lô-gic thân dân chủ và chẳng có lý do đặc biệt nào để tin rằng Trung Quốc không bị nó thẩm thấu. Những cải cách mang tính thị trường suốt mấy thập niên vừa qua đã làm phát sinh những sức mạnh kinh tế độc lập đối với sự kiểm soát của nhà nước và xói mòn các trụ cột kinh tế xã hội của quyền bá chủ cộng sản chủ nghĩa. So với nhà nước tư bản, nhà nước Trung Quốc vẫn mạnh hơn rất nhiều nhưng nó không thể hoàn toàn lãnh đạm với xã hội, và quả thật, ngày nay nó cần tới sự giúp đỡ của xã hội hơn bao giờ hết để cai trị có hiệu quả. Khi xã hội Trung Quốc tiếp tục bị phân biệt và phân tầng thì sinh hoạt chính trị giai cấp trở thành một vấn đề mà ÐCSTQ phải đếm xỉa tới.
Dưới thời Mao, không có giai cấp xã hội hiểu theo nghĩa kinh tế. Ngoại trừ các “kẻ thù của giai cấp”, hầu hết người dân Trung Quốc hoặc là “công nhân” lao động trong các công ty xí nghiệp do nhà nước làm chủ hoặc là “nông dân” canh tác trong các “công xã nhân dân”. Trong các thập niên sau-Mao, có vẻ như một phần ba nông dân bỏ việc cày cấy để tìm những việc làm phi nông nghiệp. [3] Còn nữa, giai cấp lao động mà đẳng cấp của chúng từng phình lên ngày nay vỡ thành tầng lớp có khả năng ngoi lên thành giới cổ trắng vững vàng hoặc tầng lớp bị sa sút thành các nhóm nghèo khổ, thậm chí “hạ cấp” (underclass – dưới-giai-cấp).
Ngày nay, trong các thành phố lớn của Trung Quốc, nói chung người ta có thể nhận thấy có phẩm trật bốn giai cấp. Ở trên chóp đỉnh là tầng lớp trưởng giả thượng hạng và ít ỏi, gồm các doanh gia thành công nhất. Kế đó tới giai cấp trung lưu gồm các doanh gia nhỏ hơn, các quản trị viên và các công nhân cổ trắng làm việc cho công ty nước ngoài hay công ty tư doanh lớn, và các chuyên gia. Hai giai cấp phát đạt này chiếm có lẽ không hơn 13% dân số đô thị, biến họ thành 5% tổng dân số cả nước. [4]
Ðứng bên dưới hai giai cấp phồn vinh ấy là giai cấp lao động gồm đa số nhân dân Trung Quốc. Nằm dưới đáy xã hội là giai cấp “hạ cấp” với lợi tức thấp hơn mức chỉ đủ sống để tồn tại. Trong những năm vừa qua, tình trạng đông đảo công nhân công ty quốc doanh không công ăn việc làm đã mở rộng giai cấp “hạ cấp” này tới một kích cỡ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, có lẽ đang đạt tới con số 50 triệu cư dân thành phố trên toàn lãnh thổ. [5]
Tại Trung Quốc, hoạt động chính trị giai cấp bị khích động bởi sự kết hợp của sự phân tầng xã hội đang sâu sắc, sự mất tinh thần đang gia tăng vì thất bại của chế độ trong việc xóa đói giảm nghèo và sự tức giận ngày càng cao đối với tham nhũng và những chênh lệch sâu rộng liên quan tới phát triển kinh tế do nhà nước lãnh đạo. Năm 1998, Ngân hàng Thế giới — dùng một phương pháp không tính đến lợi tức phi pháp của viên chức nhà nước - đã ước lượng chỉ số Gini của Trung Quốc với con số đáng lo ngại là 40,3 (từ số 0 biểu hiệu cho tình trạng hoàn toàn bình đẳng lợi tức tới số 100 biểu hiệu cho hoàn toàn bất bình đẳng [6] . Chỉ số ấy đặt Trung Quốc ngang tầm chất lượng với các nước như Bolivia (42.0, 1990), Phi Luật Tân (46.2, 1997) và Peru (46.2, 1996). Bản báo cáo chính thức tiết lộ rằng mặc dù đã thực hiện nhiều nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở đô thị, vẫn còn 30 triệu thị dân kiếm chỉ vừa đủ sống [7]
Ðối với nhiều người, sự chênh lệch lợi tức ngày càng lớn giữa người Trung Quốc dường như dính líu nhiều tới các gian trá và tham nhũng chính trị hơn là tới những nỗ lực lương thiện của thị trường tự do. Ðiển hình là các nhà tư bản tạo dựng tài sản bằng thông đồng với viên chức thư lại bất lương hoặc nắm lợi thế trong tình trạng thị trường hỗn độn để khỏi bị trừng phạt vì những thủ đoạn vô đạo và phi pháp. Khi các công ty quốc doanh chuyển biến thành các thực thể tư doanh, chia cổ phần, thí dụ nhiều giám đốc do nhà nước bổ nhiệm có thể dùng địa vị của mình để làm “tay trong” và thành người giàu có trong khi đó số lượng đông đảo công nhân “thừa” hoặc “không sinh lợi” của các xí nghiệp quốc doanh cũ bỗngthấy mình có mặt trên đường phố.
Tình trạng thiếu các kênh được định chế hóa để nói lên quyền lợi của giai cấp hoặc thiếu đấu trường chính trị hợp pháp để cạnh tranh giai cấp khiến người ta không có khả năng đánh giá chính xác chiều sâu của những phân chẻ giai cấp trong xã hội. Nhưng một báo cáo mới đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc — trong đó có phần dựa trên những nghiên cứu được xúc tiến tại một số thành phố kỹ nghệ “tiêu biểu” — đã cung cấp vài dữ kiện xác minh tình trạng leo thang của chiến tranh giai cấp. Theo bản báo cáo ấy, chỉ có 10,6% người được nghiên cứu thấy rằng không có “xung khắc quyền lợi” [xã hội hoặc giai cấp] trong khi đó 89,4% nghĩ rằng đang có “các xung khắc” giữa một số hoặc tất cả các giai tầng hoặc giai cấp xã hội. Các nhóm xã hội có ý thức “đấu tranh giai cấp” mạnh mẽ nhất là các doanh gia tư nhân (100%) và các công nhân bị sa thải (90,5%). Tại hai thành phố Thiên Tân và Chân Ninh, tỉ lệ phần trăm các công nhân kỹ nghệ được thăm dò than phiền về lợi tức “bất bình đẳng” tương ứng với mỗi nơi là 81% và 89%. [8] Có bằng chứng ngày càng nhiều là sự đối kháng giai cấp không còn chỉ nằm trên giấy tờ nhưng đã phát sinh những yêu cầu đặc biệt trên căn bản giai cấp đặt ra cho nhà nước. Tại thành phố Hạ Phì, khoảng 85% công nhân kỹ nghệ, dù đang có việc làm hoặc thất nghiệp, nói rằng họ muốn chính phủ đánh thuế người giàu nặng hơn và tăng trợ cấp xã hội cho người nghèo; ngược lại các doanh gia tư nhân thì phản đối cả hai ý tưởng đó với tỉ lệ 3 chống 1. Tại thành phố Hán Xuyên, 84.4% người lao động nông nghiệp khẩn khoản yêu cầu có những biện pháp tái phân phối có hiệu quả để điều hướng sự bất bình đẳng lợi tức. [9]

Sinh hoạt chính trị và các giai cấp mới
Như lịch sử cho thấy, phát triển tư bản chủ nghĩa có thể sinh ra những nhóm xã hội thúc đẩy cho dân chủ. Dân chủ cũng có thể phát sinh như là phó sản của cuộc đấu tranh giữa các nhóm xã hội khi không một giai cấp đơn độc nào có thể giành được quyền lực, do đó tất cả các giai cấp đều đồng ý về những nguyên tắc cạnh tranh. Liệu Trung Quốc hiện có một giai cấp hoặc nhiều giai cấp thân dân chủ không? Liệu có thể tiến tới một thỏa ước tạm thời (modus vivendi) để thúc đẩy dân chủ? Ðể trả lời hai câu hỏi đó, chúng ta cần khảo sát ba vấn đề liên hệ: 1) bản chất của cuộc đua tranh giữa các giai cấp; 2) mối quan hệ giữa mỗi giai cấp và nhà nước; và 3) các giai cấp khác nhau thẩm định thế nào về những hiệu quả bắt nguồn từ các sản phẩm dân chủ như chủ nghĩa đa nguyên chính trị, chủ nghĩa đa đảng, các cuộc bầu cử tự do, và sự cai trị của đa số.
Không giống hầu hết các giai cấp tương tự ở những nơi khác, các giai cấp giàu có mới phất của Trung Quốc có vẻ không ủng hộ dân chủ. Một là, sự bất ổn kinh tế và sự tuân phục chính trị bao giờ cũng là vận may của họ; cho dù có giai cấp loại này không là thành tố phụ và trực tiếp của các quan chức chính trị nhũng lạm đi nữa, họ vẫn phải lệ thuộc sâu xa vào các tài nguyên đang bị nhà nước độc chiếm. Ðiều độc đáo là chủ nghĩa tư bản tại Trung Quốc vẫn ở trong tầm kiểm soát của ÐCSTQ và những người Trung Quốc thuộc giai cấp trung lưu làm ăn phát đạt là nhờ thị trường thiếu sự quản lý hoàn toàn chủ động của nhà nước nên họ có nhu cầu biến sự phát đạt kinh tế của mình thành phát đạt chính trị.
Còn nữa, tình trạng xung khắc giai cấp đang tăng cường độ và sự sợ hãi của vô số người nghèo đang dồn người giàu từ tư thế thụ động chấp nhận chủ nghĩa toàn trị tới tư thế tích cực ủng hộ nó. Ðối với Trung Quốc, mặc dù một động lực như thế hầu như không là độc nhất, những tình huống đặc biệt có khuynh hướng khích động và làm tồn tại mãi mãi sự đối đầu giai cấp của Trung Quốc theo chiều hướng đưa tới sự hòa giải có tính dân chủ giữa các giai cấp — mà không dính dáng gì tới sự hình thành một liên minh của nhiều giai cấp và thân dân chủ — thì rất không chắc sẽ xảy ra.
Trường hợp Trung Quốc phù hợp với kiểu mẫu đấu tranh giai cấp cổ điển của số ít người giàu chống lại số đông người nghèo. Tuy thế, tại Trung Quốc, sự tập trung cao độ tài sản làm người giàu có sức mạnh vượt trội trong cuộc đấu tranh ấy cho dù sự ít ỏi về số lượng khiến họ cảm thấy mình yếu và dễ bị thương tổn khi đối mặt với khối đa số người nghèo. Trong các cuộc phỏng vấn của tôi với những người Trung Quốc phát đạt, họ phô bày mối thiện cảm đáng kể khi dân chủ được coi ngang với sự cai trị của luật pháp. Khi dân chủ được định nghĩa chủ yếu như là sự cai trị của đa số, mối thiện cảm ấy trở thành nghi ngại. Và khi mô tả thêm nữa về sự cai trị của đa số, như một trò chơi đơn giản bằng các con số trong đó con số lớn nhất sẽ lập chính sách thì hầu hết họ không thể chấp nhận. [10]
Khoảng thời gian ngay trước cuộc dân chủ hóa tại Ðài Loan và Nam Hàn, sự truyền bá sâu rộng về các phúc lợi của tăng trưởng kinh tế đã làm tăng thêm các giai cấp trung lưu một cách có ý nghĩa và làm giảm giai cấp lao động truyền thống và giai cấp “hạ cấp”. Cấu trúc giai cấp mới này thuận lợi cho dân chủ vì: 1) làm dịu sự đối kháng giai cấp cùng khuynh hướng đi theo chủ nghĩa cực đoan chính trị của nó; 2) làm cho giai trung lưu đông đảo ngày nay có thể hình dung rằng, trong hoàn cảnh dân chủ, nó là kẻ có khả năng chiến thắng hoàn toàn.
Chẳng bao lâu, cuộc phát triển tư bản tại Trung Quốc không phát sinh những kết quả giống như thế. Có nhiều khả năng thế hệ hiện nay của những người Trung Quốc giàu có hơn sẽ tiếp tục nhìn những mạo hiểm dân chủ hóa là quá nặng cho phúc lợi của họ. Ai cũng biết rằng đại đa số người Trung Quốc thiếu học đều ít có hy vọng làm cho mình trở thành giai cấp trung lưu và rằng người giàu sẽ tiếp tục trông vào nhà nước toàn trị để bảo vệ tài sản của mình. Lại càng cần phải tạo sự bảo vệ của nhà nước hơn nữa khi tình trạng phân cực kinh tế xã hội ngày càng tồi tệ khiến người nghèo có quan điểm chính trị cực đoan, do đó làm cho người giàu hoảng sợ thêm lên. [11]
Trong lúc các giai cấp giàu có chống lưng cho sự ổn định của chế độ toàn trị, các giai cấp thấp hơn dường như đang đi tới đối lập với chế độ. Nhưng họ không kêu gào dân chủ mà chỉ biểu lộ xu hướng cách mạng bằng hình thức các cuộc biểu tình hoặc nổi loạn trên đường phố mà mới đây đã trở thành bạo động hơn và có tổ chức hơn. Sự đột phá có tính cách mạng ấy tới lượt nó gây lo lắng cho người giàu có và kéo họ vào với nhau để chống lại sự trao quyền cho quần chúng, và kết chặt một liên minh giữa người giàu có và chế độ để “ủng hộ sự ổn định”.
Tại Trung Quốc, sự cực đoan hóa của người nghèo có thể có những cội rễ sâu xa hơn sự nghèo nàn vật chất. Những chênh lệch lợi tức khó biện minh hơn ở Trung Quốc nơi có truyền thống mạnh mẽ về chủ nghĩa bình đẳng. Nếu tình trạng thù nghịch của người giàu và người nghèo vẫn còn là vấn đề giữa các giai cấp xã hội thì không nhất thiết nó sẽ leo thang thành bạo động hay cách mạng như từng được xác nhận qua kinh nghiệm của một số xã hội tư bản, nơi vai trò chủ yếu của nhà nước (điển hình là nhà nước toàn trị) là làm trung gian hòa giải giữa các giai cấp đang đấu tranh nhau. Nhưng mọi sự đó sẽ thay đổi nếu chế độ đó bắt đầu trở thành nguyên ủy của đau khổ và bất bình của quần chúng. Tại Trung Quốc, nỗi đắng cay vì lỗ hổng lợi tức đang nung nấu cảm xúc chống chế độ vì: 1) các quan chức thất bại trong việc hạn chế nạn tham nhũng, nguồn cội của rất nhiều lợi tức phi pháp; và 2) chế độ đã làm quá ít trong công tác xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh Trung Quốc, sự thất bại thứ hai ấy đặc biệt gây tổn thương cho tính chính thống của chế độ. Với truyền thống phi dân chủ, với các phương thế không được luật pháp công nhận để người nghèo tổ chức và nói lên những bất bình của họ và với một lịch sử đế chế trong đó các triều đại bị lật đổ bởi cách mạng, thì chỉ ngạc nhiên chút ít việc Trung Quốc đang chứng kiến một số hành động cực đoan do bởi hàng triệu người bất mãn.

Những chọn lựa của chế độ
Các lãnh tụ của ÐCSTQ nắm chìa khóa tương lai chính trị Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục từ chối giải phóng hóa và cải cách dân chủ thì đại bộ phận nhân dân sẽ vượt qua cơn sợ và tiếp theo đó hoặc sẽ lâm vào tình trạng vô chính phủ hoặc sự cai trị của ÐCSTQ sẽ kết liễu. Cả hai nỗi sợ ấy hiện được chứng minh. Các lãnh tụ nhận ra đang có nguy cơ vì lỗ hổng lợi tức ngày càng rộng nhưng họ thiếu năng lực để đưa ra giải pháp lâu dài. Chế độ không thể chấm dứt tình trạng ung thối của hầu hết các kỹ nghệ quốc doanh cũng như không có các cơ chế đủ hiệu năng để chế ngự tác phong luồn lách hoặc trộm cướp của cán bộ địa phương. Các công ty quốc doanh thua lỗ đang bòn rút hết ngân sách nhà nước. Một hệ thống thuế má mới làm lợi cho địa phương thì chính trung ương phải trả giá, gây trở ngại thêm cho Bắc Kinh trong việc lập mạng lưới an sinh xã hội cho cả nước. Trong những tình huống như thế, nếu nhà nước muốn làm chậm lại hoặc chấm dứt tình trạng gia tăng mạnh mẽ sự bất bình đẳng lợi tức, nó sẽ phải chuyển chi phí xóa đói giảm nghèo qua cho người giàu, do đó, nó đứng về một phe trong cuộc xung khắc giai cấp.
Vì ÐCSTQ tự tuyên bố mình là giai cấp lao động nên việc “cướp của người giàu chia cho người nghèo” — triệt phú trợ bần — là một chọn lựa hợp lô-gic. Nhưng không nhiều thì ít, giới lãnh đạo dường như bác bỏ giải pháp đó, không chỉ vì giai cấp giàu có mới phất “hối lộ” lãnh đạo Đảng hoặc nói cách khác, đạt được ảnh hưởng chính trị trực tiếp mà còn vì nền kinh tế tư nhân và các giai cấp điều hành nền kinh đó đã trở thành niềm hy vọng độc nhất cho sự tăng trưởng liên tục. Trung Quốc hiện nay sở hữu hơn một nửa GDP từ các công ty quốc doanh. Năm 1998, kinh tế tư nhân trả 46% tổng số tiền thuế cả nước [12] . Trong các năm vừa qua, vốn tư nhân được kết toán là 35% tổng số đầu tư nhưng đóng góp tới 60% vào sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc [13] . Người ta ước lượng tới năm 2004, kinh tế tư nhân sẽ lên tới 60% nền kinh tế quốc gia và thuê mướn 75% lực lượng lao động của Trung Quốc. [14]
Với việc giai cấp kinh doanh không muốn chuyển giao thêm của cải của nó, nhà nước đảng trị sẽ không có khả năng phân phối thêm lợi tức cho người nghèo trước khi khổ nạn gia tăng. Ðể duy trì thành tích tốt của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc và nâng cao tính cạnh tranh bén nhạy của nó — điều kiện tiên quyết cho sự sống sót của chế độ — nhà nước đảng trị phải đứng chung hàng ngũ với tư bản và theo đuổi chính sách khuếch tán lợi ích đầu tư [15] , hoặc cách khác, cố gắng làm thế nào để cân bằng quyền lợi của các giai cấp đối kháng nhau. Về điểm này, dường như chủ nghĩa thựïc dụng kinh tế tuyệt đối đang thúc ép chế độ của ÐCSTQ lấy các giai cấp giàu có làm căn bản ủng hộ của nó, và chọn ổn định hơn là cải cách thêm nữa.Quyền lực trung ương chống quyền lực địa phương
Ðể sang một bên những lợi ích chung chia giữa nhà nước đảng trị và các giai cấp giàu có mới phất, người ta chưa có thể kết luận sớm sủa rằng cả hai đang xây dựng một liên minh bền chặt. Một phần vì các căng thẳng nội bộ của nhà nước cộng sản đảng trị giữa trung ương và các bộ phận địa phương khác nhau. Vì trên thực tế, giới cầm quyền địa phương của ÐCSTQ từ lâu đã đứng chung hàng ngũ với người giàu: thí dụ, trong các tranh chấp lao động, đặc thù của chính quyền địa phương là đứng về phía tư bản. Trong thế cộng sinh gần như chẳng cần che đậy giữa cán bộ địa phương và doanh nghiệp tư nhân thì phía thứ hai này cung cấp phần lớn thu nhập của chính quyền bằng việc trả thuế và thuê nhân công; thường xuyên tham gia, một cách quyết định, vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội địa phương mà thành bại của nó là một trong những tiêu chuẩn chủ yếu cho sự thăng quan tiến chức của cán bộ. Tới lượt mình, cán bộ đánh thuế nhẹ hơn, cung cấp hợp đồng và cho vay mượn tiền của chính quyền, để thông thường nhận lại không chỉ sự đề bạt chức vụ mà còn những cổ phần thật sự lấy từ lợi nhuận kinh doanh.
Về phần nhà nước trung ương thì dây liên kết với giới tư bản giàu có phải được duy trì dù có cảm thấy gớm ghiếc tới mấy đi nữa. Có những dấu hiệu gợi cho thấy cấp lãnh đạo chóp bu vẫn không quyết định chính xác rằng dây liên kết ấy nên thân cận tới đâu và công khai như thế nào. Bên trong hàng ngũ thượng đỉnh của ÐCSTQ vẫn hiện hữu nhóm “khuynh tả” (chống chủ nghĩa tư bản) mà tiếng nói của họ không thể bị hoàn toàn bỏ lơ. Ðể tránh những gì làm cho người nghèo xa lánh thêm, các lãnh tụ hiện nay quyết định lưu giữ sự cam kết chính thức của ÐCSTQ với xã hội chủ nghĩa cùng tư thế “đảng của giai cấp lao động”, và thêm ngân khoản xóa đói giảm nghèo dù sự gia tăng ấy không đủ để thu hẹp hoặc thậm chí giữ yên lỗ hổng lợi tức đang rộng thêm.
Sự thiếu năng lực tài chánh và chính trị của ÐCSTQ trong việc giảm thiểu tình trạng phân cực kinh tế xã hội đang trở thành một trong những lý do chủ yếu khiến cuộc phát triển tư bản tại Trung Quốc không nhất thiết dẫn tới dân chủ hóa (ít nhất qua mọi mặt diễn tiến trong một tương lai gần). Khi nghèo đói và bất bình đẳng lợi tức tiếp tục càng ngày càng thêm tồi tệ, biến chính quyền thành mục tiêu sôi sục phẫn nộ của quần chúng thì đang lờ mờ hiện ra tình thế cách mạng. Tình thế đó gây kinh hoàng giới lãnh đạo ÐCSTQ cũng như các giai cấp giàu có, và làm khuynh hướng chống dân chủ của họ thêm kiên định. Vì chế độ đảng trị của ÐCSTQ không chịu tái điều hướng ngân sách, rút bớt chi phí dành cho các dự án quân sự cùng các dự án khác, nên nó chỉ có thể tái phân phối lợi tức bằng cách “rút tỉa của người giàu”. Nhưng chế độ không dám đi quá xa theo chiều hướng ấy vì e rằng việc đó có thể làm xẹp các động lực tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Quốc. Cũng có thể vì người giàu, đặc biệt ở cấp địa phương, đang sở đắc những ảnh hưởng quan trọng lên chính sách. Càng triển khai cuộc cải cách theo định hướng tư bản chủ nghĩa thì người giàu càng có thêm của cải, có ảnh hưởng hơn và quyền lực hơn. Nhà nước dĩ nhiên cũng có lợi vì thu nhập gia tăng khiến nhà nước có thêm tiền do bởi tăng thêm tiền thuế. Nhưng đồng thời nhà nước lại càng phải dựa thêm nữa vào người giàu khiến nó lại càng ít có vẻ sẽ có một sự tái phân phối nào đó do nó chi trả. Hậu quả là, Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn của trấn áp chính trị và thôi thúc cách mạng củng cố lẫn nhau trong tình trạng xung khắc giai cấp ngày càng sâu sắc tới độ ngăn không cho xảy ra một cuộc khai mở chính trị êm thắm.

----------------------------------
An Chen (Trần An 陳安) - tiến sĩ Ðại học Yale, phó giáo sư môn khoa học chính trị, Ðại học Quốc gia Singapore, từng là thành viên nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông là tác giả cuốn Restructuring Political Power in China: Alliances and Opposition, 1978-1998 (1999)– Tái cấu trúc quyền lực chính trị tại Trung Quốc: Các liên minh và đối lập, 1978- 1998.
Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online

----------------------------------------------

[1]Ruth Brins Collier, Paths Towards Democracy: The Working Class and Elites in Western Europe and South America – Những con đường tiến tới dân chủ: giai cấp lao động và giới tinh hoa tại Tây Âu và Nam Mỹ (New York: Cambridge University Press, 1999), 188.
[2]Weber có ý nói tới chính quyền này như là một chính quyền “lấy sự thống trị làm căn bản chính thống.” Xem H.H. Gerth và C. Wright Mills, biên tập, From Max Weber: Essays in Sociology – Tuyển Max Weber: các luận văn xã hội học (New York: Oxford University Press, 1946) 78-79. Có vẻ an toàn khi nói rằng ngày nay, chính quyền này có chút gì đó nhạt nhòa, đặc biệt nơi các mảng của xã hội Trung Quốc mà người ta thấy bị nhiều ảnh hưởng của phương tây. Nhưng có khuynh hướng ngược lại. Quá khứ toàn trị và gần như tất cả những gì dính líu tới nó đều được giữ cho tươi nhuận trở lại bằng một tình trạng dồi dào các tác phẩm văn học, phim ảnh, tuồng tích vô tuyến truyền hình trình bày sinh hoạt chính trị của các vua chúa xa xưa. Ám ảnh người dân bình thường bằng những câu chuyện mô tả đời sống của các hoàng đế Trung Hoa, những âm mưu cung đình cùng với những sự khác, gợi lên ảnh hưởng có thật và sự có mặt khắp nơi của truyền thống chính trị và văn hóa Trung Hoa.
[3]Xem Lu Xyeyi, biên tập. Dangdao Zhonguo Shehui Jieceng Yanjiu Bangao - Báo cáo về cuộc nghiên cứu các giai tầng xã hội đương đại Trung Hoa (Beijing: Shehui Kexue Wenxian Chubanshe, 2002), 160-98.
[4]An Chen, “Capitalist Development, Entrepreneurial Class, and Democratization in China, Political Science Quartely 117 – Phát triển tư bản, giai cấp doanh gia và dân chủ hóa tại Trung Quốc, Quí san Khoa học Chính trị số 117” (Mùa thu 2002), 401-22 . Thẩm định này dựa trên những tính toán của tôi lấy từ các dữ kiện tiêu biểu cùng các thống kê chính thức.
[5]Xem Long Hua, “Zhonguo Zhenzhi Fazhan Keneng Yinqi de Shehui Wenti, Xin Bao – Các vấn đề xã hội mà phát triển chính trị của Trung Quốc có thể đem tới, Tân Báo”, (Hongkong Economic Journal), số 13 tháng Chín 2000, 20; “Chang Xinghua, Jinji Biange Zhongde ‘Heixiang’ – ‘Hộïp đen’ trong cuộc chuyển thể kinh tế”. (Zhuhai, Guangdong: Zhuhai Chubanshe, 1998), 202.
[6]World Band, World Development Indicators 2000 – Biểu đồ phát triển trên thề giới năm 2000 (Washington D.C.), 66.
[7]Xinhua News Agency – Tân Hoa Xã, 11 tháng Ba 2002.Theo báo cáo mới nhất về chỉ số Gini thì Trung Quốc (44.7, 2001), Việt Nam (36.9, 2002). Wikipedia Encyclopedia – www.wikipedia.org – ghi thêm của người dịch
[8]Lu Xueyi, biên tập, Dangdai Zhongguo, 42-43, 80.
[9]Lu Xueyi, biên tập, Dangdai Zhongguo, 115
[10]Những cuộc phỏng vấn và thăm dò này được xúc tiến tại năm tỉnh của Trung Quốc từ năm 1998 tới 2000.
[11]Như Edward N. Muller quan sát, mức độ cao về bất bình đẳng lợi tức thì bất lợi cho dân chủ hóa vì sự bất bình đẳng cực độ khiến giai cấp lao động “dễ mắc vào những yêu cầu cách mạng có tính xã hội chủ nghĩa, mà sẽ ngăn chặn một sự liên minh thân dân chủ rộng rãi của giai cấp lao động và giai cấp trung lưu.” Xem Edward N. Muller, “Economic Determinants of Democracy – Yếu tố quyết định có tính kinh tế của dân chủ,” trong Manus I. Midlarsky, biên tập, Inequality, Democracy and Economic Development – Bất bình đẳng, dân chủ và phát triển kinh tế (New York: Cambridge University Press, 1997), 133-55.
[12]“Feigong Jingji Nashui zhan Zhongguo Banbi Jiangshan – Tiền thuế thu từ khu vực phi quốc doanh chiếm một nửa tổng thu nhập từ thuế của Trung Quốc, Qianshao - Tiền đạo số 104 (tháng Chín 1999): 135.
[13]Wang Jiahang, “Minying Qiye Chengwei Ziben Shichang Xinliangdian – Các công ti tư nhân trở thành ngọn đèn pha mới trong thị trường tư bản”, có sẵn trên mạng tại địa chỉ www.peopledaily.com.cn, 10 tháng Chín 2002.
[14]Dexter Robert và những tác giả khác, “China’s New Capitalism – Chủ nghĩa tư bản mới của Trung Quốc,” có sẵn trên mạng tại địa chỉ www.businessweek.com (BusinessWeek Online)
[15]Một chính sách đặt căn bản trên lý thuyết kinh tế rằng nguồn tài chánh đổ vào kinh tế, đặc biệt từ chính phủ, sẽ kích thích tăng trưởng nhờ phân phối qua các doanh nghiệp lớn, hơn là qua những phúc lợi trục tiếp như trợ cấp xã hội hoặc các công trình công cộng,v.v. — ghi chú của người dịch


No comments: