Tuesday, September 8, 2009

GIÁO DỤC và CHÍNH TRỊ


Giáo dục và chính trị
Đinh Từ Thức
08/09/2009 11:44 sáng
http://www.talawas.org/?p=10001
Đề tài giáo dục và chính trị từ trước tới nay đã được thảo luận nhiều. Nhân mùa khai trường, người viết chỉ muốn ghi lại sau đây mấy sự việc có tính thời sự. Không so sánh, không khen chê, không kết luận. Những công việc này, xin dành cho quý bạn đọc.

Nguyễn Minh Triết và giáo dục Mỹ – Việt
Trong bàn tròn về giáo dục tại trường New School ở New York, ông Triết nói giáo dục là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm và có vai trò hàng đầu trong việc phát triển.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng nghiên cứu, lựa chọn và học tập nền giáo dục ở các nước nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nền giáo dục ở Hoa Kỳ.”
“Chúng ta nhìn ra thế giới hàng năm có các giải thưởng cao quốc tế, các nhà khoa học Hoa Kỳ chiếm rất đông, gần như tuyệt đối. Điều này nói lên chất lượng của giáo dục đại học ở Hoa Ky, một nền giáo dục dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc và ứng dụng hiệu quả.”
“Vì vậy Việt Nam rất mong được quan hệ hợp tác với nền giáo dục Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn học tập kinh nghiệm của các bạn và được các bạn giúp đỡ rất thành thật.”
“Trong chuyến thăm lần này của tôi tới Hoa Kỳ, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Bush, tôi cũng đưa vấn đề này ra.” (Tin BBC 21-6, 2007)
[1]

Hồ Chí Minh và giáo dục Việt Nam
I. Đại học
Ở trong trường đại học, lâu nay các môn chính trị mà sinh viên Việt Nam bắt buộc phải học bao gồm: triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tất cả những môn học này đều nhằm nói lên tính ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lênin, của chủ nghĩa xã hội khoa học, và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các sinh viên thường được dạy rằng chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, hay Việt Nam đã bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên giai đoạn phát triển xã hội chủ nghĩa và cái mốc cuối cùng nhắm đến là chủ nghĩa xã hội khoa học (Tin RFA 31- 8, 2009)
[2]
II. Tiểu học
Trẻ 4-5 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ, lăng Bác Hồ; thích và thuộc một số bài hát, bài thơ về Bác Hồ.
Trẻ 5-6 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ, chỗ ở, nơi làm việc của Bác Hồ, biết một số bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ (Tin RFA, 4-3, 2009)
[3]

Barack Obama và giáo dục Hoa Kỳ

I. Cha mẹ chống diễn văn của Obama cho học sinh
Houston. – Việc Tổng thống Obama định đọc một diễn văn cho các học sinh trường công vào ngày thứ Ba đã gây ra chống đối trong số các cha mẹ bảo thủ, họ kết án Tổng thống đã cố gắng truyền bá tư tưởng xã hội cho con cái họ và yêu cầu giới chức giáo dục cho con họ được miễn nghe.
Vụ ồn ào chống đối bài diễn văn, trong đó ông Obama chủ ý muốn thúc đẩy học sinh chuyên cần và đừng bỏ học, đã đặc biệt khẩn trương tại Texas, nơi nhiều học khu cấp quận, do áp lực của cha mẹ, đã có kế hoạch để học sinh được tự chọn có muốn nghe Tổng thống nói hay không.
Một số cha mẹ nói rằng họ quan tâm đến việc này vì nội dung diễn văn của Tổng thống chưa được lọc qua về chính trị. Cũng chưa được kiểm điểm bởi Hội đồng Giáo dục (Board of Education) Tiểu bang và địa phương, mà theo luật, các cơ quan này phải chấp nhận học trình.
Kỹ sư Brett Curtis ở Pearland, Texas nói rằng ông sẽ giữ ba đứa con ở nhà, vì “Điều khiến tôi quan tâm nhất là có vẻ như một kênh trực tiếp từ Tổng thống Hoa Kỳ đến lớp học, tới con tôi”.
“Tôi không muốn nhà trường được trao cho một phong trào xã hội nào đó.”
Tòa Bạch ốc đã nói bài diễn văn sẽ nhấn mạnh về sự quan trọng của giáo dục và tính chăm chỉ tại học đường, cả cho cá nhân lẫn quốc gia. Các giới chức nói: Thông điệp không có tính cách đảng phái, cũng không cưỡng bách.
Bà Sandra Abrevaya, người phát ngôn của Bộ Giáo dục nói: “Đây không phải là diễn văn về chính sách. Nó được dùng để khuyến khích trẻ em gắn bó với nhà trường. Lựa chọn để trình bầy hay không bài diễn văn trước học sinh hoàn toàn là quyền của mỗi trường. Đây là chuyện tuyệt đối tự nguyện.”
Bài diễn văn của ông Obama đã được loan báo từ nhiều tuần, nhưng sự giận dữ trong hàng ngũ bảo thủ lên cơn sốt vào sáng thứ Tư, khi các mạng lưới điện tử và các nhà phụ trách sô đàm thoại bắt đầu chống đối nó.
Mark Steyn, một tác giả và nhà bình luận Canada, nói trên sô của Rush Limbaugh vào hôm thứ Tư, buộc tội ông Obama đang thử tạo ra một thứ thần tượng cá nhân, có thể so sánh với Saddam Hussein và Kim Jong-il, nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên.
Chủ tịch Đảng Cộng hòa tại Florida là Jim Greer nói, ông “đã kinh hãi về việc tiền thuế bị dùng để phổ biến tư tưởng xã hội của ông Obama”.
Và Chris Stigall, một chủ sô đàm thoại ở Kansas City nói: “Tôi không để láng giềng của tôi nói chuyện riêng với con tôi; thì chắc chắn là tôi không để Barack Obama nói riêng với nó”.
Các Tổng thống trước đã có thăm trường học và nói thẳng với học sinh, tuy ít vụ như thế được phát tán trực tiếp. Ông Obama nói vào buổi trưa, giờ miền Đông, tại một trường trung học ở Virginia, và được phát tán trực tiếp trên Web site của Tòa Bạch ốc.
Tổng thống George Bush cha, thuộc Đảng Cộng hòa, đã làm chuyện tương tự, truyền đi toàn quốc một diễn văn từ một trường trung học ở Washington vào năm 1991, thúc giục học sinh chăm chỉ, tránh ma túy, và đừng để ý tới những đồng bạn cho rằng “thông minh không đáng nể”. Các thành viên Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ đã cáo buộc ông dùng tiền thuế – 27 ngàn đô la chi phí – để trả tiền quảng cáo chính trị.
Tuần này, giới chức học đường không phải chỉ nghe tiếng nói của các cha mẹ về vấn đề này từ Texas, mà còn từ nhiều nơi khác nữa, như California, Colorado, Connecticut, Georgia, Illinois, South Carolina và Utah.
Herb Garrett, giám đốc chấp hành của Hội các nhà Tổng Quản trị Học khu Georgia nói nhiều thành viên của hội cảm thấy vụ tranh cãi đã đặt họ vào tình trạng lúng túng, dễ bị các chủ sô đàm thoại bảo thủ tấn công nếu họ dùng giờ học cho diễn văn của ông Obama. Nếu không làm như vậy, họ lại bị cáo buộc bất kính đối với Tổng thống.
Ông Garrett nói: “Có một bên không thắng”.
Tại Texas, lời nhắn qua điện thoại và email tràn ngập văn phòng của các giới chức học đường địa phương. Bà Susan Dacus, người phát ngôn của học khu độc lập quận Wylie ở ngoại ô Dallas, nói: Cả ngày tôi không nhận được một lời tích cực.
Giới chức tại Wylie đã quyết định cho thu diễn văn, kiểm điểm rồi để cá nhân giáo chức trình bầy nó, cho học sinh cơ hội tránh nghe, nếu muốn.
Theo người phát ngôn của học khu Houston là Lee Vera, các thầy cô giáo được yêu cầu cho cha mẹ học sinh biết nếu họ muốn trình bầy diễn văn, và nhà trường sẽ có lớp học thay thế cho những học sinh cha mẹ chống lại.
Tuy nhiên, một số cha mẹ ở Houston cho rằng, nói với học sinh rằng không nên nghe Tổng thống Hoa Kỳ, dù rằng cha mẹ không thích những chính sách của ông, là gửi đi một thông điệp sai lầm – rằng người ta không nên nghe từ người mình không đồng ý.
Phyllis Griffin Epps, một nhà phân tích, làm việc cho thành phố có hai con học trường công, nói rằng: “Đối với tôi, thật khó hiểu tại sao nghe Tổng thống, vị tổng tư lệnh, công dân số một trong nước, lại thiệt hại cho giới trẻ hôm nay” (Tin của New York Times 3 tháng 9, 2009).
[4]

II. Đem hình ảnh Obama vào đầu óc trẻ con
Việc Tổng thống Obama lên kế hoạch đọc diễn văn cho học sinh Hoa Kỳ nghe vào ngày mùng 8 tháng Chín đã gây ra một trận bão tranh cãi nẩy lửa từ những bậc cha mẹ quan tâm, những người nghĩ rằng Tổng thống chỉ nên lo công việc của mình và đừng động tới con cái họ. Rất dễ hiểu tại sao.
Theo một văn thư ngày 26 tháng 8 của Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan gửi cho các hiệu trưởng, Tổng thống muốn “thách thức học sinh chuyên cần, định hướng giáo dục và nhận trách nhiệm về việc học của mình”. Ông cũng sẽ kêu gọi “chia sẻ trách nhiệm và cam kết về phía học sinh, cha mẹ, và nhà giáo, để bảo đảm rằng mỗi đứa trẻ trong mỗi trường đều tiếp nhận nền giáo dục tốt nhất có thể”.
Nếu diễn văn chỉ đơn giản giới hạn trong phạm vi “nghĩ hay nói giỏi” này thì cũng chẳng hại gì. Nhưng còn nhiều thứ trong sự cố buổi trưa này hơn là chỉ giản dị gián đoạn bữa ăn trưa. Chính quyền Obama đã yêu cầu một loạt hoạt động trước, trong khi và sau diễn văn có chủ đích học tập thông điệp của Tổng thống. Với sự kiện các nghiệp đoàn giáo chức trong số thành phần tích cực ủng hộ ông Obama, chúng tôi cho rằng các hoạt động phụ trợ sẽ giống như biểu dương ủng hộ Obama.
Trong một việc làm khiến người ta liên tưởng tới hệ thống giáo dục công lập Bình Nhưỡng, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ yêu cầu là trước diễn văn, học sinh thảo luận tập thể về những câu hỏi như, “Tại sao Tổng thống Obama muốn nói với chúng ta hôm nay? Ông gây phấn khởi trong chúng ta như thế nào?” Các lớp học sẽ trang hoàng với “Những câu trích lấy từ (và viết bằng chữ lớn trên bảng) diễn văn của Tổng thống Obama về giáo dục”, chẳng khác gì những thứ đặt cạnh hình ảnh nhân từ của lãnh tụ khả ái.
Một trong những trích dẫn ưng ý nhất của chúng tôi là câu từ một diễn văn ngày 9 tháng Chín, 2008, trong đó, ông Obama nói rằng chính quyền ông sẽ cải tổ giáo dục “không vay từ tương lai con cái chúng ta món nợ lớn hơn”. Câu trích này đặc biệt nổi bật sánh với sự kiện là vị Tổng thống này đã chi tiêu bừa bãi làm cho khoản nợ của quốc gia đạt mức cao không chịu nổi, khiến cho con cái chúng ta (và con cháu của chúng) sẽ phải trả nợ đến mãn đời. Các lớp, hãy nói về mình.
Trong khi Tổng thống đọc diễn văn, học sinh phải bận rộn với cơn ác mộng, ghi xuống những quan niệm chính của diễn văn, ráng chọn ra những câu trích trực tiếp, sau đó sẽ ghép chúng với những từ khóa “để gia tăng thêm trí nhớ và sâu thêm sự hiểu biết về khía cạnh quan trọng của diễn văn”.
Đây là điều nguy hiểm vì ông Obama đã có một quá khứ hoạt động cấp tiến tại học đường. Tuần này, Stanley Kurtz của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công đã tiết lộ những chi tiết khi ông Obama là chủ tịch tổ chức Chicago Annenberg Challenge vào thập niên 1990, nơi ông đã liên kết chặt chẽ với một người cộng tác thân cận tự nhận mình là cộng sản (“c” nhỏ) Bill Ayers. Dưới sự lãnh đạo của ông Obama, nhóm này đã ủng hộ 100 triệu đô la cho các nhà hoạt động cánh tả để vận động cho các chương trình chính trị cấp tiến trá hình dưới bề mặt cải tổ giáo dục.
Phía cấp tiến luôn luôn coi trẻ em dưới sự cai quản của quốc gia để uốn nắn chúng thành những đạo quân đột khởi hầu thăng tiến lịch trình cách mạng của họ. Đó là tư tưởng có nguồn gốc cổ thời. Plato nói “con trẻ phải đến trường, dù cha mẹ có muốn hay không; vì chúng thuộc về quốc gia nhiều hơn về cha mẹ chúng”. Mọi nhà lãnh đạo cấp tiến của thế kỷ 20 đều đặt việc truyền bá tư tưởng cho trẻ em lên đầu chương trình hành động. Cho nên, khi một người có quá khứ như ông Obama với thẳng tới mỗi trường trên đất Mỹ, cha mẹ quan tâm là phải.
Bài diễn văn đã lên kế hoạch làm chắc thêm yếu tố lo sợ thầm kín chung quanh việc gầy dựng thần tượng cá nhân cho vị Tổng thống này. Tòa Bạch ốc đang cho rằng diễn văn có tính “lịch sử”, và có lẽ họ tin như cậy. Nhưng không có lý do gì để liên bang xâm nhập vào chuyện của gia đình và cộng đồng. Không phải là việc của Tổng thống để đóng vai trò cha mẹ, thầy giáo hay hiệu trưởng đối với trẻ em Hoa Kỳ. Tốt hơn, ông ấy nên phục vụ con em chúng tôi, bằng cách đừng làm cho phá sản đất nước mà chúng sẽ thừa kế.
(Bình luận của Washington Times, 3 tháng 9, 2009)
[5]

© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 talawas blog


---------------------------------------------

[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/06/070621_triet_education.shtml
[2]http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-Vietnamese-students-think-about-compulsary-political-subjects-Mark-Lenin-study-and-HCM-Thought-08312009082322.html
[3]http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reading-viet-blogs-only-adults-can-meet-with-the-ministry-of-education-standard-set-for-5-years-old-kids-tgiao-03042009133808.html?searchterm=None
[4] http://www.nytimes.com/2009/09/04/us/04school.html?_r=1&hp
[5]http://www.washingtontimes.com/news/2009/sep/03/beaming-obama-into-your-kids-head/print/


Phản hồi


Đinh Từ Thức nói:
08/09/2009 lúc 12:17 chiều
Do quan tâm của dư luận, Bạch ốc đã post toàn thể bài diễn văn dài 18 phút, 24 giờ trước khi Tổng thống Obama đọc tại trường Trung học Wakefield ở Arlington, ngoại ô Washington D.C. vào buổi trưa ngày 8 tháng 9, 2009. Độc giả có thể đôc theo link sau đây:
http://www.whitehouse.gov/MediaResources/PreparedSchoolRemarks/


No comments: