Monday, September 21, 2009

CHỦ NGHĨA THỰC DÂN TRUNG QUỐC VẬN HÀNH KHÔNG CẦN TƯ TƯỞNG


Chủ nghĩa thực dân Trung Quốc vận hành không cần tư tưởng
Andrew Bast,

World Politics Review ngày 18/09/2009
00:12 ngày Thứ Hai, 21/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/9949.html
Khi còn ở Ecuador cách đây hai năm, một thương gia có tên Ivan đã chỉ trích tôi về việc Washington áp đặt những hạn chế lên loại hình kinh doanh mà các công ty nghề cá được phép làm ăn với Hoa Kỳ. Nói chuyện được một lúc, khi kết thúc, ông mau mắn giới thiệu cô con gái còn trong độ tuổi thiếu niên của ông cho tôi và nài xin tôi trò chuyện với cháu để cháu có thể thực hành tiếng Anh. Thật sự thì cháu có giọng hùng hồn và lưu loát, song thật trớ trêu và không kém phần ấn tượng: người phương Bắc đã trao cho Châu Mỹ Latin rất ít cơ hội, ngoại trừ cơ hội tốt nhất để cô con gái của Ivan có thể thành công – đó là đi Mỹ – nhưng phải biết tiếng Anh.

Ngày nay tình hình đã đổi khác. Trường công ở Ecuador vẫn dạy Anh ngữ, nhưng phụ huynh nào đủ tiền cho con học trường tư thì lại muốn làm một điều gì đó khác biệt. Con em thuộc thành phần ưu tú của quốc gia này giờ đây học một ngoại ngữ khác, thứ có thể trao nhiều cơ hội hơn trong tương lai, đó là tiếng Hoa.
Chuyển dịch này phải mất hàng thập niên, song kể từ thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, kế hoạch đeo đuổi phần Nam bán cầu của Trung Quốc ngày càng được phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn, và, trong nhiều phương diện, lại gây rối nhiều hơn. Dấu ấn rõ nhất là ở Mỹ Latin và Châu Phi, một quyển sách mới đã lôi kéo mọi người phải bận tâm sâu sắc về thực tế này. Với tựa “Cuộc săn đuổi của Trung Quốc: Trên lối mòn bành trướng của Bắc Kinh ở Châu Phi”, hai nhà báo người Pháp là Serge Michel và Michel Beuret đã lục tung lục địa đen để rồi phát hiện ra rằng người Trung Quốc đang thực dân hóa Châu Phi hiệu quả hơn rất nhiều so với đế quốc Anh Mỹ trong quá khứ. Phương pháp của họ là gì? Ít ý thức hệ thôi, tất cả vì lợi nhuận.
Các giai thoại của Michel và Beuret đã làm sửng sốt. Họ mở đầu quyển sách bằng cảnh tượng gợi lại câu chuyện ở Ecuador của tôi. Trong lúc tản bộ ở Brazzaville, thủ đô nước Congo thuộc Nam Sahara, một đám trẻ bao vây họ, thay vì hét lên bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, chúng gào to: “Nỉ hảo, nỉ hảo!”

Họ viết: “Những ngày này, trẻ con Congo cho rằng mọi khách nước ngoài đều là người Trung Quốc, và chúng có lý do chính đáng.” Từ câu chuyện trên họ tiếp tục kể về hội nghị thượng đỉnh Trung-Phi diễn ra tại Bắc Kinh, kể từ năm 2000, khi đó ít ai quan tâm. Nhưng đến năm 2006, hội nghị này đã trở thành một bộ phận trọng yếu trong lịch làm việc của nhiều lãnh đạo Châu Phi, vì ở đó họ có dịp ngắn ngủi được bắt tay với vị Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. “Nghi thức có vẻ giống với Hội nghị cộng sản Versailles, nhưng một vài giây bên Vua Mặt trời đỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các lãnh đạo Châu Phi,” tác giả diễn giải. “Bạn thấy đấy, hình ảnh lãnh đạo quốc gia bên cạnh nhân vật quyền lực thứ hai của thế giới sẽ truyền hình cho toàn dân ở nhà được xem.” Và trong những ngày này, chắc chắn người dân của họ sẽ cho rằng cú bắt tay này là vô giá.

Như những làn sóng dân nghèo Trung Quốc bị thu hút về các trung tâm thành phố thuộc miền Đông Trung Quốc, nhiều người chỉ việc thu xếp hành lý rồi nhắm hướng Châu Phi mà đi. Tại sao họ lại thành công ở đó? Thứ nhất, phần lớn trong số họ là do động cơ lợi nhuận. Michel và Beuret cho rằng “những giải thích thường xuyên được lặp đi lặp lại – rằng người Trung Quốc siêng năng mà người Châu Phi lại lười biếng, rằng người Trung Quốc tự quyết định số phận của họ trong khi người Châu Phi lại giao số phận của mình cho Thượng Đế và các tổ chức cứu trợ – đều sai về lý luận bởi vì chúng bao hàm sự phân biệt chủng tộc.” Thay vào đó, các tác giả phê phán tầng lớp lãnh đạo chính trị Phi Châu tham nhũng và cổ hủ, muốn giữ ghế bằng thủ đoạn ăn cướp tầng lớp lao động của chính họ.

Không như người Mỹ, với các thuyết giảng về thị trường tự do và quản lý tốt nhà nước, hoặc đế quốc Anh trước đây, người Trung Quốc đem đến chẳng có gì đáng kể ngoài mục tiêu theo đuổi lợi nhuận. Theo một nghĩa nào đó, điều này đồng nghĩa với việc hãy bỏ lại ý thức hệ của bạn trước khi bước qua cổng. Michel và Beuret tường thuật những thực tế phũ phàng về điều kiện làm việc khắc nghiệt – quản đốc Trung Quốc dùng xẻng đánh vào đầu công nhân nào bất tuân – nhưng đáng nói hơn, người Trung Quốc là những kẻ làm công vô tâm. Nói cách khác, họ xây trường cho một quốc gia Phi Châu nghèo khó, song khác với các đế quốc trong quá khứ, họ không cần biết sách gì sẽ được giảng dạy trong ngôi trường đó.

Một trong những màn lý thú nhất là cuộc phỏng vấn Claude Alphonse N’Silou, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Nhà ở tại Congo. N’Silou ví người Trung Quốc như những thần linh do Thượng Đế gửi đến. Họ xây sân vận động quốc gia, xây nhà làm việc cho Bộ Ngoại giao, và thậm chí xây dựng một hệ thống cấp nước mới cho thủ đô. Ông ta nói với các tác giả, “Giờ đây chúng tôi đã trở nên giàu có!… Người Pháp từng ở bên cạnh chúng tôi vào những thời điểm khó khăn. Đáng tiếc bây giờ họ lại không thu được lợi.”

Nguồn lợi thực sự giờ đây đang chảy vào túi của người Trung Quốc. Nếu điều tra kỹ hơn, những thỏa thuận lớn mà Bắc Kinh đang ký với các quốc gia Châu Phi đều có mùi bóc lột. Chẳng hạn, trong thỏa thuận đổi-tài-nguyên-lấy-hạ-tầng-cơ-cở ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Trung Quốc đang bỏ khoảng 9 tỉ USD vào quốc gia vô cùng kém phát triển này để đổi lấy quyền khai thác các mỏ đồng trong vòng mấy chục năm. Lợi nhuận sinh ra từ đó có thể lên đến hàng trăm tỉ.

Michel và Beuret chia các nước phương Tây thành “phe dũng sĩ giết rồng” (quốc gia cho rằng Trung Quốc phải bị đánh bại) và “phe ôm gấu trúc” (ủng hộ sự bành trướng của Trung Quốc). Đối với phe thứ nhất, vũ khí của họ dường như bị hạn chế. Trong mọi tình huống, phe thứ hai có vẻ chiếm ưu thế, ngay cả khi một số người chỉ muốn Trung Quốc nhận lãnh công việc dơ dáy của thế giới mà chẳng ai muốn làm. Sau đây là lời của một nhà ngoại giao phương Tây đã được giấu tên, nói với các tác giả tại Luanda, “Chúng tôi bảo các bạn Angola rằng: Thật tuyệt vời khi biết rằng các bạn đang chơi với người Trung Quốc. Hãy tận hưởng điều đó. Song lúc nào các bạn đã sẵn sàng chơi ở giải ngoại hạng, hãy trả hết nợ rồi quay lại gặp chúng tôi.”

Thế thì người ta phải tự hỏi rằng, liệu tất cả những trò này không phải có dáng dấp của kẻ thay đổi cuộc chơi hay sao.

A.B.
BVN dịch

Nguồn:
http://www.worldpoliticsreview.com/article.aspx?id=4326


No comments: