Thursday, September 10, 2009
AI YÊU QUÊ HƯƠNG ?
Ai yêu quê hương?
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-09-09
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Who-do-love-their-fatherland-TVan-09092009110245.html
Việt Nam hiện có khoảng 700 cơ quan truyền thông nhưng vì các cơ quan truyền thông này chỉ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và chính quyền nên không phải lúc nào thông tin cũng đủ và khách quan.
Trong vài năm nay, sự phát triển của Internet nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đã trở thành tiền đề giúp hình thành một hệ thống thông tin khác, độc lập hơn so với hệ thống thông tin phụ thuộc chính quyền. Đó là các diễn đàn điện tử và blog.
Ở những diễn đàn điện tử và các blog này, người ta có thể tìm thấy nhiều thông tin cũng như chia sẻ với nhau nhiều suy nghĩ khác hẳn với hệ thống truyền thông phụ thuộc chính quyền.
Để quý thính giả có thêm thông tin về hiện tình Việt Nam, hàng tuần, Ban Việt ngữ chọn giới thiệu một số thông tin, vấn đề đáng chú ý trên các diễn đàn điện tử, các blog. Chuyên mục này do Trân Văn thực hiện...
Chiến dịch đàn áp mới
Đợt đàn áp nhắm vào các blogger hồi cuối tháng trước đang có dấu hiệu chững lại, sau khi hai trong số ba blogger bị bắt giữ vừa được trả tự do vào cuối tuần qua.
Tuy blogger Người Buôn Gió và blogger Trang Ridiculous đã trở về với gia đình của họ sau chín ngày chưa rõ là bị tạm giữ hành chính hay bị tạm giam, song không có ai cho rằng đó là những biểu hiện tích cực.
Khác với nhiều đợt bắt giữ những nhân vật tranh đấu cho tự do, dân chủ đã từng xảy ra trước đó ở Việt Nam, việc bắt giữ các blogger: Người Buôn Gió (tên thật là Bùi Thanh Hiếu, ngụ tại Hà Nội), Trang Ridiculous (tên thật là Phạm Đoan Trang, phóng viên báo điện tử VietNamNet) và Mẹ Nấm (tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ngụ tại Khánh Hòa), không chỉ khiến chính quyền bị chỉ trích kích liệt vì đã cấm cản công dân thực hiện các quyền tự do cơ bản đã được hiến pháp minh định, mà còn làm dấy lên sự nghi ngại về tính độc lập, khả năng tự chủ của hệ thống cầm quyền tại Việt Nam đối với Trung Quốc.
Nhắm vào thành phần chống TQ
Khi đưa tin, bình luận về đợt đàn áp nhắm vào các blogger vừa xảy ra tại Việt Nam, không chỉ có hệ thống blog và diễn đàn điện tử bằng Việt ngữ, mà ngay cả các cơ quan truyền thông nước ngoài cũng xem nguyên nhân chính dẫn tới việc các blogger người Việt, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ là vì và chỉ vì họ đã mạo phạm tới… Trung Quốc.
Đợt đàn áp vừa kể còn là tác nhân kích thích nhiều tổ chức quốc tế như Phóng viên không biên giới, chuyên gia về quan hệ quốc tế như ông Carl Thayer – Giáo sư Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, ông David G. Marr – Giáo sư Đại học Quốc gia Úc, tham gia phân tích sâu về sự phụ thuộc càng ngày càng rõ ràng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.
Vào lúc này, nhiều blog và diễn đàn điện tử đang giới thiệu rộng rãi ý kiến của ông Carl Thayer khi ông trả lời phỏng vấn một số đài phát thanh quốc tế về vụ đàn áp nhắm vào giới blogger ở Việt Nam.
Ông Thayer cho rằng, đợt đàn áp mới nhắm vào các blogger, không phải chỉ vì các blogger bày tỏ quan điểm về dân chủ và nhân quyền mà còn vì họ đã chỉ trích chính phủ về cách xử sự đối với Trung Quốc.
Cũng theo ông Thayer, do Trung Quốc tiếp tục gây áp lực buộc Việt Nam phải chấm dứt tình trạng bài Trung Quốc, nên thông qua việc bắt giữ hàng loạt blogger, chính quyền Việt Nam vừa muốn chứng tỏ thiện chí với Trung Quốc, vừa muốn gửi thông điệp cảnh cáo toàn bộ giới viết blog ở Việt Nam.
Tương tự, nhiều blog và diễn đàn điện tử đang giới thiệu rộng rãi ý kiến của ông David G. Marr – Giáo sư Đại học Quốc gia Úc, trong bài khảo cứu có tựa là “”Chấn động từ phương Bắc”.
Vị giáo sư này xác nhận thực tế mà nhiều người Việt đã đề cập, đó là, tuy nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục chèn ép Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, kể cả về chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ, lãnh hải, song mãi tới gần đây, các nhà khoa học và nhà báo Việt Nam vẫn không thể nào công bố điều gì có tính phê phán Trung Quốc đương đại.
Ngay cả khi một website có tên là sina.com của Trung Quốc, cho đăng kế hoạch tấn công Việt Nam. Theo kế hoạch này, sau năm ngày oanh kích trên không và pháo kích từ biển, 310.000 Hồng quân Trung Quốc sẽ tiến theo ba hướng đánh chiếm Hà Nội.
Thông thường một sự kiện như vậy trên Internet sẽ bị xem như trò lừa gạt nghiệp dư song riêng với trường hợp vừa kể, kế hoạch tấn công Việt Nam đã được đăng lại trên nhiều website khác của Trung Quốc, bất chấp phản ứng của chính quyền Việt Nam.
Thái độ của chính quyền
Vì sao chính quyền Việt Nam có thể nhún nhường với ngoại bang song không thể khoan nhượng với đồng bào của mình khi họ bày tỏ sự quan tâm đối với vận nước?
Trong một bài viết hồi đầu tháng 4, blogger Trang Ridiculous – người từng bị an ninh Việt Nam bắt giữ hôm 28 tháng 8 và mới được trả tự do cách nay vài ngày – kể về buổi họp báo để phát động cuộc thi có tên “”Tìm hiểu biển và đảo Việt Nam”, do Ban Tuyên giáo Trung ương khởi xướng.
Theo đó, tại buổi họp báo này, ông Đào Duy Quát, chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương, kiêm Tổng Biên tập báo Điện tử Đảng CSVN, kiêm Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, nhấn mạnh rằng, các thế lực thù địch chống phá chính quyền gớm lắm!
Để chống sự chống phá của các thế lực thù địch, ông đã tổ chức một buổi đối thoại với những sinh viên tham gia hoạt động mà ông gọi là “”cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007”, nhân sự kiện Quốc hội Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa để sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào thành phố mới.
Ông Quát kể, trong buổi đối thoại đó, ông có hỏi sinh viên là các anh, các chị làm như thế, biểu tình xác định Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại?.. Kể xong câu chuyện này, ông Quát yêu cầu: “Các đồng chí phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương”…
Người ta không rõ quan điểm chỉ đạo của Trung ương là gì vì blogger Trang Ridiculous chỉ kể đến đó rồi cho biết, ông Quát phát biểu độ 45 phút nhưng tôi không ghi âm thêm nữa vì sợ máy hết pin!
Ai yêu nước?
Trở lại với câu chuyện liên quan đến các blogger bị bắt, sau khi đã từng chỉ trích Trung Quốc và có liên quan tới một cuộc vận động ôn hoà.
Theo đó, thông qua những khẩu hiệu in trên áo thun, những người khởi xướng và tham gia cuộc vận động muốn minh định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, cũng như kêu gọi ngưng thực hiện các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, một blogger có nick name là Bút Lông nêu thắc mắc: Đưa tin về cái gì thì an toàn?
Bút Lông tường thuật vừa mỉa mai, vừa cay đắng, cuộc nhậu của nhóm phóng viên Mõ Tre trước thời điểm giao thừa Tết độc lập (một cách gọi khác về ngày Quốc khánh 2 tháng 9) đã chẳng gút được điều gì.
Nói chung các ý kiến tranh luận đã không thể tạo nên đồng thuận tuyệt đối trước chọn lựa: viết về lãnh vực nào thì an toàn (?). Viết về nội chính thì rõ là mạo hiểm, sau vụ PMU 18 và vụ Rusalka.
Tin có nguồn, tin do trưởng ban chuyên án nói… đều không thể xài ngay mà phải sử dụng “âm binh” để phối kiểm, bởi sau này ra toà mà không chứng minh được thì nhà báo sẽ mất thẻ như chơi.
Còn viết về kinh tế thì bài học giá xăng tăng đã nhãn tiền. Nếu đoán già, đoán non về tỷ giá hoặc tăng lãi suất chắc nghiệp phóng viên sẽ “đứt” vì lãnh án là “thủ phạm” trong chuyện dân găm giữ ngoại tệ.
Chính trị bấy lâu là lãnh vực “khô” nhưng xem ra bắt đầu khó xài. Bởi hơi phản ứng một tý là các ông bạn láng giềng mếch lòng, hoặc các V.I.P cũng không thích “lên báo” như xưa nữa. Y tế, giáo dục cũng đầy rẫy mảng miếng nhạy cảm, buộc phải đeo khẩu trang.
Sơ sẩy mà làm cho dân hoang mang thì chỉ có nhà báo lãnh. Cuối cùng, theo kết luận của nhóm phóng viên Mõ Tre, chỉ còn mảng viết về những người mẫu chuyên chụp ảnh khỏa thân do Playboy giới thiệu thì chắc là… ngon!
Những nhà báo chuyên nghiệp như nhóm phóng viên Mõ Tre có thể sẽ chỉ còn được phép hành nghề theo kiểu như thế nhưng còn những đối tượng khác? Ông Nguyễn Trọng Tạo, một nhà văn chuyên nghiệp, đồng thời cũng là blogger viết trên blog của ông rằng, đầu tháng 9, ông nghe tin ba blogger bị tam giữ vì “xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng mấy ngày hôm nay, lại cũng quá nhiều tin Công an đã trả tự do cho hai blogger Người Buôn Gió và Trang Ridiculous, chỉ còn blogger Mẹ Nấm vẫn còn bị tạm giữ.
Ông Tạo nhận định, có thể an ninh cho rằng, có một tổ chức nào đó đang làm việc này và họ bắt giữ để tìm nguồn gốc của những chiếc áo. Tuy nhiên theo ông Tạo, việc bắt các blogger với tội nghiêm trọng rồi lại thả ra vì không có tội làm ông phải suy nghĩ. Phải chăng, đây là những hành động răn đe các blogger muốn phát biểu quan điểm của mình về đất nước, với lòng yêu nước nhiệt thành của họ?
Vì luật pháp không cấm viết blog, luật pháp cũng bảo hộ quyền tự do ngôn luận của công dân và Đảng khuyến khích “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… nên theo ông Tạo, phát biểu quan điểm yêu nước hay hành động yêu nước là điều đương nhiên. Mà như thế thì tại sao, không thấy báo chí chính thống đưa tin về việc bắt các blogger cũng như việc trả tự do cho họ(?).
Ông Tạo kể, ông đã vào VietNamNet tìm các bài viết của nhà báo Đoan Trang, tuy thấy cả trăm tựa bài trên trang tìm kiếm nhưng mở ra thì tất cả đều trắng và việc bóc bài cũng không hề có thông báo nào tới bạn đọc.
Dẫn lời cổ nhân “Danh chính thì ngôn thuận”, ông Tạo bảo, mấy việc vừa nêu, danh thì chính mà ngôn không thuận, khiến tôi áy náy vô cùng. Mong sao mọi việc càng ngày càng minh bạch hơn để mọi người không còn phải áy náy như tôi về những tin đồn, không biết tin vào đâu.
Việc bắt giữ vài người và gây khó dễ cho nhiều người, chỉ vì tất cả cùng bày tỏ tình yêu với quê hương, sự quan tâm đến vận nước, dễ khiến người ta ngộ nhận về ý thức thức trách nhiệm của hệ thống cầm quyền đối với quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên không thể dựa vào hiện tượng để khẳng định bản chất. Giới lãnh đạo Đảng và chính quyền có thể yêu nước theo cách rất riêng, ít người biết mà lại không muốn giải thích nên dù họ rất muốn, mọi người vẫn không thể “quán triệt sâu sắc”!
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment