Friday, June 12, 2009

TRUNG QUỐC : VỀ VIỆC VIỆT NAM PHẢN ỨNG "LỆNH CẤM ĐÁNH CÁ CỦA TQ"

Dưới đây là nội dung một bài báo của Trung Quốc viết về vấn đề Chính phủ Việt Nam phản ứng trước việc Trung Quốc ban hành Lệnh cấm đánh cá ở biển Đông. Bài đăng trên Báo Tham khảo Trung Quốc ngày 10/6, thuộc số bài được người Trung Quốc đọc nhiều trong tuần này. Hãy xem miệng lưỡi của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa xâm lược vừa kêu chính nghĩa!
http://www.bauxitevietnam.info/tintuc/090611_vephanunglenhcam.htm

Báo Trung Quốc: về việc Việt Nam phản ứng với “Lệnh cấm đánh cá” của Trung Quốc
Để bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên cá ở Nam Hải (người dịch ghi chú: Việt Nam gọi là biển Đông), theo thông lệ trước đây, ngành cá Trung Quốc tuyên bố thực thi nghỉ đánh cá tại một số vùng thuộc Nam Hải từ 16/5 đến 1/8. Ngày 8 phía Việt Nam lại tuyên bố hành động nghỉ đánh cá bình thường này của phía Trung Quốc là “xâm phạm lợi ích của họ” và đề xuất hủy lệnh cấm đánh bắt cá này (Tin của Hoàn cầu Thời báo ngày 8/6).

Lệnh “Nghỉ đánh cá ở Nam Hải” của Trung Quốc đã xoáy vào chỗ đau của Việt Nam. Trong lần trước, người phát ngôn của chính phủ Việt Nam Lê Dũng tỏ ý kháng nghị lệnh cấm của Trung Quốc. Bây giờ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn xuất hiện lên tiếng. Phân lượng nâng cao cấp bậc như thế cũng tự nhiên nặng hơn rất nhiều. Ông ta nói, tàu tuần tra của Trung Quốc đã tăng cường tuần tiễu ở vùng biển này, số trường hợp ngư dân Việt Nam bị bắt và phạt tiền tăng lên, ảnh hưởng tới việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam tại vùng đánh bắt cá truyền thống. Lại còn yêu cầu Trung Quốc đình chỉ bất cứ hành động nào ngăn trở tác nghiệp bình thường của ngư dân Việt Nam tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong những lời nói ấy rõ ràng tư thế đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn.

Việc Trung Quốc thực hiện nghỉ đánh cá trong mùa giáp vụ là lệ cũ đã kéo dài 11 năm nay. Trước đây Việt Nam chưa đề xuất ý kiến gì khác, thế mà bây giờ không những công nhiên nói rõ vùng biển Tây Sa (người dịch ghi chú: Việt Nam gọi là Hoàng Sa) thuộc về Việt Nam, mà lại còn chỉ trích hành vi chính đáng của Trung Quốc. Đằng sau sự cứng rắn của Việt Nam không những chỉ là vấn đề nghỉ hay không nghỉ đánh cá, mà sự chiếm hữu lâu dài lợi ích đã sở hữu ở Nam Hải mới là mục đích căn bản nhất. Điều này cũng có liên quan chặt chẽ tới hành động của chính phủ Trung Quốc áp dụng nhằm bảo vệ chủ quyền ở Nam Hải.

Mấy năm gần đây vấn đề Nam Hải không ngừng phức tạp hóa. Cương hải của Trung Quốc không ngừng bị lấn chiếm. Trong 44 đảo ở Nam Hải thì hơn 20 đã bị Việt Nam chiếm. Vì tài nguyên dầu khí ở Nam Hải phong phú, có thể ví là vùng Vịnh thứ hai, từ lâu Việt Nam đã bắt tay khai thác giếng dầu tại vùng biển có tranh chấp. Dầu mỏ sản xuất từ các giếng dầu ở vịnh Bắc Bộ đã xuất khẩu sang rất nhiều nước. Sau khi đã nếm được vị ngọt, Việt Nam căn bản sẽ không bỏ miếng bánh ga-tô tươi đẹp ấy, hơn nữa còn mời thầu quốc tế, muốn quốc tế hóa sự tranh chấp Nam Hải.

Trước tình hình môi trường xung quanh Nam Hải tiếp tục xấu đi, chính phủ Trung Quốc không thể không áp dụng các biện pháp tương ứng để bảo vệ chủ quyền. Lệnh nghỉ đánh cá ở Nam Hải lần này tiến hành sớm hơn ba ngày. Lệnh cấm ban bố chưa bao lâu, biên đội tàu chấp hành luật với thành phần chính là tàu Trung Quốc Ngư Chính 44183 đã lên đường tới vùng biển Nam Hải như đảo Tây Sa ... và cứng rắn tuyên bố sẽ tăng cường mức độ chấp hành luật, bảo vệ quyền trên biển của nước ta. Ngày 26/5, tám tàu của bộ đội cảnh sát biển ba tỉnh Hải nam, Quảng Đông, Quảng Tây lên đường đến vùng biển phía Trung Quốc giáp đường ranh giới Trung Quốc-Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ tiến hành tuần tra giám sát. Lần hành động này thực hiện phương thức giám quản “Thống nhất hành động, chia vùng giám sát quản lý”.

Lệnh nghỉ đánh cá tạo ra thời cơ rất tốt cho Trung Quốc bảo vệ chủ quyền. Phương thức cứng rắn này của Trung Quốc gây cho Việt Nam một sức ép rất lớn, mạnh tay chèn ép không gian sinh tồn của Việt Nam tại Nam Hải. Hiển nhiên lần này hai bên mượn cớ nghỉ đánh cá để triển khai một keo đấu với nhau. Trong quá khứ, khi chủ quyền ở Nam Hải bị xâm phạm, chính phủ Trung Quốc luôn luôn kháng nghị trên miệng. Giờ đây Trung Quốc đã dùng hành động để bảo vệ chủ quyền. Tin rằng sau vụ nghỉ đánh cá này, mức độ chấp hành luật của biên đội Trung Quốc ở Nam Hải sẽ vẫn không giảm.

Điều đáng quan sát là: Việt Nam sẽ áp dụng hành động gì đối với việc “chấp hành luật tại Nam Hải” của Trung Quốc. Trung Quốc không thể đình chỉ nghỉ đánh cá, ngừng giám hộ Nam Hải. Có thể khẳng định là Việt Nam sẽ có động tác lớn trên mặt ngoại giao. Thứ trưởng Ngoại giao thân chinh xuất hiện “cảnh cáo” Trung Quốc, điều đó cho thấy trước là Việt Nam đã nắm được một số kế sách nhất định.

Vì thực lực quân sự Việt Nam còn xa mới bằng Trung Quốc nên trực tiếp đối kháng sẽ chẳng được lợi gì. Trong trận hải chiến Trung Quốc-Việt Nam cuối thập niên 80, Việt Nam đã thua; họ cũng đành chịu trước việc nhiều tàu ngư chính Trung Quốc tập kết ở Nam Hải. Do chênh lệch thực lực quân sự nên Việt Nam không thể không đi lối khác. Cách đây không lâu, Việt Nam đã mua của Nga 20 tàu ngầm hạng “Kilo” tiên tiến. Việt Nam vẫn còn có “tầm mắt” đấy, dùng tàu ngầm để triệt tiêu khoảng cách thua kém quân sự với Trung Quốc vừa hữu dụng vừa nhanh gọn. Có số tàu ngầm này rồi Việt Nam sẽ ưỡn thẳng lưng nhiều trong cuộc đấu với Trung Quốc. Còn có một thứ tuyệt hơn: Việt Nam liên hợp với Phillippines, Indonesia, Malaysia - là những nước có mâu thuẫn với Trung Quốc về quyền trên biển - để đối kháng Trung Quốc. Đưa tranh chấp đơn độc về vùng biển với Trung Quốc lên thành vấn đề cần giải quyết giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho việc giải quyết vấn đề Nam Hải càng hóc búa hơn. Vì hơn hai phần ba nguồn năng lượng Trung Quốc nhập khẩu phải đi qua eo biển Malacca, nên có thể nói ASEAN nắm huyết mạch về năng lượng trên biển của Trung Quốc. Nếu ASEAN lấy danh nghĩa tập thể đàm phán với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ trở nên rất bị động.

Trong tay đã có quân bài thì lòng không sợ nữa. Việt Nam cho rằng có con bài ASEAN rồi thì có thể đủ chơi với Trung Quốc một keo. Còn chưa bắt đầu đàm phán mà đã kề dao trước lên cổ Trung Quốc, chiêu này không thể nói là không ghê gớm. Nhưng đe dọa bao giờ vẫn là đe dọa, ASEAN cũng đâu phải là một tấm sắt. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc thì quyền chủ động cũng chút một chút một ngả về phía Trung Quốc. Trước sau Trung Quốc kiên trì chiến lược hòa mục với hàng xóm láng giềng “Chủ quyền ở tôi, cùng nhau khai thác”, đâu có độc chiếm Nam Hải. Trên vấn đề lợi ích chủ quyền, Trung Quốc sẽ không mãi mãi nhân nhượng.

(Tác giả: Hầu Kim Lượng. Nguồn: mạng Hình Sở).

Nguyễn Hải Hoành dịch từ
http://ckxx.org.cn/comment/comment_2009-6-10_14737/
越南,为何又拿“南海休渔令”说事?
2009-6-10 9:19:19 来源:星岛环球网


No comments: