Monday, August 17, 2009

CÔNG GIÁO : ĐỐI THOẠI ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI


Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi: Ðối thoại để giải quyết tranh chấp đất đai
Sunday, August 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=99786&z=1
HÀ NỘI (NV) - Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN), tổ chức cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hồi tuần qua ra văn bản kêu gọi chính quyền Việt Nam nên đối thoại để giải quyết các tranh chấp đất đai.
Lời kêu gọi được đưa ra giữa lúc hàng trăm ngàn giáo dân Công Giáo ở địa phận Vinh chuẩn bị tham dự Thánh lễ “Quan Thầy” của giáo phận với các biểu ngữ đòi hỏi công lý cho giáo xứ và các giáo dân Tam Tòa.
Hàng đoàn người dùng mọi loại phương tiện, kể cả đi bộ hàng chục, hàng trăm cây số khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, với cờ quạt, biểu ngữ, biểu dương ý chí và sức mạnh tôn giáo có trật tự và kỷ luật. “Mong ước thiết tha của chúng ta lúc này là, mọi thành phần trong xã hội đều được mời gọi bước vào mọi cuộc đối thoại, thảo luận, tranh biện.” Lời cuối cùng của văn bản có tựa đề “Nghĩ về giải pháp cho những xung đột” mà Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phổ biến hồi tuần qua như những lời kêu gọi phía nhà cầm quyền Việt Nam tham gia những cuộc đối thoại “thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.”

Lời kêu gọi của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là văn bản tiếp nối theo văn bản “Quan điểm của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” do Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ký và gửi cho nhà cầm quyền Hà Nội ngày 25 Tháng Chín - 2008, sau khi xảy ra các biến cố cầu nguyện đòi đất ở Hà Nội (Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà) và nhiều nơi khác.
Trong văn bản do Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn ký, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền “lưu ý” đến yếu tố tư hữu trong quyền sở hữu đất đai như đã được qui định trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền mà chính quyền Việt Nam đã tham gia ký cam kết tôn trọng. “Trong thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về nhà đất diễn ra công khai, được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc lan truyền trong dư luận, đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ðặc biệt một số vụ việc cụ thể mới đây, liên quan đến đất đai của cơ sở Công Giáo, đã kết thúc bằng việc chính quyền sử dụng công lực (bắt giam và khởi tố hình sự nhiều người liên quan), càng khiến dư luận quan tâm với nhiều quan ngại. Mối quan ngại trong các tầng lớp nhân dân nảy sinh từ diễn tiến và cách giải quyết một số vụ tranh chấp.” Văn bản “Nghĩ về giải pháp cho những xung đột” viết.
“Cách giải quyết tranh chấp đất đai, dựa trên Luật Ðất Ðai 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành, đã bộc lộ những bất cập...”

Văn bản của HÐGMVN viết, rằng dù mang tư cách là đại diện chủ sở hữu, nhưng nhà nước “có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đối với đất đai. Ví dụ, theo điều 5, Luật Ðất Ðai, nhà nước có các quyền: quyết định mục đích sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; định giá đất; quyết định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất...” Do độc tài đảng trị nên “Với những quyền to lớn đó, nếu không có quy định ràng buộc chặt chẽ và cơ chế giám sát hữu hiệu thì khó tránh khỏi sự lạm dụng của những người nắm giữ quyết định đối với mọi vấn đề liên quan đến đất đai. Ðó là tình trạng lạm dụng để đoạt lợi, nhất là khi đất đai trở thành một thứ hàng hóa có giá trị như hiện nay.”

Ðể trấn an nhà cầm quyền Hà Nội, HÐGMVN lập lại quan điểm của Tòa Thánh Vatican qua ý kiến của Giáo Hoàng Benedict XVI khi ngài nói “Giáo hội không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, giáo hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân.”
HÐGMVN cho rằng, ngay trong những sự kiện “căng thẳng” giữa nhà chức trách ở một số địa phương với cộng đoàn Công Giáo tại đó, các Kitô hữu vẫn không từ bỏ và mất niềm tin về triển vọng “một sự hợp tác lành mạnh giữa giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được” như lời Ðức Giáo Hoàng căn dặn.


Tam Tòa: Cần phải làm gì để giữ nghiêm luật pháp và đảm bảo quyền lợi công dân?
JB. Nguyễn Hữu Vinh

16/08/2009
http://www.dcctvn.net/news.php?id=4900
Những thông tin Tam Tòa mấy ngày gần đây đã làm nhiều người cảm thấy thất vọng. Người ta thất vọng về một cách hành xử của nhà cầm quyền Quảng Bình vẫn chưa biết hồi tâm và suy nghĩ theo đường ngay nẻo chính, theo đúng đường lối pháp luật đề ra để mưu cầu xây dựng một địa phương, đất nước an bình, xã hội tốt đẹp. Trái lại, họ đang cố đào sâu hố ngăn cách tôn giáo, đang cố tạo ra những bất ổn ngay trong lòng xã hội đang cần sự thống nhất và đoàn kết.
Họ cứ nghĩ rằng bạo lực, bắt bớ, giam cầm và bóp méo sự thật kết hợp khủng bố giáo dân, tu sĩ sẽ giải quyết được vấn đề của họ? Họ đã nhầm.

Những thông tin gây sốc về những hành động vô luân
Quả thật, với những thông tin cực nhanh, chính xác và loan truyền theo tốc độ của bước sóng điện từ về những hành động đàn áp, bắt bớ, giam cầm của nhà cầm quyền Quảng Bình với Giáo dân Tam Tòa đã làm hàng triệu người sững sờ, hàng trăm triệu con tim phẫn uất trước một sự việc đang xảy ra ở thế kỷ 21. Vì vậy đã dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội từ khắp nơi trên thế giới.
Rồi việc các linh mục bị đánh đập dã man đến trọng thương, những tin tức hình ảnh đó đã làm người ta giật mình: Phải chăng, ở Quảng Bình đang diễn ra sự bách hại tôn giáo như thời phong kiến? Phải chăng nhà cầm quyền Quảng Bình đang muốn lưu danh sử sách như Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị… những ông vua mà bàn tay nhuốm máu người công giáo?
Tất nhiên, sẽ có một điều rằng trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, những tên tuổi như Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Bình, Lương Ngọc Bính - Bí thư tỉnh ủy, Trần Công Thuật – Phó chủ tịch Tỉnh… sẽ được ghi lại ở một thời kỳ bị bách hại, đặc biệt là tại Tam Tòa với những hành động đàn áp dã man với giáo dân mà họ - những người có chức trách trước dân, hưởng lương bổng của dân phải chịu trách nhiệm.
Dù nhiều phương tiện truyền thông và cả hệ thống được huy động để thanh minh, để vu cáo để bóp méo, nhưng người ta không lạ bản chất vụ việc, cả thế giới đã có quá nhiều kinh nghiệm về những thông tin kiểu này.
Những người công giáo hiền lành, chân chất và luôn theo một đường lối, một Giáo lý hướng thiện thì không phải chỉ có ở VN, mà trên thế giới ai cũng hiểu. Chẳng cần phải nhọc công tô vẽ nào là họ âm mưu, họ chống phá… người ta cũng biết họ đang là nạn nhân của bạo lực. Những trận đòn như ở Thái Hà, ở Tòa Khâm sứ đã cho những người không chỉ trong mà cả ngoài công giáo thấy rõ bản chất sự việc và những điều qua hệ thống truyền thông có gì giống và khác nhau để rút kinh nghiệm.
Còn những người không hiểu biết, thiếu thông tin hoặc cố tình không chấp nhận sự thật để sử dụng bằng được bạo lực trong xã hội, thì thông tin đến với họ cũng như nước đổ lá khoai, có ích gì.
Người ta thấy rằng: Kể từ thời phong kiến bách hại đạo trắng trợn nhất, đây là lần đầu tiên các linh mục bị đánh đập công khai ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Ngay cả thời Cộng sản khét tiếng và không có hệ thống luật pháp nhất trong chiến tranh, cũng chưa có chuyện công khai đánh đập linh mục như vậy.
Đặc biệt, việc đánh đập linh mục lại được tổ chức chặt chẽ, nghĩa là sau khi Phó chủ tịch Tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật đưa linh mục đến rồi bỏ đó cho bọn vô lại ra tay đánh đập đến trọng thương với hành động cố sát, mặc dù đã có điện thoại yêu cầu bảo vệ an ninh của chính linh mục Ngô Thế Bính với ông này. Điều đó có nghĩa gì? Ông Trần Công Thuật phải chịu trách nhiệm như thế nào với việc này?

Linh mục Ngô Thế Bính bị đánh trọng thương
http://www.dcctvn.net/images/paulpic/081709chabinh.jpg

Việc cướp đi cây Thánh Giá linh thiêng trước bao nhiêu kẻ vô đạo là hành động gì, ai chấp nhận hành động đó của nhà cầm quyền Quảng Bình với việc nhục mạ biểu tượng linh thiêng của người Công giáo?
Những hành động đó trước cả thế giới, là hành động tự phỉ nhổ vào bộ mặt của mình luôn được rêu rao là sạch sẽ, là đạo đức, là văn minh là “tôn trọng tự do tôn giáo” mà nhà cầm quyền Quảng Bình đã không ngượng với chính mình khi viết ra những điều đó trong các văn bản, ngay cả văn bản gửi đến Tòa Giám mục Xã Đoài.
Trái lại, họ luôn bằng mọi cách bịt tai chối tội. Nhưng, những chứng cứ, con người còn đó, dù họ có làm muôn vàn trò ma, chước quỷ, thì vẫn không có gì che lấp được sự thật.
Dù nhà cầm quyền Quảng Bình có cố tạo ra chứng cứ bằng mọi cách như biệt giam, không cho tiếp xúc với thân nhân hay với những người hiểu biết về pháp luật, tạo tâm lý sợ hãi cho giáo dân và nhiều phương cách khác nhau để lấy được hình ảnh giáo dân “nhận tội” hoặc “xin khoan hồng”… đưa lên rêu rao trên truyền hình hòng đánh lừa dư luận, thì ai cũng biết bản chất của sự việc là gì.
Nếu họ muốn, thì chính những người dân vô tội, hiền lành ngoan ngoãn sống từ ngàn đời nay với trật tự xã hội truyền thống tốt đẹp vẫn có thể quay lại đấu tố cha mẹ mình, con gái có thể quay lại vu cáo bố mình hiếp dâm… như đã từng xảy ra trong lịch sử cách đây chưa lâu. Điều gì mà chẳng làm được dù là những điều không ai ngờ khi có quyền sử dụng bạo lực, kết hợp với sự đi vắng của lương tâm con người của những kẻ vô đạo.
Vậy thì việc vài giáo dân được đưa lên để gọi là “nhận tội” có gì là lạ lùng. Những người đầy học thức, đầy lý thuyết và hiểu rõ nhất từ gốc rễ bản chất vấn đề rằng mình không có tội, nhưng trước cơ quan Công an và công quyền đều phải “cúi đầu nhận tội”… thì mấy nông dân ngơ ngác, hiền lành muốn biến họ thành gì mà chẳng được.
Cần làm rõ những điều không thể chấp nhận trong cái gọi là “nhà nước pháp quyền”
Những người làm công tác truyền thông một chiều, bóp méo sự thật, xuyên tạc thực tế để nhục mạ, đổ tội và vu cáo giáo dân, linh mục, chức sắc tôn giáo cứ nghĩ rằng nói lấy được, nói một chiều, sự giả dối được lặp lại nhiều lần thì người ta cứ tưởng rằng là sự thật… Nhưng họ không hiểu rằng chính họ đã bóc trần bộ mặt thật của những kẻ gây ra hành động man rợ với giáo dân và điều đó đã tố cáo một thực tế vô chính phủ, vô luật pháp, chỉ hành động theo luật rừng ở Quảng Bình qua sự việc vừa rồi với giáo dân.
Chỉ với một câu hỏi: Ai đã xung đột với giáo dân? Ai đã tháo dỡ lều lán tạm của họ, theo lệnh của ai? ai đã đánh đập họ và vì sao đánh? Ai chỉ đạo những việc này? Tại sao những kẻ đó không bị bắt mà chỉ là giáo dân?
Hai linh mục bị đánh trọng thương bởi những hành động cố sát đó ở đâu ra? Các phương tiện truyền thông và quan chức Nhà nước nói rằng: Hai linh mục bị đánh là không có thật? Linh mục GP Vinh đã bịa đặt…
Vậy yêu cầu nhà nước truy tố ngay những người đã đặt điều nói rằng nhà cầm quyền Quảng Bình đánh đập giáo dân, xử ngay những linh mục đã bị thương và đã cho rằng chính bọn không mặc sắc phục đánh họ trước sự chứng kiến của lực lượng công an và chính quyền, trước sự mang đến rồi cố tình bỏ đi của Phó Chủ tịch Tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật.
Tại sao lại không? Pháp luật đâu phải chuyện chỉ đưa tin lên mặt báo mà chửi rủa và bôi xấu?
Cũng tương tự như vậy, yêu cầu nhà cầm quyền Quảng Bình và các cấp khác, ra ngay một văn bản để xác định rõ ràng những kẻ gọi là “tự phát” kia vi có phạm pháp luật không có bị truy tố hay không? Nếu vẫn bị truy tố thì họ đang ở đâu?
Nếu họ không bị truy tố, có nghĩa là nhà nước này công nhận rằng nếu đã là “nhân dân tự phát” thì có đập phá, giết người hoặc làm bất cứ điều gì đều không có tội? Cái gọi là tự phát đó do ai trả tiền? kẻ trả tiền cho họ có bị trừng trị không?
Và một điều nữa, các giáo dân có là nhân dân không? Họ đã không chấp nhận được sự chiếm đoạt trắng trợn đất đai, nhà thờ của mình từ 1997 bởi UBND Quảng Bình, không thể chờ đợi vô vọng những lời hứa, đã làm ngôi lán tạm để có nơi đứng mà thờ phụng, có được gọi là tự phát không? Và vì sao họ là “nhân dân tự phát thật sự” lại bị đánh đập, bị giam cầm?
Cơ quan Công an Quảng Bình có làm việc và có nắm được những kẻ đã đánh đập công dân, cướp đi tài sản của họ là ai không? Công an Quảng Bình nếu không là người dung túng, có khả năng điều tra được những kẻ nào đã truy sát đến trọng thương hai linh mục Công giáo không? Nếu không nắm được, phải cách chức ngay Giám đốc Công an Quảng Bình và Bộ trưởng Công an vì đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho nhân dân. Họ ăn lương và nhiệm vụ của họ để làm gì khi trong nội bộ nhân dân đánh đập nhau ngay trước mặt mà đã làm ngơ, để những điều đó xảy ra làm xấu đi bộ mặt đất nước đối với tự do tôn giáo.
Những kẻ đã ngang nhiên phân biệt tôn giáo, nhục mạ, hạch sách giáo dân vô cớ có vi phạm pháp luật không? Nếu có, cần xử lý họ như thế nào?
Những cơ quan báo chí, các nhà báo, những người phát ngôn, phát biểu về vụ việc Tam Tòa đã cố công bóp méo sự thật, nhục mạ giáo dân, che lấp tội ác đối với giáo dân, có phạm tội đồng lõa trong tội ác đó hay không? Việc họ xuyên tạc đó có vi phạm pháp luật hay không? Những tờ báo, những đài phát thanh, truyền hình đã rắp tâm che dấu đi thực tế là đất đai, nhà thờ đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ 11 năm trước khi có cuộc họp để ghi lại bản ghi nhớ mà họ đã đem ra để rêu rao nhằm đánh lừa những kẻ thiếu thông tin, kích động thù hằn tôn giáo, phá hoại công cuộc đoàn kết dân tộc, đoàn kết đất nước phải xử lý như thế nào?
Tất cả những điều đó, cần được giải quyết triệt để nếu còn có khi nào đó người ta nói rằng “đây là một nhà nước pháp quyền”, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” hoặc “tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân”.
Nếu không, cần sửa lại tất cả những văn bản đó để phù hợp với thực tế đang diễn ra tại Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình hiện nay.
Người Công giáo không hẳn chỉ vì mảnh đất Nhà thờ Tam Tòa, đã mấy chục năm nay họ chấp nhận chịu đựng, chấp nhận ngồi giữa nắng mưa để làm công việc thờ phượng… nhưng trước hết, quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng của họ đã bị chà đạp.
Lẽ ra, với một chính quyền bởi những người có liêm sĩ với quá nhiều những lời tự ca ngợi và xác đinh rằng là “của dân, do dân, vì dân” thì nhà cầm quyền Quảng Bình tự thấy xấu hổ với những hình ảnh đó khi nhìn ra thế giới
Lẽ ra với một Thành phố biết tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của giáo dân, thì không còn là một thành phố trắng về nơi thờ phượng của người công giáo như hiện nay khi ở đó vẫn còn một xứ đạo lâu đời khi họ hiểu được đời sống tín ngưỡng cần thiết như thế nào với người dân.
Lẽ ra, với một “nhà nước pháp quyền” khi giáo dân làm những việc chẳng đặng đừng là dựng ngôi lán tạm, nhà cầm quyền Quảng Bình cần bình tĩnh để cùng với Giáo hội để giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý hoặc tiến hành các bước theo luật định. Nhưng thói hung bạo đã làm cho họ mất cả lý trí, cơn hung bạo nhất thời đã làm cho họ sai lầm và ma đưa lối, quỷ dẫn đường cho họ dấn sâu vào con đường sai lầm tiếp theo là đẩy bạo lực leo thang.
Họ tưởng làm thế là trấn áp được tinh thần giáo dân, nhưng họ đã sai lầm nghiêm trọng.
Những hậu quả của nó, họ sẽ dần được nếm trải, nó sẽ không ngọt ngào như họ tưởng và không dễ dàng như ý họ muốn.
Thiết nghĩ rằng những lời cầu nguyện của giáo dân Giáo phận Vinh và khắp nơi “Xin Mẹ cho những người ra tay bắt bớ, biết nhận ra đâu là chân lý, sự thật…” còn sẽ phải vang lên lâu hơn nếu nhà cầm quyền vẫn sử dụng chiêu thức bởi não trạng hiện nay của họ với người Công giáo.

Hà Nội, Ngày 16/8/2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh


Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời - Thái Hà kỷ niệm 1 năm bức tường sụp đổ - Lm Nguyễn Văn Khải

No comments: