Thursday, June 18, 2009

TRƯƠNG VĂN SƯƠNG : NGƯỜI TÙ BẤT KHUẤT

Trương Văn Sương: Người tù bất khuất
Lê Minh
Thứ Năm, ngày 18 tháng 6 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090618_01.htm

(Viết nhân ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - 19/6/2009)

Từ khi cộng sản nắm lấy chính quyền ở Miền Bắc và toàn thể Việt Nam sau năm 1975, đã xuất hiện nhiều thể loại hồi ký, truyện kể về hoàn cảnh tù đày, giam cầm tù nhân, đặc biệt là tù chính trị, một loại tù “không có án”. Đương nhiên, không phải là người cộng sản đã sản xuất ra được nhiều “cây viết” để góp vào nền văn-sử học Việt Nam, mà là chính là môi trường giam cầm, các hình thức “học tập” tẩy não và cách đối xử tù nhân như súc vật không hơn không kém, đã biến những người cựu tù trở thành những cây bút bất dắc dĩ, nhưng lại không thua kém bất cứ văn sĩ nào. Đơn giản bởi lẽ, những câu chuyện do họ kể là những câu chuyện có thật 100%, không thêm không bớt, là những câu chuyện của máu và nước mắt.

Những hồi ký do các cựu tù kể lại, đã lần lượt ra đời theo năm tháng, mà có thể liệt kê ra đây một số như sau:
Trại Đầm Đùn (Trần Văn Thái)
Đại Học Máu (Hà Thúc Sinh)
Trại kiên giam (Nguyễn Chí Thiệp)
Trại Cải Tạo (Phạm Quang Giai)
Đáy Địa Ngục (Tạ Tỵ)
Những Năm Tháng Cải Tạo Tại Miền Bắc (Trần Huỳnh Châu)
Cùm Đỏ (Phạm Quốc Bảo)
Những Sự Thực Không Thể Chối Bỏ (Đào Văn Bình)
Trại Kiên Giam (Nguyễn Chí Thiệp)
Tôi Phải Sống (LM.Nguyễn Hữu Lễ)
Trại Ái Tử và Bình Điền (Dương Viết Điền)
Cuộc Nổi Dậy ở Trại A20 (Phạm Văn Thành)
Vụ Án Vính Sơn (Trần Kim Định)
Trại cải tạo của CSVN sau năm 1975 (Truyện ngắn của Nguyễn Cao Quyền)
Trong lao tù cộng sản, Trại Đá Bàn & A30 (Nguyễn Thanh Ty)
Tắm Máu Đen (Võ Đại Tôn)
Đóa Hồng Gai (Nguyễn Thanh Nga)
Thép đen (Đặng Chí Bình)
Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày (TT.Thích Thiện Minh)
……….

Và hằng hà vô số các câu chuyện ngắn dài khác nhau được lần lượt kể lại trên các websites, báo chí hải ngoại. Nói chung, các câu chuyện đều là dạng hồi ký, kể lại những chuyện đã xảy ra trong một quãng thời gian ngắn hay dài. Nếu tất cả các cựu tù còn sống sót có thể kể lại các câu chuyện đau thương, cũng như cách đối xử dã man giữa con người với con người trong nhà tù cộng sản, thì sẽ không có bút giấy nào có thể ghi hết được. Đó là những câu chuyện của những cựu tù, những người sống sót còn mạng trở ra để kể lại.

Bên cạnh đó còn có vô số những câu chuyện “vô danh” khác của những người đã khuất, và kể cả những người vẫn còn bị giam hãm trong tù, tưởng chừng như sẽ không bao giờ được biết đến. May mắn thay, một trong số những câu chuyên “vô danh” đã được ông Nguyễn Khắc Toàn kể lại vào năm 2006. Đó là câu chuyện “
Về tù nhân Trương Văn Sương và những người tù khác”.

Theo lời kể lại của ông Nguyễn Khắc Toàn thì ông Sương là một người tù mà ông Toàn “cảm phục và quý mến nhất”, lại là một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quê ở chùa Dơi, tỉnh Sóc Trăng, bị bắt vào khoảng 1977-1978. Tính đến thời điểm câu chuyện được kể là năm 2006 thì ông Trương Văn Sương bị giam tại buồng 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà, đã ở tù “ngót 28 đến 30 năm ròng rã”. Như vậy cho đến hôm nay, thêm 3 năm nữa trôi qua, thì tổng số thời gian tù của ông có lẽ là hơn 31 năm! Ngoài ông Sương, bài viết còn nêu tên tuổi nhiều người tù chính trị khác vẫn còn bị giam lâu dài tại trại giam Nam Hà.

Trong khi đó,
theo lời kể của ông Phạm Văn Thành thì ông Sương bị giam tù cải tạo từ 1975 đến 1982, sau đó bị bắt giam trở lại vào năm 1984 trong vụ ông Trần Văn Bá từ Pháp trở về nước. Tháng 1/1985, CSVN xử tử hình các ông Trần Văn Bá, Hồ Thái Bạch, Lê Quốc Quân, và ông Sương lãnh nhận bản án chung thân. Như vậy, tính từ quãng thời gian từ năm 1975 đến nay là 34 năm thì ông Sương đã ngồi tù hết 32 năm, gồm 7 năm đầu và 25 năm hiện tại!

Thật khó mà hình dung được một con người lại có thể tồn tại trong những điều kiện sống khắc nghiệt của lao tù cộng sản một thời gian lâu đến như vậy, bởi vì nhà tù cộng sản còn tồi tệ hơn chuồng trại dành cho súc vật. Ngoài việc bị hành xác bằng lao động khổ sai, nặng nhọc người tù còn bị hành hạ tinh thần bằng những buổi “học tập, thảo luận” chính trị trong những giờ nghỉ cuối tuần. Đã vậy, diện tích giam cầm lại chật chội đến độ không có đủ chỗ nằm ngủ.

Chính vì những điều kiện sống như vậy dễ khiến người tù trở nên ích kỷ, khó chịu. Thế nhưng, con người của ông Sương, qua lời kể của ông Toàn là: “Anh Sương sống trong buồng giam rất gắn kết, hoà thuận với anh em, sống rất hiền lành chất phác, đa số các tù nhân chính trị người miền Nam họ đều biết đùm bọc, thương yêu nhau hết mực, giúp đỡ nhau rất nhiệt tình lúc hoạn nạn khó khăn, để cùng vượt qua nỗi cay đắng nhọc nhằn trong chốn lao tù”.

Vì bị gán tội “làm gián điệp”, cho nên vào mỗi dịp “kiểm điểm” hàng tháng, quý, năm, ông Sương cũng như các tù chính trị khác bị buộc phải viết bản kiểm điểm và “nhận tội”, nhưng ông Sương và những người tù án nặng ở buồng 6 không những không làm thế mà còn tố cáo luôn chế độ lao tù dã man, phi nhân và bản án bất công. Vì cầm đầu các cuộc đấu tranh, phản kháng trong tù, cho nên “không năm nào là anh Trương Văn Sương không bị đưa đi cùm và biệt giam trong buồng giam kỷ luật vài tháng. Sau mỗi lần như vậy anh Sương trở về buồng giam chung lại tiếp tục đấu tranh và lại tiếp tục bị đi cùm. Có những năm, anh Sương bị kỷ luật như vậy tới 2-3 lần”.
Trong những lần bị đánh đập, cùm chân như vậy, ông Sương đã nhiều lần hô to các khẩu hiệu mà ông Toàn vẫn còn nhớ rõ in: “Đả đảo CSVN đàn áp tù chính trị, các cán bộ công an có giỏi thì hãy bắn tôi đi,…. Trương Văn Sương này suốt đời chiến đấu cho lý tưởng tự do…”.

Hành động phản kháng mạnh mẽ như vậy đã làm cho các tù nhân, kể cả tù hình sự cũng phải nể phục, mà cũng khiến cho bọn cai tù dè không ít. Câu chuyện người tù bất khuất Truơng Văn Sương được các tù nhân, dù là tù hình sự hay tù chính trị đều truyền tụng, kể nhau nghe.

Ngoài ông Trương Văn Sương, còn có những người tù chính trị bị nhốt tù lâu năm đã được hai ông Phạm Văn Thành và Nguyễn Khắc Toàn nhắc đến là:
· Ông Vũ Đình Thụy: cựu sĩ quan BĐQ VNCH xuất thân Thủ Đức bị án 30 năm tù vì tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và “làm thơ phản động gởi ra nước ngoài”.
· Ông Phan Văn Bàn, bị án chung thân từ năm 1985. Tuổi ông Bàn nay trên dưới 70. Ông quê Quảng Ngãi, gia đình hiện ở Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
· Ông Trần Quang Đô
· Ông Bùi Thúc Nhu: bị án chung thân từ khoảng năm 1989. Quê Phú Yên, người xuất thân từ Đảng Đại Việt (Phú Yên).
· Ông Nguyễn Đình Văn Long (bị bắt khoảng năm 1985)
· Ông Trần Tư, về từ Hoa Kỳ, bị bắt 1993, án chung thân.

Năm nay đã bước vào năm thứ 10 của thế kỷ 21, một kỷ nguyên văn minh mà tưởng chừng nhân loại không còn nghĩ đến chuyện tù đày khổ ải trong nhà tù cộng sản nữa. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn tồn tại những tù nhân chính trị bị giam hãm lâu năm như ông Trương Văn Sương, và các bạn đồng tù tại trại giam Nam Hà, và đương nhiên còn có biết bao người tù chính trị “vô danh” khác hiện đang bị giam đâu đó trong hơn 80 trại tù lớn nhỏ rải rác trên khắp đất nước Việt Nam.

Xin vinh danh người tù bất khuất Trương Văn Sương, vì ông thật xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh hào hùng bất khuất của người lính Quân Lực Việt Nam Công Hòa đã chiến đấu vì lý tưởng tự do dân chủ.

Lê Minh
(Viết nhân ngày Quân Lực Việt Nam Công Hòa - 19/6/2009)



Nguồn tham khảo:

1/. Viết về tù nhân Trương Văn Sương và những người tù khác (Nguyễn Khắc Toàn):
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=1723

2/. Tù nhân Trương Văn Sương, một Nelson Madela của Việt Nam (Phạm Văn Thành):
http://www.dcvonline.net/php//modules.php?name=News&file=article&sid=1722

3/. Người Tù Trương Văn Sương: (Tưởng Năng Tiến)
http://danchimviet.com/articles/178/1/Ngi-Tu-Trng-Vn-Sng/Page1.html
-------------------------------------------------------------

Người Tù Trương Văn Sương
Tác Giả
Tưởng Năng Tiến
Đăng ngày 04.07.08
Sổ tay K'Tiến

Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm

Mày lang thang xứ lạ đến bao giờ? (Cao Tần)

Trong Chuyện Kể Năm 2000, Bùi Ngọc Tấn dành nhiều trang để viết về những người bạn tù - được phóng thích cùng khoảng thời gian với ông: Già Đô, Giang, Dự, Min, Dần… Họ đều không có hộ khẩu, không có thân nhân để nương tựa, và vô phương kiếm được một việc làm nên phải đi ăn xin, trộm cắp hay móc túi. Những nhân vật này, không bao lâu sau, đều lần lượt bị bắt trở lại hay chết giấm chết dúi ở một nơi nào đó - như trường hợp Già Đô:
“Già đi bới rác. Già lê la ở các cửa hàng mậu dịch, khách sạn. Dồn dịch những bát phở, vét đĩa, nhặt những mẫu bánh mì thừa... Rồi đến một ngày già không đi được nữa. Già thấy mình đang phiêu diêu... Già chọn cho mình chỗ nằm để phiêu diêu: Một ngôi đình đổ nát và bị bỏ quên... Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng. .. Thực là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ lùng. Chẳng nhớ được một điều gì, chỉ thấy mình đang tan đi và đang bay” ( Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ, 2000, 226-229).
Già Đô, rõ ràng, ra tù hơi (bị) sớm. Giá cứ ở lại trại giam thêm độ mươi hai mươi năm nữa, đến “thời mở cửa,” chắc chắc, ông đã không đến nỗi nằm chết cong queo vì đói lạnh - ở một nơi hoang phế như thế. Cuối thập niên 80, tình hình kinh tế ở Việt Nam thay đổi khả quan thấy rõ. Những đĩa thức ăn thừa, những bát phở cặn, những mẩu bánh mì dư rơi rớt ... (hẳn) đều chất lượng hơn - có thể nuôi sống được những kẻ đi ăn mày, ăn nhặt.
Tương tự, Giang, Dự, Min, Dần ...nếu được phóng thích chậm hơn - có lẽ - đã không đến nỗi đều lâm vào cảnh đường cùng. Vào thời buổi kinh tế thị trường, ở Hà Nội, bất cứ ai còn sức vóc cũng có thể làm phu cửu vạn – bất kể lý lịch của họ ra sao.

Tôi thực lấy làm tiếc vì những chuyện (không may) đã xẩy ra cho đám bạn tù của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tôi cũng vô cùng tiếc cho những bạn tù của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, một người tù khác, được phóng thích vào đầu năm 2006.

Xã hội thời mở cửa “dễ sống” như thế mà ngoài Nguyễn Khắc Toàn, tiếc thay, không còn ai khác được thả khỏi những trại giam. Và vì không có cơ hội để viết về đời sống của những kẻ cũng được phóng thích cùng lượt – như Bùi Ngọc Tấn, trong Chuyện Kể Năm 2000 – Nguyễn Khắc Toàn đã kể chuyện về đời sống trong tù và những người còn ở lại. Xin đọc chơi vài đoạn ngắn, trong một bài báo của ông, có tựa là “Viết Về Tù Nhân Trương Văn Sương Và Những Người Tù Khác,” được phổ biến vào giữa năm 2006:

” … trong số những người tù chính trị trên, tôi cảm phục và có quí mến nhất là người tù mang tên Trương Văn Sương quê ở Chùa Dơi tỉnh Sóc Trăng bị bắt vào khoảng những năm 1977-1978. Và tổng số thời gian ở tù của anh cũng đã ngót 28 đến 30 năm ròng rã… Anh đã từng là sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Nhưng đối với cán bộ quản giáo, công an và ban giám thị trại thì anh rất cứng rắn. Anh là một người tù chính trị không thể khuất phục được, một con người gang thép. Anh luôn dẫn đầu các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong lao tù. Chẳng hạn như đòi phải được phát báo Nhân dân hàng ngày đủ và đúng theo quy định của nhà nước, đòi phải được cấp phát đầy đủ khẩu phần thức ăn rau cơm theo đúng nội quy trại giam. Nhiều lúc cơm bị sống, rau chưa chín anh đã lên tiếng tranh đấu, đòi cán bộ phải cho người tù được đem đổi cơm, rau khác đã nấu chín lúc đó mới nhận cho anh em cả buồng. Có những lần, những chậu đựng thức ăn bằng nhôm bị dúm dó trông rất mất mỹ quan, anh cũng yêu cầu phải thay đổi cái khác mới hơn, đẹp mắt hơn và hợp vệ sinh làm cho cán bộ quản giáo và ban giám thị rất khó chịu, nhưng cuối cùng họ vẫn phải ra lệnh cho những tù hình sự là “tù tự giác” chuyên đưa cơm, rau cho tù nhân ở các buồng mang đi đổi cái khác…”

“Ban giám thị trại giam Nam Hà họ rất ngại và rất ít xuống thăm buồng số 6. Bởi vì đã nhiều lần họ xuống đây đã bị anh em tù chính trị miền Nam thẳng thừng la ó phản đối, quyết liệt chẳng e dè hay giữ mồm giữ miệng gì làm cho các cán bộ lãnh đạo rất bối rối và thật khó phản ứng, khó mà tranh luận với lý lẽ đáng thuyết lại được …”

“Họ kể rõ anh Sương bị gán ‘ tội gián điệp’ cứ mỗi lần kiểm điểm hàng tháng, quý, năm theo quy định của trại giam và ‘4 Tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù số 1269’ mang tính bắt buộc mọi tù nhân phải chấp hành của Bộ công an và cục V26 ngày 25-12-2002, thì anh và một số người khác đều phản kháng lại chế độ CS và ban giám thị trại bằng cách không viết nội dung nhận tội mà tố cáo luôn chế độ lao tù, tố cáo bản án bất công, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tự do dân chủ, tố cáo chế độ độc tài cộng sản Việt nam…Không bao giờ anh và những người tù án nặng ở buồng 6 viết bản nhận tội…”

”Cứ mỗi lần như vậy thì anh Sương đều là người đứng đầu đấu tranh và ban giám thị trại Nam Hà phải điều hàng chục binh sĩ và cán bộ công an xuống khoá tay, đưa anh đi cùm biệt giam ở nhà kỷ luật. Các tù nhân Trần Văn Tuấn, Vũ Văn Khiêm, Ngô Văn Phụng, Hoàng Đồng, Phạm Văn Viết, Vũ Hữu Huynh đều kể rằng: không năm nào là anh Trương Văn Sương không bị đưa đi cùm và biệt giam trong buồng giam kỷ luật vài tháng. Sau mỗi lần như vậy anh Sương trở về buồng giam chung lại tiếp tục đấu tranh và lại tiếp tục bị đi cùm. Có những năm, anh Sương bị kỷ luật như vậy tới 2-3 lần…”

“ Những người tù chính trị miền Nam ở buồng 6 phần lớn chống đối không lao động, anh Trương Văn Sương cũng ở trong số này. Và như vậy anh Sương ở trong buồng giam số 6 suốt hơn chục năm cứ thế trôi đi, cuộc đời của những người tù mòn mỏi, chết dần, chết mòn theo năm tháng. Những người tù trong cảnh ngộ như vậy chẳng khác nào như một con thú bị nhốt trong lồng cũi quanh năm với chút cơm, nước, rau để tồn tại ngắc ngoải…”

” Tôi đã từng ở những buồng biệt giam như thế này gần 2 năm, đó là thời kỳ ở trại B14 Thanh Liệt Hà nội 16 tháng và ở khu biệt giam kỷ luật, cùm chân phân trại III trại giam Nam Hà gần 4 tháng. Nên tôi biết rất rõ sự khắc nghiệt và khổ sở đến cùng cực của sự đày đoạ trong ngục tù như thế. Trong hoàn cảnh bị giam cầm khốc liệt như vậy, nếu người tù không chịu vận động, tự tập thể dục, tự đi lại thì chỉ sau một thời gian ở khu biệt giam này hầu hết sẽ bị liệt hai chân. Sau khi được ra khỏi khu biệt giam, muốn đi lại phải bám vịn vào tường, hoặc có người khác dìu, mất gần nửa năm trời mới đi lại bình thường được…”

“Buồng giam số 6 và khu giam đặc biệt buồng 17 nói trên có lắp camera quan sát, theo dõi mọi động tĩnh 24/24 giờ của tù nhân trong buồng”

“Chuyện kể năm 2006” của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, chắc chắn, khiến nhiều người… ... chưng hửng. Ủa, té ra, cuộc chiến vẫn chưa tàn sao? Những sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - như Trương Văn Sương và đồng đội của ông ở phòng 6, trại giam Nam Hà - vẫn chưa bao giờ chịu giải ngũ và chấp nhận ngưng chiến sao? Làm cách nào để họ có thể tiếp tục chiến đấu - liên lỉ , ròng rã hơn ba mươi năm qua - trong một hoàn cảnh sống khắc nghiệt, dã man và tàn bạo đến như vậy?

Xót xa và cảm khái vì sự bất khuất của những người bạn đồng cảnh, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, một cựu sĩ quan của quân đội CSVN - qua bài viết vừa dẫn - đã khẩn thiết kêu gọi:

“ … mong Đảng CSVN, nhà nước Việt Nam và Bộ công an thôi đi hãy đừng cố chấp, hãy đừng mong mỏi gì được mấy dòng chữ ‘tôi nhận rõ tội lỗi, thật thà ăn năn hối cải’ ở nơi anh Trương Văn Sương và nhiều người tù khác nữa theo "4 tiêu chuẩn 1269" vô hồn, vô nghĩa kia nữa. Mà hãy cao hơn thế là tình người, là lòng nhân đạo, là sự bao dung, là sự khoan dung và sự đại lượng…hãy thả vô điều kiện những người tù như anh Trương Văn Sương ra khỏi trại giam vì anh đã ở tù gần 30 năm là quá đủ rồi. Dù những người án tù nặng như anh Sương, anh Bàn, anh Thuỵ, anh Huy…Và rất nhiều người khác nữa, cho dù tất cả họ có được thả ra ngay thì tôi tin chắc rằng họ cũng không đe doạ nghiêm trọng đến sự sống còn của đảng và nhà nước CSVN hiện nay. Bởi vì,đa số họ đã quá già yếu và cùng lắm họ chỉ là những người có chính kiến, quan điểm, lập trường chính trị đối lập mãnh liệt với Đảng và nhà nước CSVN hiện nay như các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Dương Thu Hương, LM Nguyễn Văn Lý, Hoà thượng Thích Quảng Độ, chủ hội Phật giáo Hoà Hảo Lê Quang Liêm, LM Chân Tín, nhà văn Trần Mạnh Hảo, TS Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Hoàng Tiến, học giả Trần Khuê, GS Nguyễn Chính Kết, cựu trung tá Trần Anh Kim, một số trí thức trẻ như KS Đỗ Nam Hải, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Phan Thế Hải, hoạ sỹ Nguyễn Minh Thành, kể cả chính tôi nữa…"

Đúng như nhận xét của Nguyễn Khắc Toàn: ông Trương Văn Sương (và những bạn đồng đội ở phòng 6) đều là “những người có chính kiến, quan điểm, lập trường chính trị đối lập mãnh liệt với Đảng và nhà nước CSVN hiện nay.. .,” y như tất cả những nhân vật đấu tranh cho tự do dân chủ (nổi tiếng) vừa được nêu tên.
Chỉ có sự dị biệt đáng nói là họ chưa bao giờ được thế giới bên ngoài biết đến. Và đó là lý do họ đã và đang bị vùi dập thẳng tay bởi bạo quyền Hà Nội.

Khó mà biết được hiện còn bao nhiêu vị sĩ quan của QLVNCH - như trường hợp ông Trương Văn Sương - và bao nhiêu những phòng 6 (rực lửa) tương tự trong những trại giam, rải rác khắp Việt Nam. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng có vô số bạn đồng đội của họ hiện đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Bất cứ nơi đâu có đông người Việt tị nạn cộng sản quần tụ, cũng đều có (ít nhất) năm bẩy Hội Cựu Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau “Chuyện Kể Năm 2006” - của Nguyễn Khắc Toàn - hy vọng các hội đoàn này sẽ có những hoạt động tích cực hơn, và những bài diễn văn mà quí vị hội trưởng sẽ đọc hàng năm (nhân Ngày Quân Lực 19/ 6) cũng đỡ sáo rỗng hơn.


No comments: