Monday, June 15, 2009

THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG SẼ ĐƯA TRUNG QUỐC VỀ ĐÂU ?

Tham vọng bành trướng sẽ đưa Trung Quốc về đâu?
Nguyễn Văn Huy
Đăng ngày 15/06/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3855
Những động vọng gần đây của Bắc Triều Tiên trong việc thử nghiệm bom nguyên tử ngầm dưới lòng đất và phóng nhiều hỏa tiễn tầm xa khiêu khích dư luận thế giới cho thấy có bàn tay tác động của Trung Quốc. Bắc Kinh rất muốn biết phản ứng của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Á khi có bất ổn.

Từ một vài năm trở lại đây, Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng bành trướng ra thế giới, đặc biệt là trên biển cả. Từ một lực lượng canh phòng duyên hải, hải quân Trung Quốc đang được trang bị những tàu chiến hiện đại để trở thành một lực lượng viễn dương có khả năng tiến ra các vùng biển sâu cạnh tranh sức mạnh với bất cường quốc hải quân nào.

Để bắt kịp sự chậm trễ của mình trên Biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm đoạt những hải đảo nằm trên những tuyến đường chiến lược hay có trữ lượng khoáng sản cao của những quốc gia yếu kém hơn: năm 1974 chiếm quần đảo Hoàng Sa, từ 1988 đến 1995 chiếm nhiều mõm đá và bãi san hô của Việt Nam và Philippines trong quần đảo Trường Sa. Gần đây, Trung Quốc còn muốn chiếm đảo Senkaku (Diaoyutai) của Nhật nằm giữa lằn ranh phân chia hải phận. Bản đồ lãnh hải của Trung Quốc đang được vẽ lại với một chiều rộng lan tới vùng biển Đông Nam Á, cách lục địa Trung Quốc hơn ba ngàn cây số chim bay về phía nam.

Tham vọng bành trướng này không dừng ở đó, ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc còn muốn tranh giành quyền bá chủ trên các đại dương. Bắc Kinh đã không ngần ngại dành cho hải và không quân một ngân sách khổng lồ để trang bị các phương tiện tác chiến hiện đại. Để có thể hiện diện tại khắp nơi, Bắc Kinh đang ráo riết xây dựng ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải trong một thời gian kỷ lục, với ba hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ, đủ khả năng di chuyển xa trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đang thương lượng với các chính quyền Indonesia, Miến Điện và Pakistan để xây dựng những trạm radar và căn cứ hải quân tiếp tế các loại tàu thuyền của họ qua lại trong vùng.

Mặc dù không bị một đe doạ nào, Bắc Kinh cũng đang gấp rút tăng cường khả năng tác chiến trên biển cả. Để thay thế các loại tàu ngầm cấp Hạ (Xia) còn tốt, ban lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã đưa vào hoạt động các loại tàu ngầm cấp Tấn (Yin) tối tân hơn, và để thay thế tàu ngầm tấn công cấp Hán (Han), họ đang gấp rút đóng loại tàu ngầm bắn phi đạn liên lục địa cấp Thương (Shang). Chỉ riêng loại tàu ngầm cấp Thương, Bắc Kinh dự trù sản xuất từ 2010 đến 2015 khoảng 50 chiếc, nâng tổng số tàu ngầm tấn công trên 100 chiếc. Nhiều quân cảng tàu ngầm được xây dựng tại Bắc Hải (Thanh Đảo), Đông Hải (Thượng Hải) và Nam Hải (Hải Nam).

Cố gắng bành trướng ra biển cả này, theo những tuyên bố từ Bắc Kinh, là để bảo vệ những đường tiếp tế chiến lược về năng lượng và hàng hoá xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Tại sao phải bảo vệ bằng quân sự? Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan là những cường quốc kinh tế, cũng rất cần năng lượng và xuất nhập khẩu hàng hoá nhưng không quốc gia nào muốn làm bá chủ những đường tiếp liệu chiến lược này. Thêm vào đó không một quốc gia nào có hành vi xâm chiếm lãnh hải và hải đảo của những quốc gia khác, trừ Trung Quốc.

Tham vọng bành trướng ra biển cả của Trung Quốc hiện nay có nhiều trùng hợp với những động vọng của quân phiệt Nhật trong thập niên 1930: muốn đọ sức với Hoa Kỳ để giành quyền bá chủ trên các đại dương. Đủ khả năng hay là chuyện khác, niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc quá lớn để có thể có một thái độ khiêm nhường về khả năng của chính mình. Trước kia, chế độ quân phiệt Nhật có thực lực về quân sự, kỹ thuật và tài chánh, họ không vay mượn của ai. Trong khi hiện nay, Bắc Kinh phải mua gần như tất cả những bằng sáng chế vũ khí hiện đại thế hệ n-1 của Nga, nghĩa là lúc nào cũng thua Nga một bước. Để che lấp sự yếu kém này, Bắc Kinh gia tăng một cách không bình thường số lượng tàu ngầm tấn công ; vấn đề là tất cả mọi di chuyển của những tàu ngầm này đều bị hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản phát giác và hô hoán ; một cách gián tiếp chúng có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Do đó, nếu tham vọng bành trướng này cứ tiếp tục, Trung Quốc sẽ kiệt quệ và sụp đổ như Liên Xô vì không thể đua tài trên một sân chơi mà mình không có khả năng sáng tạo và nguồn hỗ trợ tài chánh lâu dài. Đừng quên sự phát triển của Trung Quốc hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu.

Ngược lại, sức mạnh của Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ phương Tây không dựa vào vũ khí mà trên ý kiến và sáng kiến, đây là nguồn tài nguyên bất tận chỉ những xã hội thật sự dân chủ mới có. Nhờ có tự do, các xã hội dân sự không bị sơ cứng, lúc nào cũng sẵn sàng phát huy sáng kiến mới để tạo ra của cải và tiền bạc. Qua nguồn thuế thu được từ các xã hội này, các chính quyền phương Tây có điều kiện để giữ vững về lâu về dài sức mạnh và sự giàu có của mình. Trong các chế độ độc tài, xã hội dân sự bị bóp nghẹt, chính quyền chỉ có thể trông cậy vào chính họ để áp đặt những biện pháp truy thu tài chánh, nhưng khả năng không thể kéo dài.

Ước muốn canh tân lực lượng hải quân của Trung Quốc cũng khuyến khích một phong trào chạy đua võ trang qui mô tại Đông Á và Đông Nam Á. Ngân sách quốc phòng của các quốc gia trong khu vực tăng cao một cách không bình thường. Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan đang thay thế toàn bộ máy bay và tàu chiến thuộc thế hệ 1990 bằng thế hệ 2000, như các loại máy bay F-2, F-22, F-35 của Mỹ, tàu ngầm không tiếng động và tàu chiến loại tàng hình. Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan cũng đang tân trang lại kho vũ khí. Riêng Việt Nam còn được Hoa Kỳ và Nhật Bản đề nghị giúp đỡ quốc phòng một cách đặc biệt, nếu biết khai thác.

Những phô trương quân sự gần đây của Trung Quốc chỉ hù doạ được những chính quyền độc tài không có hậu thuẫn quốc tế. Những hành động gây hấn trên Biển Đông nhằm uy hiếp các tàu thuyền dân sự của Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á khác chỉ tăng cường quyết tâm bao vây Trung Quốc của Hoa Kỳ thêm cứng rắn.

Nguyễn Văn Huy
© Thông Luận 2009


No comments: