Friday, June 12, 2009

VẤN ĐỀ BAUXITE TÂY-NGUYÊN NHÌN THEO QUAN ĐIỂM TOÀN CẦU HOÁ

Vấn đề Bauxite Tây Nguyên nhìn theo quan điểm toàn cầu hóa
Lê Bảo Sơn

http://www.bauxitevietnam.info/bandoc/090612_bauxitetheotoancauhoa.htm
Báo chí quốc tế và ngay cả báo chí ở Trung Quốc thường lẫn lộn giữa CHINALCOCHALCO.
Lấy ví dụ: bản tin của Mạng lưới Nhôm Trung Quốc (China Aluminium Network) ngày 18.7.2008 viết: “Chalieco là một công ty con (a subsidiary) của Chalco…”[1]. Trong khi đó, bản tin ngày 24.3.2009 của Hội đồng Phát triển Mậu dịch Hong Kong (Hong Kong Trade Development Council, HKTDC) lại viết: “Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thiết kế - Xây dựng Quốc tế Trung Quốc - Chalieco, một công ty con của Tổng công ty Nhôm Trung Quốc – Chinalco, nhà sản xuất alumina và nhôm lớn nhất nước…”[2].

Vậy Chalieco là công ty con của đại công ty nào, Chalco hay Chinalco?

Nếu tìm hiểu nguồn gốc của hai cái tên này, chúng ta thấy chúng giống nhau đến kỳ lạ: CHINALCO là chữ viết tắt của Aluminum Corporation of China (Tổng Công ty Nhôm Trung Quốc) trong khi CHALCO là chữ viết tắt của Aluminum Corporation of China Limited (Tổng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhôm Trung Quốc). Như vậy, tên tiếng Anh của hai đại công ty này chỉ khác nhau ở chữ Limited (trách nhiệm hữu hạn). So sánh logo của hai đại công ty này, chúng ta thấy chúng cũng giống nhau như hai giọt nước.
Cho đến ngày 27.3.2009, Xiao Yaqing là Chủ nhiệm Ban Giám đốc kiêm Tổng giám đốc của Chalco. Đồng thời, ông ta cũng là Bí thư Đảng ủy và là Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ của Chinalco. Một nhân vật khác: ông Luo Jianchuan - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Chalco, lại là ủy viên Ủy ban Thường vụ của Chinalco.

Ngày 27.3.2009, Xiao Yaqing được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Người thay thế ông ta ở Chinalco là Xiong Weiping. Xiong Weiping là Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ của Chinalco, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Ban Giám đốc kiêm Tổng giám đốc của Chalco, kiêm luôn chức Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng và Bổ nhiệm của tập đòan này.
Để hiểu được mối quan hệ giữa hai đại công ty, chúng ta phải tìm hiểu thông qua chính lai lịch do Chinalco tự giới thiệu.

Theo phần lịch sử được công bố trên trang web của Chinalco [3] thì Chinalco được thành lập năm 2001, khi 12 xí nghiệp và thiết chế trong ngành công nghiệp nhôm ở Trung Quốc được hợp nhất. Nhưng cũng trong năm này, Chinalco đứng ra thành lập Tổng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhôm Trung Quốc (tức Chalco). Chinalco chuyển giao cho Chalco phần lớn các họat động sản xuất alumina và nhôm nguyên liệu, các họat động nghiên cứu, các họat động khai khoáng và quyền khai thác các mỏ bauxite, cũng như tất cả các tài sản và trách nhiệm pháp lý có liên quan. Chalco được niêm yết tại Thị trường chứng khóan ở New York và Hong Kong năm 2001, và Thượng Hải năm 2007. Một sự khác biệt cần lưu ý: hoạt động của Chalco chủ yếu tập trung vào việc khai thác bauxite, chế biến alumina (nhôm oxit), nhôm kim loại và các sản phẩm nhôm khác. Trong khi đó Chinalco, mặc dù mang danh là “đại công ty nhôm” nhưng còn hướng tới nhiều lọai khoáng sản khác như như đồng, titanium, v.v…

Như vậy, Chinalco chính là công ty mẹ (holding company) trong khi Chalco là công ty con
(subsidiary). Chalco họat động với tư cách một công ty trách nhiệm hữu hạn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhưng Chinalco vẫn giữ một tỷ lệ vốn cao trong Chalco để giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty này. Hiện nay, cổ phần của Chinalco vẫn chiếm đến 38,56%.

Chúng ta có thể hình dung Chalco là một tập đoàn sản xuất kinh doanh họat động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, nhưng người chủ thật sự của nó lại là Chinalco, một tập đoàn kinh tế hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước. Là một công ty có tên trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, Chalco có trách nhiệm phải báo cáo công khai các họat động của mình cho các cổ đông, trong khi chính báo cáo tổng kết năm 2008 của Chalco cho biết: “Chinalco không công bố các báo cáo tài chính để sử dụng cho các mục đích công cộng” [4]. Mặt khác, cũng từ báo cáo này, chúng ta được biết vào ngày 30.5.2008, Chalco đã phải tiếp nhận từ Chinalco và từ một công ty con khác của Chinalco 6 đơn vị kinh tế có tài sản trị giá 4.174 tỷ nhân dân tệ. Cho nên việc Chalco báo lỗ vào cuối năm 2008 có thể là do họat động của chính nó, mà cũng có thể là do phải gánh giùm nợ cho các đơn vị kinh tế mới tiếp nhận từ Chinalco như một “nghĩa vụ”.

Ở nước ngòai, trong thời gian đầu, người ta biết nhiều đến Chalco hơn là Chinalco. Lý do: Chalco có mặt ở các sàn giao dịch chứng khóan chứ không phải là Chinalco. Nhiều dự án đầu tư ở nước ngòai cũng thông qua Chalco, như khai thác và chế biến bauxite tại mỏ Aurukun ở bang Queesland (Úc), hay xây dựng nhà máy luyện nhôm tại Ả-rập Saudi (Saudi Arabia). Công ty khai thác bauxite ở Queensland (Úc) được đặt tên là Chalco Australia.

Trong những năm gần đây, một số dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc ở nước ngoài khiến cho người ta bắt đầu chú ý đến vai trò của Chinalco.

Tháng 7 năm 2007, Chinalco thành công trong việc giành được quyền khai thác mỏ đồng Toromocho ở Peru – một quốc gia có trữ lượng đồng đứng hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Chile. Theo bản tin ngày 17.6.2008 của đài BBC, trong tương lai Toromocho sẽ là mỏ đồng sinh lợi nhất trên tòan hành tinh. Đồng khai thác được từ mỏ Toromocho có giá thành khỏang 410 USD mỗi tấn, trong khi giá đồng hiện tại (tức vào tháng 6 năm 2008) tính trên thị trường kim loại ở Luân đôn có giá 8.255 USD (cao hơn gấp 20 lần). Vì vậy Chinalco dự định tung vào đây một số vốn khỏang 3 tỷ USD với hy vọng thu lãi 2.000% [5].

Vai trò của Chinalco càng được chú ý khi thương vụ giao dịch giữa Chinalco với Rio Tinto làm dấy lên sự tranh cãi trên chính trường nước Úc. Chinalco dự định đầu tư 19,5 tỷ đô-la Mỹ để liên doanh với Rio Tinto trong việc sản xuất nhôm, đồng và khai thác quặng sắt. Nếu thực hiện thương vụ này, Chinalco sẽ chiếm 18% cổ phần trong tập đòan khai khóang khổng lồ Rio Tinto. Điều này gây ra mối lo ngại về việc Trung Quốc vươn bàn tay của họ ra hải ngọai để kiếm sóat các nguồn tài nguyên chiến lược của thế giới. Việc Rio Tinto bất ngờ rút lui khỏi thương vụ này vào ngày 4.6.2009, đã giúp cho nước Úc thóat ra khỏi một cuộc xung đột chính trị có thể xảy ra giữa các phe phái chính trị. Thượng nghị sĩ Barnaby Joyce thuộc phe đối lập đã phát biểu sau thất bại của thương vụ giữa Chinalco và Rio Tinto: “Thật may cho nhân dân Úc là thỏa hiệp với công ty Chinalco thất bại và chúng ta không phải đối phó với những phức tạp do việc chính phủ cộng sản của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sở hữu của cải của người Úc trên nước Úc.” [6]

Tóm lại, tất cả các họat động sản xuất kinh doanh về nhôm ở Trung Quốc đều nằm trong tay Chinalco, và đằng sau Chinalco là quyền lực của Đảng cộng sản và Chính phủ Trung Quốc.

Vào cuối năm 2003, Chinalco thành lập Công ty TNHH Thiết kế - Xây dựng Quốc tế “Nhôm Trung Quốc” (China Aluminum International Engineering Co. Ltd), viết tắt trong tiếng Anh là CHALIECO. Tài sản chủ yếu làm nên Chalieco là hai viện nghiên cứu: Viện Nghiên cứu và Thiết kế - xây dựng Nhôm - Magnesium Quý Dương và Viện Nghiên cứu và Thiết kế - xây dựng Nhôm - Magnesium Thẩm Dương. Chalieco cung cấp các dịch vụ về hợp đồng và thiết kế - xây dựng trong công nghiệp luyện kim, nhất là nhôm. Chinalco tiếp tục nắm giữ 95% các cổ phiếu phát hành của Chalieco.

Như vậy, Chalieco thực chất là một công ty con của Chinalco, chủ yếu hướng vào việc thiết kế, xây dựng các nhà máy phục vụ cho các họat động của Chinalco. Cánh tay thiết kế - xây dựng này chính là công tác chuẩn bị cho các họat động khai thác, sản xuất và kinh doanh của Chalco, theo đúng định hướng của Chinalco.

Sự hiện diện của Chinalco ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã và đang gây ra một mối lo ngại tương tự như mối lo ngại đã từng xảy ra tại nước Úc. Xét về một số khía cạnh nào đó, mối lo ngại còn lớn hơn, do chỗ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ không bình thường, cho dù giới lãnh đạo ở cả hai quốc gia cố làm ra vẻ bình thường. Những ý kiến phản đối từ một số cựu tướng lãnh (đặc biệt là từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), kiến nghị của giới trí thức (giờ đây đã có trên 2 ngàn chữ ký) và những ý kiến chất vấn của một số đại biểu tại diễn đàn Quốc hội cho thấy tính chất không bình thường của các họat động kinh tế mà Chinalco triển khai ở Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên là không phải ai cũng nhìn thấy rõ điều đó. Trong những cuộc tranh luận gần đây, có người còn cho rằng việc đấu tranh đòi dừng các dự án bauxite ở Tây Nguyên là sự thể hiện của quan niệm thủ cựu, quay mặt lại với toàn cầu hóa, điển hình là lập luận sau đây:

Việc dừng dự án khai thác quặng nhôm Tây Nguyên hiện nay không còn quan trọng bằng việc những người phản đối sẽ tạo tiền lệ xấu cho công cuộc toàn cầu hóa mà nhân dân Việt Nam đã hào hứng và chủ động tham dự. Mà nhờ vào sự tham dự ấy, từ năm 1986 đời sống của đại bộ phận dân chúng ngày càng được cải thiện. Có thể sẽ có ý kiến hoan nghênh mọi quốc gia trừ… Trung Quốc. Nếu làm được điều này, có lẽ người Mỹ, người Úc, người Tây Âu đã làm trước chúng ta từ lâu rồi.

Quay mặt lại toàn cầu hóa, người Việt Nam chỉ còn con đường bế quan tỏa cảng và viễn cảnh tụt hậu. Quay mặt lại với gã đại tư bản nhà nước giàu sụ mang tên Trung Quốc hàng xóm (đang lăm lăm lợi dụng toàn cầu hóa để mở rộng biên giới mềm ở khắp thế giới), chỉ khiến môi trường sống của đất nước và khu vực bị ô nhiễm bởi thù hận. Không ai có thể chọn cha mẹ, cũng như chẳng quốc gia nào có thể chọn vị trí địa - chính trị dễ chịu. Không phải thế kỷ 21 người Việt Nam mới trở thành láng giềng của Trung Quốc. Hơn một ngàn năm lập quốc bên cạnh họ, tổ tiên người Việt đã rút ra biết bao nhiêu bài học quí giá: luôn hành xử khôn ngoan, cương nhu đúng lúc và cổ xúy cho hữu hảo.” [7]

Xét một cách khách quan, quan điểm này bỏ qua một thực tế: nền kinh tế Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế chưa hòan tòan thị trường hóa, còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của bộ máy Nhà nước. Vì vậy, ở Trung Quốc, mục tiêu chính trị và quân sự vẫn khống chế mục tiêu kinh tế và văn hóa. Mặt khác, khi Rio Tinto từ chối thương vụ do Chinalco đề nghị, hoặc khi các nhà chính trị ở Hạ viện Mỹ phản đối việc công ty dầu mỏ CNOOC của Trung Quốc tranh mua công ty dầu mỏ Unocal với tập đòan Chevron của Mỹ vào năm 2005 thì điều đó không có nghĩa là người Anh, người Úc hay người Mỹ bế quan tỏa cảng, quay lưng lại với tòan cầu hóa.

Toàn cầu hóa là mở cửa với nền kinh tế thế giới, nhưng không có nghĩa là “thả cửa” để cho hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa, hoặc lơi lỏng để cho phép các đại công ty của họ thao túng các nguồn tài nguyên chiến lược của nước ta. Hơn thế nữa, trong tình hình Trung Quốc thực hiện một đường lối ngọai giao mang tính bá quyền, sau khi chiếm đóng Hòang Sa và xâm lấn đường biên giới ở phía Bắc, vẫn đang tiếp tục giành lấy quyền làm chủ trên Biển Đông, thì không thể coi các họat động kinh tế của họ là bình thường được.

Đánh đồng các họat động của Chinalco với các tập đòan sản xuất kinh doanh khác ở các nước phương Tây (như Rio Tinto, Alco, v.v…) thực ra là một thái độ “ngây thơ” hoặc “giả vờ ngây thơ” để bào chữa cho những hành động chính trị hay quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc được khoác chiếc áo kinh tế hoặc văn hóa. Quan điểm đó trong thực tế đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho chủ nghĩa bành trướng kiểu mới của Trung Quốc.

Cao nguyên, 11.6.2009 - Mùa Quốc hội đang họp,
LÊ BẢO SƠN
-----------------------------------------------------------
[1] Chalieco to build an alumina plant in Vietnam, China Aluminium Network Online, July 18, 2008:
http://www.alu.com.cn/enNews/NewsInfo_1945.html
[2] Chalieco wins Vietnamese alumina project contract, HKTDC (Hong Kong Trade Development Council), 24 March 2009:
http://www.hktdc.com/info/vp/a/emk/en/2/4/1/1X04AO4W/Emerging-Markets/Chalieco-wins-Vietnamese-alumina-project-contract.htm
[3]
http://www.chinalco.com
[4] Chalco’s 2008 Annual Report , p. 241:
http://www.chalco.com.cn/zl/html/144/2009/20090414142127060397055/20090414142239763132723.pdf [5] John Simpson, Peru's “copper mountain” in Chinese hands, BBC, 17 June 2008: http://news.bbc.co.uk/2/hi/americas/7460364.stm
[6] Ðại công ty mỏ Rio bỏ Chinalco, hợp tác với BHP, VOA, 5.6.2009:
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-05-voa7.cfm
[7] Trương Thái Du, Vệ quốc ở kỷ nguyên “Biên giới mềm”, talawas, 1.6.2009:
http://www.talawas.org/

No comments: