Wednesday, September 2, 2009

ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC KHÔNG THỂ HỌC SINGAPORE


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể học tập Singapore

(Nguyệt san “Khai Phóng” của Hong Kong, số tháng 8/2009)

Singapore là quốc gia được lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] thán phục nhất, thậm chí trong ĐCSTQ còn xuất hiện cách nói: “Chính trị kinh tế học Singapore”. Thế nhưng Singapore không phải là quốc gia cực quyền, ĐCSTQ sẽ không thể học tập được Singapore.
Lãnh đạo ĐCSTQ như Đặng Tiểu Bình từng lấy hiện tượng một đảng lãnh đạo theo hình thái chính đảng của Singapore để biện hộ cho thể chế một đảng chuyên chế của Trung Quốc đại lục. Kể từ khi Trung Quốc đại lục thực hiện cải cách mở cửa hơn 30 năm qua, ĐCSTQ đã cử một loạt cán bộ đến Singapore khảo sát và tập huấn, đồng thời thông qua phương tiện truyền thông chính thức, liên tiếp tuyên truyền những thông tin sai về Singapore để định hướng dư luận dân chúng Trung Quốc. Từ vụ phẫn nộ của dân chúng Thạc Thủ (Hồ Bắc) ngày 17/6 đến sự kiện xung đột tại Urumqi (Tân Cương) hôm 5/7 vừa qua; từ “bồi thẩm đoàn” trên mạng lên đến hàng triệu người, một điều mà không ai nghĩ tới, đã ảnh hưởng đến phán quyết đối với Đặng Ngọc Kiều, (một cô gái tỉnh Hồ Bắc đã dùng dao giết chết một quan chức địa phương để tự vệ khi quan chức này yêu cầu Đặng Ngọc Kiều cung cấp “dịch vụ đặc biệt”), đến sự kiện đổ nhà đang xây tại Thượng Hải hôm 27/6 v.v.. đã cho thấy Trung Quốc không thể trở thành một Singapore phóng đại. Nguyên nhân cơ bản trong đó là sự khác biệt về bản chất của Đảng Nhân dân Hành động, đảng cầm quyền Singapore, với ĐCSTQ. ĐCSTQ nếu muốn lấy nền chính trị chính đảng của Singapore làm tấm gương, thà chẳng bằng học ngay Đài Loan còn thiết thực hơn.

Một đảng lãnh đạo không đồng nghĩa với một đảng chuyên chế
Singapore là một “quốc đảo thành phố vườn hoa” của châu Á với chỉ hơn 6 triệu dân. Mật độ dân số cao hơn nhiều so với Trung Quốc, thậm chí cao gấp ba lần Thượng Hải, một thành phố có mật độ dân số khá cao của Trung Quốc. Singapore thiếu tài nguyên, thuộc hàng quốc gia đất ít, tài nguyên hiếm. Năm 1959, sau khi độc lập, trên rất nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, giáo dục và đời sống nhân dân, Singapore trở thành nước phát triển trung bình. Chế độ quản lý của Singapore đối với chính đảng và báo chí thông thoáng hơn Trung Quốc.
Từ năm 1959 đến nay, Đảng Nhân dân Hành động Singapore thông qua bầu cử, liên tục giành được thắng lợi trong hơn 10 lần bầu cử và giữ được địa vị cầm quyền, đồng thời luôn chiếm đa số ghế trong Quốc hội Singapore với thể chế đơn viện tam quyền phân lập. Hiến pháp Singapore chưa từng quy định một đảng nào có thể cầm quyền mãi mãi, trong Quốc hội Singapore cho phép đảng đối lập tồn tại.
Singapore thực hiện cơ chế kinh tế thị trường toàn diện, đảng và chính quyền tách rời, doanh nghiệp và chính quyền tách rời. Mặc dù người ngoài nhìn vào, Singapore tồn tại “chế độ gia trưởng” của Chính phủ cường quyền và Đảng Hành động cầm quyền, mang dấu ấn của chính trị quyền uy, nhưng rất ít khi có người cho rằng Singapore là quốc gia một đảng chuyên chế.
Tôn chỉ “vì nhân dân phục vụ” của Đảng Hành động Singapore chính là tất cả để đảng này tranh thủ sự ủng hộ của cử tri đối với địa vị cầm quyền của mình. Tại các nhà trẻ và các trường học của Singapore không có những bài học ca ngợi đảng, cũng không dạy những ca khúc ca ngợi đảng và lãnh tụ. Hệ thống giáo dục thuần túy là dạy học, không có ý thức nhồi nhét cho học sinh sự trung thành với đảng. Ngay cả những trường học do đảng tài trợ, cũng không có nghĩa vụ đào tạo học sinh có cảm tình với đảng.
ĐCSTQ kể từ ngày thành lập đến nay, luôn là chủ nghĩa đảng theo loại hình thái ý thức, tất cả phục vụ cho giành chính quyền và củng cố chính quyền. Trong Hiến chương sửa đổi năm 1982 của Đảng Hành động Singapore, đã không còn thấy đảng này lấy một dạng chủ nghĩa nào đó để lãnh đạo, vào đảng không cần thiết lấy tín ngưỡng một chủ nghĩa nào đó và lý luận làm điều kiện. Singapore ban đầu có hầu hết quốc dân lấy tín ngưỡng Hồi giáo và Phật giáo là chính, là quốc gia không lấy tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ, công lao của Đảng Hành động trong vấn đề này là không thể phủ nhận, so với ĐCSTQ với “Thuyết vô thần” có sự khác biệt lớn.

Đảng Hành động Singapore là lý tính và thực dụng
Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, trong thời kỳ cao trào của phong trào độc lập Singapore, thời kỳ đầu của Đảng Hành động, lấy chủ nghĩa xã hội dân chủ làm tín điều và mục tiêu, lý luận chính trị của đảng là tả khuynh và mang màu sắc chính đảng của giai cấp công nhân. Năm 1959, Đảng Hành động nắm quyền, lập trường chính trị thay đổi thành đảng bao dung đại diện cho lợi ích trên các phương diện của Singapore. Quan niệm cầm quyền trở nên thực dụng, lý tính và thiết thực. Lấy “hành đắc thông” (ý nói làm việc được mọi tầng lớp chấp nhận) làm khuynh hướng giá trị chính sách của chính phủ. Nhưng vấn đề như từ nay về sau, Singapore là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, tương lai Singapore như thế nào? .v.v.. Đảng Hành động đều để thế hệ sau quyết định. Còn Trung Quốc, đến nay, ĐCSTQ coi việc tôn thờ chủ nghĩa xã hội dân chủ của Mác là “thế lực thù địch”. Trong ý kiến đóng góp cho “Hiến chương” năm 2008, trong quan niệm của những người như Lưu Hiểu Ba, Quách Tuyền mang đậm màu sắc chủ nghĩa xã hội dân chủ, ĐCSTQ đã bắt họ và khởi tố.
Về kinh tế, Singapore học tập Mỹ, trong toàn cầu hóa và tin học hóa, thông tin được sử dụng chung. Dân chúng Singapore từ tôn sùng anh hùng đến hâm mộ minh tinh, từ chú trọng lẽ phải thay đổi thành theo đuổi cuộc sống chất lượng cao và thực dụng. Triết học chính trị của Đảng Hành động từ “hô hào” sang “lặng lẽ hành động”, từ chủ nghĩa trở thành thường thức. Kể từ sau thập niên 70 của thế kỷ trước, dường như không còn nghe thấy lời lẽ hô hào chủ nghĩa suông của lãnh đạo đảng cầm quyền.
Đảng Hành động không trực tiếp điều hành quyền lực công cộng, quyền lực công cộng do chính phủ điều hành. Đảng Hành động không có bất kỳ một hệ thống tổ chức cồng kềnh nào ngang tầm với chính quyền các cấp. Trong các cơ quan Chính phủ, các đơn vị, các doanh nghiệp căn bản không có tổ chức đảng, càng không có cán bộ đảng chuyên trách, sống dựa vào chính quyền các cấp hoặc doanh nghiệp. Lập trường chính trị của công chức Singapore là trung lập, thông thường không gia nhập chính đảng, bất kể người nào đến bất cứ cơ quan nào làm việc đều không cần kê khai tham gia tổ chức chính trị nào và lập trường chính trị gì. Tại Singapore cũng không có bất kỳ quy định bằng văn bản hoặc thói quen bất thành văn nào quy định có thể ưu tiên sử dụng đảng viên đảng cầm quyền.
Đặc quyền của cán bộ đảng viên ĐCSTQ tồn tại mọi lúc mọi nơi. Ngay cả cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Trần Lương Vũ tuy bị khai trừ khỏi đảng và phải ngồi tù, nhưng đồng thời Trần Lương Vũ cũng trở thành “phạm nhân” đặc biệt, được hưởng 200 nhân dân tệ (khoảng 500.000 VND) tiền ăn mỗi ngày.
Đảng Hành động Singapore rất ít khi lấy danh nghĩa đảng để ra lệnh chỉ huy, đây là một đảng tinh anh với số lượng đảng viên không đông, thân phận đảng viên được bảo mật hoặc không cố ý công khai. Trụ sở Trung ương đảng được đặt ở tầng hai trong một tòa nhà cũ, các trụ sở của các chi bộ đảng khác cũng rất đơn giản, cố tình không phô trương, đem lại cho mọi người cảm giác bình thường, không danh tiếng.
Tự do báo chí của Singapore nhiều lần bị phê phán là tự do thái quá. Cựu lãnh đạo nổi tiếng của Singapore, Lý Quang Diệu, là một người theo chủ nghĩa quyền uy. Lý Quang Diệu cho rằng cần phải có một quan niệm trật tự, khi mọi người có thể thách thức tất cả mọi việc, cao lên đến Nữ hoàng Anh, có thể lật đổ Hoàng thất, tiêu diệt sức ảnh hưởng của Giáo hội, phỉ báng Quốc hội và nghị sỹ, bôi nhọ tòa án và nghi ngờ cảnh sát, liệu xã hội có còn bảo đảm được trật tự?

Không chỉ định người kế nhiệm
Thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều vị “khai quốc công thần” của Singapore lần lượt nghỉ hưu. Lý Quang Diệu lúc đó vừa tròn 60 tuổi, đã có kế hoạch trong vòng 4 năm sẽ rút khỏi cương vị Thủ tướng Singapore.
Năm 1990, tại “Hội nghị cán bộ Đảng Hành động”, Lý Quang Diệu từng tuyên bố: “không tin tưởng việc một lãnh tụ chỉ định người kế nhiệm chính mình. Bởi vì, người mà mình lựa chọn có thể không phải là lãnh tụ tự nhiên được lựa chọn trong đám đông. Như vậy, những người xung quanh người mà mình chỉ định sẽ có thể không muốn hợp tác với người kế nhiệm. Thế nhưng, nếu một lãnh tụ chọn ra một đám đông, để mỗi người trong đó đều có thể trở thành người kế nhiệm, cơ hội thành công sẽ lớn hơn. Để họ tự cạnh tranh, để họ tự quyết định ai sẽ làm lãnh tụ. Đó là sự lựa chọn của chính họ, người kế nhiệm ấy sẽ có được sự ủng hộ từ họ, cơ hội thành công rõ ràng là lớn hơn nhiều”. Sau Lý Quang Diệu, lãnh đạo đảng cầm quyền Singapore Goh Chok Tong và hiện nay là Lý Hiển Long đều là được bầu chọn theo trình tự nghiêm ngặt chứ không phải là lãnh tụ mà thế hệ trước của đảng chỉ định.
Giá trị hạt nhân của ĐCSTQ khác với Đảng Hành động của Singapore. Lý Hiển Long cho rằng “giá trị hạt nhân của Đảng Hành động là thành thực, thẳng thắn, nhiệm nhân duy hiền (lựa chọn con người là theo tài năng và đạo đức), bình đẳng và công bằng. Sự vững chắc hay không của giá trị hạt nhân của đảng viên liên quan đến sự sống còn và tồn vong của đảng”. Lý Quang Diệu từng nói: “Nếu như tôi trao cho anh đặc quyền và tôi có được một phiếu bầu từ anh, thì sẽ mất đi chín phiếu bầu khác, tức Đảng Hành động không còn nữa. Đảng Hành động không dành ưu tiên cho đảng viên, những người tự nguyện giúp đỡ để các nghị sĩ Đảng Hành động tiếp xúc cử tri, từ trước đến nay chưa từng nhận được một đồng tiền thù lao nào từ Đảng Hành động. Mãi đến năm 1980, Đảng Hành động mới bắt đầu trao huy chương cho những đảng viên từng phục vụ đảng trong suốt thời gian dài, nhưng cũng không hề có một chút vật chất đi kèm.”
ĐCSTQ đã hiểu sai chế độ lương cao để giữ sự thanh liên của Singapore. Thực tế, Đảng Hành động Singapore chỉ có 30 người được hưởng lương cao. Theo quy định của pháp luật, số người giữ chức vụ trong chính phủ và doanh nghiệp được nhận thù lao, công tư phân minh, Thủ tướng đi bằng xe tư, chỉ khi đón tiếp quốc khách Chính phủ mới cung cấp xe.
Câu nói của Đặng Tiểu Bình: “Hãy để cho một số người giàu lên trước”, một câu nói không có pháp chế, không có quy tắc và không minh bạch, đã được các học giả và phương tiện truyền thông của ĐCSTQ giải thích là cán bộ từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp sẽ đều có lương cao để giữ tính thanh liêm, khiến cho ĐCSTQ hướng tới tham nhũng toàn diện.
Ngày 6/7 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc quyết định quyên góp khoản tài sản trị giá tương đương với 165 triệu nhân dân tệ (khoảng 23,2 triệu USD), chiếm 87% tài sản cá nhân của mình để tặng cho thanh thiếu niên làm phần thưởng học tập và tặng cho sự nghiệp phúc lợi xã hội. Còn ĐCSTQ đến nay vẫn chưa dám thực hiện chế độ kê khai và công khai tài sản của công chức.
Nói tóm lại, trên thế giới ngày nay, quốc gia kinh tế phát triển nhất, nhân dân giàu có nhất, xã hội ổn định nhất, dân tộc hòa giải nhất là ở phương Tây, sau đó “Bốn con Rồng châu Á” vươn lên. Trung Quốc đại lục nếu lấy Singapore làm khuôn mẫu, học tập thể chế chính trị chính đảng, một đảng lãnh đạo, thà chẳng bằng học tập Đài Loan còn khả thi hơn. Người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào giờ đang ở đâu? Đường lối của ĐCSTQ sau Đại hội 18 sẽ rẽ hướng nào? Câu trả lời còn đang ở phía trước.

Đăng bởi anhbagai on 01/09/2009

http://anhbasam.wordpress.com/2009/09/01/286-d%e1%ba%a3ng-c%e1%bb%99ng-s%e1%ba%a3n-tq-khong-th%e1%bb%83-h%e1%bb%8dc-t%e1%ba%adp-singapore/


No comments: