Viết về tù nhân Trương Văn Sương và những người tù khác
Nguyễn Khắc Toàn
15-05-2006
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=1723
Trong số những cựu tù chính trị từ 1993-1998 đã từng ở các trại giam B34, A20, trại Trung Ương 5 Lam Sơn, Đầm Đùn-Thanh Hóa còn có một người tù chính trị nữa tên là Đỗ Hườn mặc dù anh Đỗ Hườn được chuyển ra từ miền Nam và Thanh Hoá ra buồng số 6 phân trại I trại Nam Hà và chết ở đây. Riêng trường hợp anh Đỗ Hườn thì tôi được nghe kể lại trực tiếp từ các anh Ngô Văn Phung, Vũ Văn Khiêm, Hoàng Đồng…Và trước khi tôi bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù, tôi đã được biết về trường hợp ông Đỗ Hườn qua báo chí, tivi của nhà nước, ở ngoài xã hội, lúc đó đưa tin trên mục “Vì an ninh tổ quốc” của truyền hình “công an nhân dân” có chiếu cảnh ông Đỗ Hườn đi phát chẩn thực phẩm, cứu tế cho các đồng bào nghèo ở các tỉnh miền Trung, và cảnh sau đó ông ngồi cùng trung tướng Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ công an lúc ông bị bắt do hô hào vận động nhân dân nổi dậy, xuống đường biểu tình chống chế độ CSVN tại Sài gòn khoảng năm 1993-1994.
Nhưng trong số những người tù chính trị trên, tôi cảm phục và có quí mến nhất là người tù mang tên Trương Văn Sương quê ở Chùa Dơi tỉnh Sóc Trăng bị bắt vào khoảng những năm 1977-1978.Tôi đựơc biết, theo một số người tù từng ở mấy năm liền tại buồng giam số 6 phân trại I như tôi đã nêu ở trên thì anh Sương quê ở Chùa Dơi, tỉnh Sóc Trăng chứ không phải là quê Cửu long. Tôi có ấn tượng mạnh mẽ về trường hợp người tù đó. Theo hai ông Phạm Văn Thành và Trần Nam Bình là những cựu tù chính trị từ những năm 1993-1998, đã từng ở các trại B34, A20, trại 5 trung ương, Lam sơn, Đầm Đùn-Thanh Hoá, thì trong bài báo trên cho biết anh Sương bị bắt năm 1984…Nhưng một số tù nhân đã từng ở trong trại giam Nam Hà 14-15 năm và hiện nay vẫn đang thụ án được ban giám thị trại phân công sang bộ phận làm việc ở “Nhà văn hoá” của trại giam Nam Hà, chuyên môn viết hồ sơ, lý lịch trích ngang của tất cả các tù nhân trong trại gồm hơn 3000 người của cả 3 phân trại, thì họ khẳng định rằng đích thân họ biết về ngày, tháng, năm anh Sương bị bắt là vào khoảng những năm 1977-1978! Nếu như vậy thì, có thể anh Trương Văn Sương có bị tù cải tạo từ những năm 1977-1978 và đến 1984 thì anh Sương bị tù lần thứ hai. Và tổng số thời gian ở tù của anh cũng đã ngót 28 đến 30 năm ròng rã. Trước khi tôi được thả khỏi trại giam Nam Hà khoảng hai ngày cụ thể là vào lúc 9 giờ sáng ngày 22 tháng 1 năm 2006, tôi được trung tá Hoàng Xuân Nam đưa lên gặp giám thị trưởng trại giam Nam Hà là đại tá Dương Đức Thắng tại phòng tiếp khách của ban giám thị bên sườn núi gần phía ngoài cổng trại. Trong buổi nói chuyện hơn một giờ đồng hồ giữa ông Thắng và tôi xung quanh chủ đề đa nguyên, đa đảng, dân chủ tự do và sự cầm quyền của Đảng CSVN cũng như nhiều vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế trong nước và trên thế giới…Ngay sau đó ông Thắng cũng đề cập đến những người tù chính trị miền Nam đã ở gần 30 năm trong buồng giam số 6 và ở buồng 17 khu biệt giam-giam riêng phân trại I trại giam Nam Hà. Điều đó chứng tỏ có thật những người tù như anh Sương và những người tù chính trị thuộc Đảng Phục Quốc ở tỉnh Phú Yên và miền Trung đã ở tù thời gian phải ngót nghét gần 30 năm, chứ không thể nào là 18-20 năm trở lại.Trong một lần nói chuyện với trung tá Hòang Xuân Nam,là sĩ quan phụ trách mấy buồng án chính trị tôi cũng đựơc ông cho biết ít nhất là anh Sương cũng đã ở tù được 25 năm.
Anh Trương Văn Sương có vóc dáng người to cao, đầu húi cua sống rất hiền lành, anh em trong buồng nhiều khi nhờ cọ rửa cho những nồi xoong chậu lâu ngày cáu bẩn anh cũng đều vui lòng làm giúp rất tận tình. Nhiều lúc anh em tù đùa nhau quá lời đụng chạm đến tên tuổi anh, anh đều ôn tồn, điềm đạm nói: “Các em, các cháu đừng nói chọc, nói chơi như vậy mình lớn tuổi rồi người khác họ nghe được họ cười cho, lần sau thôi nhé”. Anh Sương sống trong buồng giam rất gắn kết, hoà thuận với anh em, sống rất hiền lành chất phác, đa số các tù nhân chính trị người miền Nam họ đều biết đùm bọc, thương yêu nhau hết mực, giúp đỡ nhau rất nhiệt tình lúc hoạn nạn khó khăn, để cùng vượt qua nỗi cay đắng nhọc nhằn trong chốn lao tù.
Tôi còn nghe kể anh đã từng là sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Nhưng đối với cán bộ quản giáo, công an và ban giám thị trại thì anh rất cứng rắn. Anh là một người tù chính trị không thể khuất phục được, một con người gang thép. Anh luôn dẫn đầu các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong lao tù. Chẳng hạn như đòi phải được phát báo Nhân dân hàng ngày đủ và đúng theo quy định của nhà nước, đòi phải được cấp phát đầy đủ khẩu phần thức ăn rau cơm theo đúng nội quy trại giam. Nhiều lúc cơm bị sống, rau chưa chín anh đã lên tiếng tranh đấu, đòi cán bộ phải cho người tù được đem đổi cơm, rau khác đã nấu chín lúc đó mới nhận cho anh em cả buồng. Có những lần, những chậu đựng thức ăn bằng nhôm bị dúm dó trông rất mất mỹ quan, anh cũng yêu cầu phải thay đổi cái khác mới hơn, đẹp mắt hơn và hợp vệ sinh làm cho cán bộ quản giáo và ban giám thị rất khó chịu, nhưng cuối cùng họ vẫn phải ra lệnh cho những tù hình sự là “tù tự giác” chuyên đưa cơm, rau cho tù nhân ở các buồng mang đi đổi cái khác. Có đến một, hai lần mấy cán bộ quản giáo, kể cả cán bộ quản giáo trực tiếp của tôi như trung tá Nguyễn Văn Tuyên, đại úy Kiện có nói : “Tù chính trị mà sao lúc nào cũng để ý miếng ăn miếng uống như vậy thật nhỏ nhen!”. Tôi ôn tồn nói lại: “Không! Ông Tuyên ơi! Không phải như vậy đâu, anh Sương hay những tù nhân ở buồng số 6 họ đòi hỏi những cái đó cũng hợp lý thôi, vì những điều này phù hợp với chế độ chính sách, nội quy trại giam và theo đúng những tiêu chuẩn mà “Pháp lệnh thi hành án phạt tù” của nhà nước ban hành và đang được thực thi. Trước đây những người tù là cộng sản chống chế độ thực dân Pháp và đế quốc như các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Tố Hữu, Xuân Thuỷ…cũng đấu tranh quyết liệt đòi cải thiện chế độ lao tù về bát cơm, manh áo và những sinh hoạt khác cho mình và cho anh em bạn tù trong thời kỳ các ông lão thành cộng sản này bị giam ở các nhà tù Côn đảo, Sơn La, Hoả Lò, Đắc Mê…đó sao??? ”. Các cán bộ quản giáo nghe tôi nói thế, thấy cũng hợp lý và im lặng, họ không phản bác gì. Ban giám thị trại giam Nam Hà họ rất ngại và rất ít xuống thăm buồng số 6. Bởi vì đã nhiều lần họ xuống đây đã bị anh em tù chính trị miền Nam thẳng thừng la ó phản đối, quyết liệt chẳng e dè hay giữ mồm giữ miệng gì làm cho các cán bộ lãnh đạo rất bối rối và thật khó phản ứng, khó mà tranh luận với lý lẽ đáng thuyết lại được với họ. Đối với buồng chúng tôi,đa số là giam những người tù dân tộc Tây nguyên, nên đa phần họ sống chất phác, thật thà, hiền lành ít có phản ứng lại cán bộ. Bởi thế ban giám thị cũng hay xuống thăm hỏi luôn và quản giáo trông coi những buồng này cũng rất nhàn hạ, dễ chịu hơn.
Ngày 16-12-2003, tôi bị chuyển sang buồng số 1 của phân trại 1 cũng tại trại giam này. Tôi vẫn ở cùng với anh em người Thượng – Tây Nguyên, trong buồng lúc này có 3 người Kinh cũng bị xử án gián điệp vì bán tài liệu cho công an và tình báo Trung Quốc về tình trạng tệ nạn ma tuý, mãi dâm ở Hải Phòng. Hai người Kinh là anh Phạm Văn Viết 68 tuổi quê ở Móng Cái-Quảng Ninh án tù 17 năm và anh Vũ Hữu Huynh trung tá công an phó trưởng phòng quản lý trật tự xã hội công an Hải Phòng án 19 năm. Người Kinh thứ ba tên là Trần Văn Tuấn khoảng 44 tuổi, quê ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc-Phú Thọ, nguyên là cán bộ của hải quan cũng bị án gián điệp 19 năm với mấy tội danh là: tàng trữ vũ khí trái phép, vượt biên trái phép, bán tài liệu cho nước ngoài, chiếm đoạt tài liệu bí mật của nhà nước. Tù nhân này khi tôi nhập vào buồng 1 thì anh ta đã ở tù tới năm thứ 14. Cũng chính người tù này anh ta đã ở buồng số 6 và nhiều buồng khác trong trại nên biết rất nhiều chuyện về các tù nhân nổi danh khác như Lý Tống, Đoàn Viết Hoạt, Hoàng Minh Chính, Thích Tuệ Sỹ, Trần Mạnh Quỳnh, A Quý…Cuối tháng 2 năm 2006 sau Tết Bính Tuất vừa rồi, anh ta đã hết án sau 15 năm rưỡi ở tù. Còn người dân tộc Tày quê Lạng Sơn là Đinh Văn Bản, 61 tuổi, thượng tá phó trưởng phòng tình báo công an tỉnh Lạng Sơn, án phạt 20 năm cũng tội gián điệp vì bán tài liệu và câu kết với công an tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Mấy người tù này cũng đã ở với những người tù buồng số 6 mà trong đó có anh Trương Văn Sương trong thời gian khá dài. Họ kể rõ anh Sương bị gán tội “gián điệp” cứ mỗi lần kiểm điểm hàng tháng, quý, năm theo quy định của trại giam và “4 Tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù số 1269” mang tính bắt buộc mọi tù nhân phải chấp hành của Bộ công an và cục V26 ngày 25-12-2002, thì anh và một số người khác đều phản kháng lại chế độ CS và ban giám thị trại bằng cách không viết nội dung nhận tội mà tố cáo luôn chế độ lao tù, tố cáo bản án bất công, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tự do dân chủ, tố cáo chế độ độc tài cộng sản Việt nam…Không bao giờ anh và những người tù án nặng ở buồng 6 viết bản nhận tội.
Cứ mỗi lần như vậy thì anh Sương đều là người đứng đầu đấu tranh và ban giám thị trại Nam Hà phải điều hàng chục binh sĩ và cán bộ công an xuống khoá tay, đưa anh đi cùm biệt giam ở nhà kỷ luật. Các tù nhân Trần Văn Tuấn, Vũ Văn Khiêm, Ngô Văn Phung, Hoàng Đồng, Phạm Văn Viết, Vũ Hữu Huynh đều kể rằng: không năm nào là anh Trương Văn Sương không bị đưa đi cùm và biệt giam trong buồng giam kỷ luật vài tháng. Sau mỗi lần như vậy anh Sương trở về buồng giam chung lại tiếp tục đấu tranh và lại tiếp tục bị đi cùm. Có những năm, anh Sương bị kỷ luật như vậy tới 2-3 lần. Theo quy định của trại giam Nam Hà nói riêng và của Cục quản lý trại giam V26-Bộ công an nói chung, thì những trường hợp đã bị kỷ luật đi cùm và biệt giam như vậy thì phải hết 3 năm sau mới được xem xét, giảm án hàng năm. Mà mỗi lần được giảm án như vậy chỉ được từ 1 tháng đến nhiều nhất là 2-3 tháng. Từ ngày 16-12-2003 tôi bị chuyển sang buồng số 1 và 2 phân trại I, còn được các anh Trần Văn Tuấn, Phạm Văn Viết, Vũ Hữu Huynh, Đinh Văn Bản kể cho nghe rõ hơn những chuyện về anh Trương Văn Sương tranh đấu trong tù cũng tương tự như vậy. Có lần trong lúc đưa anh Trương Văn Sương xuống khu biệt giam để thi hành lệnh kỷ luật của ban giám thị phải cùm chân ở khu vực buồng 17, nơi hiện nay nhà báo Nguyễn Vũ Bình đang bị giam cầm và trước đây là Linh Mục Nguyễn Văn Lý, bác sỹ Phạm Hồng Sơn đã từng ở. Lúc đó anh Sương đã hô khẩu hiệu chống đối rất to: “Đả đảo CSVN đàn áp tù chính trị, các cán bộ công an có giỏi thì hãy bắn tôi đi.
Trương Văn Sương này suốt đời chiến đấu cho lý tưởng tự do…” làm cho hàng chục cán bộ công an, quản giáo và các binh sỹ công an trẻ rất e ngại. Họ đã có lệnh sẽ bịt miệng và bằng cách dùng khăn tẩm ê te và hơi cay để trấn áp không cho anh Trương Văn Sương tiếp tục thét gào phản kháng nữa. Nhưng vì tình huống nổ ra quá bất ngờ làm cho số đông công an đi áp tải tỏ ra luống cuống, lúng túng, bối rối không kịp trở tay. Tất cả hàng ngàn tù hình sự ở phân trại I, II và III nghe thấy tên tuổi và hành động phản kháng dũng cảm, bất khuất đó đều rất cảm phục anh. Một số tù hình sự và tù án “an ninh chính trị” đều lưu truyền mãi câu chuyện về gương đấu tranh kiên cường, can đảm như vậy ngay trong ngục tù của anh Trương Văn Sương trong nhiều năm qua.
Tôi ở phân trại I hơn 2 năm còn hiểu biết rõ hơn về anh. Vì dãy buồng 1 và 2 chúng tôi ở cũng chỉ cách buồng 6 của anh một dãy buồng khoảng hơn 30 mét. Ở các phân trại Nam Hà trước đây, tất cả tù chính trị và tù hình sự đều phải ra đồng làm việc như nhau và làm những công việc khá nặng như đập đá, đào ao, đào đầm để nuôi cá, leo núi vào rừng lấy củi, trồng trọt rau màu và chăn nuôi bò, dê…Nhưng mấy năm trở lại đây Tổng cục an ninh-Bộ công an đã chỉ thị không cho số tù nhân chính trị này ra đồng làm nữa. Mà mọi việc lao động sẽ làm tại sân ngay sát buồng giam, xung quanh có tường bao bọc gọi là phân khu buồng giam cho từng buồng, có quản giáo trông coi và các việc lao động thủ công nhẹ nhàng hơn như đan thảm cói, đan mây tre xuất khẩu…Và ban giám thị quy định nếu tù nhân nào không tham gia lao động thì ngoài việc phải hạ loại cải tạo xuống mức kém và không được xem xét giảm án hay đặc xá, thì tất cả số tù nhân này buộc phải vào trong buồng giam và bị khoá trái lại cho đến giờ ăn cơm mới được mở ra. Còn các tù nhân chấp nhận lao động thì làm ở ngoài sân buồng giam mỗi ngày từ 7 đến 8 giờ, riêng sáng thứ 7 hàng tuần thì làm 2 tiếng rưỡi. Những người tù chính trị miền Nam ở buồng 6 phần lớn chống đối không lao động, anh Trương Văn Sương cũng ở trong số này. Và như vậy anh Sương ở trong buồng giam số 6 suốt hơn chục năm cứ thế trôi đi, cuộc đời của những người tù mòn mỏi, chết dần, chết mòn theo năm tháng. Những người tù trong cảnh ngộ như vậy chẳng khác nào như một con thú bị nhốt trong lồng cũi quanh năm với chút cơm, nước, rau để tồn tại ngắc ngoải. Trong số tù nhân lao động ở ngoài sân buồng giam số 6, chỉ có một người cũng thuộc diện án nặng và được ban giám thị xếp vào một trong những người tù nguy hiểm, nghiêm trọng cho chế độ. Đó là anh Trần Quang Đô nằm trong nhóm kháng chiến quân đã xâm nhập vào miền Nam để đấu tranh vũ trang chống lại nhà nước CSVN, anh đã bị xử án chung thân và đã ở tù được khoảng 17 năm…
Đến cuối năm 2005 vì số tù người Thượng gồm các dân tộc Mơ-nông, Gia-rai, Ê-đê, được chuyển ra từ các trại giam thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông rất đông. Trại Nam Hà đã phải thành lập tới 3 buồng giam, trong đó ở phân trại I là 2 buồng, phân trại III là 1 buồng, trung bình mỗi buồng từ 70-75 người mà không đủ chứa. Vì thế ban giám thị trại giam Nam Hà xin chỉ thị của cấp trên phải lấy lại buồng giam số 6 phân trại I nơi các anh Sương, Bàn, Thuỵ, Nhu, Long, Đô và kể cả Đỗ Hườn…đã và đang ở để trở thành buồng giam thứ 4 nhốt những người tù dân tộc Tây nguyên. Anh Đỗ Hườn chuyển từ trong trại Thanh Cẩm, Thanh Hoá ra năm 1998-1999 đến trại Nam Hà ở được gần 1 năm thì bị chết vì bệnh tiểu đường. Trại giam Nam Hà chỉ đưa anh Hườn ra bệnh viện Phủ Lý khi bệnh ở giai đoạn cuối đã quá nặng và không cứu được. Anh Đỗ Hườn là người bị bắt do đã lãnh đạo Liên Đảng từ Hoa Kỳ trở về, đã kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình bằng truyền đơn, khẩu hiệu, loa phát thanh ở Sài gòn những năm 1993-1994 gì đó. Anh Ngô Văn Phung là người cùng ăn cơm hàng ngày với anh Đỗ Hườn cho đến khi anh Hườn qua đời kể rằng: “anh ấy thường tâm sự với tôi rất hy vọng được đặc xá vào năm 2000”, nhưng niềm tin, hy vọng mong manh ấy đã không bao giờ đến được với người tù chính trị xấu số này. Anh Phung, Khiêm, Đồng còn kể cho tôi nghe có một người tù chính trị cũng án chống đối ĐCSVN quê ở miền Nam tên là Bảo, tuổi gần 70 đã ở tù được hơn 18 năm, chỉ còn hơn năm nữa được trở về đoàn tụ gia đình, nhưng sau đó anh đã ngã dập sọ não khi đi vệ sinh trong buồng giam. Sau cái chết này, gia đình của ông Bảo ở miền Nam đã được trại giam báo tin, để gia đình thu xếp vào trại lo đám tang cho người nhà của mình. Gia đình ông Bảo khóc thương thảm thiết, đã la ó, kêu gào, phản đối, tố cáo chế độ giam cầm vô nhân đạo của trại giam Nam Hà đối với thân nhân họ. Tại buồng giam số 6 này còn rất nhiều người tù khác nữa đã bị chết ở đây như mấy người dân tộc Hơ Mông, quê ở Sơn La, Lai Châu bị nhà nước CSVN kết án “gián điệp” mà không bao giờ được xã hội và thế giới bên ngoài biết đến, chỉ duy nhất có gia đình họ và những người tù hình sự được trại phân công chôn xác những người tù bất hạnh ngay dưới chân núi bên cạnh trại biết đến mà thôi!
Buồng giam số 6 phân trại I hồi cuối năm 2005 chỉ có 35 người chỗ nằm rất rộng, hơn buồng chúng tôi nhiều. Có thời kỳ chúng tôi đã phải chen chúc nhau trong buồng số 1 và 2 rộng khoảng hơn 70 mét vuông có một gác xép bê tông nhằm để chứa cho thêm nhiều tù, mà nhốt tới 75-80 người. Chỗ nằm ngủ của mỗi người tù chỉ được khoảng 45-48 cm, tức là hơn 2 gang bàn tay. Chúng tôi phải nằm nghiêng, úp thìa nhau, hoặc tráo trở đầu đuôi. Vì tình trạng chật chội này nên ở các buồng giam những tù hình sự đã thường xuyên xảy ra đánh cãi chửi nhau, có những vụ đánh nhau nghiêm trọng gây thương tích hoặc gây án mạng dẫn đến chết người. Nhiều vụ xảy ra tranh chấp chỗ nằm gây hậu quả nghiêm trọng như vậy đã phải khởi tố để xử án và nhiều tù hình sự đã phải chịu án tử hình. Ở buồng 1 phân trại I nơi tôi bị giam từ ngày tôi bị chuyển từ trại III sang phân trại I đến ngày 19-4-2004 thì ban giám thị lập thêm buồng giam mới ở bên cạnh là buồng số 2, đã có một người tù hình sự quê Hải phòng trước đây đã từng ở, mà sau đó anh ta đã bị xử bắn vì tội đánh chết tù nhân cùng buồng do tranh chấp chỗ nằm. Trong mấy ngày liên tiếp vào cuối tháng 8 năm 2004 Tổng cục an ninh đã chuyển tới buồng 1 trại giam Nam Hà, nơi tôi đang bị giam cầm cùng với các người tù dân tộc Thượng, 6 người tù rất đặc biệt. Đợt một ngày 25-8-2004 là 3 ông già tuổi trên dưới 70 đều là đồng hương quê ở huyện Tuy Hoà tỉnh Phú Yên, đều bị kết án với tội danh mà toà án nhà nước CSVN ở tỉnh Phú Yên gán buộc cho là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, mức án từ 30 tháng đến 5 năm tù giam.
Người thứ nhất là ông Hà Tấn Phương, sinh năm 1934, bị án 5 năm tù. Người thứ hai là ông Nguyễn Trọng Đãi, sinh năm 1935, bị án 30 tháng. Người thứ ba là ông Trương Văn Chàng sinh năm 1932, bị án 30 tháng. Nội dung vụ án của 3 ông già này là, sau khi quê hương các ông và cả miền Nam được “hoàn toàn giải phóng” năm 1975, chính quyền CSVN ở địa phương thực hiện chính sách “hợp tác hoá nông nghiệp” để xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo mô hình ở nông thôn miền Bắc. Nên chính quyền CSVN ở Tuy Hoà Phú Yên đã tịch thu hết ruộng đất của gia đình các ông. Vì bị tước đoạt tài sản ruộng đất vốn là sở hữu hợp pháp dưới chế độ Việt nam cộng hoà cũ như vậy, nên cả 3 ông trong các cuộc họp ở thôn, xã mình đều phát biểu phản đối rất mạnh mẽ, quyết liệt chính sách cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã của chính quyền mới. Thêm vào đó bản thân các ông dưới chế độ cũ đều ít nhiều làm việc phục vụ chính thể nhà nước VNCH trước đây. Người thì phải tham gia quân lực Việt nam cộng hoà theo chế độ quân dịch làm địa phương quân như ông Trương Văn Chàng. Người thì công tác cho cơ quan hỗ trợ phát triển kinh tế Mỹ USAID ở cấp huyện như ông Nguyễn Trọng Đãi. Người thì làm cán bộ bình định nông thôn hơn 10 năm như ông Hà Tấn Phương. Với một lý lịch và thái độ chính trị như vậy nên bản thân, gia đình và con cái các ông không thể theo đuổi việc học hành hay công tác trong các cơ quan của nhà nước CSVN. Vì bức xúc và quá uất ức trước sự chèn ép và đối xử phân biệt như vậy, nên các ông đã tham gia Đảng Phục Quốc, chi nhánh ở tỉnh Phú Yên với hy vọng xây dựng lực lượng chính trị để góp phần giải phóng lại quê hương, đòi lại tài sản ruộng đất đã bị cướp đoạt mất.
Những thập niên 1975-1990 nhiều đảng phái chính trị khác biệt hoặc đối lập với Đảng CSVN bị nhà cầm quyền CSVN truy lùng và khủng bố khốc liệt với ý đồ tiêu diệt những đảng phái chính trị đó. Đảng Phục Quốc chi nhánh ở Phú Yên bị đàn áp tơi bời, nhiều lãnh tụ của đảng này đã bị bắt, xử án chung thân hoặc tử hình. Trước tình thế đó, cả 3 ông đem gia đình bỏ trốn sâu vào các tỉnh phía Nam thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Châu Đốc…, để đi làm thuê kiếm sống ròng rã 24 năm, tức là lìa bỏ quê hương nơi chôn rau cắt rốn nhiều đời từ ngay sau ngày được gọi là “giải phóng” chỉ vài năm(1978-1979). Điểm cuối cùng mà cả 3 ông dừng chân để sống nốt quãng đời tuổi già còn lại là thuộc huyện Trị An, tỉnh Đồng Nai cho đến ngày các ông bị bắt vào giữa năm 2003. Sở dĩ cả 3 ông già bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam là từ việc nhẹ dạ của ông Hà Tấn Phương. Trong một lần liên lạc được với người em họ là đại tá quân đội CSVN đã nghỉ hưu, được người em họ này ra sức động viên ông Phương nên ra đầu thú chính quyền tỉnh Phú Yên để được “hưởng chính sách khoan hồng” của Đảng và nhà nước CSVN. Tin theo lời người em họ của mình, nên ông Phương sau hơn 24 năm phải rời bỏ quê hương và đổi tên mới là Hồ Tấn Phượng, đã ra trình báo với các cấp công an và chính quyền ở quê nhà. Đồng thời ông cũng khai ra luôn nơi trú ngụ hiện nay của hai người bạn già mình ở tỉnh Đồng Nai là ông Nguyễn Trọng Đãi đã được đổi tên sau khi bỏ quê và trốn chạy là Nguyễn Trọng, còn ông Trương Văn Chàng được đổi tên là Trương Chang. Cả 3 ông già tuy lo sợ hoảng loạn và phải trốn chạy suốt 24 năm như vậy, nhưng không hề có một lệnh truy nã nào của nhà nước CSVN đối với các ông. Nếu xét về góc độ phương diện pháp lý thì có thể xem vụ việc của các ông là đã “quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự ” và cũng không đe doạ gì đến nền “an ninh quốc gia” cũng như không gây thiệt hại hay đe doạ đến cuộc sống của xã hội và của bất cứ ai, theo đúng các điều 23, 24 và 25 chương IV của Bộ luật hình sự nước CHXHCNVN. Như vậy có nghĩa là các ông già này có thể được hoàn toàn được miễn tố, nhà nước CSVN có thể hoàn toàn miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Tuy nhiên, công an Phú Yên đã bắt sống cả 3 ông già lão hom hem và đem về xử án rồi bỏ tù như đã nói ở trên.
Riêng ông Hà Tấn Phương sau hơn 8 tháng bị giam cầm vì sức khoẻ quá yếu nên được tạm thời tại ngoại vì có “công đầu thú và khai báo”. Cho đến ngày đem cả 3 ông già ra ngoài Bắc để thi hành án thì công an CSVN tỉnh Phú Yên lại bắt giữ lại ông Phương. Mấy người bạn tù già này nằm sát bên tôi, chính họ đã kể cho tôi rất nhiều về những chuyện xã hội ở miền Nam dưới thời chế độ VNCH trước năm 1975. Họ khẽ say sưa hát cho tôi nghe bài quốc ca của Việt nam cộng hòa mà họ thuộc làu do nhạc sỹ Lưu Hữu Phước sáng tác , đó là bài “Tiếng gọi thanh niên”. Bài hát có đoạn mở đầu : “Này công dân ơi hãy đứng lên đáp lời sông núi…”. Người thì hát cho tôi nghe những bài được sáng tác trong thời kỳ làm cán bộ bình định nông thôn. Mỗi lần hát như vậy mấy ông lão tù già lại phải nhìn trước ngó sau xem có cán bộ quản giáo để ý không,có cán bộ nào gần đó không? Chúng tôi phần lớn kéo nhau ra đằng sau dãy buồng giam ở khu vực bếp đun nấu của tù để được nghe những bài hát hay câu thơ như vậy. Cũng may mắn là ông cán bộ quản giáo chúng tôi khá hiền lành, ông cũng ít để ý , xăm xoi hay hạch sách gì chúng tôi lắm. Nhưng trong số những câu ca, bài thơ mà tôi nghe được, ấn tượng nhất là ông Trương Văn Chàng đã tự tay chép lại cho tôi bài thơ và cũng là bài hát được phổ nhạc thời kỳ còn kháng chiến chống Pháp 9 năm và lúc ấy cuộc chiến tranh Bắc-Nam Triều Tiên đang diễn ra ở giai đoạn gay go ác liệt năm 1951-1953. Bài thơ ấy có đoạn như sau:
“Anh bạn Triều Tiên ơi
Máu anh cùng máu tôi rơi
Trên hai đất nước một trời thù chung.
Anh có Kim Nhật Thành
Tôi có Hồ Chí Minh
Đây Liên Xô vĩ đại,
Kia Trung Hoa mẹ hiền.
Tiến lên! Tiến lên!
Thế giới đại đồng
Siết tay, siết tay nhau
Chúng ta bước lên cùng xây thành Á Đông…”
Ông Chàng còn đọc để tôi chép nhiều bài thơ, bài ca khác nữa như “Chiến thắng Ninh bình, Chiến thắng Điện Biên”, thơ Tố Hữu ca ngợi Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…Sở dĩ ông Chàng thuộc rất nhiều bài thơ ca của phe cộng sản, XHCN và CSVN vì ông vốn là cán bộ tuyên truyền Việt minh của xã nơi quê nhà khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Năm 1954 hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết tạm chia cắt 2 miền Nam-Bắc, ông Chàng là cán bộ miền Nam có tiêu chuẩn được tập kết ra Bắc. Nhưng khi ra đến thị xã Quy Nhơn ngủ qua đêm để ngày mai tập kết ra Bắc, nhưng vì ông quá nhớ nhà, nhớ mẹ và lúc đó ông chưa có gia đình, vợ con nên sáng sớm ông đã bỏ trốn trở lại quê nhà mà không xuống chuyến tàu định mệnh ấy ra ngoài Bắc. Ông ở lại quê nhà Phú Yên và ít lâu sau khoảng năm 1960-1962 thì được động viên đi lính VNCH đóng quân ở Thủ Đức và cuộc đời ông rẽ sang một ngả khác, lại nhập vào đội quân chống lại những người bạn, đồng chí của ông đã xuống tàu ra tập kết ngoài Bắc mấy năm trước. Tôi rất tiếc một số bài thơ, ca rất hay đã có cách đây hơn nửa thế kỷ, nó cũng là một dấu ấn lịch sử kỷ niệm đối với cuộc đời của ông Chàng mà tự tay ông chép và một số bài do ông đọc cho tôi chép lại rất cẩn thận đã hai lần bị ban giám thị trại giam Nam Hà điều trung tá Hoàng Xuân Nam trực tiếp khám xét buồng giam rồi tịch thu, tước đoạt, xé bỏ hết sức vô lý. Dù rằng đó chính là những bài thơ ca thời kỳ cách mạng cộng sản rất cực tả, cực đoan, sặc mùi Mao ít.
Hai ông Hà Tấn Phương và Nguyễn Trọng Đãi còn kể cho tôi nghe rằng khi nổ ra cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm thì cả hai ông đều ít nhiều tham gia mặt trận Việt minh ở xã nhà. Nhưng thật là trớ trêu, dòng lịch sử của cả dân tộc đã bị người lãnh đạo ở cấp cao nhất của Đảng CSVN lợi dụng tinh thần dân tộc-quốc gia và lòng ái quốc của dân chúng lái sang một hướng khác, một mục đích khác để trở thành cuộc cách mạng cộng sản thuần tuý và xây dựng bằng được thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa trên đất nước này. Và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì lợi ích quốc gia đã bị biến thành một bộ phận “cách mạng” của khối cộng sản quốc tế và phe XHCN do Liên Xô và Trung Quốc cầm đầu. Bi kịch cuộc đời cá nhân của cả 3 người tù già này là những bi kịch nhỏ nằm trong tấn bi kịch lớn và cay đắng của cả dân tộc. Đợt đặc xá cuối cùng ngày 2-9-2005 thì cả hai người bạn tù già, vong niên của tôi là ông Trương Văn Chàng và Nguyễn Trọng Đãi đã được trở về nhà trước 11 tháng so với bản án, còn lại ông Hà Tấn Phương hiện vẫn đang phải tiếp tục ngồi tù. Một người tù dân tộc H’Mông tên là Mùa Sáy Xó khoảng 43 tuổi chỉ vì truyền đạo tin lành ở quê nhà thuộc tỉnh Điện Biên cũng bị công an và chính quyền địa phương bắt giam bỏ tù 3 năm gán cho tội “vu khống cán bộ”. Anh ta ở tù hơn 2 năm rồi cũng được gọi là “đặc xá” đợt cuối cùng ngày 2/9/2005 khá bất ngờ cùng với ông Đãi và ông Chàng.
Ngày 28-8-2004, ba người tù trẻ tiếp theo bị đưa vào buồng số 1 đều là người dân tộc H’Mông, quê ở bản Huổi Một, xã Huổi Mươi, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ba người tù trẻ này đều bị kết án 13 năm tù với tội danh là: “bạo loạn gây rối an ninh” do toà án thành phố Viêng chăn, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào xét xử. Sau đó được dẫn độ về Việt nam để thi hành án, lúc đầu là tạm giam ở tỉnh Sơn La, Việt nam. Người thứ nhất là Vừ A Dơ, 14 tuổi, cha mẹ đã chết cả, phải sống cùng anh chị ruột, người thứ hai là Sùng Vả Giống ,15 tuổi, người thứ ba là Giàng Bá Trống, 21 tuổi. Nội dung vụ án của mấy tù nhân trẻ người Hơ Mông này là họ đã rời bỏ quê hương nghèo đói tìm sang một tỉnh ven biên giới với Việt nam ở hạ Lào để gặp gỡ Vua Mèo theo lời đồn đại của một số người cùng bản. Khi sang tới nơi thì họ sa vào một nhóm người H'Mông ở hạ Lào đang chuẩn bị cướp kho vũ khí để chống lại chính quyền cộng sản Lào. Vụ đột phá cướp kho vũ khí không thành công, rất nhiều người Mông bị quân đội cộng sản Lào bắn chết và bắt sống. Ba thanh thiếu niên người H' Mông đó trở thành tù binh của nhà nước cộng sản Lào, bị đem về Viêng Chăn giam giữ, xét xử với tội danh được toà án cộng sản Viêng Chăn gán cho là: “tội phản loạn, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngoài án tù giam, toà án Viêng chăn còn xử phạt 3 thanh thiếu niên bồi thường cho nhà nước Lào số tiền là 20 nghìn Kip. Sau khi có án tù , vì nhà nước CSVN và nhà nước CS Lào vốn là anh em đồng chí, đồng minh, thân hữu của nhau nên họ đã trao trả về cho phía Việt nam để tiếp tục thi hành bản án. Thời gian ở nhà tù Viêng Chăn, và Sơn La họ đã kể lại cho anh em tù chúng tôi nghe rằng: “Hiện nay ở nhà tù Viêng Chăn, Sơn La vẫn duy trì chế độ đeo gông và cùm vào chân vào tay nặng mấy kí lô gam suốt ngày đêm tuỳ theo án nặng hay nhẹ, và tuỳ theo cân nặng của cơ thể, giống hệt thời trung cổ phong kiến cách đây mấy ngàn năm”.
Ba tù nhân trẻ này đã ở với tôi và những anh em tù người Thượng tại buồng 1 phân trại I mấy tháng sau đó chuyển sang buồng 6 nơi có giam các tù nhân miền Nam như anh Trương Văn Sương đang ở trước Tết năm 2005 ít ngày. Mấy thanh thiếu niên trẻ tù nhân người H’Mông còn kể rằng tù chính trị chống đối lại nhà nước cộng sản Lào bị giam tại các nhà tù ở tỉnh Xiêng Khoảng, Xavanakhet, thủ đô Viên Chăn còn khá nhiều và hoàn cảnh giam cầm hết sức tồi tệ và khủng khiếp hơn tình cảnh giam giữ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ba cháu nhỏ tù nhân vị thành niên người thiểu số này sống trong buồng giam số 6 rất hiền lành, chăm lao động, được cán bộ rất khen ngợi, thỉnh thoảng gia đình họ cũng lên thăm nuôi và gửi quà khá đều đặn. Nghĩ cũng nực cười, khái niệm về tội phạm học, cũng như theo các quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện nay của nước CHXHCNVN, thì hành vi phạm tội của một người phải có động cơ, mục đích rõ ràng, có gây thiệt hại cho người khác hoặc cho xã hội và nhiệm vụ của các cơ quan điều tra là phải làm rõ nhưng vấn đề để chứng minh có hay không tội phạm. Từ đó các cơ quan chức năng như Công An, Viện Kiểm Sát mới có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cao hơn phê chuân lệnh bắt giam và áp dụng những biện pháp ngăn chặn cần thiết như bắt giam khẩn cấp, quản chế hay cấm… đi khỏi nơi cư trú. Nhưng ở đây cả nhà nước CS Lào lẫn nhà nước CS Việt Nam chẳng coi quyền con người và quyền công dân, kể cả mạng người ra gì, nên mới có những vụ bắt bớ , xét xử rồi bỏ tù tùy tiện bừa bãi như nêu trên.
Sau khi buồng số 6 được thành lập để đưa bớt số tù người Thượng sang đó, thì tình hình chỗ nằm của chúng tôi được nới rộng ra hơn đôi chút. Ở buồng số 6 ban giám thị trại đã phân loại ra những tù án nặng, có tư tưởng chống đối mạnh mẽ và quyết liệt gồm 6 người được chuyển vào khu buồng 17 cứ 4 người ở 1 buồng trên 2 bệ xi măng và diện tích rộng trên 10 mét vuông, mỗi chiều là 2,5mét X 4,5 mét, có 2 lớp cửa sắt kiên cố, có 1 lỗ thông hơi nhỏ bằng 2 bàn tay, ở sảnh ngoài có quây hàng rào B40 rộng chừng hơn 2 mét vuông (một chiều 1 mét, một chiều hơn 2 mét) để ban ngày người tù có thể ra tắm nắng, hít thở không khí. còn tuyệt đối không được ra ngoài phạm vi đó. Tôi đã từng ở những buồng biệt giam như thế này gần 2 năm, đó là thời kỳ ở trại B14 Thanh Liệt Hà nội 16 tháng và ở khu biệt giam kỷ luật, cùm chân phân trại III trại giam Nam Hà gần 4 tháng. Nên tôi biết rất rõ sự khắc nghiệt và khổ sở đến cùng cực của sự đày đoạ trong ngục tù như thế. Trong hoàn cảnh bị giam cầm khốc liệt như vậy, nếu người tù không chịu vận động, tự tập thể dục, tự đi lại thì chỉ sau một thời gian ở khu biệt giam này hầu hết sẽ bị liệt hai chân. Sau khi được ra khỏi khu biệt giam, muốn đi lại phải bám vịn vào tường, hoặc có người khác dìu, mất gần nửa năm trời mới đi lại bình thường được.
Có rất nhiều người tù là người dân tộc Thượng được chuyển từ các trại giam ở các tỉnh cao nguyên Trung phần ra trại giam Nam Hà đã bị liệt trong hoàn cảnh như vậy vì họ bị giam giữ trong điều kiện quá chật chội và vì số tù nhân chen chúc quá đông đúc. Ban giám thị trại giam Nam Hà đã phân loại chọn ra được 6 người tù thuộc loại nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng để đưa đi khỏi buồng 6 đến buồng giam mới và chia ra làm 2 phòng ở khu biệt giam buồng 17 gồm có: Trương Văn Sương, Vũ Đình Thuỵ, Phan Văn Bàn, Trần Quang Đô, Bùi Thúc Nhu, Nguyễn Đình Văn Long. Còn riêng một người tù tên là Trần Tư hay là Jimmy Trần gì đó từ Hoa Kỳ trở về năm 1993 án chung thân thì hiện nay vẫn còn ở khu giam riêng-kỷ luật ở phân trại II trại giam Nam Hà. Sở dĩ tôi biết được thông tin chắc chắn này là vì trong thời gian bị cùm chân, kỷ luật ở phân trại III trại Nam Hà tôi đã ở mấy tháng trời hồi tháng 7-2003 đến cuối tháng 10-2003 với những người tù hình sự phạm tội ma tuý, giết người, đánh nhau gây thương tích. Họ kể rằng đã từng ở khu kỷ luật và đã từng làm tù tự giác phục vụ việc đưa cơm, rau, cho những người tù như Trần Tư và cả Lý Tống nữa sau khi được đưa ra từ trại Xuân Phước miền Nam ra, cho đến khi người cựu phi công Lý Tống, GS Đoàn Viết Hoạt được đặc xá trở về Mỹ tháng 9 năm 1998.
Còn phải nhắc đến một người tù chính trị nữa là ông Hoàng Xuân Huy, quê Hải phòng là bạn với anh Phạm Văn Viết năm nay cũng 70 tuổi, bị án tù chung thân vì thành lập “Đảng Tân Dân Chủ”, bị bắt khoảng năm 1994-1995, có lẽ vì ông quá già yếu nên vẫn được giữ lại ở buồng 6 cùng với các người tù dân tộc Thượng mà đã ở cùng với tôi từ buồng 1 và buồng 2, mặc dù ông cũng là một người tù chính trị thuộc loại án tù đặc biệt nguy hiểm, nghiêm trọng cho chế độ của ĐCSVN. Năm vừa qua có mấy đợt gọi là đặc xá của nhà nước CSVN, nhưng trong lệnh đặc xá đã ký của chủ tịch nước Trần Đức Lương và nhiều văn bản có liên quan đã nói rõ không xem xét giảm án và đặc xá những tù nhân gọi là “xâm phạm an ninh quốc gia” đặc biệt nghiêm trọng. Tuy vậy có hai trường hợp nhà nước CSVN vẫn thả những người tù chính trị đã từng ở rất lâu, mà án chỉ còn vài tháng như Đinh Văn Bé thuộc nhóm kháng chiến quân quê Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ đã ở tù được hơn 17 năm, hoặc án tù chung thân nhưng chưa hề được bẻ án xuống 20 năm mà vẫn được thả về như Nguyễn Văn Lương thuộc nhóm đảng Phục Quốc ở miền trung. Anh Lương còn là một người tù mang tới 2 án tử hình do toà án nhà nước CSVN xét xử. Hai người tù này được thả vào 2 đợt 30-4-2005 và 2-9-2005.
Một trường hợp đặc biệt nữa là một người tù dân tộc Ê-đê tên là Y Lớt thuộc mặt trận Phun Rô quê ở Đắc Lắc án tử hình, sau đó được giảm xuống chung thân, rồi được bẻ án xuống 20 năm. Ông Y Lớt đã ở tù được 17 năm, tổng số các lần giảm được hơn 3 năm, nhưng trong đợt đặc xá 30-4-2005 ông cũng không được thả, mặc dù tính đến ngày hết án ông chỉ còn 1 tháng. Sau đó ông đã được thả ra khỏi trại để trở về Tây nguyên vào cuối tháng 5 năm 2005. Ở khu buồng giam 17 mà tù hình sự gọi là khu “kiên giam”, tức là khu giam tù rất kiên cố, rất đặc biệt, có một chòi gác nhỏ ngay trước sân 4 buồng giam nhỏ này nằm ở cuối cùng trong toàn khu trại. Nơi đây là để giam các tù chính trị án nặng và đặc biệt nguy hiểm cho chế độ. Các sỹ quan công an không có nhiệm vụ, không được bén mảng, lai vãng ở khu vực này. Hiện nay có 3 cán bộ được quản lý, trông coi khu giam riêng này và cả 3 buồng giam tù dân tộc người Thượng, người Tày, người Mông có liên quan đến cái gọi là “an ninh chính trị quốc gia”. Đó là các sỹ quan: trung tá Nguyễn Văn Tuyên quê Nam Định, đại uý Khảm quê Ninh Bình, và một người nữa trước đây là đại uý Kiện. Phụ trách chung các khu buồng giam này là trung tá Hoàng Xuân Nam quê Thái Bình, người có trách nhiệm theo dõi hồ sơ, nhân sự, báo cáo hàng ngày mọi biến chuyển trực tiếp lên ban giám thị trại và Tổng cục an ninh-Bộ công an ở Hà nội. Buồng giam số 6 và khu giam đặc biệt buồng 17 nói trên có lắp camera quan sát, theo dõi mọi động tĩnh 24/24 giờ của tù nhân trong buồng do trung tá Nam điều hành.
Lúc Phạm Hồng Sơn còn bị giam ở khu buồng 17 này, trước khi bị chuyển đi Yên Định, Thanh Hoá thì tôi đang ở buồng số 1 vừa từ ở buồng số 6 phân trại III chuyển sang. Tuy buồng giam tôi và buồng giam Phạm Hồng Sơn cách nhau gần 100 mét mà mấy năm trời không hề được nhìn thấy nhau. Tôi đã mấy lần đề nghị ban giám thị và quản giáo cho tôi được ở cùng với Phạm Hồng Sơn, hoặc Linh Mục Nguyễn Văn Lý nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi chỉ biết tin nhau qua những người tù hình sự tự giác đưa cơm cho các buồng giam nhưng họ cũng vô cùng lo sợ các cán bộ công an trại nên tin tức cũng chẳng có là bao. Họ kể rằng có một lần đại uý Kiện quên không khoá cửa phân khu buồng giam nên Phạm Hồng Sơn đã chạy sang được buồng giam Linh Mục Nguyễn Văn Lý ở bên cạnh và hai bên trò chuyện với nhau được khá nhiều. Sau sự kiện đó đại uý Kiện đã bị ban giám thị cho nghỉ việc, phải ngồi viết kiểm điểm mất 1 tuần và sau đó bị chuyển ra ngoài trực “cổng phủ” tức là gác cổng trại giam, chuyên làm nhiệm vụ khám quà, khám người các tù hình sự ra vào và đi lao động. Cho đến khi tôi được thả ra, đại uý Kiện vẫn làm nhiệm ở đấy, ông vẫn hay mượn sách báo do gia đình tôi gửi để đọc, đặc biệt là thích báo thể thao. Đại uý Kiện hay trung tá Tuyên là những người sỹ quan rất có cảm tình với tôi vì có lẽ ông đã đọc hồ sơ, biết những hoạt động bên ngoài xã hội của tôi trước khi tôi bị nhà cầm quyền CSVN bắt và bỏ tù. Các sỹ quan này chưa có hành vi nào tỏ ra lăng nhục, sỉ vả nhân phẩm và danh dự những người như chúng tôi. Nó trái hẳn với những hành vi, lời ăn tiếng nói lỗ mãng, thiếu văn hoá, vô học và rất nhiều đối xử ngược đãi của thượng uý Vũ Văn Tài, đảng viên ĐCSVN là quản giáo trực tiếp của tôi khi tôi còn bị giam ở buồng số 6 phân trại III trong năm 2003.
Sau khi tôi được thả ra ít ngày, trả lời phỏng vấn trên đài BBC và trong bức thư góp ý với dự thảo báo cáo chính trị Đại hội ĐCSVN khoá X ngày 24-2-2006 vừa qua. Tôi cố ý nêu tên anh Trương Văn Sương cũng như đòi trả tự do vô điều kiện cho Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình là những chiến sỹ dân chủ trẻ tuổi, nhằm để đánh động dư luận thế giới biết và quan tâm đến số phận một người tù như anh Trương Văn Sương. Sau đó có một Việt kiều ở Hoa Kỳ đã gửi biếu chúng tôi mỗi người 100 đô la để mua thuốc thang chữa bệnh và tiếp tế cho những người tù vẫn còn trong trại. Riêng về trường hợp anh Sương tôi đã liên hệ, tìm hiểu để gửi tiền thăm nuôi anh, nhưng trại giam Nam Hà không cho nhận vì lý do tôi không phải là người thân cận, ruột thịt của anh Sương. Tiếp đó tôi đã quyết định dùng số tiền 100 đô la đổi ra tiền Việt mà người Việt kiều ở Mỹ kia đã nhờ tôi gửi tới anh Sương để mua đồ tiếp tế gửi dần hàng tháng cho anh. Sáng ngày 9-3-2006, mẹ tôi và tôi đã ra chợ Kim Liên để mua các đồ thực phẩm khô nặng tới 12 kg để gửi theo đường bưu điện từ Hà nội cho anh Sương kèm theo một bức thư kể rõ về nguồn gốc số tiền và có lời mời được ghi trong thư gửi anh: “Nếu anh được ra khỏi trại trong thời gian tới hãy đến thăm gặp tôi tại nhà riêng ở Hà nội, tôi luôn luôn sẵn sàng đón tiếp anh”. Khoảng hơn 2 tuần sau, bưu điện ở phố Lê Thạch gửi giấy báo cho tôi ra nhận lại số quà mà tôi đã gửi đi nói trên với dòng chữ ghi trên vỏ thùng quà của cán bộ trại giam Nam Hà: “không cho nhận quà vì người gửi không phải là người thân ruột thịt”.
Lòng tôi buồn nặng trĩu vì số quà rất nhỏ nhoi, nhưng ấm tình người của đồng bào hải ngoại nhờ tôi gửi gắm cho anh Sương và mặc dù tôi rất cố gắng, rất vất vả nhưng không thực hiện được do sự cố ý ngăn trở của ban giám thị trại giam Nam Hà. Trong bức thư tôi gửi kèm trong thùng quà để tiếp tế cho anh Sương, tôi đã tha thiết nói rõ với ban giám thị trại giam Nam Hà, hãy vì nhân đạo, vì tình người mà cho anh Sương nhận số quà để động viên anh trong cảnh ngộ bị cách ly gia đình, xã hội gần 3 thập niên như vậy. Tôi nhận lại túi quà từ nhân viên bưu điện ở phố Lê Thạch-Hà nội mang về nhà mở ra, mặc dù vẫn còn niêm phong nhưng thực phẩm bên trong đã vỡ, dập nát và bị trộn lẫn vào nhau khá nhiều. Có lẽ do vận chuyển, quăng quật hàng trăm cây số nên đã xảy ra tình trạng đó. Các loại thực phẩm trong thùng quà gồm có cá khô, đường, cà phê, miến, bánh đa, lạc nhân, lạp sườn, bột ngọt…Cuối cùng mấy hôm sau có một chị tên là Nguyễn Thị Hấn, một “dân oan” đã từng bị đánh và đàn áp ở quê nhà do bị chính quyền địa phương cưỡng chế cướp đất đai, nhà cửa ở Thái nguyên. Và chị đã lặn lội ra tận trung ương khiếu kiện, tố cáo ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng-Hà nội mấy năm ròng rã. Bản thân chị đã từng là cựu chiến binh bộ đội Trường sơn, thanh niên xung phong trong những năm chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, chị cho tôi xem rất nhiều huân huy chương được Đảng và nhà nước tặng thưỏng khi đến tận nhà gặp tôi để đưa đơn từ tố cáo, nhờ tôi giúp đỡ mà do Cụ Hoàng Minh Chính giới thiệu. Trường hợp của chị tôi đã trực tiếp xem trên mạng internet cả đơn tố cáo lẫn hình ảnh với mặt mũi bị đánh đập sưng vù. Và bây giờ mấy mẹ con chị vẫn lang thang ban ngày đi làm thuê, ăn xin, đêm đêm lại về gầm cầu Long Biên để ngủ. Hàng ngày chị vẫn đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng kiện cáo nỗi oan khuất của mình. Chị cũng kể cho tôi nghe rằng đã may mắn hân hạnh được trả lời phỏng vấn mấy lần trên đài RFA. Chị tha thiết đưa số điện thoại của chị cho tôi, nhờ tôi nhắn cho anh phóng viên Việt Hùng của đài RFA để được phỏng vấn tố cáo thêm về tình trạng bị đánh đập, trù dập đối với gia đình chị. Sau đó tất cả số quà nói trên không gửi được cho anh Trương Văn Sương, tôi đã tặng lại cho chị Hấn và chị đã rất cám ơn tôi. Chị Hấn còn cho biết rằng mấy năm ở thủ đô để kiện tụng, chị đã gặp hầu hết các nhà dân chủ ở Hà nội như cụ Hoàng Minh Chính, ông Phạm Quế Dương, ông Lê Hồng Hà…chị gặp cả một số quan chức cấp cao của Đảng CSVN và quân đội như cựu TBT Lê Khả Phiêu, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh…và nhiều người khác để kêu oan và nhờ họ giúp đỡ.
Từ khi tôi bị cắt mobile và điện thoại của gia đình, lẫn internet vừa kết nối, nên chẳng liên lạc được gì với người Việt kiều tốt bụng kia nữa. Có một lần chị Bùi Thị Kim Ngân là vợ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã đến nhà tôi để cho biết địa chỉ email của anh Việt Kiều ở Mỹ kia, mà anh đã đọc qua điện thoại cho chị Ngân biết. Nhưng tôi gửi email mấy lần để cám ơn và nói rõ tình hình về món quà biếu của anh dành cho anh Trương Văn Sương, song tất cả mấy thư email đó đều bị bật trở lại mà không tới được người nhận, có lẽ email đó do đọc qua điện thoại nên không được chính xác. Tôi hy vọng qua bài viết này người Việt Kiều sống ở nơi nào trên nước Mỹ mênh mông đó, sẽ đọc và biết được toàn bộ câu chuyện về tấm lòng của anh và sự nhiệt tình của tôi đối với anh Trương Văn Sương. Dù như thế nào tôi cũng sẽ dành số tiền nhỏ nhoi còn lại để giúp đỡ những đồng bào khốn khổ ở Mai Xuân Thưởng hay ở Hà nội mà tôi đã, đang và sẽ gặp họ.
Tôi còn được nghe các tù hình sự và tù an ninh chính trị cùng buồng giam với tôi kể rằng anh Trương Văn Sương là người rất hiền lành, chất phác và thật thà, sống tốt với anh em cùng buồng. Hàng năm bố anh tên là Trương Văn Tài vẫn gửi đồ và tiền ra thăm nuôi anh dù là rất ít ỏi vì gia đình anh cũng rất nghèo khổ. Anh sống rất gắn kết, hoà thuận với anh em cùng trong buồng giam. Đã mấy lần tôi báo cáo trực tiếp quản giáo để được sang thăm anh Sương nhưng họ đều từ chối. Nhiều hôm trời mưa rất to, tôi đội áo mưa chạy sang buồng số 6 để thăm anh nhưng cửa phân khu và cửa buồng giam đều khoá chặt, do đó không thực hiện được mong muốn nhỏ bé này. Đối với các tù hình sự ở các buồng khác thì họ trèo rào, vượt phân khu sang thăm nhau, ăn uống chè chén với nhau là chuyện bình thường. Nhưng đối với những người tù chính trị như chúng tôi và cả anh em dân tộc người Thượng nữa không bao giờ làm những điều dù rất nhỏ bé như vậy để tránh cán bộ họ đánh giá nhầm và hiểu sai về chúng tôi. Tôi viết bài này còn có một động lực thôi thúc nữa là do anh Nguyễn Giang hiện là phóng viên danh tiếng của đài phát thanh BBC có một lần gọi điện về giục tôi gửi bài góp ý cho đại hội Đảng CSVN X cho website của BBC. Tôi và anh Nguyễn Giang trong buổi nói chuyện hồi giữa tháng 2-2006 cũng đã đề cập đến trường hợp của anh Trương Văn Sương và anh Nguyễn Giang mong muốn có một bài viết riêng về trường hợp này để đài phát thanh BBC đăng tải. Hôm nay bài viết này đã được hoàn thành và tôi mong muốn nó đến được tay anh phóng viên Nguyễn Giang của đài BBC và các bạn quan tâm.
Suy nghĩ của tôi khi viết bài này là chỉ mong Đảng CSVN, nhà nước Việt Nam và Bộ công an thôi đi hãy đừng cố chấp, hãy đừng mong mỏi gì được mấy dòng chữ “tôi nhận rõ tội lỗi, thật thà ăn năn hối cải” ở nơi anh Trương Văn Sương và nhiều người tù khác nữa theo “4 tiêu chuẩn 1269” vô hồn, vô nghĩa kia nữa. Mà hãy cao hơn thế là tình người, là lòng nhân đạo, là sự bao dung, là sự khoan dung và sự đại lượng…hãy thả vô điều kiện những người tù như anh Trương Văn Sương ra khỏi trại giam vì anh đã ở tù gần 30 năm là quá đủ rồi. Dù những người án tù nặng như anh Sương, anh Bàn, anh Thuỵ, anh Huy…Và rất nhiều người khác nữa, cho dù tất cả họ có được thả ra ngay thì tôi tin chắc rằng họ cũng không đe doạ nghiêm trọng đến sự sống còn của đảng và nhà nước CSVN hiện nay. Bởi vì,đa số họ đã quá già yếu và cùng lắm họ chỉ là những người có chính kiến, quan điểm, lập trường chính trị đối lập mãnh liệt với Đảng và nhà nước CSVN hiện nay như các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Dương Thu Hương, LM Nguyễn Văn Lý, Hoà thượng Thích Quảng Độ, chủ hội Phật giáo Hoà Hảo Lê Quang Liêm, LM Chân Tín, nhà văn Trần Mạnh Hảo, TS Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Hoàng Tiến, học giả Trần Khuê, GS Nguyễn Chính Kết, cựu trung tá Trần Anh Kim, một số trí thức trẻ như KS Đỗ Nam Hải, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Phan Thế Hải, hoạ sỹ Nguyễn Minh Thành, kể cả chính tôi nữa…và còn rất nhiều những người bất đồng chính kiến khác nữa.
Tôi và dư luận nói chung cũng đều biết rất rõ trong số những người tù nói trên hay những người tù chống đối chế độ và nhà nước của ĐCSVN ở những vụ án khác đã được đem ra xét xử, có rất nhiều người tham gia đấu tranh vũ trang, hay xâm nhập vào Việt nam để tiến hành các hoạt động nhằm giải thể thế chế chính trị XHCN này. Nhưng cho đến nay hầu như tất cả không còn nhóm, tổ chức, hay cá nhân nào còn có những hoạt động phản kháng theo kiểu cổ lỗ đó nữa. Mà hầu hết bây giờ mọi phản kháng đều chuyển sang hình thức đấu tranh văn minh mới, rất tiến bộ, đầy tính nhân văn trên mặt trận văn hoá, diễn biến tư tưởng, nhận thức, tuyên truyền, internet, sách báo, mang tính chất bất bạo động, tránh đổ máu. Và suy cho cùng vấn đề đấu tranh vũ trang để chống lại một nhà nước, thể chế chính trị cổ hủ, lạc hậu, phản động, phản cách mạng đã không còn phục vụ lợi ích của đa số nhân dân, dân tộc, đất nước Việt nam nữa ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thì nó cũng giống như các cuộc nổi dậy khởi nghĩa của các anh hùng áo vải thời xưa kia như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật…Hay cũng giống chính như những người cộng sản đã lãnh đạo nhân dân dùng vũ khí chống lại chế độ thực dân phong kiến trước đây góp phần dành độc lập cho nước nhà. Và nói chung họ là những người sống có nghĩa khí, có can đảm, có lòng yêu nước, tình thương yêu nòi giống, vì mục đích cao cả cho cộng đồng, cho quê hương, đất nước mình. Và chúng ta phải có cái nhìn rộng mở hơn, sâu sắc hơn để hiểu rõ cội nguồn mà từ đó cảm thông và chia sẻ với họ.
Nhân đây tôi cũng muốn đặt câu hỏi với ông Lê Dũng người phát ngôn bộ ngoại giao chính phủ nước CHXHCNVN và bà Tôn Nữ Thị Ninh, phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội nước CHXHCNVN rằng: “Những người tôi nêu trong bài viết này như các ông Trương Văn Sương, Vũ Đình Thụy, Phan Văn Bàn, Bùi Thúc Nhu, Nguyễn Đình Văn Long, Trần Tư, Trần Quang Đô, Đỗ Hườn,Hòang Xuân Huy Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Hà Tấn Phương, Nguyễn Trọng Đãi, Trương Văn Chàng v.v. ... Vậy họ có phải là tù chính trị không ?! Và những người như Mùa Sáy Xó,cũng như còn rất nhiều có đến hàng chục, hàng trăm những đồng bào dân tộc Tây nguyên chỉ vì Truyền đạo tin lành đã sống ở trong tù cùng tôi nhiều năm qua và hiện nay họ vẫn còn chen chúc trong các buồng giam số 1, số 2, số 6, phân trại I và buồng giam số 6 phân trại III trại giam Nam Hà như Ksor Nơm, Y Oal Niel, Siu Dam Jú, Y Nga Niel, Y Blong, A Ma Hưng v..v.. Vậy họ có phải tù vì lý do tôn giáo không ?! Thế thì họ là ai?!”
Tôi cũng đặt thêm câu hỏi cho cả 2 ông bà rằng: “Những người CS trước đây đã chống chế độ thực dân ,đế quốc Pháp và nhà nước phong kiến Việt Nam đã bị bắt, bỏ tù giam như các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn , Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt v..v… Họ là tù hình sự hay tù chính trị???Bản chất những hoạt động chính trị của những người Cộng sản này, có khác gì so với những người chống đối chính trị nhà nước Việt Nam XHCN không ???” Ở đây tôi mới nêu một trại giam mà tôi từng chứng kiến, thế còn bao nhiêu trại giam khác trên đất nước khốn khổ nhỏ bé này mà chưa được nêu???
Vậy mà rất nhiều lần dư luận thế giới cũng như trong nước thường được nghe ông Lê Dũng, bà Tôn Nữ Thị Ninh, và kể cả ông thượng tướng thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng vẫn cứ leo lẻo chối bay chối biến là: “ở nước CHXHCNVN không có tù nhân chính trị, tù nhân bất đồng chính kiến, tù nhân vì lý do bị đàn áp tôn giáo” Thế là sao? Là sao?
Tôi cũng rất cảm phục và thương mến anh Trương Văn Sương, tôi mong mỏi anh sớm được trở về đoàn tụ bên người cha già đang héo hắt ngóng trông từng ngày, từng giờ nơi quê nhà xa xôi. Bởi vì anh đã chịu án tù đày dài tới 28-30 năm ròng rã, đã trải qua nhiều nhà tù khốc liệt ở Việt nam và cho đến bây giờ vẫn chưa được nhà cầm quyền CSVN thả ra. Anh quả thật, rất xứng đáng là một người tù chính trị bất khuất, can trường và có thể được xem là một Nelson Mandela của Việt nam!
Hà nội, ngày 12 tháng 5 năm 2006
Nhà báo tự do, cựu tù nhân chính trị
Nguyễn Khắc Toàn
Địa chỉ: số 11 Ngõ Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà nội.
Mọi liên hệ xin gửi về Email: gopydtbcct2006@yahoo.com
Ghi chú:
Điện thoại gia đình 84.4.260244 bị cắt, mobile cá nhân đã bị công an và bưu điện Hà nội phá huỷ lần thứ 3, internet tại nhà riêng cũng bị cắt cùng với điện thoại sau khi tôi gửi thư góp ý xây dựng bản dự thảo báo cáo chính trị đại hội X 2006 của ĐCSVN và viết nhiều bài đòi dân chủ hoá đất nước, đòi đa nguyên đa đảng,đòi xoá bỏ chế độ độc tài đảng trị tại VN.
No comments:
Post a Comment