Monday, June 15, 2009

VIỆT NAM ĐỦ SỨC BẢO VỆ NGƯ DÂN TRÊN VÙNG BIỂN CHỦ QUYỀN ???

Chúng ta đủ sức bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền
talawas blog
15/06/2009 6:05 sáng
lời tuyên bố của đại tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, trên tờ Pháp luật TPHCM: “… trên quần đảo Trường Sa, tại các đảo mà chúng ta quản lý thì ngư dân ta đánh cá ở đó là rất tốt, được bảo vệ tốt. Nhưng nếu bà con đi ra xa quá thì mình cũng kêu vào thôi. Tôi nghĩ mình nên cố gắng liên kết với nhau thành các đội đánh cá mạnh, bảo đảm đội hình và bảo đảm an toàn cho ngư dân. Các tàu hải quân của ta đi tuần tra theo từng vùng biển chứ không đi theo riêng vùng đánh cá nào. Ngư dân ta thì thường không đi theo đoàn mà đi riêng lẻ từng tàu, trên các vùng biển lớn mênh mông… Những tàu của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ hầu hết là vùng tiếp giáp, vùng tranh chấp quyết liệt, đó là đôi khi ngư dân nhầm do thiết bị định vị không tốt. Chứ vùng Trường Sa, chung quanh Trường Sa và vùng Nam Côn Sơn thì ngư dân đánh cá rất an toàn.”


PHẢN HỒI :

Về bản chất nô lệ
Nguyễn Viện
Posted on 13.06.2009 by litviet
http://litviet.com/2009/06/13/nguy%e1%bb%85n-vi%e1%bb%87n-v%e1%bb%81-b%e1%ba%a3n-ch%e1%ba%a5t-no-l%e1%bb%87/
Hiện nay, ngư dân Việt Nam đang bị tước đoạt quyền sống của mình một cách vô lý và thô bạo từ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ngay trên vùng biển của nước mình. Theo lệnh cấm này, từ ngày 16.5 đến ngày 1.8.2009, ngư dân Việt Nam không được bén mảng đến “vùng biển kéo dài từ 12 độ vĩ Bắc lên trên 20 độ vĩ Bắc, tức từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đến đảo Hải Nam của Trung Quốc” (tin BBC).

Về phía chính phủ Việt Nam, có hai phản ứng chính thức trước lệnh cấm ngang ngược này. Một của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng với cách nói như chiếu lệ. Hai là của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường với “đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam” vì lệnh cấm này “đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước”. Sau khi đã có ít nhất một tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đánh chìm. Một lời “thỉnh cầu” về chủ quyền ngay trong lãnh hải của mình.
Trước lời “thỉnh cầu” đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã đốp chát trả lời, họ đang thực thi quyền của họ đối với vùng biển này.

Người Việt Nam nghĩ gì?

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nói về cung cách ứng xử.

-Thứ nhất, Việt Nam đã không dám công khai có những hành động cụ thể bảo vệ ngư dân của mình.
-Thứ hai, việc Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội để “xin cứu xét” lại vụ việc xem ra chỉ là cách cư xử của một chư hầu.

Tôi đặt câu hỏi, tại sao Bộ Ngoại giao Việt Nam không triệu tập ông Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đến “mắng” cho mấy câu theo đúng thông lệ ngoại giao bình đẳng giữa hai quốc gia?
Phải chăng, Việt Nam đang là một nước nô lệ?

Về bản chất của sự nô lệ.
1.Sẵn sàng làm nô lệ cho kẻ khác.
2.Nhưng đồng thời lại trấn áp và muốn kẻ khác là nô lệ của mình.
3.Mặc cảm tự ti, đồng nghĩa với sự huyễn tưởng vĩ đại của mình.
4.Không có khả năng tiên liệu hay có những giải pháp chiến lược dài hạn cho mình, mà ứng xử theo kiểu giải pháp tình huống, tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối phương.

Chính quyền Việt Nam hiện nay đang tự chứng tỏ mình chỉ là kẻ hèn kém và nô lệ. Và chính chúng ta cũng đang chứng kiến cảnh mất nước trong sự nhu nhược của mình.

9.6.2009



Dương Danh Huy nói:
15/06/2009 lúc 6:19 chiều
Cảm ơn Toà Soạn đã đăng bài này.
Thật ra vẫn còn một số điều chưa sáng tỏ.

Chúng ta đủ sức bảo vệ ngư dân. Những tàu của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ hầu hết là vùng tiếp giáp, vùng tranh chấp quyết liệt, đó là đôi khi ngư dân nhầm do thiết bị định vị không tốt. Chứ vùng Trường Sa, chung quanh Trường Sa và vùng Nam Côn Sơn thì ngư dân đánh cá rất an toàn.

Không biết ngư dân có thể đánh cá an toàn trong vùng (a) Tư Chính, Vũng Mây, vv, (b) vùng EEZ thuộc bờ biển miền Trung, (c) biển quốc tế giữa Biển Đông, (d) vùng từ của Vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa, hay không? Đã xảy ra 1 số trường hợp “không an toàn”.

Những vùng mà Đại tướng Lê Văn Dũng cho rằng ngư dân đánh cá an toàn (Trường Sa, chung quanh Trường Sa và vùng Nam Côn Sơn) nằm dưới vĩ độ 12, ie, là những vùng nằm ngoài vùng TQ cấm đánh cá.
Vì vậy vẫn tồn tại câu hỏi: trong vùng TQ cấm đánh cá, chúng ta có đủ sức mạnh để bảo vệ ngư dân không, ngư dân có thể đánh cá an toàn không?
Nếu chỉ đủ sức để bảo vệ ngư dân trong vùng vùng Trường Sa, chung quanh Trường Sa và vùng Nam Côn Sơn thì là chưa đủ sức.

No comments: