Thursday, September 10, 2009

DƯ LUẬN TIẾP TỤC XOAY QUANH BÀI BẤO TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CSVN


Bài báo về cuộc tập trận của Trung Quốc trên biển Đông gây phẫn nộ trong dư luận Việt Nam
Thanh Phương
Bài đăng ngày 10/09/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 10/09/2009 17:06 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/117/article_4907.asp
Dư luận Việt Nam phẫn nộ vì cho là làng báo chính thức của Việt Nam đang bị phân hóa trên vấn đề chủ quyền biển Đông, với nguy cơ là ngay cả báo chí của Việt Nam cũng bị Trung Quốc thao túng.

Ngày 4/9 tờ báo điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đăng bản dịch một bài báo trên tờ Hoàn Cầu, một tờ báo chính thức của Trung Quốc. Bài viết liên quan đến cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, diễn ra ngày 16/8.
Tác giả bài báo trích lời một chỉ huy đội tàu hộ tống Phó tư lệnh hạm đội Nam Hải nói rằng: '' Bất kể binh sĩ hộ tống hàng hay binh sĩ bảo vệ đảo đều có chung một sứ mệnh đó là bảo vệ lợi ích quốc gia, hy vọng các binh sĩ tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam Tổ quốc ''. Theo bài báo, các hoạt động huấn luyện này được bắt đầu từ một sân bay của quần đảo Hoàng Sa.
Ngay sau khi được đăng, bài báo nói trên đã bị nhiều người phát hiện và đã gây phẫn nộ trong dư luận, trong bối cảnh mà một số nhà báo và blogger ở Việt Nam dám lên tiếng chỉ trích Trung Quốc thì lại bị chính quyền câu lưu, bắt giam như những kẻ tội phạm.
Điều làm cho độc giả bất bình đó là báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa bài báo đó lên, mà không hề có một bình luận nào kèm theo để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời họ đưa tin như thể hải quân Trung Quốc là hải quân ta.
Trước những phản ứng phẫn nộ của dư luận, ban biên tập trang điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lặng lẽ rút bài báo đó đi, nhưng cũng không hề có một lời giải thích.

Theo tin từ trang điện tử Bauxite Việt Nam, một blogger có tên là Hoa Phạm đã gọi điện về tòa soạn báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để hỏi lý do tại sao tờ báo này lại đăng bài nói trên, thì được trả lời đó là do lỗi ''kỹ thuật''.
Câu trả lời này lại gây thêm những phản ứng khác trên mạng.

Trên trang blog của ông, nhà báo Nguyễn Vĩnh vừa đăng một bức thư ngỏ gởi cho ông Đào Duy Quát, tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh rằng đưa tin theo kiểu của tờ báo này là một '' sai lầm hết sức nghiêm trọng'', bởi vì về mặt đối ngoại có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc lợi dụng để viện dẫn ra trong việc tranh giành chủ quyền với Việt Nam. Bức thư ngỏ của nhà báo Nguyễn Vĩnh yêu cầu ông Đào Duy Quát, với tư cách Tổng biên tập, phải có lời xin lỗi trên mặt báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên trang điện tử Bauxite Việt Nam hôm qua (9/9), ông Hà Văn Thịnh, thuộc Đại học Khoa học Huế, cũng đã nhấn mạnh điều mà ông gọi là một ''sai lầm có hệ thống'', bởi vì theo ông : '' đăng nguyên xi bài của báo chí nước ngoài mà không bày tỏ quan điểm, tức là mặc nhiên thừa nhận. Như thế chẳng khác gì từ bỏ chủ quyền của đất nước mình. Vậy thì, người dân có quyền đặt câu hỏi là phải chăng đang có một chuỗi các động thái nhằm hướng tới hợp thức hóa chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa?''

Vụ này khiến người ta nhớ lại vụ một trang Web thuộc Bộ Công thương với tên miền chính phủ Việt Nam đã đưa tin khẳng định chủ quyền Hoàng Sa ( mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa ) là của Trung Quốc.
Tháng 8 vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam lại đưa tin '' 25 ngư dân Quảng Ngãi đã từ Trung Quốc trở về'', trong khi những ngư dân này thực ra là bị giữ ở Hoàng Sa, đảo của Việt Nam, tức là Thông tấn xã Việt Nam cũng mặc nhiên xem Hoàng Sa là của Trung Quốc.

Trong khi những tờ báo chính thức đăng các bài báo có lợi cho Trung Quốc, thì những tờ báo khác tiếp tục gặp khó khăn khi đăng những bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam, như trường hợp của tờ Tuổi Trẻ.
Sau khi đăng hai kỳ, tờ báo này hôm nay (10/9) đã phải tạm dừng bài ký sự '' Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau ''. Tờ báo chỉ ra thông cáo ngắn nói họ tạm ngưng vì '' lý do ngoài ý muốn ''.
Nhưng thật ra, lý do có thể là vì bài ký sự này ghi lại lời kể của các cựu quân nhân Hải quân Việt Nam Việt Nam Cộng hòa đã trực tiếp tham gia trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc năm 1974.
Loạt ký sự này nhằm nhắc nhở mọi người đừng quên công ơn những chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống để bảo vệ bờ cõi đất nước.
Khi cho đăng bài ký sự này, chắc chắn là tờ Tuổi Trẻ đã có sự cho phép từ một cấp lãnh đạo nào đó, cho nên việc tờ báo này đột ngột ngưng bài ký sự về Hoàng Sa càng khiến người ta có cảm tưởng là làng báo chính thức của Việt Nam đang bị phân hóa trên vấn đề chủ quyền biển Đông, với nguy cơ là ngay cả báo chí Việt Nam cũng bị Trung Quốc thao túng.

--------------------------

Báo Đảng phạm sai lầm nghiêm trọng trong thông tin về chủ quyền (RFA)
BÁO ĐIỆN TỬ ĐCSVN ĐÃ VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NÀO VỀ BÁO CHÍ ? (Blog Phạm Viết Đào)
Đòi cách chức lãnh đạo báo Đảng (BBC)
THƯ CỦA NHÀ VĂN HÀ ĐÌNH CẨN (trannhuong.com)
Thư ngỏ gửi Tổng biên tập (Nguyễn Vĩnh-TimesQT)
Ứng xử trước sai lầm (Nguyễn Vĩnh-TimesQT)
Thần kinh suy liệt? (blog Nguyễn Văn Tuấn)
Xung quanh bài báo trên trang Điện tử Đảng CSVN: "Sai lầm" có hệ thống (Hà Văn Thịnh)


No comments: