Monday, September 14, 2009

BÁO CHÍ CHÍNH THỨC BỊ PHÂN HOÁ TRÊN VẤN DỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG


Báo chí chính thức của Việt Nam bị phân hóa trên vấn đề chủ quyền Biển Đông
Thanh Phương
Bài đăng ngày 14/09/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 14/09/2009 12:29 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/117/article_4947.asp
Dư luận trên mạng tiếp tục bàn luận về vụ Báo Điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam đăng bản dịch một bài báo của Trung Quốc nói về một cuộc tập trận của Trung Quốc vào tháng 8 tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, mà không hề có một lời bình luận nào kèm theo để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này.

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, bài báo nói trên đã bị gỡ xuống vài ngày sau đó. Cho tới nay, ban biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, mà ông Đào Duy Quát là tổng biên tập, chưa có lời cải chính hay lời giải thích chính thức nào về sự cố này. Khi một blogger gọi điện thoại đến tòa soạn thì chỉ được trả lời đó là do ''lỗi về kỹ thuật ''.
Sự im lặng của ban biên tập tờ báo này càng khiến cho mọi người đặt nghi vấn về tính độc lập của báo chí chính thức Việt Nam, nhất là vì đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ như vậy.

Trước đây, một trang web của Bộ Công thương có tên gọi là ''Hợp tác kinh tế thương mại Việt Trung'', ở điạ chỉ
http://www.vietnamchina.gov.vn, tức là trang web có tên miền Việt Nam, do Việt Nam quản lý, lại đăng ý kiến của phát ngôn viên Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Bắc Kinh.
Phản ứng về vụ báo Đảng đăng bài về cuộc tập trận của Trung Quốc, có người cho đây là một ''sai lầm có hệ thống'', có người đòi phải cách chức, thậm chí đòi xử lý theo pháp luật tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam Đào Duy Quát.

Hiện giờ, chưa thể kết luận sự việc nói trên là cố ý hay vô tình, nhưng rõ ràng là làng báo chính thức của Việt Nam đang bị phân hóa trên vấn đề chủ quyền biển Đông. Bên cạnh những tờ báo như Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, một số tờ báo khác thỉnh thoảng vẫn đăng những bài có nội dung khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam và lên án thái độ bá quyền của Trung Quốc.
Chẳng hạn như gần đây, VietnamNet đã đăng bài phỏng vấn ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới chính phủ, tuyên bố thẳng thừng rằng Trung Quốc muốn biến biển Đông thành ''sân sau, ao nhà'' của mình.
Ngay cả tờ Công an nhân dân Online vào đầu tháng 8 đã gây ngạc nhiên cho mọi người khi đăng một bài bình luận của phụ trang An ninh thế giới, tựa đề ''Lại thêm một hành động không hữu hảo trên biển Đông''. Bài báo lên án rất mạnh mẽ việc Trung Quốc tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, rồi sau đó bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam. Bài bình luận nói thẳng : '' Đây là những hành động nằm trong mưu đồ chính trị thâm hiểm, muốn biến biển Đông thành ''ao nhà'' của Trung Quốc. Bài báo này ngay sau đó đã bị gỡ xuống.
Đến ngày 18/8, hai tờ báo có đông độc giả là Tuổi Trẻ và Thanh Niên, đồng loạt đăng bài ''Trung Quốc yêu sách 80% diện tích biển Đông : Không chấp nhận đường lưỡi bò'' của tác giả Quốc Pháp. Theo tác giả bài báo, đây là một yêu sách ''khó hiểu'', vì nó ''không có giá trị pháp lý'' và hành động của Trung Quốc ''không phù hợp với xu thế của khu vực''.
Độc giả hiện cũng đang chú ý đến loạt ký sự được đăng trên Tuổi Trẻ online lần đâu tiên ghi lại lời kể của các quân nhân Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã từng tham gia trận hải chiến ở quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc xua quân xâm chiếm quần đảo này vào năm 1974.
Loạt ký sự này mới đăng được hai kỳ vào tuần trước thì Tuổi Trẻ phải tạm ngưng và cáo lỗi là '' vì lý do ngoài ý muốn''. Đến hôm nay, Tuổi Trẻ đã được phép đăng tiếp kỳ thứ ba, nhưng bị cắt bớt một vài đoạn ''nhạy cảm''.

Trở lại sự cố Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với nhà báo Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập tờ Nhân Dân, hiện sống ở Paris, vụ này rất có thể chỉ là sơ sót kỹ thuật, nhưng nó cũng phản ánh một thực tế đó là báo chí chính thức của Việt Nam nay đã mất đi tính độc lập, phê phán, ngay cả khi đưa những tin tức liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Sau đây, mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn với nhà báo Bùi Tín:

Phỏng vấn nhà báo Bùi Tín, Paris
14/09/2009
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/117/article_4947.asp



No comments: