Sunday, June 28, 2009

MỘT SỐ KINH NGHIỆM ĐỐI PHÓ VỚI CÔNG AN

Đối mặt với công an - một số kinh nghiệm (phần 1)
Lê Nguyên Hồng
Đăng ngày 27-6-2009
http://danchimviet.com/articles/1238/1/i-mt-vi-cong-an---mt-s-kinh-nghim-phn-1/Page1.html
Cho đến những ngày của tháng 06/2009 này, qua những vụ tai tiếng gần đây, như câu chuyện ăn hối lộ dự án Đại Lộ Đông Tây, bản quyền in tiền Polimer, và đặc biệt là vụ án Bauxite Tây Nguyên. Cũng như sự nhu nhược trước mưu đồ bành trướng trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông. ĐCSVN đã hoàn toàn phơi bày bộ mặt thật tham nhũng, dối trá trước nhân dân Việt Nam, ươn hèn trước thế lực xâm lấn của Trung Quốc...
Tuy ươn hèn trước ngoại bang như vậy, nhưng ĐCSVN lại rất cứng rắn với những tiếng nói trung thực trong nước. Đặc biệt là trước những tiếng nói bất đồng chính kiến của các nhà đấu tranh dân chủ. Bằng cớ là họ đã thẳng tay đàn áp, thậm chí từ trong trứng nước, những tư tưởng đối lập với ĐCSVN.
Để làm được điều này ĐCSVN đã đào tạo, huấn luyện một đội ngũ công an an ninh với đầy đủ phương tiện hiện đại nhằm khống chế, khủng bố kể cả vật chất và tinh thần đối với các nhà dân chủ. Công an an ninh Việt Nam có đầy đủ máy nghe trộm điện thoại, máy phá sóng, máy dò phương điện đài vv… Họ có một đội ngũ hùng hậu nhân viên an ninh làm việc 24/24 giờ trong ngày, sẵn sàng ra tay khi có lệnh cấp trên.

Trước áp bức bất công vô lý bên trong từ mấy chục năm qua, và ngày nay giặc ngoài ngấp nghé bờ cõi giang sơn. Nhiều người dân Việt Nam đủ mọi tầng lớp, từ nhiều năm nay đã cất lên tiếng nói đấu tranh, trước hết là giành lại những quyền tự do căn bản cho mỗi người dân mà lâu nay đã bị ĐCSVN tước đoạt, dân chủ hóa đất nước và cùng nhau bảo vệ non sông Việt Nam . Vì vậy, những tiếng nói này đã bị đàn áp nặng nề với những bản án bỏ túi bất công “trèo lên trên cả luật pháp”, số khác thì bị giam lỏng, triệt hạ về kinh tế, mất việc làm. Họ bị công an an ninh gọi hỏi thẩm vấn liên tục, theo dõi hàng ngày… Tạo nên một sự khó khăn trên mọi bình diện của cuộc sống cá nhân và gia đình của các nhà dân chủ.
Cuộc đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động hiện nay tại Việt Nam là một “ván bài lật ngưả” cho nên công an an ninh Việt Nam không mảy may gặp khó khăn gì trong việc “thăm hỏi” các nhà tranh đấu. Công việc đấu tranh hiện nay rất cần có những hoạt động bí mật xây dựng lực lượng, chờ thời cơ để đồng loạt xuất hiện đấu tranh công khai sau này. Qua kinh nghiệm thực tế của một số nhà dân chủ có nhiều năm đấu tranh trong nước, người viết bài này đã rút ra được một số kinh nghiệm cụ thể có tính nguyên tắc. Có thể bổ sung cho vốn kiến thức cơ bản của cá nhân các thành viên đấu tranh ôn hòa như sau:

Sử dụng Internet thông qua công cụ máy vi tính
Những thành viên tranh đấu rất cần biết sử dụng máy vi tính (điều này tương đối khó cho những người sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Có nhiều người vì lý do này, lý do khác nên không có điều kiện tiếp cận). Ngoài việc theo dõi các thông tin cần thiết trên báo chí thì Internet là một công cụ rất tỉện ích cho liên lạc bí mật, mà Emai và những dịch vụ đàm thoại, chat là những cách liên lạc đảm bảo độ an toàn cao. Tuy nhiên, các nhà dân chủ cũng nên lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ có uy tín. Máy vi tính giúp ta ghi chép, in ấn soạn thảo văn bản dễ dàng, Internet giúp ta liên lạc nhanh chóng, bí mật kịp thời…
Đối với Email ta nên sử dụng Gmail cho các hộp thư cần độ an toàn cao. Vì Gmail luôn có độ bảo mật (security) cao và là dịch vụ Internet miễn phí đứng đầu thế giới hiện nay. Những văn bản tài liệu quan trọng, ta chỉ cần lập một hộp thư Gmail và thoải mái lưu (gần như vô hạn) các File trong đó. Muốn truy cập Gmail cần có bảo mật cao ta không nên vào theo cách thông thường, mà gõ vào địa chỉ : https://mail.goole.com . Khác biệt là ở chữ s gõ thêm vào sau chữ http, s= security (bảo mật). Mọi chi tiết như nội dung thư hoặc địa chỉ nơi ta đang truy cập Internet sẽ bị mã hóa, giấu kín khó có thể bị phát hiện. Thế nhưng nếu ta đăng ký tài khoản hộp thư có tận cùng bằng (.vn) ví dụ
abc@yahoo.com.vn chẳng hạn. Trường hợp này thì máy chủ của Yahoo sẽ đặt tại Việt Nam , và công an không khó khăn gì để truy cập vắng mặt hộp thư của ta. Vì vậy các nhà dân chủ không nên dùng hộp thư loại này.

Một phương pháp bảo mật khá thông thường, đó là viết thư vào trong một phần mềm Microsoft Word rồi cài khóa lại, sau đó dùng Winzip đưa vào tập tin đính kèm của Email. Trường hợp này người nhận phải được thông báo Password thì mới mở thư được. Nhưng những tập tin này nếu rơi vào tay những người là chuyên gia bẻ khóa, thì cũng không cần mất nhiều thời gian để họ vô hiệu hóa những khóa này.
Cách bí mật nhất lại là cách đơn giản nhất. Đó là chỉ sử dụng mỗi Email bí mật cho một vài đối tượng cần liên lạc riêng (tốt nhất là một cho một), cần lập nhiều Email (vì lập Email hết sức đơn giản). Những Email này, không ghi bất cứ thông tin thật nào của mình khi đăng ký tài khoản. Vì mỗi ngày có hàng triệu Email lưu chuyển trên mạng Internet, nên công an không thể nào có đủ công sức để dò ra được những địa chỉ này.
Sử dụng Email xong nhớ Log-out (đăng xuất). Mọi bức thư quan trọng nên lưu lại trong phần lưu của hộp thư riêng, còn lại tại các hộp thư thông thường thì nên xóa hết (xóa cả trong thùng rác). Lúc này, mọi dấu vết đều hoàn toàn bị xóa sạch trong hộp thư. Một điều cần lưu ý là nên thường xuyên thay đổi Password trong mỗi vài tháng, chi tiết nên vừa có số và chữ xen kẽ (ít nhất là 10 ký tự). Không nên dùng một tài khoản Password cho nhiều Email, tất nhiên là những Email quan trọng thì càng cần tránh sử dụng Password trùng nhau.
Sử dụng dịch vụ chat, đàm thoại nên dùng Skype vì Skype thông dụng, nhiều người dùng và nó an toàn nhất trong các dịch vụ hiện nay đang có trên mạng Internet. Dùng dịch vụ này cùng lúc có thể liên lạc hội thoại được với một hoặc nhiều người. Nhưng không nên sử dụng chat (history) vì Skype có tính năng tự động lưu giữ các chi tiết chat một thời gian hoặc lưu vĩnh viễn. Công dụng này không cần thiết và rất nguy hại, thiếu bảo đảm an ninh. Nên lưu ý, khi đăng ký Skype cũng không nên đăng ký tên và địa chỉ thật (tên người, tên thành phố, tên nước).

Xóa sạch tài liệu trong máy vi tính
Xóa theo cách thông thường (Delete) rồi kèm theo xóa luôn trong thùng rác (Recycle Bin) cũng chưa thật sự là đã xóa hết. Cần sử dụng Program Ccleaner để xóa hoàn toàn File cần xóa trong ổ cứng của máy vi tính. Tải về máy vi tính chương trình này tại địa chỉ:
http://www.ccleaner.com/download/downloading. Nếu là máy tính cá nhân của riêng mình hoặc của gia đình mới mua thì nên yêu cầu kỹ thuật viên cài đặt Windows đồng thời cài đặt phần mềm Ccleaner để sử dụng lâu dài.
Nhưng nếu là một nhà đấu tranh đã bị lộ diện rồi, thì việc công an cài đặt thiết bị Hack theo dõi và kiểm soát người đó sử dụng Internet từ bên ngoài Modem là một công việc vô cùng đơn giản đối với Hacker Mũ Đen của công an! Một vài trường hợp công an có thể thông qua nhà cung cấp dịch vụ Internet gây trục trặc đường truyền tín hiệu. Lúc này người sử dụng buộc phải liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ đến để sửa chữa, và công an có thể giả làm người kỹ thuật viên xử lý tình huống. Họ sẽ cài đặt phần mềm gián điệp trực tiếp vào máy tính của người đó, phần mềm này sẽ ghi chép và gửi thông tin về trung tâm theo dõi của công an. Trong trường hợp này thì không nên dùng máy vi tính tại nhà mà bí mật sử dụng dịch vụ Internet bên ngoài lại là điều tốt hơn.
Trong một trường hợp khác, đó là những kẻ có mục đích xấu, chúng có thể khủng bố các nhà dân chủ bằng cách gửi thư rác (mỗi ngày có thể gửi tới hàng ngàn bức thư). Khiến cho người dùng hết sức khó khăn trong việc kiểm tra thư tín, nhưng tình huống này không làm hư hại hộp thư, vì hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ Email đã nâng cấp dung lượng chứa thư lên vô hạn.
Tiếp theo, một cách phá hoại khác. Đó là kẻ xấu sẽ gửi cho chúng ta một bức thư, có thể ngụy trang rất khéo dưới dạng thăm hỏi hoặc chúc mừng chẳng hạn. Họ sẽ gửi đính kèm theo thư này một phần mềm gián điệp phá hoại, chứa virus, virus này được chúng ta kích hoạt trong động tác mở thư, nó sẽ phá hoại các phần mềm đã cài đặt trong máy vi tính của ta, xóa dữ liệu, đôi khi phá hủy cả phần cứng của Computer. Nếu đó là một phần mềm gián điệp ăn cắp thì nó sẽ tự cài đặt vào máy vi tính của ta, tên gián điệp này sẽ ăn cắp các thông tin trong máy vi tính của các nhà dân chủ và gửi về cho chủ của nó. Trong trường hợp bắt buộc hoặc vì tò mò muốn mở thư của người lạ, thì tốt nhất là nên ra tiệm Net. Nhưng an toàn hơn cả là không bao giờ mở thư của người lạ, vì hiện nay Hacker có hàng trăm cách xâm nhập máy tính cá nhân khác nhau.

Sử dụng điện thoại
Chúng ta đã biết là nhà nước CSVN đã hợp lý hóa việc nghe trộm điện thoại bằng một văn bản luật ra đời năm 2008, lấy lý do là phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia. Cho nên, họ tùy ý nghe lén điện thoại mà không hề bị coi là phạm pháp!
Chính vì như vậy nên các cuộc nói chuyện bằng điện thoại, dù là dưới loại hình nào, di động hay hữu tuyến, thuê bao hay không thuê bao, đều hoàn toàn không có gì là bí mật. Nhất là các cuộc đàm thoại ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam thì luôn luôn bị nghe trộm bởi một trung tâm đặc biệt chuyên trách phản gián khổng lồ của công an an ninh.
Khi sử dụng điện thoại di động, nhiều người sử dụng cứ tưởng rằng công an không thể biết họ đang đứng ở đâu. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Chính thủ lĩnh quân ly khai Chechnya là đã bị tên lửa của Nga tiêu diệt chỉ vì sử dụng điện thoại di động, làm lộ bí mật nơi ông ta ẩn náu trong hầm ngầm.
Dù thay đổi sim điện thoại di động liên tục, nhưng vẫn không an toàn vì công an nếu đã theo dõi một người thì họ theo dõi luôn những số máy mà người này từng liên lạc. Và từ đó dễ dàng kiểm soát những số máy mới phát sinh có liên lạc với những người thân, người quen của các nhà dân chủ mà họ vẫn đang theo dõi từ trước.
Như vậy, sử dụng điện thoại trong công tác bí mật là hoàn toàn… không bí mật!
Sử dụng máy chụp hình kỹ thuật số
Chúng ta chỉ nên dùng các máy có thẻ nhớ ngoài để dễ cất giấu thẻ nhớ và thuận tiện khi sao chép dữ liệu.
Tất cả các phương pháp đối phó đề phòng kể trên chỉ mang tính tương đối. Còn ở mức kỹ thuật bí mật cao hơn, xin dành cho các nhà hoạt động tình báo chuyên nghiệp.


ĐỐI MẶT VỚI CÔNG AN AN NINH VIỆT NAM – MỘT SỐ KINH NGHIỆM (Phần 2)
Như đã giới thiệu cùng quý độc giả trong phần một của bài viết này. Trong phần hai chúng tôi tiếp tục đề cập đến những thủ đoạn đàn áp tinh vi, thâm độc của công an an ninh Việt Nam, hòng làm tê liệt ý chí và tinh thần đấu tranh của những người đối lập với ĐCSVN. Qua đó cũng giúp phần nào để chúng ta hiểu thêm về bản chất tàn bạo của công sản là không thay đổi. Ngày nay, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận, công an an ninh Việt Nam không còn dám thẳng tay dùng bạo lực như trước đây nữa. Nhưng họ vẫn nghĩ ra đủ chiêu thức để đàn áp đồng bào và đôi khi là chính những đồng chí của mình.

Đối với các nhà tranh đấu đã ra công khai. Ngoài việc họ sẽ bị công an lập hồ sơ theo dõi, luôn bị gọi hỏi, triệu tập thẩm vấn liên tục, hòng không cho các nhà tranh đấu có thì giờ làm việc để đảm bảo đời sống riêng, cũng như cho gia đình của họ. Công an liên tục gây áp lực tâm lý, làm cho anh em đấu tranh bị xáo trộn nếp sống bình thường, gây nên tình trạng mỏi mệt tinh thần, Stress kéo dài…

Trước hết, đối với những người mới tham gia, họ sẽ áp dụng đòn phủ đầu rất khốc liệt, dù người đó có thể chưa đấu tranh mạnh mẽ cho lắm. Đồng thời kết hợp chiêu bài dụ dỗ mua chuộc những người này làm tay sai cho công an (nếu công an xét thấy đối tượng có chút năng lực có thể sử dụng). Trên thực tế họ đã từng thành công với một vài trường hợp là những kẻ cơ hội, đấu tranh hời hợt, thậm chí kệch cỡm thô tục phản tác dụng, chỉ làm sướng tai, vui mắt đồng bào hải ngoại và mục đích cuối cùng là xin tiền của đồng bào. Những kẻ này đã từng bị công luận phanh phui lật tẩy, trước những bằng chứng mà họ không thể chối cãi…

Trường hợp bị khám nhà
Trước hết các nhà tranh đấu cần yêu cầu đại diện nhà cầm quyền, công an, viện Kiểm Sát vv…, tất cả các nhân viên công vụ xuất trình giấy tờ cá nhân. Yêu cầu được nhận lệnh khám nhà, sau đó là biên bản thu giữ niêm phong đồ đạc, máy vi tính, giấy tờ cùng với biên bản khám nhà. Những giấy tờ này sẽ là bằng chứng tố cáo nhà cầm quyền CSVN trước dư luận trong nước và quốc tế. Trong trường hợp chúng ta quên không đòi hỏi những loại giấy tờ nêu trên, thì không bao giờ công an tự giác cung cấp cho chúng ta những giấy tờ ấy. Mục đích của họ là nhằm xóa dấu vết vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền mà họ đã gây ra cho chúng ta.

Trường hợp bị gọi đi hoặc áp giải đi thẩm vấn
Nói chung, tùy từng hoàn cảnh và trường hợp riêng, các nhà đấu tranh tự linh động ứng phó. Nhưng theo nguyên tắc “hợp tác mà không hợp tác”.
Trước hết, không tỏ thái độ gay gắt đối với những viên công an đang thẩm vấn mình. Sự thật những viên công an này, nhất là cấp sỹ quan trung cấp, họ đều hiểu rằng, theo quy định của pháp luật, các nhà tranh đấu đang đúng họ đang sai, họ đang vi phạm nhân quyền. Dù họ có làm ra vẻ hăm dọa, đập bàn đập ghế thì các nhà tranh đấu cứ bình tĩnh không sợ hãi, chính là bước đầu làm thất bại ý định của họ muốn làm chúng ta sợ hãi, hoặc là chúng ta nổi nóng để họ có cớ mà đàn áp, đánh đập. Trong khi bị thẩm vấn, bước đầu không nên im lặng hoàn toàn. Các nhà tranh đấu có thể trả lời một vài câu hỏi, còn những câu không cần thiết thì có thể từ chối (theo quy định của luật pháp).

Thật nực cười vì có ai đó đã nói rằng công an sẽ gí súng vào đầu các nhà đấu tranh để đe dọa. Công an Việt Nam ngày nay do bị nhân dân đấu tranh mạnh, và quốc tế lên án nhiều, nên họ cũng có tiến bộ, ít ra là tiến bộ (mặt hình thức) về cách thẩm vấn đương sự.
Có người còn đem so sánh việc bắt luật sư Lê Công Định mới đây, với độ nguy hiểm mà ông Nguyễn Hữu Đang và các cộng sự phải trải qua hồi năm 1960, đó là một so sánh không thực tế ! Rõ ràng đó là nhận xét của một người không hề từng trải việc đối mặt với công an an ninh của CSVN. Chúng ta cũng không cần thêu dệt lên những điều không có thật làm gì. Chuyện gí súng chỉ có thể xảy ra khi họ bắt được một người nào đó có vũ trang và có ý định tấn công khủng bố mà thôi. Cho nên những người lần đầu bị công an bắt bớ, khám xét, thẩm vấn nên hoàn toàn bình tĩnh và không cần lo lắng quá về tính mạng của mình. Những điều này thì rất nhiều thành viên đấu tranh trong nước đã từng có kinh nghiệm trải qua, bản thân người viết bài này cũng là một nhân chứng về việc đó…

Riêng việc kiểm tra dữ liệu của máy vi tính cá nhân. Chúng ta dứt khoát yêu cầu công an không được kết nối máy đang bị kiểm tra vào mạng Internet. Vì làm như vậy họ dễ dàng chép các tài liệu nguy hiểm (chẳng hạn như phim sex, hình ảnh khiêu dâm) trên mạng vào máy tính của ta rồi nói là “tài liệu này được lấy ra từ máy tính cá nhân của đối tượng” rồi gán cho chúng ta tội tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy. Nhưng tốt nhất là các nhà dân chủ nên tuyên bố là không biết gì về kỹ thuật máy vi tính, mà chỉ biết sử dụng thông thường. Và khẳng định là mình không lưu trữ tài liệu có tính chất khiêu dâm, kích động bạo loạn, lật đổ, khủng bố, có chăng chỉ là những thông tin bình thường, được thu thập theo quyền thu thập thông tin cá nhân mà thôi.

Cuối mỗi buổi làm việc chúng ta nên kiên quyết từ chối ký vào bên lề các bản in tài liệu, mà công an nói là “lấy ra từ máy vi tính của đối tượng”. Đặc biệt là kiên quyết không ký biên bản thẩm vấn, khẳng định rằng chúng ta không có trách nhiệm phải ký nó, vì không vi phạm pháp luật, kể cả chúng ta có viết khẩu hiệu rằng “đả đảo ĐCSVN” ở trong máy tính, thì cũng không hề phạm pháp. Sẽ rất bất lợi, nếu ta ký vào các giấy tờ (thực ra là phi pháp) của công an, đó sẽ là cơ sở để họ báo cáo lên cấp trên, tổng hợp hồ sơ rồi ra quyết định xử phạt hành chính hoặc truy tố theo luật (căn cứ là đã có ký nhận). Trên thực tế, dù chúng ta có ký nhận hay không thì nếu muốn áp đặt lệnh xử phạt hành chính, thậm chí lệnh tạm giam, lệnh khởi tố, nhà cầm quyền vẫn có thể đơn phương thực hiện. Vì luật pháp Việt Nam hiện nay chỉ là thứ luật “rừng” mà thôi ! Đằng nào nếu muốn thì họ vẫn làm theo ý họ, vậy chúng ta đâu cần ký cốc làm gì cho thêm phức tạp ?

Nếu công an lấy lý do chúng ta không ký biên bản để không cho chúng ta ra về, chúng ta sẽ tỏ thái độ phản đối vì đã hết giờ hành chính trong ngày. Trong trường hợp họ cố tình giữ lại thì các nhà tranh đấu vô tư ở lại đồn công an. Họ sẽ phải sợ vì họ đã giữ người trái pháp luật, chúng ta cần cảnh báo với họ rằng, nếu có chuyện bất trắc thì công an sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, vì trước khi đi “làm việc” chúng ta đã thông báo sự việc cho nhiều người biết.

Bản thân tác giả bài viết này cũng đã từng phạm sai lầm vì thời gian đầu chưa có kinh nghiệm “làm việc” với công an, đã có hơn hai chục lần ký vào biên bản thẩm vấn của họ. Chỉ vì ngây thơ cho rằng “mình công khai quan điểm đấu tranh chính trị thì sợ gì mà không ký ?”. Trên thực tế, hành động ký nhận biên bản thẩm vấn có thể coi như là một cách đồng lõa với việc làm sai trái của công an !

Công an cũng là con người bình thường như mọi người, họ làm công việc vì miếng cơm manh áo, chứ chuyện lý tưởng của cộng sản thì đã lùi vào lịch sử từ lâu. Các nhà đấu tranh nên tránh đối đầu tranh cãi (đặc biệt là cãi lộn) không cần thiết, dẫn đến thù tức cá nhân, có thể bị họ đánh đập do họ không làm chủ được bản thân. Vì vậy sử dụng “bài” im lặng trong lúc tức giận, hoặc bí lối, là một điều sáng suốt, và nó còn là một điều khoản quy định cho phép im lặng trong luật pháp của nhà nước CSVN.

Khi tham gia giao thông, nhất là chạy xe máy ngoài đường. Các nhà dân chủ nên chạy chậm cảnh giác trường hợp bị ép xe té ngã. Trường hợp này thường xảy ra khi công an có lệnh (tất nhiên là lệnh miệng nội bộ của họ) bắt giữ, áp giải các nhà đấu tranh về đồn để thẩm vấn. Nếu các nhà đấu tranh tự tin có tay lái tốt, quen thuộc ngõ ngách đường phố thì có thể chủ động tăng tốc, “cắt đuôi” bằng cách rẽ vào các ngõ hẻm rồi thoát ra đường lớn bằng hẻm khác.
Nếu muốn phát hiện ra là mình có bị theo dõi hay không, ta chỉ việc rẽ vào hẻm vắng rồi dừng xe lại, “cái đuôi” sẽ lộ ra ngay. Nhưng trong trường hợp chúng ta đã bị công an bí mật gắn thiết bị định vị vệ tinh vào xe gắn máy, thì cũng rất khó để giấu vị trí hiện diện của mình, khi ra khỏi nhà…

Trường hợp một số nhà dân chủ bị ép xe té ngã, thậm chí bị công an đánh. Hầu hết những viên công an thực hiện việc này đều là những người trẻ, phần nhiều là ngu trung. Họ bị nhồi sọ tư tưởng đến mức nghe đến hai từ “phản động” là bị dị ứng. Một vài trường hợp là được cấp trên của họ “bật đèn xanh” cho đánh dằn mặt để uy hiếp tinh thần. Mặt khác, số nhân viên này háo hức muốn “lập công” để được thăng tiến, lấy lòng cấp trên vv…
Trước tình huống này, chỉ còn cách chọn giải pháp lưu thông bằng xe Buýt, đi xe ôm hoặc…đi bộ.

Ai đã tham gia đấu tranh dân chủ công khai thì phải xác định trước những khó khăn nguy hiểm cho mình. Đó là, trước hết sẽ bị quấy nhiễu mất ăn mất ngủ, mất tự do đi lại, căng thẳng tinh thần kéo dài. Đó là nguy cơ (và chắc chắn) sẽ mất việc làm, dù là làm cho quốc doanh, tư nhân hoặc làm kinh doanh cá thể của mình. Và cuối cùng là có thể bị đánh đập, bắt bớ, tù đày…
Nhưng không thể vì như vậy (đặc biệt là trong những lần tiếp xúc với công an bị thẩm vấn, khám xét) mà chúng ta tỏ thái độ thù địch, quá khích, chửi bới tục tằn, đôi khi lại tỏ ra ngạo mạn nữa. Điều này gây nên một sự đối kháng, dẫn đến việc trả thù cá nhân không đáng có về sau. Chúng ta có thể nói lớn tiếng (để nhiều người nghe được) và nói những điều có lý, có tình, có văn hóa, lịch sự. Đây là cách thuyết phục và thu phục nhân tâm rất quan trọng !

Vũ khí trong tay của chúng ta, trong cuộc đấu tranh chính trị này, chính là lời nói. Nếu lời nói của ta gây nên sự phản cảm cho người nghe (dù người nghe là ai đi chăng nữa), thì trước hết, đó chính là chúng ta đã sử dụng vũ khí tồi. Và tất nhiên là nó không có hiệu quả, mà đôi khi còn có tác dụng ngược !
Những nhà dân chủ có kinh nghiệm, sẽ luôn tự nhắc nhở mình rằng : Ta đang đối mặt với một đối thủ hết sức “khó chơi”! Ta không cân sức với họ về nhiều mặt, cho nên không thể để mất cảnh giác, cần phải hết sức thận trọng ! Nhưng cũng hoàn toàn tự tin rằng mình có chính nghĩa, mình không vi phạm pháp luật, không làm điều gì sai trái với lương tâm cũng như đạo đức xã hội. Các nhà tranh đấu chỉ có duy nhất một cách chọn lựa, đó là dùng “lý trí thắng cường bạo” mà thôi ! Bởi vậy, nhất là tại đồn công an, khi bị họ khơi mào cho những cuộc tranh luận không đầu không đuôi, không có điểm dừng, ta không bao giờ nên dùng bài “lý sự cùn”, nếu thấy không cần thiết thì nên im lặng.

Một bài học lớn về việc coi thường đối thủ, đó chính là việc treo biểu ngữ của một nhóm các nhà dân chủ tại Hà Nội và Hải Phòng.
Việc làm của các anh em này có tác dụng tuyên truyền rất tốt, nhưng họ đã quên mất yếu tố bí mật (một cách coi thường đối thủ), nên đã dễ dàng bị bại lộ và bị bắt giữ. Trong vụ việc này còn có thêm một nguyên nhân nữa khiến họ dễ dàng bị bắt, đó là đã có một tên chỉ điểm hoạt động bên trong nhóm này. Tên này luôn miệng hô hào, lập kế hoạch treo biểu ngữ, và kế hoạch biểu tình, nhưng hắn lại không hề tham gia một việc làm cụ thể nào ! Tất nhiên, hiện nay hắn vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và sống rất đàng hoàng, trong khi đó, gần 10 người trong nhóm này vẫn đang bị giam giữ chờ ngày xét xử. Đó chính là đối tượng Nguyễn Phương Anh mà tôi cùng một vài anh em đấu tranh khác như các nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, Lê Thanh Tùng đã có dịp vạch mặt chỉ tên…

Công an cũng chính là đối tượng để các nhà dân chủ tranh thủ giới thiệu về mục đích của cuộc đấu tranh ôn hòa hiện nay, và chỉ cho họ thấy những điều sai trái từ những cách “làm việc” mà cấp trên của họ áp đặt cho người dân. Đó cũng là cơ hội cho ta giác ngộ chính những người đang trực tiếp đàn áp chúng ta.
Chúng ta rât cần chỉ ra cho lực lượng công an thấy rằng : Họ phải thuộc về nhân dân, về tổ quốc Việt Nam, họ không thể cứ mãi chỉ là một thứ công cụ trong tay ĐCSVN !!!
(hết phần 2)

Lời chia xẻ : Muốn cho bài viết này không quá dài, tác giả đã chia thành các phần để độc giả tiện theo dõi. Người viết cũng không có ý định soạn thảo những kinh nghiệm này thành một văn bản cẩm nang mang tính nghiên cứu theo hệ thống.
Đây chỉ là những kinh nghiệm có được qua chuyện trò trao đổi với một số nhà dân chủ và tác giả.


Lê Nguyên Hồng
Thành viên Khối 8406 Việt Nam
Email :
huyenkhai@rocketmail.com

No comments: