Tuesday, August 18, 2009
BÁO CHÍ VIỆT NAM ĐĂNG BÀI PHẢN ĐỐI ĐƯỜNG LƯỠI BÒ
Báo chí Việt Nam đăng bài phản đối đường lưỡi bò
Kim Dung, X-Cafe
19.08.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2080
Bài viết ký tên Quốc Pháp đăng trên trang nhất báo Tuổi Trẻ, Thanh niên sáng nay (18-8). Tôi rất bất ngờ trước động thái này của báo chí Việt Nam. Đây chắc chắn là một chủ trương từ bên trên đưa xuống. Độ dài của bài viết chiếm 2 trang báo cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.
Tuổi Trẻ giật tít: Trước yêu sách của Trung Quốc với 80% diện tích biển Đông. Không chấp nhận đường "lưỡi bò". với đoạn kết: Việc công khai đưa ra yêu sách về đường đứt đoạn vào lúc này chỉ làm cho tình hình trên biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu thế và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định lâu dài cho những tranh chấp biển Đông. Các vấn đề trên biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được.
Thanh Niên giật tít: Bản đồ "đường lưỡi bò" trên biển Đông: Đường yêu sách phi lý của Trung Quốc. Với lời khẳng định: Một yêu sách không có giá trị pháp lý quốc tế *Một việc làm không phù hợp với xu thế của khu vực
Nội dung bài viết trích từ nghiên cứu của Ông Hoàng Việt là giảng viên Đại học Luật TP HCM và thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
Tôi trích đăng lại bài viết này trên BBC để các bác tham khảo.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru..._dispute.shtml
Trước ngày 13 tháng 5 là hạn cuối để các nước gửi hồ sơ báo cáo về thềm lục địa mở rộng lên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã gửi Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của mình lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc trước hạn định.
Sau đó 24 giờ, Trung Quốc đã chính thức gửi công hàm phản đối Báo cáo về thềm lục địa của Việt Nam, kèm theo đó Trung Quốc gửi một bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" trên Biển Đông và cho rằng trong báo cáo của mình, VN đã "xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc".
Có lẽ, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã yêu sách một cách chính thức về chủ quyền của họ trên biển Đông dựa theo bản đồ vẽ "đường lưỡi bò" của họ.
Lịch sử "đường lưỡi bò"
Tháng 12 năm 1947, một viên chức Trung Hoa Dân quốc tên là Bai Meichu (Bạch My Sơ?), có thể do thiếu kiến thức về luật hàng hải quốc tế cộng với nhu cầu thôi thúc chống lại yêu sách của Pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đã trình bày về đường này trong một atlas của riêng mình.
Sau đó, thấy có lợi, nên năm 1948, chính quyền Cộng Hoà Trung Hoa đã cho in bản đồ chính thức lần đầu có "đường lưỡi bò" dựa theo bản đồ của Bai Meichu.
Trong bản đồ này, "đường lưỡi bò" là một đường đứt khúc có 11 đoạn, được thể hiện bao trùm xung quanh các nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa), bãi ngầm Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa) và bãi cạn Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).
Đường này được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác.
Năm 1949, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời, chính quyền Bắc Kinh cũng nối tiếp chính quyền trước đó trong việc xuất bản bản đồ có "đường lưỡi bò", nhưng tới năm 1953, bản đồ có "đường lưỡi bò" do Bắc Kinh xuất bản chỉ còn 9 đoạn.
Mặc dù cùng cho xuất bản bản đồ có "đường lưỡi bò" nhưng cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc trước đó lẫn Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sau này đều chưa bao giờ chính thức yêu sách hay giải thích gì về "đường lưỡi bò" này cả.
Tính chất pháp lý
Về mặt pháp lý, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với vùng biển nằm bên trong "đường lưỡi bò" có những điểm bất hợp lý như sau:
1. Một số học giả Trung Quốc cho rằng "đường lưỡi bò" biểu thị "đường biên giới quốc gia"của "vùng nước lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông". Vùng biển trong "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc yêu sách chiếm gần 80% diện tích biển Đông.
Chưa có một yêu sách nào về một vùng nước lớn như vậy là "vùng nước lịch sử" trong cộng đồng quốc tế. "Đường lưỡi bò" này không thể là "đường biên giới quốc gia" được, vì theo nhiều án lệ quốc tế (cụ thể nhất là vụ phán xử đền Preah Vihear do ICJ năm 1962) cho thấy, đường biên giới phải là "đường ổn định và dứt khoát", trong một xã hội có trật tự riêng, các đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế, còn "đường lưỡi bò" là những đường đứt khúc được mô tả một cách tuỳ tiện, thiếu ổn định , trước đây có 11 đoạn, sau phải bỏ đi 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý.
Thêm nữa, nó không dứt khoát vì nó chưa bao giờ có toạ độ chính xác để có thể xác định được một cách rõ ràng.
2. Sẽ áp dụng quy chế pháp lý nào cho vùng biển bên trong "đường lưỡi bò"? Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách đối với vùng biển bên trong đường lưỡi bò như là "vùng nước lịch sử" của họ. Theo quy định của luật quốc tế, có thể có các quy chế đối với vùng nước được coi là "vùng nước lịch sử" bao gồm: Nội thuỷ; lãnh hải; vùng nước quần đảo.
Tuy nhiên, áp dụng vào trong trường hợp này, với các hành động đã xảy ra của Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách từ khi xuất hiện bản đồ chính thức lần đầu từ 1948 đến nay, chưa thể đi đến kết luận là vùng nước bên trong "đường lưỡi bò" này có thể áp dụng được quy chế pháp lý nào cho nó.
Hiện nay, các học giả Trung Quốc cũng đang lúng túng và không nhất trí được với nhau về chế độ pháp lý của vùng biển bị bao bọc bởi "đường lưỡi bò" này.
Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng:
"Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả."
Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là "vùng nước lịch sử".
Trong Pháp lệnh về lãnh hải và vùng tiếp giáp của của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ nêu đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không xác định "vùng nước lịch sử".
Tuyên bố về đường cơ sở ngày 15/5/1996 của Trung Quốc, áp dụng với cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy việc Trung Quốc yêu sách một vùng nội thuỷ nằm trong một vùng nước lịch sử có cùng chế độ nội thuỷ là một mâu thuẫn lớn trong lập trường của họ.
Có thể nói rằng những tuyên bố và các đạo luật của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là không phù hợp với yêu sách lịch sử được phân định bởi "đường lưỡi bò" .
3. Từ khi xuất bản bản đồ chính thức vào tháng 2 năm 1948 cho đến trước sự kiện Trung Quốc phản đối báo cáo về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam mới đây, cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc cũng như Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ chính thức yêu sách hay giải thích gì về "đường lưỡi bò" cả, cho nên các quốc gia khác trước đây không lên tiếng về vấn đề này là đương nhiên.
Sự im lặng đó không phải là "mặc nhiên thừa nhận".
Hơn nữa, tại hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là "đường lưỡi bò" được các quốc gia khác công nhận.
Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.
Cuối cùng, qua sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng: yêu sách về "đường lưỡi bò" của Trung quốc là "không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó".
Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết Biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh.
-----------------------------------------
VIỆT NAM KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment