Monday, August 17, 2009
CHÚNG TA KHÔNG NGỘ NHẬN
Chúng ta không ngộ nhận
Lê Nguyên Hồng
Đăng ngày 18-8-2009
http://danchimviet.com/articles/1381/1/Chung-ta-khong-ng-nhn/Page1.html
Những việc đàn áp của nhà cầm quyền CSVN đối với đồng bào giáo dân Công Giáo xảy ra ở nhiều nơi trên toàn quốc, đặc biệt là ở giáo xứ Thái Hà và giáo xứ Tam Tòa đã thu hút sự quan tâm trên báo chí của hàng trăm triệu lượt người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Chuyện chế độ CS “dị ứng” với tôn giáo coi “tôn giáo là thuốc phiện” thì đã quá rõ ràng, có giấy trắng mực đen hẳn hoi. Và tại Việt Nam, đặc biệt đối với Công Giáo thì chuyện nhà cầm quyền CS phân biệt đối xử với bà con giáo dân cũng lại là chuyện chẳng có gì phải bàn cãi…
Từ câu chuyện bất khuất của Thái Hà rồi đến Tam Tòa. Người ta nhận thấý bà con giáo dân đã vượt qua nỗi sợ hãi, sẵn sàng đương đầu với bạo quyền của chế độ CS. Một vài người nghĩ rằng: Nhân cơ hội này toàn dân ta hãy xông lên, đạp đổ ách thống trị của CS, giành lấy tự do dân chủ cho quê hương đất nước…
Trước hết, nhân dân Việt Nam đã trải qua quá nhiều đau thương, đầu rơi máu chảy, và vì vậy họ rất sợ chiến tranh, (dù là nội chiến hay ngoại chiến). Sự ngộ nhận nhất thời của một vài suy nghĩ nôn nóng muốn giải quyết vấn đề bằng bạo động, chính là suy nghĩ rất tai hại theo hướng tự làm hại mình. Họ muốn đem tính mạng của nhân dân ra, để thực hành trò chơi bạo lực giống như loài “thiêu thân” tự đốt mình trước ngọn lửa mà thôi.
Mặt khác, bản chất vấn đề trong các cuộc đấu tranh hiện nay của đồng bào Công Giáo, thực chất là họ đấu tranh đòi quyền lợi cho chính giáo hội của họ. Chúng ta có thể coi đạo Công Giáo là một tập thể những người dân oan. Họ đấu tranh với mục đích cụ thể là giành lại những gì mà họ đã bị cướp bóc, bị tước đoạt trong mấy chục năm qua, bởi những chính sách bất công, đặc biệt là bất công trong việc nhà nước CS thu hồi bất động sản của Giáo Hội. Chính vì những cuộc đấu tranh của đồng bào Công Giáo này không hề mang màu sắc chính trị, cho nên những ai vội gán ghép trách nhiệm đấu tranh. Thậm chí là trách nhiệm lãnh đạo đấu tranh chống CS cho giáo hội Công Giáo là một việc hết sức khiếm diện, sai lầm!
Trên thực tế, tôn giáo là một yếu tố cấu thành của đời sống trong bất kỳ xã hội văn minh nào, tại bất kỳ quốc gia nào. Nhưng hầu như nó không quyết định về việc tạo lập, hoặc phế bỏ một thể chế chính trị cầm quyền. Lấy ví dụ tại Ba Lan, thời điểm mà cách mạng bất bạo động bắt đầu hình thành, tạm lấy mốc là ngày 04/10/1980 (thành lập Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan). Tuy lúc đó Ba Lan là một nước có thể coi Công Giáo như là quốc đạo, với lượng giáo dân chiếm tới trên 85 % tổng số dân. Nhưng tính đến thời điểm ngày 04/06/1989, nghĩa là cũng phải mất gần 10 năm đấu tranh dai dẳng liên tục, thì cách mạng mới thành công. Mà sự thành công đó cũng phải thực hiện bằng con đường nghị viện, trong một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc. Trên chặng đường gian nan đó, nhiều nhà đấu tranh dân chủ đã ngã xuống, nhiều người khác bị bắt bớ, đàn áp khảo tra, tù đày. Trong đó có cả lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết - Lech Walesa.
Không thể nói tại Việt Nam ngày nay, Thiên Chúa Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng lại có thể áp đặt lên nhà cầm quyền CS được một điều kiện chính trị gì, mặc dù họ có sự hiệp thông của đồng bào giáo dân người Việt trên toàn thế giới. Với tỉ lệ người theo Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam hiện nay chỉ vào khoảng trên dưới 5% (có số liệu nói 8%, thậm chí 10% - Đàn Chim Việt chú thích), bao gồm Công Giáo và Tin Lành. So sánh với Ba Lan trước đây, thì lực lượng (cứ cho là có thể đối trọng bạo lực) với bạo lực của chế độ CS là hoàn toàn không có gì để mà so sánh. Mặt khác, quan điểm của Đạo Thiên Chúa nói chung trên toàn thế giới là không sử dụng bạo lực, không làm chính trị, không can thiệp vào chính trị.
Nhưng giống như hàng triệu dân oan đang đấu tranh trên khắp mọi miền đất nước, sự lên tiếng của đồng bào Công Giáo cũng đã tạo thêm được một áp lực đáng kể lên nhà cầm quyền CSVN. Áp lực này cộng với rất nhiều áp lực khác như: Tiếng nói đấu tranh của các nhà dân chủ trong nước, áp lực phân rã chia rẽ trong nội bộ ĐCSVN, áp lực của các nền dân chủ tiến bộ trên thế giới, áp lực khủng hoảng kinh tế tài chính của quốc gia, đặc biệt là áp lực đấu tranh và tác động của đồng bào người Việt hải ngoại. Đã làm cho ĐCSVN ngày càng thêm bối rối, lúng túng trong việc điều hành đất nước.
Việc gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền CSVN đối với những đòi hỏi quyền lợi của bà con giáo dân dưới sự lãnh đạo của giáo hội Công Giáo đã lại là kết quả của một sự ngộ nhận của ĐCSVN về thực chất mục đích đấu tranh của đồng bào Công Giáo. Sự ngộ nhận này theo hướng cùng chiều với sự ngộ nhận của một vài thành viên đấu tranh, hoặc ủng hộ đấu tranh chống CS tại Việt Nam.
Ngoài lý do “dị ứng” với Công Giáo, nhà cầm quyền CSVN còn lo ngại rằng, cách mạng sẽ bùng phát từ những buổi cầu nguyện của đồng bào. Nếu giũ bỏ được sự hoài nghi này, nhà cầm quyền tự nguyện trao trả lại các tài sản của Giáo Hội bao gồm các nhà thờ, thần học viện, tu viện, đất đai canh tác nông nghiệp vv.. cho giáo hội. Đồng thời thực hiện triệt để tự do tôn giáo trên toàn quốc. Kết quả sẽ là sự giao hảo tốt đẹp của Giáo Hội với nhà cầm quyền. Vậy là “không dẹp mà yên” sự đấu tranh của giáo dân!
Tất nhiên tình huống giả định trên đã không thể xảy ra! Và cuộc đấu tranh của đồng bào giáo dân chắc chắn là sẽ còn tiếp tục.
Và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: Đồng bào Công Giáo sẽ liên kết chặt chẽ với các tôn giáo khác, vừa thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, vừa để tăng cường sức mạnh trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, quyền sống. Tiến tới toàn dân Việt Nam đồng lòng như một, kiên trì áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động, nhằm hạ bệ hoàn toàn thể chế chính trị CS thối nát tại Việt Nam hiện nay.
Suy cho cùng thì trên nước Việt ngày hôm nay, có người dân nào không phải là dân oan, ngoại trừ những kẻ đang hút máu của nhân dân, đang bán rẻ lòng tự hào của dân tộc Việt Nam?
Bằng những chính sách tự làm khó cho chính mình, ĐCSVN đã vô tình tạo nên ngày càng nhiều các lực lượng đối lập. Sự bất công, bất minh trong công tác tổ chức cán bộ theo kiểu “đường dây”, ô dù “con ông cháu cha” đã tao nên một thể chế cầm quyền na ná các tổ chức của băng đảng. Họ cai trị đất nước bằng các mánh khóe chứ không bằng những nguyên tắc chân chính nữa. Vì vậy, sự phân hóa trong nội bộ ĐSCVN là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng và tranh giành nhau tham nhũng đã là những căn bệnh nan y vô phương cứu chữa của chế độ CS.
Việc xảy ra bạo động tự phát trong những phạm vi nhỏ, thể hiện những bức xúc, thậm chí là nỗi căm hờn không thể kìm giữ của người dân là điều đương nhiên sẽ xảy ra, và sẽ còn tiếp tục xảy ra nhiều. Thiệt hại cho những người dân nóng nảy, quá khích này là điều tất yếu. Nhưng nó cũng là một loại áp lực nào đó lên đời sống và trật tự an ninh xã hội CS, nhưng chúng ta không thể ủng hộ cách đấu tranh này, nhất là ở quy mô lớn.
Đồng bào giáo dân Công Giáo Việt Nam vô tình là người đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Những cách thức đấu tranh khôn ngoan và cụ thể đến từng chi tiết của đồng bào giáo dân áp dụng tai các sự kiện Thái Hà và Tam Tòa, đã như những bài học quý báu để toàn thể những người tự nguyện đứng trong Phong Trào Đấu Tranh Giành Dân Chủ Hóa Đất Nước, đúc rút thành những kinh nghiệm quý báu cho đại cuộc.
Kịch bản nào sẽ xảy ra trong cuộc đấu tranh giành dân chủ hóa đất nước Việt Nam?
Thắng lợi! Đó là điều chắc chắn sẽ đến với công cuộc đấu tranh giành dân chủ hóa đất nước. Nhưng sẽ bằng áp lực từ rất nhiều phía, nhiều mặt của xã hội. Việc Trung Quốc gia tăng xâm lấn nước ta trên bộ và ngày nay là trên Biển Đông, lại là một yếu tố có những mặt trái “vô hình trung” là mặt tích cực cho sự vận động của đời sống chính trị xã hội. Gỉa thuyết có một vài kẻ trong Bộ Chính Trị ĐCSVN đích thị đã là tay sai cho Bắc Kinh thì họ cũng không thể quá trớn leo thang sự nhu nhược hơn nữa. Vì lòng dân và quan điểm chính trị đối lập của một bộ phận không nhỏ các đảng viên CS không thể chịu nổi sức ép của “nỗi nhục quốc thể” cứ mãi kéo dài! Trái bóng sẽ đến ngày xì hơi…
Việc ĐCSVN dựa hẳn vào quan thầy Bắc Kinh là điều không thể, vì điều đó đồng nghĩa với tương lai diệt vong của dân tộc.
Chưa chắc gì bản thân những kẻ bán nước, những kẻ làm tay sai cho Bắc Kinh sẽ được yên ổn, được an toàn sau khi Bắc Kinh đã biến nước Việt thành một đơn vị hành chính của họ. Vì vậy xu hướng theo đa số của cá nhân các đảng viên CSVN sẽ nghiêng về khả năng vận động để chọn đồng minh là Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Tình huống này xảy ra, sẽ là cơ hội vô cùng to lớn cho công cuộc đấu tranh giành dân chủ hóa đất nước. Một viễn cảnh ĐCSVN chấp nhận đời sống chính trị đa nguyên đa đảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh nghị viện (buộc phải lành mạnh) thông qua tổng tuyển cử, và ĐCSVN sẽ chấp nhận con đường “rút lui có trật tự” qua bầu cử.
Một ngộ nhận khác đi theo hướng kiên quyết phải dẹp bỏ chế độ CS bằng mọi giá. Tạm cho rằng như vậy, nhưng dẹp bỏ bằng cách nào? Nếu tránh được thiệt hại cho nhân dân, cho đất nước thì phương pháp “đuổi” là thượng sách thay vì “đánh”. Bài học từ sự tan rã của CS Đông Âu cho thấy, Ba Lan (tổng tuyển cử 04/06/1989), Hungaria (ttc 23/10/1989), Bungaria (ttc 17/11/1989), Tiệp Khắc (ttc 28/11/1989)vv.., tất cả có chung kết cục tốt đẹp đó là, chế độ độc tài của CS đều bị hạ bệ bằng thể thức tổng tuyển cử.
Muốn đạt được điều mơ ước nói trên giống như đã từng xảy ra tại một số nước XHCN Đông Âu trong việc hạ bệ chế độ độc tài CS tại Việt Nam, thì các mũi đấu tranh, các vùng áp lực hiện nay phải không ngừng gia tăng sức ép lên chế độ CS. Dẫn đến chế độ không còn lối thoát nào khác ngoài việc chấp nhận sân chơi dân chủ đa nguyên. Lúc đó chiến thắng sẽ hoàn toàn thuộc về phe dân chủ! Trong cái rủi có cái may, trong nguy cơ có thời cơ, và thời cơ ấy đang dần hiện hữu trong tầm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Nhằm loại bỏ thể chế chính trị độc tài CS trên đất nước Việt Nam bằng con đường nghị viện!
-------------------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, thành viên khối 8406, đang sống tại Việt Nam.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment