Wednesday, June 24, 2009

BẮC KINH CHUẨN BỊ HỢP PHÁP HOÁ CHỦ QUYỀN Ở BIỂN ĐÔNG

Bá quyền Bắc Kinh chuẩn bị hợp pháp hóa chủ quyền ở Biển Đông!
Mục Thời Sự của Tạp Chí Dân Chủ & Phát Triển điện tử
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

LTS: Đài Bắc kinh ngày 23.6 đã cho biết, ngày 22.6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung quốc đang chuẩn bị đưa „dự án Luật bảo vệ hải đảo“ ra Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới. Dự luật này xác định chủ quyền của Trung quốc „Trong vùng biển 3 triệu ki-lô-mét vuông của Trung Quốc, có hơn 6900 hải đảo có diện tích trên 500 mét vuông, diện tích nhỏ hơn nữa có hơn chục nghìn hòn đảo“.
Tuy ỏ đây họ cố tình không nói rõ khu vực nào để tránh sự theo dõi của các nước láng giềng và dư luận quốc tế, nhưng các nhà quan sát chính trị về Trung quốc biết rằng, đây bao gồm cả phần biển mà từ lâu nay Bắc kinh đã ghi rõ trên bản đồ của Trung Hoa. Tức là phần biển thường gọi là „lưỡi bò“ chạy từ phía Nam Trung quốc xuyên qua biển Đông của VN, rồi xuyên cả vào lãnh hải của Phi luật tân, Mã lai Á và Nam dương. Với Dự luật này Bắc kinh tìm cách hợp thức hóa về mặt công pháp quốc tế các vùng biển và các hải đảo đang tranh chấp với VN và nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á. Việc này chứng tỏ rất rõ chủ trương bá quyền nhằm độc quyền chiếm đóng và khai thác tài nguyên trên biển Đông của VN và nhiều nước khác trong khu vực.
Điều đáng lưu ý ở đây nữa là, Bắc kinh đã dùng ngôn ngữ trong „dự án Luật bảo vệ hải đảo“ như để bảo vệ môi trường và sinh thái trên biển. Làm như là Bắc kinh rất quan tâm tới một vấn đề mà thế giới đang quan tâm. Đây cũng là ý đồ của Bắc kinh tìm cách đánh lạc hướng theo dõi của các nước lân bang và dư luận quốc tế!

Trước thái độ của bá quyền Bắc kinh từ lấn chiếm từng bước và rồi tìm cách công khai hợp pháp hóa vùng biển và hải đảo của VN thì nhóm cầm đầu CSVN sẽ phản ứng ra sao? Vì từ lâu Bắc kinh đã ru ngủ bằng sách lược „diều hâu khen gà sống“, cho nên tới nay „Tứ trụ triều đình XHCN“ từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng vẫn tụng niệm thần chú chủ trương „bốn tốt“ và „16 chữ vàng“ của bá quyền Bắc kinh. Tứ trụ này đã bị sỏ mũi nên không dám có những thái độ và quyết định ngoại giao rõ ràng và cứng dắn cần thiết để báo động cho nhân dân VN và dư luận thế giới biết rằng, bá quyền Bắc kinh đã đi quá xa trong tham vọng bành trướng lãnh thổ và biển đảo!

Dưới đây là nguyên văn bản tin tiếng Việt của đài Bắc kinh ngày 23.6

Trung Quốc lần đầu tiên bắt tay lập pháp tăng cường bảo vệ nguồn hải đảo
Hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đang xem xét dự án Luật Bảo vệ hải đảo. Trong dự án luật lần đầu tiên đưa ra xem xét này, có các nội dung như giải quyết vấn đề chủ quyền không rõ của hải đảo không có người ở, nghiêm khắc bảo vệ các tài nguyên bãi cát, giống sinh vật, thảm thực vật, nước ngọt hải đảo, nêu rõ nhà nước sẽ sắp xếp ngân sách chuyên môn bảo vệ hải đảo, xây dựng chế độ tuần tra bảo vệ sinh thái hải đảo. Bộ luật này bước vào trình tự lập pháp, đánh dấu là nước biển lớn, Trung Quốc sẽ lập pháp tăng cường bảo vệ nguồn hải đảo.
Trong vùng biển 3 triệu ki-lô-mét vuông của Trung Quốc, có hơn 6900 hải đảo có diện tích trên 500 mét vuông, diện tích nhỏ hơn nữa có hơn chục nghìn hòn đảo, còn có nhiều nơi đất cao thuỷ triều thấp. Do sự phát triển cao tốc của kinh tế và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, vấn đề khai thác, xây dựng, bảo vệ và quản lý hải đảo ngày càng nổi bật, bao gồm sinh thái hải đảo bị phá hoại nghiêm trọng, số lượng hải đảo giảm xuống nhanh chóng, hải đảo không có người ở bị chiếm dụng trái phép v.v. Bởi vậy, nói đến tôn chỉ lập pháp Luật Bảo vệ hải đảo, ông Uông Quang Đào, Chủ nhiệm Uỷ ban Môi trường và Tài nguyên Quốc hội Trung Quốc ngày 22 tại kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nói:
"Để bảo vệ hệ thống sinh thái hải đảo, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn sự cân bằng sinh thái hải đảo cùng vùng biển xung quanh hải đảo, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế xã hội, mau chóng ấn định Luật Bảo vệ hải đảo không những là rất cần thiết, cũng là thiết thực khả thi."

Xét từ xây dựng cơ chế và nội dung cụ thể, Luật Bảo vệ hải đảo đều không liên quan đến vấn đề chủ quyền hải đảo, là một bộ luật biển nhằm mục đích bảo vệ sinh thái hải đảo.
Một trong những nội dung quan tâm nhất của dự án luật, là đã giải quyết vấn đề chủ quyền không rõ của hải đảo không có người ở. Dự án luật quy định rõ ràng, quyền sở hữu hải đảo không có người ở là thuộc về nhà nước, Quốc vụ viện thay mặt nhà nước thi hành quyền sở hữu hải đảo không có người ở. Điều này sẽ giải quyết vấn đề trước đây một số đơn vị và cá nhân coi hải đảo không có người ở là "đất không có chủ", tuỳ ý chiếm dụng, sử dụng, mua bán và chuyển nhượng.

Dự án luật xác định nguyên tắc bảo vệ hải đảo là quy hoạch khoa học, ưu tiên bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng lâu dài. Quy hoạch khoa học là nguyên tắc đầu tiên, mà tăng cường bảo vệ sinh thái hải đảo, phòng ngừa sinh thái hải đảo bị phá hoại, là cốt lõi của công tác bảo vệ hải đảo và trọng điểm của dự án Luật Bảo vệ hải đảo. Chủ nhiệm Uông Quang Đào nói:

"Dự án luật đã dành một chương 'bảo vệ sinh thái hải đảo', nội dung bao gồm nghiêm khắc hạn chế xây dựng vật kiến trúc và công trình trên hải đảo, nghiêm khắc hạn chế công trình lấp biển nối liền các đảo, nghiêm khắc hạn chế việc khai thác đá, nạo vét cát, chặt phá trên hải đảo, nghiêm khắc bảo vệ bãi cát, san hô và đá san hô hải đảo, nghiêm khắc bảo vệ di tích lịch sử, nhân văn và giống sinh vật trên hải đảo, nghiêm khắc bảo vệ thảm thực vật, tài nguyên nước ngọt trên hải đảo v.v, nêu rõ tận dụng hải đảo không có người ở, cần phải sử dụng có bồi thường trong tiền đề quy hoạch xác định có thể sử dụng, tránh phá hoại hải đảo và lãng phí tài nguyên v.v."

Tại Trung Quốc, còn có một số hải đảo đặc biệt, ví dụ như 77 hải đảo có điểm chuẩn hải phận mà chính phủ Trung Quốc đã công bố, hải đảo có thiết lập công trình và tiêu chí điểm đường gốc, điểm trọng lực, điểm thiên văn, điểm thuỷ chuẩn, điểm điều khiển định vị vệ tinh toàn cầu v.v. Ông Uông Quang Đào nói:
"Những hải đảo này có ý nghĩa quan trọng đối với an toàn sinh thái và nghiên cứu khoa học. Đối với những hải đảo này, phải thực thi chế độ bảo vệ sinh thái nghiêm khắc hơn so với các hải đảo bình thường, bảo vệ tính hoàn chỉnh của hệ thống sinh thái hải đảo. Bởi vậy, dự án luật đã chuyên dành một chương 'Quản lý hải đảo có chức năng đặc biệt'."

Dự án Luật Bảo vệ hải đảo được đưa ra xem xét tại cơ quan lập pháp nội trong tuần này. Dự án luật hiện nay nặng về bảo vệ, nhưng cũng có chuyên gia cho rằng, xét vì hiện trạng khai thác tài nguyên hải đảo, nhà nước nên đưa ra một số biện pháp hỗ trợ phát triển hải đảo vào trong lập pháp hải đảo, ví dụ như dành chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, ngọt hoá nước biển và sử dụng tổng hợp nước biển hải đảo, thi hành chính sách đền bù sinh thái đối với khu bảo tồn tự nhiên hải đảo v.v.

Trích: Đài Bắc kinh tiếng Việt 23.6


No comments: