Wednesday, September 16, 2009
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC ONLINE KHUẤY ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Chủ nghĩa dân tộc “online” khuấy đảo Đông Nam Á
By Mong Palatino
Ngày 11-9-2009
http://www.upiasia.com/Society_Culture/2009/08/04/online_nationalism_stirs_southeast_asia/3041/
Manila, Philippines — Ngày càng nhiều người Đông Nam Á sử dụng Internet làm phương tiện cổ súy cho các chiến dịch chủ nghĩa dân tộc. Thậm chí cả các nhà lãnh đạo chính phủ cũng tận dụng tối đa không gian mạng để khích lệ tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước ở những quốc gia này.
Bài viết đăng tải trên trang UPI Asian.com (1) cho rằng xu thế này đang được khuyến khích bởi nó tạo cơ hội cho những công dân bình thường nhất cũng có thể bày tỏ tình cảm về những vấn đề của các cộng đồng. Tuy nhiên, bài báo cũng cảnh tỉnh về những sáng kiến “online” theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang cản trở việc hình thành khối đoàn kết khu vực Đông Nam Á.
Trang web gây tranh cãi nhất trên bán đảo Đông Dương lúc này là ilovethailand.org. Đây là trang web do Thủ tướng Thái Lan lập ra nhằm đề cao tên tuổi đất nước trên trường quốc tế. Trang ilovethailand.org cũng có mục đích đoàn kết và truyền cảm hứng cho nhiều người Thái vốn đang khá bất bình về các cuộc đấu đá giữa những thế lực chính trị trong nước. Tuy nhiên, trang web này lại thổi bùng cuộc tranh cãi khác vì đăng tải nội dung khẳng định nhiều khu vực của Campuchia hiện nay là phần “lãnh thổ đã mất” của Thái Lan.
Campuchia và Thái Lan từng tranh cãi quyết liệt về chủ quyền ngôi đền cổ Preah Vihear từ nhiều thập kỷ qua. Cuộc tranh chấp lãnh thổ này đã dẫn tới một vài vụ đụng độ vũ trang giữa quân đội hai nước láng giềng. Nhiều cư dân mạng đã tỏ ra bất bình khi Chính phủ Thái Lan chọn cách khơi dậy tinh thần đoàn kết bằng việc khuyấy động tranh cãi với các nước trong khu vực. Họ cho rằng các công dân mạng không nên “hùa theo”thứ phiên bản chủ nghĩa dân tộc sai trái này.
Kết cục thấy rõ là Chính phủ Campuchia đã tung ra chiến dịch phản ứng ngoại giao mạnh mẽ đối với trang web này. Điều đó dẫn tới việc ra đời website ủng hộ Campuchia: ilovekhmer.org. Trang web của Campuchia được mở ra nhằm công bố các tài liệu sai trái đã xuất hiện trên trang ilovethailand.org.
Cả hai trang web này (ilovethailand.org và ilovekhmer.org) đều trở thành những địa chỉ quen thuộc ở Thái Lan và Campuchia. Việc hai nước chuyển cuộc tranh chấp biên giới của họ lên vũ đài không gian mạng có vẻ là dấu hiệu tích cực, nhưng thật trớ trêu khi cuộc chiến ảo này đồng thời đã khích động những quan điểm phân biệt chủng tộc ở hai nước.
Thủ tướng Malaysia Najib Abbdul Razak là nhà lãnh đạo tiếp theo nhận ra tiềm năng của việc sử dụng Internet nhằm khích lệ tinh thần đoàn kết trong xã hội. Ngoài việc viết blog và thông báo các hoạt động của mình trên mạng Twitter, ông đã lập ra “1Malaysia.cim.my” như một dạng “giao diện tương tác” giữa nhà lãnh đạo và các cử tri của mình. Chủ đề “1Malaysia: People first, performance now” (Nhân dân trên hết, hành động ngay lúc này) chính là khẩu hiệu cho chiến dịch tuyên truyền của Thủ tướng Malaysia.
Trong khi đó, những nhà hoạt động dân chủ tại Malaysia lại phát động chiến dịch tuyên truyền trên mạng với chủ đề “1BalckMalaysia: Democracy first, election now.” (Dân chủ trên hết, bầu cử ngay lúc này). Họ tin rằng nhà lãnh đạo mới của nước này đã làm xói mòn các thể chế dân chủ tại Malaysia. Hồi đầu tháng 8, nhóm này tham gia mạng Facebook và các trang blog nhằm khuyến khích người Malaysia thiết kế và tải lên mạng các áp phích “Where is democracy?” (Nền dân chủ ở đâu?) trên trang web.
Indonesia cũng chứng tỏ rằng ngay cả một thảm họa quốc gia cũng có thể đoàn kết các công dân mạng. Chỉ vài giờ sau vụ đánh bom đẫm máu tại Jakarta hồi tháng 7/2009, những người Indonesia tham gia mạng Twitter đã bắt đầu phát đi chủ đề “We’re not afraid” (Chúng ta không sợ hãi). Chỉ vài ngày sau, chủ đề indonesiaunite (Indonesia đoàn kết) đã trở thành chủ đề được nhiều người tham gia nhất trên mạng Twitter. Những người sử dụng mạng Plurk và Facebook đồng loạt thay đổi avatar (ảnh hiện thân trên mạng) của mình bằng cách đưa vào hai màu đỏ và trắng trên quốc kỳ Indonesia. Các cư dân mạng đã phát hiện ra tính tiện ích của việc sử dụng các địa chỉ nhật ký mạng đa truyền thông (microblogging) để khơi nguồn cảm hứng cho mọi người tham gia. Các nhà phân tích đã bị gây ấn tượng mạnh khi những thanh niên Indonesia phi chính trị đã hòa mình cùng cộng đồng trong việc lên án các vụ tấn công khủng bố ở Jakarta.
Hồi đầu năm nay, những người Philippines tham gia mạng Plurk đã cùng quyên góp để cứu trợ các nạn nhân của vụ lũ lụt tại Mindanao thông qua tài khoản thương mại điện tử PayPal trên mạng. Những lá đơn kiến nghị trên mạng nhằm phản đối đề xuất sửa đổi Hiến pháp Philippines năm 1987 đã thu thập được hàng trăm nghìn chữ ký và những người ủng hộ, đặc biệt là tên mạng Facebook. Những nhà hoạt động Philippines đã khá thành công khi mở các chiến dịch công kích trên mạng nhằm hạ uy tín đương kim Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo. Một quan chức cấp cao chính phủ Philippines từng có lần lưu ý rằng Tổng thống nước này đã thất bại trong cuộc chiến truyền thông trên mạng.
(There is a vigorous campaign and lobby effort to push for more Internet freedom in Vietnam) Ở các nước khác, những chiến dịch trên mạng diễn ra khá sôi nổi, điển hình như (2) hàng loạt phong trào bày tỏ ủng hộ nhân vật đối lập Myanmar – bà Aung San Suu Kyi. Những người viết blog ở Brunei đã tổ chức nhiều hoạt động quyên góp quỹ ủng hộ các đội tuyển thể thao, các nhóm sinh viên và môi trường.
Động cơ của chủ nghĩa dân tộc xuất phát từ công chúng, nhưng luôn trở thành các chủ đề gây tranh cãi trên mạng Internet. Các chính trị gia và các nhóm chống chính phủ ở Đông Nam Á luôn kiên nhẫn và bền bỉ trong việc tận dụng tối đa mạng Internet nhằm cổ súy cho các hoạt động dân túy. Cho tới nay, hiện tượng này dường như đã phát huy tính tích cực khi nó mở rộng và tăng cường cơ hội tham gia chính trị của những công dân bình thường nhất. Nhưng nó sẽ trở nên phản tác dụng khi sản sinh ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tinh thần bài ngoại.
Bài báo trên trang UPI Asian.com kết luận rằng người ta cũng rất bất bình trước việc nhiều chính trị gia mở các chiến dịch giả mạo cổ vũ tinh thần dân tộc nhằm tạo bình phong che giấu các hành vi sai trái. Internet vẫn là thứ công cụ mạnh mẽ để nhiều cá nhân và nhóm xã hội chân thành thúc đẩy những chủ đề nghiêm túc như chủ nghĩa dân tộc. Nhưng các cư dân mạng trong khu vực Đông Nam Á không được phép để những kẻ mù quáng và bạo ngược làm “vẩn đục” và hủy hoại tiềm năng cơ bản của mạng Internet. (3)
Bản dịch của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
(1) Bài gốc: Online nationalism stirs Southeast Asia.
(2) Đoạn nhắc tới Việt Nam không được dịch và được thay bằng đoạn “in nghiêng”.
(3) Tác giả: Mong Palatino là một chính trị gia và là nhà hoạt động ở Philippines. Ông là một nghị sĩ Quốc Hội nước này, đại diện cho khu vực thanh niên. Ông là Giám Đốc Đông Nam Á của tổ chức Global Voices Online.
------------------------
Online nationalism stirs Southeast Asia
By Mong Palatino
Published: August 04, 2009
http://www.upiasia.com/Society_Culture/2009/08/04/online_nationalism_stirs_southeast_asia/3041/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment