Sunday, September 20, 2009

CÓ THỂ HỌC TẬP MÔ HÌNH TRUNG QUỐC ĐƯỢC KHÔNG ?


Đổi Mới 1986 & Mô Hình Trung Quốc
Ô Sin

September 20 2009
http://www.blogosin.org/?p=1024

Không rõ gần đây, Việt Nam đã “bắt chước Trung Quốc” những gì khiến tờ Nhân Dân Nhật Báo online, hôm 18-9-2009, đòi “Việt Nam cần thực sự nhớ ơn mô hình” của họ. Nhưng, điều mà bài báo này cho rằng: “Cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã đóng vai trò “kim chỉ nam” cho quyết định của Việt Nam vào năm 1986” là không có cơ sở. Mãi tới năm 1990, Việt Nam mới cử đoàn công tác đầu tiên do ông Vũ Oanh, Bí thư Trung ương dẫn đầu qua thăm và “trao đổi kinh nghiệm” cải cách ở Trung Quốc. Năm 1986, Việt Nam vẫn đang coi Trung Quốc là “kẻ thù truyền kiếp”.
Ông Trần Đức Nguyên, thành viên IDS, từng là Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, là người trực tiếp tham gia soạn thảo Cương lĩnh Đổi mới Đại hội VI (1986) của Việt Nam, nói rằng: “Trong suốt quá trình chuẩn bị Đại hội, ngoài việc thảo luận những vấn đề từ thực tế Việt Nam, tôi chưa bao giờ nghe một ai nói về mô hình Trung Quốc”.
Phải thừa nhận, Trung Quốc cũng có nhiều kinh nghiệm hay ho; nhưng, rất tiếc là những gì thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân mà Việt Nam có được lại không phải “bắt chước” từ Trung Quốc.
Bài do Nhân Dân Nhật Báo công bố cũng có những thông tin đáng suy nghĩ, nhất là để người Việt Nam cẩn trọng khi “chơi” với “đồng chí” tự nhận là “tốt” này. Tuy nhiên, để hiểu về đổi mới trong giai đoạn 1986, xin theo dõi cuộc trao đổi sau đây với GS Đặng Phong, tác giả của bộ sách “Tư Duy Kinh Tế Việt Nam”và nhiều tác phẩm khảo cứu giàu sử liệu.


Thưa ông, có nhiều lý do để cấu trúc thời kỳ 1975-1989 thành một “giai đoạn lịch sử”, nhưng khi gọi đâylà “chặng đường gian nan và ngoạn mục” ông muốn nhấn mạnh điều gì?
GS Đặng Phong: Đây đúng là một trong những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Khủng hoảng do chính sự kiêu ngạo, chủ quan và thiếu hiểu biết dẫn đến những sai lầm chết người. Khủng hoảng đã tạo ra một thời kỳ gian nan cho dân tộc và lẽ ra nó đã có thể dẫn đến sự sụp đổ nếu không có sự vượt thoát ngoạn mục của chính những nhà lãnh đạo cộng sản có lương tâm và của chính những người đã mắc phải những sai lầm ấy.

Có thể nói, chưa bao giờ “ý thức hệ” được áp dụng một cách say sưa và triệt để, đặc biệt là trong xây dựng kinh tế như trong giai đoạn này, sai lầm theo giáo sư ở đâu?
Bởi cách hiểu về Marx. Phần lớn những người marxist ở nước ta hiểu chủ nghĩa Marx thông qua những gì được “chế biến lại” của Liên Xô. Sự “tái chế” ấy rất tiếc lại rất thích hợp với mức độ hiểu biết kinh tế học của nhiều người. Phần lớn vẫn nghĩ, bộ Tư Bản của Marx cũng chính là kinh tế học và khi cần giải thích các khúc mắc về kinh tế họ lại nói “Marx nói rằng. Marx nói rằng”. Nhưng cả hai yếu tố đó cũng chưa thực sự ảnh hưởng nếu không được đặt trên hai bệ phóng kiên cố: sự hùng mạnh, mà Việt Nam nghĩ, của Liên Xô và chiến thắng 1975.

Và yếu tố nào đã tạo ra “tư duy kinh tế” mà cuốn sách của ông đề cập?
Có thể nói rằng, “hợp tác hóa”, “làm chủ tập thể”… vốn không phải xuất hiện từ thực tế cuộc sống. Đổi mới thực chất là phản ứng của cuộc sống, của một cơ thể sống bị cấy vào đó những tế bào lạ. Cơ thể ấy đã không phản ứng tức thì vì nó được nuôi dưỡng bằng “sữa viện trợ”. Không giống như các nước XHCN khác, đổi mới của Việt Nam không bắt đầu từ “trên” hay từ các nhà kinh tế học. Mà bắt đầu từ cơ sở khi cuộc sống “bị đẩy tới chân tường”. Trong sách tôi có dẫn lại một câu chuyện rất thật: Một lần, ông Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đến thăm xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu- Côn Đảo, một điển hình đổi mới lúc đó. Xí nghiệp này khi sắp bị phá sản đành phải mời một ông chăn vịt vốn là người thạo nghề đánh cá hồi trước 1975 làm giám đốc. Ông đòi được toàn quyền “khoán” cho xã viên và xí nghiệp trở nên làm ăn rất hiệu quả. Sau khi thăm và hỏi chuyện ở Xí nghiệp, ông Viện trưởng Viện Hàn Lâm Liên Xô hỏi các cán bộ ở trường Quản Lý Trung Ương: “Các anh có biết bí quyết thành công của ông giám đốc là gì không?” Và, ông Viện trưởng đáp: “Đồng chí ấy thành công vì đồng chí ấy chưa được học qua lý luận”. Đổi mới trong gia đoạn ấy chủ yếu đều bắt đầu từ những nhà lãnh đạo địa phương chưa qua các trường lớp chính quy lý luận.

Những người lãnh đạo đổi mới ở cơ sở như ông nói, thay vì là những nhà lý luận, lại là những người cộng sản công lao trong kháng chiến, theo ông vì sao?
Cho dù “cơ thể cuộc sống” phản ứng khá mãnh liệt trong giai đoạn này nhưng không dễ để công khai thừa nhận cuộc sống phản ứng đối với những “tế bào lạ” vừa được “cấy vào” đó. Phải là những cán bộ ở gần dân, yêu dân, nhìn thấy cuộc sống của người dân bị dồn tới chỗ bế tắc mới nghĩ tới chuyện “tháo gỡ”. Và đặc biệt, phải là những cán bộ kiên cường trong kháng chiến, ngực đầy huy chương, những người mà không ai dám quy kết những việc làm của họ là “chống Đảng” thì mới có thể có ươm mầm đổi mới.

Có phải vì những người “ươm mầm đổi mới” đó vốn là những nhà lãnh đạo trong chiến tranh mà phương pháp đổi mới của họ cũng bắt đầu bằng “du kích”?

Đi thu thập những câu chuyện về đổi mới chúng tôi hết sức thú vị nhận ra những phương pháp rất là “Việt Công” được áp dụng trong giai đoạn này. Khi “chiến tranh nhân dân” vừa mới khởi sự, “Việt Cộng” không hề công đồn mà đưa các má, các chị lên đứng ở cổng đòi đưa chồng, đưa con về. “Xé rào” cũng vậy, không thể đưa “đúng sai” ra cãi lại các nhà lý luận đang ngồi ở Trung ương mà phải nhân danh cứu cấp những người dân đang đói. Ở Hải Phòng khi một bí thư huyện ủy xuống xã xử lý kỷ luật “khoán chui” ông được nhìn thấy chính những việc làm “sai chủ trương chính sách” ấy mà xã này hết đói, đưa được hơn 50 người phải đi ăn mày trở về quê cũ. Ở TP HCM, tôi ví cái cách bà Ba Thi chở lúa gạo vượt “ngăn sông cấm chợ” cũng giống như “dùng xe cứu hỏa vượt qua đèn đỏ”. Đổi mới vì thế, là một tiến trình bắt đầu từ sự bức xúc của dân chúng, được che chở bởi các nhà lãnh đạo chiến tranh kỳ cựu và bắt đầu bằng phương pháp xé rào.

“Xé rào” được bắt đầu ở TP HCM từ những năm cuối 70, cuốn sách của ông được xuất bản để “tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, phải chăng ông muốn đánh giá vai trò của các cá nhân trong cuốn sách này?
Ở Việt Nam không có ai là cha đẻ của đổi mới. Ở Miền Nam khi đó, Võ Văn Kiệt có vai trò như một chiếc xe tăng “đỡ đạn” cho những người “xé rào” nhưng ông không phải là người đưa ra tư tưởng đổi mới. Tiếp xúc với các chuyên gia về kinh tế thị trường ở lại từ sau ngày 30-4, nhưng, có lẽ nhờ sự lão luyện của một nhà lãnh đạo chiến tranh nhân dân mà Võ Văn Kiệt không đặt ra các vấn đề mang tính lý thuyết. Ông để cho thực tiễn tự giải quyết các vấn đề của chính nó và đẩy thực tiễn đến một tình thế không thể cưỡng lại được nữa. Không có ông thì không có Dệt Thành Công, Việt Thắng, Bột giặt Viso, Thuốc Lá Sài Gòn, Công ty Lương Thực của bà Ba Thi… Ông Kiệt còn là chỗ dựa cho những đổi mới về chính sách trong nông nghiệp, về giá… ở An Giang, Long An… với những tên tuổi như Nguyễn Văn Hơn, Chín Cần (Nguyễn Văn Chính)…

Thưa ông, Tổng Bí thư Trường Chinh đóng một vai trò rất quyết định đối với thành công của Đại hội VI, đại hội đổi mới của Đảng, nhưng, sau đó gần như rất ít khi nghe nhắc đến tên tuổi của ông?
Như tôi đã nói, đổi mới ở Việt Nam không bắt đầu từ tư tưởng của một nhà cải cách nào đó mà bắt đầu từ cuộc sống. Nhưng, về mặt đúc rút thực tiễn để hình thành quan điểm, đường lối phải nói đến Tổng Bí thư Trường Chinh. Ông Trường Chinh quan tâm đến những “phản ứng của cuộc sống” khá sớm và kể từ khi làm quyền Tổng Bí thư (tháng 5-1986), ông đã đi xuống các địa phương “xé rào” và tiếp xúc rất nhiều với các nhà doanh nghiệp áp dụng cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh. Cùng lúc, ông tập hợp những nhà lý luận hàng đầu vào thời bấy giờ như Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm… cùng ông lắng nghe các vấn đề của thực tiễn và chuẩn bị các nền tảng lý luận cho đường lối đổi mới. Ngày 20-6-1986, Trường Chinh cách chức hai phó Thủ tướng Trần Quỳnh và Tố Hữu (người trước đó được giao chuẩn bị văn kiện cho đại hội). Có thể nói hầu hết các văn kiện chủ yếu của Đại hội VI đều được bắt đầu chuẩn bị từ giai đoạn này.

Việc Tổng Bí thư Trường Chinh, người mà cuối thập niên 60 đã “phê phán Kim Ngọc”, Bí thư Vĩnh Phú, tác giả đầu tiên của khoán hộ trong nông nghiệp, trở thành người đóng vai trò quyết định về mặt quan điểm và đường lối đổi mới nên được hiểu thế nào thưa ông?
Đây có lẽ là điểm mà các nhà nghiên cứu nước ngoài thường hiểu sai khi viết về Việt Nam. Đổi mới ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh không có kẻ thua; không có ai hoàn toàn là bảo thủ, cũng như không có ai là thuần túy đổi mới. Tổng Bí thư Lê Duẩn, tác giả chính của “làm chủ tập thể” lại là người ủng hộ Đoàn Duy Thành “khoán” ở Hải Phòng, ủng hộ “bù giá” ở Long An và khi nghe Bộ trưởng Ngoại thương nói, “vào tới Tân Sơn Nhất thấy sặc mùi Nam Tư” ông khẳng định, “làm như Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), tôi ủng hộ”. Đỗ Mười, từ là người sắt đá với tư cách là Trưởng Ban Cải tạo hồi “đánh tư sản” miền Nam về sau khi đứng đầu Chính phủ lại “chúc người dân phát tài”. Trường Chinh cũng ủng hộ rất sớm “khoán” ở Hải Phòng. Đổi mới ở Việt Nam không có cá nhân nào là tác giả duy nhất. Có những người từ rất bảo thủ về sau lại đi đầu trong đổi mới. Có những người từng nổi lên như một ngọn cờ nhưng chỉ đổi mới một giai đoạn rồi thôi.

Thưa ông, đây cũng là thời điểm mà Việt Nam “hợp tác toàn diện” với Liên Xô, “anh cả” Liên Xô có vai trò như thế nào trong việc hình thành tư duy của giai đoạn này?
Những năm ấy, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 2 thứ: mô hình và bột mì. Về mô hình, học thuyết “bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên CNXH; kế hoạch hóa kinh tế tập trung” đã củng cố niềm tin cho Việt Nam rằng “CNTB đang ở giai đoạn tổng khủng hoảng”, củng cố niềm tin cho Việt Nam là mô hình hợp tác hóa có hiệu quả. Xi măng, sắt thép của Liên Xô cũng đã nuôi cho những mô hình này chậm đi tới kết cục sụp đổ. Tuy nhiên, cho dù hậu quả là bi kịch thì cũng phải nhìn nhận rằng, hai thứ viện trợ ấy đều là những “viện trợ tình nghĩa”. Cho dù tiến trình đổi mới tư duy ở Việt Nam xảy ra là độc lập với những cải cách ở Liên Xô, từ khi Gorbachov giữ chức Tổng Bí thư (3-85), những cải cách ở Liên Xô cũng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho những gì diễn ra ở Đại hội VI của Việt Nam và những đổi mới dứt khoát hơn theo hướng thị trường những năm sau đó.

Huy Đức thực hiện
Ai thực sự có thời gian thì mời đọc thêm truyện ngắn Dòng Sông Cụt, Osin viết năm 1987, để tham khảo một giai đoạn xây dựng CNXH ở Việt Nam.

------------------------------------------------------------------


Nhân dân Nhật báo
Có thể học tập mô hình Trung Quốc được không?

Can Chinese model be replicated?
People's Daily
18-9-09
http://english.peopledaily.com.cn/90001/90780/91342/6761416.html
Mô hình Trung Quốc là một đề tài nóng trong mấy năm trở lại đây. Mặc dầu chưa có một định nghĩa rõ ràng nhưng có thể hình dung đó là mô hình phát triển dựa trên đặc thù quốc gia, kết hợp cơ chế xã hội chủ nghĩa với việc thu hút vốn và kinh nghiệm của các nước phương Tây, mở rộng cửa đón đầu tư nước ngoài, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, cho thấy hiệu năng quản lý nhà nước và mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liên tục.

Tính độc sáng của mô hình nầy
Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có lịch sử trường kỳ và là nền văn minh duy nhất phát triển liên tục trong suốt quá trình tồn tại. Quá trình hiện đại hóa vì vậy diễn ra khó khăn và phức tạp. Những đặc thù đó thuộc về bản chất của mô hình Trung Quốc khiến nó không dễ dàng lặp lại hay nhân rộng ở nơi khác.
Có thể làm so sánh nhỏ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Về dân số, Ấn Độ đứng thứ nhì trên thế giới và sẽ qua mặt Trung Quốc trong một thời gian ngắn. Cũng là nền văn minh lớn nhưng có sự đứt đoạn dài giữa Ấn Độ cổ đại và Ấn Độ ngày nay. Trong con mắt của truyền thông Tây phương, cựu thuộc địa của Anh Quốc là “quốc gia dân chủ đông dân nhất” hiện giờ. Dù Ấn Độ cũng sử dụng nhiều kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc nhưng chính điều kiện riêng của quốc gia mới quyết định sự thành bại của chính sách. Mô hình Trung Quốc đã không thể áp dụng tại Ấn Độ.

Khả năng học tập mô hình
Theo thiển ý, để học tập thành công mô hình Trung Quốc, phải dựa trên một số tiền đề. Sự bắt chước này có thể phân làm hai loại: bắt chước triệt để trong trường hợp Việt Nam và bắt chước một phần đối với Cuba, Bắc Hàn.
Việt Nam là quốc gia bắt chước toàn diện mô hình Trung Quốc và đạt được thành công nhiều nhất. Dù cho Trung Hoa không có ý định xuất khẩu hay quảng cáo kinh nghiệm của mình tại Việt Nam.
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu học Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu chánh sách cải tổ và mở cửa, quan hệ giữa hai nước đang ở trong tình trạng xấu. Tuy nhiên, các thay đổi chánh sách ở nông thôn Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của Việt Nam. Trả lời ký giả tại Hong Kong năm 1997, một chuyên viên cao cấp của Việt Nam thừa nhận rằng bà được giao nghiên cứu kỹ lưỡng từng bước đi cải tổ và mở cửa của Trung Quốc rồi sau đó báo cáo lại cho BCH TW ĐCSVN, để họ sử dụng như cẩm nang ra quyết định kể từ 1986. Sau khi chấp nhận kinh tế tư nhân, sản lượng gạo của Việt Nam tăng gấp đôi và nhanh chóng trở thành một trong các nhà xuất khẩu chính trên thế giới. Tháng 10 năm ngoái, khi tham dự một buổi seminar tổ chức tại Hanoi về thành tựu cải tổ, mở cửa của Trung Quốc, ông ký giả năm xưa được cho biết rằng Việt Nam không chỉ học tập các kinh nghiệm cải tổ, mở cửa mà còn nghiêm túc học tập lý thuyết cũng như thực tiễn xây dựng đảng và chống tham nhũng tại Trung Quốc. Mới đây, ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập tờ ĐCSVN Online đã kết luận về kinh nghiệm cải tổ, mở cửa của Trung Quốc như sau: tìm một lối đi phù hợp với hoàn cảnh đất nước, duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và giữ gìn sự thống nhất của các sắc dân trên toàn quốc.
Là nền kinh tế hứa hẹn nhất của ASEAN, Việt Nam đã nhờ vào mô hình Trung Quốc mà có được tốc độ phát triển kinh tế nhanh và sự ổn định chính trị.
Học tập mô hình Trung Quốc ở trường hợp của Cuba và Bắc Hàn chỉ ở mức độ giới hạn và có tính chiến thuật. Thí dụ, Cuba đã chấp nhận kinh tế hộ gia đình trong lúc Bắc Hàn cho phép thị trường tự do và thu hút vốn đầu tư của miền Nam hạn chế trong một đặc khu. Từ khi trở thành Chủ tịch Bắc Hàn, Kim Jong-il chỉ đi công du duy nhất hai nước Trung, Nga. Trong những chuyến viếng thăm Trung Hoa, ông đặc biệt chú ý tìm hiểu Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Từ mấy thí dụ trên, có thể nhận thấy mô hình Trung Quốc đã được áp dụng ở nước khác như thế nào. Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn đều là các quốc gia xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cụ thể, Việt Nam có nhiều điều kiện giống Trung Quốc nhất nên có thể bắt chước Trung Quốc và đạt được thành tựu nhất định. Với những quốc gia theo hệ thống dân chủ phương Tây, khả năng học tập không nhiều.

Trung Quốc không có ý định xuất khẩu mô hình phát triển
Người ta đánh giá cao mô hình Trung Quốc vì tốc độ tăng trưởng nhanh và vì sự gia nhập vào câu lạc bộ các nền kinh tế lớn vốn dĩ là sân chơi riêng của các nước Tây phương trước đây. Năm nay, GDP của Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để chiếm vị trí số 2 sau Mỹ. Trước đó, nước nầy đã qua mặt Đức để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dù người thận trọng vẫn cho rằng Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn nhưng chưa mạnh, và còn xa mới được coi là quốc gia phát triển, thế nhưng cộng đồng quốc tế vẫn đánh giá Trung Quốc là một thế lực đang lên đại diện các nước đang phát triển nhưng có đủ khả năng để đấu tranh với các nước giàu. Mỹ, Nhật, Âu châu đều choáng ngợp trước thành tích phát triển của Trung Quốc. Do đó, nhiều học giả Âu Tây e rằng, về phương diện địa chánh trị, mô hình Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng không ít đến các quốc gia đang phát triển.
Cần nhấn mạnh một điều rằng Trung Quốc không đang xuất khẩu mô hình của mình. Trung Quốc không phát triển dưới một mô hình định sẵn. Thành tựu đã tới trước khi người ta có thể đúc kết thành lý luận. Thuật ngữ “mô hình Trung Quốc” thực ra cũng do các nước khác nêu lên. Điều nầy hoàn toàn khác biệt với Liên Xô, khi đó có chủ ý xuất khẩu mô hình phát triển của họ như một phương tiện tranh quyền bá chủ với Hoa Kỳ. Đương nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đã có nhiều nước, kể cả Trung Quốc chủ động học hỏi mô hình tập trung kế hoạch hóa đó từ nước đàn anh trong thế giới xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng, mô hình Trung Quốc chưa hẳn đã hoàn bị. Còn tồn tại rất nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường và chênh lệch giàu nghèo...
Để kết luận, tôi thấy không có lý do nhân rộng mô hình Trung Quốc ra khắp nơi. Cho nên phương Tây không cần thiết phải lo ngại.

Bản dịch : Vietstudies
http://www.viet-studies.info/kinhte/MoHinhTrungQuoc.htm


No comments: