Hãy đốt tôi đi!
Hoàng Ngọc Tuấn
Sydney, 6/2009
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=9E86DF09CE695D6B6AF560394EB9DE4A?action=viewArtwork&artworkId=8823
... Ich befehle euch, Verbrennt mich!
(... Tôi ra lệnh cho quý vị: Hãy đốt tôi đi!)
BERTOLT BRECHT
Thử hỏi: “Có bao giờ bạn muốn tác phẩm của bạn bị đốt cháy thành tro bụi?”
Thông thường câu trả lời hẳn là: “không bao giờ”, trừ khi bạn thật sự thất vọng với tác phẩm của bạn đến nỗi bạn không muốn thấy nó nữa, bạn muốn xoá hẳn nó ra khỏi cuộc sống văn chương của bạn.
Tất nhiên, cũng có trường hợp hiếm hoi như Franz Kafka, mặc dù có lẽ ông đã không thất vọng tột cùng với những tác phẩm của mình. Chỉ không hài lòng lắm với chúng, ông vẫn nhờ người bạn thân thiết của ông là Max Brod đốt giùm tất cả những tác phẩm mà ông chưa xuất bản. Thế nhưng, khi nhờ Brod làm giùm điều đó, có lẽ Kafka không dứt khoát muốn điều đó xảy ra.
Lý do là:
1. Kafka có thể tự tay đốt những tác phẩm của mình, nhưng ông đã không làm thế.
2. Nếu Kafka không muốn chứng kiến cảnh tượng ngọn lửa đốt tan những tác phẩm của mình, ông có thể nhờ bất cứ ai khác, chứ không phải Brod, đốt giùm. Chính Brod cũng nghĩ như thế: “Đáng lẽ Franz phải chỉ định một người khác làm điều này nếu ông khẳng định một cách tuyệt đối và tối hậu rằng những di chỉ của ông phải được thực hiện.”[1]
3. Kafka viết vào di chúc lời nhắn nhủ rằng Brod hãy đốt giùm tất cả những tác phẩm chưa xuất bản của ông nhưng, hơn ai hết, Kafka biết rõ rằng chính Brod là người yêu thích tác phẩm của ông đến dường nào. Brod là người bạn đã liên tục suốt đời cổ vũ và xiển dương Kafka mỗi khi Kafka hoài nghi vào chính tài năng văn chương của mình.
Nói tóm lại, Kafka không thật sự hài lòng với những tác phẩm chưa xuất bản của mình, nhưng cũng không đến nỗi chán ghét chúng. Vì thế, ông vừa muốn đốt chúng đi, lại vừa luyến tiếc, và ngầm hy vọng rằng có thể Brod sẽ bất tuân cái di chúc của ông mà giữ lại cho ông.
Tôi thử bổ sung câu hỏi trên đây một chút xíu: “Có bao giờ bạn muốn tác phẩm đắc ý nhất của bạn bị đốt cháy thành tro bụi?”
Trong tuyệt đại đa số trường hợp trên thế gian này, câu trả lời chắc chắn là “không bao giờ”.
Thế nhưng, điều này đã thật sự xảy ra: một nhà văn kiêm thi sĩ kiêm kịch tác gia nổi danh đã đòi hỏi những tác phẩm đắc ý của ông phải bị đốt đi. Người ấy tên là Oskar Maria Graf. Sự kiện diễn ra như thế này:
Ngay sau khi lên nắm chính quyền nước Đức vào năm 1933, một chiến dịch đốt sách được phát động rầm rộ, và cuộc đốt sách (Bücherverbrennung) đầu tiên được thực hiện tại quảng trường Opernplatz (bây giờ gọi là Bebelplatz) ở Berlin ngày 10 tháng Năm, 1933. Hôm đó, đám thanh niên Nazi trẻ phối hợp với quân xung kích “áo nâu” S.A. đã đốt khoảng 20 ngàn cuốn sách.
Cuộc đốt sách ấy đã gây chấn động khắp thế giới. Hai ngày sau, chính phủ Đức quốc xã công bố danh sách những tác giả cần phải bị loại trừ khỏi nước Đức. Trong danh sách đó, không có tên của Oskar Maria Graf (lúc ấy đã là tác giả của hơn 20 cuốn sách thơ, tiểu thuyết và kịch bản). Đức quốc xã bỏ sót tên của ông! Điều này khiến ông vô cùng phẫn nộ. Ông viết và tung ra ngay một bức thư ngỏ dữ dội dưới nhan đề “Verbrennt mich!” (Hãy đốt tôi!), đăng trên báo Arbeiterzeitung ngày 12 tháng Năm, 1933, ở Vienna, nơi ông đang sống lưu vong. Trong bức thư ngỏ có những lời:
“Tôi đã làm gì để nhận lãnh sự nhục nhã này? Chế độ đó đã chối từ hầu như tất cả những đại biểu văn chương của Đức, xua đuổi những nhà văn tuyệt vời nhất của Đức vào chốn lưu đày, và cấm đoán những tác phẩm của họ. Nó đã hành hạ, giam giữ, tra tấn, giết hại, hay áp bức những người bạn của tự do vào chỗ phải tự sát. Giờ đây, nó xem tôi như một đại diện của cái tinh thần đó. Cả đời tôi và toàn bộ văn chương của tôi cho tôi cái quyền đòi hỏi rằng những cuốn sách của tôi phải được hoả thiêu trên những ngọn lửa tinh khiết, thay vì rơi vào những bàn tay đẫm máu của bè lũ sát nhân...”[2]
Bức thư ngỏ của Oskar Maria Graf gây xúc động mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ Bertolt Brecht, khiến nhà thơ viết bài thơ sau đây để diễn tả sự cuồng nộ của Oskar Maria Graf:
Đốt sách [3]
Khi Chế Độ ra lệnh những cuốn sách chứa đựng những kiến thức nguy hiểm
Phải bị đốt trước mặt công chúng, và khắp nơi
Những con bò mộng bị cưỡng bách kéo những xe đầy sách
Đến giàn hoả thiêu,
Thì một nhà thơ lưu vong, một trong những nhà thơ lớn nhất,
Nghiên cứu danh mục những cuốn sách bị đốt
Và cuồng nộ phát hiện rằng những cuốn sách của ông đã bị bỏ quên.
Ông lao như bay đến bàn viết trong cơn giận dữ
Và viết một bức thư ngỏ cho những kẻ đang cầm quyền.
Hãy đốt tôi đi, ông viết vội vã, hãy đốt tôi!
Đừng đối xử với tôi theo kiểu này. Đừng chừa tôi ra.
Chứ chẳng phải tôi đã luôn luôn nói lên sự thật trong những cuốn sách của tôi?
Và bây giờ quý vị lại đối xử với tôi như một tên dối trá!
Tôi ra lệnh cho quý vị:
Hãy đốt tôi đi!
Năm sau đó, 1934, tất cả sách của Oskar Maria Graf bị chính thức cấm lưu hành ở Đức.
*
Ôn chuyện người mà gẫm chuyện ta.
Tháng 3, 2007, trong bài “Vài suy nghĩ về ‘cây thơ’ Thanh Tâm Tuyền trên sân Văn Miếu”, tôi có nhấn mạnh:
“Cây thơ Thanh Tâm Tuyền” có ý nghĩa gì, khi tiểu sử của nhà thơ bị cắt xén, bóp méo? Khi những phẩm tính đẹp đẽ của nhà thơ bị gọt bỏ? [...] Khi nhà thơ bị sử dụng như son phấn để trang điểm tạm bợ cho một đường lối chính trị mà suốt đời nhà thơ đã không hề thoả hiệp?
Khi viết những lời ấy, tôi tin chắc rằng:
1. Nếu lúc ấy Thanh Tâm Tuyền còn sống ở Việt Nam hay đang lưu vong ở Mỹ, thì không bao giờ có “cây thơ Thanh Tâm Tuyền” ở sân Văn Miếu. Nhà Nước chỉ cho phép công khai nhắc đến tên của những nhà văn, nhà thơ ngoài “chính thống” đã chết rồi, và lúc ấy Thanh Tâm Tuyền đã qua đời đã được một năm. Việc nhắc đến tên tuổi của ông sẽ làm cho bộ mặt của chế độ có vẻ bao dung, nhân đạo.
2. Nếu lúc ấy Thanh Tâm Tuyền còn sống ở Việt Nam hay đang lưu vong ở Mỹ, và được người ta dựng “cây thơ Thanh Tâm Tuyền” ở sân Văn Miếu, thì ông sẽ cảm thấy nhục nhã y như Oskar Maria Graf cảm thấy khi phát hiện rằng sách của mình không bị đốt. Thanh Tâm Tuyền, cũng đau đớn như Oskar Maria Graf, khi bị xem là thoả hiệp với nền chính trị mà suốt đời ông không chấp nhận, và cũng là nền chính trị đã đày đoạ ông suốt 7 năm tù cơ hàn, khốn khổ.
Nói thẳng ra, một nhà thơ lớn như Thanh Tâm Tuyền không cần những trò vinh danh vặt vãnh như vậy để tồn tại. Ngay cả sau khi ông qua đời, nếu không một bài báo nào ở Việt Nam nhắc tên ông cho đến năm mươi năm nữa, thì ông sẽ vẫn còn sống, vì thơ của ông sẽ vẫn còn sống vững vàng như một tảng đá góc của văn học Việt Nam hiện đại.
Tất nhiên, tôi không hề phản đối những người vì thật lòng yêu thơ Thanh Tâm Tuyền nên muốn nhắc tới ông hay muốn tìm cách vinh danh ông. Tôi cho rằng các bạn nên làm điều đó, nhưng vấn đề là các bạn phải làm như thế nào để khỏi làm nhục tên tuổi của Thanh Tâm Tuyền. Các bạn phải làm như thế nào để không rơi vào cái bẫy chính trị dối trá: dùng tên tuổi của ông để tô điểm cho một chế độ mà chính ông đã suốt đời từ khước. Các bạn phải nói đến Thanh Tâm Tuyền đúng như Thanh Tâm Tuyền: một nhà thơ lớn của đất nước, một người tù của lương tâm (prisoner of conscience), một nạn nhân của một chế độ độc tài. Các bạn không nên sửa đổi tiểu sử của ông để làm vừa lòng nhà cầm quyền. Các bạn không nên lợi dụng tài năng lớn của ông để làm son phấn cho một nền văn chương mà ông không bao giờ muốn mặc chung một bộ đồng phục. Các bạn không được quyền giả vờ ca ngợi tài năng của ông để chứng tỏ sự khoan hồng, sự ban ân bố đức của chế độ đối với ông. Thanh Tâm Tuyền không cần sự khoan hồng đó, không cần sự ban ân bố đức đó, vì đó chính là điều hạ nhục phẩm tiết của ông.
Nghe nói có một sinh viên đã làm luận văn tốt nghiệp về thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi cảm thấy lo lắng. Sinh viên ấy đã viết những gì về thơ Thanh Tâm Tuyền để kiếm đủ điểm tốt nghiệp? Có phải sinh viên ấy đã đặt Thanh Tâm Tuyền vừa vặn vào cái khuôn hợp lệ sẵn có, một cái khuôn mà cán bộ giảng dạy và sinh viên đều cảm thấy an toàn cho sự nghiệp của họ?
*
Tình trạng văn học Việt Nam hôm nay làm sinh ra hai hành vi đạo đức khác nhau cho hai vị trí khác nhau của những người làm văn chương:
Một đằng là hành vi đạo đức của những nhà văn đang ở trong “chính thống”. Trừ những kẻ sẵn sàng vất bỏ danh tiết để làm công bộc cho nhà cầm quyền, những người còn có lương tâm, còn biết tôn trọng sự công bình và trung thực, không thể hùa theo nhà cầm quyền để tiếp tục giả vờ không biết đến sự tồn tại của những nền văn chương ở ngoài “chính thống” (tức là nền văn chương Miền Nam trước 75, nền văn chương “ngoài luồng” ở Miền Nam sau 75, và nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại). Họ biết đến sự tồn tại của của những nền văn chương ấy, và họ thấy cần phải nói đến những nền văn chương ấy một cách đúng đắn.
Một đằng là hành vi đạo đức của những nhà văn đang ở ngoài “chính thống”. Họ không bao giờ nên mong đợi bất cứ sự công nhận nào từ nền văn chương “chính thống”. Họ không bao giờ nên thoả hiệp hay để cho mình bị đồng hoá với một nền văn chương mà cái chế độ đang làm chủ nó vẫn là cái chế độ sai lầm mà họ đã từ khước.
Nói một cách cụ thể, những nhà văn ở ngoài “chính thống” phải kêu lên: “Hãy đốt sách chúng tôi! Vì chúng tôi không bao giờ thoả hiệp với quý vị!” Trong khi đó, những nhà văn đang ở trong “chính thống” phải kêu lên: “Đừng đốt sách của họ! Vì họ là một phương diện không thể thiếu của nền văn chương Việt Nam!”
Hai lời tuyên ngôn này nghe rất mâu thuẫn nhau nhưng, ở hai vị thế và hoàn cảnh khác nhau, cả hai đều là tiếng nói của lương tâm, của sự công bình, trung thực và dũng cảm.
Sydney, 6/2009.
_________________________
[1]Hậu từ của Max Brod trong ấn bản đầu tiên của cuốn Vụ Án (Der Prozeß, 1925), xuất bản sau khi Kafka mất.
[2]Bản dịch tiếng Anh được đăng trong bài báo “Wants His Books Burned,” in trên tờ New York Times, 13 May 1933, trang 4, cột thứ tư.
[3]Nguyên tác: “Die Bücherverbrennung”, trong Bertolt Brecht, Werke. Große kommentierte Berliner und Frankfurter Ausgabe. Band 12: Gedichte 2 (Frankfurt am Main: Suhrkamp Verlag, 1988).
No comments:
Post a Comment