Monday, June 29, 2009

KIỆN THỦ TƯỚNG LÀ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

Kiện thủ tướng là đúng đối tượng
Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ
gửi cho BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 14:49 GMT - thứ hai, 29 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/06/090629_cuhuyhavu_letter.shtml
Trong bài “Vụ kiện Thủ tướng sai thủ tục?”, luật sư Lê Thành Kính, trưởng đại diện Văn phòng luật sư Lê Nguyễn ở TP. HCM, trả lời phỏng vấn BBC đã cho rằng việc Toà án Hà Nội bác Đơn ngày 11/06/2009 của tôi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến quyết định của Thủ tướng cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên, là vì tôi, Cù Huy Hà Vũ, đã kiện "sai đối tượng và sai thủ tục".

Đủ tư cách đứng đơn và kiện đúng đối tượng

Luật sư Kính nói: “Đương đơn trong vụ kiện này (phải) là những người bị thiệt hại. Mà người thiệt hại trong trường hợp này nếu có, thì phải là dân chúng vùng mà người ta đầu tư vào đó, vùng mà người ta khai thác quặng…Còn ông ta (Cù Huy Hà Vũ) đứng với tư cách cá nhân để kiện, thì không được”.

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể khởi kiện Thủ tướng để bảo vệ môi trường Tây Nguyên đang và sẽ bị xâm hại bởi những hệ quả của Quyết định 167/2007/QĐ-TTg được ban hành trái Luật bảo vệ môi trường.
Thực vậy, trong Đơn khởi kiện tôi đã dẫn Khoản 2 Điều 4 Luật bảo vệ môi trường: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”,
điều này có nghĩa môi trường phải là lợi ích hợp pháp của mọi công dân Việt Nam thì Luật này mới có thể quy định bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Hay bảo vệ môi trường là nghĩa vụ chẳng của riêng ai. Trừ phi “toàn xã hội” có nghĩa “dân chúng vùng mà người ta đầu tư vào đó, vùng mà người ta khai thác quặng”!
Cũng như vậy,theo Khoản 1 Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” thì bất cứ ai có quốc tịch Việt Nam cũng có quyền khởi kiện Thủ tướng do Thủ tướng đã có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường mà ở đây là ban hành một quyết định hành chính trái Luật bảo vệ môi trường.

Luật sư Kính nói: “Ông Thủ tướng chỉ là nhân danh Nhà nước. Nếu quyết định của ông Thủ tướng sai chẳng hạn, thì phải kiện ông Chính phủ, chứ không thể kiện ông Thủ tướng được”.
Với phát biểu này luật sư Kính đã tỏ rõ ông không nắm được Luật tổ chức Chính phủ.

Quả vậy, theo Luật này thì văn bản do Chính phủ ban hành gồm nghị quyết, nghị định và văn bản do Thủ tướng ban hành gồm quyết định, chỉ thị.
Nói cách khác, Chính phủ chỉ có thể là đối tượng khởi kiện trong trường hợp “sản phẩm” của Chính phủ - nghị quyết, nghị định - được ban hành trái pháp luật, chứ tuyệt nhiên Chính phủ không thể chịu trách nhiệm về quyết định sai trái của Thủ tướng, kiểu “quýt làm cam chịu”.
Do đó tôi đã đúng khi xác định Thủ tướng là đối tượng khởi kiện.

Toà không thụ lý Đơn kiện Thủ tướng do không đủ thẩm quyền

Trước hết cần nói rằng nhiều người đã nhầm lẫn khi dùng thuật ngữ “bác” đơn kiện vì “bác” đơn kiện chỉ có thể áp dụng trong trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức Đơn khởi kiện đã được Toà án thụ lý và vụ án đã được đưa ra xét xử.
Còn trong trường hợp này thì phải nói Toà án Hà Nội “trả lại” như chính “Thông báo trả lại đơn khởi kiện” ngày 15/06/2009 của Toà án Hà Nội đã chỉ rõ, hoặc Toà án Hà Nội “không thụ lý” Đơn khởi kiện của tôi.

Thông báo trả lại Đơn khởi kiện số 19/TB – TA ngày 15/06/2009 của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội gửi tôi ghi: “Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thấy: Theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Toà án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ và cấp tương đương trở xuống và quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng các cơ quan đó.
Do đó, việc ông khởi kiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án hành chính. Căn cứ vào điểm đ khỏan 1 Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Toà hành chính – Toà án nhân dân thành phố Hà Nội trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đơn và thông báo cho ông được biết”.


Vậy là rõ, Toà án Hà Nội không thụ lý đơn khởi kiện của tôi là do Toà án Hà Nội chỉ có thẩm quyền giải quyết. Đơn khởi kiện quyết định của bộ trưởng và cấp tương đương trở xuống nên Đơn khởi kiện của tôi không thuộc thẩm quyền thụ lý của Toà án này, đồng nghĩa với việc Toà công nhận tôi có đầy đủ tư cách khởi kiện và tôi đã kiện đúng đối tượng.

Vấn đề còn lại là xác định Toà án nào có thẩm quyền thụ lý Đơn khởi kiện Thủ tướng, một việc không hề dễ dàng nhưng không thể không làm vì sự tồn vong của chính pháp luật và Nhà nước Pháp quyền Việt Nam.

Nhân đây, tôi khẳng định cụm từ “khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính” là hoàn toàn phi logic vì “quyết định hành chính, hành vi hành chính” là vô tri, vô giác thì làm sao có thể kiện đuợc!
Để nói đối tượng khởi kiện chỉ có thể là chủ thể của “quyết định hành chính, hành vi hành chính”.
Vả lại chủ thể này hoàn toàn khớp với “người bị kiện” mà trong bất cứ đơn kiện nào cũng phải có.

Việc các nhà lập pháp Việt Nam không dám nhìn thẳng vào sự thật để gọi sự vật đúng tên của nó là một bằng chứng nữa cho thấy nỗi lo “phạm thượng” hay sự chưa sẵn sàng từ phía chính quyền cho một xã hội dân sự trong đó người dân và chính quyền là những đối tác của nhau trên cơ sở bình đẳng.


Các bài liên quan:

'Sẽ kiện lên tòa Tối cao' (BBC)

Vụ kiện Thủ tướng 'sai thủ tục’? (BBC)

Tòa Hà Nội hồi âm đơn kiện thủ tướng (BBC)

Khi luật sư kiện Thủ tướng vì bauxite (BBC)

Lại chuyện “ông Cù Huy Hà Vũ kiện có đúng không?” (talawas)

Ông Cù Huy Hà Vũ kiện có đúng không? (talawas)

No comments: