Monday, June 15, 2009

TRÍ THỨC và NHÂN DÂN

Trí thức và nhân dân
Phạm Xuân Nguyên dịch
16/06/2009 2:30 sáng
Trí thức và nhân dân http://www.talawas.de/

Lời người dịch: Liên Xô, giữa thập niên 80 thế kỷ XX, cuộc perestroyka nổ ra mang theo hy vọng của mọi tầng lớp xã hội về một cuộc cách mạng mới đưa lại sức sống mới cho đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Nhóm “Lời tự do” ra đời ngày 31/10/1988 trong bầu không khí đó, tập hợp các nhà nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nghệ thuật thảo luận về nhiều chủ đề cấp bách do cuộc sống lúc bấy giờ đặt ra. Cuộc perestroyka kết cục, vượt ra ngoài ý đồ của những người khởi xướng, đã dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Xôviết, sự tan rã của một Liên bang rộng lớn và hùng mạnh tồn tại hơn bảy mươi năm. Liên Xô không còn, nhưng các vấn đề từ ngày hôm qua của Liên Xô thời perestroyka thì vẫn còn có tính thời sự đối với Việt Nam thời đổi mới và hậu đổi mới. Tôi chọn dịch hai cuộc bàn tròn về trí thức nói chung và trí thức Nga nói riêng trong quan hệ với nhân dân và quyền lực của nhóm “Lời tự do” giới thiệu với độc giả để chúng ta cùng suy ngẫm về trí thức Việt trong xã hội ta hiện nay.
______________

V. I. Tolstykh (Tiến sĩ triết học, giáo sư): Vì sao chúng ta thảo luận đề tài này? Tôi hy vọng tất cả mọi người đồng ý với sự giải thích sau. Sự thừa nhận của xã hội đối với vai trò của giới trí thức chúng ta trong quá trình đổi mới xã hội gọi là cải tổ đã rõ ràng. Việc nhiều cử tri khi đi bầu Xôviết Tối cao ủng hộ cho chính các trí thức - những nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội vì cho rằng họ có thể diễn đạt và trình bày tốt nhất những nguyện vọng của nhân dân, tự nó đã nói lên.
Đã có nhiều thành kiến tích đọng lại trong ý thức quần chúng về giới trí thức. Một tư tưởng đóng đinh hàng chục năm qua là nó “phải có nghĩa vụ trước nhân dân”. Đành là nó luôn luôn phải có thực, nhưng không phải là như tầng lớp quan liêu hiểu, tầng lớp này cứ bám lấy quyền lực và không nhận thấy sự dối trá của điều ngụy biện ngớ ngẩn ấy.
Chúng ta họp lại đây để nói về trí thức không phải theo cách “chung chung”, mà trong mối quan hệ với đề tài nhân dân, hai cái này thường bị đem đối lập nhau. Sự đối lập như thế có xác đáng không? Chẳng lẽ giới trí thức lại không thuộc về nhân dân, không phải là một bộ phận hợp thành và không thể tách rời của nhân dân? Tôi nghĩ rằng đây là một tiền đề giả - suy luận xem trong thời Stalin ai bị đau khổ nhiều hơn: trí thức hay là công nông. Số phận của giới trí thức chúng ta, giới trí thức “nhân dân” như gần đây người ta thích nhấn mạnh, không tách rời số phận của nhân dân.

V. M. Mezhuev
(Tiến sĩ triết học): Các vấn đề của mối quan hệ qua lại của trí thức và nhân dân là một bộ phận của vấn đề chung hơn, động đến tương quan giữa ba cạnh của “tam giác” Nga cổ điển - nhân dân, quyền lực và trí thức, tam giác này là cơ sở của toàn bộ lịch sử chúng ta, quy định các đặc thù, đặc điểm của nó, các nguyên nhân vận động của nó và các kết quả mà nó đưa lại. Tôi những muốn nói đó là vấn đề thuần túy Nga. Bản thân từ “trí thức” (intelligentsia) trong cách dùng ở nước ta có một ý nghĩa hoàn toàn khác ý nghĩa nó có ở các nước phương Tây. Ở ta nó không đơn giản biểu thị khả năng hoạt động trí tuệ, mà biểu thị một nhóm người có địa vị đặc biệt trong xã hội và đóng vai trò đặc biệt trong đó. Điểm khác biệt của nhóm người này với những nhóm người khác được xác định không phải bằng tính chất hoạt động chuyên nghiệp của họ, mà bằng một cái hoàn toàn khác. Trí thức không phải là một nghề nghiệp tập hợp những người làm việc lao động trí óc (ở phương Tây cũng có những người làm việc lao động trí óc nhưng ở đấy người ta không gọi họ là trí thức - intelligent, mà gọi là trí giả - intellectual). Nếu coi trí thức là một nhóm nghề nghiệp thì sẽ không hiểu được vấn đề trí thức và nhân dân. Bởi nhân dân cũng không phải là một nghề nghiệp. Vì sao cần phải phân biệt và đối lập nhau giữa một trong những nghề nghiệp và nhân dân? Nếu trí thức không phải là nhân dân (khác đi thì bản thân vấn đề này cũng chẳng còn được đặt ra), vậy thì nhân dân là ai? Trong quan niệm của giới trí thức, nhân dân rõ ràng là một cái gì đó hoàn toàn khác với trong quan niệm, chẳng hạn, của nhà chính trị.
Khi một thủ lĩnh chính trị hướng đến nhân dân mình hay thay mặt nhân dân mình hướng đến một nhân dân khác thì ông ta hiểu “nhân dân” là toàn bộ dân cư của đất nước. Nhưng khi giới trí thức nói về nhân dân, nó ngụ ý tất cả mọi người, trừ mình. Nó có thể coi mình tách khỏi nhân dân, gần hay xa, nhưng nó không đồng nhất mình với họ. Trong từ điển của giới trí thức chúng ta có nhiều cách nói kiểu: “đi với nhân dân”, “phục vụ nhân dân”, “đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân”. Nhưng đấy không phải là nói về sự phục vụ chính mình. Vậy đây là ngụ ý bộ phận nào của xã hội?
Đối với giới trí thức Nga thế kỷ trước (thế kỷ XIX - ND) câu trả lời cho câu hỏi này rất rõ ràng: nhân dân - đó trước hết là nông dân, tạo nên khối tộc người cơ bản của dân cư đất nước. Không phải quý tộc, địa chủ, quan chức, mà nông dân mới chính thực là xương cốt và màu sắc của nhân dân Nga - chủ yếu là nông dân làm nông nghiệp. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, “nhân dân” ở đây được hiểu không phải là toàn bộ dân tộc (nation), mà là tộc người (ethnos) nông dân với nếp sống cổ truyền, phong tục tập quán, văn hóa của họ.
Đối với người trí thức Nga, nhân dân là giá trị cao cả mà nó phải tương thích, phải thường xuyên viện đến, phải thấy ở đó chức năng và ý nghĩa cơ bản cho hoạt động của mình. Khi thần thánh hóa nhân dân, giới trí thức truyền cho họ những đức tính “bí ẩn” đối với mình. Nhân dân là điều “bí ẩn” cần phải hiểu, phải giao tiếp với họ, phải nhận thức ý nghĩa sâu xa và ẩn kín của họ. Từ đâu ra cái cảm giác về sự khó hiểu, ngoài tầm, khép kín của cuộc sống nhân dân mà tất cả các thế hệ trí thức Nga đều trải qua một cách gay gắt đến vậy? Bởi xét về dòng máu, môi trường sinh sống, ngôn ngữ và thậm chí đức tin thì trí thức có cùng nguồn cội như nhân dân. Vậy cái gì đã tách biệt nó ra khỏi nhân dân? Trước hết cần phải phân tích điểm này. Khoảng cách giữa mình và và nhân dân đã được giới trí thức trải nghiệm và ý thức một cách sâu sắc, theo ý tôi, là do sự khác nhau của hai loại văn hóa - loại nhân dân sống và loại trí thức mang theo mình. Vấn đề trí thức và nhân dân - đó là vấn đề thuần túy văn hóa gây nên bởi sự đoạn tuyệt văn hóa, “sự đứt đoạn tiệm tiến” trong quá trình phát triển lịch sử của văn hóa truyền thống. Sự “đoạn tuyệt” này trong lịch sử chúng ta xuất hiện ở điểm gặp gỡ, giao cắt của văn hóa Nga và văn hóa châu Âu (bắt đầu khoảng từ thời Pietr đệ Nhất), ở chỗ tiếp giáp của chúng, do “sự chuyển dịch sang nền móng Nga” những tư tưởng và quan niệm của một nền văn hóa khác đối với nó. Người trí thức Nga, về gốc rễ là gắn với nền móng này, nhưng về học vấn và giáo dục là sản phẩm của sự “giao phối” các nền văn hóa này, sự tổng hợp của chúng, đem lại một cái mới so với văn hóa Nga truyền thống. Theo nghĩa nào đó thì đấy là “người Âu gốc Nga”, người nếu không phải với những quan niệm phương Tây thì cũng là với cách thức phương Tây đã chiếm lĩnh được cho mình những thành quả của nền giáo dục châu Âu.

V. E. Matizen (Nhà phê bình điện ảnh, nhà báo): Theo tôi, việc phân chia ra nhân dân và trí thức đơn giản hơn nói ở đây nhiều. Trí thức là người đứng trên những lập trường tiến bộ. Điểm này làm nó khác với nhân dân. Nhân dân - đó là những bộ phận chuyển động không có sự tham gia của ý thức. Đó là vật thể tự chuyển động. Ảo tưởng gốc rễ của trí thức là ở chỗ nghĩ rằng dường như cần phải điều khiển sự chuyển động của vật thể đó.
Tội tổ tông của một bộ phận giới trí thức Nga mà bây giờ chúng ta đang được chứng kiến là ở mưu toan can thiệp vào sự tự chuyển động của thế giới. Nếu chúng ta từ bỏ điều này thì có lẽ chúng ta sẽ đạt được cái gọi là bản sắc của chúng ta.

V. M. Nedoshivin: Ai dám dũng cảm coi mình là trí thức trong khái niệm cao cả của từ này? Tôi không dám dũng cảm được thế. Các nhà trí thức - đó là những người có lẽ không có ở đây. Đó là Sakharov, Akhmatova, trong số các nhà phê bình là A. Belenkov đã quá cố. Đặc điểm chung thống nhất họ với nhau không phải là học vấn, không phải là lao động trí óc, không phải là sự đồng cảm. Cái thống nhất họ với nhau là hành động, hơn nữa là hành động lương tâm. Một hành động như thế - đó hầu như luôn luôn, nếu không phải luôn luôn, là sự kháng biện lại quyền lực, đối chọi với quyền lực, với mọi quyền lực. Người trí thức không thể là “mềm dẻo” trong những vấn đề nguyên tắc, trong những vấn đề của hành động lương tâm.

L. Ya. Smelyakov
(Tiến sĩ triết học, giáo sư): Nếu trí thức luôn luôn đối chọi với quyền lực, thì xét về bản chất, bản tính của nó, ngay từ đầu nó đã vốn bất lực chính trị. Hơn thế, sự bất lực đó lại được nâng lên hàng đức hạnh, phẩm giá của nó. Nếu mà như thế thì chúng ta không bao giờ tạo ra được một xã hội vô quyền lực.
Xã hội một khi nào đó đã sinh ra giới trí thức là để tự nhận thức mình. Ghertsen đúng khi nói rằng giới trí thức - đó là tinh thần của dân tộc, nó giúp nhân dân nhận thức chính mình. Đó là sứ mệnh chính yếu nhất của giới trí thức. Với loại chức năng như thế giới trí thức hôm nay bắt đầu đi vào các cơ quan quyền lực. Nếu một người là trí thức thì vì sao hắn không có quyền đặt vấn đề về sự tham gia của mình vào các cơ quan quyền lực? Hơn thế, giới trí thức, những người hiểu rõ số phận nặng nề của nhân dân hơn ai hết, cần phải tự mình vươn tới quyền lực.
Chúng ta hôm nay liệu có thể hy vọng là khi đã ý thức được quyền lực mới, chúng ta sẽ tạo ra được những điều kiện cho sự tham gia của giới trí thức vào đó? Hay ngược lại, chúng ta cần phải hiển nhiên đặt mình vào vị thế của những kẻ thiếu cá tính, nhu nhược, đứng ngoài bình phẩm về những chuyện xảy ra xung quanh? Và đó là tất cả vai trò của chúng ta? Vai những người bình luận.

V. I. Tolstykh:
Tôi hiểu bổn phận (nó cũng là khả năng) quan trọng nhất của giới trí thức là thể hiện những mối quan hệ xã hội phổ quát. Nó ở trong giới trí thức chỉ khi được nâng lên đến tầm cái phổ quát, biết nhiều hơn và suy nghĩ tốt hơn những người khác. Khi nó có thể trình bày thái độ cá nhân - nhưng nội dung thì có ý nghĩa xã hội - đối với các vấn đề của thế kỷ, xã hội, nhân dân mình. Tính trí thức là ở sự nhạy cảm cao đối với nỗi đau “người khác”, ở chỗ biết đáp lại những gì làm xúc động hay liên quan đến tất cả mọi người, không chỉ những người gần gũi, mà cả những người xa xôi.
Tôi gần với quan niệm trí thức của V. G. Korolenko, ông cho bản chất trí thức là ở chỗ biết tự thể hiện và thể hiện những tâm trạng, lợi ích và nhu cầu của người khác. Chẳng có gì xấu trong việc các trí thức đem thân mình đi phục vụ, điều quan trọng là phục vụ ai, phục vụ cái gì, cũng như họ phục vụ, chứ không phải hầu hạ, bợ đỡ.

V. M. Mezhuev: Tôi muốn tránh những cách tiếp cận trí thức chỉ thuần là đánh giá. Vấn đề không phải ở chỗ nó tốt hay xấu, mà vì sao nói chung nó lại tồn tại như một hiện tượng đặc biệt, cái gì đã sinh ra nó. Nedoshivin nói rằng trong số chúng ta không có các trí thức nên tốt nhất là chúng ta im lặng về vấn đề này. Nhưng, tôi hy vọng, trong số chúng ta cũng không có ai ủng hộ chế độ toàn trị, và điều đó không cản trở chúng ta thảo luận vấn đề chủ nghĩa toàn trị.
Người trí thức Nga không đồng nghĩa với gentleman Anh, người có giáo dục hay đơn giản là có học. Đó là một kiểu người hoàn toàn khác, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử nước ta mới hiểu được, hoặc gợi nhắc đến lịch sử nước ta. Đây là một thí dụ đơn giản: con trai của một thủ lĩnh bộ lạc châu Phi vào trường Sorbonne hay Oxford, được học ở đấy, xong quay về quê hương. Từ lúc đó đối với bộ lạc mình anh ta là trí thức. Đối với họ anh ta là người mang một nền văn hóa khác - nền văn hóa vay mượn hay nền văn hóa sáng tạo ra, hiểu thế nào cũng được. Sự khác biệt giữa giới trí thức và nhân dân - đó không phải là sự khác biệt giữa sự tự nhận thức bị tước mất cơ thể và cơ thể bị tước mất sự tự nhận thức. Nhân dân thông qua các truyền thuyết, tín ngưỡng, huyền thoại của mình cũng có sự tự nhận thức. Nhưng sự tự nhận thức của họ khác sự tự nhận thức của giới trí thức. Ở đây sự khác biệt chính là về văn hóa, nó mạnh hơn những khác biệt về xã hội và thậm chí về sinh học, những khác biệt huyết thống. Giới trí thức là người mang văn hóa, nó đến một lúc nhất định có thể hiện ra trước nhân dân là khó hiểu, xa lạ và xa cách nhân dân.

L. Ya. Volchek:
Người có chất trí thức - đó là những phẩm chất con người đặc biệt: có thể, chú trọng những nhu cầu tinh thần hơn những nhu cầu vật chất, tính lương thiện, tính công dân. Khi khái niệm trí thức bao gồm những người kiểu Sakharov, Solzhenitsyn và những người khác với những phẩm chất đạo đức cao cả thì tôi sẵn sàng đồng ý với định nghĩa này. Nhưng tôi cảm thấy khái niệm này sẽ là quá hẹp nếu chỉ gồm những người trí thức như vậy. Vì thế tôi thiết nghĩ giới trí thức và người có chất trí thức là hai khái niệm khác nhau. Giới trí thức không chỉ gồm những người có chất trí thức, và những người có chất trí thức có thể có ở ngoài giới trí thức.

V. L. Glazychev (Tiến sĩ nghệ thuật học, giáo sư): Tôi không coi mình là người trí thức, bởi vì theo ý tôi, đó là một định nghĩa ma. Sự đối chiếu hai khái niệm - nhân dân và trí thức - cũng là vô nghĩa. Nói chung không có một chủ đề nào như thế cả. Nhân dân - đó là một bóng ma ý hệ, sinh ra trong những điều kiện đặc Nga. Không đâu có khái niệm đó. Luôn luôn ngụ ý những con người, nhưng đó hoàn toàn khác. Những người ban hành hiến pháp Mỹ là các trí giả, chứ không phải các trí thức theo nghĩa hẹp của từ này, dù đó là Adams hay Jefferson. Đó là một đơn vị khái niệm hoàn toàn khác.
Nếu đặt vấn đề bằng những phạm trù như vậy, thì cần phải nhắm vào lập trường của trí giả trong một hiện thực cụ thể và lập trường tư tưởng của trí thức trong cùng hiện thực đó.

K. E. Razlogov (Tiến sĩ nghệ thuật học, giáo sư): Theo tôi, có một điểm dường như là chỗ gặp nhau của nhân dân, quyền lực và trí thức (giống như trong vương quốc của các ý niệm tuyệt đối có điểm gặp nhau của chân, thiện và mỹ), đó là sự sùng bái, là nguyên lý sùng bái.
Vấn đề tư duy sùng bái Nga là vấn đề mấu chốt trong lịch sử chúng ta (không chỉ 70 năm gần đây), bởi vì ở điểm sùng bái quyền lực chuyển thành đối lập với nhân dân, còn trí thức - đối lập với quyền lực. Không phải ngẫu nhiên mà bộ máy đảng-nhà nước và bản thân các nhà hoạt động văn hóa cao ngạo sát cánh bên nhau trong chủ nghĩa bảo thủ văn hóa có tính nguyên tắc, chủ nghĩa này nhằm không chỉ bảo tồn những gì hiện có, mà còn nhằm quay lại tình trạng bình ổn kiểu gia trưởng thuở xưa.
Bước quá độ tới xã hội văn minh có nghĩa là cái chết của giới trí thức theo nghĩa truyền thống Nga của từ này. Và vì thế các nhà trí thức sẽ huy động hết sức lực cố kìm hãm các quá trình đổi mới xã hội vì trong quá trình đó họ tất yếu bị biến thành những người làm nghề bình thường, không có những đặc quyền ưu đãi nào, kể cả đặc quyền truyền bá những “chân lý tuyệt đối” và độc quyền quy định những “giá trị chung của loài người”.

G. R. Ivanitsky
(Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga, tiến sĩ toán lý, giáo sư): Theo quan niệm của tôi, cần phân biệt giới trí thức ở tầm rộng của các quan điểm và tầm rộng của các hành động. Nhưng giới trí thức có quan điểm rộng rãi thì lại thường không hành động. Nghĩa là, hoặc chúng ta cần phải bổ sung cho họ nửa thứ hai, hoặc chúng ta bằng lòng rằng giới trí thức - đó là nhóm người giỏi việc thực nghiệm tư duy, hiểu biết, tìm cách giải thích điều gì đó cho ai đó, nhưng bản thân thì không hành động.
Bây giờ nói về nhân dân. Khái niệm này cũng gần gần như trí thức. Xác định được nó cũng hết sức phức tạp. Vì sao? Bởi vì ở những thời kỳ khác nhau tùy thuộc vào mục đích mà hai khái niệm này vang lên một cách khác nhau.

V. P. Terin (Phó tiến sĩ triết học): Tôi chú ý đến cách định nghĩa người trí thức thông qua khái niệm “hành động lương tâm”. Bây giờ, theo tôi, trong xã hội chúng ta đang diễn ra sự thiết chế hóa hành động lương tâm. Những người trí thức - đó là những người mang lương tâm. Có thể, cách dịch đúng từ “trí thức” là “những người có lương tâm”, và người trí thức - đó là người khi nói về nhân dân thì bản thân là người mang nguyên lý chung loài người vào đời sống của nhân dân, nguyên lý toàn thế giới vào đời sống của loài người. Một thí dụ tương tự nổi tiếng trong lịch sử về thái độ như thế đối với loài người là Jesus Christ. Người trí thức - đó là người xuất phát từ tính thứ nhất của cá nhân trong lịch sử loài người.

K. A. Svasya (Tiến sĩ triết học, giáo sư): Tôi muốn lưu ý quý vị đến một nghịch lý mà theo tôi có gốc rễ chính ngay trong từ “intelligentsia”. Đó là vấn đề Nga, nhưng bản thân từ này lại không phải từ Nga. Nó là một từ Latin, nhưng nó đi vào các thứ tiếng châu Âu qua dạng Nga. Và bây giờ nhiều người Âu phát âm nó thậm chí theo kiểu Nga. Trong các thứ tiếng châu Âu không có từ như thế, tức là là có, nhưng hoàn toàn không phải theo nghĩa mà chúng ta dùng nó. Và theo tôi, điều chủ yếu nhất chính là ở đấy. Liệu trong khuôn khổ châu Âu có thể gọi một ai đó, một nhóm người nào đó, hay những đại diện cụ thể nào đó, những người mang văn hóa nào đó là người trí thức được không? Liệu có thể gọi Charles Beaudelaire là trí thức không? Hay những người tham gia nhóm của Mallarmée? Chỉ có thể gọi như thế một cách gượng gạo. Ở châu Âu, theo ý tôi, nói chung không tồn tại vấn đề này, không bao giờ tồn tại. Cái gọi là tam giác cổ điển này - nhân dân, quyền lực và trí thức - ở châu Âu được giải quyết cách khác.
Chúng ta hãy nhớ lại cái từ “intelligens” ở Schelling có nghĩa gì. Đó là sự cấy ghép vào triết học mới một thuật ngữ rất cổ xưa, thuật ngữ “nus”. Đó là “cái thống nhất”, “tinh thần thế giới”, “trí tuệ thế giới”, tóm lại, đó là một thuật ngữ của siêu hình học duy linh mà khi đi vào ý thức Nga, văn hóa Nga đã bị sai lệch một cách rất lạ lùng. Đã diễn ra sự cấy ghép một thuật ngữ triết học hết sức trừu tượng - trừu tượng theo nghĩa tốt đẹp của từ này - thậm chí là một thuật ngữ thần học-triết học, vào đời sống thực tế. Một nhóm người, hiển nhiên là những người rất tài năng, bỗng nhiên tỏ ra họ có thể là người mang chính cái “intelligens” này. Và họ gọi mình chính như thế. Văn hóa chỉ được lợi trong chuyện này thôi, điều đó là không có gì phải nghi ngờ. Kể qua như vậy là đủ thấy. Nhưng điều gì đã xảy đến với tam giác cổ điển?
Có một câu truyện ngụ ngôn cổ điển, theo tôi, có thể cho thấy khá xác đáng bản chất của tam giác cổ điển này. Cũng xảy ra một vấn đề như vậy của thiên nga, tôm và cá măng, ở đây cá măng là quyền lực, thực hiện những hoạt động cá măng của mình, tôm là nhân dân sống đời tôm. Còn tầng lớp trung gian tài cao, thiên tài, có thể là siêu thiên tài nữa, chưa kịp hát bài ca thiên nga của mình thì đã bị người ta vặn cổ.

V. P. Lebedev (Phó tiến sĩ triết học): Dù sao chúng ta cũng đã mất đi một giới trí thức mang mặc cảm tội lỗi, mặc cảm kém giá trị. Và bây giờ cần phải bắt đầu lại từ đầu.
Nếu như giới trí thức đã chết thì cần phải bắt đầu lại từ nguồn, từ gốc. Hiện giờ hãy còn sớm để nói về việc liệu nó có thể quản lý được hay không có thể, thoạt đầu cần phải đạt được dù chỉ là trình độ học vấn, phải nhận được cái trình độ tối thiểu đã bị mất. Tất nhiên, giới trí thức ở ta bây giờ lấy từ đâu ra? Có những đơn vị tính, chứ không có tầng lớp. Chúng ta không biết ngoại ngữ, không đi ra nước ngoài, không nhìn thấy gì.
Nhưng nếu giả sử rằng ở ta giới trí thức đã xuất hiện, rằng nó đang và có thể quản lý, thì tôi đồng ý rằng nó là tầng lớp cần phải phát ra các tư tưởng, phải đưa ra mọi phương án, cấu trúc, kể cả cấu trúc của một xã hội pháp quyền.

V. I. Danilov-Danilyan (Tiến sĩ kinh tế học, giáo sư): Người ta nói rằng ở phương Tây vẫn còn giữ được giới trí thức theo nghĩa gần với cách hiểu Nga, và nó tiến hành hoạt động tích cực mang tính chất chọc tức, “làm đục nước”, gây rối. Đúng, điều đó tất nhiên là có. Nhưng xin hãy chú ý đến một hiện tượng quan trọng. Khi giới trí thức tiến hành ở đấy hoạt động đó, nó luôn là gồm những người chúng ta không xếp vào giới trí thức. “Phong trào xanh” chẳng hạn, có phải chỉ là trí thức không thôi? Không có gì vậy cả. Ở đấy có cả công nhân, cả những người nội trợ, và theo chỗ tôi biết thì họ thậm chí còn rất đông. Nhưng cái chính là tất cả những điều đó hoàn toàn không đối lập với nhân dân.
Nếu xét trí thức căn cứ theo loại công việc thì trong trường hợp này nó cũng không đối lập với nhân dân. Và điều đó chứng tỏ không phải sự chưa trưởng thành của xã hội, mà là sự hoạt động của các cấu trúc xã hội chính trong xã hội phát triển.

P. G. Zhedrovitsky (Phó tiến sĩ triết học, nhà phương pháp luận): Vì sao chúng ta coi phản tư (reflexion), chứ không phải hiểu biết, là nền tảng của “trí thức”? Có thể chính việc chúng ta tập trung chú ý vào chức năng của phản tư đã ngăn trở chúng ta đi sâu vào vấn đề? Có thể, vấn đề không phải là ở chỗ “người trí thức” là chủ thể và có thể trong ý thức mình hắn duy trì đồng thời một loạt quan điểm và một loạt lập trường nhưng không vào hùa với một cái nào cả. Có thể, “người trí thức” có khả năng nhờ tư duy mạnh của mình nên nắm giữ được tất cả “trường” ý nghĩa, chứ không dừng lại trên sự tự phản tư lập trường riêng của mình. Hắn nắm lấy trường ý nghĩa này như một hiện hữu và làm việc không phải bằng các cấu trúc của những hành động giao tiếp, mà theo “chủ điểm” (topic) riêng của mình. Chúng ta cứ ngồi đây, mỗi người nói một phách. Mà việc là cần phải nắm được toàn bộ chỉnh thể này.
Hoàn toàn có thể là chính sự tập trung vào chức năng của phản tư đã dẫn đến mọi tai họa chúng ta đang nói đến. Những chức năng của phản tư mà dường như giới trí thức nắm được và cấy chuyển sang đại chúng sinh ra chứng tâm thần phân liệt đại chúng. Nền tảng của xã hội và dân chủ là hiểu biết chứ không phải phản tư. Còn phản tư - đó là chức năng tự thuyết phục, nó xa lạ với sự vấn đề hóa. Nhưng, điều đó có nghĩa là khi “người trí thức” gắn mình với quá trình cải tổ, nó sẽ tự giết chết mình với tư cách là người trí thức. Bởi vì nó ràng buộc mình với một lập trường cụ thể và theo nghĩa đó nó đánh mất sự kiểm soát đối với toàn thể và đối với tình huống có vấn đề.

V. M. Mezhuev: Quan trọng là phải hiểu rằng sự phê phán trí thức - đó không phải là sự phê phán nhà văn, nhà nghệ sĩ, nhà triết học, nói chung của con người thực hành một diễn ngôn trí tuệ nhất định. Đó không phải là sự phê phán hoạt động trí tuệ và sáng tạo.
Đối với tôi, người trí thức - đó là con người tư duy trong hệ thống các phạm trù “tôi” và “nhân dân”. Khái niệm giới trí thức được xây dựng chính bằng sự đối lập này, nó thuộc về con người có cá tính duy nhất, độc đáo tồn tại đối lập với đám đông nhạt nhòa, đồng loại về tộc người, không có các dấu hiệu cá thể. Theo nghĩa này, sự phê phán trí thức - đó là sự phê phán ý thức coi nhân dân chỉ mới là nguyên liệu thô, chưa được xử lý về văn hóa, cần phải được khai sáng, dẫn dắt, nâng lên ngang tầm mình, cần phải được ban phước về tinh thần và tư tưởng. Thật lạ lùng, nhưng chính ở điểm này giới trí thức lại gần với quyền lực hơn là với nhân dân, nhưng đó là một đề tài khác.
Nói chung khi không phải hướng đến nhân dân, mà hướng đến những cá nhân có cá tính độc đáo như mình, bằng vai phải lứa với mình, tức là khi quan hệ “tôi” và “nhân dân” được thay bằng quan hệ “tôi” và “tôi” khác, quan hệ của những cá nhân ngang quyền và ngang giá, khi đó cách hiểu về giới trí thức như tôi đã nói sẽ biến mất. Sứ mệnh của giới trí thức kết thúc ở đó, được thay bằng một sứ mệnh khác - sứ mệnh của trí giả, người thực hiện trong văn hóa một chức năng quan trọng nhưng không phải là loại biệt, không phải là duy nhất. Theo nghĩa này điều chủ yếu cần làm - đó là chấm dứt cái quan niệm cho rằng có một nhân dân cần được cứu vớt về tinh thần, và có những lãnh tụ tinh thần, những thủ lĩnh tư tưởng của nhân dân, dẫn dắt đám quần chúng tăm tối, vô học. Cần phải thay ngay quan hệ của trí thức đối với nhân dân bằng quan hệ của cá nhân đối với cá nhân, tức là bằng quan hệ thực sự của con người đối với con người.
Theo tôi, thực chất vấn đề là ở đó, và làm được thế là khó nhất.
(20/10/1989)

------------------------------------

Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga, theo sách: Lời tự do. Biên niên trí tuệ thập niên 1985 - 1995, Moskva. 1996, tr. 296-305

No comments: