Thursday, September 24, 2009

GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM : MUỐN TRUNG THỰC RẤT KHÓ


Giáo dục: Muốn trung thực cũng khó
Nguyễn Hưng Quốc
24/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-24-voa13.cfm
Một đề thi Văn trong kỳ thi đại học tại Việt Nam cách đây mấy tháng gây khá nhiều xôn xao trong dư luận.
Đó là câu hỏi số 2: “Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn (1809-1865) viết: ‘Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.’ (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.135). Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.”

Xôn xao, trước hết, vì người ta khám phá bức thư nói là gửi cho thầy hiệu trưởng ấy, thật ra, không phải do Abraham Lincoln viết. Xôn xao vì một lẽ khác nữa: vấn đề đặt ra trong đề thi trái ngược hẳn với thực tế cuộc sống tại Việt Nam, và do đó, chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít cho học sinh.
Tôi không đề cập đến khía cạnh thứ nhất; chỉ xin tập trung vào khía cạnh thứ hai.

Ai cũng biết gian lận là một thói xấu.
Gian lận trong thi cử lại càng là một thói xấu cần được ngăn chận và trừng phạt.
Không phải gian lận trong thi cử gây tác hại cho xã hội nhiều hơn các hình thức gian lận khác. Mà, lý do chính là vì gian lận trong thi cử, ở lứa tuổi học trò, lúc các em đang trong quá trình được uốn nắn về đạo đức, sẽ có tác hại lâu dài trong việc hình thành tính cách của các em về sau. Có thể nói một thanh thiếu niên gian lận trong việc học tập và thi cử rất khó có thể trở thành một người ngay thẳng ở tuổi trưởng thành được.
Bởi vậy không ai có thể phàn nàn về một đề thi nhằm phê phán sự gian lận. Càng không ai có thể phàn nàn nếu trong lớp học, học sinh được dạy dỗ về tính trung thực.

Có lẽ ở đâu người ta cũng dạy như thế. Tại Úc, ở tất cả các trường đại học, mỗi lần sinh viên nộp bài, họ đều phải ký tên xác nhận về sự trung thực của họ: không đạo văn và không sử dụng bài làm cũ đã từng nộp ở đâu đó rồi.
Có lẽ không phải chỉ ở Úc. Ở hầu hết các nước Tây phương đều thế. Chỉ có điều là, việc giáo dục trong nhà trường không thể tách rời với môi trường đạo đức trong xã hội.

Cái khó đối với các em học sinh ở Việt Nam khi học bài học về tính trung thực là ở chỗ này: Ở đâu các em cũng thấy sự giả dối và gian lận. Hơn nữa, ở đâu sự giả dối và gian lận cũng chiến thắng. Chiến thắng hiểu theo nghĩa là thành công về cả vật chất lẫn tinh thần, vừa có tiền vừa có quyền lại vừa được tôn trọng.

Trong một bài viết được đăng rộng rãi trên nhiều trang mạng, Bùi Hoàng Tám đóng vai học trò viết bài luận văn về đề tài nêu trên. Ông phân tích: “Vâng. Giả dối là nỗi quốc nhục nhưng buồn thay, chúng ta đang phải sống chung với sự giả dối dù trong sâu thẳm, mỗi người đều khao khát được sống trung thực với mọi người, trung thực với chính mình. Thế nhưng ai cho họ sự trung thực? Làm sao có thể sống trong sự trung thực khi xung quanh tràn lan sự lọc lừa, dối trá?”

Ông nêu dẫn chứng: Ngay khi đứa bé còn nằm trong bụng mẹ, nó đã biết đến sự gian lận qua việc bố mẹ lo lót cho bác sĩ siêu âm đế biết bào thai là trai hay gái; mới chào đời, còn nằm trong bệnh viện, bố mẹ đã phải lo lót cho y tá để cô ta tắm đứa bé nhẹ nhàng; lên hai tuổi, muốn đi nhà trẻ, bố mẹ cũng phải hối lộ; lớn lên, đi học, từ tiểu học đến đại học, ở đâu cũng có cảnh đưa “phong bì”. Cả đến chung sự, cũng cần đưa “phong bì” để có được một chỗ nằm trong nghĩa địa.

Bùi Hoàng Tám kết luận:.
Hành trình làm người là hành trình giả dối”

Trong xã hội, ai cũng giả dối.
Nhưng giả dối nhất là ai?

Ở Việt Nam, người ta thường nói: đó là cái loa ở góc phố, cái loa suốt ngày đêm ra rả những điều không thực.
Gần đây, số lượng những cái loa ấy giảm dần. Nhưng chúng không biến mất. Chúng vẫn còn chình ình trên ti vi, trên mặt báo. Chúng vẫn còn chói lói trên các đài phát thanh từ trung ương xuống địa phương. Chúng hoá thân thành trang mạng. Chúng cũng nét-hoá. Cũng blog-hoá. Cũng rất hiện đại.
Chúng tràn vào sách giáo khoa. Chúng trào ra từ miệng các thầy cô giáo. Chúng ngập ngụa trong các bài diễn văn chính trị đọc long trọng trong các hội trường.

Dưới nhan đề “Giá alexa.com biết nói dối”, Anh Hoàng, trên trang mạng
Bauxite Viet Nam đã vạch trần sự giả dối của tờ báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, cơ quan ngôn luận có quyền uy nhất nước.
Nguyên văn bài viết như sau:

Giá alexa.com biết nói dối!
Anh Hoàng
Ngày 3/4/2006, khai trương trang tiếng Trung Quốc của báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, báo này khoe rằng: “Bình quân mỗi tháng, báo có trên dưới 25 triệu lượt người truy cập.”

Trang mạng báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được cấp giấy phép ngày 01/12/2005, tức có hơn 3 năm rưỡi hoạt động, nếu số lượng người truy cập không đổi, thì đến nay số lượng truy cập lên đến hơn 1 tỷ!!!
Nếu quả thực báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút “đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước” như thế thì thật đáng mừng cho sự nghiệp tuyên giáo của Đảng, cho nền báo chí nước nhà.
Ngày hôm nay, 11 tháng 9, alexa.com – trang mạng chuyên xếp hạng các website trên thế giới – cho biết báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đứng thứ 116.901 trên thế giới. Còn bauxitevietnam.info, đến nay, sau chưa đầy 5 tháng, tuy chỉ có tổng số 6,5 triệu lượt người truy cập, nhưng đã chiếm vị trí thứ 54.235, cao gấp đôi báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam!
Than ôi! Giá alexa.com biết nói dối thì tiện cho ông Tổng biên tập Đào Duy Quát biết mấy! Hay ông Tổng lại nói con số 25 triệu là “lỗi kỹ thuật”?!
A.H.

Trên báo Diễn Đàn tại Pháp, cũng có một bài viết tương tự của H.V. với đoạn kết luận như sau:
“Trong lá thư nhân gửi thầy, cô giáo, cha mẹ học sinh... nhân ngày thầy giáo 20.11.2008, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ : “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích, hay rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội.”. Phó thủ tướng còn là người phụ trách chung các mảng văn hoá, báo chí trong chính phủ. Rành rành dưới mắt ông, trên tờ báo của chính Đảng của ông, là một lời nói dối trắng trợn, đang bị cả nước phê phán mạnh mẽ. Rõ ràng, chiếu theo điều 10 của Luật Báo chí thì là một thông tin “sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của một tổ chức” (Đảng Cộng sản VN), nếu ông vẫn ngoảnh mặt làm ngơ thì ai có thể tin vào “lo lắng” của ông trước bệnh giả dối trong xã hội? Câu hỏi đặt ra nhân đầu năm học mới, làm sao ông vực dậy được một nền giáo dục chìm sâu trong bùn đen của giả dối đó?” (
http://www.diendan.org/viet-nam/bao-111ien-tu-111csvn/)

Kết luận của H.V. rất sâu sắc.

Nhưng có lẽ ai cũng biết là nó không mới. Hầu như người nào có chút lương tri cũng đều thấy rõ điều đó.

Ủa, mà nói như vậy có chắc đúng không?
Nhìn vào chính sách cũng như việc làm của giới lãnh đạo, từ lãnh đạo chính trị đến lãnh đạo giáo dục ở Việt Nam hiện nay, không có gì chắc là có nhiều người thấy rõ sự thực ấy cả.



No comments: