Thursday, August 13, 2009

LIÊN MINH CHO BÀ AUNG SAN SUU KYI


Liên minh cho bà Aung San Suu Kyi
Washington Post
Đinh Từ Thức dịch
13/08/2009 10:28 sáng
http://www.talawas.org/?p=9015
Phiên tòa trá hình của Quân phiệt Miến Điện xử bà Aung San Suu Kyi đã ra lệnh quản thúc bà thêm 18 tháng, để cản trở bà có thể thắng cử lần nữa trong cuộc bầu cử dự trù vào năm tới.
Gần như cả thế giới đã đồng loạt lên án chế độ độc tài Miến Điện. Nhưng sau những lời lên án sẽ là gì? Đó là nội dung bài bình luận chính trên tờ nhật báo nổi tiếng nhất tại Thủ đô Hoa Kỳ.


Sau đây là bản dịch bài “
Allies for Aung San Suu Kyi“, trên The Washington Post vào ngày Thứ Tư 12 tháng 8, trang A20.

----------------------------

Liệu có ai làm hơn là phàn nàn về “quyết định bất công” của Miến Điện?

Không có gì đáng ngạc nhiên về quyết định của quân phiệt Miến Điện vào ngày Thứ Ba đã bắt bà Aung San Suu Kyi phải chịu thêm 18 tháng quản thúc tại gia. Bà đã khiến Tướng Than Shwe và đồng bọn khiếp sợ. Chắc là họ không thể hiểu được sự thân dân, tính khiêm cung và can đảm tinh thần của bà. Vì thế, họ quản thúc bà, như họ đã từng làm trong hầu hết thời gian kể từ khi Đảng Dân chủ của bà (National League for Democracy) thắng cử, và bị họ đánh tráo, trong cuộc bầu cử năm 1990.
Cũng chẳng có gì ngạc nhiên về lời phát biểu của Tổng thống Obama khi ông nói việc làm của Miến Điện là “quyết định bất công hôm nay”, cùng với những lên án gần như từ khắp nơi. Từ các láng giềng dân chủ của Miến tại Đông Nam Á như Nam Dương và Phi Luật Tân; từ Cộng đồng châu Âu, và Úc châu; từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đến nhiều khôi nguyên giải Nobel gống như bà Aung San Suu Kyi - tất cả đều hối thúc quân phiệt trả tự do cho bà. Phần lớn đã nói rõ rằng cả hai ngàn tù nhân chính trị khác, nhiều người phải trải qua điều kiện giam giữ kinh khủng, cũng cần phải được trả tự do.

Nhưng sau những lời than phiền và lên án, rồi chuyện gì sẽ xẩy ra?

Trên thực tế, tất cả 50 triệu dân Miến đang là tù nhân chính trị, cũng trong tình trạng bi thảm tương tự như dân Bắc Triều Tiên, và vài quốc gia khác trên thế giới. Sự tàn bạo và tham nhũng của các lãnh tụ quân sự, những người đã rút 40% ngân sách nhà nước để dùng cho quân đội và phá tán phần còn lại vào những lãng phí cho nếp sống cô lập kỳ cục, khiến cho quốc gia một thời thịnh vượng này trở thành nghèo khó hơn cả những nước như Malawi và Afghanistan. Quân đội đã thường xuyên gây chiến với các sắc dân thiểu số, bằng võ khi quen thuộc là hãm hiếp và cưỡng bách lao động. Liệu những nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, những vị chỉ vài năm trước đây đã lớn tiếng tự nhận “trách nhiệm bảo vệ” những dân tộc yếu kém của thế giới, có gì để đáp ứng?

Có những biện pháp có thể mang ra áp dụng, như phối hợp trừng phạt tài chánh nhắm vào các lãnh tụ hưởng lợi trên sự khốn cùng của dân chúng, hoặc thực sự cấm vận võ khí - nhất là theo những báo cáo mới đây cho biết Miến Điện cộng tác với Bắc Triều Tiên về nguyên tử. Một báo cáo vào tháng Năm của Trung tâm nghiên cứu Nhân quyền Quốc tế (International Human Rights Clinic) tại trường Luật Đại học Harvard, được ủy thác bởi các cựu thẩm phán danh tiếng như Patricia Wald của Hoa Kỳ và Richard Goldstone của Nam Phi đã đưa ra bằng chứng thuyết phục về những tội ác của quân phiệt chống lại nhân loại, để biện minh cho Ủy ban Điều tra của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể truy tố ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Nga và Trung Quốc, những nước bênh vực bạo quyền, có thể là trở ngại, nhưng không phải là không thể vượt qua, nếu Hoa Kỳ, Đông Nam Á và Châu Âu coi điều này là một ưu tiên.

Và Hoa Kỳ ở đâu? Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Rodham Clinton đã tuyên bố khi mới nhậm chức về việc xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện. Trong khi phiên tòa trá hình xử bà Aung San Suu Kyi đang diễn ra, việc xét lại này đã đình chỉ, khiến chính quyền không sẵn sàng một cách đáng ngạc nhiên trong việc đáp ứng sự việc xẩy ra vào ngày thứ Ba. Việc xét lại cần tái tục ngay bây giờ — chúng tôi hy vọng với sự cấp bách đã thiếu vắng trước đây.

Nguồn:
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/08/11/AR2009081102936.html
Bản tiếng Việt © 2009 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

TIN LIÊN QUAN :

Phải làm gì với Miến Điện? (VOA)
Hội đồng Bảo an hoãn họp về Miến Điện (BBC)
Bà Suu Kyi gặp luật sư thảo luận việc kháng cáo (VOA)
Phản ứng giận dữ về án phạt bà Suu Kyi (BBC)
Bà Aung San Suu Kyi sẽ kháng án trong khi làn sóng phản đối Miến Điện càng dâng cao (RFI)
ASEAN còn phản ứng dè dặt về vụ xử Aung San Suu Kyi (RFI)

No comments: