Wednesday, June 10, 2009

TÔ HẢI CÓ HÈN KHÔNG ?

Tô Hải có hèn không?
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, June 09, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96253&z=7
Tôi đã đọc hết cuốn hồi ký của Nhạc sĩ Tô Hải. Hơi tiếc, vì ông viết ngắn quá; chỉ có hơn 500 trang giấy in. Vừa đọc vừa tiếc. Vì có lúc đang theo ông qua những đoạn đường, trong bụng chờ sắp được nghe ông kể tiếp một chuyện đang nói nửa chừng, thì ông lại nhảy sang chuyện khác. Tiếc, và trách tác giả không để thêm thời giờ kể rõ ngọn ngành cho người đọc biết thêm. Nhưng khi nghe Tô Hải giải thích trong cuộc phỏng vấn với Ðinh Quang Anh Thái (sắp đăng trên báo này) thì hiểu tại sao. Tô Hải không có ý kể câu chuyện cuộc đời mình. Ông bảo, trong cuốn sách này, “tôi chủ ý chỉ viết về cái hèn của tôi thôi.”

Như vậy thì hiểu được, vì tên cuốn sách đầy đủ là “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn,” như những lời thú tội về cái hèn của mình, một cái hèn đeo mãi trên một con người, kéo dài hơn nửa thế kỷ. Ðến năm gần tuổi 70, con người đó mới chợt thấy phải kể lại mình đã sống hèn như thế nào, và bắt đầu thú nhận.

Một điều cảm động, là tác giả muốn thú tội với thân phụ của ông trước hết. Vì trước khi ông bỏ nhà đi rồi gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 17 tuổi, cụ thân sinh đã bảo thẳng người con trai lớn đó là đã “bị Cộng Sản nó lừa.” Không những thế, cụ còn dọa mai mốt có trốn cộng Sản chạy về nhà thì cụ sẽ đuổi đi, không nhận làm con nữa. Cả cuộc đời hai lần Tô Hải mong được gặp lại cha mẹ và các em, một lần năm 1954 khi trở về Hà Nội, và lần sau năm 1975 khi tìm vào Sài Gòn.
Cuối cùng thì ông chỉ gặp lại cụ thân sinh trên những trang giấy của cuốn hồi ký này. Ông đã kể lại một đời sống cam tâm chịu hèn không phải của riêng ông mà còn bao nhiêu những người trí thức bị trói buộc trong guồng máy “chuyên chính vô sản” nên họ đành phải làm tay sai cho đảng Cộng Sản.

Cuốn hồi ký kể biết bao nhiêu câu chuyện như một bức bích họa cho thấy tấm thảm kịch đổ lên đầu dân tộc Việt Nam trong thế kỷ trước, nó hủy hoại nền tảng đạo lý trong xã hội và làm tê liệt lương tâm của từng cá nhân.

Tai họa đó là do cách cai quản con người đã được Stalin sáng chế và Mao Trạch Ðông biên cải cho thích hợp với văn hóa phong tục Á Ðông, rồi được Hồ Chí Minh hết lòng áp dụng nước ta. Ðó là một guồng máy kiềm thúc, cai quản, ràng buộc đó đã biến hàng triệu con người trở thành những tên hèn, ngay cả những người đóng vai kiểm soát những người khác.

Có một đoạn chúng ta không thể nào quên, là năm 1956 khi Tô Hải đi “liều mạng” trở về Thanh Hóa tìm “cứu đứa con trai.” Hai vợ chồng ông đều phải đi làm công tác văn nghệ với quân đội trong thời kháng chiến cho đến sau khi hòa bình, cho nên họ đã gửi đứa con thứ hai này cho ông bà ngoại nuôi. Ông kể,
“Gia đình vợ tôi chẳng có một tấc đất nào, nhưng bị đẩy lên... (hàng) địa chủ.”
Trong thời gian cải cách ruộng đất đó, các cố vấn đã chỉ thị mỗi làng phải có mấy phần trăm là địa chủ, mấy phần trăm là phú nông, bao nhiêu là trung nông, vân vân, đúng như tỷ số theo thống kê từ bên Trung Quốc đã làm. Nếu một làng không đủ người đúng tiêu chuẩn vào mỗi hạng thì những người ở hạng dưới được “đôn lên” hạng trên.
Nhưng thân phụ bà Tô Hải là cụ Nguyễn Ðăng Quỳ vốn không phải là địa chủ, cũng không phải người ở vùng quê Thanh Nghệ này. Ông đã đi theo Nam Bộ Kháng Chiến chống Pháp. Sau đó ông đã bỏ tất cả gia sản ở miền Nam đưa gia đình chạy ra Bắc, sống ở thành phố Vinh.

Tô Hải kể, “Khi Vinh bị tiêu thổ kháng chiến, ông mua một mảnh vườn sát chân núi Diễn Châu.”
Nhưng Ðội Cải Cách đã “lôi ông già ra đấu,” họ tra hỏi ông tại sao mua đất, làm vườn ở nơi không phải quê quán mình, “Có phải để bóc lột nông dân hay không?” Họ đặt ra những lời kết tội bịa đặt khác, mà tác giả viết, “Tất cả lý lẽ đưa ra chỉ nhằm mục đích chiếm bằng hết những gì có thể chiếm: Giường tủ, bàn ghế, quần áo, mâm đồng, chậu thau, bát đĩa, ấm chén,... Phải kiếm cho ra một cớ gì để trấn lột công khai. Tôi thì chụp cho (ông cụ) cái mũ ‘kẻ thù giai cấp’ là xong.”
Sau khi bị cướp mất hết, từ cái quần cho đến cái bát đã mẻ, cả gia đình cụ Nguyễn Ðăng Quỳ bị giam tại chỗ ở chân núi, chỉ còn cách sống bằng ăn rau, lá kiếm được trên núi, trong cánh đồng. Hình phạt này là cách bắt những người bị tố chết đói hoặc tự tử. Nhiều người đã tự tử.

Gia đình ông cụ có hai con trai và một con rể (tức Tô Hải) đi bộ đội đánh nhau với Pháp. Khi cụ ông bị đem đấu tố thì Tô Hải và một người con trai của cụ đều biết nhưng không ai dám về thăm bố. Họ phải “dứt khoát với kẻ thù giai cấp” để bảo toàn mạng sống của chính họ và gia đình nho nhỏ của họ.

Nhưng vợ chồng Tô Hải còn đứa con bé gửi ông bà ngoại, đứa bé cũng đang nằm trong “vòng vây của những ông bà nông dân.” Họ phải cứu lấy con! Tô Hải may mắn nhờ một người bạn cũ giúp, ông này là một cán bộ lớn thuộc Ðoàn Ủy Cải Cách Ruộng Ðất. Người bạn nhân danh chức vụ đó viết một tấm giấy ra lệnh tên địa chủ Nguyễn Ðăng Quỳ phải trả cho “Ông bộ đội Tô Ðình Hải” đứa con trai của ông đã gửi ở nhà tên địa chủ dù không có họ hàng thân thích gì hết.

Tô Hải kể, “Sáng sớm chưa rõ mặt người, tôi thấy bố vợ tôi mặt mày sưng vù, răng cửa rụng gần hết vì bị đánh, mang tới trụ sở một thằng bé, không, một cái xác trẻ con gầy guộc xám ngoét. Ðó là thằng con yêu quý của tôi. Nó chỉ còn thở thoi thóp sau bảy ngày chỉ sống nhờ những lá rau lang, mà ông bà ngoại ngắt về từ mấy luống khoai trồng trước nhà, mớm cho.... Tôi cắn răng ôm lấy con, không kịp nói một lời an ủi bố vợ. Vì các ông bà nông dân đã đuổi quầy quậy ngay sau khi ông trao trả cháu ngoại...”

Cảnh ông ngoại trả cháu cho bố nó mà không được dặn dò, thăm hỏi một câu; người con rể không dám nói một lời cảm ơn bố vợ; đó là hình ảnh người đọc không thể nào quên được.

Cả xã hội Việt Nam đã phải sống với nhau như vậy trong những năm “long trời lở đất” khi Hồ Chí Minh quyết tâm theo đường lối cách mạng của Mao Chủ Tịch. Chính Tô Hải đã soạn một bản nhạc ca tụng Hồ Chí Minh lấy nền dựa trên giai điệu của bài Ðông Phương Hồng mà bên Trung Quốc dùng để ca ngợi Mao Trạch Ðông!

Liệu ai trong chúng ta có can đảm hành động khác với Tô Hải trong khung cảnh đó? Có ai nhất định phải sống ngay thẳng, sống có đạo nghĩa, không chịu sống hèn hạ từ bỏ cả cha mình hay không? Không biết được. Người không sống trong guồng máy kìm kẹp tàn bạo của Stalin thì không thể biết mình sẽ ứng xử như thế nào cho xứng đáng làm người. Người bạn giúp Tô Hải tấm giấy giới thiệu cho đi “đòi con” chính anh ta sau này cũng bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản, và “khai trừ khỏi... mặt đất” khi bị thất sủng.

Nhưng chúng ta có thể biết chắc là nhạc sĩ Tô Hải không hèn. Ông đã dành hàng chục năm cuối của cuộc đời kể tội chính mình. Ông nằm trên giường bệnh nhưng vẫn vào mạng lưới Internet, trở thành người giữ blog lớn tuổi nhất Việt Nam, nêu gương sáng cho lớp thanh niên. Thông điệp ông gửi cho giới trẻ, cho đồng bào, cho cả những người từng là đồng chí của ông còn trong đảng Cộng Sản, là: Chúng ta không được phép sống hèn nữa. Thế giới đã thay đổi. Phải trở lại làm người!

Phải can đảm phi thường thì một người ở tuổi 83 mới làm được công việc đó. Nhất là trong lúc guồng máy di sản của Stalin và Hồ Chí Minh tuy đã xộc xệch sắp tàn nhưng vẫn còn ngự trị trên đất nước chúng ta. Tô Hải đã thú tội với thân sinh ông. Với nhạc phụ ông. Bao giờ thì những người trong cả guồng máy kìm kẹp trên cũng biết ăn năn thú tội?

No comments: