Friday, June 26, 2009

NHÀ CẦM QUYỀN CSVN ĐỀ NGHỊ QUỐC TẾ HỖ TRỢ CHỐNG "KHỦNG BỐ"

VN đề nghị được hỗ trợ chống khủng bố sau vụ bắt giữ 1 luật sư nhân quyền
VOA - 26/06/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-26-voa10.cfm
Hôm thứ Năm Việt Nam đã đề nghị quốc tế hỗ trợ trong cuộc chiến chống 'khủng bố' trong một nỗ lực nhằm biện minh cho vụ bắt giữ một luật sư nhân quyền.
Sau gần 2 tuần bắt giữ luật sư Lê Công Định vì tội 'tuyên truyền' chống phá nhà nước cộng sản, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có một hành động bất thường khi phát cho các phóng viên nước ngoài một công bố dài 3 trang giải thích hành động này của chính phủ.

Vụ bắt giữ ông Định đã làm bùng lên mối quan ngại từ các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Hiệp hội Luật sư Quốc tế cho tới các tổ chức theo dõi nhân quyền và tự do báo chí trên toàn thế giới.

Bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP trích thuật công bố của Bộ Ngoại giao nói rằng Việt Nam mong nhận được sự ủng hộ và thông cảm trong cuộc chiến chống lại các âm mưu của các tổ chức và cá nhân nhằm tiến hành các hành động khủng bố và gây bất ổn cũng như nhằm lật đổ chính phủ và phá hoại cuộc sống yên bình của người dân.
Công bố này cũng nhắc lại những cáo trạng mà truyền thông nhà nước đã đăng tải cùng với bản khai và cuốn video nhận tội của luật sư Định.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia nói rằng 'chiến dịch tuyên truyền của báo chí trong nước được dàn dựng' để chống lại luật sư Định cho thấy mức độ nghiêm trọng mà chính quyền đánh giá đối với vụ án này, mặc dù lý do chính xác về động thái này hiện vẫn chưa rõ.

TÀI LIỆU LIÊN QUAN :

Bộ Ngoại Giao Việt Nam
THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG HỢP LÊ CÔNG ĐỊNH
http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/tcbc/ns090626094928
Ngày 13/6/2009, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp Lê Công Định, thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm việc tại Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam).

Lê Công Định là người được Nhà nước CHXHCN Việt Nam đào tạo, cho đi tu nghiệp ở nước ngoài và khi về được Nhà nước tạo điều kiện cho hành nghề, đã từng là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó chứng tỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phân biệt đối xử đối với Lê Công Định.
Lê Công Định đã được tự do bày tỏ chính kiến, được viết và nói tiếng nói của cá nhân. Từ nhiều năm nay, Lê Công Định đã viết nhiều bài viết gửi đến các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài gòn tiếp thị, Thời báo kinh tế Sài gòn, Tạp chí Tia sáng hoặc gửi cho Ban Việt Ngữ báo điện tử BBC, nhiều lần trả lời phỏng vấn phóng viên các đài BBC, RFI, RFA…
Tuy nhiên vừa qua, Lê Công Định đã có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, trực tiếp liên lạc và cấu kết với một số tổ chức và nhóm người Việt lưu vong ở nước ngoài, trong đó có các tổ chức đã được chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách tổ chức khủng bố, nhằm âm mưu chuẩn bị bạo loạn, gây mất ổn định xã hội và trật tự công cộng, tiến tới lật đổ nhà nước Việt Nam. Lê Công Định lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền làm bình phong nhằm thực hiện âm mưu lật đổ. Cụ thể là:

Từ năm 2005, Lê Công Định móc nối với Nguyễn Sỹ Bình, là đối tượng cầm đầu tổ chức lưu vong ''Đảng Nhân dân hành động'' và ''Đảng Dân chủ Việt Nam'' tại Mỹ, quan hệ chặt chẽ với số đối tượng cầm đầu của các tổ chức lưu vong khác như Hà Đông Xuyến (nhóm “ Việt Nam canh tân cách mạng Đảng” gọi tắt là ''Việt tân''), Phạm Nam Định (nhóm ''Họp mặt dân chủ''), Đoàn Viết Hoạt (nhóm ''Viễn tượng Việt Nam'')... để đề ra kế hoạch hoạt động, tìm cách lôi kéo, hình thành tổ chức lật đổ trong nước toan tính thực hiện mưu đồ của chúng “đánh từ ngoài vào trong để gây rối loạn lớn trong nước”; Định được phân công phối hợp phát triển tổ chức ở trong nước thành lập bất hợp pháp cái gọi là “Đảng Dân chủ Việt Nam” hay “Đảng Lao động Việt Nam” và liên hệ với các tổ chức chống nhà nước Việt Nam ở bên ngoài; Định đã được các thế lực thù địch và các tổ chức lưu vong chống nhà nước Việt Nam chọn đưa ra nước ngoài tham gia các khóa huấn luyện việc hoạt động chống phá Nhà nước, trong đó có việc tham gia lớp huấn luyện do Việt Tân tổ chức tại Pattaya, Thái Lan vào cuối tháng 2/2 009. Lê Công Định đã nhiều lần sang Mỹ, Thái Lan gặp Nguyễn Sỹ Bình bàn bạc, đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời cơ lật đổ chế độ tại Việt Nam mà Định và đồng bọn cho là sẽ xảy ra vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Lê Công Định tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm mang tựa đề ''Con đường Việt Nam'' và là người trực tiếp soạn thảo ''Tân Hiến pháp,'' để chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay.

Sau khi bị bắt giữ, tại cơ quan công an, ngày 17/6/2009, Lê Công Định đã khai nhận những hành vi vi phạm pháp luật của mình và đã bày tỏ “ân hận với những hành vi sai trái của mình và mong được nhà nước xem xét cho hưởng lượng khoan hồng.” Một số đối tượng liên quan như Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long cũng đã bị cơ quan an ninh khởi tố điều tra.

Việc các cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam phải tiến hành bắt giam và điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của Lê Công Định và đồng bọn không chỉ theo đúng trình tự thủ tục của luật pháp, là công việc nội bộ của Việt Nam mà còn hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật pháp quốc tế, trong đó điều 19c, 20 và 21 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị (ICCPR), quy định: việc thực hiện những quyền như tự do ngôn luận, tự do hội họp hòa bình... đi cùng những nghĩa vụ,trách nhiệm và có những quy định đảm bảo an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; Đây cũng là việc mà các quốc gia trên thế giới đã tiến hành để bảo đảm an ninh của quốc gia, đảm bảo trật tự xã hội và an toàn cho người dân.

Tuyên bố của Hội nghị Nhân quyền Thế giới tại Viên năm 1993 cũng đã nêu rõ cần phải tính đến các đặc thù quốc gia và khu vực cũng như những nền tảng khác nhau về văn hóa, lịch sử và tôn giáo của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Nét đặc thù của Việt Nam lại càng mang tính đặc biệt khi Việt Nam phải trải qua hơn 30 năm chiến tranh chống ngoại xâm để giành lại hòa bình, độc lập và tự do dân tộc; đến nay các lực lượng thù địch chưa từ bỏ tham vọng chính trị, đã và đang thành lập tổ chức từ nước ngoài, nuôi dưỡng và cấu kết với các phần tử trong nước, tiến hành thâm nhập vào Việt Nam nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam;

Trong số các tổ chức thù địch đó có thể kể đến Tổ chức phản động “Việt Nam cách tân cách mạng đảng” gọi tắt là Việt Tân (thành lập năm 1982) do Hoàng Cơ Minh cầm đầu, với cương lĩnh, mục tiêu là xóa bỏ chế độ ở Việt Nam. Tổ chức này đã tiến hành nhiều cuộc xâm nhập Việt Nam bằng các nhóm khủng bố vũ trang từ bên ngoài, đáng chú ý như: Đông Tiến I (tháng 6/1986-do Dương Văn Tư dẫn đầu gồm hơn 100 tên), Đông Tiến II (lần 1 tháng 12/1986, lần 2 tháng 7/1987) do chính Hoàng Cơ Minh chỉ huy và bị tiêu diệt; và hiện nay Việt Tân đang tiếp tục hoạt động dưới chiêu bài đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền song thực chất vẫn là thực hiện âm mưu lật đổ nhà nước Việt Nam; hay tổ chức Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam do Lê Quốc Túy là Chủ tịch, đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm lật đổ chính phủ Việt Nam: chỉ riêng từ năm 1981 đến 1984, Mặt trận đã cử trên 10 nhóm vũ trang xâm nhập vào trong nước, trong đó Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh cùng 19 tên khác trong lần xâm nhập lãnh thổ Việt Nam lần thứ 10 bằng đường biển, đã bị bắt ngay khi mới đổ bộ vào bờ biển Cà Mau; hay Tổ chức FULRO (Front Uni de Lutte des Races Opprimees) thành lập từ 1964, đã tiến hành tấn công quân sự tại vùng biên giới Việt Nam và các hoạt động vũ trang chống chính quyền trong những năm 60s và 70s; vẫn tiếp tục các hoạt động vũ trang quấy phá chống lại chính quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam sau năm 1975 và hiện vẫn tiến hành lôi kéo nhân dân, xúi giục, kích động các hoạt động bạo loạn tại Tây Nguyên trong những năm 2001, 2004 vừa qua...

Việt Nam đã chính thức đưa tổ chức Việt Tân vào danh sách khủng bố. Việt Nam đã thông báo cho các nước. Những tổ chức này và các thành viên của nó, dù dưới các tên gọi khác nhau như “Việt Tân,” “Đảng nhân dân hành động”, “Đảng Dân chủ Việt Nam,” “Tập hợp thanh niên dân chủ” hay “họp mặt dân chủ” và “Viễn tượng Việt Nam,” hay với những vỏ bọc hoạt động khác nhau như đấu tranh phi bạo lực, cho tự do dân chủ, nhân quyền, hay tôn giáo, tín ngưỡng… vẫn đều chung một âm mưu, một mục tiêu cuối cùng là lật đổ nhà nước Việt Nam.

Việc giữ vững hòa bình, an ninh và trật tự xã hội đất nước, chống khủng bố là lợi ích thiết yếu của mọi quốc gia. Việt Nam mong nhận được sự hiểu biết và ủng hộ trong việc đấu tranh chống những âm mưu và hành động của những tổ chức, cá nhân mưu đồ khủng bố gây bạo loạn, lật đổ Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân. Thành công của Việt Nam trong việc giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển trong những năm qua cũng góp phần đảm bào hòa bình, ổn định chung của khu vực và trên thế giới./.

No comments: