Wednesday, August 12, 2009

NHÂN VỤ "TAM TOÀ" NGHĨ VỀ CHUYỆN ĐƯỢC - THUA


Câu chuyện được thua
Trần Phong Vũ
12-08-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6609

Nhân bài viết của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh

Từ trong nước, linh mục (Lm.) Nguyễn Ngọc Tỉnh, đã gửi cho cá nhân tôi (đồng thời, ngài cho biết cũng đã gửi cho VietCatholic) bài viết mới nhan đề:
“Tam Tòa: Chuyện Nhỏ?” Trong Email hồi âm, tôi hứa với Lm. là sẽ giới thiệu với độc giả Diễn Đàn Giáo Dân trên số 94 phát hành tháng 9, 2009.
Đọc đi đọc lại bài viết, như một phản ứng của vô thức, tôi không khỏi suy tư, trăn trở và tự thấy có trách nhiệm phải bày tỏ đôi điều. Trước hết để tạ lòng tác giả, một linh mục già thuộc dòng Thánh Phanxicô khó khăn, hiện đang sống cô đơn, tù túng trong vòng kiềm tỏa của một chế độ bất khoan dung tôn giáo, giữa những bất trắc nghi kỵ ‒ không chỉ với bày lang sói thù nghịch Giáo hội…‒ vậy mà Lm. vẫn can đảm lên tiếng. Thứ đến để một lần nói lên những suy tư chân thực, thẳng thắn của mình trước nỗi đau chung của Giáo hội và Quê hương, Đất nước hôm nay.

Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh. Nguồn: danchuausa.ne
http://www.dcvonline.net/php/images/082009/lmTinh.jpg

Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh đã nói gì?
Trước hết Lm. nói tới những phản ứng ngoạn mục của mọi thành phần trong giáo phận Vinh, từ giám mục, linh mục đoàn tới cảnh tượng “nối vòng tay lớn” của 500 ngàn giáo dân thuộc 18 giáo hạt với ngót 200 giáo xứ trong giáo phận qua những buổi cầu nguyện vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, 2009. Tiếp theo là hình ảnh “người người hiệp thông” sau khi Tam Tòa dậy sóng (công an nhà nước dùng bọn côn đồ hành hung giáo dân, phá bàn thờ, cướp thánh giá. Và máu giáo dân, máu linh mục đã đổ ra trên phần đất này).

Nói về một “sự im lặng đáng sợ”, linh mục Tỉnh viết:
“Trong khi ở trong nước cũng như từ nước ngoài, các tín hữu bày tỏ tình hiệp thông với Tam Toà như vừa nói ở trên, thì ở trong nước các giám mục hoàn toàn im hơi lặng tiếng, khiến nhiều người ngạc nhiên…”
Ngược về quá khứ, Lm. bàn sâu vào lời tuyên bố không trọn ý của Giám Mục Nguyễn Văn Hòa với tư cách chủ tịch HĐGM về nội dung câu trả lời xấc xược của Nguyễn Minh Triết với giới truyền thông nước ngoài liên hệ tới vụ án bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý năm 2007. Ngài cũng nói tới phản ứng chung chung, mang tính giáo điều của Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, đương kim chủ tịch HĐGM trong văn thư gửi nhà nước về những quy kết của giới cầm quyền đối với đức TGM Ngô Quang Kiệt và hàng linh mục, tu sĩ, giáo dân TGP Hànội trong vụ tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà. Từ đấy, Lm. Tỉnh gợi nhớ tới những lời lẽ quyết liệt, đanh thép, nghiêm khắc lên án cơ chế “Xin-Cho” trong một văn kiện của HĐGMVN được công bố năm 2002.
Đề cập những “chuyện nhỏ, chuyện lớn”, tác giả nhắc tới vụ Bôxít nổ ra trong khi các GM chuẩn bị chuyến đi “ad limina”; vụ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, vụ tòa Khâm Sứ, vụ Thái Hà trước đây và trường hợp giáo dân Tam Tòa bị bách hại hiện nay… đã bị lu mờ (nếu không muốn nói là bị quên lãng) vì niềm mơ ước thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hànội, triển vọng Đức Thánh Cha thăm Việt Nam và việc sửa soạn mừng Năm Thánh 2010.

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh nêu lên nghi vấn, “Chẳng biết có phải đây là lý do khiến các giám mục Việt Nam giữ miệng làm thinh như ta đang chứng kiến?”

Rồi người mục tử già dòng Phanxicô suy nghĩ:
“Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Va-ti-can, có người bảo: sắp có bang giao giữa Toà Thánh và Việt Nam rồi. Tôi nói với mấy người bạn: Cứ chờ đi. Hồi Hội nghị Pa-ri, phải mất 6 tháng mới thoả thuận được về hình thù của cái bàn hôi nghị, thì nay các phái đoàn của Toà Thánh cứ việc đi đi về về mòn cả dép, chưa chắc gì đã có bang giao. Điều này xem ra đúng. Mà giả như nay mai có một vị sứ thần Toà Thánh ở Hà Nội, thì ta cũng chớ vội mừng: thử hỏi tại thủ đô Hà Nội, ông đại sứ của cường quốc số 1 là Hoa Kỳ, đã làm được gì để chính quyền cộng sản Việt Nam bớt độc tài, thối nát? Còn chuyện đức giáo hoàng sang Việt Nam, thì trong hoàn cảnh bình thường, có người tín hữu nào lại không mong điều đó. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế, có lẽ mơ điều đó chỉ là mơ chuyện hão huyền. Và giả như để có được một cuộc viếng thăm như thế, cái giá phải trả là ngậm miệng làm thinh mặc cho các nhà đấu tranh cho dân chủ cứ nối tiếp nhau vào tù, mặc cho chuyện khai thác Tây Nguyên cứ việc tiếp tục, dù chẳng lợi lộc gì về kinh tế, môi trường bị huỷ hoại, an ninh quốc phòng bị xâm phạm, nguy cơ tiếp nối “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” là không tránh khỏi, mặc cho ngư dân ở nhà thì chết đói, mà ra biển thì bị tàu Trung Quốc tấn công, v.v… Cái giá phải trả thật là quá cao so với niềm vui được đón tiếp đức giáo hoàng. Điều ta còn phải lo âu là nếu lãnh đạo tôn giáo vì muốn yên thân lo việc đạo mà nhắm mắt làm ngơ cho bạo quyền mặc sức lộng hành, phỉ báng sự thật, bóp chết tự do, chà đạp công lý, thì liệu đạo Chúa Ki-tô trên đất nước này có còn là men trong bột, là muối cho đời nữa chăng?”

Trước khi kết thúc, Lm. viết:
“Là công dân Việt Nam, tôi thấm thía nỗi đau của người nông dân bị cướp đất, của ngư dân phải ở nhà nhịn đói, không dám đi ra biển, của những trí thúc muốn xây dựng đất nước, nhưng chỉ vì dám nghĩ khác đảng cộng sản mà phải vào tù. Là tín hữu Chúa Ki-tô, tôi xót xa khi thấy anh chị em đồng đạo ở Thái Hà, ở Tam Toà bị bách hại. Nhất là tôi thất vọng trước vẻ thờ ơ lạnh lùng của những bậc cha mẹ của tôi trong đời sống đức tin. Nhưng tôi an tâm vững chí khi nhớ lại lời ông Moóc-đo-khai nói với hoàng hậu Ét-te: ‘Đến lúc này mà con vẫn cứ ngậm miệng làm thinh thì người tín hữu sẽ nhận được sự trợ giúp và giải cứu từ một nơi khác’ (Et 4,14)”.

Nghĩ về chuyện Được, Thua
Tiền nhân chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về chuyện khôn-dại, còn-mất, sống-chết, được-thua ở đời. Luận về lẽ “dại, khôn”, một nhà thơ viết:
Khôn nghề cờ bạc là khôn-dại,
Dại chốn văn chương, ấy dại-khôn

Các Phúc âm nhất lãm đều nhắc lại câu nói mang giá trị chân lý ngàn đời của Chúa Giêsu, “Hạt lúa có thối rữa, có chết đi mới trổ sinh nhiều bông trái”. Trong lời Kinh Hòa Bình, Thánh Phanxicô Xaviê viết, “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Và trước phút giây bước lên đoạn đầu đài, anh hùng Nguyễn Thái Học đã nói một câu để đời khi luận về giá trị đích thực của hai chữ thành-bại trong kiếp nhân sinh: “Không thành công, nhưng cũng thành nhân”.

Ứng dụng vào cảnh ngộ Giáo hội và Quê hương Việt Nam đưới chế độ vô thần ác độc cộng sản hôm nay, chúng ta nhận ra rất nhiều chứng tá cho thấy những chỉ dấu tuồng như mâu thuẫn qua những trường hợp tưởng THUA nhưng lại ĐƯỢC, trái lại không ít những lúc tưởng ĐƯỢC nhưng lại THUA. Mà là THUA ĐẬM. Thua đến mất hết cả chì lẫn chài!

Đời sống và cung cách hành sử của TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, cố TGM giáo phận Huế là một thí dụ. Trường hợp Lm. Tađêô Nguyễn Văn Lý hiện nay là một thí dụ khác. Đánh giá bằng sự luận đoán qua con mắt đời thường, cả Tổng giám mục Điền và linh mục Lý đều thất bại, nói cách khác, đều thua đậm. Trong hai năm 1975-1976, cố TGM Huế đã thất bại trong nỗ lực sống tinh thần hợp tác với chế độ mới bằng thành tâm, thiên chí muốn góp phần mình vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau nhiều thập niên bị chiến tranh tàn phá. Nhưng bàn tay của ngài đưa ra đã không được đảng và nhà nước CSVN nắm lấy. Trái lại chi là những xuyên tạc, những mưu chước lọc lừa dối trá. Sau khi phát hiện bộ mặt thật của một chủ nghĩa bất khoan dung, kỳ thị tôn giáo, chống lại con người, ngài quyết liệt khước từ mọi thỏa hiệp giai đoạn(1). Cuối cùng ngài đã chết một cách bí ẩn, tăm tối. Nhưng giống như hạt lúa có thối rữa, có chết đi mới trổ sinh hoa trái, sự hy sinh của đức cha Nguyễn Kim Điền đã trở thành tấm gương chói sáng cho nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trong tổng giáo phận Huế noi theo. Người đầu tiên mạnh dạn bước theo chân thày mình chính là linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý. Kế tiếp là nhiều vị trong linh mục đoàn Huế, trong đó nổi trội hơn hết là hai linh mục Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải. Trong vài năm gần đây, cùng với Lm Chân Tín, các linh mục này đã kết hợp thành “Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền” tiếp tục dấn bước trên con đường đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho công bằng lẽ phải và cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam.

Về phần Lm. Nguyễn Văn Lý, quan sát dọc dài cuộc đời của ngài từ sau tháng tư năm 1975 đến nay, tuồng như lúc nào cũng chỉ là những thua thiệt và thất bại! Hết ra tù vào khám nhiều phen lại bị tước đoạt tự do bằng những năm dài quản thúc trong họ đạo, không được hành sử chức năng của người mục tử. Lần cuối cha bị kết án 8 năm tù trong một phiên tòa bịt miệng ngày 30/03/2007. Ngoài nỗi khổ ê chề thể xác, cha còn phải chịu đựng những dằn vặt về tinh thần: bị bôi xấu, bị bỏ rơi, bị hạ nhục, không chỉ bởi kẻ thù mà còn bởi chính những bạn bè, kể cả bề trên của mình!

Bằng cái nhìn trần tục, linh mục Nguyễn Văn Lý đã thua đậm, đã thất bại nặng nề. Nhưng với nhãn quan hiểu biết và những cảm nhận sâu thẳm từ tâm linh, cha đã thành công, đã thắng lớn. Sau đức cố TGM Nguyễn Kim Điền, sau cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, dưới nhiều hình thức, cách thế khác nhau, cả một thế hệ linh mục, tu sĩ –cách riêng các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế- và hàng hàng lớp lớp tín hữu giáo dân đã đứng dậy. Đứng dậy ở tòa Khâm Sứ. Đứng dậy ở giáo xứ Thái Hà. Và hôm nay họ đang can trường đứng dậy ở Tam Tòa và 18 giáo hạt thuộc giáo phận Vinh.

Như thế, TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền cố TGM giáo phận Huế tuy đã ra người thiên cổ hơn hai thập niên trước, nhưng thực tế, ngài vẫn đang sống, sống lừng lẫy, sống chan hòa giữa lòng Giáo hội Việt Nam hôm nay. Và linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý dù đang bị vây hãm trong bốn bức tường nhà tù cộng sản, nhưng ý chí bất khuất của cha, lòng ham chuộng tự do, công lý và tinh thần yêu mến Giáo hội, yêu mến Quê Hương, Dân Tộc của cha vẫn đang bay bổng, vẫn đang hiện diện một cách sống động trong lòng mọi người.

Cũng như hàng trăm ngàn tiền nhân tử đạo xưa, cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và linh mục Nguyễn Văn Lý đã nhận rõ được con đường phải đi của những con người có tinh thần trách nhiệm trong đạo ngoài đời, thực tâm yêu Chúa, yêu đạo, yêu đất nước, yêu sự thật, sự lành thánh và cái đẹp trong đời sống, không hề màng tới chuyện hơn thua, thành bại theo cái nhìn vị kỷ đời thường, trong khi dấn thân trong vai trò ngôn sứ.
Và một cách nào đó, cung cách hành sử vai trò mục tử giữa đoàn chiên của đức cha Ngô Quang Kiệt, TGM giáo phận Hà Nội trong vụ tòa khâm sứ, vụ giáo xứ Thái Hà, và của đức cha Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh trong biến cố Tam Tòa hiện nay, ít nhất cũng mang một giá trị biểu tượng, chứng tỏ, dù trong cô đơn, trong nghịch cảnh, vẫn có những mục tử kiên cường bất khuất, luôn trung thành với Tin Mừng của Đấng Cứu Thế.

Đôi lời tạm kết
Đọc bài viết mới của Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh từ trong nước gửi ra, suy nghĩ về tâm sự của ngài, bất giác người viết những dòng này không khỏi liên tưởng tới nội dung cuốn phim “Les Missions” và bản phúc trình gửi về Tòa Thánh của các giám mục địa phương sau đó. Và để thay cho lời kết, xin tóm tắt vài dòng nội dung cuốn phim bất hủ này.

Phim thuật lại quang cảnh hãi hùng man rợ khi đoàn quân viễn chinh của thực dân da trắng mở cuộc tấn công vào các bộ lạc da đỏ. Các linh mục Thừa Sai (Les Missions) đang âm thầm thi hành tác vụ truyền giáo bên cạnh các sắc dân da đỏ khi ấy có hai thái độ chọn lựa.
- Thái độ thứ nhất: đứng hẳn về phía các nạn nhân người da đỏ, sát cánh với họ trực diện chống lại những hành vi gian ác của thực dân.
- Thái độ thứ hai: khước từ bạo lực, áp dụng phương thức đấu tranh ôn hòa, bất bạo động bằng những lời cầu nguyện: nài xin Thiên Chúa hoán cải tâm hồn chai đá của kẻ ác và thêm sức mạnh cho các nạn nhân.
Nhưng cuối cùng, với thái độ dã man và với sức mạnh áp đảo của vũ khí, bọn thực dân đã hung hãn mở cuộc tấn công và tiêu diệt tất cả bao gồm nạn nhân các bộ lạc người da đỏ và các nhà truyền giáo.
Trong bản phúc trình gửi về Tòa Thánh của hàng giám mục địa phương sau đó, người ta đọc được đoạn sau đây:
‘Hàng giáo sĩ trong số các Thừa Sai đã đứng ra bênh vực người da đỏ, chống lại thực dân. Có người mạnh dạn dùng bạo lực, có người đối kháng bằng phương thức ôn hòa qua lời cầu nguyện.
Cả hai nhóm giáo sĩ đều đã chết.
Họ đã chết, nhưng dường như họ vẫn sống.
Còn chúng tôi, hàng giám mục thì vẫn còn đang sống.
Chúng tôi đang sống, nhưng dường như chúng tôi đã chết!’

Nam California, Hoa Kỳ 04/08/2009
---------------------------------------

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Chú thích của tác giả :
(1) TGM dứt khoát phủ nhận sự hiện diện của cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước Việt Nam, nghiêm khắc cấm ngặt các linh mục, tu sĩ trong giáo phận gia nhập tổ chức này, trừng phạt những giáo sĩ tham gia Hội Đồng Nhân Dân các tỉnh thị do nhà nước lập ra. Hậu quả của thái độ cương quyết ấy là TGM Điền đã bị công an cô lập, “mời làm việc” trong ba tháng trời ròng rã và bị cấm đoán, làm khó dễ trong suốt hơn mười năm cho đến chết ngày 08-6-1988, một cái chết mờ ám với nhiều nghi vấn. (Tìm đọc “Hai diện mạo, một tấm lòng” của TPV từ trang 605 đến trang 649 trong tuyển tập “Ba Mươi Năm CGVN Dưới Chế Độ CS 1975-2005” với nhiều tác giả do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân và PT Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại ấn hành).

--------------------------------------------------------

Tam Toà: Chuyện nhỏ?

Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh
11-08-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6606

Người người hiệp thông
Sau khi gửi thư đề ngày 21/07/2009 cấp báo vềviệc trên 20 giáo dân thuộc giáo xứTam Toà, Quảng Bình đã bị Công an Quảng Bình đánh đập tàn nhẫn và đang bị giam giữ, Toà Giám mục Giáo phận Vinh đã nhận được rất nhiều thư hiệp thông đến từ khắp nơi trong nước và cả từ nước ngoài. Người đầu tiên gửi thư hiệp thông là cha Phạm Văn Phương, giáo xứ Ngọc Xá, giáo phận Bắc Ninh, kế đến là cha Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế. Tiếp theo sau là nhiều linh mục cũng như giáo dân. Đặc biệt có luật sự Lê Trần Luật, luật sư của anh chị em Thái Hà hiện đang gặp nhiều khó khăn, cũng biên thư hiệp thông và tuyên bố sẵn sàng giúp nếu anh chị em tín hữu Tam Toà cần sự “hỗ trợ pháp lý” (23/07/2009). Còn trong giới sinh viên, ngay sau khi hay tin anh Giu-se Nguyễn Văn Thông, Trưởng ban Đại diện Sinh viên Công Giáo địa phận Vinh tại Hà Nội bị bắt ngày 26-07-2009 thì ngày 27/07/2009 Hội Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội đã ra thông báo khẩn kêu gọi các bạn sinh viên hiệp thông cầu nguyện và ra tuyên cáo yêu cầu chính quyền trả tự do cho anh Thông. Còn ở hải ngoại, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp Truyền Thông Công Giáo ngày 25-07-2009 thì cùng ngày, cha Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có thư hiệp thông gửi đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM/VN nhân vụ Tam Toà. Và thư hiệp thông mới nhất là của đức cha Osca Solis thuộc Uỷ Ban Á châu Thái Bình Dương của Giáo phận Los Angeles, Hoa Kỳ gửi cha Nguyễn Thanh Liêm.

Lãnh đạo giáo phận Vinh
May cho Tam Toà là từ năm 2006 Tam Toà thuộc giáo phận Vinh (nếu còn thuộc giáo phận Huế, chẳng biết Tam Toà có được số phận may mắn hơn đan viện Thiên An hay không). Người đứng đầu giáo phận Vinh là đức cha Phao-lô Ma-ri-a Cao Đình Thuyên, vị cao tuổi nhất trong các giám mục đương chức đã nổi tiếng từ vụ Thái Hà với lời tuyên bố đanh thép: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh”. Tuy đang ở nước ngoài, nhưng qua lá thư đề ngày 22-07-2009 viết tại Hoa Kỳ “gửi cha Tổng Đại Diện, quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em, cách riêng giáo dân Tam Toà, nhất là những anh chị em bị đánh đập và bắt giữ”, ngài tỏ ra an tâm, vì như lời ngài nói: “Tôi tin tưởng vào sự khôn ngoan và nhiệt thành của quý cha với gần 500 ngàn giáo dân giáo phận Vinh”. Khi cùng một số linh mục Vinh đến thăm Thái Hà, những lời tuyên bố cũng như cách làm của đức cha Thuyên cho thấy ngài đã có một chọn lựa dứt khoát:Đoàn kết mới đem lại sức mạnh, và tình đoàn kết phải được thể hiện qua việc làm, đúng như lời thánh Gia-cô-bê:đức tin không đi đôi với việc làm là đức tin chết. Nay nổ ra vụ Tam Toà, một địa điểm trong giáo phận của đức cha Thuyên, ngài viết: “Tôi an tâm hơn khi biết quý cha cùng tất cả anh chị em đang cùng ‘một lòng một ý’ làm nên sức mạnh của những người tin Chúa, và đang hết mình vì giáo phận trong tình hiệp thông và liên đới.” Và cứ nhìn những gì đã diễn ra trong giáo phận Vinh trong vụ Tam Toà cũng thấy đức giám mục Vinh có lý để an tâm:7 giờ sáng Chúa nhật 26-07 vừa qua, tất cả các tín hữu Công Giáo đều tập trung về một trong 18 nhà thờ giáo hạt để cầu nguyện với con số tổng cộng trên 200.000. Các linh mục một lòng đoàn kết, cho thấy các ngài là những mục tử cương quyết cùng nhau bảo vệ đoàn chiên.

Sự im lặng đáng sợ
Trong khi ở trong nước cũng như từ nước ngoài, các tín hữu bày tỏ tình hiệp thông với Tam Toà như vừa nói ở trên, thì ở trong nước các giám mục hoàn toàn im hơi lặng tiếng, khiến nhiều người ngạc nhiên. Thật ra thì nếu nhìn lại các sự việc đã diễn ra trong những năm gần đây, ta sẽ không ngạc nhiên trước sự im lặng của các ngài, khi xảy ra vụ cha Nguyễn Văn Lý chẳng hạn. Chắc hẳn sự im lặng của các giám mục đã khiến Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nghĩ mình có lý do để tuyên bố với hãng CNN Hoa Kỳ:“HĐGM/VN và Toà Thánh Va-ti-can cũng đồng tình và ủng hộ việc xét xử linh mục Nguyễn Văn Lý” (Tuổi Trẻ ngày 07/07/2007). Ngay ngày hôm sau, 08/07/2007 đức cha Nguyễn Văn Hoà, Chủ Tịch HĐGM/VN đã phản ứng ngay. Ngài viết:“Câu trả lời của cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ‘HĐGM/VN và Toà Thánh Va-ti-can cũng đồng tình với chúng tôi’ là không đúng sự thật.” Giả sử Chủ tịch Nước nói như thế này: “Ông linh mục Nguyễn Văn Lý vi phạm luật pháp Việt Nam thì bị xử lý theo luật pháp Việt Nam, và bản án 8 năm tù giam là thoả đáng, bằng cớ là trong số các vị giám mục là lãnh đạo của ông linh mục Lý, không có vị nào lên tiếng phản đối hết”. Trong giả thuyết đó, chẳng biết đức cha Chủ tịch HĐGM/VN sẽ phản ứng như thế nào.

Trở lại vụThái Hà
Vụ Thái Hà nổ ra ngay trước Hội nghị các giám mục tại Xuân Lộc. HĐGM/VN đã nhận được thư ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND/Tp Hà Nội tố cáo “Toà Tổng giám mục Hà Nội mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và Nhà thờ Thái Hà, mà đứng đầu là linh mục Vũ Khởi Phụng cùng các giáo sỹ Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong… đã kích động, lôi kéo giáo sỹ, giáo dân hoạt động tôn giáo trái pháp luật và có những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố”, văn thư đề ngày 23/07/2008.
Trong văn thư trả lời đề ngày 25-09-2008, đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM/VN trả lời rằng các vị nói trên “Không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo.” Lời thanh minh chỉ có bấy nhiêu. Hoá ra Đức Cha Chủ tịch HĐGM/VN không biết hay không nhớ tài liệu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chỉ cách Đại hội tại Xuân lộc có 6 năm, đó là lá thư ngỏ gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam nhân Hội nghị thường niên của HĐGM tại Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 12-10-2002 trong đó các giám mục phản bác cơ chế xin-cho của chế độ. Và tội tầy đình của đức cha Ngô Quang Kiệt Tổng Giám mục Hà Nội là đã công khai phản bác cơ chế xin-cho đó trong cuộc họp với UBND Tp Hà Nội ngày 20/09/2008.

Một chút tưởng tượng
Nếu sau lời tuyên bố đức cha Ngô Quang Kiệt không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo, mà đức cha Chủ tịch HĐGM/VN nói thêm: “Khi phản bác cơ chế xin-cho, đức cha Ngô Quang Kiệt đã lấy lại lập trường của HĐGM/VN sau Hội nghị 2002 trong thư chung đã gửi các cơ quan luật pháp vào thời điểm nói trên.” Nếu có được một lời khẳng định như thế, mọi sự sẽ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta chứng kiến thời gian vừa qua.
Thư ngỏ của HĐGM/VN năm 2002 vừa nói hoàn toàn đi theo nguyên tắc đồng hành với Dân Tộc của thư chung năm 1980. Nhưng nay nhìn lại, ta có cảm tưởng HĐGM/VN chỉ muốn đưa ra những nguyên tắc trừu tượng mà thôi chứ không đi vào thực tế, vì khi nổ ra những vấn đề xã hội như tham nhũng, dân oan, và gần đây nhất là vụ bauxite Tây Nguyên thì không thấy động tĩnh gì từ phía HĐGM, trong khi người người đều mạnh mẽ lên tiếng trước hiểm hoạ khôn lường đe doạ đến sự tồn vong của Dân Tộc.

Những vấn đề lớn
Có vẻ như khi nổ ra vấn đề bauxite, các giám mục Việt Nam đang bận tâm lo chuẩn bị cho chuyến đi “ad limina” nên phải tránh mọi động thái khiến Nhà Nước kiếm cớ gây khó dễ. Nay đi vềbình an rồi thì lại phải lo nhiều chuyện lớn khác: nào là chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, nào là ứng xử ra sao cho hợp với hoàn cảnh, vì cuối năm nay Chủ tịch Nước thăm Toà Thánh Va-ti-can, đưa quan hệ Việt Nam – Va-ti-can lên một tầm cao mới, biết đâu là thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường, và biết đâu Giáo Hội Việt Nam sẽ được vui mừng tiếp đón Đức Thánh Cha nhân chuyến tông du của ngài sang Nam Triều Tiên vào năm 2011? Bên cạnh những chuyện đại sự như thế, nhà thờ và nhà dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đâu có là gì, Tam Toà cũng thế, chỉ là chuyện nhỏ… Chẳng biết có phải đây là lý do khiến các giám mục Việt Nam giữ miệng làm thinh như ta đang chứng kiến.

Vài suy nghĩ
Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Va-ti-can, cóngười bảo: sắp có bang giao giữa Toà Thánh và Việt Nam rồi. Tôi nói với mấy người bạn: Cứ chờ đi: Hồi Hội nghị Pa-ri, phải mất 6 tháng mới thoả thuận được về hình thù của cái bàn hôi nghị, thì nay các phái đoàn của Toà Thánh cứ việc đi đi về về mòn cả dép, chưa chắc gì đã có bang giao. Điều này xem ra đúng. Mà giả như nay mai có một vị sứ thần Toà Thánh ở Hà Nội, thì ta cũng chớ vội mừng:thử hỏi tại thủ đô Hà Nội, ông đại sứ của cường quốc số 1 là Hoa Kỳ, đã làm được gì để chính quyền cộng sản Việt Nam bớt độc tài, thối nát? Còn chuyện đức giáo hoàng sang Việt Nam, thì trong hoàn cảnh bình thường, có người tín hữu nào lại không mong điều đó. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế, có lẽ mơ điều đó chỉ là mơ chuyện hão huyền. Và giả như để có được một cuộc viếng thăm như thế, cái giá phải trả là ngậm miệng làm thinh mặc cho các nhà đấu tranh cho dân chủ cứ nối tiếp nhau vào tù, mặc cho chuyện khai thác Tây Nguyên cứ việc tiếp tục, dù chẳng lợi lộc gì về kinh tế, môi trường bị huỷ hoại, an ninh quốc phòng bị xâm phạm, nguy cơ tiếp nối “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” là không tránh khỏi, mặc cho ngư dân ở nhà thì chết đói, mà ra biển thì bị tàu Trung Quốc tấn công, v.v… Cái giá phải trả thật là quá cao so với niềm vui được đón tiếp đức giáo hoàng. Điều ta còn phải lo âu là nếu lãnh đạo tôn giáo vì muốn yên thân lo việc đạo mà nhắm mắt làm ngơ cho bạo quyền mặc sức lộng hành, phỉ báng sự thật, bóp chết tự do, chà đạp công lý, thì liệu đạo Chúa Ki-tô trên đất nước này có còn là men trong bột, là muối cho đời nữa chăng?

Kết luận
Là công dân Việt Nam, tôi thấm thía nỗi đau của người nông dân bị cướp đất, của ngư dân phải ở nhà nhịn đói, không dám đi ra biển, của những trí thúc muốn xây dựng đất nước, nhưng chỉ vì dám nghĩ khác đảng cộng sản mà phải vào tù. Là tín hữu Chúa Ki-tô, tôi xót xa khi thấy anh chị em đồng đạo ở Thái Hà, ở Tam Toà bị bách hại. Nhất là tôi thất vọng trước vẻ thờ ơ lạnh lùng của những bậc cha mẹ của tôi trong đời sống đức tin. Nhưng tôi an tâm vững chí khi nhớ lại lời ông Moóc-đo-khai nói với hoàng hậu Ét-te:“Đến lúc này mà con vẫn cứ ngậm miệng làm thinh thì người tín hữu sẽ nhận được sự trợ giúp và giải cứu từ một nơi khác” (Et 4,14).

Sài Gòn, ngày 31 tháng 07 năm 2009
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

pascaltinh@gmail.com

(Bài do tác giả Trần Phong Vũ gởi. DCVOnline)
-----------------------------------------------------

Nhân Vụ Tam Tòa
Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM
09/08/2009
http://dcctvn.net/news.php?id=4773

Dòng Chúa Cứu Thế với Tam Tòa
Đọc các tài liệu liên quan đến Tam Toà, ta biết rằng trước kia Tam Toà thuộc giáo phận Huế. Thế nhưng suốt nhiều thập niên, Đức Tổng giám mục Huế không sao bổ nhiệm linh mục cho Tam Toà được. Rồi từ năm 2006 Tam Toà thuộc giáo phận Vinh, do đức cha Phao-lô Ma-ri-a Cao Đình Thuyên lãnh đạo. Và đức cha Thuyên được công luận chú ý từ vụ Thái Hà. Ngay sau khi xảy ra vụ Thái Hà, ngài đã cùng với một phái đoàn linh mục Vinh đến Thái Hà hành hương, và nhân dịp đó đã khảng khái tuyên bố: Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh. Lời tuyên bố đó cho ta hiểu tại sao ngay sau khi nổ ra vụ Tam Toà thì linh mục và giáo dân xứ Thái Hà do DCCT đảm nhiệm đã có mặt. Và chính các linh mục và tu sĩ DCCT là những người thường xuyên cung cấp thông tin, cũng như tổ chức khắp các nơi có nhà dòng các buổi cầu nguyện cho Tàm Toà, ví dụ như tại chính nhà thờ này ngày thứ Hai 27-7 vừa qua.

Nội dung buổi cầu nguyện hôm nay

Những thông tin liên quan đến Tam Toà thì tôi hy vọng anh chị em đã biết ít nhiều rồi, dĩ nhiên không phải qua báo đài của Nhà Nước vì toàn là những chuyện ngược với sự thật. Nhất là những anh chị em đã có dịp tham dự thánh lễ tại nhà thờ Kỳ Đồng này chiều tối 27-07 vừa qua thì đã thấy được ít nhiều hình ảnh. Còn những ai có phương tiện đọc các trang mạng Vietcatholic hay Dòng Chúa Cứu Thế và nhiều trang mạng khác thì biết các thông tin rất đầy đủ. Tình cảnh thảm thương của những anh chị em sống tại một miền quê nghèo vào bậc nhất Việt Nam, với thời tiết khắc nghiệt, lại còn bị thiên tai đe doạ quanh năm, tình cảnh của những người tín hữu không có một nơi thờ phượng, của một số anh chị em tín hữu và linh mục bị đánh đập tàn nhẫn, người gãy tay, người gãy răng, người sém lòi con mắt, v.v… lại còn bị truyền thông Nhà Nước bóp méo sự thật, kết đủ mọi thứ tội. Trong thánh lễ tối nay, chúng ta cùng nhau hướng về Tam Toà, cùng hiệp thông, cùng chia sẻ, cùng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết nhất của chúng ta.

Từ Thái Hà nhìn ra xa
Tuy nhiên tối hôm nay tôi không muốn dừng lại nơi những cộng đoàn địa phương như Tam Toà hay Thái Hà, nhưng muốn mời anh chị em đưa mắt nhìn xa hơn, rộng hơn, để có thể bao quát cả cộng đoàn Hội Thánh trên đất nước chúng ta. Du khách đến Việt Nam lác mắt trước những nhà thờ đồ sộ nguy nga, những toà giám mục, những chủng viện hoành tráng, những cơ sở vật chất không đầy đủ tiện nghi thì cũng khang trang rộng rãi. Bước vào nhà thờ ngày Chúa nhật thì lúc nào cũng đông người nếu không phải là đầy ắp, các nghi lễ phụng vụ diễn ra trang nghiêm sốt sắng. Số chủng sinh, tu sĩ, linh mục không ngừng gia tăng. Giám mục, linh mục, tu sĩ đi nước ngoài như đi chợ. Đây là những chuyện chúng ta không thể phủ nhận.

Cái giá phải trả
Vấn đề là ở chỗ để có được những thứ đó, chúng ta đã chấp nhận trả giá. Từ những vụ dân oan khiếu kiện xảy ra trên khắp nước, đến các vụ bắt bớ các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ, các nhà trí thức đặc biệt là các luật sư và nhà báo, các lãnh đạo tôn giáo kể cả Công Giáo, đến chuyện nhường đất nhường biển, gần nhất là vụ bauxite Tây Nguyên, Giáo Hội Công Giáo chúng ta đã ngậm miệng làm thinh, tự tách mình ra khỏi cộng đồng Dân Tộc.
Ngoài ra, đáng lẽ chúng ta phải có quyền và bổn phận đóng góp vào việc xây dựng con người và xã hội trong mọi lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội, chính trị, nhưng các thứ quyền đó cũng như những quyền cơ bản nhất của con người đã bị tước đoạt, chỉ còn lại “quyền được rên”. Hậu quả là Giáo Hội bị giam lỏng trong nhà thờ: nhìn từ bên ngoài, đạo chỉ còn là một mớ nghi thức.

Hình ảnh biến dạng
Trong khi với những nhà thờ lộng lẫy, những cơ sở hoành tráng, những cuộc lễ linh đình, Giáo Hội thành một món đồ trang trí cho chế độ, một minh chứng hùng hồn để chế độ dựa vào đó mà khẳng định “có tự do tôn giáo”, thì cùng lúc Giáo Hội tuy là một tổ chức chặt chẽ nhưng xa lạ với người nghèo, lạnh lùng với các tôn giáo khác, thờ ơ với vận mạng dân tộc. Nói khác đi, hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo, của chính Chúa Ki-tô có nguy cơ bị biến dạng. Nếu khuôn mặt bầm dập của anh chị em đồng đạo của chúng ta khiến chúng ta nao lòng, thì khuôn mặt của đạo Công Giáo, của Giáo Hội Công Giáo, của chính Chúa Ki-tô bị biến dạng như tôi vừa nói, phải làm chúng ta lo lắng sợ hãi biết chừng nào. Chính vì vậy mà tối hôm nay chúng ta không chỉ cầu nguyện cho cộng đoàn tín hữu Tam Toà, nhưng chúng ta cầu nguyện cho cộng đoàn Hội Thánh Việt Nam ở mọi miền đất nước.

Từ mảnh đất đến con người
Tam Toà cũng như Thái Hà là những địa điểm có vấn đề đất đai của Giáo Hội Công Giáo bị tước đoạt cách bất công. Qua các buổi cầu nguyện, chúng ta dâng lên Thiên Chúa nguyện vọng tha thiết của chúng ta, để chúng ta có được không gian cần thiết cho sinh hoạt tôn giáo. Nhưng qua các buổi cầu nguyện đó, chúng ta còn muốn nói lên với nhà cầm quyền, với công luận, rằng chúng ta không chấp nhận mãi mãi bị đối xử bất công. Và đến đây thì mục tiêu của chúng ta không dừng lại nơi vài ba thửa đất, nhưng hướng đến con người, đến hết mọi người đang sống trên dải đất Việt Nam đặc biệt là những người nghèo. Là vì chúng ta không sống trên cung trăng, không làm việc tông đồ trên sao hoả, nhưng chúng ta sống và hoạt động trên quê hương đất nước Việt Nam, giữa đồng bào Việt Nam. Là tín hữu Chúa Ki-tô, chúng ta muốn sống Tin Mừng, muốn chia sẻ Tin Mừng với những anh chị em máu đỏ da vàng như chúng ta. Và do đó, khát vọng của mỗi người Việt Nam, khát vọng độc lập, khát vọng tự do, khát vọng dân chủ, khát vọng công lý, những khát vọng chính đáng đó của Dân tộc cũng phải là của cộng đồng tín hữu chúng ta. Những khát vọng chính đáng và mạnh mẽ đó, chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa là Đấng làm Chủ lịch sử, là Đấng chúng ta yêu mến tôn thờ.

Một ước nguyện
Để khát vọng của chúng ta được mọi người chia sẻ, để tiếng nói của chúng ta có khả năng vang vọng ra xa, cần thiết phải có sự đồng tâm nhất trí ngay trong chính nội bộ của chúng ta. Cứ xem những gì mới diễn ra tại 178 nhà thờ của giáo phận Vinh ngày Chúa nhật vừa qua chúng ta cũng thấy được sức mạnh của lòng tin. Nếu không phải chỉ có giáo phận Vinh, nhưng tất cả các giáo phận cùng có chung một ước nguyện, một ý chí, một nỗ lực xây dựng công lý và hoà bình, thì đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho quê hương, cho dân tộc sẽ to lớn biết chừng nào. Và để đạt mục tiêu đó trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các vị lãnh đạo tinh thần, cho các vị mục tử thân yêu của chúng ta.

Cầu cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh Việt Nam
Như bất cứ ai trong chúng ta, các ngài cũng là những con người mỏng giòn yếu đuối, nên cần có ơn Chúa phù trợ. Vì vậy, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam không phải trải qua kinh nghiệm đau thương của Giáo Hội Ba Lan, nơi mà một vị giám mục, đức cha Stanislaw Wielgus, chỉ một khoảnh khắc trước khi cử hành lễ nhậm chức Tổng Giám mục Vácsava, đã bị đức giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI yêu cầu từ chức, vì trước đó đức cha Wielgus đã bị phát hiện làm điểm chỉ viên cho mật vụ thời cộng sản. Điều chúng ta phải cầu xin Chúa là cho các giám mục của chúng ta đích thực là những mục tử, noi gương vị Mục Tử nhân lành, dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Đến đây tôi liên tưởng đến lời thánh Âu-tinh: khi nói đến linh mục, ngài đã than phiền rằng: “Linh mục thì nhiều, mục tử chẳng có bao nhiêu.” Nếu điều này cũng đúng cho giám mục, thì bất hạnh cho Dân Chúa biết chừng nào. Chúng ta cũng phải cầu xin cho tinh thần của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đi vào trong cơ cấu, đi vào trong đời sống của Hội Thánh Việt Nam. Chẳng hạn chúng ta có Uỷ Ban Truyền Thông Xã Hội, nhưng khi xảy ra các sự kiện như Thái Hà hay Tam Toà, xem ra Uỷ Ban đó chỉ là một cỗ máy trùm mền mà thôi. Còn một Uỷ Ban lẽ ra phải có mà đến giờ này chưa có, đó là Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình. Có được Uỷ Ban đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ có điều kiện góp phần chống tham nhũng, giảm thiểu các vụ án oan sai, trợ giúp người dân oan mỏi mòn đi tìm công lý.
Cuối cùng chúng ta phải cầu xin cho các giám mục chúng ta luôn đồng tâm nhất trí khi làm chuyện phải làm. Chúng ta đã được nghe đức cha Cao Đình Thuyên nói: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh.” Giá mà chúng ta được nghe “Việc của Thái Hà cũng là việc của Bùi Chu, của Huế, của Xuân Lộc, của Sài Gòn, v.v… thì Giáo Hội Công Giáo sẽ có một tiếng nói mạnh mẽ biết chừng nào, khi đó chúng ta sẽ có những đóng góp vô cùng to lớn. Không phải chỉ để lấy lại dăm ba khu đất, nhưng góp phần tái lập công lý và kiến tạo hoà bình trên đất nước chúng ta, cho Dân Tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Còn nếu đồng tâm nhất trí để khỏi làm những chuyện đáng lẽ ra phải làm, thì không nên đồng tâm nhất trí, không được đồng tâm nhất trí. Trong một vụ dầu sôi lửa bỏng như vụ Tam Toà, ta đã thấy biết bao nhiêu tín hữu xa gần đều lên tiếng hiệp thông, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, vậy mà ở trong nước trong số hơn 30 vị giám mục, không có bất cứ một vị nào lên tiếng, thì đây quả là chuyện không bình thường. Trong trường hợp này điều chúng ta phải cầu xin Chúa là cho các giám mục của chúng ta chấp nhận nguyên tắc khác biệt trong đa dạng.

Kết luận
Chẳng biết tôi đang chia sẻ với anh chị em hay là tôi đang mơ. Nhưng tôi nghĩ trong tư cách người tín hữu, đứng trước mặt Chúa mà mơ, đứng giữa cộng đoàn mà mơ, thì giấc mơ của tôi đã là một lời cầu nguyện rồi. Vậy thì xin được cùng với anh chị em dâng lên Thiên Chúa những ước mơ tha thiết của tôi như một lời cầu nguyện.

Nhà thờ DCCT 38 Kỳ Đồng, ngày 09.08.2009,
Pascal NGUYỄN NGỌC TỈNH, OFM



No comments: